Nước mắt của các gia đình cựu tù “cải tạo”! / Thơ Giồng Ông Tố

07 Tháng Mười 201412:00 SA(Xem: 21085)
“NHẬTBÁO VĂNHÓA-CALIFORNIA” THỨ NĂM 09 OCT 2014
image062 

Sĩ quan VNCH bị bắt đi tù cải tạo sau ngày 30 tháng 4, 1975. AFP/Getty Images.

Những dòng nước mắt trong những cảnh ngộ tang thương của các gia đình cựu tù “cải tạo”!

Kính mời quý vị đọc: Những dòng nước mắt...

 

 

Những dòng nước mắt trong những cảnh ngộ tang thương của các gia đình cựu tù “cải tạo”!

Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

Lời người viết: Như mọi người đã biết về những cảnh ngộ của các cựu tù “cải tạo”, qua nhiều ngòi bút, hoặc nghe kể lại. Riêng người viết loạt bài này, vì đã từng là nạn nhân và cũng từng chứng kiến với những cảnh đời dâu bể, đã khiến cho người viết không thể nào quên được !

 Chính vì thế, bắt đầu hôm nay, người viết sẽ dùng ngọn bút của mình để tuần tự qua nhiều kỳ, ghi lại tất cả những cảnh ngộ vô cùng bi thương ấy; và dẫu cho có muộn màng; nhưng với lòng chân thiết, người viết xin được cùng xẻ chia cùng các gia đình nạn nhân, là các cựu tù năm cũ. Và dĩ nhiên, người viết chỉ ghi lại những gì đã xảy ra, mà không nêu tên họ thật.

 Kính xin quý vị đã từng “chết đi sống lại” trong những hoàn cảnh này, hãy nhận nơi đây, những dòng nước mắt, khóc cho những cảnh đời tang thương - tân khổ, trong suốt những tháng năm dài sau ngày Quốc Hận: 30/4/1975.

Một tấm gương sáng ngời: Tiết hạnh khả phong:

Trước ngày 30/4/1975, Đại úy Thụy, là một vị sĩ quan liêm khiết, cho nên, dù đã phục vụ tại Đặc Khu Quân Trấn tại Thành phố Đà Nẵng; nơi dễ dàng có “tư lợi”, nhưng Đại úy Thụy không có nhà cửa riêng, mà ông và vợ con đã sống ở trong Cư Xá Sĩ Quan, sống đời đạm bạc. Chị Thụy, một phụ nữ hiếm có ở trên đời, chỉ biết sống cho chồng-con, không cần để ý đến những sự cuộc sống đầy đủ của những người vợ của các sĩ quan, là bạn của chồng mình.

Sau ngày 30/4/1975, Đại úy Thụy bị bắt, bị ở tù “cải tạo” tại: “Trại 1 - Trại chính, Trại cải tạo Tiên Lãnh”, tức “Trại T.154”; hậu thân của “trại cải tạo Đá Trắng” đã được thành lập vào cuối năm 1959, tại thôn 3 xã Phước Lãnh, quận Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Sở dĩ người viết biết về trại “cải tạo” này một cách rất rõ ràng, bởi vì, chính Bác ruột của mình: Ông Trần Thắng, một lương dân vô tội, và các vị đồng hương đã cùng bị du kích của Việt cộng bắt, rồi bị đưa vào nơi này giam cầm, và tất cả các vị, trong đó có Bác ruột của người viết, đều đã bị chết vì đói và lạnh ở trong trại này vào năm 1964.

