Mỹ kêu gọi dừng gây hấn trên Biển Đông

10 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 20889)

Mỹ kêu gọi dừng gây hấn trên Biển Đông

BBC - chủ nhật, 10 tháng 8, 2014

the-gioi-11-august-2014-1
Chủ đề Biển Đông bao phủ nghị trình của các ngoại trưởng tại Nay Pi Taw

Ngoại trưởng Mỹ sẽ thúc đẩy một thỏa thuận chấm dứt mọi hành động có thể gây căng thẳng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng đông nam Á tại hội nghị an ninh khu vực đang diễn ra ở thủ đô Nay Pi Taw của Miến Điện, hãng tin AFP cho biết.

Các nhà phân tích cho biết những tranh chấp trên Biển Đông sẽ là chủ đề chi phối nghị trình của Diễn đàn Khu vực Asean (ARF) diễn ra vào Chủ nhật ngày 10/8.

Hôm 9/8, Ngoại trưởng John Kerry đã đưa ra đề xuất của phía Mỹ về việc làm giảm những căng thẳng trên Biển Đông bằng cách kiềm chế trước những hành động có thể ‘làm phức tạp hay làm leo thang căng thẳng’.

Các nước Asean nhìn chung ủng hộ đề xuất của Mỹ về việc làm giảm căng thẳng trên Biển Đông, trong đó có ủng hộ việc soạn thảo một bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc về pháp lý.

Về phần mình, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 9/8 nói rằng nước ông chắc chắn ‘sẽ hành động kiên quyết và rõ ràng’ nếu ‘bị khiêu khích trên Biển Đông’.

Trước đó, hai ông Vương và Kerry đã có một cuộc gặp song phương ở Nay Pi Taw. Ông Kerry đã để cho người đồng cấp Trung Quốc chờ nửa tiếng đồng hồ sau các cuộc họp muộn của ông.

Trong một thông cáo báo chí của Đại sứ quán Trung Quốc ở Miến Điện sau cuộc hội đàm này, Bắc Kinh nói họ ‘hoan nghênh vai trò xây dựng’ của Trung Quốc trong các vấn đề khu vực và rằng họ ‘hy vọng phía Mỹ có thể tôn trọng những quyền và lợi ích chính đáng của Trung Quốc trong khu vực’.

Sáng kiến Philippines

the-gioi-11-august-2014-2
Ông Kerry đã để ông Vương chờ 30' trước cuộc hội đàm song phương

Cũng trong hôm 9/7, Philippines đã đưa ra sáng kiến giảm căng thẳng trên Biển Đông tại Miến Điện. Sáng kiến này có đưa vào quan điểm của Mỹ về việc các bên chấm dứt các hoạt động gây ra căng thẳng.

“Căng thẳng trên Biển Đông đã diễn biến xấu đi trong những tháng vừa qua và đang tiếp tục xấu đi,” Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario phát biểu.

“Tất cả chúng ta đang chứng kiến một kiểu hành xử hung hăng và hành động gây hấn ngày càng tăng trên Biển Đông vốn đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh, thịnh vượng và ổn định trong khu vực.”

Bên cạnh việc các bên dừng các hành động khiêu khích, bản kế hoạch của Manila còn kêu gọi nhanh chóng kết thúc đàm phán về COC và các biện pháp trọng tài lâu dài để giúp giải quyết chung cuộc các tranh chấp về chủ quyền trong khuôn khổ luật biển của Liên Hiệp Quốc.

Trung Quốc đã phản ứng lạnh nhạt trước đề xuất này của Manila và cho rằng căng thẳng trên Biển Đông đã ‘bị thổi phồng’.

“Ai đó đã nói quá hay thậm chí thổi phòng cái gọi là căng thẳng trên Biển Đông,” Ngoại trưởng Vương Nghị nói trước báo giới, “Chúng tôi không đồng ý với cách làm như vậy và chúng tôi kêu gọi cảnh giác với những động cơ đằng sau việc này.”/

++++++++++++++++++++++

Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Myanmar về sự thoái bộ nhân quyền

the-gioi-11-august-2014-3
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Tổng thống Myanmar Thein Sein tại Naypyidaw, ngày 9/8/2014.

VOA 10.08.2014

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cảnh báo các nhà lãnh đạo Myanmar về mối nguy thoái bộ trong nỗ lực cải thiện nhân quyền.

Ông Kerry đang có mặt ở Myanmar để thảo luận với Tổng thống Thein Sein và tham dự các cuộc họp với các vị ngoại trưởng ASEAN.

Một giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng ông Kerry hối thúc các nhà lãnh đạo Myanmar xúc tiến kế hoạch cải cách hiến pháp trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào năm tới.

Họ cũng thảo luận về những vụ bắt giữ các nhà báo cũng như những vụ bạo động và kỳ thị chống lại người Rohingya theo đạo Hồi.

Giới chức Bộ Ngoại giao cho biết Tổng thống Thein Sein có thái độ cởi mở khi nói về mọi vấn đề mà ông Kerry nêu lên.

Sau đó, ông Kerry cho biết không thể nào không thán phục trước những biện pháp mà chính phủ Myanmar thực hiện hướng tới cải cách và chuyển tiếp từ chế độ quân phiệt.

Ông nói rằng các cựu tướng lãnh giờ đây ngồi ở quốc hội bên cạnh bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đối lập từng đoạt giải Nobel Hòa bình.

Ông Kerry nói thêm rằng nhân dân Myanmar có sự ủng hộ và tình hữu nghị của Hoa Kỳ.

Washington đã nới lỏng các biện pháp chế tài Myanmar và cung cấp hơn 200 triệu đô la viện trợ kể từ khi quốc gia Đông Nam Á này bắt đầu chuyển đổi từ một chính quyền quân nhân sang một chính phủ dân chủ vào năm 2011.

Nhưng các giới chức của chính quyền Obama e rằng những vụ bắt giữ nhà báo và bạo động nhắm vào người Hồi giáo là những dấu hiệu cho thấy Myanmar có thể đang thụt lùi./