Thủ tướng Mahathir Mohamad là “khắc tinh” của đại dự án Vành đai và Con đường

08 Tháng Bảy 20187:11 CH(Xem: 12092)

VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI HÔM NAY - THỨ HAI O9 JULY 2018


Thủ tướng Mahathir Mohamad là “khắc tinh” của đại dự án Vành đai và Con đường


Tiến sĩ Trần Công Trục


07/07/18


 (GDVN) - Ông đã giúp các nước trong khu vực hiểu rõ cách sống với Trung Quốc: không có gì phải sợ Bắc Kinh, vừa ảnh giác với củ cà rốt, vừa tránh được cây gậy của họ.


Financial Times ngày 24/6 đã đăng bài phân tích phản ứng của Malaysia về
"siêu dự án" Vành đai và Con đường của Trung Quốc;


Nội dung chủ yếu tập trung chỉ ra tham vọng của Bắc Kinh và đòi Trung Quốc phải có trách nhiệm giải trình và minh bạch hóa nội dung của “sáng kiến lịch sử” này. 


Đặc biệt, tân Thủ trướng Mahathir Mohamad, đã tạm dừng để xem lại các dự án bất bình đẳng mà cựu Thủ tướng Najib Razak đã ký với một loạt doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong khuôn khổ Vành đai và Con đường. 


image004

Thủ tướng Malaysia, Tiến sĩ Mahathir Mohamad, ảnh: Kyodo / SCMP.


Theo chúng tôi, quyết định này của vị “nguyên lão” khả kính lập tức được sự đồng tình ủng hộ của không chỉ người dân Malaysia mà còn của hầu hết nhân dân trong khu vực và quốc tế. Tại sao?


Thứ nhất, qua thực tế đã được triển khai tại một số quốc gia, nhiều chuyên gia kinh tế, chính trị, các học giả…, đều có chung một nhận định rằng “siêu dự án” Vành đai và Con đường”, đã dần dần bộc lộ bản chất đích thực của nó; 


Đó là biến tướng của quá trình cạnh tranh chiếm đoạt thị trường của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, nấp dưới hình thức xuất khẩu tư bản, nhân công rẻ mạt, công nghệ, kỹ thuật lạc hậu và hàng hóa dư thừa, kém chất lượng…


Như vậy, có thể thấy chiến lược thực sự đằng sau Vành đai và Con đường không chỉ nhằm gài các nước vào "bẫy nợ ngoại giao"; tạo môi trường để tái cơ cấu kinh tế Trung Quốc, mà còn nhằm thực hiện những mục tiêu về chính trị, quốc phòng, an ninh.


Trong đó đáng chú ý có mục tiêu sử dụng dự án này để “bẫy” các quốc gia khi tham gia, phải mặc nhiên thừa nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông;


Hợp thức hóa việc chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc đối với các thực thể địa lý nằm giữa Biên Đông cũng nằm trong tính toán của Bắc Kinh đằng sau đại dự án này.    


Thứ hai, người Malaysia đã cảnh báo trước về tiền lệ của Sri Lanka và cáo buộc ông Najib Razak đã “bán nước” theo cách tương tự. 


Vì vậy, Chính phủ mới của Thủ tướng Mahathir Mohamad đã quyết định sẽ đàm phán lại một số dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lớn của Trung Quốc.


Họ tin là những dự án này có giá trị thấp về tiền bạc cũng như hiệu quả quản trị, bao gồm tuyến đường sắt kết nối bờ biển phía Đông trị giá 14 tỉ USD và 2 đường ống dẫn khí đốt. 


Tuy nhiên, với một tinh thần thật sự cầu thị, biết mình biết ta, Tiến sĩ Mahathir Mohamad nói ông hoan nghênh đầu tư và công nghệ của Trung Quốc, nhưng với điều kiện các dự án phải sử dụng hiệu quả kinh phí, minh bạch và mang lại lợi ích thực sự cho các doanh nghiệp và lao động địa phương. 


