Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ có thể đưa ông Lý Hiển Long vào lịch sử

07 Tháng Tám 20165:20 CH(Xem: 15027)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA"  THỨ HAI  08  AUGUST 2016


Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ có thể đưa ông Lý Hiển Long vào lịch sử


(GDVN) - Singapore sẽ là nơi hoá giải tranh chấp lợi ích Mỹ - Trung tại Châu Á – Thái Bình Dương và bến đậu Singapore sẽ tấp nập hơn những con thuyền lợi ích.


Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đang thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Hoa Kỳ, sau 31 năm không một lời mời chính thức từ Toà Bạch Ốc.


Chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của ông Lý Hiển Long tới nước Mỹ kéo dài 1 tuần với lịch làm việc gần như kín mít, trong đó có hội đàm và ăn tối với chủ nhân Toà Bạch Ốc, Barak Obama.


Chắc chắn giới phân tích đặt nhiều câu hỏi về chuyến thăm của Thủ tướng Singapore tới xứ cờ hoa diễn ra vào buổi hoàng hôn nhiệm kỳ của vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ.


Chuyến thăm có quan trọng không? Ý nghĩa của chuyến thăm? Tại sao phải tới 31 năm mới có một chuyến viếng thăm chính thức của lãnh đạo Singapore tới Hoa Kỳ mà lại để diễn ra vào buổi hoàng hôn của Tổng thống Obama như vậy?


Cá nhân người viết cho rằng, chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long tới Hoa Kỳ lần này không quá quan trọng với quan hệ song phương Hoa Kỳ - Singapore.


Nó không ảnh hưởng nhiều, không làm thay đổi nhiều đối với quan hệ Hoa Kỳ - Singapore cả về kinh tế, chính trị và ngoại giao quốc tế. Lợi ích từ mối quan hệ thì hai bên đã khai thác quá hiệu quả mà không nhất thiết cần đến các hoạt động thăm viếng cấp cao nhất.


image034

Thủ tướng Lý Hiển Long trong quốc yến chiêu đãi của Tổng thống Barack Obama, ảnh: VOA.


Vậy nhưng chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long lại cực kỳ quan trọng với Tổng thống Barak Obama, nếu không muốn nói là Thủ tướng Lý Hiển Long đang thực hiện việc cứu vãn sự nghiệp Tổng thống Obama tránh khỏi “nhạt nhoà và dang dở”.


Trong những kỳ vọng mà ông Obama chờ đợi ông Lý Hiển Long cứu giúp, thì việc làm sống lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà cả Hoa Kỳ và Singapore đều tham gia, là quan trọng nhất.


Có thể thấy rằng, khi thời gian ngồi ghế Tổng thống nước Mỹ đang đếm ngược thì cũng là lúc hy vọng của ông Obama vào TPP – chiến lược cuộc đời của ông – cũng ngày một vơi dần.


Bởi nước Mỹ đang tập trung cho bầu cử người kế nhiệm ông Obama và tầm ảnh hưởng của ông với Capital Hill cũng giảm dần. TPP có thể chết yểu ngay khi Obama chưa rời Toà Bạch Ốc, nếu không có một cú hích đủ sức làm thay đổi suy nghĩ của người Mỹ về hiệp định thế kỷ này.


Tổng thống Obama thì khó có thể làm được gì hơn, đồng minh thân cận nhất - ứng cử viên Hillary Clinton – lại đang né TPP để không mất điểm trong giai đoạn đua tranh quyết liệt này.


Như vậy là Obama phải tìm cú hích của các đồng minh từ bên ngoài. Có thể thấy Australia, Nhật Bản, Canada là 3 trong số 11 thành viên còn lại của TPP là những quốc gia có nền kinh tế quy mô lớn, có thể gây ảnh hưởng tới nước Mỹ để cứu TPP.


Tuy nhiên ông Obama lại không chọn 3 “người khổng lồ” ấy.


Theo người viết thì, Obama đã chọn “người tí hon” Singapore và lựa chọn này của người đứng đầu Toà Bạch Ốc là sáng suốt. Có thể nói rằng, trong thời điểm hiện nay thì chỉ có Singapore mới có thể cứu TPP và Thủ tướng Lý Hiển Long đã lĩnh ấn tiên phong. 

