TPP bị hủy, trò chơi địa chính trị khu vực sẽ thế nào?

06 Tháng Mười Hai 20165:40 CH(Xem: 17084)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  TƯ  07   DEC  2016


TPP bị hủy, trò chơi địa chính trị khu vực sẽ thế nào?


Bùi Nguyên Gửi cho BBC từ Singapore


 image006


Top of Form

 Bottom of Form


Image copyright Reuters Image caption Ông Donald Trump tuyên bố rằng ông sẽ rút Mỹ ra khỏi TPP


Người sắp là tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng ông sẽ rút Mỹ khỏi TPP và thay bằng các hiệp định thương mại song phương ngay sau khi ông nhận chức.


Thủ tướng Nhật, ông Shinzo Abe đã nói nếu không có Mỹ thì TPP sẽ không có nghĩa lý gì. Vậy là hiệp định TPP coi như thất bại.


Về địa chính trị, TPP là mục đích của Mỹ nhằm bớt sự phụ thuộc về thương mại của các nước gần Trung Quốc như Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Australia, New Zealand vào việc giao thương với Trung Quốc. Tổng thống Obama từng khẳng định rằng, nếu không lôi kéo các nước quan trọng trong khu vực Tây Thái Bình Dương vào TPP, thì Trung Quốc sẽ là người viết luật chơi thương mại trong khu vực. Sự ảnh hưởng của Mỹ sẽ giảm sút.


Sau việc tái phối trị lực lượng quân sự về vùng Tây Thái Bình Dương, thì TPP là công cụ về kinh tế của tổng thống Obama để kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc. Tất cả đều năm trong chiến lược xoay trục về Châu Á (Pivot to Asia) của tổng thống Obama và bà Hillary Clinton, khi còn làm bộ trưởng ngoại giao, đề ra từ năm 2009.


Cùng với sự thất cử của bà Hillary Clinton thì TPP coi như hoàn toàn thất bại, Xoay Trục Châu Á của Obama trở nên dang dở.


Thủ tướng Singapore trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Time vào tháng 10 nhận định Trung Quốc sẽ dùng kẹo mút (lollipops: ý nói dùng tiền) để dụ dỗ các nước nhỏ trong khu vực, nếu Mỹ từ bỏ TPP. Ông Lý Hiển Long cho rằng uy tín của Mỹ trong khu vực Đông Bắc Á sẽ bị tổn hại nghiêm trọng nếu TPP bị hủy bỏ.


Theo ông Lý, tình hình ở Biển Đông là trò chơi được và mất (zero-sum game). Các nước cần biết cách chơi, xem đánh đổi là gì, nên liên minh hay đối tác với ai. Trung Quốc thì rất rõ ràng về lợi ích của họ ở Biển Đông và hành động của họ rất nhất quán trong việc giành lợi ích.


Ông Lý cũng tin rằng tình hình Biển Đông còn phụ thuộc vào hành động của Ấn Độ và Nhật Bản. Ấn Độ tuy không bằng Trung Quốc về kinh tế, nhưng đang ngày càng mạnh lên. Ông Modi đang đưa Ấn Độ đi đúng hướng và lợi ích của Ấn Độ sẽ bao gồm cả vùng Biển Đông và họ sẽ có những hành động tích cực. Còn nội các Nhật Bản thì vào đầu tháng 2 đã tuyên bố rằng sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ không vi phạm hiến pháp.


Philippines và Malaysia đang xoay trục sang Trung Quốc?


image003


Image copyright AFP Image caption Người phản đối TPP ở Washington DC, ngày 14/11


Ngày 28/10/2016, tờ Straits Times của Singapore chạy tít : Sau Philippines, đến lượt Malaysia xoay trục sang Trung Quốc. Bài báo nói về chuyến thăm của thủ tướng Malaysia Najib Razak sang Trung Quốc đi kèm với hợp đồng mua vũ khí Trung Quốc của Malaysia. Theo đó ông Najib tuyên bố Malaysia sẽ mua 4 tàu hải quân tuần tra gần bờ của Trung Quốc. Đây là hợp đồng quan sự đáng kể đầu tiên giữa Malaysia và Trung Quốc giữ lúc căng thẳng đang lên ở Biên Đông và sự tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc.


Mối quan hệ giữa Mỹ và Malaysia ngày càng xấu đi, sau khi Bộ Tư Pháp Mỹ khởi kiện trong vụ kiện mà bị đơn liên quan đến quỹ đầu tư nhà nước của Malaysia 1MDB. Quỹ này do ông Najib thành lập, và giám sát. Ông Najib cũng bị dư luận trong nước cáo buộc tham nhũng do liên quan đến bê bối 1MDB này. Ông Najib đã bác bỏ mọi cáo buộc.


Trong khi đó Trung Quốc và Malaysia lại càng nồng ấm. Vào tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã tung 2.3 tỷ USD mua lại tài sản cho quỹ 1MDB, giúp ông Najib nhẹ bớt nỗi lo nợ nần mà quỹ 1MDB này gây ra.


