Mẫu hạm nguyên tử USS Carl Vinson từ San Diego đang tới tây Thái Bình Dương

17 Tháng Giêng 20175:26 CH(Xem: 15744)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  TƯ 18   JAN  2017


Mỹ tăng khả năng răn đe quân sự ở Biển Đông đúng ngày ông Trump nhậm chức


Hồng Thủy


17/01/17


 (GDVN) - 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc buộc phải đi qua Biển Đông. Nếu Mỹ kiểm soát vùng biển này, nó sẽ là một đòn giáng mạnh vào Trung Quốc.


Hãng thông tấn Mỹ AP ngày 17/1 cho biết, cụm tàu sân bay USS Carl Vinson đang trên đường tới bờ Tây Thái Bình Dương để tăng cường chi viện cho cụm tàu sân bay USS Ronald Reagen đóng tại căn cứ ở Nhật Bản.


Động thái này được các nhà phân tích Trung Quốc tin là dấu hiệu cho thấy chính quyền Donald Trump sẽ gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông.


Cụm tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ hiện diện ở châu Á đúng ngày 20/1, ngày Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức nhậm chức.


image004

Tổ hợp HkMh USS Carl Vinson, ảnh: Wikipedia


Thời điểm Mỹ điều động cụm tàu sân bay này tăng viện sang châu Á cũng đáng chú ý sau khi cụm tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc vừa tập trận ở tây Thái Bình Dương, quanh eo biển Đài Loan và Biển Đông.


Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh với Thời báo Hoàn Cầu:


"Việc điều động cụm tàu sân bay lớp Nimitz cho thấy Lầu Năm Góc và Hải quân Mỹ muốn mở rộng chiến lược tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương của ông Obama, tiếp tục tham gia sâu hơn ở Tây Thái Bình Dương".


Ông cho rằng trước áp lực này của Mỹ, Trung Quốc cần phải tăng cường xây dựng lực lượng chiến lược cũng như quân sự hóa các rặng san hô và đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông:


"Vùng biển này là khu vực cơ động hiệu quả để kiềm chế Trung Quốc, vì 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc buộc phải đi qua Biển Đông. Nếu Mỹ kiểm soát vùng biển này, nó sẽ là một đòn giáng mạnh vào Trung Quốc".


Lin Zhiyuan, một nhà nghiên cứu từ Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc nhận định, sự nhấn mạnh của Hoa Kỳ về tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông có khả năng sẽ được tăng cường trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump.


Ông tin việc triển khai cụm tàu sân bay USS Carl Vinson là một động thái của Lầu Năm Góc nhằm phá vỡ các cuộc đàm phán song phương tiềm năng giữa Trung Quốc với các bên yêu sách khác ở Biển Đông, đặc biệt là Philippines:


"Mặc dù mối quan hệ giữa Mỹ với Philippines đang xấu đi, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục liên kết với Australia, Ấn Độ, đồng thời tăng cường quan hệ với Singapore, Việt Nam và các nước ASEAN khác để thúc đẩy hoạt động tuần tra chung (ở Biển Đông)".


Trong một động thái khác có liên quan đến Biển Đông, AP cho hay, ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã bình luận về những phát biểu của ông Rex Tillerson về Biển Đông trong phiên điều trần trước Thượng viện:


Mỹ cần một cách tiếp cận tích hợp của chính phủ để tránh một chiến lược không đầy đủ hoặc thiếu mạch lạc.


"Điểm mấu chốt là, vùng biển quốc tế vẫn là vùng biển quốc tế, và chúng ta phải tìm ra cách bảo vệ các quy định của luật pháp quốc tế mà chúng ta đã bảo vệ trong nhiều năm qua để mang lại sự thịnh vượng cho nhiều quốc gia khác chứ không chỉ Hoa Kỳ".


Tài liệu tham khảo:


http://bigstory.ap.org/article/82d9c9a7b7c34d58a9c8d343b434132e/recent-developments-surrounding-south-china-sea


Hồng Thủy


+++++++++++++++++++++++++++++++


TIN LIÊN QUAN:


Hậu Tillerson: Mỹ -Tầu sẽ có "va chạm" lớn?


image005

Hàng không Mẫu hạm nguyên tử Carl Vinson từ cảng San Diego trên đường tiến tới tây Thái bình dương. Ảnh minh họa. Google.


Nguy cơ khủng hoảng Mỹ - Trung sau tuyên bố của Tillerson về Biển Đông


image006


Rex Tillerson, cựu lãnh đạo tập đoàn ExxonMobil, người được Trump chỉ định làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ.REUTERS/Joshua Roberts/File Photo


Những tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ được chỉ định Rex Tillerson về hồ sơ Biển Đông có thể gây ra khủng hoảng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, nếu những tuyên bố này trở thành chính sách ngoại giao của chính quyền Donald Trump. Đó là nhận định của tờ New York Times hôm qua, 12/01/2017.