TPP không quá quan trọng với Singapore


Như người viết phân tích qua bài “Tại sao sau 31 năm Thủ tướng Singapore mới lại thăm chính thức Hoa Kỳ?”, chính phủ Singapore đã xây dựng được cơ chế phù hợp nhất để biến đất nước Singapore thành bến đậu tốt nhất cho những con thuyền lợi ích thả neo, trong đó có Mỹ.


Từ một đất nước nhỏ bé và chỉ có thừ tài nguyên duy nhất là con người, chính phủ Singapore ngay từ thời lập quốc đã chuẩn xác khi xây dựng cơ chế điều hành và quản lý đất nước.


Có thể thấy rằng, cơ chế được chính phủ Singaspore tạo ra từ thời lập quốc cho đến nay đã khai thác tốt nhất lợi ích từ lợi thế của đảo quốc này, cả lợi thế vốn có và lợi thế được tạo ra.


Cùng với Thuỵ Sĩ và Luxembourg, Singapore đã nằm trong tốp 3 quốc gia đạt hiệu quả cao nhất trong chuyển hoá vận hội và thành công nhất trong hiện thực hoá cơ hội thành những lợi ích cho người dân và nguồn lực cho đất nước.


Với Hoa Kỳ thì phải 31 năm mới lại có một chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của lãnh đạo đảo quốc sư tử. Với Trung Quốc thì phải tới 30 năm sau ngày độc lập thì Singapore mới thiết lập ngoại giao với đất nước khổng lồ này, cho dù đa số người dân Singapore thời lập quốc là người gốc Hoa.


image035

Tuy nhiên, với Nhật Bản hay Israel – những hiện tượng thần kỳ về xây dựng phát triển đất nước - thì các thế hệ lãnh đạo Singapore luôn kết nối để tìm hiểu kinh nghiệm và rút ra bài học cho mình.     


Điều đó cho thấy, với Singapore những gì họ tiếp nhận luôn ở mức phù hợp nhất với sự nhỏ bé về tiềm lực của mình. Do đó, bạn lớn hay quá nhiều cơ hội không quá quan trọng với Singapore khi đảo quốc này đã trở thành bến đậu bình yên nhất cho những con thuyền lợi ích thả neo.


Và có thể nhận diện Singapore hoá rồng không phải nhờ khai thác được lợi ích từ những thực thể hay định chế khổng lồ, mà do cơ chế của họ đã tối đa hoá được lợi ích trong mọi quan hệ.


Do vậy, các hiệp định đa phương hay song phương có thể kỳ vọng mang lại lợi ích to lớn cho Singapore không phải là quá quan trọng với quốc gia này, nếu nó vượt quá khả năng tiếp nhận của nguồn lực đất nước.


Điều đó cho thấy TPP – Hiệp định thương mại thế kỷ - có thể quan trọng với Việt Nam, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Canada hay Malaysia hoặc Brunei, nhưng với Singapore thì nó không được xem cơ hội có một không hai cho đảo quốc này.


Với vị thế như vậy, nếu Singapore lên tiếng về lợi ích của TPP thì chứng tỏ lợi ích của hiệp định đối tác mang tầm thế kỷ này là rõ ràng và đó là thiện ý của Singapore dành cho các đối tác chứ không phải chỉ vì lợi ích của Singapore.


Đây có thể được xem là lý do chính Obama trao ấn tiên phong cho Lý Hiển Long để cứu nguy cho TPP. Và Thủ tướng Singapore đã lên tiếng khi cho rằng TPP thành công là thể hiện uy tín của Hoa Kỳ với vị thế của một cường quốc.


"Đối với những người bạn và những đối tác của nước Mỹ, việc phê chuẩn TPP là một phép thử đối với uy tín của chính quyền nước Mỹ và tầm quan trọng của đối tác với Hoa Kỳ", ông Lý Hiển Long đã phát biểu như vậy trước 200 quan khách tại Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - ASEAN ở Washington D.C ngày 1/8, trước khi gặp Tổng thống Obama.[1]

TPP quá quan trọng với nước Mỹ


Không thể phủ nhận rằng, khi các bên tham gia TPP thúc đẩy đàm phán và đồng ý ký kết hiệp định này là một thành công lớn của chính quyền Mỹ và cá nhân Tổng thống Obama.


Điều đó đã được giới phân tích, giới chuyên gia và giới đầu tư nhìn nhận khi cho rằng nguyên nhân TTIP không tiến triển vì Brussels không chịu nhượng bộ Washington như các đối tác ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã nhượng bộ Washington trong đám phán về TPP.