Trở lại với gia đình của Đại úy Thụy. Sau ngày 29/3/1975, khi chồng bị bắt đi tù. Lúc này, Thủ đô Sài Gòn chưa thất thủ, thì “Lực Lượng Hòa Hợp-Hòa Giải Thị Bộ Đà Nẵng”, trụ sở được đặt tại Chùa Pháp Lâm, ở số 500, đường Ông Ích Khiêm, tức Chùa Tỉnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Quảng Nam, Đà Nẵng; đã xông vào Cư Xá Sĩ Quan để đuổi chị Thụy và con cái ra khỏi nhà. Do vậy, không còn cách nào khác, nên chị Thụy đã phải ôm áo quần và dìu dắt các con ra đi, rồi phải ra nhà Ga Đà Nẵng để sống một cuộc đời gối đất, nằm sương !

Cuộc sống của chị Thụy và các con tại nhà Ga:

Ngày Đại úy Thụy đã phải đến “trình diện” tại “Thị bộ Hòa Hợp-Hòa Giải” tại Chùa Pháp Lâm, số 500, đường Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng. Nên biết lúc này thủ Đô Sài gòn chưa mất, tại Đà Nẵng chưa có “Ủy Ban Quân Quản”. Và, để rồi phải hơn mười năm sau Đại úy Thụy mới được trở về nhà… Ga để gặp lại vợ con !

Xin nhắc lại, Thành phố Đà Nẵng đã bị rơi vào tay của Cộng sản Hà Nội vào ngày 29/3/1975; trong thời gian này, Sài Gòn chưa mất, nên trước khi bị bắt vào tù, người viết đã chứng kiến cảnh sống vô cùng thê thảm của chị Thụy và các con tại nhà Ga Đà Nẵng. Ngày ấy, khi nghe hai bà chị họ của người viết đang buôn bán củi tại nhà Ga Đà Nẵng, số củi này được mua từ Lang Cô, chở bằng tàu lửa về Đà Nẵng để bán sỉ và lẻ, đã kể lại với người viết về hoàn cảnh của chị Thụy và các con tại nhà Ga, và còn cho biết chị Thụy và đứa con trai lớn cũng thường hay vác củi thuê cho hai chị. Và, người viết đã đến tận nhà Ga để gặp chị Thụy, để rồi phải chứng kiến trước mắt một cái “nhà” của chị Thụy:

Bên cạnh một gốc cây, ở một góc đường Nguyễn Hoàng - Hoàng Hoa Thám là một cái “nhà” được che bằng hai tấm tôn, chung quanh được đắp những tấm bạt nhà binh đã rách, và những tấm vải bố được tháo ra từ những chiếc bao cát, loại dùng để làm lô cốt chống đạn của quân đội VNCH. Trong “nhà” là một chiếc chõng tre rộng khoảng hơn một mét, có trải chiếc chiếu cũ, một chiếc chăn cũng cũ. Trên chiếc chõng tre, là hai đứa con nhỏ của chị, khoảng dưới năm tuổi ngồi trên đó, vì phía dưới, trong những ngày mưa, hoặc mùa Đông, thì những giòng nước đen ngòm, hôi hám đã từ phía nhà Ga chảy ra lênh láng ở phía dưới chiếc chõng, nên chị Thụy không cho hai con nhỏ bước xuống đất, mà cứ ngồi, nằm hoặc ngủ, để chờ Mẹ và Anh trai đem gạo về nấu cơm cũng ngay trong cái “nhà” này. Chị Thụy và con trai lớn đã phải vác hàng thuê không kể mưa, nắng, ngày, đêm, chỉ khi nào quá mệt, thì lại về, để rồi phải nằm gác lên nhau trên cái chiếc chõng tre độc nhất ấy. Đó là một “mái nhà” của chị Thụy và các con !

Về cuộc sống, chị Thụy và con trai lớn chắc khoảng trên mười tuổi đã phải ra sức để làm hết mọi việc, từ vác, xách hàng thuê cho những người đi buôn bán, hoặc khách vãng lai. Chị Thụy và cháu trai không ngại khó bất cứ một công việc nặng nhọc nào. Người viết đã chứng kiến cà hai Mẹ-Con chị Thụy còng lưng để vác những bao gạo, những bó củi từ những chuyến tầu lửa từ Huế chạy về Đà Nẵng, vác từ trong nhà Ga ra đến ngoài mặt đường Nguyễn Hoàng, là nơi những chiếc xe “ba gác” đang chờ sẵn để chở những bó củi đến những nơi buôn bán sỉ, hoặc chở những bao gạo đến những người bán gạo lẻ ở các chợ.

