Trung Quốc đưa quân trấn đóng căn cứ tại châu Phi

13 Tháng Bảy 20179:52 CH(Xem: 13940)

VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI HÔM NAY - THỨ  SÁU 14 JULY  2017


Trung Quốc đưa quân trấn đóng căn cứ tại châu Phi


image013Binh sĩ Trung Quốc trên tàu chuẩn bị rời cảng Trạm Giang (Zhanjiang), tỉnh Quảng Đông (Guangdong) sang Djibouti, châu Phi, ngày 11/07/2017REUTERS


Nhiều tàu quân sự Trung Quốc rời Trạm Giang (Zhanjiang) chở quân sang Djibouti, một nước nhỏ ở châu Phi, nơi Bắc Kinh xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài, nằm trong vành đai « chuỗi trân châu » từ Biển Đông xuyên qua Ấn Độ Dương.


Theo Tân Hoa Xã, ngày 11/07/2017, binh sĩ Trung Quốc lên tàu rời quân cảng Trạm Giang (tỉnh Quảng Đông) đi Djibouti. Quốc gia nhỏ bé nằm ở Sừng Phi Châu là nơi Bắc Kinh xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài, khởi công từ năm 2016.


Báo «Giải Phóng Quân Nhân Dân» khẳng định, Bắc Kinh không có tham vọng bành trướng cũng không có ý đồ chạy đua vũ trang. Căn cứ ở Djibouti chỉ là «cơ sở hậu cần» tiếp đón chiến hạm Trung Quốc tham gia các chiến dịch nhân đạo và duy trì hoà bình, nhất là ở hai nước Yemen và Somalia.


Nhưng theo báo chí Djibouti, căn cứ tiếp liệu này thực chất là căn cứ hải quân đầu tiên của Trung Quốc ở bên ngoài Hoa lục.


Ba cường quốc khác là Mỹ, Pháp và Nhật, mỗi nước đều có một căn cứ quân sự tại Djibouti.


Còn theo Reuters, sự kiện Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự tại Sừng Phi Châu làm Ấn Độ lo lắng. New Delhi nghi ngờ Bắc Kinh thêm Djibouti vào «chuỗi trân châu» , gồm một loạt dự án từ Miến Điện, Bangladesh cho đến Sri Lanka đón tiếp tàu chiến Trung Quốc.


AFP cho biết thêm, trong một bản phúc trình hồi tháng Sáu, bộ Quốc Phòng Mỹ cũng  thẩm định, Trung Quốc sử dụng căn cứ ở vị trí chiến lược này và việc thường xuyên cử  chiến hạm « thăm viếng các hải cảng nước ngoài » là nhằm gia tăng tầm hoạt động của quân đội.


Tuy có 800.000 dân, Djibouti được  Bắc Kinh đầu tư hơn 14 tỷ đôla thực hiện  14 dự án kể cả một đường xe lửa nối liền Djibouti đến Addis-Abebas ở Ethiopia


Nhiều nhà quan sát xem các dự án này nằm trong chiến lược gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng Ấn Độ Dương và Sừng Phi Châu./(theoTú Anh 12-07-2017)