Vậy nhưng, cả chính giới và đa số người dân Mỹ lại không tin TPP mang lại “lợi nhiều hơn thiệt” cho xứ cờ hoa.


Có nhiều luận chứng được đưa ra lý giải nhưng quan trọng nhất vẫn là hầu hết các đối tác của Mỹ trong TPP có xuất phát điểm thấp hơn Mỹ, nên chủ yếu là chờ đợi cơ hội “xẻ thịt” nước Mỹ khi TPP vận hành.


Điều đó khiến cho nước Mỹ, người dân Mỹ, doanh nghiệp Mỹ trở thành nơi chia sẻ lợi ích cho các đối tác hơn là khai thác được lợi ích từ đối tác. Nguy cơ hàng giá rẻ và mất công ăn việc làm là nghi ngại lớn nhất mà Capital Hill do dự trong việc xem xét thông qua TPP.


Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Hiển Long đã cho rằng TPP quan trọng với Mỹ nhìn ở nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau chứ không chỉ là các giá trị thương mại.


The New York Times ngày 3/6 đã từng đưa ra nhận định, nếu TPP chết yểu thì đó là thắng lợi của Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ thừa thắng xông lên, thách thức Mỹ ở nhiều lĩnh vực khác nhau.


Chính Tổng thống Obama cũng cho rằng:


“Dù Trung Quốc không phải là một thành viên của TPP, nhưng nếu Hoa Kỳ và các thành viên TPP khác không thiết lập được nguyên tắc mạnh mẽ và chuẩn mực cao cho hoạt động thương mại và nhất là thương mại được tiến hành trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thì Trung Quốc sẽ vận dụng các nguyên tắc nguy hại của họ để điều chỉnh hoạt động tại khu vực đang phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay." [2]


image037

Kỳ vọng của Obama đang phó thác lên vai Lý Hiển Long, ảnh: Today Online


Còn Thủ tướng Lý Hiển Long thì cho rằng, TPP là một phần không thể thiếu trong chiến lược đối ngoại của Mỹ khi chuyển trọng tâm sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhằm kiềm chế nguy hại từ sự nổi lên ngày một mạnh mẽ của Trung Quốc.


Không những vậy, Thủ tướng Singapore còn cho rằng chiến lược đối ngoại của nước Mỹ sẽ phải thay đổi nếu TPP không được vận hành, đặc biệt là với hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ có giá trị từ sau Đệ nhị Thế chiến.

Ông Lý Hiển Long nhấn mạnh:


"Người Nhật đang sống trong một thế giới không an toàn và phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ, do vậy quan hệ Nhật – Mỹ chỉ còn phát triển ở kinh tế thương mại.


TPP quan trọng với Nhật nhưng nếu Mỹ không cho vận hành, vậy điều gì sẽ xảy ra? Đảm bảo an ninh là ngăn chặn chết chóc, nhưng không tạo điều kiện cho cuộc sống thì có khác gì đưa người ta dần tới chỗ chết? Đây là một tính toán hoàn toàn nghiêm túc.” [2]


Có thể thấy rằng, khi nước Mỹ chuyển trục trong chiến lược đối ngoại từ Bắc Đại Tây Dương và Địa Trung Hải sang Châu Á – Thái Bình Dương thì vai trò của Nhật Bản là tối quan trọng với sự dịch chuyển này.


Song nếu TPP chết yểu, lợi ích của Nhật Bản bị bỏ mặc thì Washington phải chuẩn bị đối phó với nguy cơ từ Tokyo, đặc biệt là khi Shinzo Abe có thể tiến hành cải cách Hiến pháp hoà bình và chắc chắn hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ sẽ phải bị xem lại.


Trong khi đó: “Tại Tokyo, Chánh văn phòng Nội Yoshihide Suga, cánh tay phải của Shinzo Abe cho biết rằng Nhật Bản hiểu Obama đã nỗ lực để TPP được Quốc hội Mỹ thông qua vào cuối năm 2016 này.


Ông Suga cho biết, chính phủ Nhật Bản rất chờ đợi việc phê chuẩn hiệp ước TPP vào mùa thu năm nay. Chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe coi TPP là một trong những trụ cột trong chiến lược phát triển của Nhật Bản.” [2]


Như vậy, khi TPP không được vận hành thì không những Washington phải xây dựng giải pháp khả dĩ kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh, mà Hoa Kỳ còn phải lo tìm kiếm biện pháp ngăn chặn nguy cơ từ nước Nhật.


