100 năm nữa, miền Tây nam bộ sẽ chìm sâu dưới biển?

26 Tháng Chín 20176:51 CH(Xem: 14839)

VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI HÔM NAY - THỨ  TƯ  27  SEP  2017


image010

Dòng Mekong và đất đai đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh tư liệu của VH


image011

Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc đi thị sát miền Tây nam bộ. Ảnh TTXVN


Nước biển dâng, mặt đất lún, 100 năm sau ĐBSCL sẽ biến mất?


26/09/2017


TTO - Nước biển ngày càng dâng cao, khai thác nước ngầm khiến đất lún mạnh, cùng với thời tiết cực đoan, kể cả bão tố và dông lốc, gây sạt lở... Nguy cơ 100 năm sau ĐBSCL biến mất không phải là chuyện đùa!


image012

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể: Một số nhà khoa học đã dự báo 100 năm nữa có thể không còn ĐBSCL - Ảnh: XUÂN LONG


Đấy là một nỗi lo được ông Nguyễn Văn Thể, bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, nêu ra tại hội nghị chuyên đề Tổng quan về thách thức và cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL.


Ông Nguyễn Văn Thể đã nêu ra 5 vấn đề đáng lo của ĐBSCL, và cần các giải pháp nếu không trong khoảng 100 năm nữa vùng đồng bằng này có thể biến mất. Mời bạn đọc theo dõi trích tham luận này. 


Nguy cơ về thiên tai


Tôi hình dung trong giai đoạn sắp tới ĐBSCL đứng trước nguy cơ lớn về thiên tai. Đó là nước biển dâng, là những cơn bão lớn, lốc xoáy sẽ đến và làm đảo lộn hết các sinh hoạt, kể cả sản xuất. Do đó người dân rất cần nhưng thông tin cảnh báo.


Giải pháp cho người dân và chính quyền là cần cung cấp cho họ dự báo kịp thời, cập nhật theo thời gian rồi cung cấp các kịch bản cho chính quyền và người dân biết một vài năm tới điều gì sẽ diễn ra ở ĐBSCL.


Cho họ biết 5-10 năm nữa hay 30 năm nữa điều gì diễn ra ở ĐBSCL để người dân cũng như chính quyền có những chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, tạo an sinh và thích ứng tốt nhất với biến đổi khí hậu.


Hoặc nỗi lo khi dông lốc lớn đến ĐBSCL. Đây cũng là thảm cảnh hết sức nguy hiểm vì vùng này được mệnh danh là vùng hiền hòa, không có mưa bão, không có dông lốc lớn.


Nếu có các cơn bão, dông lốc cấp 10-11 tôi nghĩ hầu như các nhà cửa ở ĐBSCL sẽ hư hỏng hoàn toàn. Đây là thảm cảnh nguy hiểm, do đó chúng tôi cần các cơ quan, các bộ cảnh báo, đưa ra mô hình thích ứng.


Và ngay từ bây giờ, những khu xây dựng mới cần có mô hình nhà ở thích nghi được với biến đổi khí hậu, nếu làm tiếp nhà theo mô hình cũ, khi có những cơn bão lớn, dông lốc lớn, chắc chắn ở đây sẽ xảy ra thảm họa rất nghiêm trọng.


Vấn đề nữa là khi nước biển dâng, nước ngọt sẽ rất hạn chế và nước biển sẽ xâm nhập sâu vào trong đồng bằng, khi đó sinh kế của người dân bị đảo lộn nghiêm trọng. Người dân bao đời nay sống bằng nghề trồng lúa, nuôi cá nước ngọt, giờ chuyển qua mô hình nước lợ, nước mặn là rất khó.


Nước lợ trồng được cây gì, nuôi được con gì cũng là việc khó.


Như vậy, người dân ở đây phải luôn luôn điều chỉnh canh tác, điều chỉnh hạ tầng, vì thế rất cần phải có các chính sách ưu đãi hỗ trợ để người dân thích ứng để chuyển đổi vì họ là những người nghèo.


image013

Một đoạn kè Gành Hào (tỉnh Bạc Liêu) bị sóng đánh vỡ hồi tháng 3-2017 - Ảnh: TRẦN NGUYÊN


Nguy cơ chìm sâu trong nước biển


ĐBSCL hiện nay đang có nguy cơ chìm sâu trong nước biển. Nguyên nhân đầu tiên là do biến đổi khí hậu, tan băng làm nước biển dâng cao lên. Tiếp nữa là do khai thác nước ngầm quá mức nên một số vùng như Sóc Trăng trong 25 năm qua đã lún xuống 25cm.


Khi nước biển dâng mà mặt đất lại lún xuống, khu vực này đứng trước nguy cơ chìm dần trong nước biển. Hà Lan là quốc gia phát triển và giàu, họ có thể thích ứng được, nhưng VN không có tiềm năng kinh tế như Hà Lan, nếu không có giải pháp phù hợp thì không thể giải quyết được.


Tôi đề nghị Chính phủ cần giải quyết hai vấn đề.


Đầu tiên, để hạn chế nước biển dâng, đặc biệt lúc triều cường cao, cần có giải pháp hình thành các khu rừng ngoài biển, cản dòng nước triều, đây là giải pháp rất cần cho các tỉnh ven biển. 


Nhưng vì các tỉnh ven biển đa số là tỉnh nghèo, muốn làm được thì Chính phủ cần có những chính sách và chỉ đạo để các bộ ngành hỗ trợ.


