Đào Như: "Cũng đành"

13 Tháng Giêng 201512:00 SA(Xem: 9578)
“NHẬT BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ TƯ 14 JAN 2015

Đào Như

 Anh hớt hãi bước vội vào văn phòng tôi từ thang máy, vừa hào hển thở, anh vừa nói:

- Anh làm ơn gọi giùm hãng của tôi là tôi cáo bệnh hôm nay. Gọi đi anh, kẻo trễ mất.

Anh vội vã đưa số điện thoại của hãng cho tôi. Khi nhìn số điện thọai, tôi thấy ngay đó là số điện thoại quen, của một tổ chức chuyên tìm công ăn việc làm cho những nguời không có khả năng Anh văn và chuyên môn, như làm lao công chùi nhà, chăm sóc các phòng vệ sinh trong các khách sạn, trong các cao ốc của các cơ quan chính quyền…Nhìn lại anh, anh vẫn hào hển thở. Anh thở nông và nhanh. Tim anh đập nhanh. Trông anh vật vã. Anh đang hoảng sợ. Anh cố nắm lấy tay tôi thật chặt, mặc dầu anh không còn đủ sức để nắm thật chắc như anh mong muốn.

 Anh thều thào:

- Bác sĩ cứu tôi một lần nữa đi. Tôi sắp chết. Chắc kỳ này tôi chết thật rồi.

Nhìn anh, tôi xót vô cùng! Anh là người bạn thân của tôi trong mấy năm nay, kể từ ngày anh đến Mỹ, trong chương trình H.O vào năm 1992.

 Tôi nắm lấy tay anh:

- Anh Định, anh an tâm. Anh cứ làm như những lần trước: hít vô thật sâu…thở ra thật lâu… Tôi đang bên cạnh anh đây. Anh đừng sợ. Cứ làm đi anh…

- Vâng, tôi đang làm đây… Sao nãy giờ mình quên khuấy đi mất.

- Anh yên lặng thở, hít vô thật sâu…thở ra thật lâu…Tiếp tục làm như vậy trong mươi, mười lăm phút là anh thấy khỏe ngay. Tôi vừa quan sát vừa nói như để đánh nhịp cho anh thở:

 …Hít vô thật sâu…thở ra thật lâu…Hít vô thật sâu…thở ra thật lâu… 

 Lúc đầu, anh có vẻ bối rối, khó điều khiển nhịp thở vì anh không mấy tự tin. Sau vài phút, nhờ tôi đánh nhịp, anh thở đều đặng nhịp nhàng hơn. Trong chừng 10 phút anh chủ động được nhịp thở, trông anh khỏe ra. Sau đó chừng năm mười phút tôi thấy anh cười, như mọi lần trước, nụ cười có vẻ bẽn lẽn, thú tội như anh vừa giả dối một điều gì.

Anh nói:

- Tôi thấy ấm lại rồi anh. Tôi nghe ấm nóng…và khoẻ.

Mồ hôi rịn ra từ sống mũi của anh, từ trán của anh, rồi cả mặt và cổ của anh. Trong bổng chốc cả thân thể của anh toàn là mồ hôi. Tôi bảo:

 - Vì người anh vừa được ấm nóng trở lại nhanh, và đang có nhiệt độ cao, cho nên nó gây ra phản ứng tự nhiên của cơ thể, xuất mồ hôi để bảo hòa nhiệt độ.

Nghe anh ho khúc khắc, tôi lấy áo coat của tôi đang mặc, phủ vội lên người anh:

- Thận trọng đấy anh! Cảm lạnh là khổ.

Anh có vẻ ngượng, anh bảo:

- Người tôi tòan mồ hôi thế này thì bẩn cả áo của anh mất.

Tôi cố tình đè nặng chiếc áo trên người anh như để thấm mồ hôi và che cho anh thêm ấm. Tôi nói đùa với anh:

- Nó có bẩn thì tôi giặt. Giặt lấy liền, tiệm giặt gần đây thôi.

Anh vừa cuối xuống nhìn mũi giầy, anh vừa nói:

- Bịnh gì như quỉ ám, như giả vờ. À mà 2 tháng rồi đó anh, mới có lại. Chứ cách đây mấy

năm, anh còn nhớ, hồi tôi mới gặp anh, tuần nào cũng có, ít nhất là 2 hoặc 3 lần, đôi lúc có ngày có cả 2 lần. Chết người thật. Phương pháp Thiền của anh hay thật.

Tôi cám ơn anh đã có lời khen tôi. Tôi cũng nhắc anh là phương pháp của tôi là Đông-Tây-đề-huề cho nên anh cũng đừng quên uống Alprozalem hàng ngày.

Chợt anh đứng dậy, như quên điều gì. Anh nhìn đồng hồ:

- Xin phép anh tôi phải đi làm gấp.

- Tôi đã gọi cáo bịnh cho anh rồi.

- Vẫn biết thế, nhưng tôi phải vào và xin lỗi nó và làm. Tuần vừa rồi tôi nghỉ hết một ngày bịnh. Kỳ này nghỉ nữa thì bất tiện lắm. Thằng manager mới là một thằng Mễ, nó cứ hâm he tìm cách đuổi người, để đưa người của nó vào. Rủi mà bị nó chiếu cố thì bỏ mẹ, mất job, không có bảo hiểm sức khỏe thì sống làm sao nổi? Như anh thấy đó sáng nay mà không có anh, đời tôi coi như đi Đức. Còn bà vợ ở nhà nữa, sức khỏe cứ en ét quanh năm suốt tháng, anh là bác sĩ anh biết đấy, sức khỏe và tâm thần của đàn bà ở thời kỳ mãn kinh.

Không biết cách nào hơn, tôi đành tiển anh đến cửa thang máy, chủ yếu là để theo dõi anh thêm vài phút. Hình như anh cũng cảm thấy điều ấy anh nói:

- Quen quá rồi anh. Anh an tâm tôi không sao.

Cách đây 45 phút tôi cố gắng trấn tỉnh anh. Bây giờ thì anh trấn tỉnh tôi. Khi anh bước vào bên trong thang máy, tôi chợt nhớ điều gì, tôi vội vàng hỏi vói theo anh:

- Vết thương ngực trái của anh, mấy năm nay nó vẫn ổn chớ?

Tôi nghe anh ấy trả lời sau khi cánh cửa thang máy vừa khép lại:

- Nó vẫn ổn đấy. Cám ơn anh.

 

Anh Định, nguyên là Trung tá quân lực Việt Nam Cộng Hòa, năm 1975 anh bị kẹt lại. Có lần anh nói :

- Hồi tháng 3/75, sau khi chúng tôi rút từ Cao nguyên về các tỉnh duyên hải, chúng tôi tập trung ở Tuy hòa, rồi về đến Nhatrang. Mỹ nó không bốc, đành chịu. Toàn bộ anh em bị kẹt lại. Chúng tôi biết lắm, ở lại với Cộng sản chỉ có từ máu đến nước mắt. Tôi đã từng nắm tiểu đoàn đánh với họ. Chết! Họ chết dữ lắm, họ cuồng tín, họ căm thù. Họ căm thù ta, có lạ không anh? Chúng ta đánh với họ vì bảo vệ mạng sống của chúng ta. Còn quân đội Bắc Việt đánh chúng ta là cố tiêu diệt chúng ta, cố giết chúng ta. Đối diện với họ trên mặt trận mới thấy cái dã man của Chuyên Chính Vô Sản nó dạy con người căm thù con người không một ý thức gì về dân tộc giống nòi. Đó là điều làm tôi ghê tởm chế độ Cộng sản.

 Anh Định và tôi biết nhau trong trường hợp rất đặc biệt. Năm 1992, lúc đó tôi đang làm việc cho chương trình học đường, cũng tại cơ quan này. Chủ yếu của chương trình là dạy thêm Anh ngữ cho các cháu tị nạn mới qua. Nhưng khi đi vào nhà trường thì thấy vấn đề khác hẳn. Nói đúng ra nó không phải là khác mà là nó bề bộn và nghiêm trọng hơn. Có nhiều vấn đề vượt cả văn hóa, giáo dục, nó thuộc về luân lý đạo đức và pháp luật. Tôi làm việc cả 3 trường cấp 3. Tôi đều có văn phòng và họp thư riêng tại mỗi trường. Lần đầu tiên tôi đến nhận việc ở trường gần sở, một cảnh tượng kinh dị xảy ra khiến bà giám thị đến gặp tôi trong lúc tôi đang hầu chuyện với ông hiệu trưởng.

- Xin lỗi ông hiệu trưởng, có phải ông này là ông cố vấn học đường người Việt không?

Ông hiệu trưởng nhìn bà giám thị một cách nghiêm nghị, ông ta ôn tồn đáp:

- Vâng ông ta vừa đến nhận việc, Bà Cleverton bà cần làm việc gì với ông ta không?

Bà giám thi nhìn tôi:

- Vậy xin mời ông đến khu hồ tắm.

Tôi liền đưa tay bắt tay ông hiệu trưởng và cám ơn thì giờ quí báu của ông. Tôi đi theo bà giám thị. Bà đi thật nhanh. Trông bà nóng như khối than hồng. Bà vừa đi bà vừa nói:

- Không thể tin được thằng bé Viêt Nam lai, thằng lai Việt Nam, thật khốn nạn! Nó hành động như thú vật, nó thú vật thật, nó là thú vật.

 Tôi liền nắm lấy tay bà và giữ bà thật chắc, và nói thẳng vào tai bà: 

 - Bà Cleverton, xin bà thận trọng, tôi thấy bà mất khôn ngoan rồi đấy…

 - Tôi muôn vàn xin lỗi ông. Chúng ta không có quyền gọi ai là thú vật. Tôi có thể bị nhà trường yêu cầu từ nhiệm nếu ông thưa tôi. Xin ông tha lỗi cho và cũng mong ông hiểu cho tôi vì tôi giận quá đâm ra mất trí…

 Chuyện đến đây thì chúng tôi cũng vừa vào khu hồ tắm. Bà Cleverton dùng ngón tay trỏ chỉ về một cậu Mỹ lai Việt da trắng.

- Nó đó! Nó tên là Bob. Ông có thể tưởng tượng cách đây 45 phút nó vừa vỗ đít một cô bé nữ sinh trong hồ tắm. Cô bé mặc đồ bikini, vừa ở dưới nước ngoi lên, đi ngang qua mặt nó, nó bảo là thơm quá và nó vỗ đít con bé. Trời! Hiện tượng chưa từng có trong trường này. Thật dã man quá. Xin ông mang nó về phòng và làm việc với nó. Bà thở ra mệt nhọc.

Bob là anh chàng Mỹ lai da trắng, tóc vàng, vóc dáng trung bình, không to con lắm, người trông có vẻ thanh tú nữa là khác. Gưong mặt anh phản phất buồn, trông hao hao như gương mặt James Dean. Đặc biệt đôi mắt vàng nâu của anh trông vừa lãng mạn tình tự, vừa hung bạo, giống cặp mắt tài tử màng bạc của Mỹ, Steve Mac Queen. Anh có dáng dấp một kẻ bất cần đời. Anh chắc chắn là một giọt máu rơi tuyệt vời. Cha của anh có thể là người lính chiến bất đắc chí, bị lôi vào quân đội từ sân trường đại học nào đó tại Mỹ. Dưới bộ quân phục đến Việt Nam, ông ta tìm cách lãng quên đời, trao thân gửi phận cho một ả giang hồ. Bob sinh ra đời trong nghịch cảnh như thế. Không ai muốn có Bob cả. Đối với bố mẹ anh, anh chỉ là tai nạn.

