TT Obama duy trì quân đội tại Afghanistan

23 Tháng Mười 201512:31 SA(Xem: 17320)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ SÁU 23 OCT 2015

image008
image005image010image012image014

Mỹ buộc phải duy trì quân đội tại Afghanistan sau 2016

image016

Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo kế hoạch duy trì quân đội Mỹ tại Afghanistan, ngày 15/10/2015.REUTERS/Jonathan Ernst

Sau đợt phản công bất ngờ của quân Taliban tại Kunduz, và tương quan lực lượng bất lợi cho quân đội Afghanistan, hôm qua, 15/10/2015, Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố Washington sẽ giãn thời hạn rút quân khỏi nước Cộng hòa Nam Á. Theo dự kiến, toàn bộ khoảng 10.000 binh sĩ đang được triển khai tại quốc gia này sẽ phải rút toàn bộ từ nay tới đầu năm 2017.
 

Thông tín viên Anne-Marie Capomaccio tường trình từ Washington,

« Đây là một quyết định rất khó khăn đối với Barack Obama, bởi Tổng thống Hoa Kỳ trước đó đã hứa rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, thực tế lại rất khắc nghiệt với việc quân Taliban phản công và sự yếu kém của lực lượng Afghanistan tại Kunduz trong những tuần qua buộc Obama phải ra quyết định trên.

Về vấn đề này, Tổng thống Obama đã trực tiếp nói chuyện với binh sĩ Mỹ : ‘‘Với tư cách là tư lệnh quân đội, tôi không thể vô tâm đưa quân nhân Mỹ vào tình cảnh nguy hiểm. Tôi cho rằng sứ mạng này hết sức quan trọng với an ninh quốc gia của chúng ta’’. Ông Obama khẳng định ông biết người Mỹ lưỡng lự với việc này, và quan điểm của ông là không ủng hộ một cuộc chiến kéo dài vô tận. Nhưng với những gì diễn ra tại Afghanistan, Tổng thống cho rằng nỗ lực nhỏ này sẽ có ý nghĩa đáng kể, có thể tạo ra một thực tế rất khác.

Tổng thống Obama khẳng định ông sẽ duy trì lực lượng hiện tại ở Afghanistan là 9.800 người trong năm 2016. Sứ mạng của họ sẽ không thay đổi, với hai nhiệm vụ cụ thể : đó là huấn luyện các đơn vị Afghanistan và chiến đấu chống Al-Qaida.

Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter hy vọng các đối tác trong liên quân quốc tế sẽ có cùng một quyết định.

Người phát ngôn của Tổng thống Mỹ giải thích, Barack Obama sẽ rời Nhà Trắng trong thời gian hơn một năm tới, ông không muốn để cho người kế nhiệm mình, dù là thuộc đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa, phải đối mặt với một tình hình tồi tệ hơn năm 2009 ».

Như vậy, với 14 năm kể từ khi can thiệp quân sự tại Afghanistan, cộng với chi phí khoảng 60 tỷ đô la để đào tạo và huấn luyện quân đội Afghanistan, Hoa Kỳ đã không đạt được kết quả dự định. Kể từ khi đa số các nhóm binh sĩ Mỹ rút khỏi nước này, hòa bình còn xa mới đạt được. Trong những tháng gần đây, các lực lượng Taliban đã tiến hành nhiều cuộc phản công, đặc biệt là tại thành phố Kunduz, với 300.000 dân, và kiểm soát được địa điểm này trong một thời gian. Kunduz cuối cùng chỉ được chiếm lại, với sự hỗ trợ của không quân Mỹ.

Tướng John Campell, chỉ huy lực lượng NATO và quân đội Mỹ tại Afghanistan ca ngợi các nỗ lực của quân đội nước này trong những năm gần đây, có các tiến bộ « đáng ngạc nhiên », nhưng nhấn mạnh rằng họ vẫn luôn cần được sự hậu thuẫn bên ngoài.

Quyết định của Tổng thống Mỹ được đưa ra hôm qua dựa trên kế hoạch của cựu Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey hồi đầu tháng 10/2015. Sự thật hiển nhiên đối với Washington là chính quyền Kabul đã không thể tự kiểm soát được an ninh của đất nước.
Theo kế hoạch mới, khoảng hơn một nửa của số lực lượng hiện nay, tức 5.500 binh sĩ Mỹ sẽ được duy trì trong năm 2017, tại ba căn cứ quân sự Bagram, Jalalabar và Kandahar.

Trả lời AFP, ông Michael O’Hanlon, một chuyên gia về quốc phòng thuộc nhóm tư vấn Brookings, nhận định cần phải duy trì khoảng từ 5.000 đến 7.000 người tại Afghanistan trong một khoảng thời gian không hạn định. Đây là một ý kiến được nhiều chuyên gia chia sẻ. Nhà tư vấn Anthony Cordesman, thuộc trung tâm CSIS, thậm chí còn cho rằng, lực lượng quân đội nước ngoài tại Afghanistan cần phải được tăng cường sau 2016, mỗi đơn vị chiến đấu của quân đội nước sở tại cũng cần đến sự hỗ trợ của các cố vấn Mỹ, chứ không chỉ các cơ quan chỉ huy./

Trọng Thành  RFI 16-10-2015