Mỹ sẽ bỏ cấm vận vũ khí nhân dịp TT Obama thăm Việt Nam ?

02 Tháng Năm 201611:17 CH(Xem: 15993)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  BA 03  MAY  2016

Mỹ sẽ bỏ cấm vận vũ khí nhân dịp ông Obama thăm Việt Nam ?

image043

Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng, 07/07/2015.REUTERS/Jonathan Ernst

Theo những nguồn tin riêng của báo Nhật The Diplomat, Hoa Kỳ có thể đưa ra một quyết định lịch sử là dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam nhân chuyến công du của tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng tới.

Quan hệ giữa hai cựu thù Mỹ-Việt đã cất cánh trong nhiệm kỳ của ông Obama, được nâng lên hàng đối tác toàn diện vào tháng 7/2013. Nhưng mặc dù việc hợp tác quốc phòng đã có những bước tiến đáng kể, trong đó có việc nới lỏng cấm vận vũ khí sát thương vào tháng 10/2014 và ký kết một hiệp định khung mới về quan hệ quốc phòng năm 2015, việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận cho đến nay vẫn không được Washington đả động đến mặc cho Hà Nội nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Vào thời điểm tổng thống Obama chuẩn bị đến thăm Việt Nam trong khuôn khổ vòng công du châu Á tháng tới, vấn đề bỏ cấm vận vũ khí đang được cả hai bên thảo luận – theo một nguồn tin ngoại giao Việt Nam.

Về mặt công khai, các viên chức quốc phòng Mỹ vẫn giữ im lặng, một phần vì cần có quyết định của bộ Ngoại Giao, sau khi thảo luận với các cơ quan hữu quan và có sự tham vấn của Quốc Hội. Quyết định này dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có những tiến triển về nhân quyền tại Việt Nam.

Ông David McKeeby, một phát ngôn viên của vụ Chính sách Quân sự thuộc bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói với The Diplomat : « Chúng tôi đã nói rõ rằng những tiến bộ về nhân quyền là quan trọng đối với phía Mỹ, trong việc cân nhắc dỡ bỏ toàn bộ cấm vận về vũ khí sát thương ».

Hiện giờ việc chuẩn bị cho chuyến công du của đôi bên đang bước vào giai đoạn cuối. Chuyến thăm này của ông Obama đã được loan báo sau cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Mỹ với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng bên lề hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN tại Sunnylands.

Tuần trước, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Anthony Blinken đã đến Hà Nội, tiếp xúc với các quan chức Việt Nam trong đó có ngoại trưởng Phạm Bình Minh. Hôm 21/4 khi nói chuyện tại một trường đại học ở Hà Nội, ông Blinken ghi nhận « một số tiến bộ » về nhân quyền. Có thể kể việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn, Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền của người khuyết tật. Hay việc Việt Nam lần đầu tiên chấp nhận cho thành lập công đoàn độc lập, và nỗ lực tham khảo ý kiến giới tôn giáo và xã hội dân sự liên quan trong khi soạn thảo dự luật tôn giáo mới.

Nhưng ông Blinken cũng khuyến khích chính phủ Việt Nam nên trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm, chấm dứt sách nhiễu, bắt giam, khởi tố người bất đồng chính kiến, và điều tra khách quan những vụ lạm dụng quyền lực của công an. Ông nói : « Không ai có thể bị vào tù vì đã phát biểu các quan điểm chính trị một cách ôn hòa ».

Hôm thứ Hai 25/4, đã diễn ra cuộc Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ thường niên. ¨Ông John Kirby trong cuộc họp báo ở bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chỉ cho biết một ít chi tiết về kết quả của cuộc Đối thoại, nói rằng đã thảo luận về « một loạt các vấn đề liên quan đến nhân quyền, kể cả một số trường hợp cá nhân đáng quan ngại ».

Tuy không nói công khai, nhưng khi trò chuyện riêng, các quan chức thổ lộ rằng Việt Nam, nằm sát cạnh Trung Quốc, tiếp tục thúc đẩy quan hệ quốc phòng mạnh mẽ hơn với Hoa Kỳ - một phần không nhỏ là do thái độ hung hăng của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Mới đây khi được tờ The Diplomat hỏi về tiềm năng quan hệ quốc phòng trong tương lai, kể cả việc bỏ toàn bộ cấm vận vũ khí, một quan chức Mỹ nói : « Các nước Đông Nam Á đều hướng về phía chúng tôi, cổ vũ Hoa Kỳ nên duy trì sự hiện diện mạnh mẽ hơn trong khu vực, và đặc biệt nên gắn bó hơn với họ. Điều này là đúng đối với trường hợp Việt Nam, việc này tạo nên sức bật cho Hà Nội trước Bắc Kinh ».

