Việt Nam trong 10 nước mua vũ khí nhiều nhất thế giới

12 Tháng Ba 20197:56 CH(Xem: 11472)

VĂN HÓA ONLINE - CHÂU Á - THỨ TƯ 13 MAR 2019


Việt Nam trong 10 nước mua vũ khí nhiều nhất thế giới


12/03/2019


Viễn Đông


image014

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm năm 2016 cho biết rằng Việt Nam đã đặt mua và đã được Nga giao 3 hệ thống tên lửa đất đối không Pechora (ảnh).


Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ở Thụy Điển hôm 11/3 ra phúc trình về các giao dịch vũ khí quốc tế, trong đó nói rằng Việt Nam nằm trong top 10 nước “tậu” nhiều thiết bị quân sự nhất trên thế giới.


Theo SIPRI, trong giai đoạn từ 2014 tới 2018, số vũ khí nhập khẩu của Việt Nam chiếm 2,9% tổng số bán ra trên toàn cầu, tăng 78% so với mức 1,8% giai đoạn 2009 tới 2013.


Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 trong khoảng thời gian gần đây nhất.


Trong số 10 nước nhập khí tài nhiều nhất trên thế giới giai đoạn 2014 tới 2018, một nửa là các quốc gia châu Á và châu Đại Dương gồm Ấn Độ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.


Theo tìm hiểu của phóng viên VOA tiếng Việt, Nga xuất khẩu 31% sang khu vực này. Tiếp đó là Hoa Kỳ (27%) và Trung Quốc (9%).


Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết, ba quốc gia cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Việt Nam là Nga (78%), Israel (9,1%) và Belarus (4,1%).


Trên toàn cầu, Mỹ vẫn là nước đứng đầu về xuất khẩu vũ khí, chiếm 36% trong giai đoạn từ 2014 tới 2018, bỏ xa Nga ở vị trí thứ hai với 21%.


Trung Quốc cũng góp mặt trong top 10 nước bán khí tài nhiều nhất, ở vị trí thứ 5, chiếm 5,2%.


Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2018 khẳng định độc quyền với VOA tiếng Việt rằng Việt Nam có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Hoa Kỳ trị giá tới 94,7 triệu đôla.


Ngoài việc mua thiết bị quân sự trên, quan chức Mỹ nói thêm rằng “Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã cung cấp cho Việt Nam 12 triệu đôla trong chương trình Cung cấp Tài chính Quân sự Nước ngoài (FMF) trong năm tài khóa 2017”.


Trong một cuộc họp báo thường kỳ sau đó, khi được hỏi về các vụ mua bán gần 100 triệu đôla, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng “chính sách quốc phòng của Việt Nam là để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, hòa bình của đất nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới”.


Bà Hằng nói tiếp: “Việc hợp tác quốc phòng với các nước là nhằm thực hiện chính sách trên”.