VĂN HÓA ONLINE – THẾ GIỐI HÔM NAY – THỨ HAI 14 NOV 2022
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Tổng thống Zelenskiy thăm Kherson và nói có bằng chứng hàng trăm tội ác chiến tranh của Nga
14/11/2022
Tổng thống Zelenskiy phát biểu ở Kherson ngày 14/11/2022.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm 14/11 đã đến thăm thành phố Kherson ở miền nam mà nước ông vừa chiếm lại, nơi ông cáo buộc các lực lượng Nga phạm tội ác chiến tranh trước khi họ rút lui vào tuần trước, theo Reuters.
“Chúng ta đang tiến lên”, ông Zelenskiy nói với các binh sĩ đang tập họp trước tòa nhà hành chính ở quảng trường chính của thành phố. Ông nói: “Chúng ta đã sẵn sàng cho hòa bình, hòa bình cho tất cả đất nước của chúng ta”.
Ông Zelenskiy cảm ơn NATO và các đồng minh đã không ngừng hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga và cho biết việc Hoa Kỳ chuyển giao tên lửa đã tạo ra sự khác biệt lớn cho Kyiv.
Tổng thống Ukraine nói: “Tôi thực sự hạnh phúc, bạn có thể biết bằng phản ứng của người dân, phản ứng của họ không phải là dàn dựng”.
Vài phút trước khi ông đến, có thể nghe thấy tiếng pháo kích gần đó từ trung tâm Kherson, và sau khi ông phát biểu xong, có nhiều tiếng pháo kích trong thành phố.
Người dân Kherson hân hoan chào đón quân đội Ukraine đến đây kể từ hôm 11/11, khi Nga rút khỏi thủ đô khu vực duy nhất mà họ chiếm được kể từ khi Moscow bắt đầu cuộc xâm lược.
Trong một bài phát biểu buổi tối trên truyền hình, ông Zelenskiy cho biết các nhà điều tra đã ghi bằng chứng 400 tội ác chiến tranh do Nga gây ra trong 8 tháng chiếm đóng.
“Thi thể của thường dân và quân nhân thiệt mạng đã được tìm thấy”, ông nói. “Quân đội Nga đã để lại sự tàn bạo tương tự như họ đã làm tại các khu vực khác mà họ chiếm của Ukraine”.
Nga phủ nhận quân đội của họ cố tình nhắm mục tiêu vào dân thường hoặc đã có những hành động tàn bạo tại các khu vực bị chiếm đóng. Các bãi chôn tập thể đã được tìm thấy ở một số khu vực khác của Ukraine bị quân đội Nga chiếm đóng trước đó, bao gồm một số nơi có thi thể dân thường có dấu hiệu bị tra tấn, mà Kyiv quy lỗi cho Moscow.
+++++++++++++++++++++++++++++++++
Để mất Kherson sẽ đem lại 'hậu quả nghiêm trọng' cho quân Nga
++++++++++++++++++++++++++++++++
Để mất Kherson sẽ đem lại 'hậu quả nghiêm trọng' cho quân Nga
Nguồn hình ảnh, BBC Ukraina. Cờ xanh-vàng của Ukraine được cắm lại trên trụ cao sau khi quân Nga rút bỏ Kherson vào ban đêm ngày 11/11/2022.
Nguồn hình ảnh, Reuters. Ăn mừng sau khi Nga rút lui khỏi Kherson, ở trung tâm Kyiv, Ukraine ngày 11 tháng 11 năm 2022
12 tháng 11 2022
Paul Adams, phóng viên ngoại giao
Khi Kherson trở lại hoàn toàn trong tay Ukraine, điều mà giờ đây dường như chỉ còn là vấn đề thời gian, đó sẽ là một thời điểm cực kỳ quan trọng trong một cuộc chiến đã diễn ra được chín tháng.
Để mất Kherson giống như việc Nga rút lui một cách nhục nhã khỏi thủ đô Kyiv hồi đầu năm, và tạo ra một sự thay đổi đáng kinh ngạc trong ba tháng đối với người Ukraine.
