Vì sao Tuyên bố Việt - Trung lần đầu nhắc về 'nhân quyền, cách mạng màu'?

06 Tháng Mười Một 20228:21 CH(Xem: 3462)

VĂN HÓA ONLINE – THẾ GIỐI HÔM NAY 2 – THỨ HAI 07 NOV 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Vì sao Tuyên bố Việt - Trung lần đầu nhắc về 'nhân quyền, cách mạng màu'?


Bùi Thư


BBC 5/11/2022

image007

Việt Nam và Trung Quốc ra tuyên bố chung sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh được truyền thông hai bên cơ ngợi là "thành công tốt đẹp" và mang "tính lịch sử".


Đáng chú ý, dường như đây là lần đầu tiên hai nước cộng sản đề cập chống "chính trị hóa" nhân quyền trong tuyên bố chung.


Sau khi về tới Hà Nội hôm 1/11, ông Trọng gửi Điện cảm ơn gửi ông Tập Cận Bình: "Tôi và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam hết sức hài lòng về kết quả phong phú của chuyến thăm" và "tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần định hướng lâu dài cho quan hệ hai Đảng, hai nước".


Tuyên bố đề cập 'nhân quyền'


Hai nước cũng công bố Tuyên bố chung, theo đó, tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.


So với tuyên bố chung năm 2015 và 2017, tuyên bố chung năm 2022 sau chuyến thăm của vị Tổng Bí thư 78 tuổi có điểm khác biệt khi đề cập việc Trung Quốc và Việt Nam thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực chống khủng bố, chống "diễn biến hòa bình", "cách mạng màu".


Bên cạnh đó, hai nước cũng nhấn mạnh "hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền, không chính trị hóa vấn đề nhân quyền".


Khi đọc lại Tuyên bố chung năm 2015 và 2017, độc giả không tìm thấy chữ 'nhân quyền', hay 'cách mạng màu' trong hai văn bản này.


Việc "không chính trị hóa vấn đề nhân quyền" dường như là cách tiếp cận chủ đạo của Trung Quốc khi đứng trước những lên án của quốc tế về việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ tại khu vực Tân Cương, cũng như cách xử lý các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.


Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 4/11, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) khu vực châu Á cáo buộc Việt Nam sẽ thành "đối tác cấp dưới cho chính phủ Trung Quốc tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc."


"Không nghi ngờ gì về việc Hà Nội sẽ bỏ phiếu theo mong muốn của chính phủ Trung Quốc tại Hội đồng Nhân quyền, và sẽ vui vẻ đóng vai trò đối tác cấp dưới của Trung Quốc trong nỗ lực phá bỏ các nguyên tắc của luật nhân quyền quốc tế và nỗ lực thực thi hiệu quả các luật đó."


Việt - Trung gần gũi khi nói về nhân quyền


Không ít người cho rằng phản đối chính trị hóa nhân quyền là bàn cờ mà Trung Quốc sửa soạn trong tương lai, với trật tự thế giới hiện hành sẽ bị bóp méo để đi đôi với lợi ích của Trung Quốc.


Tuyên bố chung của Việt Nam và Trung Quốc đề cập tới nhân quyền cũng được cho là một trong những bước tính toán của Trung Quốc kéo Việt Nam vào guồng xoay mới đó.


Theo ông Phil Robertson, đáng quan tâm là việc hai nước nói về phối hợp chống diễn biến hòa bình và cách mạng màu - điều chưa bao giờ có trong các tuyên bố chung năm 2015 hay 2017.


Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) khu vực châu Á nhận định:


"Đây đích xác là điều chúng ta đoán trước được từ hai quốc gia độc đảng, vốn hành xử lộng hành trong vấn đề nhân quyền như thế này. Cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh đều xem tự do cá nhân và việc thực hiện các quyền dân sự và chính trị cơ bản là mối đe dọa cốt tử đối với quyền lực chính trị của họ."


"Đó là lý do vì sao cả hai nước rất tập trung vào việc ngăn chặn bất kỳ hình thức "diễn biến hòa bình" hoặc "cách mạng màu" nào."


Ông Phil Robertson nhận xét ngụ ý sâu xa của tuyên bố chung là giữa lãnh đạo hai nước Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điều để gắn kết hơn là bị chia rẽ.


