TT Dũng ký một loạt "thỏa thuận hữu nghị" với Úc, kêu gọi đẩy mạnh COC

19 Tháng Ba 20157:28 CH(Xem: 20603)
"NHẬT BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ SÁU 20 MAR 2015
Việt-Úc thắt chặt quan hệ an ninh
blank
Ông Dũng đang có chuyến công du đến Úc và New Zealand

Việt Nam và Úc đã đồng ý thắt chặt quan hệ an ninh trong cuộc gặp giữa thủ tướng hai nước tại thủ đô Canberra của Úc hôm thứ Tư ngày 18/3, hãng tin AP cho biết.

Úc đang nỗ lực cân bằng mối quan hệ giữa họ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ, và mối quan hệ với các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng theo hãng tin này.

Ký thỏa thuận an ninh

AP dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói với báo giới hôm 18/3 rằng Thủ tướng Úc Tony Abbott đã đồng ý tiếp tục củng cố quan hệ an ninh và quốc phòng giữa hai nước.

Hãng tin Reuters cho biết hai nước ký một thỏa thuận về các vấn đề, trong đó có an ninh và biến đổi khí hậu.

Theo chương trình hợp tác mới này, ông Abbott nói 120 quân nhân Việt Nam sẽ được huấn luyện ở Úc và Việt Nam sẽ được tham dự các cuộc tập trận chung ở Úc.

Trước đó, phát biểu trước Quốc hội Úc, ông Dũng nói rằng có một nhu cầu thiết yếu phải soạn thảo một bộ quy tắc ứng xử cho Biển Đông.

“Chúng tôi đồng ý về việc thực hiện kiềm chế và tránh có những hành động có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, trong đó có việc sử dụng vũ lực để đơn phương thay đổi hiện trạng,” ông Dũng được dẫn lời nói.

Chúng tôi hy vọng các nước ngoài khu vực giữ lập trường trung lập, nhất là trên vấn đề chủ quyền.Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Khi được hỏi về việc này, ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói: “Chúng tôi hy vọng các nước ngoài khu vực giữ lập trường trung lập, nhất là trên vấn đề chủ quyền.”

Tại buổi nói chuyện chiều ngày 17/3 tại Viện Lowy, trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại của Úc, tại Sydney, ông Dũng đã kêu gọi các nước có tranh chấp trực tiếp trên Biển Đông ‘kiềm chế không có hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực’.

Ngoài ra ông cũng kêu gọi các nước sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

‘Lòng tin chiến lược’

Ông Dũng cũng nhắc lại về ‘lòng tin chiến lược’, khái niệm mà ông đã giới thiệu tại đối thoại an ninh Shangri-la hồi năm 2013.

“Để có hòa bình, ổn định thì một nhân tố có ý nghĩa quyết định là phải xây dựng được lòng tin chiến lược. Nếu không xây dựng được lòng tin chiến lược thì việc bảo đảm cho hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn của nhân loại là rất mong manh,” ông Dũng được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời nói.

“Asean cần tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm, dẫn dắt, kết nối chặt chẽ và xây dựng lòng tin chiến lược giữa tất cả các đối tác liên quan - đó là một sự tin cậy lẫn nhau bền vững lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền, lợi ích chính đáng của nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển,” ông nói thêm.

Theo số liệu do ông Dũng đưa ra thì hiện nay kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng lên hơn 6,5 tỷ đôla Mỹ và các nhà đầu tư Úc hiện đang có 320 dự án với giá trị hơn 1,65 tỷ đôla Mỹ.

Hiện Việt Nam cũng có hơn 30.000 du học sinh đang sinh sống và học tập tại Úc./

BBC 18/3/2015

+++++++++++++++++++++++++++

Việt Nam-Australia siết chặt quan hệ an ninh
blank
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ Australia Tony Abbott bắt tay trước khi chứng kiến việc ký kết 'thỏa thuận hữu nghị' giữa hai nước tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, ngày 18/3/2015.

Ron Corben

VOA 18.03.2015

BANGKOK—

Việt Nam và Australia đồng ý tăng cường thêm nữa các mối quan hệ an ninh trong khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thực hiện chuyến viếng thăm chính thức tới Australia. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA tại trung tâm tin tức Đông Nam Á ở Bangkok, việc này diễn ra trong lúc ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực đang gia tăng và vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông tiếp tục gây ra nhiều mối căng thẳng.