Tôi hỏi Bob:

- Anh đến Mỹ anh có cố gắng tìm ra tông tích của cha anh không?

- Có ai công nhận đâu mà tìm với kiếm. Cộng đồng Việt Nam, không công nhận tôi là người Việt, họ bảo tôi lai Mỹ, còn người Mỹ có bao giờ họ thừa nhận tụi này đâu, họ bảo tụi này lai Việt. Họ cho tới Mỹ là quí rồi. Còn bắt họ công nhận mình là người Mỹ thi chờ cho đến tết Maroc. Tôi đến Mỹ là tôi thương bà già tôi đi vậy chớ, tôi tới Mỹ tôi đâu có để ý tìm ổng. Ổng cũng có đời sống khác và chắc ổng cũng quên bà già tôi và tôi rồi. Thôi để ổng đi chỗ khác cho yên phận.

- Tôi nghe anh nói giọng Saigòn, làm tôi nhớ Sàigòn vô hạn.

- Có ai ở Sàigòn đâu mà nói giọng Sàigòn làm ông nhớ. Sinh ra được 3 tháng, ông già cuốn gói về Mỹ, bà già đem tôi về Lịch Hội Thượng giao cho bà ngoại nuôi. Bà già quầy quả trở lên Sàigòn lo làm ăn. Bà gửi tiền về nuôi cả nhà bà ngoại. Một năm, năm bảy tháng mới thấy bà về thăm tôi một lần

- Anh nói quê ngoại anh ở Lich Hội Thương, vậy mẹ anh là Tàu lai?

- Bà già tôi cha Tàu, mẹ Việt, nhưng bà không biết nói tiếng Tàu. Nghe nói mẹ tôi lớn hơn cha tôi năm sáu tuổi gì đó. Trước khi lấy cha tôi, bà có một đời chồng người Việt mình, có hai đứa con với ông ấy. Khi người Mỹ đến, bà bỏ ông chồng người Việt, bà lên Saigòn làm ‘cava’ rồi lấy cha tôi. Tôi cũng chỉ nghe Bà Ngoại tôi nói như vậy, chớ bà già tôi không bao giờ bà nói về bà cho tôi, bà cũng không nói về cha tôi.

- Trên giấy tờ thì năm nay anh 19 tuổi và học lớp 12?

- Đó là khai gian vậy chớ, tôi sanh năm 1970, năm nay tuổi thiệt của tôi là 21, 22 rồi. Cách đây 2 năm, hồi mới đến Mỹ, tôi tự ý khai nhỏ tuổi, để tiếp tục học, kiếm ít chữ nghĩa để sau này đi làm công nuôi bà già, nhưng coi bộ cũng mệt. Ở trong nước, nhờ Bà Ngoại cho cắp sách đến trường một hay hai năm gì đó để biết đọc biết viết tiếng Việt, rồi ở nhà, đi bụi đời. Đến Mỹ khai là 17 tuổi, họ cho ngồi ít nhất là lớp 10. Làm sao học nổi. Chán đời, bỏ trường, bê tha ngòai đường. Chơi thử cần sa, bị tụi nó gài hoài, rồi bực tức, đánh lộn, vào tù ra khám. Chắc “đời” không đi tới đâu, lảm bà già buồn tội nghiệp bà, một đời bà khổ cực vì tôi.

- Anh thương bà già anh?

- Ở đất nước người, ngó trước, ngó sau chỉ có hai mẹ con, không thương sao được, mà trên đời này có ai là người không thương mẹ. Khi tôi lên Đầm Sen ở Phú Lâm, để lo giấy tờ đi Mỹ, Mẹ tôi nhiều lúc muốn tôi đi Mỹ một mình, cho nên bà cho tôi tấm ảnh này. Sau đó, bà nói bà không thể nào sống mà không có tôi bên cạnh bà. Mà nói thiệt tôi không thể đi Mỹ một mình, vì làm sao tôi sống xa mẹ tôi được. Anh vừa nói vừa chìa tấm ảnh của mẹ anh cho tôi xem.

 Đó là tấm bán thân đen trắng, cỡ 4 x 6 cm. Tấm ảnh này đã chụp lâu lắm rồi. Người đàn bà trong tấm ảnh trẻ cỡ 28, 30, có đôi mắt và mái tóc đen huyền hoặc, mặc áo ngắn tay, hở ngực, cổ trần, da trắng, trông bà hao hao một nửa giống ca sĩ Khánh Ngọc, một nửa giống Liz Taylor. Lật sau tấm ảnh tôi thấy hàng chữ bà ghi: “Hên, ở đất nước người lúc nào con cũng ghi nhớ con là người Việt Nam, con là con của Mẹ”. Tôi vừa cầm tấm ảnh vừa đọc hàng chữ của mẹ anh ấy, vừa theo dõi anh. Thốt nhiên, Bob nói với tôi một cách trân trọng:

- Thưa Bác sĩ, câu đó chính tay mẹ con viết. Tên Việt Nam con là Hên.

- Anh có biết, nói chuyện với anh và đọc câu ghi chú của Mẹ anh trên tấm ảnh, làm cho tôi xúc động không?

- Thưa bác con biết chớ. Mà bác có biết bác là người duy nhất hồi giờ con nói chuyện nhiều, mà cũng là người duy nhất con đưa cho xem tấm ảnh của Mẹ con. Bác có biết con Sylvia con nhỏ mà con vỗ đít nó trông hồ tắm không? Nói thiệt nó cũng thích con “thấy mẹ”! Nó làm điệu làm bộ như vậy. Con cũng biết làm như vậy là coi không được, nhưng thấy nó cũng ngứa tay ngứa chân nên chọc đời cho tức một tí vậy thôi. Vỗ đít một đứa con gái có nhầm nhò gì, nhất là gái Mỹ…

Chỉ không đầy năm phút Bob đảo lộn tư tưởng của tôi về anh ta dữ dội, đầy mâu thuẩn trong con người ấy. Anh đúng là trái đắng của cuộc đời, một tâm hồn đầy giống tố và bão nổi. Anh là hậu quả của sự va chạm giữa Đông và Tây, giữa kẻ xâm lăng và người bảo vệ, của một cuộc chiến dai dẳng. Bob dù sao cũng đáng thương thật, cần được giúp đỡ. Anh ấy chỉ cần một điểm tựa vững chắc là có thể đứng dậy, đi thẳng người được.

 

Trong những buổi tư vấn sau đó, Bob cũng thổ lộ nhiều điều về cuộc sống khó khăn, về tương lai đen tối của anh:

- Bác sĩ nói tương lai tụi này đen tối hả? Tụi này đâu có tương lai mà nói tới tương lai tối với sáng. Nếu có được một tương lai, dù tương lai đen thui cũng là may, con cũng lạy ông Trời. Con mấy ông sĩ quan H.O. mới qua cũng vậy thôi, cũng lờ quờ như tụi con, cũng khó khăn, cũng ngơ ngác trong lớp học, cũng ngạc nhiên khi thấy mình lại đứng trước bảng đen. Thì bác thử nghĩ, Việt cộng vô hồi 75, lúc đó tụi nó có 7, 8, 9, 10 tuổi cỡ đó, cha tụi nó không là ngụy quân cũng ngụy quyền đi học tập mút mùa. Mẹ tụi nó cũng như mẹ con, chỉ biết nội trợ, có biết bán buôn gì đâu mà nuôi con cái. Cho nên sau 5, 6, 7, 8, 9, 10 năm hay lâu hơn nữa, cha đi tù cải tạo không thấy ngày về, ở nhà tiêu hết tài sản dành dụm được, con cái rời bỏ sách đèn, rời bỏ mái trường, kiếm sống. Nói chi những năm 80, kinh tế khó khăn, ăn độn cả nước. Ngay cả lũ con cái gia đình cách mạng cũng vậy, cha thì vác súng đi giải phóng Kampuchia, mẹ tụi nó cũng như mẹ tụi này, cũng phải ngồi bán thốc lá đầu đường xó chợ, kiếm sống qua ngày. Kẻ thì đợi chồng về từ lao tù cải tạo, người thì đợi chồng về từ chiến trường Kampuchia. Còn tất cả con cái, con cách mạng cũng như con ngụy, mới 12, 13, 14, 15 tuổi không phải chôm chỉa, thì cũng còm lưng trên chiếc bôm xe đạp mà độ nhật nuôi thân. Nghe nói trong những năm đó, ngay cả vợ của ông tướng gì ở ngòai Bắc, có tên Võ, Văn gì đó, cũng phải ngồi bán thuốc lá. Để giử thể diện cho chồng, bà ngồi bán thuốc lá cách nhà 5 hay 10 cây số, bà đội nón lá, ngồi bán bà cúi đầu xuống nhờ vành nón lá che mặt. Kỳ quá phải không bác. Mẹ con thì nói bà ấy phải, vợ của một vị tướng yêu nước, giấy rách bà cũng phải giữ lấy lề...Nói tới đây, ngừng một hồi, coi bộ anh cũng mệt, nhưng xem chừng anh còn muốn nói nữa, cho nên tôi cũng kính trọng không dám cắt dòng tư tưởng của anh, và tôi cũng biết đây là cơ hội hiếm có để cho anh được giải bày, và cũng để tôi tìm hiểu anh.

- Như bác biết, anh tiếp tục nói, các ông sĩ quan của mình, sau 8 năm, 10 năm, có người 12 năm đi tù cải tạo về. Họ già. Con cái đều lớn cả, học hành đứt đoạn từ lớp 5 lớp 6. Đùng một cái các ông ấy được đi Mỹ theo diện “ Từ thiện” H.O. Thật sự phỏng vấn cho diện “Từ thiện- H.O” từ khi con còn ở bên nhà, từ năm 1987 có thể sớm hơn nữa là khác mà mãi đến năm 1990- 92 những đợt đầu của diện ‘Từ thiện’- H.O mới đặt chân lên đất Mỹ, thì đủ biết Việt cộng họ cố tâm trì hoãn biết chừng nào, làm mấy thằng bạn con mới qua sau bị trễ tràng học hành sâu đậm hơn. Đến Mỹ tụi nó cũng khai gian tuổi nhỏ lại, để tiếp tục đến trường kiếm thêm một ít chữ nghĩa hòng sau này kiếm sống. Tụi nó, rồi cũng hố như con, cũng ngơ ngác trước bảng đen, cũng bỏ trường, cũng chán đời như con…Đừng nói chuyện thần-đồng với tiếng Mỹ. Tiếng Mỹ tại Mỹ khác với tiếng Mỹ tại Việt Nam trước 75. Học tiếng Mỹ để lấy Mỹ khác với học tiếng Mỹ để trở thành một công dân Mỹ, một công nhân viên chức của Mỹ. 

 Nói đến đây tôi thấy những điều nhận xét của Bob rất sâu sắc, mặc dầu anh nói với âm điệu giản đơn chân chất của người Nam. Trường đời đã dạy Bob những bài học nhiêu khê và cũng thực tiễn.

Chợt nhớ đến mẹ anh, tôi hỏi:

- Đến năm 1990 mẹ anh và anh được đi Mỹ theo diện “Con Lai Làm Lại Tổ Quốc”-Amerisian Repatriation- thường gọi tắt là diện “Con lai”. Thế thì những năm 80 đến 90 mẹ anh làm gì để sống?