Nga đã mất một vùng lãnh thổ khổng lồ ở phía đông, soái hạm của hạm đội Biển Đen đã bị đánh chìm và một cây cầu quan trọng từ Nga đến Crimea vẫn chưa hoạt động trở lại.
Giờ đây, Nga đã buộc phải từ bỏ tỉnh lỵ duy nhất mà họ đã chiếm được kể từ cuộc xâm lược hoàn toàn vào tháng Hai.
Đây là đỉnh điểm của một chuỗi các động thái quân sự kiên nhẫn, được dàn dựng cẩn thận, bắt đầu vào tháng 7 khi Ukraine, sử dụng hệ thống tên lửa Himars mới mua của Mỹ, tấn công các cây cầu quan trọng nối các lực lượng Nga trong và xung quanh Kherson với đường tiếp tế của họ ở phía đông và phía nam.
Sau khi cô lập các lực lượng Nga, và thuyết phục được Moscow rằng Kherson sắp bị tấn công, Kyiv sau đó mở cuộc tấn công chớp nhoáng từ xa về phía đông bắc, xung quanh Kharkiv, khiến Moscow hoàn toàn bất ngờ.
Nhưng Kherson luôn là giải thưởng lớn.
Vào đầu tháng 10, một vụ nổ đã đóng cầu Kerch, cầu nối Nga với Crimea bị chiếm đóng.
Điều này khiến Moscow bối rối. Vụ này cũng tạo ra một thất bại lớn khác đối với các lực lượng Nga ở Kherson khi nó cắt đứt một đường tiếp tế quan trọng.
Lặng lẽ, và chủ yếu là vào ban đêm, cuộc rút quân của Nga bắt đầu.
Sông Dnipro là một tuyến phòng thủ tự nhiên khổng lồ, hiện nay hầu như không có điểm vượt sông nào.
Khi mùa đông đang đến gần, việc quân đội Nga sử dụng nó như một lá chắn để chống lại những bước tiến xa hơn của Ukraine là rất hợp lý về mặt quân sự.
Cầu Antonivskiy đã bị sập.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy các đường hào mới chuẩn bị dọc theo bờ phía đông của con sông, cũng như các vị trí mới được củng cố tại các điểm giao nhau quan trọng vào Crimea.
Nhưng các quan chức ở Kyiv tiếp tục tỏ ra thận trọng.
Tình báo Ukraine cho rằng hàng nghìn binh sĩ Nga có thể vẫn ở Kherson và vẫn có thể chiến đấu.
Ngoài ra còn có nỗi sợ hãi về mìn và bẫy.
Trận chiến giành Kherson sắp kết thúc.
Khi họ thu mình lại ở vị trí mới bên kia sông, người Nga hẳn đang tự hỏi động thái tiếp theo của Ukraine sẽ là gì.
++++++++++++++++++++++++++++++
Hun Sen ủng hộ Ukraine
++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Khác Việt Nam và Lào, Campuchia và ông Hun Sen được khen vì ủng hộ Ukraine
Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Hun Sen của Campuchia phát biểu trong phiên họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) tại trụ sở LHQ ngày 23/9/2022.
Dịp đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tháng này ở Phnom Penh là lúc vai trò của Thủ tướng Hun Sen được truyền thông thế giới chú ý, nhất là quan điểm nhất quán ủng hộ Ukraine của ông.
Tuy thế, không phải chỉ khi đăng cai các sự kiện quốc tế quan trọng, chính quyền của Thủ tướng Hun Sen mới lên tiếng về vấn đề Ukraine.
Đầu tháng 11, ông Hun Sen đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để bày tỏ nhu cầu chấm dứt chiến tranh, giúp “Ukraine giành lại hòa bình, ổn định, sự toàn vẹn lãnh thổ và phát triển”, theo Phủ Thủ tướng Vương quốc Campuchia.
Ngay từ trong năm, ông Hun Sen đã công khai lên án Nga xâm lăng Ukraine.