Thứ đến, để hạn chế được lún sụt đất trong khi ĐBSCL có nước mặt dồi dào cần có giải pháp hình thành các nhà máy nước mặt cung cấp nước sạch cho người dân và khuyến cáo người dân không sử dụng nước ngầm nữa, vì nếu không ngăn được ĐBSCL chìm sâu thì người dân càng khổ.


image014

Số liệu sụt lún toàn vùng ĐBSCL và một số tỉnh trong khu vực giai đoạn 1991 - 2016 - Ảnh: Chí Quốc - Đồ họa: TẤN ĐẠT


Nguy cơ sạt lở nghiêm trọng


Vấn đề sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng. ĐBSCL là vùng đất mới, vùng đất bồi nhưng đang bị tác động dẫn tới sạt lở nghiêm trọng. Một số nhà khoa học đã dự báo 100 năm nữa có thể không còn ĐBSCL.


Nước biển dâng kết hợp với biến đổi khí hậu thì bão sẽ mạnh hơn, dông lốc mạnh hơn, sóng biển sẽ tác động đến tất cả hệ thống đê ở ĐBSCL, những chỗ đó đều xảy ra sạt lở.


Hiện nay cứ sạt lở là dẫn tới mất đất, nếu không kịp thời ngăn chặn, sạt lở có thể phá tan ĐBSCL, có thể 100-200 năm nữa không còn ĐBSCL.


Nếu không còn ĐBSCL nữa, hàng triệu người dân ở xứ này sống ở đâu, đi về đâu, làm gì để sống?


Vì thế tôi nghĩ Chính phủ dưới sự hỗ trợ của quốc tế cần đưa ra giải pháp về công trình như đê bêtông và trồng rừng.


Rồi sạt lở ở các dòng sông lớn, nước thượng nguồn cũng cạn dần, trong khi nước biển dâng lên dẫn tới mất cân bằng. 


Hiện nay sạt lở các dòng sông lớn ở Đồng Tháp, An Giang đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. 


Tôi nghĩ đây là thiên tai, cần có giải pháp cứng - mềm, có thể học hỏi các giải pháp từ quốc tế để giữ được dòng sông không lở. 


Dòng sông lở chúng ta cũng mất hết, biển lấn bờ chúng ta cũng mất hết, vì đều dẫn tới nguy cơ ĐBSCL không còn nữa. 


Vì vậy, rất cần các bộ ngành, Chính phủ, người dân ý thức được việc này để cùng phối kết hợp.


Ô nhiễm nghiêm trọng do con người


Vấn đề ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, trong đó có nguyên nhân từ con người. 


Chúng ta cho xây dựng nhà máy, khu công nghiệp nhưng cơ chế quản lý chất thải, nước thải ra sao để rác thải, nước thải không chảy ra đồng bằng. 


Tôi nghĩ phải siết chặt quản lý tất cả các nhà máy, khu công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm. Phải tăng cường giám sát, giám sát chặt chẽ, giám sát tự động bằng những thiết bị tiên tiến nhất của thế giới. 


Mắc cỡ nào cũng phải mua để giám sát được không khí, nguồn nước và môi trường khu vực dân cư, đảm bảo môi trường sống cho người dân.


Đặc biệt, ngành nông nghiệp cần loại trừ thói quen xấu là sử dụng nhiều sản xuất vô cơ, sử dụng nhiều thuốc trừ sâu trong nuôi trồng. 


Đồng thời, tham mưu cho Chính phủ từng bước giảm dần không nhập thuốc trừ sâu, chuyển sang sản xuất hữu cơ.


Lũ ngày một nhỏ


Lũ nhỏ có nhiều nguyên nhân nhưng cũng do nước từ thượng nguồn về hạn chế. Hiện nay chúng ta lệ thuộc vào nguồn nước ở thượng nguồn và hơn 10 năm nay đa số lũ thấp. Điều này đồng nghĩa mùa khô nước mặn ngập sâu vào trong đồng bằng.


Như vậy cả đồng bằng bị nhiễm mặn, sinh kế ra sao? Chúng ta chuyển đổi ven biển có thể được nhưng làm sao chuyển đổi được cả vùng đồng bằng.


Tôi đề nghị Chính phủ cần có đề tài nghiên cứu cấp quốc gia, nghiên cứu theo ven biển phía Đông, phía Tây của ĐBSCL để hình thành nên các quốc lộ rộng tới 20-30m, có chân đê rộng và trồng các thảm cây bảo vệ. Rồi ở các dòng sông lớn cần kết hợp làm các công trình thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt.


XUÂN LONG


Miền Tây điêu đứng vì không có lũ


19/09/2016


TTO - Năm thứ ba liên tiếp lũ nhỏ hoặc lũ không về ĐBSCL. Không chỉ một bộ phận người dân khó khăn, mất kế sinh nhai, mà nhiều ngành nghề cũng bị ảnh hưởng nặng nề...


image015

Người làm của ông Lê Văn Thông bán cá cho thương lái cho biết: “Những năm trước cá linh chạy, cứ kéo đáy lên rồi thả xuống cũng được vài trăm ký. Năm nay đợi cả hơn 30 phút mới được một thùng cá (khoảng 20kg) như vậy” - Ảnh: THANH TÚ


“Gia đình tui đã qua 4 đời sống bằng nghề đóng đáy, ăn nên làm ra, nhưng không ngờ tới thời bĩ cực phải đi mần thuê. Ông Hai Minh (xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang)


Kỳ 1: Môi trường biến đổi, người mất kế sinh nhai    


Biến đổi khí hậu, nhiều thủy điện trên thượng nguồn và thực tế lũ không về đang ngày càng tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội toàn khu vực ĐBSCL.