Tôi thấy Bob khựng lại, trước khi trả lời. Anh có vẻ đâm chiêu khi tôi nhìn thẳng vào mắt anh.

Bob nói:

- Vợ của các ông sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa còn trong ngọc trắng ngần, gìn vàng giử ngọc cho chồng cho con, họ khinh thị sự dòm dỏ của máy ông Cách mạng, họ coi những ông cách mạng như cùi, như hủi. Mẹ con thì một thân đơn chiếc cũng như không có ai để bà nương tựa. Sau 75 mẹ con về Lịch Hội Thượng, không có một đồng xu dính túi. Mẹ con phải nuôi con. Lúc đó con mới có 6 tuổi. Mẹ con còn phải phụng dưỡng bà ngoại con. Mẹ con phụng dưỡng bà ngoại con một cách rất chu toàn. Mẹ con là một người đàn bà thực tế. Mặc dầu hơi lớn tuổi, cũng may, lúc ấy mẹ con vẫn còn nhan sắc. Lúc ấy các ông lớn Cách mạng họ phú quí, thành ra họ “đói” lắm rồi! Những năm 80 mẹ con lập quán cà phê ở Vĩnh châu, đắt như tôm tươi, dập dìu tài tử giai nhân, hội tụ đủ mọi anh hùng, mọi cấp bậc quân hàm, từ cán sơ đến cán cao. Bà xây sẳn mộ phần cho bà ngoại con. Mẹ con đóng sẳn một cái ‘hòm’ bằng gỗ sao, để sẳn trong nhà cho bà ngoại con thấy mà an dạ. Mẹ con cấm con không được lai vãng tới quán bà đang làm ăn. Tuyệt đối con luôn luôn sống với bà ngoại con. Đêm ngủ với bà ngoại, ngày đi chơi với bà ngoại, đôi khi giúp đỡ bà chăm sóc hai đứa con lai như con, một trai, một gái. Đúa gái lai Da Đen. Con không hiểu bà lượm tụi nó từ lúc nào, ở đâu? Có điều chắc chắn tụi nhỏ hơn con ít nhất là 3 tuổi. Bà ngoại con thường nhắc: khi gặp hai đứa nó mà tao nghĩ đến mày. Thấy bỏ rơi, bỏ rớt như vậy mà ứa nước mắt. Thôi thì nghèo, tao cho nghèo luôn, tao đem tụi nó về nuôi, để sau này tụi nó lớn lên với mày cho có đôi có bạn. Bà đặt tên một đứa là Bồ một đứa là Tát. Mẹ con sau này thường nhắc: vì thương con mà bà ngoại phải gồng gánh nhiều đến như vậy. Đôi khi cũng vì quá thương con, bà ngoại con nuông chiều con, thả con đi chơi chung với lũ con của mấy ông Cách mạng đôi ba ngày. Những lúc đó nghe tụi nó kể chuyện làm ăn của mẹ con, con nghe mà đau lòng. Bác biết, vì quán xá mà mẹ con phải làm ăn với mấy ông cách mạng vào những năm 80, mẹ con đã phải phá thai 3, 4 lần!

 Tôi bất giác nói:

- Cuộc đời anh, lúc nào cũng đối diện với đất đen, bùn nhơ, nghe toàn chuyện hẩm!

- Bác nói sao? Chuyện hẩm hay chuyện bẩn? Không có chuyện nào mà dính tới tiền, tới sex, tới chất tủy của đời là chuyện hẩm hay chuyện bẩn cả. Nội chuyện lo cho thằng Bồ và con Tát đi Mỹ theo diên con lai, năm 1986, mẹ con phải chè chén, ăn nằm với các ông công an vòng ngoài, vòng trong, với phái đoàn thông dịch, trong gần 2 năm, hai đứa nó mới đi được, mẹ con đã phải một lần phá thai. Lòng thương người của mẹ con vô hạn. Tòan chuyện con cái của ai đâu, mẹ con cũng ngữa lòng mà chịu. Cũng vì chuyện đó mà bà ngoại con sau này đau lòng sanh bịnh mà chết, cũng một phần vì thương nhớ hai đứa nhỏ. Bà ngoại con chết năm 1989, mẹ con và con mới bỏ nước ra đi, chớ ngoại con còn sống thì đời nào mẹ con và con phải mò đến cái đất nước này. Nếu nói con người sống, phải sống với một tấm lòng, thì có thể nói cả nước Mỹ này làm sao có thể tìm ra được một bà già như bà ngoại con. Bà có trái tim Bồ Tát. Bác thấy đó, mấy bà già người Việt mình…vĩ đại! Sau câu nói ấy, Bob khóc như một trẻ thơ. Tôi ân cần nắm lất tay anh, và hẹn gặp anh ngày mai khi tôi xuống đến các lớp để tìm hiểu thực tế.

 

 Được giới thiệu từ văn phòng hành chánh của trường, tôi đi xuống các lớp. Lúc ấy, trường này có vào khoảng 150 học sinh Việt Nam, có hai thầy, hai cô người Việt. Sau vụ hè vừa rồi nhà trường đuổi mất một ông. Cũng tại thằng Bob. Ông đó là ông giáo trẻ, dê một cô nữ sinh, dĩ nhiên là nữ sinh Việt Nam, học trò của ông, mà cũng quen với Bob, chỉ quen vậy thôi, bạn cùng lớp cùng trường. Khi cô ấy được ông giáo chiếu cô, gọi lên bảng để giải bài tóan. Cô bé lính quýnh không biết chỗ nào đứng hay ngồi cho tiện, ông giáo thấy vậy, bèn kéo cô ngồi trên đùi ông. Cô bé la hoảng lên. Chỉ có vậy mà thằng Bob cũng nổi nóng, nhào lên đánh ông giáo hai bạt tai, và chửi ông ta là quân khốn nạn. Đó là nguyên văn bà Cleverton kể cho tôi nghe, và bà nói:

- Thằng Bob như vậy nó cũng hơi quá phải không? Mấy ông bà giáo người Việt nói với tôi như vậy, cho nên tôi đuổi nó ra khỏi trường, cấm tuyệt đối nó không được đến trường suốt trong ba tháng hè! Lúc đó là cuối niên học. Còn chuyện ông giáo nghỉ việc, nhất là ông giáo là Boat People, đến Mỹ năm 1978, ông ta có chế độ bao cấp, chính quyền thành phố giới thiệu vào dạy ở trường này thì không ai dám đuổi đâu. Ông ấy nghỉ việc là tự ông ấy xin nghỉ… Và bà nói trong giọng nhỏ lại:

- Ông ấy có job tốt hơn. Lương thầy giáo đói lắm…

Tôi đến lớp thầy Đông. Tôi với thầy Đông có quen nhau. Cũng sơ thôi. Ông ta gặp tôi, thật tình mà nói ông ta cũng mừng. Ông đưa tôi vào lớp và giới thiệu với học trò: 

- Nghe đây! Ông Bác sĩ này cũng có con lớn như tụi bây. Tao nói cho tụi bây biết, ông ấy đến đây mỗi tuần nửa giờ tại lớp này, để nói về…Xem chừng ông giáo quên, độ ấy ông có vẻ lẫn. Tôi

liền đỡ lời ông:

- Tôi được phép đến đây để nói với các anh chị về những tai hại của xì ke ma túy cũng như của sex và những chứng bịnh do nó gây ra. Và nếu có thể tôi sẽ nói về đạo đức và xã hội.

Tôi nghe tiếng của một nữ sinh:

- Cha! Coi bộ hơi nhiều…

Rồi cô đứng phắt dậy, nắm chiếc ghế cô đang ngồi, quay đúng 180 độ. Cô ngồi chàng hảng kẹp cái ghế giữa hai đùi, đặt cầm lên chỗ tựa lưng của ghế, mắt lém lỉnh nhìn tôi, cô dõng dạc hỏi:

- Ông có chơi chưa mà ông nói về các thứ đó?

Cả lớp cười ồ lên. Tôi cũng cười theo. Tôi cố tình cười lớn hơn và lâu hơn họ. Có vài cặp mắt xoe tròn nhìn tôi.

Tôi nói:

- Dĩ nhiên trước khi đến nói chuyện với các anh chị, tôi cũng phải kinh qua một khóa học tập, tôi phải biết thế nào là bạch phiến, thế nào là cần sa, thế nào là ma túy…

- Ông có biết, hiện giờ giá chợ đen bao nhiêu một gram cocaine không?

- Vào khoảng 200 đô la.

Câu trả lời như một phản xạ, làm cô bé cụt hứng, cô bé la lớn

- Alphonso, có phải đúng như vậy không mày?

Có ai trả lời ở cuối lớp;

- Đ.m. hỏi bá vơ không!

Cả lớp cùng cười. Lần này tôi không cười theo họ, và cũng chẳng buồn để ý ai là kẻ vừa trả lời câu hỏi của cô bé. Cái sắc thái của lớp học đang lôi cuốn tôi một cách mãnh liệt. Bob đang ngồi cuối lớp. Chung quanh anh có một số học sinh trông họ không mấy gì vui nếu không muốn nói các cháu đó trông có vẻ lạc lõng, yên lặng, ít cười, thường nhìn những đám mây bay ngòai cửa sổ. Họ không hề tham gia hay góp ý gì lúc tôi nói chuyện. Ông giáo Đông hình như vừa bắt được ý nghĩ của tôi, ông vừa nói với tôi vừa hất hàm về phía các cậu ấy:

- Tụi đó là con của đám sĩ quan H.O. mới qua. 

Trong nhóm chung quanh Bob có anh chàng nhỏ con, có đôi mắt sáng, linh hoạt và cậu ấy có cái nhìn đặc biệt. Cậu ấy không nói, nhưng cái nhìn của cậu ấy thay thế hơn ngàn lời nói. Sau câu nói của thầy Đông tôi nghe anh ấy ‘chíp’ miệng, và anh nhìn thầy Đông bằng cái nhìn của anh làm tôi giật mình. Còn ông giáo Đông thì ông cóc cần, cái job dạy học của ông vững như bàn thạch. Ông là ‘công thần giáo dục’! Ông dạy trường này từ năm 1975…

 Ông giáo thường hay than phiền với tôi:

- Hồi 75, các trường ốc ở Mỹ, nhất là các vùng như vùng này, được nhận con em người Việt vào học, họ mừng lắm. Lúc đó học sinh Việt Nam là những đứa trẻ thông minh, có giáo dục luôn luôn dẫn đầu lớp, nâng cao trình độ của lớp của trường thấy rõ. Hồi đó họ quí học trò Việt Nam lắm. Bây giờ thì thôi!...Họ sợ, toàn là con thuyền chài không. Dốt nát lắm, phá phách lắm… Nhất là các đợt đến sau này vào những năm 78, 79, 80…

 Nói đến đây ông giáo ngừng lại, nhìn tôi một chập. Tôi đoán ông cũng thừa biết gia đình tôi đến Mỹ vào năm 79, 80.. Đợt của thuyền chài. Hồi ấy Sở Di Trú và Bộ Ngoại Giao Mỹ gọi chúng tôi là Boat People, nghĩa là những người trốn bỏ chủ nghĩa Cộng sản vượt biên bằng đường biển bằng tàu bè, thử thách và chấp nhận mọi hiểm nghèo. Phải nói tử Boat People có nhiều gợi ý rất đẹp, nhưng không hiểu vì dụng ý gì mà một nhóm người Việt đã suy diễn nó ra tiếng Việt là “Dân Thuyền Chài Tị Nạn”.