Trước đó, tại Philippines, tân tổng thống Rodrigo Duterte đã khiến nhiều người ngỡ ngành khi ông dùng những lời lẽ nhục mạ ông Obama và chỉ trích chủ nghĩa đế quốc của Mỹ. Ông cũng tuyên bố dừng hoạt động tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông và có thể sẽ đề nghị Mỹ rút hết nhân viên quân sự khỏi Philippines trong vòng hai năm tới. Động thái này có nguy cơ đe doạ khả năng xoay trục quân sự của Mỹ về châu Á. Vào năm 2014, chính quyền tổng phống Philippines khi đó là ông Benigno Aquino đã ký với Mỹ Hiệp Định Hợp Tác Quốc Phòng Nâng Cao (Enhanced Defence Cooperation Agreement, EDCA) cho phép Mỹ đưa quân và tàu chiến vào một số đảo của Philippines. Hiệp định này, cùng với các động thái khác của Mỹ như đưa 2500 lính thủy đánh bộ đến Australia, và tăng cường sự hiện diện quân sự ở cảng quân sự Changi của Singapore, là kế hoạch tái cân bằng quân lực của Mỹ về Châu Á.


Thu giữ xe tăng của Singapore tại Hong Kong


Quan hệ Trung Quốc và Singapore dần trở nên căng thẳng sau khi Singapore ủng hộ phán quyết của toà án quốc tế PCA về đường lưỡi bò. Hơn nữa, Singapore dần dần đang thể hiện ngả về phía Mỹ trong tình hình Biển Đông. Singapore là một nhân tố quan trọng trong chiến lược xoay trục châu Á của ông Obama. Mỹ đã tiếp đón vợ chồng ông Lý với nghi thức cao nhất cùng quốc yến khi ông Lý đến thăm Singapore hồi tháng Tám. Ai cũng biết Singapore mua nhiều máy bay F15, F16, và các loại vũ khí của Mỹ


Cách đây hơn một tuần, căng thẳng này thể hiện rõ hơn qua việc cảng Hong Kong thu giữ tàu chở 9 xe tăng của Singapore trên đường từ Đài Loan trở về. Việc Singapore có đưa quân đi tập luyện ở Đài Loan từ trước tới nay không ai lạ gì. Cho nên việc Trung Quốc ra lệnh bắt giữ này là lời cảnh báo của Trung Quốc với Singapore, không chỉ là về vấn đề Đài Loan, mà cả về động thái của Singapore ở Biển Đông.


Ngoại trưởng Singapore ông Vivian Balakrishnan vài ngày trước đã phải dịu giọng làm hòa, tái khẳng định lập trường công nhận nguyên tắc Một nước Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan.


Quan hệ Mỹ, Trung, Nga ở Biển Đông


Quan hệ kinh tế của Mỹ và Trung Quốc là khá khăng khít. Trung Quốc đã cho Mỹ vay hàng nghìn tỷ USD qua việc mua trái phiếu chính phủ Mỹ và tất nhiên Trung Quốc quốc có lợi ích trong nền kinh tế Mỹ. Ngược lại, công ty Mỹ làm ăn với Trung Quốc rất nhiều. Mối quan hệ Mỹ - Trung hoàn toàn khác hẳn quan hệ Mỹ - Liên Xô trước đây. Kinh tế vẫn là mối quan hệ quan trọng giữa hai nước.


Nga đang có những quan hệ khăng khít hơn với Trung Quốc sau khi căng thẳng với Mỹ và phương Tây, do vụ sáp nhập Crimea. Năm 2014, Nga và Trung Quốc đã ký hiệp định lớn về khí đốt theo đó Nga sẽ bán khí đốt cho Trung Quốc. Vào tháng 9 năm nay Nga đưa quân tập trận chung với Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời Nga cũng phản đối phán quyết của toà án quốc tế PCA về đường lưỡi bò. Nga cũng đã đưa tàu chiến vào thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam từ năm 2014. Tuy nhiên dù sao thì Nga và Trung Quốc đã có lịch sử xung đột, chiến tranh ở biên giới, 2 nước này sẽ thận trọng cảnh giác lẫn nhau.


Kết từ cho Việt Nam


Việc hủy bỏ TPP có vẻ như đang có lợi cho Trung Quốc và bất lợi cho Việt Nam. Trung Quốc đang lôi kéo thêm được nhiều nước trong ASEAN về phía mình và hạ uy tín của Mỹ trong khu vực. Trung Quốc có vẻ như đang đi đúng lộ trình Giấc Mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình.


Hơn bao giờ hết nội lực của chính Việt Nam là quan trọng nhất.


Một thị trường mới trong TPP có thể giúp Việt Nam giảm dần phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. TPP có những ràng buộc giúp lành mạnh hoá môi trường kinh doanh tại Việt Nam, cũng như tác động tốt đến quyền của người lao động. Những điều này sẽ giúp nội lực Việt Nam mạnh hơn.


Nay TPP bị hủy, chính lãnh đạo Việt Nam cần nhận thức mà thúc đẩy thay đổi: từ môi trường kinh doanh trong nước cho doanh nghiệp Việt mạnh lên, đến chủ động tại các thị trường mà Việt Nam đã ký FTA như EU, New Zealand,…


Hơn bao giờ hết nội lực của chính Việt Nam là quan trọng nhất. Hãy làm cho con người Việt Nam mạnh lên qua việc cải cách giáo dục theo hướng tự do học thuật, bỏ đi những giáo điều độc đoán. Chống và giảm tham nhũng bằng cách tăng lương công chức, tinh giản bộ máy nhà nước, và thu hút người giỏi vào làm lĩnh vực công.


Ở bên cạnh nước lớn có tư tưởng bá quyền, để tồn tại con người chúng ta phải mạnh lên, đồng thời ngoại giao phải khôn ngoan và thực dụng. (theo BBC 5/12/ 2016)


Bài phản ánh văn phong và quan điểm riêng của người viết.