Cá không về, người dân thụt lưỡi...


Ngồi trên miệng đáy ngay ngã ba sông Sở Thượng, nơi giáp ranh với ấp 1, xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, Việt kiều Campuchia Lê Văn Thông (64 tuổi, ba đời đóng đáy) than: “Năm nay tiếp tục lũ không về, cá không về, bà con đồng bằng không có cá ăn, người dân thụt lưỡi”...


Theo ông Thông, mọi năm vào khoảng tháng 8 âm lịch đã là thời điểm cuối mùa cá linh non. Thế nhưng năm nay cá linh non giờ mới lác đác về.


Cùng thời điểm này của năm trước, dù lũ nhỏ nhưng ông Thông cũng thu hơn 400 triệu đồng từ miệng đáy của mình, còn năm nay ông mới đánh bắt được khoảng 2 tấn cá tạp nham, bán được khoảng 30 triệu đồng.


“Miệng đáy này tui mua lại của người khác cách đây hai năm với giá 200 triệu đồng. Mỗi năm thầu (với phía chính quyền Campuchia) đánh bắt trong mùa nước nổi là 1 tỉ đồng. Con nước kiệt như vầy, cá mú không có, đổ nợ thôi chú ơi” - ông Thông than.


Nguồn cá tự nhiên trong mùa lũ giảm, ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân đánh bắt còn kéo theo sự thiếu hụt nguồn cá tạp (cá mồi) cung cấp cho nuôi thủy sản của cả khu vực.


Theo anh Nguyễn Văn Thống (ấp 2, xã Thường Thới Hậu B), trong những năm trước đến thời điểm này anh đã mua và bán được 5-7 chuyến (mỗi chuyến 1,5-1,6 tấn cá). Nếu cá chết, anh Thống đem bán cho các chủ ao nuôi cá tra cũng kiếm được đồng lời. Nhưng năm nay anh mới mua được khoảng 3,8 tấn cá linh và cá tạp.


“Cá cho người ăn còn không có, nói chi cung cấp cho nuôi trồng thủy sản” - anh Thống nói.


Ngược lên vùng đầu nguồn sông Hậu miệt An Giang, tình hình đánh bắt thủy sản của người dân nơi đây cũng không khả quan hơn. Ông Hai Minh - từng là chủ đáy có tiếng ở khu vực Mương Vú, vùng giáp ranh của xã Khánh An, huyện An Phú (An Giang) - kể trước đây có vụ ông trúng hơn 300 tấn cá.


Tiền vô, hễ có thuyền bán bún, nước giải khát nào chạy ngang, ông kêu lại rồi mua nguyên thuyền để những người phụ việc ăn uống thoải mái. Năm nay, ông Hai Minh đành gom mấy miệng đáy lên nhà cất rồi đi làm thuê bên Campuchia.


“Gia đình tui đã qua 4 đời sống bằng nghề đóng đáy, ăn nên làm ra, nhưng không ngờ tới thời bĩ cực phải đi mần thuê” - ông Hai Minh rầu rĩ.


image016

Mực nước giảm qua các năm ở sông Tiền và sông Hậu Đồ họa: N.Thành


image017

Nhân công làm thuê trên miệng đáy của ông Lê Văn Thông mòn mỏi ngồi chờ cá linh về - Ảnh: T. Tú


Số miệng đáy ở vùng đầu nguồn sông Hậu cứ giảm dần theo sự cạn kiệt của con nước, nguồn cá.


Theo ông Trương Chí Thông - phó Phòng NN&PTNT huyện An Phú, năm ngoái tuy lũ nhỏ nhưng cũng có 49 giang đáy hoạt động (so với con số trên trăm miệng đáy thời “hoàng kim”). Nhưng tới thời điểm này mực nước thấp, ai cũng sợ lỗ nên không dám bỏ thầu khai thác cá.


“Chưa bao giờ việc khai thác thủy sản mùa nước nổi lại trở nên đìu hiu như năm nay” - ông Thông nói.


Ông Phạm Văn Nê (Bảy Nê, 64 tuổi) ở ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (An Giang) như bao người dân nghèo ĐBSCL sống bằng nghề câu, lưới, đang mong ngóng lũ từng ngày, nhưng ông than: “Năm nay đã qua rằm tháng 8 (âm lịch) nhưng nước vẫn chưa ngập đồng thì cá ở đâu ra mà bắt”.


Ngót 50 năm qua nghề câu lưới đã nuôi sống gia đình, còn năm nay chiếc xuồng câu của ông Bảy Nê vẫn nằm im lìm dưới gốc cây... Để có đồng ra đồng vô, vợ chồng ông đi dọn dẹp cho các lò gạch với tiền công 130.000 đồng/ngày. Hai người con của vợ chồng ông đã rời quê lên TP.HCM tìm đường mưu sinh.


“Mấy chục năm qua, đây là lần đầu tiên tui phải cất xuồng, gác lưới nằm nhà” - ông Bảy Nê than.


Nhiều hệ lụy khi không có lũ


Lũ chưa về, những cánh đồng đói nước, trơ gốc rạ. Theo ông Trương Chí Thông, do lũ chập chờn nên khoảng 9.000ha đất sản xuất nông nghiệp ở bờ đông sông Hậu (huyện An Phú) rơi vào tình trạng bỏ không.