 Ông giáo Đông nói tiếp:

- Những năm về sau này, cùng lượt với lũ con lai, tụi này nhà trường khiếp sợ, xì ke, ma túy, đánh lộn, găng, băng đảng, mới qua mà thành lập đảng “Cửa Sổ Đen”. Nghe nói các nhóm này mang tước hiệu từ các trại tị nạn nổi danh hung bạo: Lâm Sỉn, Songkhla, Paulapidong, Phi luật Tân….Còn những đợt 1991- 92 toàn là con lai và con cháu nhóm sĩ quan H.O. Thấy đó! Hết thuốc chữa!

 Tôi thấy nhận định của ông Giáo Đông cũng có phần đúng, nhưng các cháu bị hàm oan cũng nhiều. Với lại khi xét xử con em chúng ta, chúng ta hãy xét xử xã hội vây hãm và gây những ảnh hưởng tai haị và xấu xa cho con em chúng ta. Nhưng tôi biết bây giờ không phải lúc, và cũng không còn là thời điểm thuận lợi để cho tôi kêu gọi sự phán xét công bằng cho các học sinh tị nạn ở các lớp sau này nữa. Tôi chỉ góp ý là thưa với ông giáo Đông, các cháu qua 75, các cháu và gia đình được sửa soạn trước. Các cháu ấy được diễm phúc rất lớn là được sứ quán tâm của nhiều chính phủ và các tòa Đại sứ. Còn con cháu chúng tôi đến sau, vào những năm 78, 79, 80... hay sau đó thì các cháu thiếu chuẩn bị. Các cháu rời bỏ tổ quốc ra đi trong khi cả nước ăn độn, làm sao các cháu ra đi một cách thỏai mái được…

 Tôi nhìn xuống cúi lớp, chợt nghĩ đến điều gì, tôi vụt miệng hỏi:

- Trong các anh chị có anh nào tên Trung?

Chính cậu nhỏ con ấy, dơ tay và đứng lên:

- Thưa Bác sĩ con tên Trung

- Anh là con ông Định?

- Vâng Cha con, Trung Tá Định.

- Hai giờ chiều mai tôi muốn gặp anh tại vân phòng tôi. Văn phòng tại cơ quan của tôi, chứ không phải văn phòng tại trường này.

- Thưa Bác sĩ cha con có ý muốn con đến gặp bác sĩ vào ngày thứ năm, vì buổi sáng thứ năm con không có lớp. Thưa bác sĩ, như vậy được không ạ

- Được, vậy gặp anh lúc 9 giờ sáng tại cơ quan tôi.

 Trong lúc tôi trao đổi với Trung, ông giáo Đông bước ra ngòai, học trò trong lớp thì im lặng. Có một vài gương mặt có vẻ vừa ngạc nhiên vừa thích thú. Có lẽ lâu quá từ ngày theo chân cha mẹ lưu lạc đến giờ các cháu không hề được nghe cuộc đối thoại mẫu mực và nghiêm túc như vậy. Các cháu thương nghe nói “tao nói cho tụi bay biết ” nhiều hơn. Tôi cảm thấy xót xa cho con em chúng tôi vô hạn. Là cha mẹ, trên bước đường lưu vong, chúng tôi thường xao lãng, không gần gũi với con em chúng tôi trong việc học hành, vì mãi lo vật lộn với cuộc sống, sợ mất job hơn là sợ mất con.

 

Cách đó ba hôm, tôi đang ngồi làm việc tại cơ quan, anh Định gọi điện thoại cho tôi:

- Alô! Alô! Bác sĩ Thể đó phải không? Alo, thưa có phải bác sĩ Thể đó không?

- Vâng, thưa ông.

- Bác sĩ. Tôi là Định. Tôi vừa đến Mỹ theo diên sĩ quan H.O.

- Thưa anh, anh là sĩ quan H.O. thuộc đợt máy, sao anh qua được sớm vậy?

- Thưa sĩ quan H.O.2. Sở dĩ tôi gọi bác sĩ là tôi có chuyên này: Tôi đến Mỹ với cả gia đình. Vợ chồng tôi mang theo 4 cháu, hai trai hai gái. Hai cháu gái lớn cả rồi và gần thành gia thất, tôi chỉ còn kẹt hai cháu trai còn nhỏ. Tôi không thông thạo hệ thống học đường ở đây. Tôi nghe nhiều người nói bác sĩ là người am tường về hệ thống giáo dục tại Mỹ. Tôi cũng nghe nói bác sĩ trong những năm qua đã chỉ dạy, giúp đỡ một số con em của đồng bào tị nạn, nhờ thế các cháu ấy vào được những Đại học tốt tại Mỹ. Nói thật với bác sĩ qua 10 năm đi tù cải tạo của Cộng sản, bây giờ đến Mỹ, kiệt quệ rồi. Chán nản quá rồi. Tôi giao trọn hai đứa nhỏ cho bác sĩ, hư nên gì chúng tôi cũng nhớ ơn bác sĩ.

 Trong khi nói chuyện điện thoại với anh, tôi nghe có tiếng đàn bà thở dài thườn thượt… Anh vụt nói tiếp:

- À! Bác sĩ, bà nhà tôi biết bác sĩ. Năm 72 bác sĩ mổ bướu cổ cho bà nhạc tôi tại bịnh viện Thủ Khoa Nghĩa, Cần thơ.

- Anh Định, anh nói giọng Bắc. Anh là người Bắc cưới vợ Nam?

- Vâng, bà nhà tôi là nữ sinh Trường Đoàn Thị Điểm, Cần thơ. Tôi là dân Albert Sarraut, di cư vào Nam 1975, tôi tiếp tục học ở Chu Văn An Sàigòn.

- Anh Định, anh chị cứ cho hai cháu đến gặp tôi. Anh chị tin đi. Không tệ lắm đâu. À, mà này, xin anh cho tôi được phép hôm nào đến thăm anh chị và các cháu.

 Tôi nghe có tiếng ai chép miệng và thở dài. Ngừng một đổi lâu, anh Định nói:

- Chắc hai cháu, Trung và thằng em nó, thế nào cũng đến chào bác sĩ. Lúc đó tôi sẽ cho bác sĩ biết hôm nào thuận tiện mời bác sĩ đến thăm chơi. Hiện tại hai cháu đang học tại trường thầy Đông đó bác sĩ… Xin chào bác sĩ.

 Tôi thấy có gì thiếu sót ở tôi. Tôi cảm thấy mình thiếu tế nhị khi xin phép được đến thăm nhà của một người ti nạn vừa mới đến Mỹ. Ngày xưa tôi cũng vậy, tôi không muốn ai đến thăm nhà tôi, nhìn thấy cảnh bần cùng của gia đình tôi khi vừa đặt chân lên đất Mỹ.

 

Đúng 9:00 giờ sáng ngày thứ năm, hai anh em Trung và Hùng đến gặp tôi. Trung lễ mễ mang hai chai rượu vang đến:

- Thưa Bác sĩ, Cha mẹ con xin biếu bác sĩ hai chai rượu vang nhân dịp các con đến chào bác sĩ, và xin bác sĩ nhận hai con như con của bác sĩ.

- Tôi vô cùng cảm ơn ba mẹ của hai anh, và cảm ơn hai anh. Hai anh biết đấy, lễ vật hay quà biếu vẫn là tục lệ xưa và nay khi còn ở trong nước, không ngờ trong cái xắc tay trên bước đường lưu vong cha mẹ anh vẫn còn mang theo tục lệ ấy.

 Sau đó hai cháu trình bày về quá khứ học hành của mình ở trong nước và mấy tháng vừa qua tại Mỹ. Các cháu khác hẳn các cháu trước đã từng qua khóa dạy tại lóp này, nhất là những nhận định rất thực tế của Trung:

- Cha con vào phỏng vấn chương trình H.O. vào năm 1989. Thú thật cha con không mấy nhiệt tình khi đăng ký đi chương trình H.O. Chính cái nghĩa của chữ ‘Humanitarian Operation - Chiến dịch Từ Thiện’ mà làm cha con cảm thấy xốn xan. Mẹ con thì bảo phải đi, nếu đi vì cho mình thì mình còn gạn đục khơi trong, còn đi là vì con thì phải đi ngay thôi. Trễ lắm rồi làm sao cho các con theo kịp được chương trình học hành xứ người.

 Khi cha con vào phỏng vấn chương trình H.O. năm 1989, nhà trường biết ngay. Lúc đó con học cuối năm lớp 10. Con là học sinh giỏi cửa trường. Con vẫn được thầy thương bạn mến như bấy lâu nay, mặc dầu nhà trường và ai cũng biết cha con là sĩ quan của chế độ cũ, đang đi học tập cải tạo tại miền Bắc. Nhưng khi biết cha con sửa soạn đi Mỹ theo chuong trình H.O. thì thái độ nhà trường đối với tụi con như một đường vạch rõ nét. Họ yêu cầu các con nghỉ để chuẩn bị đi Mỹ với gia đình. Nhưng họ chỉ yêu cầu bằng miệng, không có văn thư chính thức. Các thầy, các cô giáo cũng nói xa nói gần đó chỉ là những yêu cầu chớ chẳng phải là những sắc luật hay nghị quyết chi cho rõ ràng. Tiếp thu từ những ý kiến đó, hai con cứ tiếp tục ngồi lì. Hai đứa con được ngồi lì lâu năm như vậy, thực ra cũng là nhờ các thầy và các cô. Con là nguời học trò giỏi, luôn luôn dẫn đầu lớp: Toán, Việt văn, và Nga Văn. Các thầy và các cô không ai muốn tụi con gián đoạn học hành. Khi gần hết lớp 12, cuối năm 1991, gia đình con có giấy lên đường đi Mỹ, có ngày giờ và số chuyến bay, lúc đó tụi con nhận đuợc văn thư chính thức của nhà trường yêu cầu nghỉ học để chuẩn bị xuất cảnh với gia đình.

- Hai anh cho tôi biết cảm tưởng của hai anh, khi vào học trường Mỹ trong 3 tháng qua, và dự tính các anh sẽ học những gì, và nhất là Trung, năm tới vào Đại học, anh có những dự định gi? Kế hoạch học hành của anh từ nay đến cuối năm như thế nào?...Tôi chủ yếu là hỏi Trung, nhưng Hùng vụt trả lời:

- Học trò Việt ở Mỹ học như hạch. Cha mẹ tụi nó qua lâu, có đứa cha mẹ qua hồi 75, mà giờ này tụi nó vẫn chui đầu vào mấy cái trường tệ hại này học chung với tụi thiểu số, cũng lạ. Các thầy giáo, các cô giáo Việt không có khả năng gì về sư phạm, nói chuyện với học trò còn hơn công an nói chuyện với tội phạm: “tao nói cho tụi mày biết”. Còn cô giáo nghe nói ở trong nước dạy lớp một lớp hai, qua đây hồi 75 làm công việc lặt vặt ở các hội hè nào đó, rồi cũng được bao cáp vào dạy cấp 3, nói chuyện với học trò như rỗi rao cá, chửi mắng học trò như con sen như đứa ở. Nhà trường họ biết hết, họ không thèm nói. Họ kỳ thị ‘sống chết mặc bây’. Ngay cả có ông giáo Việt dê học trò, dĩ nhiên là học trò Việt, chớ đụng đến tụi Mỹ trắng, tụi Mễ hay tụi Đen nhà trường cạo đầu ngay. Rủi cho ông ta, bị tụi Mỹ lai nổi máu anh hùng nó đánh cho vỡ mặt. Vì có dính dáng tới tụi Mỹ lai, nhà trường kín đáo yêu cầu ông ta nghỉ việc. Mặt ông ấy lại cứ vênh váo lên và cứ bảo là tự ý xin nghỉ vì có job tốt hơn. Vô liêm sĩ thật.

