"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA" THỨ HAI 19 DEC 2016
Lý Kiến Trúc
Kỳ 4 & 5 hết
Cú "hắt hơi" của Trump bao trùm thế giới đông tây
Đối với Trump, trước hết và trên hết là Mỹ.
Trump không hắt hơi một lần, nhiều lần. Bộ tham mưu của Trump nói rằng những phát biểu của ông đều được chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều tháng trước, tức là từ khi bước vào cuộc vận động ứng cử tổng thống Hoa Kỳ.
Thế mới biết người Mỹ nhìn xa nhìn trước cả chục năm, trăm năm, nhìn chính xác chứ không viển vông.
Tổng thống Obama nói ông Trump là người thực dụng. Đúng! Trump là một nhà kinh doanh có tài và thành công lớn.
Bản chất của nhà kinh doanh là cạnh tranh sản phẩm - thương lượng - thu hút khách hàng. Nói nôm na là làm đủ mọi cách để có lời, để phát triển cơ sở, và quan trọng nhất: biết rõ đối thủ cạnh tranh của mình là ai để cạnh tranh sản phẩm - thương lượng - thu hút khách hàng.
Từ Trump tới Putin
Putin là đối tượng của Trump, nhưng Putin không phải đối thủ để đối đầu ngay lúc này. Cần thương lượng với Putin để nói chuyện với Trung Đông và Châu âu. Trump xoa dịu tự ái Putin bằng cách hiếm thấy Trum đề cập tới vụ Crimea; tảng lờ cho không quân Putin là mưa làm gió ở Trung Đông, chiến lược sử dụng "di dân" của Putin khiến Châu âu chới với. Việc Trump bổ nhiệm Rex Tillerson trùm ExxonMobil làm ngoại trưởng Mỹ vốn là "bạn" với Putin cho thấy cách "dụng nhân như dụng mộc" về chính sách ngoại giao của Trump đối với Nga.
Rồi đây Mỹ - Nga "thương lượng" sẽ trở thành hai cường quốc kinh tế và quân sự ở Châu âu. Mỹ - Nga sẽ là hai ông chủ lớn ở Tây thế giới. Thế còn Đông thế giới? Ông Tầu đang là ông trùm ở Châu á.
Từ Trump tới Thái Anh Văn
Đối thủ số một của Trump ở Đông thế giới là Trung Quốc. Ngược lại, Trump là kẻ cực kỳ nguy hiểm đối với Trung Nam Hải. (Chớ thấy Trump ra mặt chống Tầu mà Ta vội mừng!)
Trump nói thẳng: "Nói thẳng: Trung Quốc không phải bạn ta. Họ xem ta như kẻ thù. Tốt hơn là Washington nên tỉnh ra thật nhanh, vì Trung Quốc đang cướp công ăn việc làm của ta, phá hủy ngành công nghiệp chế tạo của ta, ăn trộm công nghệ và năng lực quân sự của ta với tốc độ âm thanh. Nếu nước Mỹ không sớm khôn lên, tổn thất sẽ là không thể vãn hồi".
Ông Trump quên điểm quan trọng: sản phẩm Made in China từ thượng vàng hạ cám đang tràn ngập thị trường Mỹ hàng chục năm nay. Người Mỹ (giới trung lưu và lợi tức thấp bị móc túi hàng tỉ đô la qua các sản phẩm "dỏm"; ông Trump cứ thử cho nhân viên đi thống kê đồ dùng trong nhà của một gia đình trung lưu - lợi tức thấp xem có bao nhiêu đồ Made in China).
Nói đi đôi với Làm; chiến thuật của Trump sử dụng ở Đông thế giới ra sao?
Đài Loan là mục tiêu đầu tiên của Trump khi nhắm vào Châu á. Cú điện đàm bất ngờ đầu tiên của Trump với tổng thống Thái Anh Văn làm Trung Nam Hải choáng váng. Trump tuyên bố sẽ "xét lại" thuyết "một Trung Hoa". Trump biện luận: thật là vô lý khi Mỹ bán cho Đài Loan hàng chục tỉ đô la vũ khí tại sao lại không nói chuyện với khách hàng thơm tho của mình!
Rồi đây, Mỹ sẽ tiếp tục mời chào vị khách hào phóng Đài Loan; tất nhiên ngược lại, Mỹ cũng sẽ bơm cho Đài Loan trở nên một quốc gia độc lập thay vì ngậm ngùi "tự trị" mấy chục năm nay. Đài Loan sẽ trở thành cường quốc cạnh tranh sản phẩm kinh tế. Sản phẩm của Đài Loan vốn tốt xưa nay (có thể tốt nhất so với sản phẩm của Asean). Made in Taiwan sẽ đè bẹp Made in China.
Thương lượng với Đài Loan sẽ nâng cao vị trí Đài Loan trên trường quốc tế. Tiếp tục bán vũ khí tối tân và huấn luyện chuyên viên Đài Loan để trở thành một "chiến Mã" trong bàn cờ biển nam Trung Hoa, bởi Đài Loan là một trong 5 nước tranh chấp và có "tài sản" là đảo Ba Bình ở trung tâm quần đảo Trường Sa, tức là giữa biển nam Trung Hoa.