Bà con nông dân đã cày ải, vệ sinh đồng ruộng nhưng không dám xuống giống vụ thu đông. Nhiều hộ dân canh tác lúa mùa nổi ở vùng trũng Tri Tôn, Chợ Mới (An Giang), Tân Long (Đồng Tháp) cũng lần đầu tiên trong nhiều năm rơi vào cảnh điêu đứng do nước không ngập chân ruộng.


“Ước tính 100ha lúa mùa nổi chừng 2 tháng tuổi của nông dân đang “gặp hạn”, tạo điều kiện cho chuột cắn phá, gây thiệt hại nặng” - TS Nguyễn Văn Kiền, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông thôn Trường ĐH An Giang, cho biết.


Tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), nhiều nông dân nuôi tôm càng xanh mùa nước nổi cũng đang ngóng lũ từng ngày.


Theo Phòng kinh tế hạ tầng, năm nay địa phương dự tính phát triển khoảng 130ha tôm càng xanh chân ruộng tại các vùng trũng thấp. Tuy nhiên, kế hoạch trên có nguy cơ phá sản do lũ thấp, nước không đủ ngập cho tôm phát triển.


Năm ngoái, ông Hai Tâm - nông dân xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh - thả nuôi hơn nửa triệu con giống trên diện tích chân ruộng hơn 7 công (7.000m2) nhưng do lũ thấp, thời gian nước ngập ruộng duy trì chỉ hơn tháng nên tôm bị hạn chế nguồn thức ăn, phải thu hoạch sớm, lời có vài triệu đồng.


Theo TS Hồ Văn Chiến - nguyên giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, lũ lớn ngoài việc cung ứng một lượng lớn phù sa giúp cây lúa phát triển tốt thì trong phù sa có nhiều vi sinh vật có ích. Sau khi lũ rút, vi sinh vật trong phù sa sẽ phân hủy các chất hữu cơ rất nhanh, giúp cây lúa và các loại hoa màu khác phát triển khỏe.


Còn những năm lũ nhỏ, phù sa kém, người dân có tâm lý bón phân nhiều, đặc biệt là urê, nên chi phí cao. Việc bón phân nhiều trong khi vi sinh vật trong đất ít, ông Chiến cho rằng sẽ khiến cây lúa dễ bị nhiễm bệnh như đạo ôn, sâu cuốn lá dẫn đến chi phí tăng, năng suất thấp.


Ông Nguyễn Văn Hồng - nông dân ở xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) - hoạch toán: năm nào lũ nhỏ, nông dân phải chi thêm tiền xới - trục khoảng 1,4 triệu đồng/ha, xịt thuốc diệt cỏ tốn khoảng 730.000 đồng/ha, tiền bả mồi diệt ốc bươu vàng 250.000 đồng/ha, phân bón, thuốc trừ sâu tăng...


Cộng chung lại, chi phí tăng 3-5 triệu đồng/ha/vụ. Như vậy nếu tính diện tích lúa khu vực ĐBSCL khoảng 1,8 triệu ha thì ít nhất một vụ lúa bà con nông dân toàn khu vực cũng tiêu tốn thêm khoảng 5.400 tỉ đồng.


TS Hồ Văn Chiến cảnh báo thêm: lũ nhỏ sẽ phát sinh nhiều cỏ dại, việc làm đất cập rập để gieo sạ sẽ khiến cây lúa dễ bị ngộ độc hữu cơ. Lũ nhỏ, nước không lên khiến ốc bươu vàng không thoát ra được sẽ gây hại lớn cho cây lúa.


Cộng tất cả các khoản chi phí phát sinh và những thiệt hại do các tác nhân như sâu bệnh, cỏ dại, ốc bươu vàng... sẽ thấy rằng lũ nhỏ đồng nghĩa với chi phí sản suất cao, trong khi năng suất thấp và thiệt hại lớn trong sản xuất lúa.


(còn tiếp)


Mực nước thấp kỷ lục


Báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang cho thấy mực nước cao nhất trên hai con sông chính là sông Tiền và sông Hậu đang rất thấp so với nhiều năm.


Cụ thể trên sông Tiền tại Tân Châu, mực nước đo được ngày 13-9 là 2,18m, thấp hơn đỉnh lũ năm 2000 đến 2,66m. Trên sông Hậu tại Châu Đốc, mực nước đang là 1,81m, thấp hơn đỉnh lũ năm 2000 đến 2,76m.


Gay gắt hơn, tại Xuân Tô - biên giới tiếp giáp với Campuchia, mực nước đo được giữa tháng 9 chỉ 0,82m, thấp hơn mực nước cùng kỳ năm 2015 là 0,27m, thấp hơn năm 2000 đến 3,48m.


Theo Đài khí tượng thủy văn An Giang, trong các tháng còn lại của năm 2016 sẽ có các đợt nước lên trên sông Cửu Long.


Dự báo có thể đỉnh lũ năm 2016 trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng 10, cao hơn năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm.


T.TRÌNH


T.ĐỨC - Đ.TUYÊN - T.TÚ


Ngược dòng Mekong đang hấp hối: Đào hệ thống hồ cứu ĐBSCL


12/04/2016 12:13 GMT+7


TTO - Sông ngòi cạn kiệt, hạn hán, nước biển xâm thực đang là thực tế nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhưng đối phó thế nào? Sống chung với mặn hay chống mặn, giữ ngọt?

image018

Thượng nguồn sông Mekong ở khu vực thủy điện Cảm Lãm mà Trung Quốc đang xây dựng - Ảnh: Nguyễn Khánh


 Dưới đây là một góc nhìn của tiến sĩ hải dương học Trương Đình Hiển.