 Nói đến đây, vừa thoáng thấy Trung nhìn, biết ý anh mình, Hùng đi đến kết luận:

- Con ráng học hết năm nay, và năm tới nữa. Xong lớp 12, con đăng ký vào Westpoint, đi đánh giặc cho đã đời, gươm đàn nữa gánh.

 Nhìn vóc dáng nhỏ thó của anh ấy mà có tham vọng làm Napoleon của Mỹ, tôi bật cười:

- Tôi rất cảm động khị nghe anh nói anh có ý hiến cho nước Mỹ thân hình một thước năm mươi của anh, với một khối thịt xương không đầy 45 kí, không hiểu với chừng ấy số lượng thịt xương, anh có đủ thỏa mãn tiêu chuẩn yêu cầu của trường Westpoint? Tôi chúc anh toại nguyện. 

 Hùng rất tự nhiên, sau khi nghe tôi nói anh ngã ngửa người ra, cười một cách thoải mái. Lúc ấy, Trung vừa nhìn tôi vừa nói:

- Cách đây 3 tuần, bạn của ba con là Trung tá Hải, qua Mỹ hồi 75, ông và gia đình ở ngọai ô. Bác Hải đưa xe đến rước ba mẹ con và hai con, đến chơi nhà ông ta ở Buffalo Grove. Con bác Hải cũng học một cỡ với tụi con. Nhân dịp này, con bác Hải đưa tụi con đi thăm trường cấp 3 của họ ở Buffalo Grove. Phải nói cả một cơ ngơi giáo dục đồ sộ. Mọi thứ đều nề nếp và kỷ luật nghiêm túc. Tụi nó bảo thầy giáo và học trò ở đây phần nhiều là người Do thái và người Da Trắng. Dĩ nhiên cũng có một vài người da đen để chiếu lệ. Con cũng thấy danh sách học sinh xuất sắc hàng tháng, hàng tam cá nguyệt. Cũng có danh sách các cô giáo, các thầy giáo xuất sắc hàng tháng. Học sinh tự ý ghi tên mình vào một đội chuyện môn: Đội Toán, Vật Lý, Xã hội, Bóng Rổ, Bóng chuyền, Bóng đá, Quần vợt, Footbal….Có một đội đặc biệt và lý thú …đó là Đội Biện Luận, Debate Team. Con thấy thằng Sơn con bác Hải, tháng vừa rồi nó là cá nhân xuất sắc của đội đó! Nó cũng được trường nhìn nhận là cá nhân xuất sắc trong năm về bộ môn Debate này! Nó bảo với con cách đó một tháng, nó vác đội Debate của trường nó đi đấu võ mồm với ba trường khác, trường nó thắng to, nó là trưởng toán, nó được cá nhân xuất sắc.

- Con Trung tá Hải tiếp xúc với các anh họ vui vẻ chứ?

Trung trả lời :

 - Con bác Hải rất tử tế và nghiêm túc.

Hùng liền cướp lời anh:

- Họ không có lý do gì mà họ không tử tế đối với tụi con cả. Họ hơn tụi con là 75 cha họ ở Sàigòn chạy được. Còn cha con lúc đó đang đánh với Việt cộng tại Buôn-mê-thuộc…

Một lần nữa, Trung nhìn Hùng với cái nhìn của người anh hiểu được tánh háo thắng của thằng em mình. Trung nói:

- Gia đình bác Hải xưa kia ở Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa với ba mẹ con trước 75, Sơn con bác Hải có học chung tiểu học với con. Chính Sơn nhắc điều đó. Phải nói Bác Hải là người quân nhân yêu nước. Năm 75 Bác chọn lựa con đường bác đi không phải cho Bác, như bác nói với cha con: ‘Toi’ biết đấy, lúc đó thời tụi mình hết rồi. Bỏ tổ quốc ra đi hồi 75, là sự chọn lựa cho con, vì tương lai của con. Ở lại với Cộng Sản, ‘moi’ không sợ biển máu, nhưng ‘moi’ rất sợ Giai Cấp Đấu Tranh của Chuyên Chính Vô Sản ”… Đám con bác Hải 4 người. Tất cả đến Mỹ dưới 10 tuổi, đều ở ngoại ô lúc mới đến từ 75, bây giờ họ vẫn nói tiếng Việt trôi chảy, vẫn giử truyền thống giống nòi, họ không hề thay tên đổi họ. Họ tiếp thu tư tưởng yêu nước của người Cha một cách sâu sắc. Họ cũng thường về thăm nước: Sàigòn, Huế, Dalạt…Nói đến đây Trung có chiều suy nghĩ, ngừng một chập anh nói:

- Lúc đến nhà bác Hải thì vui lắm, mở mắt cho tụi con thấy hệ thống giáo dục của Mỹ cừ khôi lắm. Học sinh của Mỹ giỏi đủ mọi môn. Tại trường mỗi học sinh ngồi đối diện một cái Computer từ tiểu học. Khi tốt nghiệp Trung học, mọi học sinh biết sử dụng computer một cách thông thạo. Giáo dục tại Mỹ là sự đầu tư lớn của Chính phủ Mỹ cho tương lai của nước Mỹ. Nếu có ai vì quá nhiệt tình với Mỹ mà bảo rằng đó cũng là sự đầu tư của Mỹ cho tương lai của cả thế giới. Con nghĩ câu nói ấy, không đến nỗi nói ngoa...Nhưng khi về nhà cha con buồn. Mẹ con công nhận cảm tình của bác Hải đối với ba con không suy sụp, tình chiến hữu lúc nào cũng cao quí. Nhưng mẹ con than phiền bà Quỳnh, vợ bác Hải, tiếp đãi mẹ con có phần lạnh nhạt. Mẹ con bảo: “Cũng tại ông mê đánh giặc, tận trung báo quốc, ở tù cộng sản cho đã, rồi mới tới Mỹ. Đến Mỹ chậm chân hơn người ta, nghèo khó quá mà, cho nên người ta mới lạnh nhạt khi dễ tôi như vậy! Chớ ‘con’ Quỳnh nó có hơn tôi cái gì đâu? Nó chỉ hơn tôi là ở chỗ chồng nó khôn hơn chồng tôi…”! Rồi mẹ con khóc. Ba con im lặng. Theo sự nhận xét của con, bác Quỳnh cũng rất tế nhị, bà sợ mẹ con hiểu lầm, cho nên bà cũng thận trọng lắm. Bác Quỳnh rất ân cần với mẹ con, ‘một điều thưa chị hai điều xưng em’. Có lẽ tại mẹ con thương tụi con quá đó thôi. Vì trên đường về ngồi trên xe thằng Hùng em con nó cứ than phiền là đến Mỹ sau người ta hơn cả chục năm, phải ngồi học ở cái trường, thầy chẳng ra thầy, trò chẳng ra trò, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi! …Và hơn nữa đàn bà với đàn bà không phải là đôn giản. Con thấy mấy tuần rồi cha con ngồi một mình, suy nghĩ và hút thuốc lá hơi nhiều, con cố gần gũi ba con, ba con hay gắt gỏng. Nói đến đây, mắt Trung hơi buồn, anh ấy cúi mặt nhìn mũi giầy. Tôi liền đưa ra chương trình để giúp Trung và Hùng học thêm Anh ngữ:

 - Tôi cũng nói thật với hai anh là cả hai anh đều có thể thi đậu lớp 12, ngay cả cuộc thi mở ngay ngày mai. Nhưng các anh cũng biết, xong lớp 12 học sinh ở Mỹ ai thi cũng đậu. Nhưng có nhiều loại, trình độ khác nhau: A,B,C,D...Bây giờ tôi giúp hai anh học Anh ngữ và luyện thi ACT và SAT. Phần Anh ngữ hai anh học với tôi mỗi tuần hai buổi. Phần dạy kèm cho hai anh thi SAT và ACT ở đây tôi có một số sinh viên đại học Northwestwern, Loyola, DePaul tình nguyện dạy cho tất cả học sinh của tôi tai đây. Như vậy tuần sau chúng ta bắt đầu.

 Sau đó tôi đưa hai anh ấy đi thăm các phòng thính thị Anh ngữ mà riêng tôi dùng để dạy anh ngữ trong mấy năm qua cho các học sinh Việt, Miên, Lào và Trung Hoa mới qua Mỹ. Hai anh thích thú khi thấy cơ sở dạy Anh ngữ của tôi!... Hai anh chào tôi ra về. Ra đến cửa, Trung ngỏ lời cám ơn tôi còn Hùng thì bảo được nói chuyện với tôi thật bổ ích, và anh ấy cảm thấy rất thích thú. Chợt Trung nói:

- Thưa bác sĩ, hôm nay thứ năm 28 Tây, ba mẹ con xin mời bác sĩ đến nhà con vào ngày thứ sáu, 28 tây tháng tới lúc 3 giờ chiều.

- Cám ơn anh, về thưa với ba mẹ là tôi sẽ đến .

 Sau khi đưa Trung và Hùng về tôi rất ngạc nhiên cái hẹn của anh Đinh: Cái hẹn một tháng, lúc 3 giờ chiều ngày thứ sáu. Một cái hẹn rất tiêu cực, hình như có ý bảo mình đừng đến. Nhưng tôi lại nghĩ nếu quả thật như vậy thì việc đến thăm anh định là điều cần thiết cho tôi phải đến. Tôi sực nhớ câu Trung nói: “Rồi mẹ con khóc! Ba con im lặng…Ba con nhiều lúc ngồi hút thuốc lá và suy nghĩ một mình! ”. Tôi vụt đứng dậy đến soi mặt mình trong kiến cố tìm lại nét mặt thiểu não của tôi 12 năm về trước, khi mới đến Mỹ, biết bao là oan khiên vây bủa. Từ sự phản trắc của người thân thương, đến sự phụ bạc của người đời, nguy hiểm hơn nữa là sự chụp mũ của bọn đâm thuê chém mướn, bọn Vietnam mafia.

 

 Tôi đến thăm anh Định lúc 3 giờ chiều, vào đúng ngày giờ đã hẹn. Trước đó ba hôm tôi có nhắc với Trung và Hùng sau buổi học anh ngữ với tôi. Tôi cũng nhắc qua loa thôi. Sợ anh chị hiểu lầm là mình quan trọng hóa việc đến thăm của mình. Tôi cầm theo hai chai rượu vang mà anh chị ấy cho cách đây một tháng. Không phải đem trả lại, mà đem theo với dự ý để khui cùng uống với anh chị trong dịp gặp nhau lần đầu.