Các viên chức Mỹ-Việt thông thạo hồ sơ quốc phòng nhận định, cho dù cấm vận có được dỡ bỏ hay không, các hợp đồng quốc phòng lớn và việc chuyển giao mất không ít thời gian. Đó là do còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, như Việt Nam đang phải làm quen với các thủ tục Mỹ, so với các đối tác quốc phòng truyền thống như Nga.

Cho dù nhờ bỏ cấm vận từng phần, Hoa Kỳ có thể cung cấp các tàu tuần tra cho Việt Nam để tăng cường giám sát an ninh trên biển, theo The Diplomat, những lãnh vực khác hãy còn chậm chạp, chẳng hạn « Sáng kiến mới về an ninh hàng hải » của Washington. Và tất nhiên, theo luật kiểm soát viện trợ nước ngoài và xuất khẩu vũ khí, bộ Ngoại Giao cũng phải báo cáo cho Quốc Hội Mỹ.

Việc bỏ toàn bộ cấm vận vũ khí sẽ là một sự kiện lịch sử, trong bối cảnh quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt, và nói rộng hơn là quan hệ đối tác toàn diện. Phía Việt Nam lâu nay vẫn nói rằng sự chấm dứt cấm vận sẽ là dấu hiệu rõ ràng của việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ.

Thời điểm của quyết định này còn có ý nghĩa hơn, nếu được loan báo trong chuyến viếng thăm của tổng thống Obama. Như một viên chức Việt đã chia sẻ với The Diplomat, đây là một năm chuyển tiếp đối với cả hai quốc gia, với Đại hội Đảng Việt Nam được tổ chức vào đầu năm và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

Động thái này còn có thể diễn ra ngay giữa một mùa hè đầy biến động ở Biển Đông - đặc biệt là phán quyết sắp tới trong vụ Philippines kiện Trung Quốc có thể được tuyên vào tháng Năm hay tháng Sáu, hay các hội nghị khu vực như Đối thoại Shangri- La ở Singapore vào đầu tháng Sáu.

Ông Obama sẽ trở thành tổng thống Mỹ thứ ba đến thăm Việt Nam, trong lúc chỉ còn gần một năm là chấm dứt nhiệm kỳ. Theo The Diplomat, cả hai phía đều tìm kiếm những tiến triển trong các vấn đề khác trong chuyến viếng thăm này, từ những tồn tại từ thời kỳ chiến tranh cho đến Hiệp định TPP. « Vào tháng Năm, khi chiếc Air Force One hạ cánh trên đất Việt Nam, và tổng thống Obama vẫy chào người dân Việt, một lần nữa ông sẽ chứng tỏ rằng, những kẻ thù cũ có thể trở thành những người bạn thân thiết nhất ». Ông Blinken trong bài phát biểu tuần trước đã nói như vậy./

Thụy My RFI 29-04-2016

 

++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

XEM THÊM:

TNS McCain kêu gọi nới lỏng thêm cấm vận vũ khí

Thứ năm, 09/07/2015

(Thời sự) - Sáng 8-7-15 (theo giờ Washington DC), Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ thượng viện, sẽ có cuộc gặp với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

image045

Thượng Nghị Sĩ Mỹ John McCain – Ảnh: Reuters

Ngay trước thềm cuộc gặp, TNS McCain đã ra tuyên bố trong đó kêu gọi việc gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam – một mục tiêu mà TNS McCain, một cựu binh chiến đấu tại VN, đã theo đuổi từ lâu.

“Tôi tin rằng Mỹ phải nới lỏng thêm lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với VN vào lúc này, bao gồm trên tất cả các dạng mà có thể giúp quân đội VN hoạt động hiệu quả trên, dưới và tại mặt nước” – tuyên bố của ông McCain nói.

Ông nói Mỹ và VN có cùng cam kết sâu đối với hòa bình và an ninh của châu Á – Thái Bình Dương “đặc biệt khi Trung Quốc tiếp tục các hoạt động lấn đất và quân sự hóa các điểm ở Biển Đông và một lần nữa đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển VN”.

“Để ủng hộ VN và các nước Đông Nam Á… quốc hội đang cố gắng để phê chuẩn 425 triệu USD cho Bộ Quốc phòng nhằm giúp huấn luyện và trang bị cho quân đội các nước Đông Nam Á để tăng cường khả năng quân sự trên biển của mình”.

