VĂN HÓA ONLINE – THẾ GIỚI-VIỆTNAM 1 - THỨ HAI 03 MAR 2025
Truyền thông Châu Á: Khủng hoảng Trump – Zelensky, bài học dành cho đồng minh và kẻ thù
Màn công kích công khai của tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky tại phòng Bầu dục ở Tòa Bạch Ốc cũng được truyền thông châu Á bình luận rộng rãi. Đặc biệt theo Trung Quốc, sự việc cho thấy vị thế khó xử của các nước đồng minh của Mỹ, vì tội « đã quá dựa dẫm vào cường quốc hàng đầu thế giới để bảo đảm an ninh » cho mình.
RFI 03/03/2025
Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) và đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky trong cuộc tranh cãi nảy lửa tại phòng Bầu Dục ở Tòa Bạch Ốc, ngày 28/02/2025. AFP - SAUL LOEB
RFI Tiếng Việt xin điểm lại một số nhận định trên một số kênh truyền thông Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Đài Loan: Trao đổi giữa Trump – Zelensky cần được theo dõi cẩn thận
Chính phủ Đài Bắc và các kênh truyền thông chính thức cho đến hôm nay, 03/03/2025, vẫn im lặng, không có lời bình nào ngoài việc dẫn nguồn tin Reuters để tường thuật lại màn công kích gay gắt giữa Trump, JD. Vance và Zelensky.
Tuy nhiên, New Bloom, một trang tạp chí trực tuyến có góc nhìn cấp tiến về Đài Loan và Châu Á – Thái Bình Dương, được một nhóm sinh viên và nhà hoạt động sau phong trào Hoa Hướng Dương năm 2014 thành lập, có bài nhận định đề tựa « Cuộc trao đổi giữa Trump và Zelensky nên được theo dõi kỹ lưỡng tại Đài Loan », đặc biệt là trong cách Hoa Kỳ bảo đảm an ninh cho đảo.
Người dân Đài Loan ý thức rằng ông Trump sẽ yêu cầu một mối quan hệ « bòn rút » nhiều hơn từ Đài Loan. Nếu như Trump không ngần ngại đả kích ông Zelensky là « nhà độc tài », thì với Đài Loan, nguyên thủ Mỹ không ít dịp từng chỉ trích hòn đảo này đã « đánh cắp » công nghệ bán dẫn của Mỹ, rằng Đài Loan là kẻ ăn bám vào lòng hảo tâm của Mỹ, và Đài Loan nên trả tiền cho Mỹ để được bảo vệ và từ chối cam kết bảo vệ Đài Loan.
Nhưng cuộc trao đổi với tổng thống Ukraina đã cho thấy bất cứ điều gì Đài Loan và chính quyền tổng thống Lại Thanh Đức đã làm để cố gắng xoa dịu, trấn an nguyên thủ Mỹ và các thành viên trong chính quyền Trump, là đều không đủ.
« Cuộc trao đổi minh họa xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân của ông Trump, mà ở đó Donald Trump và JD. Vance không hề do dự khi công khai bắt nạt lãnh đạo một đất nước đang bị Nga tấn công trong ba năm qua. Có lẽ thế giới quan của Trump chỉ đơn giản là tôn trọng quyền lực. »
Trong bối cảnh, người ta nên chờ xem, « Đài Loan sẽ điều hướng như thế nào trong bốn năm đầy sóng gió dưới chính quyền Trump! », bài viết kết luận.
Trung Quốc: « Dựa vào Mỹ là một sai lầm »
Chính quyền Bắc Kinh tuy không có những bình luận gì, nhưng các kênh truyền thông của chính phủ tỏ ra « hả hê » trước màn công kích Zelensky của tổng thống Trump và phó tổng thống JD. Vance.
Hoàn Cầu Thời Báo, phiên bản tiếng Anh, ngày 01/03/2025, trước hết dẫn lời nhận định của Cui Heng, Viện Trao đổi Quốc tế, trụ sở tại Thượng Hải, chạy tựa cho rằng « Khẩu chiến giữa Trump và Zelensky tại Nhà Trắng là "hiếm có, kịch tính" trong lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại ».