Trong buổi điều trần ngày 11/01 vừa qua trước Uỷ ban Ngoại giao của Thượng Viện Mỹ, ông Rex Tillerson đã tuyên bố rằng việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông là “phi pháp”, chẳng khác gì việc Nga chiếm vùng Crimée. Cho nên, Ngoại trưởng Mỹ được chỉ định đã đề nghị Washington phải gửi đến Bắc Kinh một tín hiệu rõ ràng : Một là phải ngưng ngay việc xây đảo nhân tạo, hai là Trung Quốc không được tiếp cận các đảo đó.


Theo New York Times, nếu những tuyên bố đó thực sự trở thành hành động sau khi ông Donald Trump chính thức nắm quyền tổng thống, thì đây sẽ là một thay đổi đáng kể trong chính sách của Hoa Kỳ về việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, nơi mà theo một cơ quan tư vấn của Mỹ, có thể sẽ trở thành “sân sau” của Trung Quốc vào năm 2030.


Trung Quốc hiện vẫn khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra tháng 7 năm ngoái, bác bỏ những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, cụ thể là “không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”.”


Chính quyền Obama cũng đã gián tiếp bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền “quá đáng” của Trung Quốc ở Biển Đông khi đưa các chiến hạm đến tuần tra sát đảo nhân tạo của Trung Quốc. Nhưng hành động này đã không ngăn được Bắc Kinh tiếp tục bồi đắp và quân sự hóa các đảo đó.


Những tuyên bố nói trên của ông Tillerson hàm ý là Hoa Kỳ có thể sẽ dùng đến sức mạnh quân sự để ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo. Cho nên, theo New York Times, các nhà phân tích ở Trung Quốc đã có phản ứng khác nhau.


Một đại tá về hưu và nay là chuyên gia quân sự cho rằng đó là một tín hiệu báo trước rằng tổng thống Trump sẽ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Vị chuyên gia này khẳng định rằng khả năng chiến đấu của Trung Quốc nay “cao hơn của Mỹ” nếu xảy ra chiến tranh giữa hai nước.


Nhưng các chuyên gia về Biển Đông của Trung Quốc được New York Times trích dẫn thì đặt vấn đề về tính hợp pháp của việc ngăn cản Bắc Kinh tiếp cận các đảo nhân tạo.


Êkíp chuyển tiếp của tổng thống tân cử Donald Trump đã không trả lời các yêu cầu của báo chí đòi giải thích thêm về các tuyên bố của ông Tillerson và cũng không nói rõ là những tuyên bố đó có thể hiện chính sách của chính quyền Trump hay không.


Hiện cũng không rõ là thái độ cứng rắn của ông Tillerson trên vấn đề Biển Đông có liên quan gì đến kinh nghiệm của ông ở vùng này vào thời ông là lãnh đạo tập đoàn dầu khí Exxon Mobil hay không. Vào năm 2009, Exxon Mobil đã ký một hiệp định khai thác dầu khí ở Biển Đông với tập đoàn PetroVietnam. Sau này, người ta được biết là hiệp định đó đã được ký kết một cách lặng lẽ, vì nơi khai thác dầu khí nằm ở khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với Trung Quốc.


Như vậy, sau cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, sau những lời đe dọa đánh thuế nặng hàng nhập khẩu Trung Quốc, những tuyên bố của ông Tillerson về Biển Đông phải chăng báo hiệu những thay đổi căn bản trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, chính sách mà từ thời Nixon cho đến nay vẫn được duy trì tương đối ổn định, dù đó là chính quyền Dân Chủ hay Cộng hòa?/ (theoThanh Phương 13-01-2017)


Báo TQ dọa 'sẽ có đối đầu lớn' sau lời Tillerson



image007

Bản quyền hình ảnh Reuters Image caption TQ đã xây cất một số cơ sở quân sự trên một số bãi đá, đảo bồi đắp nhân tạo, một tổ chức nghiên cứu nói


Việc Mỹ chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo Bắc Kinh xây trong vùng biển tranh chấp sẽ dẫn đến "cuộc đối đầu nghiêm trọng", truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh báo.


Bắc Kinh có phản ứng giận dữ sau khi ứng viên cho ghế ngoại trưởng Rex Tillerson nói rằng Hoa Kỳ nên ngăn Bắc Kinh tiếp cận các đảo mới xây này ở Biển Đông.


Hai báo nhà nước đăng các bài xã luận chỉ trích mạnh mẽ đề nghị của ông Tillerson, người khi làm trong ngành dầu khí đã có "va chạm" với Trung Quốc, theo báo Mỹ.


Thời báo Hoàn Cầu, tờ có lập trường diều hâu, cảnh báo rằng bất kỳ hành động nào như vậy sẽ dẫn đến "một cuộc chiến quy mô lớn".