Ông cũng lên tiếng ca ngợi chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là lịch sử và nói VN là “đối tác mới và ngày càng quan trọng mà Mỹ có những lợi ích chiến lược và kinh tế”.

Tại Đối thoại Shangri-La, ông John McCain cũng thông báo việc sẽ thúc đẩy việc gỡ bỏ thêm lệnh cấm vận này mà theo đó sẽ bỏ ràng buộc về việc xem xét phê chuẩn cho VN mua vũ khí trên cơ sở “từng vụ một”.

Lệnh cấm vận vũ khí đã được Mỹ gỡ bỏ một phần hồi tháng 10-2014 trong chuyến thăm của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tới Washington DC.

(Theo Tuổi Trẻ)

'Nên nới lỏng việc bán vũ khí cho VN'

  • 8 tháng 8 2014

image047

Image caption Thượng nghị sĩ John McCain trao đổi với báo chí ở American Center tại Hà Nội

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain tuyên bố đã đến lúc Hoa Kỳ nên nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, vì Hà Nội đã có tiến bộ về nhân quyền.

Phát biểu tại Hà Nội, ông McCain, từng được Đảng Cộng hòa đề cử tranh chức tổng thống Hoa Kỳ năm 2008, bày tỏ hy vọng việc nới lỏng có thể bắt đầu ngay từ tháng sau.

“Chuyện này sẽ không và không nên xảy ra ngay.”

“Ban đầu nên hạn chế ở khả năng phòng thủ như hệ thống tàu biển và tuần duyên thuần túy phục vụ an ninh bên ngoài.”

Ông McCain ghi nhận hồ sơ nhân quyền của Việt Nam có tiến bộ, như việc thả một số nhà bất đồng, cởi mở hơn trong hoạt động tôn giáo.

Nhưng ông nói việc giải tỏa lệnh cấm phụ thuộc có thêm hành động.

Ông nói lập trường của ông về vấn đề vũ khí không liên quan việc gần đây Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, gây căng thẳng trên Biển Đông.

Người đi cùng, Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse cũng cho rằng việc nới lỏng sẽ diễn ra theo từng giai đoạn, nhưng nói nó có thể tiến triển nhanh.

“Không nhất thiết sẽ là việc giải tỏa toàn bộ, nhưng có lẽ theo từng chặng, cho phép các giai đoạn đầu xảy ra nhanh hơn.”

Năm 2007, chính phủ Mỹ của Tổng thống Bush bắt đầu cho phép bán vũ khí phi sát thương cho Việt Nam.

Thăm Việt Nam

Hai thượng nghị sỹ Hoa Kỳ John McCain và Sheldon Whitehouse có chuyến thăm Việt Nam bắt đầu từ thứ Sáu 8/8.

Chuyến thăm của hai vị thượng nghị sỹ diễn ra ngay sau chuyến công du của một thượng nghị sỹ khác, ông Bob Corker, thành viên cao cấp thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ.

Trong khi ở Việt Nam, ông Corker bày tỏ lạc quan rằng Washington sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong tương lai gần.

Giới chức Việt Nam trong các tiếp xúc cấp cao với chính giới Mỹ gần đây đều đề cập tới vấn đề này.

Thượng nghị sỹ John McCain, người được cho là ủng hộ bỏ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, ngay từ mấy năm trước đã tuyên bố một cách lạc quan rằng "đây là chủ đề mà tôi cho là hai nước có thể giải quyết một cách tích cực".

Là nhân vật có ảnh hưởng trong Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Hoa Kỳ, việc ông McCain có mặt ở Hà Nội tuần này làm nổi lên câu hỏi liệu Việt Nam và Mỹ đã đến rất gần một thỏa thuận mới trong chủ đề này?

Món quà của ủy viên Bộ Chính trị

image049

Image caption Ông Phạm Quang Nghị tặng ông John McCain ảnh chụp tấm bia có hình ông

Năm 1994, Mỹ đã bỏ cấm vận kinh tế với Việt Nam, nhưng vẫn cấm bán các loại vũ khí sát thương cho quốc gia cựu thù.

Để dỡ bỏ lệnh cấm vận này, Washington đòi hỏi Hà Nội thực hiện một số điểm, trong đó có chủ đề nhân quyền.

Năm 2013, trong chuyến thăm Mỹ, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai bên.

Ông John McCain từng là ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa và ông có nhiều duyên nợ với Việt Nam, từng thăm Việt Nam nhiều lần.

Ông từng tham chiến ở Việt Nam và bị cầm tù sau khi máy bay của ông bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội.