Loan báo về việc tăng cường các mối quan hệ giữa Việt Nam và Australia được đưa ra trong lúc Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng chuẩn bị kết thúc chuyến viếng thăm chính thức kéo dài hai ngày. Trước đó, người đứng đầu chính phủ ở Hà Nội nói rằng các nước trong khu vực nên tự chế để tránh làm cho căng thẳng leo thang.

Tại cuộc họp báo ở Canberra, ông Dũng cho biết Việt Nam và Australia đồng ý với nhau về tầm quan trọng của an ninh biển và tự do hàng hải ở Biển Đông và sự cần thiết của việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Trung Quốc hồi gần đây đã gia tăng các hoạt động nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông, một khu vực có những đòi hỏi chủ quyền chồng chéo nhau của nhiều nước, kể cả Việt Nam, Philippines, Malaysia và Đài Loan.

Việt Nam và Philippines cho biết họ sẽ ủng hộ cho nhau, sau khi Philippines nộp đơn kiện Trung Quốc ra trước tòa án trọng tài ở La Haye về yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Theo thỏa thuận mới đạt được ở Canberra, 120 nhân viên quân đội Việt Nam sẽ được huấn luyện ở Australia và Việt Nam sẽ tham gia các cuộc thao dượt quân sự hỗn hợp. Hai nước đã thiết lập quan hệ  quốc phòng vào năm 1999. Từ đó tới nay, hơn 1.200 binh sĩ Việt Nam đã tham gia các chương trình hợp tác về giáo dục, đào tạo quân sự.

Ông Christopher Roberts, giáo sư chính trị học của Đại học New South Wales, cho biết những thỏa thuận này nêu bật mối quan tâm của Việt Nam và Australia về tình hình căng thẳng ở Biển Đông.

"Nó cho thấy, ở một mức độ, một sự bày tỏ quan tâm không những của Việt Nam mà của cả Australia về những hành động hồi gần đây, nhất là trong vòng 6 hoặc 7 năm qua – một số những hành động đã gia tăng trong khoảng một năm vừa qua của Trung Quốc ở Biển Đông. Và dĩ nhiên, theo cái nhìn của Australia, vấn đề quan trọng nhất là lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông và một cách rộng lớn hơn là nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc."

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi tự chế để tránh những hành động có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực, kể cả việc sử dụng sức mạnh quân sự và đơn phương thay đổi hiện trạng.

Ông Carl Thayer, một nhà phân tích chính trị Á châu, cho biết một yếu tố chính đối với Việt Nam là Australia có một mối quan hệ rất chặt chẽ với Hoa Kỳ.

"Australia là đồng minh của Mỹ. Đó là điểm then chốt – xích gần hơn tới Australia thì Việt Nam sẽ tiến gần hơn tới chỗ có được một hiệp định đối tác chiến lược với Philippines. Và sau đó quí vị sẽ có được một số lợi thế trong mối quan hệ. Quí vị được xem là một nước có trách nhiệm, tuân thủ những chuẩn mực quốc tế."

Giáo sư Thayer nói rằng sự hội tụ của những quyền lợi giữa Australia và Việt Nam mỗi lúc một tăng vì sự căng thẳng trong môi trường an ninh và sự thay đổi cán cân quyền lực giữa các cường quốc thế giới.

Thông cáo chung Việt Nam-Australia cũng đề cập tới sự gia tăng hợp tác tại các định chế đa phương, như Liên hiệp quốc, APEC và ASEAN.

Quan hệ kinh tế giữa Australia và Việt Nam cũng đang trên đà gia tăng. Kim ngạch mậu dịch hai chiều đã lên tới mức 6 tỉ đô la năm 2014, và trong số các nước ở Đông Nam Á, Việt Nam là nước có tỉ lệ tăng trưởng mậu dịch cao nhất với Australia.

Theo lịch trình đã được ấn định, Bộ trưởng Thương mại Australia sẽ đi thăm Việt Nam trong năm nay với một phái đoàn cấp cao để bàn về những kế hoạch thương mại và đầu tư.

Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đi thăm New Zealand, là nước mà quan hệ thương mại với Việt Nam cũng đã tăng mạnh trong thời gian qua. Chỉ trong vòng 5 năm, thương mại hai chiều đã tăng hơn gấp đôi, lên tới 794 triệu đô la vào năm 2014.