Sự việc cho thấy Hoa Kỳ đang ép buộc Ukraina chấp nhận thỏa thuận hòa bình do chính quyền Trump áp đặt, được cho là bất lợi cho Ukraina, nhằm hoàn thành mục tiêu của ông Trump là nhanh chóng chấm dứt xung đột.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Li Haidong, giáo sư đại học Ngoại Giao Trung Quốc được Hoàn Cầu Thời Báo trích dẫn, con đường đưa Nga và Ukraina vào bàn đàm phán là một chặng đường dài. Chỉ có Hoa Kỳ là muốn đạt được thỏa thuận hòa bình và chấm dứt khủng hoảng một cách nhanh chóng. Cuộc khẩu chiến này đã chứng minh với chính quyền Trump rằng việc chấm dứt « khủng hoảng » khó khăn hơn như những gì họ dự đoán.
Hoàn Cầu Thời Báo còn dẫn lời cựu trưởng ban biên tập Hu Xijin, cho rằng đây còn là bài học lớn cho các đồng minh của Washington: Dựa dẫm vào Mỹ hàm chứa nhiều rủi ro lớn. Theo ông Hu Xijin, « về cơ bản, tình hình hiện nay là do đánh giá sai lầm của ông Zelensky năm 2019, thời điểm ông lên cầm quyền. Ông ấy đã thúc đẩy Ukraina theo hướng gia nhập NATO, từ bỏ vị thế trung lập giữa Nga và NATO. Bước đi sai lầm ban đầu này đã đặt ông ấy trong một thế hoàn toàn thụ động ».
Cùng một giọng điệu, Shen Yi, một tiếng nói có ảnh hưởng phe chủ nghĩa dân túy, « trong tương lai, ngày càng có nhiều nước sẽ hiểu rõ một số thực tế cơ bản, cụ thể là việc phụ thuộc vào Mỹ có thể có những hậu quả thảm khốc ».
Đây cũng là quan điểm của China Daily. Trong bài xã luận đề tựa « Màn truyền hình tuyệt vời cho thấy những thay đổi đang diễn ra », nhật báo do đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát khẳng định cuộc đấu khẩu « đáng xấu hổ » đó còn là một lời cảnh tỉnh: Kỷ nguyên dựa vào sự bảo đảm an ninh của Mỹ có thể sắp kết thúc.
Tờ báo viết: « Xung đột ở Ukraina đã phơi bày những điểm yếu về năng lực phòng thủ của châu Âu, giống như đại dịch Covid-19 đã bộc lộ những điểm yếu trong khả năng phục hồi chuỗi cung ứng (…) Khi nước Mỹ thời chính quyền Trump ngày càng thoái thác các trách nhiệm quốc tế, thì khái niệm "phương Tây do Mỹ lãnh đạo" đang dần lùi vào dĩ vãng ».
Nhật Bản: Sau Zelensky, sẽ là các đồng minh khác?
Tại Nhật Bản, Asahi Shimbun, là trang thông tin hiếm hoi có bài nhận định về cuộc cãi vã tai tiếng này. Bài xã luận có tựa đề « Đòn tấn công của Trump nhằm vào Zelensky có lẽ liên quan đến tất cả các đồng minh của Mỹ », cho rằng người đầu tiên vui mừng có lẽ là nguyên thủ Nga Vladimir Putin.
Chẳng phải việc Washington ngừng hỗ trợ Kiev sẽ còn đưa ông Putin tiến đến gần hơn mục tiêu thống trị nước láng giềng của mình hay sao? Và nhất là, tổng thống Nga có thể gia tăng nỗ lực lôi kéo ông Trump, gây chia rẽ sâu sắc hơn nữa quan hệ Hoa Kỳ và châu Âu.
Trong bối cảnh này, thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba hôm nay, 03/03, tuyên bố « sẽ không chọn phe nào ». Một quan điểm mà nhật báo Asahi Shimbun không cùng chia sẻ, khi cho rằng « Nhật Bản nên bày tỏ mối quan ngại của mình một cách rõ ràng hơn với Nhà Trắng của Trump và khẳng định sự đoàn kết của mình với Ukraina!»