Một mặt, ông Hun Sen nói ông mong Nga “hiểu quyết định của Campuchia” khi nước này bỏ phiếu vào tháng 3/2022 lên án cuộc xâm lăng.
Mặt khác theo Văn phòng Báo chí Phủ Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen nói “Chúng tôi không ủng hộ việc dùng vũ lực, hoặc sẵn sàng dùng vũ lực” trong quan hệ quốc tế, và nói Campuchia “không thể im lặng” khi tình hình Ukraine xấu đi.
Sau đó, ông Hun Sen gọi đây là “cuộc chiến của Nga với toàn châu Âu”, thu hút sự chú ý của dư luận.
Việc Campuchia tháng này tuyên bố cử đội rà mìn sang giúp Ukraine vào quý I năm 2023 được Nhật Bản ca ngợi, theo các báo khu vực.
Cùng lúc, sự vắng mặt của Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin tại G-20 ở Bali tuần này được giới bình luận cho là “trở thành cơ hội để Ukraine triển khai hoạt động ngoại giao, làm cô lập Nga hơn nữa” trên trường quốc tế, cụ thể là ở châu Á.
Campuchia, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay đã đóng một vai trò quan trọng để giúp Ukraine hiện diện ở Đông Nam Á, dù chỉ mang tính biểu tượng.
Nguồn hình ảnh, Getty Images. TT Vladimir Putin gặp Thủ tướng Hun Sen tại Dinh thự Bocharov Ruchey ở Sochi, Nga ngày 19/5/2016 khi các lãnh đạo các quốc gia ASEAN đến Nga tham dự hội nghị cấp cao Nga-ASEAN.
Việt Nam “là đồng minh thân của Nga”?
Al Jazeera viết từ Phom Penh hôm 10/11/2022 về sự hiện diện của Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, khách mời đặc biệt của Thủ tướng Hun Sen tới dự Thượng đỉnh ASEAN, gọi Việt Nam và Lào “là đồng minh thân cận của Nga” (close Russian allies) trong ASEAN gồm 10 quốc gia thành viên.
Hai nước này đã bỏ phiếu trắng khi Hội đồng LHQ ra nghị quyết lên án cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine, còn tám nước còn lại trong khối ASEAN đã bỏ phiếu cùng cộng đồng quốc tế, tờ báo viết.
Theo trang Khmer Times, các lãnh đạo Campuchia và Ukraine còn bàn về sự hỗ trợ Phnom Penh dành cho Kyiv và ông Zelensky đã ngỏ lời mời ông Hun Sen sang thăm “đất nước bị chiến tranh tàn phá”.
Nguồn hình ảnh, AFP PHOTO/ CAMBODIA'S GOVERNMENT CABINET/ KOK KY. Thủ tướng Hun Sen (phải) tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba (trái) tại Cung điện Hòa bình ở Phnom Penh ngày 9/11/2022
Một bình luận mới nhất của Kavi Chongkittavorn viết trên trang Khmer Times, mục ý kiến hôm 11/11/2022 nói Thủ tướng Hun Sen “nổi bật trên chính trị toàn cầu”.
Cho đến nay, không có tin tức về lời mời tương tự của Ukraine gửi tới lãnh đạo VN.
Một số sự kiện liên quan đến Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội gần đây còn bị xóa đi trên truyền thông Việt Nam do Đảng Cộng sản chỉ đạo.
Báo Hà Nội Mới đã xoá hết hình ảnh đoàn Ukraine trong bài viết về 'Giải chạy báo Hà Nội Mới', diễn ra hôm 02/10 ở thủ đô VN, gây phản ứng từ Đại sứ quán nước này.
Cùng thời gian, các kênh chính thống ở Việt Nam có giải thích cách bỏ phiếu trắng liên tiếp ở LHQ của nước này, khác với đa số các thành viên ASEAN.
Theo một bài trên báo Đảng Cộng sản, thì “trong chính sách đối ngoại đa phương đó, Việt Nam luôn khẳng định cả Nga và Ukraine đều là đối tác quan trọng, là bạn bè truyền thống, lâu đời và Việt Nam vẫn luôn coi trọng, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại một cách bình đẳng, trên tinh thần hợp tác, cùng phát triển, phấn đấu vì một thế giới hòa bình, ổn định”.
