Châu Á muốn Mỹ hay Nhật lãnh đạo khu vực ?

25 Tháng Mười Hai 20166:03 CH(Xem: 14281)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  HAI  26   DEC  2016


Châu Á muốn Mỹ hay Nhật lãnh đạo khu vực ?


 


image033


Hình minh họa - Một tạp chí bày bán tại Bắc Kinh có bài viết về ông Trump với tựa đề "Doanh nhân Trump sẽ thay đổi thế giới thế nào".


Châu Á Thái Bình Dương, khu vực đang phát triển nhanh nhất thế giới, mong muốn Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở đây.


Mặc dù lợi ích lâu dài của Washington và sự can dự của Mỹ ở khu vực châu Á được đón nhận ở khu vực, nhưng những phát biểu từ Washington, nhất là sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống, đôi khi làm các nước châu Á thấy bối rối.


Do đó, theo báo cáo của tổ chức Asia Foundation công bố tại Washington đầu tháng này, trong khi hầu hết các quốc gia châu Á muốn Mỹ tiếp tục vai trò tái cân bằng chiến lược lâu dài, họ cũng đang chào đón một Trung Quốc đang nổi lên để giúp cho sự phát triển kinh tế trong khu vực.


Giáo sư Thitinan Pongsudhirak thuộc Viện Nghiên Cứu An Ninh Quốc Tế của Đại học Chulalongkon có trụ sở ở Bangkok, nhận định mặc dù chính sách xoay trục châu Á được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, nhưng trong hầu hết 8 năm qua, chính sách này không được thực hiện một cách thích hợp. Do đó, theo ông, nhiều nước châu Á, nhất là trong khu vực Đông Nam Á, đã tìm đến Nhật, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang bành trướng thế lực trong vùng.


Giáo sư Pongsudhirak:


“Ở Đông Nam Á, Nhật có vai trò giống như là Mỹ đã từng đóng. Các nước Đông Nam Á, họ không muốn tìm đến Trung Quốc. Không ai muốn cả. Nhưng họ bị bắt buộc phải làm thế vì họ không có sự lựa chọn nào khác. Và khi Nhật Bản tiến lên 1 chút (trong vai trò lãnh đạo) họ ủng hộ ngay.”


Theo giáo sư Pongsudhirak, một trong những tác giả của bản báo cáo, Thái Lan và Philippines đã không còn là đồng minh của Mỹ trong khu vực nữa vì họ đã thất vọng về Mỹ và tìm đến Trung Quốc.


Mỹ là một cường quốc chính ở châu Á trong 70 năm qua. Chính sách “tái cân bằng” của chính quyền Tổng thống Barack Obama được đưa ra năm 2010 phát ra những tín hiệu về sự chuyển dịch quyền lực về kinh tế, chính trị và chiến lược hướng về châu Á Thái Bình Dương.


Tuy nhiên, theo báo cáo của Asia Foundation về “Quan điểm châu Á về vai trò của Mỹ ở khu vực”, trong khi châu Á hy vọng rằng Mỹ sẽ tiếp tục đảm bảo an ninh và đóng góp vào sự thịnh vượng kinh tế của khu vực thì đang có những mối lo ngại rằng chính quyền tiếp theo ở Mỹ sẽ lưỡng lự trong vai trò lãnh đạo.


Bản báo cáo này cho biết đã có nhiều ý kiến ở Mỹ về việc chấm dứt những cam kết an ninh của Hoa Kỳ ở châu Á và nhận định rằng điều này sẽ làm phương hại nặng nề đến lợi ích của cả Mỹ và khu vực, và sẽ đẩy các quốc gia châu Á tìm đến những cường quốc khác để đảm bảo cho an ninh của chính họ.


Giới chuyên gia cho rằng Mỹ cần phải tiếp tục có mặt ở châu Á để kiềm chế sự ảnh hưởng của Bắc Kinh. Sau 35 năm phát triển kinh tế nhanh chóng với chính sách mở cửa vào năm 1978, Trung Quốc giờ đây đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.


Giáo sư Pongsudhirak nói nếu Mỹ không tiếp tục hướng về châu Á thì khu vực này sẽ vẫn phải tiếp tục tiến lên mà không có Mỹ.


Ông cho biết: “Nếu (Mỹ) không can dự, không tiếp tục thì chính sách tái cân bằng sẽ được thay đổi bằng cách nào đó, có thể dưới một cái tên khác hoặc bắt đầu lại nhưng điểm mấu chốt là phải tái cân bằng lại những lợi ích chung và tiếp tục can dự bằng một cách khác. Còn nếu Mỹ không muốn thì Đông Nam Á vẫn sẽ tiếp tục tiến lên. Thái Lan và Philippines đã nhìn thấy điều đó và họ đã làm rồi.”


Theo Trung tâm Nghiên cứu PEW, phần lớn người dân ở Philippines, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật và Indonesia muốn Mỹ là một thế lực đối trọng với Trung Quốc./ (theoVOA 24.12.2016)


Shinzo Abe ‘tin tưởng’ Donald Trump


image030

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố ông "vô cùng tin tưởng" vào tân tổng thống Mỹ Donald Trump, sau cuộc gặp 90 phút tại tòa Tháp Trump, New York.


Ông Abe mô tả cuộc gặp là "thẳng thắn" và "ấm cúng".


Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông Trump với một lãnh đạo quốc tế từ khi thắng cử.


Mỹ và Nhật đã là đồng minh từ sau kết thúc Thế chiến Hai, khi Mỹ giúp Nhật tái thiết kinh tế.


Tổng thống tân cử của Mỹ đã nói sẽ xóa bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận mà Nhật ủng hộ.


Quốc hội Nhật đã thông qua TPP bất chấp khả năng thỏa thuận này không còn hiệu lực khi ông Trump nhậm chức.


Image copyright Reuters Image caption Ông Trump và Abe gặp nhau ở Tháp Trump, New York


Ông Trump cũng nói Nhật cần trả thêm tiền để giữ quân Mỹ ở lại đất Nhật. Ông cũng gợi ‎ ý Nhật và Hàn Quốc nên có vũ khí hạt nhân để chống lại đe dọa của tên lửa Bắc Hàn.


Tin tức nói cuộc gặp được dàn xếp khi ông Abe gọi điện chúc mừng ông Trump, cho hay ông sẽ tạt ngang qua New York trên đường dự hội nghị Apec ở Peru.


Phát biểu sau cuộc gặp, ông Abe nói: "Chúng tôi đã có cuộc nói chuyện rất thẳng thắn trong khoảng thời gian đáng kể. Bầu không khí rất ấm cúng."


"Tôi tin rằng nếu hai quốc gia không có niềm tin, liên minh trong tương lai sẽ không có hiệu quả. Sau cuộc thảo luận hôm nay, tôi tin ông Trump là lãnh đạo mà tôi có thể vô cùng tin tưởng."


Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi người kế nhiệm cứng rắn với Nga nếu Moscow không tuân thủ "các giá trị Mỹ và quy chuẩn quốc tế".


Phát biểu sau khi gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Berlin, ông Obama nói ông hy vọng ông Trump sẽ "không chỉ có cách tiếp cận thực tiễn" khi bàn thảo với Nga./