VĂN HÓA ONLINE – THẾ GIỚI 3 - THỨ TƯ 13 NOV 2024
Trump đề cử nhà báo Pete Hegseth (Fox News) làm Bộ trưởng Quốc phòng. Nước Mỹ, Dân Mỹ muốn Trump
VĂN HÓA ONLINE
13/11/2024 (VOA, Reuters, CNN, BBC News)
*
Ông Pete Hegseth và ông Donald Trump.
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump hôm 12/11/2024 cho biết ông đã chọn ông Pete Hegseth làm Bộ trưởng Quốc phòng. Đó là một nhà bình luận kỳ cựu của đài Fox News. Ông Hegseth là người bày tỏ thái độ coi thường cái gọi là chính sách “thức tỉnh” của các nhà lãnh đạo Ngũ giác Đài, bao gồm cả sĩ quan quân sự hàng đầu.
Ông Hegseth, nếu được Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn thuận, có thể thực hiện đúng lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông Trump là loại bỏ các tướng lĩnh trong quân đội Hoa Kỳ, những người mà ông cáo buộc theo đuổi các chính sách cấp tiến về sự đa dạng trong bộ máy quân sự mà những người bảo thủ hô hào phản đối.
Điều này cũng có thể đặt ông Hegseth vào con đường đi đến chỗ đối đầu với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Không quân C.Q. Brown, một cựu phi công chiến đấu có kinh nghiệm chỉ huy ở Thái Bình Dương và Trung Đông, người mà ông Hegseth cáo buộc “theo đuổi quan điểm cấp tiến của các chính trị gia cánh tả”.
Ông Hegseth, người đàn ông 44 tuổi hoài nghi về NATO, có lẽ là sự lựa chọn đáng ngạc nhiên nhất của ông Trump khi ông lập nội các trước lễ nhậm chức ngày 20/1/2025.
Ông Trump, khi công bố quyết định của mình, đã ca ngợi ông Hegseth, một cựu chiến binh Lực lượng Vệ binh Quốc gia và từng phục vụ ở Afghanistan, Iraq và Vịnh Guantanamo, Cuba, theo trang web của ông.
“Pete là người cứng rắn, thông minh và là người thực sự tin tưởng vào nước Mỹ trên hết”, ông Trump nói trong một tuyên bố. “Với Pete nắm quyền điều hành, kẻ thù của nước Mỹ hay coi chừng - Quân đội của chúng ta sẽ vĩ đại trở lại và nước Mỹ sẽ không bao giờ lùi bước”.
Ông Hegseth ít khi bày tỏ quan điểm về chính sách trong quá khứ, nhưng có thể thấy ông đã chỉ trích các đồng minh NATO vì sự yếu kém và nói rằng Trung Quốc đang trên đà thống trị các nước láng giềng.
Ông Hegseth cho hay ông đã rời quân ngũ vào năm 2021 sau khi bị Lục quân gạt ra ngoài vì quan điểm chính trị và tôn giáo.
“Chẳng ai ưa ai - tôi cũng chẳng muốn cái Lục quân này nữa”, ông Hegseth viết trong cuốn sách “Cuộc chiến nhằm vào các chiến binh: Đằng sau sự phản bội lại những người giúp chúng ta tự do”.
Ngũ giác Đài hiện đang lo lắng rằng ông Trump muốn loại bỏ tận gốc các sĩ quan quân đội và công chức chuyên nghiệp mà ông cho là không trung thành.
Các vấn đề về chiến tranh văn hóa có thể là nguyên nhân để sa thải.
Ông Trump nói với đài Fox News hồi tháng 6 rằng ông sẽ sa thải những vị tướng mà ông mô tả là “tỉnh thức”, một thuật ngữ chỉ những người tập trung vào công bằng chủng tộc và xã hội nhưng được những người bảo thủ sử dụng để chê bai các chính sách tiến bộ.
Ông Hegseth có thể là người ủng hộ việc sa thải như vậy.
Ông viết trong cuốn sách của mình: “Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ cần phải cải tổ triệt để đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Ngũ giác Đài để giúp chúng ta sẵn sàng bảo vệ đất nước và đánh bại kẻ thù của mình. Rất nhiều người cần phải bị sa thải”.