Trump nói thẳng: «Trung Quốc có hỏi ý chúng ta nếu đánh sụt giá đồng tiền của họ (khiến các công ty Mỹ khó cạnh tranh nổi), làm sản phẩm của chúng ta khó vào được thị trường nước họ (Hoa Kỳ không đánh thuế họ) ; hoặc xây dựng một phức hợp quân sự quy mô ngay giữa biển nam Trung Hoa thì có được hay không? Tôi không nghĩ thế! »
Đánh hơi thấy chiến thuật và ý đồ chiến lược của Trump về "một phức hợp quân sự quy mô ngay giữa biển nam Trung Hoa thì có được hay không?", Thái Anh Văn tung chiến hạm, không quân ra tập trận quanh đảo Ba Bình. CSIS tung ra ngay không ảnh các căn cứ phức hợp quân sự của Trung Nam Hải ở các đảo nhân tạo.
Bước đầu, chiến thuật "dụng quân Đài Loan như dụng mộc" của Trump để đối phó với Trung Nam Hải đã "ép phê". Bồi thêm một cú: Tướng tư lệnh Harris đáp lời tướng tư lệnh Ngô Thắng Lợi: Mỹ sẵn sàng đáp trả.
Trung Nam Hải cũng không vừa, huy động phi đoàn chiến đấu cơ, oanh tạc cơ bay áp sát vùng phòng không Đài Loan vượt ra Tây Thái bình dương tập trận.
Từ Trump tới Duterte
Philippines là mục tiêu thứ hai của Trump khi nhắm vào Châu á. Cung cách của Duterte là tay anh chị trong làng chính trị, có vẻ hơi "khó chơi". Tuy nhiên, Duterte không phải là đối thủ cạnh tranh với Trump, cũng chưa cần thương lượng lắm, nhưng cần thu hút khách hàng. Khách hàng Philippines cũng là một "chiến Xa" nếu biết lái nó, cứ để nó tự lái đến Bắc Kinh xem sao.
Trump sẽ duy trì 5 căn cứ quân sự Mỹ ở vành đai "maginot Philippines" ở Tây Thái bình dương. Chính sách- chiến lược "xoay trục" của Mỹ về Châu á Thái bình dương vẫn tiếp tục chuyển động, có khác là chiến thuật. Nên nhớ vành đai "maginot Philippines" hướng về cả Tây lẫn Đông biển Philippines, xin nhắc lại, hải chiến thư hùng giữa Mỹ và Nhật thời Đệ nhị thế chiến, các trận cuối cùng diễn ra ở Đông Philippines.
Đặc biệt, eo biển Cao Hùng Đài Loan - Luzon là tọa độ chốt đường chiến hạm, tầu ngầm Trung Nam Hải xuất phát từ căn cứ Phú Lâm và Hải Nam.
(Xem thêm phần viết về Duterte ờ Kỳ 3)
Từ Trump tới Nguyễn Xuân Phúc
Việt Nam là mục tiêu thứ ba của Trump khi nhắm vào Châu á.
Nhẽ ra điện đàm của ông Trump gọi về Việt Nam phải nói chuyện với ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; không biết ông Trump muốn nói chuyện với ông Nguyễn Xuân Phúc hay ông tổng Trọng "bàn giao" ông Phúc nói chuyện với Trump? Ai biết chuyện này xin "phỏng vấn" ông Phạm Minh Chính "đặc phái viên thứ hai" mới đi Bắc Kinh yết kiến Lưu Vân Sơn.
Việt Nam đối với ông Trump có nằm trên danh sách cạnh tranh sản phẩm - thương lượng - thu hút khách hàng không? Không!
Nhưng Việt Nam ỷ vào có bờ biển dài liền lạc nhìn ra biển Đông, có cảng Cam Ranh là "nhà khách" tốt cho chiến hạm dừng chân, có tài sản khá nhiều ở biển nam Trung Hoa, có cái đuôi vung vẩy tận vịnh Thái Lan.
Nhưng Việt Nam tỏ ra "ương ngạnh", nôm na là không "khuất phục" trước Mỹ.
Lưỡng viện Mỹ bèn bồi cho một quả: thông qua hai dự luật tôn giáo và nhân quyền. TPP đã chìm xuồng rồi. Viễn ảnh CPC coi bộ khá gần gũi.
Ông Phúc nói những gì với ông Trump? Có trời mà biết. Chỉ biết CSIS lại "tố" những bức không ảnh Việt Nam đang ra sức bồi đắp bãi chìm Đá Lát và kéo dài đường băng đảo Trường Sa Lớn. Thủ thân thủ thế, "Mạnh ai nấy chiếm; Hồn ai nấy giữ" là biện pháp tối ưu cho Việt Nam.
Một số giới quan sát chính trị cho rằng Việt Nam bồi đắp đảo, bãi, chuyển vận vũ khí ra đảo là để chuẩn bị đối đầu với dã tâm xâm lược của Trung Nam Hải, theo ý người viết: Lầm!(lkt)./
Trận liệt Đông Nam Á. VĂN HÓA MAP