“Đây cũng chính là thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính đã đưa ra trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ và Liên hợp quốc tháng 5/2022, đó là: Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng.”
Trang web này tuy thế bỏ ngỏ vấn đề coi “tất cả cùng chiến thắng” là gì khi mà mục tiêu công khai của Kremlin là muốn xóa sổ nhà nước Ukraine, gọi họ là “phát xít” và Nga đã đơn phương sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine.
Putin không phải sẽ thắng mãi
Như các báo quốc tế bình luận về những cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc về Nga và Ukraine, nhiều nước trên thế giới sẽ chẳng có cơ hội gì giúp Ukraine về kinh tế, vũ khí và chính trị.
Việc bỏ phiếu tuy thế, là thể hiện họ là ai chứ không phải họ có lợi ích gì trong quan hệ với Moscow hay Kyiv.
Ngoài ra, có vẻ như ở Việt Nam luồng tư tưởng hoài niệm Liên Xô và một lòng ủng hộ Moscow vẫn còn khá mạnh trên mạng xã hội và một phần báo chí.
Trong khi đó, ngay tại Nga, cuộc rút quân khỏi Kherson bị một số giới từng nhiệt thành ủng hộ ông Putin gọi là "vụ đầu hàng xấu hổ".
Lãnh tụ tinh thần của phe diều hâu Nga, Alexander Dugin vừa có lời ám chỉ uy tín "tan biến" của "thủ lĩnh cầu mưa", theo các báo Âu Mỹ.
Nguồn hình ảnh, Getty Images. Thủ tướng Việt Nam tiếp đón Thủ tướng Đức tại Hà Nội trước khi phái đoàn Đức hội đàm với phía Việt Nam tại Văn phòng Chính phủ vào chiều Chủ nhật 13/11.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua đã kêu gọi chính phủ nước này làm rõ lập trường về cuộc chiến Nga gây ra ở Ukraine.
Ông Scholz nói rằng "Vấn đề đặt ra là cuộc chiến tranh xâm lược của Nga là vi phạm luật pháp quốc tế với tiền lệ nguy hiểm.
"Các nước nhỏ không thể an toàn trước hành vi của các nước láng giềng lớn hơn, mạnh hơn."
Vào tháng 10 vừa qua, phái đoàn Việt Nam bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng LHQ khi tổ chức này ra nghị quyết lên án Nga sáp nhập bốn khu vực ở Ukraine.
Trong khi đó, đang có sự dịch chuyển nhãn quan chung ở châu Á, kể cả của Trung Quốc về cuộc xâm lăng do Nga tiến hành, tàn phá nước láng giềng.
Chẳng hạn, theo Reuters hôm 14/11/2022, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng nói tại Phnom Penh vừa qua rằng việc “đe dọa dùng vũ khí hạt nhân là vô trách nhiệm”.
Tuy ông Lý không nêu tên nước Nga nhưng ai cũng biết chỉ Nga có vũ khí nguyên tử, còn Ukraine đã bàn giao lại kho đầu đạn hạt nhân cho Liên bang Nga, hậu thân của Liên Xô, sau 1991.
Hồi tháng 5, chính phủ Việt Nam tuyên bố đóng góp 500.000 USD cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo trợ giúp người dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh ở Ukraine, sau thông báo của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 1/5.
Nhưng tình hình nay có vẻ đã thay đổi khá nhiều và các nước trên thế giới ngày càng làm rõ hơn quan điểm của họ, lên án, hay ủng hộ Nga trong câu chuyện Ukraine.
Với vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN sẽ bàn giao cho Indonesia năm 2023, xu thế chung tại khu vực là dù “quan điểm về Nga còn khác nhau trong ASEAN” đa số ngày càng “tìm thấy tiếng nói của mình về Ukraine”, như một dự báo trong năm của thinktank Chatham House tại Anh.