 Nếu ông nhà văn nào cao hứng muốn miêu tả một buổi chiều mùa đông, cuối năm ảm đạm và thê lương, thì xin mời về đây, tại vùng Uptown–Chicago này. Đi dưới buốt lạnh do gió mang về từ Bắc cực, sau khi qua muôn trùng không gian tê tái, về đây tuyết bay muôn phuơng, giăng giăng khắp bầu trời. Những hạt tuyết lạnh, khô như cát quất vào mặt ta tê buốt. Mặt đường tuyết đóng thành băng, sáng loáng như gương, gian dối, trơn trượt, nguy hiểm, giết người trong nháy mắt, nếu ai bất cẩn trong phút giây vội vã. Nhà thơ Trần Dần miêu tả mùa Đông Hà Nội: “ nước nhọn tựa dao gâm…”. Nói thật, câu văn trên không thấm vào đâu khi nói về mùa đông tại Mỹ. Mùa Đông thê lương phải nói mùa Đông tại Mỹ, mùa Đông trong lòng người Việt tỵ nạn tại vùng Uptown-Chicago này. Từ ngoài đường bước vào chung cư cao ốc của anh chị Định ở, chỉ mươi mười lăm bước, phần thì bị tuyết khô dập vào mặt rát và lạnh, phần thì mang theo hai chai rượu vang và đường trơn trượt, tôi bị gió rét xô ngả mấy lần. Cuối cùng tôi cũng với được cái nắm cửa vào cao ốc. Tôi vội bước vào bên trong tìm phòng số 2C. Tôi bấm chuông an toàn phòng 2C đợi mãi không ai mở cửa. Tôi thấy cửa lên lầu 2 bỏ ngỏ, tôi đẩy mạnh, cánh cửa mở tung ra. Tôi bước vào, mùi hôi thối ẩm mốc bốc lên tận mũi. Tìm được phòng 2C, tôi đưa tay định bấm chuông, tôi suýt dẫm phải bãi cứt của ai vừa mới ỉa còn bốc hơi, trong lúc đó tôi nghe tiếng chân ai nặng nề bước vội lên lầu 3, có tiếng chìa khóa trao ổ khóa, có tiếng mở cửa vội vàng. Một tình cảm dâng lên ở tôi một cách bất ngờ. Tôi thưong anh chị Định vô hạn, tôi thương các anh em sĩ quan H.O vừa đến Mỹ, tôi xót xa vô cùng cho cộng đồng Việt Nam tị nạn, cho những ai được chỉ định định cư tại vùng này trong chiều dài 17 năm qua. Khi mới đến vùng này ai cũng vậy, ai cũng bị nhét cả gia đỉnh vào một phòng hôi hám, tối tâm, chật chội, vợ chồng con cái cựa quẫy trong một không gian nhỏ bé đến độ vô luân. Sau này những năm 80, 90 có nhiều anh em đến, có người đã từng kinh qua những nhà tù Cộng sản như khám lớn Chí hòa, khi gặp tôi họ đều phải la lên: “ tất cả vợ chồng con cái bị nhét vào một gian nhà tâm tối ngột ngạt khó thở, thiếu vệ sinh, chuột bọ và gián mối bò lổn ngổn, trông vào hố xí cầu tiêu bẩn thỉu, xám xịt nhơ nhớp, còn tệ hơn cả khám lớn Chí hòa dưới thời cộng sản. Chúng ta đã trả một giá rất đắc cho hai chữ tự do.” Tôi thương các anh em vô hạn. Tôi cũng phải thú thật với các anh em chữ Tự Do chính bản thân của nó không mang một giá trị gì hết ngoài nghĩa Tự do. Tự do chỉ có giá trị khi nào chúng ta phấn đấu mới có được nó; còn Tự do chúng ta có là do sự bố thí và lòng từ tâm của người khác, ngay từ kẻ cựu thù, thì xin anh em cũng như tôi đừng có đòi hỏi nhiều lắm. Tôi nhớ một Show ca nhạc, nhà văn nào đó trong một giai thoại khôi hài, ông ta có nhắc lại khi được định cư ở đệ tam quốc gia, vợ chồng ông và con cái được chỉ định ở trong gian phòng chật chội. Đôi lúc ông bà muốn nhớ lại “ cái thuở ban đầu ” thì tối hôm ấy ông bà phải cho các con, mặc dầu các cháu còn nhỏ dưới 12 tuổi, uống thuốc ngủ thận trọng mà ông bà gọi là thuốc ho để tránh cái nạn nửa khuya có cháu nổi cơn ho không đúng lúc. Ấy thế mà tai nạn vẫn xẫy ra như thường. Vì ông bà quá thận trọng và cũng nôn nóng quá cho các cháu uống thuốc ngủ từ hồi 6 giờ chiều. Các cháu ngủ say mèm tử chập tối. Đến nửa khuya thuốc ngủ hết hiệu lực các cháu có đứa thức dậy…ngồi nhìn. Chúng ta vẫn biết đó chỉ là giai thọai khôi hài, có thể nhà văn bịa để thư giản khán giả. Nhưng về mặt khác, cũng phải nhìn nhận đó là một giai thoaị khôi hài sâu sắc để cho ‘Thắng Người Tỵ Nạn” nhìn thấy rõ cái ‘đuôi’ của mình hơn. Lúc đó tôi oán trách người Cộng sản Việt Nam vô cùng. Tôi lấy hết can đảm và thận trọng, đứng chàng hảng trên bãi cứt, với tay gõ nhẹ cánh cửa. Không có tiếng trả lời. Tôi gõ cửa lần thứ hai, nghe có tiếng chít răng, và tiếng chân bước nhẹ đến mở cửa. Cánh cửa vừa hé mở, tôi vội xô cánh cửa bước vào, tôi dùng tay phải ẩn sau lưng, tôi đóng sấm cánh cửa trước sự ngạc nhiên gần như kinh hải của chị Tiêu Phương vợ anh Định. Tôi nói lớn:

- Thưa chị tôi là Thể, thầy dạy kèm hai cháu con của anh chị đây.

- Ông là thầy dạy kèm hai đứa nhỏ con chúng tôi?

- Vâng, thưa chị Định.

- À! Tôi nhớ ra rồi. Ông là bác sĩ Thể! Bác sĩ Đào Trọng Thể tại bịnh viện Thủ Khoa Nghĩa , Cần Thơ. Vừa nhìn ra được tôi, chị Tiêu Phương vô cùng mừng rỡ, nhưng khi chị biết tôi có hẹn cách đây một tháng, đến thăm anh chị chiều nay thì chị có vẻ thất vọng và buồn ra mặt. Tôi hiểu được ý chị, tôi nói:

- Thưa chị gia đình anh chị là gia đình anh em H.O thứ mấy mươi mà tôi đã đến thăm.

- Vâng, thưa Bác sĩ mới qua ai cũng khốn đốn cả.

- Thưa chị, anh chị qua lúc này còn đỡ hơn, gia đình tôi đến vùng này hồi năm 79, lúc ấy nhà cửa và an ninh ở vùng này còn tệ hại hơn bây giò gấp mấy mươi lần. Chị thử nghĩ lúc ấy vùng này dân chúng còn gọi là ‘vùng ma quái’- ghost area !

- Dễ sợ!

Sau tiếng‘dễ sợ’ tôi thấy chị Tiêu Phương nín thinh và chị có vẻ khiếp sợ thật. Tôi có ý dò xem có anh Định ở nhà không? Không lẽ anh ấy lại quên. Hình như đọc được ý nghĩ của tôi, chị Tiêu Phương nói:

- Anh Định và tôi nãy giờ, ngồi nói chuyện ở đây. Nhưng ngồi lâu ông nhà tôi hay mệt và nhức đầu. Anh ấy mới vào trong phòng nghỉ một tí. Xin bác sĩ ngồi chơi, tôi vào trong gọi ông ấy. Nói xong, chi vừa đi vào phòng vừa kêu lớn:

- Anh à! Có bác sĩ Thể lại, rán ra ngồi chơi với anh ấy một tí!

 Tôi vẫn thấy im lặng, không một động tĩnh. Tôi thấy chị Tiêu Phương trở ra và nói với tôi:

- Bác sĩ ngồi chơi một tí, ông nhà tôi ra ngay bây giờ.

 Trong lúc chờ đợi anh Định, mắt tôi quen với bóng tối của căn phòng, lúc bây giờ tôi vô tình sờ soạn cái ghế salon tôi đang ngồi. Chợt tôi nghe chi Định nói:

 - Bộ salon này người ta xài lâu, cũ, gẫy chân, bị chó họ gậm nát mấy lớp da, cho nên người ta mới đem bỏ chỗ đổ rát. Mấy đứa nhỏ và anh Định thấy còn tốt, ba cha con mới ì ạch khiêng về xài mấy tháng nay...Xem chừng chị đang còn muốn nói gì thêm nữa, tôi không biết làm sao mà ngưng chị lại được. Cũng may lúc đó anh Định từ phòng ngủ bước ra. Anh mặc bộ byjama màu xám, choàng bên ngoài một áo mùa đông cũ, lỗ chỗ những đốm, từ màu xám ngã thành màu nâu trông thật là hãm tài. Điều làm cho tôi ngạc nhiên nhất là anh rất nhỏ con và Hùng giống anh như tượng tạc. Tay anh đang kẹp một điếu thuốc cháy dở. Tôi liền đứng dậy nghiêm túc bắt tay anh.

- Xin chào mừng Trung tá.

- Cha! Sao Bác sĩ sang thế? Bác sĩ chào tôi là Trung tá! Cái chức Trung tá của tôi ‘tụi nó’ quên từ lâu rồí, nhất là từ ngày đến Mỹ. Những người Mỹ ở hội bảo trợ luôn luôn bảo tôi nên quên cái quá khứ của mình đi, mà lo xây dựng một con người mới để hội nhập xã hội mới văn minh và tiến bộ hơn…Còn cái xã hội cũ Sàigòn của mình thì tính thế nào bây giờ đây bác sĩ nhỉ? Làm sao mà gìn giữ nó chớ, nó có một giá trị lịch sử, dù nhơ nhớp hay thanh cao, nó cũng có giá trị lịch sử riêng của nó. Nó đã được báo chí Sàigòn ta và tòa Nhà Trắng Mỹ, một thời xác nhận với thế giới cái “Thủ đô Sàigòn đô la đỏ ”này, nó đi vào nề nếp rất lâu đời với phương án bảo vệ giai cấp xã hội và quyền lực của chính quyền, “Nhất Điếm, nhì Sư, tam Cha, tứ Tướng ”. Nói đến đây anh ngã ngửa ra cười ngặt ngoẹo. Hình ảnh của anh làm tôi nhớ lại câu nói của một đồng nghiệp người Mỹ gốc Phi châu, anh là một cán bộ xã hội và cũng là cụu chiến binh Mỹ tại Việt Nam. Anh ấy bảo với tôi “Người Á châu họ cười khi họ bị nervous gương mặt họ lúc đó trông thật khủng khiếp! ”. Anh Định xem chừng cũng mệt vì anh đang phẫn nộ. Anh tiếp tục nói:

- Không cần họ phải nhắc mình như vậy phải không anh? Mình phải tự biết điều chứ! Mình phải biết quên mình chứ, quên cái con ngưới quá khứ của mình, nhất là cái quá khứ của một Trung tá Ngụy quân! Có thơm tho gì đâu mà ôm bám lấy nó. Nhưng thú thật khi nghe người ta nhắc nhở như vậy mình cũng cảm thấy bị xúc phạm! Tại sao tôi phải quên cái quá khứ của tôi? Quá khứ của tôi tốt đẹp, cao quí và anh dũng lắm chứ! Tôi là một người lính yêu nước. Tôi không bỏ chạy dưới áp lực của thằng cộng sản. Không có kẻ nào có đủ quyền năng bắt chúng ta phải đánh mất bản ngã của chúng ta cả. Ngay cả bọn cộng sản Việt Nam trong lúc nó tù dày cải tạo lao khổ chúng ta, nó có hành hạ chúng ta nó cũng hành hạ theo quân hàm của chúng ta trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa: Cấp Tướng học tập theo cấp Tướng- Cấp Tá Học tập theo cấp Tá…Nó xét đóan và hành hạ chúng ta theo cấp bậc quân hàm, theo chức năng chúng ta đảm nhận ở chế độ trước. Trong trại Tù học tập cải tạo của Cộng sản, dưới mỗi tờ tự thú tôi luôn ký tên là Trung tá Lê Định! Khi bị tù đày học tập tại nông trường Hòang Liên Sơn, vì bị bỏ đói, tôi bẻ trôm ngô vừa ra sữa của nông trường mà tôi cạp. Tôi bị một tên bộ đội quản giáo bắt quả tang. Nó quát vào mặt tôi: “là Trung tá ngụy quân, anh bẻ trộm ngô vừa ra sữa của Nông trường mà anh nuốt, anh không thấy xấu hổ à?”. Nó đánh tôi hai bạt tai. Nói đến đây anh lấy tay đập mạnh xuống bàn làm tung toé cả bình trà và ba cốc nước trà. Anh nguyền rủa: quân Cộng sản thô bạo vậy mà nó tồn tại, nó chiến thắng ta. Nó nắm chắc nguyên tắc lắm anh ạ: muốn hủy hoại nhân cách con người, nhanh nhất và tốt nhất là bỏ đói và đánh đập. Bỏ đói rồi đánh đập, trong lao tù cải tạo chúng tôi gọi là “Bản Hợp Xướng của anh Ba Hà nội ”. Nhưng đau hơn cả đánh, nó dám gọi đích danh tôi là Trung tá Ngụy quân. Nó nhắc nhở cho mình nhớ mình là ai. Vâng tao là Trung tá ngụy quân đây. Bọn mày có thể giết tao, giết tao nguyên hình hài và nhân cách. Xin đừng hủy hoại nhân cách của tao. Đừng bắt tao chối bỏ bản ngã của tao. Tao bao giờ cũng là Trung tá của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa...Anh đứng phắt dậy trong cơn kích động tâm thần mãnh liệt. Tôi không thể nào biết trước anh sẽ làm gì. Tôi liền đứng dậy, ôm anh thật chặc vào lòng và ghì anh ngồi xuống. Chúng tôi ôm nhau. Tôi nghe tiếng nấc truyền sang từ lồng ngực anh. Chúng tôi thương nhau vô hạn…

 Chị Tiêu Phương buồn, chị nói:

- Hơn 2 tháng rồi đấy bác sĩ, ông nhà tôi lúc nào cũng ngồi trong bóng tối, hút thuốc lá một mình. Nhiều lúc nửa đêm mê sảng, ông nhà tôi quát tháo ấm ỉ, đá tung chăn mền rồi ngồi dậy, mắt thao láo nhìn vào bóng đêm. Ông than nhức đầu, không tài nào ngủ lại được. Sức khoẻ, tinh thần càng ngày càng sa sút. Hôm nay được bác sĩ đến thăm, tôi mừng có người hiểu được anh, anh ấy mới nói nói ra, mới thố lộ tình cảm. Nói tới đây chị khóc. Tôi vừa ôm vai anh Định ,vừa đỡ lời chị:

- Anh Định có nhiều may mắn hơn người khác. Như anh biết đấy, anh có người vợ tuyệt vời lúc nào cũng hiểu chồng, gần gũi và nâng đỡ nhau..

 Anh Định thều thào:

- Cám ơn Anh, bà nhà tôi chân chất, tôi may mắn thật!

 Tôi và anh Định hai người cùng đứng dậy sửa soạn lại khay trà, và mấy cái chén uống trà. Anh Định nói:

- May quá không có cái nào vỡ cả. Anh biết đây là bộ chén trà Ngũ Hành Sơn đó anh. Tôi đem từ bên nhà qua. Anh thấy, nó không được mỹ thuật lắm, nếu không muốn nói nó còn thô thiển lắm phải không anh? Nhưng tôi thích, vì nó thuộc đợt sản xuất đầu tiên đó anh. Nó có tính chất lịch sử, đánh dấu ngày phát khởi ngành công nghệ làm chén trà của ta. Nghe tới đây tôi cảm thấy anh Định còn nhiều gắng bó với tổ quốc hơn tôi.

 Nhìn thấy hai chai rượu vang tôi đang dấu dưới cạnh chân, anh Định liền hỏi:

- Sao lôi thôi vậy? Anh đem trả lại đấy à?

- Tôi mang lại, để khui cùng anh chị uống cho vui.

- À, có thế chớ, lẽ nào mà anh trả lại.

 Đoạn anh gọi:

 - Bà ơi!..Rồi anh cười ngất, bây giờ chỉ còn bà với ông. Không biết mình già từ thuở nào. Không còn chú ý đến cả ngày tháng, râu tóc dài che kín mặt, có lúc tàng quên cả tên mình.

 - Có thế lắm đấy. Anh có thể quên tên anh đôi lúc, nhưng anh khó mà quên được tên chị, phải không anh?

- Anh bảo sao? A.a..a... bác sĩ chẩn đóan đứng thế thì thôi!..

 Cả hai chúng tôi cùng cười. Chị Tiêu Phương xuất hiện từ nhà bếp ra bất ngờ. Chị vui vẻ khác thường, chị nói:

 - Mời bác sĩ ở lại ăn cơm tối với vợ chồng tôi, một bữa cơm cuối năm, mặc dầu chỉ là cơm dưa muối.

 Rồi chị lườm anh Định một cách âu yếm, chị nói trong giọng ngậm ngùi:

- Gớm hơn hai tháng nay, mới thấy ‘ông ấy’ vui nhộn được một bữa.

Lúc đó Trung cũng vừa bước vào nhà, miệng anh há ra như muốn nói điều gì, chợt thấy tôi anh ấy chào, rồi đi thẳng vào trong phòng tắm. Liền sau đó có tiếng quát tháo của Hùng đằng trước cửa, cậu ấy đòi kêu cảnh sát:

- Phải làm một lần cho nó sợ chứ, cứ ỉa trước nhà hoài gớm bỏ mẹ.

 Lúc đó Trung cũng vừa chạy ra với dụng cụ sẳn trên tay để tẩy uế. Trung mở cửa lấy ngón tay trỏ che miệng ra dấu đừng nói nữa, nhà đang có khách. Hùng bước vào, thấy tôi anh ấy chào, nhưng coi bộ còn giận, anh lẩm bẩm một mình:

- Anh Trung chờ em, làm một mình không được đâu, coi bộ nó ỉa cũng lâu, cũng hai ba tiếng đồng hồ rồi…

 Thoáng một cái chị Tiêu Phương nhìn tôi. Tôi biết chị vừa phát hiện một điều gì về cái lối tôi đóng cửa sầm một cái sau lưng tôi khi tôi vừa bước vào gặp chị. Tôi liền quay mặt đi chỗ khác. Lùc ấy tôi cảm thấy lạ đến độ ngạc nhiên anh Định không có vẻ gì giận dữ. Anh từ tốn nói:

- Cái lão ấy già, làm lao công trong một tiệm cách đây 5 blocks từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Mùa hè không sao, mùa đông khi đi bộ về hôm nào lạnh quá như hôm nay chẳng hạn, khi gần đến nhà ruột và bàng quang bóp vì lạnh quá, nhiều lúc vô nhà không kịp ông ta ‘tè’ bậy bạ. Nhưng ông ta cũng tội nghiệp biết xấu hổ, vợ ông ta thường đại diện xuống xin lỗi và cũng tự tay bà làm công tác vệ sinh. Hôm nay có lẽ bà đi đâu vắng cho nên mới chậm trễ như vậy. Xin lỗi làm phiền bác sĩ quá.

 Tôi chưa kịp nói gì, thì anh Định tiếp:

- À, anh Thể, ông ta là người Cuba đấy. Nghe nói ngày xửa ngày xưa, cha của ông ta cũng là cận thần của Batista!

 Tôi liền đỡ lời:

- Như vậy, ông ấy với chúng ta “cùng một lứa bên trời lận đận”..

 Anh chị và tôi cùng cười.

 

Ngồi dùng bữa ăn tối với anh chị Định với hai cháu tôi thấy thích thú vô cùng. Anh Định vừa làm cạn cốc rượu vang thứ hai và anh thưởng thức đến giọt cuối cùng. Tôi muốn lợi dụng cái tinh thần hứng khới của anh Định mà nói đến những vấn đề xa xôi một tí, lâu rồi tôi định nói nhưng không có được cơ hội thuận tiện như hôm nay. Tôi nặn óc mãi, không biết mở đầu câu chuyện ra sao. Tôi đánh bạo nói:

- Thưa anh chị, hầu như chỉ có anh chị mới hiểu biết về hoàn cảnh của mình đến Mỹ thuộc diện ‘từ thiện’! Đồng thời anh chị hiểu được con em mình. Các cháu muốn gì? Các cháu lo lắng về điều gì? Ta có thể giúp đỡ con em của chúng ta đến mức độ nào? Cho nên anh chị tìm thầy cho các cháu, gặp tôi và cho tôi đến thăm anh chị. Chứ những người khác như anh chị biết đấy, một lần muốn đến thăm gia đình anh em, nhất là anh em sĩ quan H.O. là tôi chạm trán với những câu hỏi hốc búa cũng như sự từ chối phủ phàng: “Có chuyện gì mà ông bày đặt viếng nhà tôi? Ông bỏ nghề bác sĩ rồi nhỉ! Ông là công thần…đến thăm gia đình tôi phải không? Chớ hà cớ gì mà ông phải đến viếng gia?..”. Nhưng anh chị cũng biết tôi không phải là gì cả, cũng lại càng không phải công thần của Mỹ. Tôi chỉ có một tội lớn là có rất nhiều tham vọng trong việc đầu tư vào việc học hành con em của chúng ta. Cho nên với sự thành tâm của tôi, cuối cùng anh em cũng phải mở cửa cho tôi vào. Tôi nói với anh em về những khó khăn của con em chúng ta về học hành khi các cháu đến xứ người. Những khó khăn của con em chúng ta trong việc học hành, không phải thuần túy ở chỡ chữ nghĩa không đâu, nó còn là sự va chạm về văn hóa, về kinh tế, về những tương quan giữa xã hội với xã hội. Con em của chúng ta cũng có những thao thức những trăn trỡ riêng của họ…Nhờ sự thông cảm của các anh em sau này mà tôi mời được một số anh em tham gia tổ chức Hội Cha Mẹ Học Sinh Và Học Đường. Những anh em này xem như những thành viên nồng cốt xây dựng phong trào đầu tiên. Sự thật chương trình này là của chính phủ liên bang đưa ra từ Boston. Họ biết tôi, làm việc cho các trường và dạy bổ túc cho các cháu, cho nên họ yêu cầu tôi làm cố vấn và thành lập hội; Hội Cha Mẹ Học Sinh và Học Đường (HCMHSVHD). Hiện nay tôi có được một số anh em tham gia rồì, nhưng tôi muốn mời anh, tôi vừa nói vừa nhìn chị Tiêu Phương, và xin phép chị, cho tôi mời anh ra làm giám đốc cho chuơng trình này.