Hôm 23/7, trong chuyến đi Hoa Kỳ của mình, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng hội kiến ông McCain ở trụ sở Quốc hội Mỹ.

Thật tình, tôi không biết ngài có muốn có nó hay không? Nếu ngài không thích thì ngài có thể không công bố cho bất kỳ ai được biết.Ông Phạm Quang Nghị nói với ông John McCain

Vào cuối cuộc tiếp xúc, ông Nghị tặng ông McCain hai tấm ảnh khổ A4, chụp tấm bia tại đường Thanh Niên bên hồ Trúc Bạch trên có hình ông McCain bị bắt làm tù binh 47 năm trước.

Phóng viên Việt Nam đi theo đoàn thuật lại rằng ông Nghị nói với ông McCain lúc đó: "Thật tình, tôi không biết ngài có muốn có nó hay không? Nếu ngài không thích thì ngài có thể không công bố cho bất kỳ ai được biết. Còn ngài thích, thì tùy ngài".

Đáp lại, ông McCain chỉ vào tấm ảnh và than phiền rằng ông là "thiếu tá hải quân chứ không phải là thiếu tá không quân. Tôi thuộc lực lượng không quân của hải quân. Các ngài đã ghi vào tấm bia này không đúng".

Hành động của ông bí thư Hà Nội đã thu hút khá nhiều bình luận trên các diễn đàn mạng, trong đó một số ý kiến chê trách ông 'thiếu nhạy cảm'.

Tuy nhiên sau đó, ông John McCain vẫn tình nguyện dẫn đoàn của ông Phạm Quang Nghị đi tham quan trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ./

image051

Tượng đài kỷ niệm Thiếu tá phi công McCain bị bắn rơi dựng ờ hồ Trúc Bạch Hà Nội.

 

image053

Bổn báo Lý Kiến Trúc trước sân chùa Trấn Quốc ở Hồ Tây.