Theo chúng tôi có thể nói ngài Thủ tướng, Tiến sĩ Mahathir Mohamad, đã điểm đúng “tử huyệt” của “siêu dự án” Vành đai và Con đường. 


Đặc biệt, mặc dù không đề cập một cách trực tiếp, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã ngầm phát đi một thông điệp rằng các nước trong khu vực và các nước liên quan ngoài khu vực rằng:


Một mặt, phải nâng cao cảnh giác trước những “củ cà rốt” mang nhãn hiệu Trung Quốc; mặt khác, cũng cần phải có cách để tồn tại, làm sao tránh được những “cái gậy” hiểm độc luôn sẵn sàng nện xuống đầu mình. 


Thứ ba, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đáng kính đã thẳng thắn công khai quan điểm và cách thức ứng xử của mình trong quan hệ với Trung Quốc ngay từ khi ông mới nhậm chức:


“Chẳng có gì phải sợ Trung Quốc", nếu trong quan hệ với Trung Quốc, nguyên tắc bình đẳng, tôn trong lẫn nhau, rõ ràng, minh bạch, thượng tôn pháp luật luôn được duy trì. 


image005

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.


Cụ thể, khi trả lời câu hỏi của South China Morning Post về việc một số người nói rằng Thủ tướng chống Trung Quốc, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã khôn khéo nói:


"Dĩ nhiên có những việc nhất định đã được thực hiện mà Malaysia không được lợi ích gì, thậm chí nó không tốt cho Malaysia. 


Chúng tôi hoan nghênh đầu tư trực tiếp nước ngoài từ bất kỳ quốc gia nào, chắc chắn bao gồm cả Trung Quốc.


Nhưng khi nói đến việc ký hợp đồng với Trung Quốc, vay các khoản tiền khổng lồ từ Trung Quốc, các nhà thầu Trung Quốc thích sử dụng công nhân của họ từ Trung Quốc, dùng mọi thứ được nhập từ Trung Quốc, thậm chí việc thanh toán không được thực hiện ở đây mà ở Trung Quốc;


Những loại hợp đồng đó không phải là thứ mà tôi hoan nghênh.


Một điều nữa là họ phát triển trọn gói nhiều đô thị, những đô thị rất phức tạp, rất đắt tiền mà người Malaysia không thể mua được. 


Vì vậy, họ sẽ đưa người nước ngoài đến sống ở những thành phố này. Hiện nay, không một quốc gia nào trên thế giới chấp nhận hàng loạt người nhập cư đến quốc gia của mình. 


Bạn thấy điều này ở Mỹ, châu Âu hay bất cứ đâu.


Chúng tôi không muốn có một thành phố được xây dựng ở Malaysia để (nhà đầu tư) đưa người nước ngoài đến ở đó.


Đó là những gì tôi chống lại, ngay cả khi (nhà đầu tư) là người Ấn Độ, các nước Ả Rập hay châu Âu.


Những người nhập cư nước ngoài với số lượng lớn sẽ không ai được chào đón, chắc chắn là không đối với Malaysia.” 


Thiết nghĩ, phản ứng rất thẳng thắn, trí tuệ, hợp lý, hợp tình của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad là bài học cho những quốc gia mà Trung Quốc đang nhằm vào để vận động tham gia vào “đại dự án” Vành đai và Con đường. 


Phải chăng Ông chính là “khắc tinh” của đại dự án này?


Người dân Malaysia đã đúng khi bỏ phiếu bầu vị “nguyên lão” khả kính  này vào vị trí đứng đầu Chính phủ của mình.


Chẳng những họ, mà kể cả cộng đồng ASEAN, chúng ta cũng tự hào về nhân cách, trí tuệ và bản lĩnh của Thủ tướng Mahathir Mohamad, một tấm gương sáng để noi theo trong cuộc đấu tranh sinh tồn và phát triển trước những diễn biến phức tạp, khôn lường của tình hình khu vực và quốc tế hiện nay./.  


Tiến sĩ Trần Công Trục