Ông Hegseth cũng đặc biệt nhắm vào ông Brown, chất vấn rằng liệu ông có được công việc đó không nếu không phải là người da đen.
“Đó là vì màu da của ông ấy? Hay kỹ năng của ông ấy? Chúng ta sẽ không bao giờ biết, nhưng luôn nghi ngờ - điều này nhìn bề ngoài có vẻ không công bằng với ông CQ”, ông viết.
Các cựu tướng lĩnh và bộ trưởng quốc phòng của ông Trump nằm trong số những người chỉ trích ông gay gắt nhất, trong đó một số người tuyên bố ông không phù hợp để nhậm chức. Tức giận, ông Trump đã đề nghị rằng cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân của ông, Mark Milley, có thể bị xử tử vì tội phản quốc.
Ông Hegseth cũng chỉ trích ông Milley vì đã không thực thi nghiêm túc các chính sách của ông Trump khi còn đương chức và cáo buộc ông là “người theo đảng phái đến cùng” để hỗ trợ đảng Dân chủ.
Các đồng minh ‘tự cho mình là đúng và bất lực’
Ông Hegseth lâu nay chỉ trích gay gắt các đồng minh châu Âu của Mỹ và việc lựa chọn ông có thể khiến NATO lo lắng hơn nữa về ý nghĩa của chính quyền ông Trump đối với liên minh.
“Đã lỗi thời, bị vượt trội về vũ khí, bị xâm chiếm và bất lực. Tại sao Mỹ, ‘số liên lạc khẩn cấp’ của châu Âu trong thế kỷ qua, lại phải lắng nghe các quốc gia tự cho mình là đúng đắn và bất lực yêu cầu chúng tôi tôn trọng những thỏa thuận phòng thủ lỗi thời và phiến diện mà họ không còn tuân thủ?” Hegseth viết trong cuốn sách của mình.
“Có thể nếu các nước NATO thực sự chuẩn bị cho việc phòng thủ của mình - nhưng họ không làm vậy. Họ chỉ la hét về các quy tắc trong khi làm rỗng ruột quân đội của mình và la hét yêu cầu Mỹ giúp đỡ”.
Trong những lần xuất hiện trên podcast và truyền hình, ông nói rằng Trung Quốc đang xây dựng một quân đội “có mục đích cụ thể là tập trung cho việc đánh bại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.
Ông Hegseth nói trên một podcast vào tuần trước: “Họ có một tầm nhìn dài hạn đầy đủ về sự thống trị không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn cầu và chúng ta thì chẳng nghĩ gì ra hồn”.
Cũng trong podcast đó, ông Hegseth nói rằng cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga dường như là “cuộc chiến trả thù của Putin”.
Ông Trump chỉ trích sự hỗ trợ của Tổng thống Joe Biden dành cho Ukraine, làm dấy lên lo ngại về tương lai của sự hỗ trợ dành cho chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy khi Đảng Cộng hòa kiểm soát cả Bạch Ốc lẫn Thượng viện và có thể là cả Hạ viện.
Ông Hegseth nói: “Nếu Ukraine có thể tự bảo vệ mình… thật tuyệt, nhưng tôi không muốn sự can thiệp của Mỹ tiến sâu vào châu Âu và khiến (Putin) cảm thấy như ông ấy đang bị bám sát”.
**
Ngũ giác Đài thảo luận về cách ứng phó nếu Trump ban hành các lệnh gây tranh cãi
From CNN's Natasha Bertrand and Haley Britzky
Các quan chức Ngũ Giác Đài đang tổ chức các cuộc thảo luận không chính thức về cách Bộ Quốc phòng sẽ phản ứng nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump ra lệnh triển khai quân đội đang tại ngũ trong nước và sa thải một lượng lớn nhân viên phi chính trị, các quan chức quốc phòng nói với CNN.
Trump đã gợi ý rằng ông sẽ sẵn sàng sử dụng lực lượng đang tại ngũ để thực thi pháp luật trong nước và trục xuất hàng loạt và đã chỉ ra rằng ông muốn đưa những người trung thành vào chính phủ liên bang và "làm sạch những kẻ tham nhũng" trong cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Các quan chức hiện đang đưa ra nhiều kịch bản khác nhau khi họ chuẩn bị cho một cuộc đại tu Ngũ Giác Đài. "Tất cả chúng tôi đều đang chuẩn bị và lên kế hoạch cho kịch bản xấu nhất, nhưng thực tế là chúng tôi vẫn chưa biết điều này sẽ diễn ra như thế nào", một quan chức quốc phòng cho biết.