Nên biết, là vào thời gian ấy, chị Thụy còn trẻ tuổi, có nhan sắc, nếu muốn, chị cũng có một cuộc sống no ấm, chứ không phải dầm mữa dãi nắng. Nhưng không, chị Thụy đã quyết giữ một lòng chung thủy với chồng: Đại úy Thụy, và đã sống cho chồng con.

Người viết nghĩ rằng, vào lúc ấy, khi quyết định và chấp nhận một con đường chông gai đó, chị Thụy thừa biết về tương lai của ba con thơ của anh-chị sẽ mịt mờ, đen tối, vì chị không có “hộ khẩu”, nên các con không được đến trường để học hành; nhưng không thể để con cái phải chịu dốt không biết chữ, nên mỗi ngày chị đều tự dạy cho các con học, để biết đọc, biết viết. Ngoài những công việc như đã kể, chị Thụy đã chắt chiu từng đồng, để mua những gói quà, để rồi đã vượt hàng trăm cây số đường rừng, để đến “trại cải tạo” để “thăm nuôi” chồng đang trong cảnh đời lao lý.

Gói quà thăm nuôi vô giá!

Những gói quà thăm nuôi, mà chị Thụy đã từng lặn lội đem lên trại “cải tạo” để thăm chống, không như những gánh quà của các bà vợ Sĩ quan khác, mà chỉ vỏn vẹn là một gói nhỏ trên tay thôi !

Người viết vẫn nhớ đến một lần cùng được đi thăm nuôi một lần với Đại úy Thụy. Khi vào “nhà thăm nuôi” thì thân nhân của tù “cải tạo” đều có “giấy thăm nuôi” do phường, xã ở địa phương cấp cho, còn riêng chị Thụy thì không hề có một tờ giấy gì cả, mà chỉ có một gói quà trên tay thôi.

Hoàn cảnh của Đại úy Thụy là độc nhất vô nhị tại trại “cải tạo”, nên “Ban giám thị” của tại đã xét thấy nếu muốn cho Đại úy Thụy được “an tâm học tập cải tốt” thì phải cho anh được gặp mặt vợ; Do đó, những “cán bộ phụ trách thăm nuôi” đã “linh động” cho Đại úy Thụy được gặp mặt vợ mà không có “giấy thăm nuôi”.

Người viết vẫn nhớ như in, lần ấy, khi được phép gặp mặt Đại úy Thụy và sau khi “trật tự” xét quà thăm nuôi, khi gói quà được mở ra, thì chỉ có mấy “bánh” đường đen, một ít “thuốc rê” loại thuốc để người hút tự vấn thành điếu để hút, và một “thẩu” mắm ruốc, ớt mà thôi.

Khi viết lại những điều này, người viết biết rằng sẽ làm cho quý vị cựu tù sẽ xúc động, có thể rưng rưng khi nhớ lại một kỷ niệm, mà đa số vị đã biết; và tôi đã được quý vị tù trong lúc lao động ngoài đồng ruộng lúa, đã kể lại cho tôi biết: chính lần được thăm nuôi đó, khi về phòng tù, Đại úy Thụy chắc nhìn thấy sự tiều tụy của vợ mà đau buồn, nên vẫn để gói quà nằm yên, cho đến tối, thì Đại úy Thụy mới mở ra; và, khi cầm một “bánh” đường đen trên tay, thì, ôi ! nước mắt của Đại úy Thụy bỗng tuôn trào, anh muốn ngất đi, khi nhìn thấy những chiếc dấu răng của trẻ con đã cạp, đã cắn, sứt sứt, mẻ mẻ chung quanh chu vi của mấy “bánh” đường…

Đại úy Thụy đã hiểu mọi sự. Thì ra, các con nhỏ của anh vì thèm đường, nhưng Mẹ, tức vợ của anh không cho ăn, vì “để dành thăm nuôi Ba”, nhưng bởi còn quá nhỏ tuổi, nó thèm quá, nên nó đã lén mẹ để cạp, để cắn bớt chung quanh “bánh” đường cho đỡ thèm !