Ông Hiển mở đầu cuộc trò chuyện bằng tâm sự: “Nhiều đêm gần đây tôi bị mất ngủ vì cứ suy nghĩ về viễn cảnh ĐBSCL. Thực tế rất đáng lo, thậm chí phải khẳng định rằng vô cùng nguy hiểm. ĐBSCL không chỉ bảo đảm lương thực cho cả nước mà còn là nguồn xuất khẩu gạo chính, tác động đến hàng chục triệu con người.


Nền nông nghiệp này bị thiệt hại chắc chắn dẫn đến hàng loạt hệ lụy khó lường. Nhưng cái còn đáng lo hơn nữa là hiện để giải quyết vấn đề có tính quốc nạn này, chúng ta phải trông đợi vào các nước khác, lòng “hảo tâm” nào đó không thể tự dưng mà có…”.


image019

TS Trương Đình Hiển bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Hải dương học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1970. Với chuyên ngành vật lý hải dương học, ông đã có 160 công trình nghiên cứu và ứng dụng trong và ngoài nước.


Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được in sách và tạp chí khoa học trên thế giới. Ông là tác giả khoa học chính của các công trình cảng biển nước sâu và khu công nghiệp phức hợp ở Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội...


"ĐBSCL không chỉ bảo đảm lương thực cho cả nước mà còn là nguồn xuất khẩu gạo chính, tác động đến hàng triệu con người. Nền nông nghiệp này bị thiệt hại chắc chắn dẫn đến hàng loạt hệ lụy khó lường. Ông Trương Đình Hiển 


 


* Hiện đang có hai luồng ý kiến về ĐBSCL. Có nhà khoa học cho rằng tình trạng biển xâm thực vì thiếu nước ngọt đẩy mặn là thách thức nhưng cũng là cơ hội chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng có giá trị cao hơn. Có ý kiến lại cho rằng chúng ta vẫn cần phải bảo vệ cây lúa, tức cần nguồn nước ngọt. Quan điểm của ông thế nào?


- Theo tôi, chúng ta vẫn cần nguồn nước ngọt để canh tác lúa và các loại cây trồng truyền thống để nuôi sống dân ta. Nhưng cũng không thể chống mặn hoàn toàn được.


* Vậy giải pháp thế nào, thưa ông?


- Cách đây 20 năm, tôi đã đề xuất ý kiến của mình với cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đặc biệt, gần đến ngày mất, ông còn kêu tôi lên để hỏi vấn đề này. Tôi cảm nhận đến cuối đời cố thủ tướng vẫn rất trăn trở về hướng phát triển bền vững cho ĐBSCL. Tôi đã trình bày rõ rằng nếu cứ để tình trạng mùa mưa vùng đất này ngập lũ, phải “đổ” ra biển Tây rồi đến mùa nắng lại thiếu nước để canh tác, để chống mặn là vô cùng lãng phí.


Từ đó, tôi đã đề xuất giải pháp ĐBSCL phải có hệ thống hồ tích nước của riêng mình. Nhiệm vụ lớn nhất của nó là vừa chống lũ (tích nước) vừa chống hạn, chống nước biển xâm thực (dùng nước vào mùa khô). Rồi từ đó sẽ tạo nên các khu đô thị mới chống lũ vĩnh cửu, phát triển kinh tế thủy sản nước ngọt, du lịch. Đặc biệt, những hồ nước này còn góp phần điều tiết khí hậu, môi trường, giảm thiểu tác động của xu hướng biến đổi kinh tế toàn cầu ở vùng đất này.


* Nó có quá khả năng chúng ta hiện nay?


- Nếu nói rằng quá tầm tay, chúng ta hãy nhìn lại lịch sử miền Bắc. Từ thời nhà Lý, cách đây cả chục thế kỷ, tổ tiên đã đắp đê điều để có Hà Nội và toàn vùng canh tác đồng bằng sông Hồng ngày nay. Cha ông có gì trong tay?


Chỉ vài triệu dân với ý chí sinh tồn mà không hề có khoa học, không có thiết bị, thậm chí còn không thể vay vốn nước ngoài như chúng ta bây giờ. Thế mà tổ tiên đã làm được, tại sao chúng ta lại sợ khó? Và cũng khẳng định rằng hệ thống đê điều miền Bắc còn quy mô và phải cần nhiều thời gian để tạo lập hơn là hệ thống hồ điều tiết nước miền Tây mà tôi đề xuất.


Về giải pháp thực hiện, tôi đề nghị chúng ta nên nghiên cứu kỹ bình đồ toàn vùng ĐBSCL, tìm ra những vùng đất xấu bị phèn chua, cho năng suất nông nghiệp thấp, ít dân sinh sống để quy hoạch hệ thống hồ. Nó nên nằm gần lưu vực các con sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, Vàm Cỏ… Phần đầu tiên này nên mở các hội thảo rộng rãi để lấy ý kiến các nhà khoa học, chính quyền và cả người dân.


Sau đó bắt đầu việc đào hồ. Ý kiến ban đầu tôi đề xuất (có thể nghiên cứu thêm) là chỉ rộng khoảng 5km x 10 hay 20km mỗi hồ với độ sâu khoảng 10m. Đất đào từ hồ lên sẽ được đắp ngay bên bờ hồ thành các khu dân cư liền kề.