Thủ tướng Singapore không những đã gửi lời cảnh báo nguy hại khi TPP chết yểu tới Capital Hill, mà tới cả Hillary Clinton và Donald Trump, khi cả hai ứng viên này đều lên tiếng phản đối TPP.
    
Thủ tướng Lý Hiển Long đang tạo chỗ đứng cho mình trong lịch sử kinh tế - chính trị tại Châu Á và trên thế giới


Cho đến giờ phút này, sau 12 năm ngồi ghế Thủ tướng nước Cộng hoà Singapore, ông Lý Hiển Long vẫn luôn bị cái bóng quá lớn của cha ông – cố Thủ tướng Lý Quang Diệu – che khuất.


Là người tài năng, đức độ và có nhiều thiện cảm với người dân Singapore cũng như chính giới và nhiều người dân trên thế giới, nhưng Thủ tướng Lý Hiển Long vẫn bị xem là nhờ may mắn ở vị thế cùng với nền tảng vững chắc mà vị Thủ tướng đầu tiên đã tạo ra cho Singapore.


Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ đã đưa Thủ tướng Lý Hiển Long vượt qua vị trí của cựu Thủ tướng Ngô Tác Đống – vị Thủ tướng thứ hai của đảo quốc này trong giai đoạn 1990 -2004.


Tuy nhiên, chỉ là vị thế thôi chứ về vai trò thì cả ông Ngô Tác Đống và ông Lý Hiển Long vẫn bị mờ nhạt bời cái bóng của ông Lý Quang Diệu. Nhà lãnh đạo huyền thoại có công đã biến Singapore từ một quốc gia nhỏ bé, khó khăn thành một trong những nơi đáng sống nhất hành tinh.


Và ông Lý Hiển Long có thể thoát ra khỏi cái bóng của nhà lập quốc nếu từ vị thế của một quốc gia nhỏ bé, ông có thể giúp Singapore giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trên thế giới – vượt tầm của Singapore.


Cứu TPP có thể nhận diện là một trong những việc làm đưa ông Lý Hiển Long vào ngôi nhà của những chính trị gia xuất sắc nhất Châu Á. Lịch sử kinh tế - chính trị Châu Á – Thái Bình Dương sẽ vinh danh Lý Hiển Long khi TPP được vận hành.


Thủ tướng Lý Hiển Long đang đưa tầm ảnh hưởng Singapore vượt ra khỏi khu vực Châu Á khi ông đang chứng minh cho người dân và chính giới Mỹ thấy rằng, đảo quốc sư tử mới là nơi đặt trọng tâm cho chiến lược ngoại giao mới của Mỹ, chứ không phải là những người khổng lồ Nhật Bản hay Australia.


Người viết cho rằng Singapore sẽ là nơi hoá giải tranh chấp lợi ích Mỹ - Trung tại Châu Á – Thái Bình Dương và bến đậu Singapore sẽ tấp nập hơn những con thuyền lợi ích thả neo.


Tóm lại, chuyến thăm chính thức nước Mỹ của nhà lãnh đạo Singapore có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng với chính quyền Tổng thống Obama và các đối tác khác của nước Mỹ trong TPP.


Đó là làm sống lại TPP, ngay cả khi hiệp định thương mại thế kỷ này không được Quốc hội Mỹ thông qua trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Qua sự kiện này cho thấy những thế hệ lãnh đạo của Cộng hoà Singapore luôn tìm mọi cách để có thể mang về lợi ích tốt nhất cho người dân và cho Tổ quốc mình.       


Tài liệu tham khảo:


[1]http://www.japantimes.co.jp/news/2016/08/02/business/economy-business/singapores-lee-says-u-s-credibility-line-tpp-trade-agreement/#.V6KYmNKLS1s


[2]http://www.japantimes.co.jp/news/2016/08/03/business/economy-business/u-s-failure-ratify-tpp-will-make-japan-rethink-security-hurt-u-s-credibility-region-singapores-lee-tells-obama/#.V6KZPNKyOko


[3]http://www.channelnewsasia.com/news/business/tpp-ratification-a-litmus/3005752.html


[4]http://www.japantimes.co.jp/news/2016/08/03/business/singapore-chief-meets-obama-fete-50th-year-ties-urges-congress-ok-tpp/#.V6KZ9dKyOko


Ngọc Việt 05/08/16

21 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1230)
16 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1384)
BIDEN – TẬP ‘BÀN’ VỚI NHAU NHỮNG GÌ?