Việc Trump đắc cử cũng đặt ra những câu hỏi bên trong Ngũ Giác Đài về điều gì sẽ xảy ra nếu tổng thống ban hành một lệnh phi pháp, đặc biệt là nếu những người được ông bổ nhiệm vào bộ phận chính trị không phản kháng.
"Theo luật, quân đội buộc phải không tuân theo các lệnh phi pháp", một quan chức quốc phòng khác cho biết.
"Nhưng câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra sau đó — chúng ta có thấy các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao từ chức không? Hay họ sẽ coi đó là bỏ rơi người dân của mình?"
Hiện tại vẫn chưa rõ Trump sẽ chọn ai để lãnh đạo Ngũ Giác Đài, mặc dù các quan chức tin rằng Trump và nhóm của ông sẽ cố gắng tránh mối quan hệ "thù địch" mà ông đã có với quân đội trong chính quyền trước, một cựu quan chức quốc phòng từng phục vụ dưới thời Trump cho biết.
Đọc những lệnh có thể có của Trump đang được các quan chức Ngũ Giác Đài thảo luận.
https://www.cnn.com/politics/live-news/election-trump-harris-11-08-24/index.html
***
Nước Mỹ, Dân Mỹ muốn Trump
VĂN HÓA ONLINE
13/ 11/2024
Donald Trump hứa làm 7 điều này trên cương vị tổng thống
James FitzGerald
BBC News 08/11/2024
Ông Donald Trump chuẩn bị quay trở lại Nhà Trắng, tuyên bố sẽ hành động để thực hiện các lời hứa về vấn đề người nhập cư, nền kinh tế và cuộc chiến ở Ukraine.
Ông dường như sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ cho chương trình nghị sự chính trị của mình tại Quốc hội, sau khi Đảng Cộng hòa của ông giành lại quyền kiểm soát Thượng viện.
Trong bài phát biểu chiến thắng, Trump tuyên bố: "Tôi sẽ điều hành theo một phương châm đơn giản: Nói lời, giữ lời. Chúng tôi sẽ giữ những lời hứa của mình."
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ông đã đưa ra rất ít chi tiết về cách thực hiện các mục tiêu đó.
Khi được Fox News hỏi vào năm 2023 liệu ông có lạm dụng quyền lực hoặc nhắm vào các đối thủ chính trị hay không, ông trả lời là không, "ngoại trừ trong ngày đầu tiên".
"Không, không, không, ngoại trừ ngày đầu tiên. Chúng tôi sẽ đóng cửa biên giới và chúng tôi sẽ khoan, khoan, khoan. Sau đó thì, tôi không phải là một nhà độc tài."
1) Trục xuất người nhập cư không giấy tờ
Trong quá trình tranh cử, Trump đã hứa hẹn thực hiện các cuộc trục xuất người nhập cư không giấy tờ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông cũng cam kết hoàn thành việc xây dựng bức tường biên giới với Mexico, một dự án được bắt đầu trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông.
Số người vượt biên tại biên giới phía nam nước Mỹ đã đạt mức kỷ lục vào cuối năm ngoái dưới thời chính quyền Biden-Harris, trước khi giảm xuống vào năm 2024.
Các chuyên gia đã nói với BBC rằng những cuộc trục xuất quy mô lớn như Trump đã hứa sẽ đối mặt với các thách thức pháp lý và hậu cần rất lớn — và có thể làm chậm sự tăng trưởng kinh tế.
2) Các bước đi về kinh tế, thuế và thuế nhập khẩu
Dữ liệu thăm dò ý kiến cử tri sau khi bỏ phiếu cho thấy nền kinh tế là vấn đề chính đối với cử tri. Trump đã hứa sẽ "chấm dứt lạm phát" - vốn đã tăng lên mức kỷ lục dưới thời Tổng thống Joe Biden trước khi giảm trở lại. Nhưng quyền lực của tổng thống trong việc tác động trực tiếp đến giá cả là có hạn.