Như vậy từ việc chỉ đào hồ sâu 10m, chúng ta lại có hồ sâu 20m trong khi hình thành được khu dân cư chống lũ hoàn toàn. Ngoài nhiệm vụ điều tiết nước, việc đào đắp các hồ này sẽ có điều kiện để tạo lập các khu dân cư mới chống được lũ vĩnh viễn và có thể thành cụm đô thị xây dựng, chứ không xập xệ như các tuyến dân cư vượt lũ hiện nay.


* Theo ông, cần bao nhiêu hồ mới đủ?


- Theo tính toán của tôi, chỉ cần hơn 10 hồ, tức chỉ bằng diện tích vài huyện nhỏ, vì đâu phải vùng nào ở đồng bằng này cũng bị nước biển xâm thực, hạn hán. Tất nhiên khi ý tưởng được chấp thuận nghiên cứu, chúng ta sẽ tính toán thêm về xu hướng biến đổi khí hậu tương lai và số lượng hồ cần thiết. Việc này hoàn toàn nằm trong khả năng các nhà khoa học.


Hơn nữa, đâu phải chúng ta đào đồng loạt được ngay cả hệ thống hồ này. Nó sẽ mất thời gian 5 năm, 10 năm hoặc hơn nữa. Chúng ta sẽ làm theo thực tế đòi hỏi.


Minh bạch thì nhân dân sẽ ủng hộ


* Theo tính toán của ông, nếu ý tưởng này được chấp thuận, điều gì sẽ là khó khăn nhất khi bắt tay thực hiện?


- Thế giới có kinh nghiệm rồi, ngay cả Thái Lan cũng đã làm. Tôi nghĩ chỉ một, hai năm là chúng ta đã có thể bắt tay thực hiện được sau các nghiên cứu và hội thảo lấy ý kiến.


Với điều kiện khoa học và thiết bị cơ giới của chúng ta hiện nay, mỗi hồ chỉ cần đào tối đa một năm là xong. Nhưng điều tôi lưu ý nhất là làm gì cũng phải có sự đồng thuận của nhân dân. Tổ tiên ta đã bỏ cả 1.000 năm xây dựng đê điều để có miền Bắc hiện nay. Cha anh ta không tiếc hàng chục năm xương máu cho kháng chiến.


Chẳng lẽ bây giờ đồng bào lại quay lưng với công trình cho chính tương lai con cháu mình. Hãy minh bạch và không tư túi, nhân dân sẽ ủng hộ. Thậm chí tôi còn nghĩ cả phát hành trái phiếu để huy động sức dân mà làm...


Dòng Mekong đang hấp hối: Đến đập Cảnh Hồng thấy viễn cảnh đáng lo


08/04/2016


TTO - Sau khi Trung Quốc thông báo nước này thông qua đập thủy điện Cảnh Hồng xả lượng nước lên đến 2.190m3/s từ 15-3 đến 10-4 giúp chống hạn ở hạ lưu sông Mekong, PV Tuổi Trẻ tìm đường đến đập thủy điện này.


image020

Nước từ cửa xả của đập thủy điện Cảnh Hồng đang chảy xuống hạ lưu sông Mekong, phía Trung Quốc gọi là sông Lan Thương (ảnh chụp chiều 6-4) - Ảnh: Nguyễn Khánh


Cảnh Hồng là một trong sáu đập thủy điện thuộc tỉnh Vân Nam mà Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng. Các con đập này nằm chắn ngang thượng nguồn sông Mekong, bao gồm: Cảnh Hồng, Nọa Trát Độ, Đại Triều Sơn, Mạn Loan, Tiểu Loan và Công Quả Kiều.


Xả nước 2.300m3/s


Đập Cảnh Hồng cách trung tâm du lịch Cao Trang khoảng 10-15 phút đi xe. Trên đường đến con đập thủy điện này là một khu vực dân cư thưa thớt, hai bên đường luôn trong tình trạng bụi bặm vì các xe trọng tải lớn liên tục di chuyển.


Bảo vệ thủy điện Cảnh Hồng khá cẩn thận vì cảnh sát đứng án ngữ ở tất cả những con đường dẫn vào đập và ra hiệu không cho người lạ vào bên trong.


Ở vị trí cách đập khoảng 2km, không như trí tưởng tượng của chúng tôi, mực nước sông Lan Thương (cách Trung Quốc gọi sông Mekong) khá thấp, nhiều khu vực nổi lên những bãi đá phủ đầy rêu, cỏ, dù được thông báo là đã xả nước nhưng dòng chảy vẫn không mạnh.


Ở trạm thủy văn Cảnh Hồng nằm bên bờ sông, chúng tôi gặp ông La, trưởng nhóm khí tượng thủy văn của trạm.


Ông La xác nhận từ ngày 15-3 đến 10-4 Trung Quốc xả nước với dung lượng từ 2.190-2.300m3/s xuống hạ lưu sông Mekong. Ông cho biết lưu lượng nước xả năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Cụ thể, vào tháng 6-2015, lượng xả nước từ đập Cảnh Hồng đạt 3.800m3/s.


Vị trưởng nhóm khí tượng thủy văn của trạm khẳng định trạm này được thành lập vào tháng 6-1955, là điểm cuối khống chế lưu lượng nước trong nội địa Trung Quốc đối với dòng chảy chính của sông Mekong và cũng là trạm đo lường kiểm soát nước với diện tích lớn nhất của tỉnh Vân Nam, với diện tích tập trung nước gần 142 triệu m3.