Và, Đại úy Thụy đã không thể ăn được mấy “bánh” đường đen ngày đó, mà cứ để yên, cho đến khi vì trời nắng nóng, nên nó đã chảy ra thành một đống nhão nhoẹt rồi, thì Đại úy Thụy mới dám ăn !

Gói quà thăm nuôi ấy, mà cho đến hôm nay, khi nhắc lại, thì chắc rằng, chẳng phải riêng người viết, mà chắc các quý vị cựu tù “cải tạo” cũng như quý độc giả cũng công nhận rằng: đó là một gói quà thăm nuôi vô giá.

Ngày trở về:

Trong suốt những năm tháng dài ở trong trại “cải tạo”, Đại úy Thụy không hề biết vợ con của mình đang làm thuê, vác mướn, sống ở nhà ga Đà Nẵng, vì chị Thụy không muốn cho anh biết, mà chỉ nói chị đang buôn bán ở đường Nguyễn Hoàng mà thôi, và các bà vợ Sĩ quan, cũng không ai biết về cuộc sống của chị Thụy, mà nếu có biết họ cũng không nói ra. Chỉ cho đến hơn mười năm sau, khi được ra tù, trở về, cứ như theo lời của vợ, Đại úy Thụy đã đi tìm vợ con dọc theo con đường Nguyễn Hoàng, và khi ngược lên đến nhà Ga Đà Nẵng, thì bất ngờ, một bóng dáng của người phụ nữ đang còng lưng để vác một bó “củi chò” lớn trên vai. Bó củi này, là củi của chính chị của tôi, vì chị tôi rất quý chị Thụy, thường hay nói chuyện với chị Thụy, nên mỗi khi có củi từ Lang Cô chở vào Đà Nẵng là đều nhờ chị Thụy.

Cuộc tương phùng này, hay nói cho đúng nghĩa, là một cuộc Đoàn Viên giữa vợ chồng con cái của Đại úy Thụy, thì người viết không thể dùng bất cứ một từ ngữ nào để có thể diễn đạt một cách cho trọn vẹn; nhưng người viết được biết, sau đó, Đại úy Thụy gặp lại một người lính cũ, và đã được người lính đã một thời thuộc quyền của mình, đang làm nghề “sản xuất bia hơi”, người viết không biết uống bia, rượu, nên không biết đến loại “bia hơi” này nó ra làm sao; song được biết, người lính cũ tốt bụng này, đã giúp đỡ cho cả gia đình của Đại úy Thụy có một nơi ở, lại còn giúp cho Đại úy Thụy mượn một chiếc xe đạp cũ, để hàng ngày Đại úy Thụy chở những thùng bia hơi mà người lính này chỉ tính giá vốn, rồi đem đến giao cho những quán ăn, để lấy tiền lời, cho đến ngày Đại úy Thụy cùng vợ con lên đường sang Mỹ theo diện tù “cải tạo”.