"Tôi cho là tuyên bố Hà Nội đưa ra rằng họ đang giữ vị thế trước một Trung Quốc bá quyền thực sự chỉ là để gắng xoa dịu tâm lý bài Trung của công chúng Việt Nam."


"Chính phủ Việt Nam thường xuyên dối trá về hồ sơ nhân quyền khủng khiếp của mình, và bây giờ Việt Nam còn đi xa hơn, qua việc tuyên bố rằng, bằng cách nào đó, Trung Quốc và Việt Nam sẽ bắt tay để phát triển nhân quyền hơn nữa. Đó là chiêu trò và chúng ta không nên bị lừa phỉnh."


"Việt Nam và Trung Quốc đã tạo ra một hiệp ước để tiếp tục làm suy yếu việc tôn trọng nhân quyền ở cả hai quốc gia. Bất kỳ cách giải thích nào khác chỉ đơn giản là ngây thơ và thể hiện sự thiếu hiểu biết về cách thức hoạt động thực sự của hai Đảng Cộng sản này," ông Phil Robertson kết luận.


Ông Phil Robertson cũng cho rằng hai nước có "sự giống nhau về các hành vi lạm dụng nhân quyền giữa hai chính phủ, và Việt Nam muốn sao chép thành công của Bắc Kinh trong việc đóng cửa mọi hình thức tự do ngôn luận trên Internet."


Ông Phil Robertson nhận xét ông không vui mừng khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ vừa qua.


"Đáng buồn thay, tôi phải dự đoán rằng, quyền của người dân trên toàn thế giới sẽ bị ảnh hưởng vì sự suy yếu hơn nữa hiện đang diễn ra của Hội đồng Nhân quyền từ việc các chính phủ khác thất bại trong việc nhìn thấu được luận điệu hai mặt của Việt Nam," ông Phil Robertson nhận định.

image009

Chiến lược 'Chống chính trị hóa nhân quyền' của Trung Quốc


Hợp tác về nhân quyền, chống chính trị hóa nhân quyền vốn là một trong những chiến lược chủ đạo của Trung quốc trong những năm vừa qua khi tiếp cận vấn đề nhân quyền.


Trước đây, Trung Quốc thường ở thế bị động khi bị quốc tế lên án, bằng chứng là sau đó, Bộ ngoại giao Trung Quốc phải tổ chức họp báo bác bỏ, còn phái đoàn LHQ thì cố gắng giảm những thiệt hại về vấn đề nhân quyền.


Tuy nhiên, những năm gần đây, vị thế của Trung Quốc - nền kinh tế thứ hai thế giới mạnh lên nhiều và nước này dẫn có chân trong các thể chế toàn cầu mà được thành lập ra sau Thế chiến thứ 2 và vốn được Mỹ và Tây phương dẫn dắt.


Trung Quốc có vẻ chiếm thế thượng phong và Bắc Kinh đã không còn ở thế bị động mà đã tận dụng được những thiết chế đó để mang lại lợi ích cho mình.


Hôm 6/10 vừa qua, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã bác đề xuất thảo luận về tình hình Tân Cương với 19 phiếu chống và 17 phiếu ủng hộ.


Đây được xem là chiến thắng của Trung Quốc và thất bại của phương Tây khi có thể loại vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ra khỏi chương trình nghị sự của một cơ quan thúc đẩy các giá trị phổ quát về nhân quyền.


Chụp lại video,


Trung Quốc tách trẻ em ra khỏi cha mẹ ở Tân Cương


Bắc Kinh đưa tuyên bố về sự kiện này, nói vấn đề liên quan đến Tân Cương không phải là nhân quyền mà là để "chống lại chủ nghĩa khủng bố bạo lực, cực đoan hóa và chủ nghĩa ly khai.


Nhờ những nỗ lực không ngơi nghỉ, hơn 5 năm liền ở Tân Cương không xảy ra vụ khủng bố bạo lực nào, trích thông cáo của Bộ ngoại giao Trung Quốc.


Thông cáo lần nữa lên án việc "chính trị hóa nhân quyền" và áp đặt "tiêu chuẩn kép" đối với Trung Quốc và kết luật "những nỗ lực sử dụng các vấn đề liên quan đến Tân Cương để kìm hãm hoặc kiềm chế Trung Quốc sẽ chẳng đi đến đâu".