“Một năm tại khu vực này chỉ có hai mùa là mùa khô và mùa mưa và lượng mưa trung bình hằng năm 1.142mm, trong đó có trên 85% lượng mưa tập trung từ tháng 5 đến tháng 10. Tại khu vực xung quanh đập thủy điện Cảnh Hồng chưa bao giờ xảy ra tình trạng hạn hán" - ông La chia sẻ thêm.


Theo các tài liệu chúng tôi thu thập được, đập thủy điện Cảnh Hồng được người trong ngành gọi là kiến trúc dẫn đầu trong “kiến trúc cốt cán của điện lực Vân Nam” trên sông Mekong. Đập này cao 108m, dài 705m. Nó có công suất 1.750 MW, gồm năm tuôcbin phát điện.


Đây là trạm cấp thứ 6 trong kế hoạch hai hồ chứa 8 cấp của quy hoạch thủy điện trên dòng chính trung hạ lưu sông Mekong.


Kế hoạch lúc đầu của trạm điện là bán điện sang Thái Lan, nhưng vì sớm đưa vào hoạt động và thúc đẩy xây dựng con đường “đưa điện từ tây sang đông”, tỉnh Vân Nam và Tập đoàn Hóa Năng sau khi thỏa thuận với bên Thái Lan đã quyết định sẽ xây dựng cả trạm Cảnh Hồng và trạm Nọa Trát Độ thành 1 tổ phát điện, do Tập đoàn Hóa Năng Mekong toàn quyền đầu tư xây dựng.


Trạm điện xây dựng xong sẽ đưa điện sang tỉnh Quảng Đông trước, sau đó căn cứ vào thị trường điện của Thái Lan sẽ do Mạng lưới Phương Nam với chức năng là cơ quan hợp tác đối ngoại đưa điện sang Thái Lan.


image021

Một thiết bị quan trắc nước tại trạm thủy văn Cảnh Hồng - Ảnh: Q. Trung


Kề thủy điện mà không có điện


Dọc hai bên con đường vào thủy điện Cảnh Hồng khá vắng vẻ, lác đác vài căn nhà nhỏ ven sông.


Chúng tôi gặp ông Trương Liên Sinh, một trong những cư dân hiếm hoi sống gần khu vực đập thủy điện, khi ông đang giặt đồ trong ngôi nhà tranh lụp xụp.


Người đàn ông 50 tuổi thật thà cho biết ông không để ý đến việc xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng. Ông kể cả gia đình ông đã sống ở khu vực này gần 20 năm.


Trước khi xây các đập thủy điện dọc sông Mekong, mực nước sông tại đây vào mùa mưa dâng rất cao, có khi ngập đến tràn bờ, tràn nước vào nhà ông nhưng bây giờ mực nước khá thấp.


Ông kể từng làm công nhân xây dựng đập thủy điện Cảnh Hồng và nay kiếm kế sinh nhai bằng trồng trọt, đốn củi, cạo mủ cao su, nuôi gà, nuôi dê.


Ông cho biết người dân khu vực xung quanh đập thủy điện đều mưu sinh bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi như ông, chứ không sống dựa vào dòng sông Mekong. Ngay cả nguồn nước ngọt mà gia đình ông Sinh dùng là lấy từ một dòng suối chảy ở khe núi gần đó.


Rồi ông than phiền về một điều vô cùng nghịch lý rằng trước khi có các đập thủy điện thì nhà ông có điện sử dụng thường xuyên, nhưng sau khi các đập thủy điện được xây xong thì nhà ông và các nhà lân cận phải sống trong bóng tối vì thiếu điện.


Ông chạy vào nhà lấy đèn pin và điện thoại giải thích cho chúng tôi xem, là cứ cách vài ngày lại chạy sang nhà một người bạn để sạc điện. Ông nói ước mơ duy nhất của ông chỉ là được cấp điện, để không còn sống trong bóng tối khi màn đêm buông xuống nữa.


Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Đào Trọng Tứ, giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước & thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC), cho biết các thông tin gần đây trên các phương tiện truyền thông cho rằng Trung Quốc tăng gấp đôi lượng nước để xả xuống hạ lưu cứu hạn cho các nước Đông Nam Á là không chính xác. “Trên thực tế, theo thống kê của chúng tôi thì lượng xả nước của Trung Quốc so với cùng kỳ lại thấp hơn so với năm 2014 và chỉ bằng năm 2015" - TS Tứ giải thích.


TS Tứ cũng cho biết thêm rằng sông Mekong chảy qua sáu nước Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.


Trong đó Trung Quốc chiếm 16% tổng lượng nước và 18% diện tích lưu vực của dòng sông Mekong.


“Dự kiến đến năm 2020 số lượng đập thủy điện của Trung Quốc sẽ là 8, hiện nay họ đã xây được 6 đập với tổng dung tích hồ chứa là 11 tỉ m3, con số này sẽ nâng lên thành 30 tỉ m3 khi Trung Quốc vận hành hết các con đập sau năm 2020” - TS Tứ nói với Tuổi Trẻ.


Ảnh hưởng tiêu cực với hạ lưu


Đánh giá về các đập thủy điện trên dòng sông Mekong tại lãnh thổ Trung Quốc, TS Đào Trọng Tứ khẳng định: Các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng lưu sông Mekong đã, đang và sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đối với sông Mekong.


