Bồi thường 500 triệu đôla, rồi sao nữa?

05 Tháng Bảy 20168:51 CH(Xem: 15544)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  TƯ  06  JULY 2016

Bồi thường 500 triệu đôla, rồi sao nữa?

Tiến sỹ Nguyễn Vân Nam

Luật sư từ thành phố Hồ Chí Minh

 

image006

Image copyright AFP Image caption Họp báo của chính phủ Việt Nam công bố kết luận điều tra Formosa gây ô nhiễm biển khiến cá chết hàng loạt tại miền Trung

Lời xin lỗi và cam kết bồi thường 500 triệu USD của Formosa, vẫn chưa thể được coi là thành tâm và thỏa đáng, cho đến khi các câu hỏi pháp lý quan trọng nhất vẫn chưa có câu trả lời.

Theo luật pháp Việt nam, Đài Loan hay chuẩn mực quốc tế, cam kết bồi thường 500 triệu USD của Formosa, trừ phi nó đã được chính phủ Việt nam ký xác nhận đồng ý, vẫn chỉ là một tuyên bố ý chí đơn phương có thể không thực hiện, hoặc rút lại bất cứ lúc nào.

Cam kết bồi thường cần được hợp pháp hóa dưới hình thức một Thỏa thuận (Hợp đồng) bồi thường với chữ ký xác nhận của các bên liên quan. Nó sẽ là cơ sở pháp lý cho việc sử dụng tiền bồi thường và qui định các hệ quả pháp lý.

Thông thường, một Thỏa thuận như vậy ít nhất cũng phải xác định rõ ý nghĩa và mục đích của khoản tiền; phạm vi, đối tượng những người được nhận tiền; quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của bên trả tiền cũng như của bên nhận tiền sau khi nhận tiền.

Đặc biệt phải qui định cụ thể, với việc trả bồi thường, bên trả tiền sẽ được loại trừ, giải phóng khỏi những nghĩa vụ, trách nhiệm nào; người nhận tiền sẽ không còn các quyền nào.

Các chủ thể có quyền yêu cầu Formosa bồi thường thiệt hại

  • Chính phủ Việt nam: có quyền yêu cầu Formosa bồi thường những tổn thất về môi trường biển, làm mất giá trị kinh tế biển và thất thu về thuế do kinh tế biển ở các vùng bị ô nhiễm giảm sút, v.v. Khoản tiền 500 triệu USD cho các thiệt hại như vậy vẫn có thể chưa thỏa đáng.


Chính phủ còn có quyền yêu cầu Formosa trả tiền khắc phục hậu quả ô nhiễm và đưa vùng biển bị ô nhiễm trở lại trạng thái như trước khi ô nhiễm.
Khoản tiền này chắc chắn lớn hơn 500 triệu USD rất nhiều.


image008

Image copyright Getty Image caption Formosa xin lỗi chính phủ và nhân dân Việt Nam trước kết luận điều tra của chính phủ.

Theo thông lệ quốc tế, các khoản tiền được gọi là tiền bồi thường không phải là tiền nhằm hỗ trợ những người thiệt hại để họ có tương lai tốt hơn, hay phát triển kinh tế ở những địa phương bị thiệt hại; cũng không phải là khoản tiền đã bao gồm chi phí tái tạo môi trường.

Khi đàm phán với chính phủ, chắc chắn Formosa sẽ yêu cầu chính phủ chịu trách nhiệm đảm bảo cho họ không bị những cá nhân chịu thiệt hại khởi kiện dân sự. Tuy nhiên, theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, chính phủ không có quyền tổng quát thay mặt các cá nhân bị thiệt hại nói chung, mà phải được sự ủy quyền của riêng từng người.

Do đó, dù trong Thỏa thuận có điều khoản buộc chính phủ bảo đảm như vậy, nó cũng không giúp được gì cho Formosa khi có tranh chấp về thẩm quyền tại một Tòa án ở Đài Loan. Cơ quan công quyền Đài Loan nói họ hoan nghênh Thỏa thuận đã đạt được giữa chính phủ Việt Nam và Formosa. Nếu đúng vậy, chính phủ cần công bố toàn văn Thỏa thuận đó cho công luận biết.

