Đại sứ Israel đòi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc từ chức
TRẦN PHƯƠNG
Đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi Tổng thư ký Antonio Guterres từ chức sau khi ông Guterres cáo buộc Tel Aviv vi phạm luật quốc tế ở Dải Gaza và yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trong chuyến thăm cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và Dải Gaza ngày 20-10 - Ảnh: REUTERS
Ngày 24-10, Đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc Gilad Erdan bác bỏ "những quan điểm khủng khiếp" và "gây sốc" của ông Guterres khi ông tuyên bố rằng vụ tấn công của Hamas vào Israel không phải vô cớ, và "người dân Palestine đã phải chịu 56 năm bị chiếm đóng ngột ngạt".
"Bài phát biểu gây sốc của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an, trong khi rocket đang bắn khắp Israel, đã chứng minh một cách thuyết phục, không còn nghi ngờ gì nữa rằng tổng thư ký hoàn toàn xa rời thực tế trong khu vực của chúng tôi và ông ấy nhìn vụ thảm sát do Hamas thực hiện một cách méo mó và vô đạo đức", Đại sứ Israel viết trên mạng xã hội X (Twitter).
Ông Erdan sau đó yêu cầu ông Guterres từ chức nếu không xin lỗi ngay lập tức. "Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, người thể hiện sự thông cảm đối với chiến dịch giết hại hàng loạt trẻ em, phụ nữ và người già, không phù hợp để lãnh đạo Liên Hiệp Quốc. Tôi kêu gọi ông ấy từ chức ngay lập tức", ông Erdan tiếp tục viết trên X.
Đây là lần đầu tiên một đại sứ Israel kêu gọi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đương nhiệm từ chức.
6 nhân viên Liên Hiệp Quốc thiệt mạng ở Dải Gaza trong 24 tiếng
Trong bài phát biểu tại Hội đồng Bảo an trước đó, ông Guterres cho biết "tình hình ở Trung Đông đang ngày càng nghiêm trọng hơn" và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.
Nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc lên án vụ tấn công của Hamas nhưng cũng cho rằng điều đó xảy ra không phải là vô cớ.
"Người dân Palestine đã phải chịu 56 năm bị chiếm đóng ngột ngạt. Họ đã chứng kiến đất đai của họ liên tục bị tàn phá bởi các khu định cư và bởi bạo lực, nền kinh tế của họ bị bóp nghẹt, người dân phải di dời và nhà cửa của họ bị phá hủy. Niềm hy vọng của họ về một giải pháp chính trị cho hoàn cảnh khó khăn của họ đã tan biến", ông Guterres nói.
Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận sự bất bình của người dân Palestine không thể biện minh cho các cuộc tấn công kinh hoàng của Hamas, cũng như cuộc tấn công của Hamas không thể biện minh cho sự trừng phạt tập thể đối với người dân Palestine.
"Tôi quan ngại sâu sắc về những hành vi vi phạm rõ ràng luật nhân đạo quốc tế mà chúng tôi đang chứng kiến ở Gaza. Hãy để tôi nói rõ, không bên nào trong cuộc xung đột vũ trang đứng trên luật nhân đạo quốc tế", ông Guterres nói nhưng không nhắc tên Israel.
Trong khi đó, tình hình nhân đạo tại Dải Gaza ngày càng nghiêm trọng với khoảng 5.800 người Palestine thiệt mạng trong các vụ không kích của Israel để đáp trả vụ tấn công của phong trào Hồi giáo Hamas ngày 7-10 khiến hơn 1.400 người chết ở Israel.
Israel tố Liên Hiệp Quốc đi xin nhiên liệu từ Hamas
Ngày 24-10, Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) của Liên Hiệp Quốc cảnh báo sẽ không thể tiếp tục hoạt động vì thiếu nhiên liệu. UNRWA viết trên mạng xã hội X: "Nếu chúng tôi không nhận được nhiên liệu khẩn cấp, chúng tôi sẽ buộc phải dừng các hoạt động ở Dải Gaza kể từ tối mai".
Tuy nhiên, quân đội Israel cho biết Hamas hiện đang giữ hơn 500.000 lít nhiên liệu ở Gaza. "Hãy xin Hamas nếu quý vị cần một ít", Hãng tin Reuters dẫn lời đầy mỉa mai từ quân đội Israel.
Hiện Tel Aviv đã phong tỏa hoàn toàn Gaza và chỉ cho phép viện trợ nhỏ giọt gồm thực phẩm, thuốc men và nước vào khu vực này.