Ông cũng đã hứa sẽ cắt giảm thuế toàn diện, kéo dài cuộc cải tổ của mình từ năm 2017. Ông đã đề xuất miễn thuế thu nhập từ tiền boa, bãi bỏ thuế đối với các khoản thanh toán an sinh xã hội và cắt giảm thuế doanh nghiệp.
Ông đã đề xuất mức thuế mới ít nhất là 10% đối với hầu hết các hàng hóa nước ngoài để cắt giảm thâm hụt thương mại. Ông cho biết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể phải chịu mức thuế bổ sung 60%. Một số nhà kinh tế đã cảnh báo rằng những động thái như vậy có thể đẩy giá cả lên cao đối với người tiêu dùng.
3) Ân xá tù nhân vụ bạo loạn ở Đồi Capitol
Trump đã nói rằng ông sẽ "trả tự do" cho một số người bị kết tội trong cuộc bạo loạn ở Washington DC vào ngày 6/1/2021, khi những người ủng hộ ông xông vào Tòa nhà Quốc hội để ngăn chặn chiến thắng của Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2020.
Một số trường hợp tử vong được đổ lỗi cho bạo lực, mà Trump bị cáo buộc là đã kích động.
Ông đã cố gắng hạ thấp mức độ nghiêm trọng của cuộc bạo loạn và gọi hàng trăm người ủng hộ bị kết tội là tù nhân chính trị.
Ông tiếp tục nói rằng nhiều người trong số họ "bị giam giữ oan", mặc dù đã thừa nhận rằng "một số người có lẽ đã mất kiểm soát".
4) Sa thải công tố viên đặc biệt Jack Smith
Trump đã thề sẽ sa thải "trong vòng hai giây" sau khi nhậm chức công tố viên kỳ cựu dẫn đầu hai cuộc điều tra hình sự nhằm vào ông.
Công tố viên đặc biệt Jack Smith đã truy tố ông Trump về những nỗ lực bị cáo buộc nhằm lật ngược cuộc bầu cử năm 2020 và về việc ông bị cáo buộc đã sai phạm trong việc xử lý, lưu trữ các tài liệu mật.
Trump phủ nhận mọi hành vi sai trái và đã ngăn chặn cả hai vụ án được đưa ra xét xử trước cuộc bầu cử. Ông nói rằng ông Smith đã khiến ông phải chịu một "cuộc săn phù thủy chính trị".
Trump sẽ trở lại Nhà Trắng với tư cách là tổng thống đầu tiên bị kết án hình sự, sau khi bị kết tội tại New York vì làm giả hồ sơ kinh doanh.
5) Chấm dứt chiến tranh Ukraine
Trump đã chỉ trích việc Mỹ chi hàng chục tỷ đô la để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga và cam kết sẽ chấm dứt xung đột "trong vòng 24 giờ" thông qua một thỏa thuận đàm phán.
Ông chưa nói rõ điều mà ông nghĩ rằng mỗi bên nên nhượng bộ. Đảng Dân chủ cho rằng động thái này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Tổng thống Vladimir Putin.
Trump muốn Mỹ rút khỏi các cuộc xung đột ở nước ngoài nói chung.
Về cuộc chiến ở Gaza, Trump đã tự nhận mình là một người ủng hộ trung thành của Israel, nhưng đã kêu gọi đồng minh này chấm dứt chiến dịch quân sự.
Ông cũng cam kết chấm dứt bạo lực liên quan ở Lebanon, mà không đưa ra chi tiết cụ thể.
6) Không cấm phá thai
Trái với mong muốn của một số người ủng hộ, Trump đã nói trong cuộc tranh luận tổng thống với Kamala Harris rằng ông sẽ không ký luật cấm phá thai toàn quốc.
Vào năm 2022, quyền phá thai hiến định toàn quốc đã bị lật ngược tại Tòa án Tối cao, cơ quan có đa số thẩm phán bảo thủ theo sau nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump.
Quyền sinh sản đã trở thành chủ đề tranh cử quan trọng của Harris và nhiều bang đã thông qua các biện pháp bảo vệ hoặc mở rộng quyền phá thai vào ngày bầu cử.
Bản thân Trump thường nói rằng các bang nên được tự do quyết định luật phá thai của riêng mình, nhưng ông gặp khó khăn trong việc duy trì một thông điệp nhất quán về vấn đề này.