  • Chính quyền địa phương: nơi chịu ảnh hưởng ô nhiễm có quyền yêu cầu Formosa bồi thường các thiệt hại cho địa phương mình như: thất thu thuế (đánh bắt và tiêu thụ hải sản giảm, dân cư chuyển đến sinh sống ở địa phương khác); doanh thu của các ngành kinh doanh khác như du lịch giảm; do ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân trên địa bàn; cũng như yêu cầu Formosa chịu chi phí chuyển đổi ngành nghề cho các ngư dân.
  • Các Hiệp hội nghề nghiệp: có quyền khởi kiện buộc Formosa bồi thường tổn thất do giảm tiền hội phí vì hội viên giảm thu nhập; tổn thất do bảo lãnh vay vốn cho hội viên là ngư dân, v.v.
  • Các cá nhân: có quyền yêu cầu Formosa bồi thường các thiệt hại vật chất, tính mạng và sức khỏe do Formosa gây ra cho bản thân. Hiện nay, do Formosa đã thừa nhận mình gây ra ô nhiễm, nên việc khởi kiện của các cá nhân rất thuận lợi.

Căn cứ vào Thỏa thuận này, mới có thể biết khoản tiền đó sẽ được sử dụng thế nào, vì mục đích gì và cho ai.


image011

Image copyright STR AFP GETTY IMAGES

Nếu đó là khoản tiền Formosa đồng ý bồi thường theo yêu cầu của chính phủ, nó được phép sử dụng cho các mục đích do hai bên thỏa thuận. Chỉ trong trường hợp đó, tiền bồi thường mới có thể được chuyển cho Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam. Dù thật ra, Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam chỉ là nơi tiếp nhận nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các tài trợ đóng góp của các nguồn khác.

Tiền bồi thường không phải nguồn thu ngân sách Nhà nước, càng không phải là tài trợ của Formosa.

Theo thông lệ quốc tế, đây chỉ là tiền bồi thường cho chính phủ, cho nhà nước Việt Nam. Nên dù chính phủ đã chấp nhận khoản tiền bồi thường, các pháp nhân, tổ chức, cá nhân khác vẫn hoàn toàn có quyền tiếp tục khởi kiện buộc Formosa phải bồi thường. Đó có thể là các Hiệp hội, doanh nghiệp và các cá nhân chịu thiệt hại.

Ngay cả khi Thỏa thuận bồi thường buộc chính phủ Việt Nam bảo đảm cho Formosa không bị các cá nhân khởi kiện đi chăng nữa, họ vẫn có thể kiện Formosa tại một Tòa án có thẩm quyền của Đài Loan, nếu thấy mình không được bồi thường thỏa đáng.

Image copyright Sam Yeh AFP Getty Image caption Một người Việt biểu tình tại Đài Loan hôm 18/6 vì tin rằng hàng tấn cá chết do nhà máy Formosa sả thải độc ra biển


image011

Tòa án Đài Loan sẽ quyết định người khởi kiện cá nhân có bị ràng buộc bởi Thỏa thuận giữa Formosa và chính phủ Việt Nam hay không? Câu trả lời chắc chắn sẽ là: Không!

Trừ trường hợp bồi thường cho chính phủ Việt Nam, không nên thành lập một Quĩ bồi thường hay bất kỳ hình thức Quĩ nào để quản lý các khoản tiền bồi thường của Formosa.

Chỉ cần thành lập ban quản lý tiền bồi thường là đủ. Các cá nhân bị thiệt hại cần có người đại diện tại ban quản lý. Những đại diện này nên là các luật sư có kinh nghiệm, mỗi luật sư chỉ nên đại diện cho một số có giới hạn những người bị thiệt hại.


image013

Image copyright Sam Yeh AFP Getty Image caption Đã diễn ra biểu tình tại Đài Loan phản đối công ty Formosa hôm 18/6/2016 tại thủ đô Đài Bắc của Đài Loan

Những việc cần làm trước mắt

Trước mắt, cần đàm phán ký kết Thỏa thuận bồi thường với Formosa (nếu chưa có). Chắc chắn đó là một việc khó khăn, rất dễ “sai một ly đi một dặm”. Vì Formosa là người rất có kinh nghiệm đối phó với những vụ tương tự. Tuy vậy, phía Việt nam có 02 “Vũ khí” đàm phán rất hiệu quả là: quyền buộc Formosa tạm ngừng hoạt động vô thời hạn và quyền khởi kiện cá nhân của người bị thiệt hại.

Mục tiêu đàm phán nên là: buộc Formosa phải ký cam kết thực hiện tối thiểu 03 nghĩa vụ cơ bản:

  1. Đưa môi trường bị hủy hoại trở về trạng thái ban đầu khi chưa bị ô nhiễm;
  2. Bảo đảm không tái phạm gây ô nhiễm dưới bất kỳ hình thức, mức độ nào; và
  3. Bảo đảm đền bù thỏa đáng cho những người bị thiệt hại, bảo đảm quyền khởi kiện khi họ thấy tiền bồi thường chưa thỏa đáng.

image015

Image copyright AFP Image caption Luật sư cho rằng cần kiểm tra toàn bộ dây chuyền sản xuất tại nhà máy của Formosa ở Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.