Người ta thường nói, bất cứ cái gì, nó cũng có “cái giá” của nó. Cái giá, này thì tùy theo sự suy nghĩ của mỗi người. Tại Đà Nẵng, đã có nhiều người vợ của các Sĩ quan đã chọn cho mình bằng những cách sống, những con đường khác nhau, và tất nhiên, cho đến bây giờ, họ cũng đã biết được “cái giá” của nó như thế nào rồi. Lại cũng có người nói rằng, chị Thụy làm như thế, chỉ giữ được lòng chung thủy với chồng, nhưng các con của anh chị phải chịu thất học, chỉ biết đọc, biết viết do Mẹ dạy, chứ nếu làm khác hơn, thì chắc con cái sẽ không phải làm thuê, vác mướn, và bị thiệt thòi về vật chất…

Tuy nhiên, theo người viết, ở trên đời này, có một thứ không dễ gì ai cũng có thể tìm thấy được, đó là sự trọn vẹn và cao quý của tình yêu, vì chỉ có tình yêu đích thực mới khiến cho con người vượt lên trên được tất cả, mới đạp bằng hết được những chông gai của cuộc đời. Người viết nghĩ rằng, giờ đây, anh chị Đại úy Thụy đang hạnh phúc trọn vẹn trong những năm tháng còn lại của cuộc đời.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Sau ngày 30/4:1975; các vị Quân-Cán-Chính Việt Nam Cộng Hòa đã bị vào các nhà tù “cải tạo”. Chính nơi đây, chính những cảnh tù đày, là những cuộc thử nghiệm về chất người. Bởi vì, nếu trước đó, những bà vợ đã lấy chồng là những vị cựu tù “cải tạo” vì tình yêu chân thật, thì tình yêu ấy sẽ khiến cho họ càng thương yêu chồng trong cảnh lao tù, mà không lỗi đạo làm vợ; còn như nếu họ đã lấy chồng vì danh, vì lợi, thì tất nhiên, khi các ông chồng vào tù rồi, thì danh hết, lợi hết, thì tình cũng hết, nên họ đành đoạn bỏ người chồng đang đau khổ trong nhà tù, để ôm cầm sang thuyền khác, điều đó, không có gì là lạ cả.

Nhưng những chuyện đã nói, là chuyện của những người khác; còn riêng chuyện của Đại úy Thụy là một chuyện thật, có bi thương, song cũng có những ngọt ngào. Có những giọt nước mắt, nhưng cũng có những giọt lệ mừng và những nụ cười thật trọn vẹn như hôm nay, khi anh chị Đại úy Thụy và gia đình đã và đang được đoàn viên nơi hải ngoại. Và, riêng tôi, tôi quý, tôi phục chị Thụy: Chị là một tấm gương sáng ngời: Tiết hạnh khả phong.

Trời không phụ lòng người là vậy.

Pháp quốc, 6/6/2012

Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

(Xin tái ngộ quý độc giả với những chuyện tình của Tù “cải tạo” có thật trong những bài kế tiếp)

----------------------------------------------

* Lưu ý: Tất cả những bài viết của tác giả Hàn Giang Trần Lệ Tuyền, nếu quý vị nào muốn tiếp tay chuyển tiếp lên các Diễn Đàn Điện Tử, các trang Web trên mạng lưới toàn cầu thì không có điều gì trở ngại, chúng tôi chân thành cám ơn.

Tuy nhiên, nếu quý vị nào muốn in vào sách, báo có tính cách thương mại, xin vui lòng liên lạc để có sự đồng ý của tác giả trước, qua địa chỉ email: hangiangletuyen@gmail.com .

Ảnh dưới đây trích từ 01 trang bài của Hàn Giang Trần Lệ Tuyền trên internet.
image064 

Tấm hình này đã được chú thích : Nguyễn Đan Quế đang được vợ: ca sĩ Tâm Vấn thăm nuôi.