7) Cắt giảm các quy định về khí hậu
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu, Trump đã hủy bỏ hàng trăm biện pháp bảo vệ môi trường và biến nước Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris.
Lần này, ông lại tuyên bố sẽ cắt giảm các quy định, đặc biệt là để giúp ngành công nghiệp ô tô của Mỹ. Ông liên tục chỉ trích xe điện, hứa sẽ lật ngược các mục tiêu của Biden vốn khuyến khích chuyển sang xe sạch hơn.
Ông đã cam kết tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch của Mỹ - tuyên bố sẽ "khoan, khoan, khoan" ngay từ ngày đầu tiên thay vì ủng hộ các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió.
Ông muốn mở cửa các khu vực như vùng hoang dã Bắc Cực cho hoạt động khoan dầu, điều mà ông cho rằng sẽ giúp giảm chi phí năng lượng - mặc dù các nhà phân tích vẫn còn hoài nghi.
****
Đảng Cộng hòa gia tăng thế đa số tại Thượng viện, trên đà giành được ưu thế ở Hạ viện
VOA 08/11/2024
Tòa Quốc hội Hoa Kỳ trên đồi Capital
Đảng Cộng hòa của ông Donald Trump dự kiến sẽ giành được thêm một ghế ở Thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 7/11 và dường như vẫn giữ được tỷ lệ nhỉnh hơn sít sao tại Hạ viện, do đó, có vị thế vững chắc để kiểm soát cả hai viện của Quốc hội vào năm tới, Reuters đưa tin.
Một số phương tiện truyền thông dự phóng rằng đảng viên Cộng hòa Dave McCormick sẽ đánh bại Thượng nghị sĩ đảg Dân chủ Bob Casey ở bang Pennsylvania, mang lại cho đảng của ông Trump ít nhất 53 ghế trong Thượng viện có tất cả 100 ghế vào năm tới. Con số này có thể tăng lên tới 55 ghế nếu đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong các cuộc đua bám đuổi sát nhau ở Arizona và Nevada, những bang vẫn chưa công bố kết quả bầu cử.
Trong cuộc chiến giành Hạ viện, đảng Cộng hòa đang tiến gần hơn đến chiến thắng sau khi có thêm một ghế vào thế đa số 220-212 của họ, mặc dù 25 địa hạt vẫn chưa chốt lại kết quả kiểm phiếu.
Đảng Cộng hòa đã chắc chắn có ít nhất 211 ghế, thiếu 7 ghế để đạt được thế đa số trong Hạ viện có tất cả 435 ghế. Đảng Dân chủ sẽ phải giành chiến thắng trong 19 địa hạt còn lại - hiện vẫn chưa chốt kết quả - để chiếm thế đa số tại Hạ viện và duy trì một chút quyền lực ở Washington.
Sẽ phải mất thêm một thời gian nữa mới biết được kết quả cuối cùng về bầu cử Hạ viện, vì cuộc đua tại 11 địa hạt vẫn chưa có kết quả ở California, nơi này thường mất vài ngày để kiểm phiếu.
Với quyền kiểm soát Thượng viện, đảng Cộng hòa ở vào vị trí thuận lợi để phê chuẩn những người được ông Trump bổ nhiệm vào bộ máy của ông cũng như vào nhánh tư pháp, mặc dù họ vẫn chưa đủ 60 phiếu cần thiết để nhanh chóng duyệt hầu hết các đạo luật.
Nếu họ kiểm soát luôn cả Hạ viện, họ sẽ có thể giúp ông Trump thực hiện những lời hứa trong chiến dịch tranh cử như cắt giảm thuế và hạn chế đáng kể tình trạng nhập cư.
Các cuộc đua vào Thượng viện có độ cạnh tranh cao chưa được công kết quả khác là ở Nevada, nơi đảng viên Dân chủ đương nhiệm Jacky Rosen dẫn trước đối thủ đảng Cộng hòa Sam Brown với mức chênh chưa đến 1 điểm phần trăm với 94% số phiếu ước tính đã được kiểm, và ở Arizona, nơi đảng viên Dân chủ Ruben Gallego đang dẫn trước Kari Lake của đảng Cộng hòa 1,7 điểm phần trăm với 74% số phiếu ước tính được đếm xong.