Cụ thể, các con đập này đã làm thay đổi dòng chảy xuống hạ nguồn, đặc biệt trong các thời điểm các hồ thủy điện tích nước và xả nước, lượng nước thay đổi thất thường khiến cho các quốc gia phía hạ lưu chung dòng chảy sông Mekong luôn trong tình trạng bị động để điều phối dòng nước khi phục vụ nhu cầu của quốc gia.


Thứ hai, các con đập này trước khi chảy xuống khu vực hạ lưu sông đã giữ lại một lượng phù sa rất lớn, theo các phân tích thì lượng phù sa nằm phía thượng nguồn sông Mekong thuộc lãnh thổ Trung Quốc theo tính toán chiếm khoảng 50% lượng phù sa của sông MeKong.


Theo TS Tứ, nghề thủy sản của người dân sống xung quanh dòng sông sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.


Các đập thủy điện kéo dài dọc sông Mekong sẽ khiến các loài cá khó di cư từ vùng này sang vùng khác để sinh sản, nhiều loài có nguy cơ bị tiêu diệt, đặc biệt với các loài cá da trơn có trọng lượng lớn, một trong những “đặc sản” của dòng sông Mekong. QUỲNH TRUNG - NGUYỄN KHÁNH

 

40 triệu dân bị ảnh hưởng bởi đập thủy điện sông Mekong


11/11/2015


TT - Các dự án thủy điện trên sông Mekong đe dọa mất cân đối nguồn nước, suy giảm nguồn thủy sản, phù sa và hệ sinh thái cho Đồng bằng sông Cửu Long.


Tại hội thảo “Thủy điện Mekong: khoa học, chính sách và tiếng nói cộng đồng” do Trung tâm Con người và thiên nhiên Việt Nam tổ chức chiều 10-11 tại An Giang, nhiều chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mekong.


Theo báo cáo tại hội thảo, ngoài 6 đập chính đã hoàn thành trên phía thượng nguồn ở Trung Quốc, 11 con đập khác dự kiến xây dựng tại Lào và Campuchia sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng đối với khu vực, đặc biệt với ĐBSCL nằm ở cuối nguồn.


Nhiều chuyên gia cho rằng việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn, Việt Nam bị ảnh hưởng vô cùng lớn. Trước hết làm tổn thất nặng hai trụ cột kinh tế lớn nhất của ĐBSCL là nông nghiệp và thủy sản.


Tiếp đến sẽ làm suy giảm hệ sinh thái đất ngập nước và tính đa dạng sinh học gần như vĩnh viễn, không thể khôi phục.


Người nghèo là đối tượng bị tổn thương nặng nề nhất, dẫn tới việc di cư trên diện rộng làm xáo trộn xã hội. Khi vận hành thủy điện sẽ làm các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL khó thực hiện và phát sinh thêm nhiều hệ lụy mới càng khó giải quyết.


PGS.TS Lê Anh Tuấn, viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, cho biết các dự án này sẽ đe dọa mất cân đối nguồn nước, suy giảm nguồn thủy sản, phù sa và hệ sinh thái cho ĐBSCL.


“Về thủy sản tự nhiên mỗi năm chỉ riêng cá trắng di cư theo mùa sẽ mất 220.000 - 440.000 tấn, tương đương 0,5 - 1 tỉ USD”, ông Tuấn cảnh báo.


Bà Ame Trandem, đại diện Tổ chức Sông ngòi quốc tế, dẫn nghiên cứu mới đây của Đại học Portland (Mỹ), việc xây đập làm thủy điện ở thượng nguồn sẽ gây thiệt hại gấp 10 lần lợi ích từ nó mang lại.


“Sẽ có hơn 40 triệu người dân sống bên dòng sông này bị ảnh hưởng đến đời sống. Nếu cần nguồn năng lượng thì có nhiều giải pháp, có nhiều lựa chọn thích hợp và hiệu quả hơn”, bà Ame Trandem đặt vấn đề./


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát ĐBSCL bằng trực thăng


26/09/2017 20:04 GMT+7


TTO - Trong khuôn khổ chuyến làm việc và chủ trì hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL diễn ra tại Cần Thơ, chiều 26-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thị sát vùng này từ trực thăng.


image011

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát ĐBSCL bằng trực thăng - Ảnh: TTXVN


Chuyến thị sát này kéo dài trong hơn 2 giờ, xuất phát từ Cần Thơ rồi bay dọc khu vực ven biển tới mũi Cà Mau, cung cấp góc nhìn trực quan đối với Thủ tướng về những tác động của biến đổi khí hậu ngoài những con số từ báo cáo của các bộ ngành liên quan.


Theo kế hoạch, trong ngày 27-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì phiên họp toàn thể của hội nghị với chủ đề phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. 


Tại phiên họp này, Thủ tướng sẽ nghe các báo cáo kết quả thảo luận về chủ đề quy hoạch tích hợp, phát triển hạ tầng và nguồn lực (Bộ Kế hoạch - đầu tư báo cáo), kết quả thảo luận về nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn báo cáo) và kết quả thảo luận về chủ đề thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL (Bộ Tài nguyên và môi trường báo cáo). 


Đại diện nhiều tổ chức quốc tế và lãnh đạo các địa phương như TP.HCM, Cần Thơ cùng các tỉnh Cà Mau, An Giang… cũng sẽ có phát biểu tham luận tại hội nghị quan trọng này./ CHÍ QUỐC
14 Tháng Mười Một 2022(Xem: 3589)
05 Tháng Mười Một 2022(Xem: 3377)