ĐỌC THÊM: 

Học tập cải tạo

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Việt Nam

Học tập cải tạo, hay cải tạo qua lao động, là tên gọi hình thức giam giữ mà pháp luật một số nước thực hiện đối với một bộ phận các nhân vật mà các chính phủ sở tại cho là những người vi phạm pháp luật, hoặc vướng vào tệ nạn xã hội hoặc là các nhân vật bất đồng chính kiến với chính phủ hoặc là tù nhân chiến tranh. Đây là một hình thức xử phạt hay răn đe giáo dục bằng giam giữ và lao động bắt buộc. Đối với thành phần "giai cấp thù địch", mô hình học tập cải tạo này được Liên Xô phổ biến và phát triển quy mô.[1] Mô hình này cũng được một số nước phương Tây áp dụng, như Hoa Kỳ hiện nay[2] hoặc Pháp trong chiến tranh Algerie[3]

Theo nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng Lev Ponomarev, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Bảo vệ quyền của các tù nhân, «các trại cải tạo này chính là nhà tù »[4].

Trước 1975

Chế độ học tập cải tạo rập theo khuôn mẫu của Trung Quốc[5] đã được áp dụng tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ năm 1954 với tội phạm, tù binh và tù nhân bị kết án chống đối chính quyền.[6] Một số nhà văn liên quan đến phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm, như Phùng Quán, phải đi cải tạo lao động vì tư tưởng của họ.

Theo văn bản luật pháp thì quy chế bắt giam vào trại cải tạo chiếu theo nghị quyết 49 (49-NQTVQH) của Hội đồng Bộ trưởng thông qua ngày 20 tháng 6, 1961 và bắt đầu áp dụng kể từ 8 tháng 9. Đối tượng là "thành phần phản cách mạng" và đe dọa an ninh công cộng.[7]

Sau 1975, thời kỳ hậu chiến

Trong bối cảnh hậu chiến (sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975), cụm từ "học tập cải tạo" nói đến chương trình tập trung để cải tạo của chính quyền Việt Nam đối với binh lính chế độ Việt Nam Cộng hòa hay những người tham gia phục vụ cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước 1975. Một công bố của nhà chức trách nói rõ:

"Việc tổ chức cho ngụy quân, ngụy quyền và các đối tượng phản động ra trình diện học tập cải tạo thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, có tác dụng phân hóa hàng ngũ bọn phản động, cô lập bọn đầu sỏ ngoan cố, đập tan luận điệu tuyên truyền chiến tranh tâm lý của địch, tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân." [8]

Hệ thống giam giữ quy mô này lấy mẫu từ trại tù lao động của Liên Xô.[9]

Cách tiến hành tại miền Nam

Công việc triệu tập các đối tượng để đưa đi học tập cải tạo bắt đầu từ Tháng Năm, 1975. Đối với hạ sĩ quan, sau trình diện thì phải theo học một khóa chính trị ngắn rồi được cấp giấy chứng nhận để cho về. Đối với các cấp chỉ huy thì có lệnh trình diện bắt đầu từ ngày 13 đến 16 Tháng Sáu, 1975. Chiếu theo đó thì sĩ quan sẽ đi học tập 15 ngày trong khi các viên chức dân sự cùng những đảng viên các tổ chức chính trị của miền Nam thì thời gian học tập là một tháng. Người trình diện phải mang theo 21 kilôgam gạo làm lương thực trong đó có mọi ngành từ quận trưởng trở lên hoặc đối với các viên chức hành chánh là trưởng phòng trở lên. Các văn nghệ sĩ cũng phải ra trình diện.[10]

Theo Alain Wasmes, tác giả cuốn sách La peau du Pachyderme (Việt Nam tấm da voi), sau Sự kiện 30/4, Mặt trận giải phóng đã nắm trong tay toàn bộ tài liệu ở trung tâm đăng kiểm của Bộ chỉ huy Viện trợ quân sự Mỹ ở Việt Nam (MACV), do Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tan rã quá nhanh nên không kịp tiêu hủy tài liệu, mà theo như ông mô tả là "Trên một trong năm máy tính của trung tâm đăng kiểm Mỹ, toàn bộ quân đội Sài Gòn, từ tổng chỉ huy cho đến anh binh nhì, đều được chương trình hóa trong những phích đục lỗ với toàn bộ những chi tiết về lai lịch và chính trị cần thiết của họ. Thậm chí cả với lớp sắp tuyển, cũng có đầy đủ tất cả như thế.[cần dẫn nguồn] Trên thực tế, trong các báo cáo của sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, rất nhiều hành động có thể được coi là tội ác chiến tranh đã được ghi lại và báo cáo như là 1 "chiến tích" trong sự nghiệp chống cộng.