Singapore: Khẩu chiến Trump – Zelensky, bài học cho kẻ thù và bạn bè
Hãng thông tấn CNA của Singapore trong bài viết « Bài học từ cuộc khủng hoảng Trump – Zelensky dành cho các bằng hữu và kẻ thù », trước hết, nhận định, « nguyên tắc và giá trị không hẳn là kim chỉ nam cho ông Trump trong cách hành xử. Đối với ông, các vấn đề quốc tế đầu tiên là « tiền đâu ». Thứ ông muốn – và thứ ông Zelensky phải cung cấp – trước hết là các khoáng sản quan trọng và thứ hai là hoàn tiền vũ khí mà Ukraina muốn (và cần) ».
Một điều chắc chắn, nếu có đạt được một thỏa thuận với Ukraina, chính quyền Trump sẽ gây áp lực lên châu Âu phải « trả tiền cho nước Mỹ để mua thiết bị quân sự ». Cuộc đấu khẩu đã đặt các lãnh đạo châu Âu trong thế bối rối: Các nỗ lực tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Anh Keir Starmer nhằm « giữ chân » Mỹ đã tan thành mây khói.
Đây cũng là lời cảnh báo cho các nước bạn bè và đồng minh ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương: « Đó là một nước Mỹ khác, với sự hiểu biết và cách tiếp cận khác đối với "các cam kết" do những người tiền nhiệm của ông Trump đưa ra. Dù rằng điều đó không nhất thiết có nghĩa là Mỹ sẽ rút lại những cam kết này, nhưng sự việc cho thấy Washington hiện sẽ tiếp cận chúng theo một cách rất khác ». Và do vậy, theo CNA, để ít bị « đau đớn » như Ukraina, các nước bạn bè và đồng minh càng sớm điều chỉnh theo thực tế mời này.
Còn với kẻ thù của Mỹ thì sao? Nếu như một người thích thú theo dõi, thậm chí vui mừng, thì vấn đề này có thể được diễn giải theo hai hướng. Theo đó, « làn gió thay đổi của Trump dường như đang thổi theo hướng tránh xa các "cam kết sắt đá" được đưa ra cho đến nay với các đồng minh. Nhưng chúng cũng có thể đổi chiều nếu mọi việc diễn ra một cách có lợi cho tổng thống Mỹ ».
Khẩu chiến Trump – Zelensky củng cố những gì chúng ta đã thấy nhưng vẫn gây sốc: « Nền ngoại giao Mỹ đang có một tông điệu mới – thậm chí có thể là một bản chất mới – và điều này có thể sẽ còn kéo dài trong một thời gian ».
Cuối cùng, bài phân tích cho rằng, cuộc tranh cãi này đã xua tan mọi nghi ngờ: « Chiến dịch tranh cử tổng thống 2028 của JD Vance đã bắt đầu! »
Anh Pháp chưa đạt được đồng thuận về kế hoạch tạm ngừng bắn tại Ukraina
Hội nghị Luân Đôn hôm 02/03/2025, quy tụ 15 nước châu Âu và nhiều đối tác trong NATO như Thổ Nhĩ Kỳ và Canada về sáng kiến của Anh Quốc để giải quyết xung đột tại Ukraina.
RFI 03/03/2025
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (T), thủ tướng Anh Keir Starmer (G) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron thảo luận bên lề Hội nghị Luân Đôn ngày 02/03/2025. AP - Justin Tallis
Trả lời báo Le Figaro, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cho biết Anh và Pháp nêu đề xuất Nga và Ukraina có 1 tháng tạm ngừng bắn trên không và trên biển, dừng oanh kích vào các cơ sở dân sự và quân sự của nhau, nhưng không có ngưng bắn trên bộ, vì chiến tuyến dài gần 1000 km và khó xác minh được việc tôn trọng ngưng bắn.