Như vậy, về cơ bản, Bắc Kinh đã thành công trong việc gây áp lực với nhiều nước - chủ yếu bằng đòn trả đũa kinh tế - nhằm ngăn chặn họ bỏ phiếu ủng hộ đề xuất thảo luận về Tân Cương nói riêng và đi theo đường hướng "phi chính trị hóa nhân quyền".


Đơn cử, tháng 7/2019, hai liên minh các quốc gia đã gửi tới UNHRC về các chính sách Tân Cương của Trung Quốc - một bên chỉ trích Trung Quốc về việc giam giữ quy mô lớn trong khi liên minh còn lại phản đối "chính trị hóa các vấn đề nhân quyền" và ủng hộ các nỗ lực chống khủng bố của Trung Quốc.


Tháng 8/2020, Trung Quốc được bổ nhiệm vào một ghế trong Nhóm Tư Vấn có ảnh hưởng của Hội đồng Nhân Quyền LHQ.


Chưa kể, nước này đã từng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) từ năm 2006 đến 2009, 2010 đến 2012, 2014 đến 2016 và 2017 đến 2019.


Trái với những nỗ lực lập pháp của Hoa Kỳ nhằm yêu cầu Trung Quốc có trách nhiệm hơn trong các vấn đề nhân quyền, chính quyền Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hội đồng Nhân Quyền LHQ vào tháng 6/2018.


Ted Piccone, một thành viên nghiên cứu tại Viện Brookings, viết: "Trung Quốc và các đồng minh của họ đang lấp đầy các chỗ trống quyền lực và làm vô hiệu hóa, nếu không thì sẽ là tái định nghĩa về cơ bản các quy tắc cốt lõi của nhân quyền toàn cầu theo thời gian".


image011Nguồn hình ảnh, Getty Images. Các vụ Trung Quốc bị cáo buộc ngược đãi người Uyghur ở Tân Cương đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn cầu


Hồi tháng 9/2022, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền của LHQ cho ra báo cáo về những cáo buộc việc lạm dụng, ngược đãi ở tỉnh Tân Cương.


Chính bà Bachelet cũng thừa nhận mình phải chịu "áp lực rất lớn về việc công bố hay không công bố" bản báo cáo.


Và ngay cả trong những giờ phút cuối cùng trước khi báo cáo được công bố, Trung Quốc đã gây áp lực buộc bà Bachelet không được tung ra báo cáo này.


Cuối cùng, báo cáo được công bố vào ngày làm việc cuối cùng của bà Michelle Bachelet sau bốn năm bà ở Cao ủy Nhân quyền của LHQ.


Cây bút Kristine Lee cảnh báo trên trang Foreign Affairs rằng về lâu dài, "Nếu Bắc Kinh thành công trong việc trang bị lại LHQ theo đúng mục đích của mình, Trung Quốc sẽ không giống phần còn lại của thế giới mà phần còn lại của thế giới sẽ trở nên giống Trung Quốc hơn."


Ông Phil Robertson phân tích với BBC:


"Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng phá vỡ nguyên tắc nhân quyền quốc tế và việc áp dụng điều này một cách có hệ thống trong các cơ chế của LHQ, bắt đầu từ Hội đồng Nhân quyền LHQ và văn phòng của Cao ủy LHQ về nhân quyền."


"Đây là một phần trong nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm làm mất tính ổn định trật tự quốc tế hiện có và gây xáo trộn trật tự đó để được lợi phần mình. Như người dân Tân Cương đã biết, chính phủ Trung Quốc sẽ không mảy may để xảy ra biến động gì trong chiến dịch diệt trừ những lo ngại về nhân quyền nếu Bắc Kinh tin rằng làm như vậy sẽ thúc đẩy lợi ích của chính họ hơn nữa," ông Phil Robertson nói.


++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM MỤC TÀI LIỆU:


Bắc Kinh 31/10/2022 - Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc


https://nhandan.vn/tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-ve-viec-tiep-tuc-day-manh-va-lam-sau-sac-hon-nua-quan-he-doi-tac-hop-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-trung-quoc-post722756.html