Nội dung trong trại

Tổng cộng có đến hơn 80 trại cải tạo phân bố trên toàn đất nước, nhất là những vùng biên thùy. Chương trình bắt đầu với 10 bài giảng với những đề tài:

  1. Tội ác của MỹViệt Nam Cộng hòa
  2. Lý thuyết Xã hội chủ nghĩa
  3. Chính sách khoan hồng của Đảng Cộng Sản Việt NamNhà nước Việt Nam [10]

Người bị giam phải viết bài lý lịch gọi là "bài tự khai" bắt đầu với bản "sơ yếu lý lịch",[11] tiếp theo là bài tự kiểm điểm và khai báo quá khứ: một tháng viết hai lần; mỗi bài khai dài khoảng 20 trang giấy viết tay. Viết xong thì có buổi tự khai báo tập thể để mọi người phê bình, khen chê. Ai khai nhiều thì được điểm là "tiến bộ".[7] Tùy theo cấp bậc hoặc thời gian phục vụ cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa mà những người này bị bắt học tập cải tạo theo thời gian thông thường từ vài ngày đến 10 năm. Có trường hợp thời gian cầm cố lên đến 33 năm.[12] Tuy nhiên cũng có rất nhiều người không bị đưa đi học tập cải tạo hoặc chỉ trong 1 thời gian ngắn. Đó là những người hoặc là hoạt động tình báo cho phía Mặt trận giải phóng, hoặc là người được coi là "không có tội ác với nhân dân", như trường hợp Tổng thống Dương Văn Minh và một số dân biểu khác.

Vì chính sách dùng lao động để cải tạo tư tưởng nên lao động sản xuất là trọng điểm. Nghị quyết 49 đề ra 8 giờ lao động sản xuất mỗi ngày. Mỗi tuần thì có hai buổi học tập chính trị. Chiều thì có "lớp văn hóa".[7] Những người trong trại học tập cải tạo phải lao động làm việc ở các công trường, trong các trại cải tạo, mà nhiều người mô tả lại là cực nhọc, một phần trong số đó đã bị chết do không chịu được cuộc sống khắc nghiệt trong trại cải tạo, ăn uống thiếu thốn. Công việc thông thường là chặt cây, trồng cây lương thực, đào giếng, và cả gỡ mìn gây ra thương vong.[7]

Lao động cải tạo còn áp dụng cho các công dân vi phạm pháp luật, vướng vào tệ nạn xã hội nói chung, đặc biệt là trong giai đoạn hơn mười năm sau Chiến tranh Việt Nam trở đi.

Số người đi học tập

Sau năm 1975 ở miền Nam có hơn 1.000.000 người thuộc diện phải ra trình diện. Theo Phạm Văn Đồng, con số người phải trải qua giam giữ sau này 30/4/1975 là hơn 200.000 trong tổng số 1 triệu người ra trình diện.[13] Tính đến năm 1980 thì chính phủ Việt Nam công nhận còn 26.000 người còn giam trong trại. Tuy nhiên một số quan sát viên ngoại quốc ước tính khoảng 100.000 đến 300.000 vẫn bị giam.[7] Ước tính của Hoa Kỳ cho rằng khoảng 165.000 người đã chết trong khi bị giam.[14]

Theo Aurora Foundation thì việc bị giam giữ dài hạn thường bị chuyển từ trại này sang trại khác có dụng ý ly gián để tù nhân không liên kết với nhau được và đường dây liên lạc với gia đình thêm khó khăn.[7]