 

Thái độ ngạo mạn của Formusa khi tuyên bố hoặc là tôm cá, hoặc là sắt thép, cũng có thể là thái độ và kiểu lập luận chung của các nhà đầu tư muốn đưa công nghệ lạc hậu, có khả năng hủy hoại môi trường vào Việt Nam.

Chúng ta cần tỏ rõ thái độ dứt không chấp nhận điều này. Vì thế, rất nên lấy việc xử lý Fomosa làm tấm gương cho họ.

Do đó, việc thứ 2 cần làm với Formosa là xử lý hình sự, buộc Formosa phải nộp tiền phạt và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân lãnh đạo Formosa.

Nếu chính phủ Việt Nam “đánh kẻ chạy đi, không đánh kẻ chạy lại”, thì một công dân hay tổ chức Việt Nam vẫn có thể làm đơn đề nghị Viện công tố Đài Loan tiến hành điều tra truy tố Formusa gây ô nhiễm môi trường theo luật Đài Loan.


image017

Image copyright AFP Image caption Quan chức chính phủ trả lời báo chí về nguyên nhân cá chết ở miền Trung sau ba tháng điều tra.

Song song đó, nên ngay lập tức kiểm tra lại toàn bộ dây chuyền sản xuất và hệ thống xử lý nước thải để trả lời câu hỏi Formosa đã đủ điều kiện chính thức đi vào sản xuất chưa?

Đây là công việc phải rất cẩn trọng, chỉ sơ xuất nhỏ cũng ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Vì vậy cần có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, hoặc hiệp hội bảo vệ môi trường Quốc tế, không nên chỉ để cơ quan thẩm định của Việt Nam làm. Chỉ đến khi tuyệt đối bảo đảm an toàn mới cho vận hành lại.

Đó không chỉ là biện pháp phòng ngừa, mà còn rất hữu hiệu trong đàm phán buộc Formosa phải chấp nhận bồi thường thỏa đáng và trong tương lai không còn dám hủy hoại môi trường Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam nên hết sức thận trọng khi cho Formosa chính thức sản xuất. Chỉ khi họ đáp ứng yêu cầu bồi thường thiệt hại, về cơ bản khắc phục xong các hậu quả đối với môi trường biển và đã đổi mới công nghệ đáp ứng điều kiện ngăn ngừa đến mức cao nhất khả năng xẩy ra ô nhiễm môi trường, thì mới cho hoạt động.

Tất nhiên, nhiều người muốn đóng cửa Formosa. Nhưng một mặt, chúng ta không biết trong giấy phép, hay thỏa thuận đầu tư với Formusa có những quy định nào có thể loại trừ một số quyền của chính phủ Việt Nam, hay về các điều kiện để đóng cửa một dự án đầu tư?

Mặt khác, không cần phải đóng cửa vĩnh viễn, cơ quan chức năng vẫn có thể tạm ngừng không cho nhà máy này hoạt động, cho đến khi nó đảm bảo được các tiêu chuẩn về môi trường, các điều kiện đảm bảo không tái phạm gây ô nhiễm.


image019

Image copyright Hoang Dinh Nam AFP Getty Image caption Nên mời chuyên gia nước ngoài và các tổ chức có chuyên môn về môi trường tham gia kiểm tra an toàn môi trường với các dự án tương tự, theo ý kiến luật sư.

Vedan, Formosa, Lee & Man, đều là các doanh nghiệp Đài Loan. Họ có điểm chung, cho rằng người Việt Nam sẽ chấp nhận tất cả để làm kinh tế. Nên họ đều thích đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, đều rất ngoan cố khi phải chấp nhận có lỗi và cũng rất láu cá khi đàm phán bồi thường thiệt hại.

Vì thế, cũng nên tạm thời đóng cửa nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu giang cho đến khi nó đảm bảo hoạt động mà không gây ô nhiễm.

Nên mời chuyên gia nước ngoài, các tổ chức, Hiệp hội có chuyên môn sâu về bảo vệ môi trường tham gia vào Ủy ban kiểm tra điều kiện an toàn môi trường đối với các dự án, nhà máy tương tự như Formusa, Lee & Man.

Sự tham gia của họ một mặt cho các nhà đầu tư khác thấy Việt nam cương quyết nói không với các công nghệ bẩn; mặt khác, kết luận của một ủy ban có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài cũng sẽ là các bằng chứng có tính thuyết phục cao khi phải tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài tại các Hội đồng xét xử quốc tế.

BBC 4/7/16

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một luật sư từ thành phố Hồ Chí Minh.