Vẫn theo nguyên thủ Pháp, quân đội châu Âu, nếu vào Ukraina thì chỉ ở giai đoạn 2, khi mà thỏa thuận hòa bình được ký kết. Sáng nay 03/03/2025, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Luke Pollard bác bỏ thông tin của tổng thống Pháp.
Trong cuộc họp báo hôm qua, thủ tướng Anh Keir Starmer nói đến một kế hoạch hòa bình cho Ukraina và vẫn nhấn mạnh đến vai trò thiết yếu của Mỹ trong tiến trình này.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Nguyễn Giang cho biết những điểm chưa rõ ràng trong kế hoạch hòa bình mà thủ tướng Anh Keir Starmer thông báo:
« Hội nghị thượng định nhanh chóng (crunch summit) tại Luân Đôn hôm 02/03/2025 nhằm thảo luận một kế hoạch hòa bình mới do các nước châu Âu được Anh dẫn đầu và Pháp công khai đồng thuận nêu ra có một số điểm đáng chú ý.
Một là đề xuất để bất cứ kế hoạch hòa bình nào (any peace plan) cho Ukraina phải tôn trọng chủ quyền và an ninh Ukraina, đồng thời để nước này tham gia hội đàm.
Hai là châu Âu và Anh sẽ tăng cường ngay lập tức năng lực quân sự của Ukraina, cụ thể bằng khoản tiền 1,6 tỷ bảng Anh (2 tỷ USD) tài trợ để 5000 hỏa tiễn được sản xuất ở Belfast, Bắc Ireland của Anh, rồi gửi ngay ra tiền tuyến cho quân đội Ukraina.
Ba là Anh sẽ thiết kế một liên minh cùng ý chí (coalition of the willing) để bảo vệ cho thỏa thuận tương lai ở Ukraina. Một lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu, cho tới nay có Anh và Pháp sẵn sàng góp quân, nhưng Ba Lan nói không, sẽ đảm bảo an ninh cho thỏa thuận.
Đây chính là câu hỏi lớn nhất vì ông Starmer không nói đó là thỏa thuận nào, dù có vẻ hai điểm trên loại bỏ thỏa thuận song phương Mỹ-Nga mà tổng thống Donald Trump muốn cứ tự đàm phán với tổng thống Vladimir Putin rồi ép Ukraina chấp nhận.
Thông tin duy nhất Anh nói ra là trước khi nêu các điểm trong kế hoạch hòa bình được Anh, Pháp và Ukraina ủng hộ, ông Starmer “đã có trao đổi với ông Trump qua điện thoại” nhưng không rõ ông Trump đồng ý tới mức độ nào và quan trọng là ông ta có lại đổi ý hay không.
Chưa kể, như nhà báo Anh Zoe Williams đặt câu hỏi mấu chốt: Keir Starmer đã bác bỏ luôn cuộc đàm phán Mỹ-Nga, hay đang muốn có kế hoạch của châu Âu do Anh dẫn đầu và bằng cách nào đó khiến Hoa Kỳ ủng hộ, rồi Nga chấp nhận. Bà Williams nhận xét ông Starmer “đang bị gánh nặng của những điều trái ngược đè nặng lên vai”.
Nga từ trước tới nay không đồng ý cho châu Âu thuộc NATO đem quân tới biên giới của họ với Ukraina. Hoa Kỳ thì không muốn để Ukraina tham gia hội đàm – tức là trái với điều 1 trong kế hoạch Starmer.
Điều có thể thấy đang dần dần hiện rõ là Anh sẽ bám sát và thuyết phục Donald Trump, còn Pháp thì làm “phát ngôn viên” nói chuyện với các nước châu Âu sát nách như Đức vốn đang chờ thay đổi lãnh đạo về kế hoạch hòa bình của châu Âu ».
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20250303-anh-ph%C3%A1p-ch%C6%B0a-%C4%91%E1%BA%A1t-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-%C4%91%E1%BB%93ng-thu%E1%BA%ADn-v%E1%BB%81-k%E1%BA%BF-ho%E1%BA%A1ch-t%E1%BA%A1m-ng%E1%BB%ABng-b%E1%BA%AFn-t%E1%BA%A1i-ukraina