Bắc Kinh đã và đang xây các đảo nhân tạo trên các rạn san hô ở vùng biển mà các quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền. Hình ảnh công bố vào cuối năm ngoái cho thấy Bắc Kinh triển khai các thiết bị phòng thủ quân sự trên một số đảo, theo một tổ chức nghiên cứu.


Phát biểu tại buổi điều trần xác nhận vị trí của mình hôm thứ Tư, ông Tillerson ví việc Trung Quốc xây đảo với việc Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine.


"Chúng ta sẽ phải gửi tới Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng trước tiên là các đảo xây dựng phải được dừng lại và thứ hai là Trung Quốc không được cho phép ra vào những hòn đảo này."


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh có quyền tiến hành "hoạt động bình thường" trong lãnh thổ của mình.


Khi được hỏi cụ thể về bình luận chặn truy cập đảo, ông Lục Khảng nói rằng ông sẽ không trả lời với các câu hỏi giả định.


'Ảo tưởng phi thực tế'


image008

Image caption TQ từng tuyên bố chủ quền biển theo 'Đường Chín Đoạn'


Nhưng bài xã luận trong tờ China Daily và Thời báo Hoàn Cầu có nội dung trực diện hơn.


China Daily cho rằng những nhận xét của ông Tillerson cho thấy sự thiếu hiểu biết về quan hệ Trung-Mỹ và ngoại giao nói chung.


"Nhận xét như vậy là không nên xem xét nghiêm túc vì đó là một mớ hỗn độn của sự ngây thơ, thiển cận, định kiến lỗi thời và ảo tưởng chính trị phi thực tiễn," bài báo nói.


"Nếu mà ông ta hành động như những gì ông nói trong thế giới thực, đó sẽ là thảm họa.


"Như nhiều người đã quan sát, nó sẽ tạo ra cuộc đối đầu nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tức là làm sao Hoa Kỳ lại có thể không cho Trung Quốc tiếp cận vùng lãnh thổ riêng của Trung Quốc mà không có phản ứng phòng thủ của Trung Quốc?"


Thời báo Hoàn cầu cho rằng ý kiến "đáng kinh ngạc" của ông Tillerson được đưa ra vì "ông ấy chỉ muốn nhận được sự hậu thuẫn từ các thượng nghị sĩ và gia tăng cơ hội của mình được bổ nhiệm bằng cách cố tình thể hiện một lập trường cứng rắn với Trung Quốc".


"Trừ khi Washington có kế hoạch tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Biển Đông, bất kỳ cách nào khác để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo sẽ là ngu ngốc."


Nhân vật thế lực


Chính quyền Obama đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối việc xây đảo và cam kết đảm bảo tự do đi lại ở Biển Đông và gửi tàu hải quân ra vào các khu vực tranh chấp.


Nhưng chính quyền ông Obama đã không đe dọa ngăn chặn ra vào các đảo, một bước nhiều khả năng chọc tức Bắc Kinh.

 


image009

Bản quyền hình ảnh EPA Image caption Ông Tillerson (bìa trái) có quan hệ thân cận với Tổng thống Putin của Nga


Ông Tillerson đã không giải thích cách Hoa Kỳ sẽ chặn lối ra vào các đảo thế nào, và cả hai báo của Trung Quốc nói về lập trường đợi xem sao.


"Phải chờ xem quan điểm của ông chống Trung Quốc sẽ được tiến hành ra sao trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ", tờ China Daily bình luận.


Ông Rex Wayne Tillerson (64 tuổi) là nhân vật nổi tiếng trong ngành dầu khí Hoa Kỳ, từng làm Chủ tịch và CEO của ExxonMobil từ 2006 đến 2016.


Trang New York Times hôm 13/12/2016 viết:


"Dưới thời của ông Tillerson, Exxon Mobil đã ký các hợp đồng béo bở với các chính quyền độc đoán ở châu Phi, va chạm với Trung Quốc và trở thành bạn của Việt Nam trong tranh chấp lãnh hải ở Biển Nam Trung Hoa..."


Bloomberg đánh giá rằng:


"Công ty này duy trì các quan hệ về khai thác dầu khí với Việt Nam ngay cả khi Trung Quốc ra sức buộc Việt Nam nhượng bộ trong vấn đề lãnh thổ.


Trung Quốc đã cảnh báo Exxon vài ba lần trong các vụ việc, gồm một lần vào tháng 6/2008, theo điện thư ngoại giao của Mỹ mà WikiLeaks tiết lộ..."


Ngoài ra, ông Tillerson, một tỷ phú gốc từ Texas, cũng lãnh đạo Exxon Mobil mở rộng làm ăn với Venezuela và Nga.


Được biết khi ông nói sẽ rời chức vụ lãnh đạo Exxon để bước vào chính trị, tập đoàn này trả ông 180 triệu USD để chấm dứt hợp đồng./ (theo BBC 13 tháng 1 2017)
14 Tháng Mười Một 2022(Xem: 3587)
05 Tháng Mười Một 2022(Xem: 3375)