Đời sống sau khi được thả

Nhiều người trở về sau thời gian học tập cải tạo được đưa về địa phương để làm việc và sinh sống trong tình trạng quản chế tại gia. Vì xếp là có lý lịch xấu nên sau khi được trả tự do, cuộc sống của nhiều người học tập cải tạo và gia đình họ gặp nhiều khó khăn do tình trạng phân biệt đối xử. Tuy nhiên, sự phân biệt đối xử này đã giảm dần theo thời gian. Trong những người đã bị đưa đi học tập cải tạo, đã có nhiều người được đưa đi định cư ở hải ngoại, theo các chương trình nhân đạo như Chương trình Ra đi có Trật tự, một thỏa thuận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ký năm 1989. Theo đó thì chính phủ Mỹ dành ưu tiên nhập cảnh cho những cựu quân nhân, viên chức của Việt Nam Cộng hòa giam từ ba năm trở lên.[15]

Theo chiều hướng bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cộng với các tác động tích cực của nhiều tổ chức của người Việt tại Hoa Kỳ về vấn đề tái định cư cho những người bị học tập cải tạo các chương trình sau đã và đang được tiến hành:

-Chương trình Ra đi có Trật tự (Orderly Departure Program - ODP) kết thúc vào tháng 9 năm 1994. Chương trình này bao gồm đoàn tụ gia đình, con lai và bao trùm cả chương trình H.R.

-Chương trình Tái định cư nhân đạo (Humanitarian Resettlement Program - HR)

-Chương trình Tái định cư nhân đạo mới (hay Chương trình H.O. mới) chỉ dành cho những người phải học tập cải tạo sau năm 1975, chưa có cơ hội nộp đơn qua chương trình ODP.

-Chương trình Tái định cư nhân đạo HR, cứu xét đơn năm 2005.

 ++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

Thơ Giồng Ông Tố: Ngồi xuống đây! tao đút cho mày

image065

thơ Giồng Ông Tố-GOT2|nhạc|trình bày mũxanhdzuylynh
( cho TPB /QLVNCH… kỷ niệm 60 năm ngày thành lập TQLC.VNCH )

Ngồi xuống đây tao đút mầy lần cuối

Để mai này biết có gặp nữa không
nợ trần gian nợ cơm áo chất chồng
Tao bương chải đời long đong vô định

Ngồi xuống đây giữa tâm tình người Lính
Đừng nghĩ gì những toan tính thế gian
Tao với mày từng vượt những gian nan
Đã sống chết – lầm than – và tủi nhục

Ngồi xuống đây tao đút mầy thêm chút
Cũng như mầy ngày xưa đút cơm tao
Giữa Cổ Thành tiếng quân dậy lao xao
Tao gục xuống và mầy lao ra cứu

Tao biết lắm mầy sống đời mãnh thú
Con hùm thiêng trong giây phút sa cơ
Thân phế nhân đành trôi nổi mịt mờ
Muốn sống lại thuở viễn mơ rừng núi

Thôi mầy ạ! Đời chúng mình gió bụi
Chết ngang tàng trong ngày tháng Tư Đen
Tao với mày chinh chiến đã thành quen
Thì tủi nhục cũng để rèn nhân cách

Vậy hãy sống ngẩng cao đầu trong sạch
Biết tử sinh thì nhận lấy cho hùng
Tao với mầy có dòng máu chảy chung
Thà đổ xuống không bao giờ khuất phục

San Jose,California.USA những hạt mưa đầu mùa Sept 25.2014.

 

06 Tháng Giêng 2019(Xem: 6490)
23 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 7252)
27 Tháng Mười Một 2018(Xem: 7238)
21 Tháng Mười 2018(Xem: 7823)
02 Tháng Tám 2018(Xem: 7359)
15 Tháng Bảy 2018(Xem: 7384)