13 Tháng Tư 2016(Xem: 18776)
"Người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay Siphan cho biết: "Những gì Sam Rainsy nói chúng tôi để mất đất cho Việt Nam, chúng tôi không ngu. Ông ta dường như muốn chống lại người Việt Nam, nhưng thực tế mẹ ông ta là một người Việt".
12 Tháng Tư 2016(Xem: 15253)
"Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama nói sai lầm tệ hại nhất trong các nhiệm kỳ Tổng Thống của ông là không chuẩn bị để có thể đối phó với những hệ quả ở Libya sau hành động can thiệp do NATO lãnh đạo để lật đổ lãnh tụ Libya Moammar Gadhafi vào năm 2011, đẩy nước này vào tình trạng hỗn loạn".
11 Tháng Tư 2016(Xem: 15114)
"Ngoài vấn đề khủng bố, khối G-7 theo trông đợi cũng sẽ thảo luận về vấn đề an ninh ở Biển Đông và cuộc khủng hoảng di dân tại châu Âu và Trung Đông".
07 Tháng Tư 2016(Xem: 15458)
"Đại sứ Saperstein sẽ thăm Việt Nam từ ngày 26 đến 31/3. Trong chuyến thăm, ông sẽ gặp các quan chức chính phủ, cũng như các lãnh tụ tôn giáo và xã hội dân sự để bàn thảo về các cơ hội và thách thức đối với việc cải thiện tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam".
07 Tháng Tư 2016(Xem: 15246)
- "Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ diễn thuyết tại hội thảo quan trọng về Chiến tranh Việt Nam diễn ra ngày 27/4 tại Thư viện Tổng thống Lyndon B. Johnson. - "Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cũng sẽ tham dự sự kiện này. Ngoài ra, còn có hai nhân vật đáng chú ý khác là ông Henry Kissinger, Ngoại trưởng Mỹ thời kỳ 1973-1977, và nhà làm phim Ken Burns, người sẽ cho ra mắt bộ phim tài liệu về Chiến tranh Việt Nam dài 10 phần vào năm 2017".
05 Tháng Tư 2016(Xem: 16704)
"Rất nhiều người cho rằng, với chiến thắng của NLD trong cuộc bầu cử tháng 11/2015, với việc chính quyền của cựu Tổng thống Thein Sein chấp nhận kết quả bầu cử và rời khỏi vũ đài chính trị bằng việc công nhận kết quả đắc cử Tổng thống của ông Htin Kyaw, nền dân chủ của Myanmar đã được khẳng định giá trị trong đời sống chính trị tại quốc gia này".
05 Tháng Tư 2016(Xem: 16906)
"Thủ tướng Iceland hôm thứ Ba từ chức giữa làn sóng biểu tình phản đối rộng khắp theo sau những tiết lộ về những khoản đầu tư gây nhiều nghi vấn của ông ta ở nước ngoài".
05 Tháng Tư 2016(Xem: 15413)
"Các vấn đề an ninh dự kiến sẽ nằm cao trong nghị trình thảo luận của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry khi ông đến thăm Bahrain và Nhật Bản trong tuần này. Từ trụ sở Bộ ngoại giao ở Washington, thông tín viên Pam Dockins của đài VOA gởi về bài tường trình sau đây:"
05 Tháng Tư 2016(Xem: 17247)
"Dưới đây là 10 sự việc diễn ra dưới thời TT Barrack Obama, nhưng đôi khi chúng ta vội sao nhãng vì truyền thông hầu như bỏ quên đi. Cuối năm nay ông sẽ chia tay với nhân dân Hoa Kỳ nhưng vẫn có hàng chục, hàng trăm triệu người tiếp tục thừa hưởng di sản của ông để lại. Xin kể:"
31 Tháng Ba 2016(Xem: 15132)
"Tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar trong vòng hơn 50 năm đã tuyên thệ nhậm chức tại thủ đô Naypidaw. Thông tín viên Richard Green của đài VOA tường thuật. Hai vị phó Tổng thống Myint Swe và Henry Van Tio cũng tuyên thệ nhậm chức cùng với ông Htin Kyaw. Lãnh tụ dân chủ Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, đã được đề cử để trở thành một thành viên trong nội các của Tổng Thống tân cử Htin Kyaw ".
31 Tháng Ba 2016(Xem: 16361)
"Một điểm Trump nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn là sẽ không để Trung Hoa hay các đối thủ khác lường trước được những suy tính và quyết định của mình. Trump nói sẽ trở thành không tiên đoán được, unpredictable, khi lãnh đạo quốc gia vì Hoa Kỳ quá dân chủ và cởi mở nên trở thành quá dễ dàng cho đối thủ tính trước được phản ứng". - Tổng thống Obama: Nhà báo có trách nhiệm 'tìm tòi kỹ hơn'
29 Tháng Ba 2016(Xem: 16567)
"Không chỉ là một thành tích quân sự, việc quân đội Syria với sự hỗ trợ của Nga giành lại được thành phố cổ Palmyra từ tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech)..."
29 Tháng Ba 2016(Xem: 16878)
"Ngày 28/03/2016, Nhật Bản khánh thành hệ thống radar mới trên đảo Yonaguni, gần Đài Loan và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc".
29 Tháng Ba 2016(Xem: 15113)
"Tổng thống Obama là diễn giả chính tại lễ trao Giải thưởng Toner dành cho Đưa tin Chính trị Xuất sắc. Giải thưởng được đặt theo tên của Robin Toner, người phụ nữ đầu tiên được cử làm phóng viên chuyên về chính trị quốc gia của tờ New York Times".
27 Tháng Ba 2016(Xem: 17942)
"Giáo Hoàng Francis rao giảng thông điệp Phục Sinh hy vọng sau một tuần ảm đạm ở châu Âu, kêu gọi người Công giáo không để sự sợ hãi và bi quan "chi phối" mình".
24 Tháng Ba 2016(Xem: 15377)
"Hôm thứ Tư 23/03, quân đội Syria đã tiến hành một cuộc tấn công mới, và chiếm được tất cả các ngọn đồi ở phía tây và tây nam thành cổ Palmyra. Thành cổ, đã từng bị nhóm hồi giáo cực đoan đánh chiếm từ tháng 05/2015, hiện đang nằm trong tầm ngắm của các khẩu đại bác được đặt trên các chiếc xe bọc thép của chính phủ, cách lối vào thành 2 km".
24 Tháng Ba 2016(Xem: 16029)
"Chủ tịch WIN/Gallup International, Jean-Marc Leger, nói: "Giáo hoàng Francis là nhà lãnh đạo đã vượt lên trên cả chính tôn giáo của mình. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một đa số rất lớn công dân trên thế giới thuộc các tôn giáo khác nhau và ở những vùng đất khác nhau đều có hình ảnh tốt về đức Giáo hoàng."
24 Tháng Ba 2016(Xem: 16836)
"Xuất thân là sĩ quan công an, ông Nguyễn Hữu Vinh lập trang blog anhbasam để giúp công luận tìm hiểu lịch sử và thông tin ngoài luồng của báo chí và của hệ thống tuyên truyền một chiều".