 Chị Tiêu Phương rất thực tế, chị hỏi liền:

- Có lương không bác sĩ?

- Thưa chị chắc chắn là không lương. Đây là việc ăn cơm nhà vác ngà voi. Nhưng tôi muốn mời anh tham gia, để cho anh có cơ hội tiếp xúc với anh em, với người Mỹ. Ngồi nhà hút thuốc lá càng ngày càng thêm buồn, rồi làm sao tương lai có thể tồn tại với họ được. Thưa chị có đi lại mới thấy khó khăn, có đương đầu với khó khăn ta phải khắc phục khó khăn, dần thành quen, khi ấy khó khăn không còn là khó khăn nữa…

 Tất cả mọi người trong mâm cơm đều nín lặng và suy nghĩ. Chợt Trung vừa gát đũa vừa đứng dậy, anh ấy nói:

- Thưa Ba, đây là cơ hội hiếm có, ba nên tham gia để có dịp ra ngòai, đóng góp với cộng đồng, tiếp xúc với người Mỹ cho quen để sau này Ba còn làm việc với họ.

 Sau một chập suy nghĩ, anh Định nhìn chị Tiêu Phương, và chị cũng nhìn anh một cách phụng phịu. Anh Định nói:

- Tôi muốn: “ngỏ ý với Bà”…anh cười…theo lời đề nghị của bác sĩ Thể và theo yêu cầu của các con, xin bà chấp nhận hy sinh cho phép tôi làm việc không lương chớ?...Nói xong anh ngã ngửa ra cười, anh nói tiếp:

- Vâng trăm sự nhờ anh, mở cho tôi cánh cửa để cho tôi ra ngoài tiếp xúc với đời với thiên hạ.

 Được anh Định nhận lời, tôi mừng khôn xiết! Tôi cám ơn chị Tiêu Phương, tôi cám ơn tất cả mọi người trong mâm cơm, tôi cám ơn anh Định.

 Tối hôm ấy tôi về nhà muộn. Vợ tôi mở cửa cho tôi vào. Bà rất là vui. Vừa thấy tôi bà la lớn:

- Tết năm nay cộng đồng Việt Nam tại Chicago tổ chức Tết lớn lắm anh ạ, có rước cả Ý Lan , Thanh Tuyền về hát nữa, toàn ca sĩ gạo cội không, trả tiền cho họ lớn lắm hơn cả 3000 đô cho mỗi người mà hát chỉ một đêm mùng ba Tết. Vậy mà anh không chịu nhảy đầm. Lần này mình nhảy nghe anh?

- Tết rồi sao em? Tôi hỏi nhà tôi, và nhìn lên tờ lịch thấy hôm nay là ba mươi Tết. Tôi nhìn vợ tôi, tôi có ý thầm xin lỗi bà, và tôi hứa:

- Anh sẽ cố gắng!..Anh sẽ cố gắng!..

 

 Sau đó anh Định thật sự xoắn tay áo lao vào công tác. Anh làm việc rất nhiệt tình. Chẳng thế thôi anh còn kêu gọi các bạn đồng ngũ đồng niên tham gia phong trào. Anh tổ chức buổi ra mắt HCMHSVHD, với sự gặp gỡ hơn 200 gia đình có con em còn đang theo đuổi học hành. Chưa bao giờ có ai tại vùng này lại có thể tổ chức được một buổi meeting có bề thế như vậy! Nhất là một meeting nói về: “ CON EM CHÚNG TA VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA MỘT NỀN VĂN HÓA ĐA DẠNG ”, một đề tài khô khan, chẳng những người ta không muốn nghe, mà người ta còn chạy trốn nữa là khác. Ấy thế mà anh vẫn thành công to, trước sự ngỡ ngàng cũng như thán phục của bằng hữu, của những người có nhiệt tình với tương lai của cộng đồng. Hôm ấy tôi nghe say sưa và vô cùng kiêu hãnh về bài tham luận của anh đọc trước hơn 300 quan khách. Anh bày tỏ quan điểm của anh: “Bên cạnh những lý do chính trị, tại sao chúng ta bỏ nước chúng ta đi, còn có một lý do chính đáng, đó là vì sự học hành của con em chúng ta. Chúng ta muốn con em chúng ta hưởng một nền học vấn tự do và tiến bộ. Nhưng khi đến nước người có mấy ai còn bảo vệ niềm tin yêu sâu sắc đó? Con em của chúng ta, những đứa con vô cùng thương yêu của tổ quốc Việt Nam, trên đường theo cha mẹ lưu vong, đáng lẽ phải được những bàn tay nhung gấm nâng niu ân cần bảo vệ, họ bị lãng quên! Ở xứ người, con em chúng ta bị phó thác cho những trắc trở trên đường phố, những tai biến hiểm nghèo ngoài xã hội, những rủi may tại học đường! Chúng ta quên mất điều quan trọng: tương lai cộng đồng chúng ta tùy thuộc vào con em chúng ta. Tương lai của con em chúng ta tùy thuộc vào sự học hành của họ! Bây giờ không phải là muộn để chúng ta trở về với con em của chúng ta, gần gũi, châm bón, bồi dưỡng sự học hành của con em chúng ta!...”

 Nghe bài tham luận của anh Định, tôi có cảm tưởng đó là những điều chiêm nghiệm của anh qua những năm tháng trong những trại tù cải tạo của Cộng sản tại Yên bái, Hòang Liên Sơn, Bắc thái, Vĩnh phú, Lý bá Sơ…Những chiêm nghiệm của anh về thân phận mình, con em mình, của cộng đồng, khi anh ngồi trong vây hãm của bóng tối thê thảm, trong căn phòng hôi hám của anh kể từ ngày anh đến Mỹ. Sống trong những điều kiện bi thương như vậy anh vẫn không ngừng suy nghĩ về tương lai của gia đình và tổ quốc cũng như của cộng đồng. Anh phải là người anh dũng lắm!

 

 Từ lúc được anh Định kề vai gánh vác chức năng Giám đốc của hội, tôi hoàn toàn phó thác cho anh và các anh em trong hội đồng cố vấn, lo việc phát triển phong trào. Vị trí Chủ tịch Hội đồng Cố vấn không còn giá trị trên thực tế nữa. Tôi xin từ nhiệm. Sự liên hệ giữa tôi và anh chị Định cũng như các anh em trong tổ chức vì thế cũng thưa dần. Hai cháu Trung và Hùng trong mấy năm qua đều lần lượt vào Đại học lớn như anh chị và hai cháu hằng mơ ước. Có điều là Hùng tự ý từ bỏ giấc mộng làm Napoléon của Mỹ. Anh ấy đang theo đuổi nghề Dược, tại trường Dược nổi danh thuộc Viện Đại Học Iowa. Tuy vậy trong mấy năm qua tôi cũng lắng nghe cộng đồng nói về anh Định. Quần chúng thật sự thán phục anh, nhất là anh biết cách gây quỉ, hướng dẫn phát triển phong trào! Những phụ huynh học sinh trong vùng có ý thức trách nhiệm về sự học hành của con em mình nhiều hơn. Nghe nói anh Định có job. Anh trở nên người tích cực trong mọi hoạt động của cộng đồng. Anh đã đổi địa chỉ và anh cũng gọi cho tôi biết địa chỉ và số điện thoại mới của anh. Có lần tôi gặp một ông bạn già, ông nguyên là Đại tá Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, tôi có hỏi thăm ông ấy về anh Định vì theo tôi biết ông ta và anh Định là chỗ thân tình. Ông ta nói:

- Thằng Định, tôi vừa đưa nó vào làm chung một sở với tôi gần một năm nay. Nó tìm việc nơi nào cũng bị chê. Nó buồn lắm! Nó còn lý tưởng quá! Bác sĩ cũng biết cái job của tôi trên danh thiếp nghe ngon lắm. Job của City mà! Người làm phải được tin cậy về chính trị. Những sĩ quan H.O là lý tưởng cho job đó nhất. Nhưng thực sư đó chỉ là lao công chùi nhà, hố xí cầu tiêu, chăm sóc sạch sẻ vệ sinh trong các cao ốc, trong các cơ quan của City. Lúc đầu nó cũng nãn lắm vì mới bắt đầu nó phải được thử lửa, làm xuất 3, từ 12 giờ khuya đến 8 giờ sáng mà lương thì chỉ có 5 đồng 20 xu một giờ, cao hơn minimum wage vào khỏang 90 xu, nhưng nó có bảo hiểm sức khỏe cho cả gia đình rất tốt. Nhưng dù sao đi nữa, cuối tháng lương đem về không đủ để trả tiến nhà và tiền ăn. Nó nhờ hai con gái có phước, lấy được chồng làm kỹ sư, bù đấp tí đỉnh. Mà anh cũng biết thằng Định nó khẳng khái lắm. Những năm 60, nó là tiểu đoàn trưởng thuộc cấp cũ của tôi. Nó nắm tiểu đoàn mẫu mực lắm. Lính của nó thương nó lắm. Thằng đó sạch! Cách đây sáu tháng nó được chuyển sang xuất một, làm từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Tối về nó còn làm thêm, chạy giao hàng thức ăn cho các tiệm pizza kiếm thêm tí đỉnh nhờ tiền thù lao thực khách họ cho. Ban đầu nó còn ngượng, nhưng rốt rồi cũng quen. Mấy năm trước, bác sĩ biết, tôi cũng vậy, thôi thì cũng đành, “cánh hoa rụng chọn gì đất sạch”!

 

 Rồi cách đây mấy năm, vào một buổi sáng thứ Hai, tôi đang ngồi làm việc tại văn phòng, bác sĩ Nguyễn Minh, bậc đàn anh của tôi, nguyên Cục phó Cục Quân Y Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa trước 75, gọi điện thoại cho tôi:

- Thể, ‘toi’ có hay biết gì không?

 Tôi chưa kịp trả lời, anh ấy nói tiếp:

- Chắc là ‘toi’ không hay biết gì rồi! Thằng Định bị một thằng Mỹ đen bắn vào nửa khuya đêm thứ bảy vừa qua khi nó chạy giao hàng pizza trên đường Clark.

- Thưa anh, anh nói thằng Định nào?

- Trung tá Định đấy, bạn của ‘toi’, bị thằng Mỹ da đen kè nòng súng chạm da, đúng vào khỏang sixième espace intercostal gauche, pointe du Coeur mà nó nổ!

- Thưa anh, vậy xác của Trung tá Định đang nằm ở nhà quàn nào?

 Tôi nghe bác sĩ Minh cười lớn trong điện thoại:

- Nó đâu có chết, xe cứu thương chở nó vào bịnh viện lúc hai giờ khuya. Nó khai nó chỉ bị bắn có một phát. Nó sợ quá! Nó la lớn: I am refugee! No dollars! Rồi nó ngã đùng một cái thằng Mỹ đen đâm hoảng bỏ chạy...Thằng Định nó chỉ cho bác sĩ thấy lỗ đạn vào ở ngực trái và lỗ đạn ra ở chệch ngoài sau lưng vai trái. Nhưng thằng bác sĩ Mỹ không tin, nó bảo thằng Định bị bắn ít nhất là hai phát! Nó mang thằng Định đi chụp quang tuyến X khắp thân thể, lồng ngực và ổ bụng. Nó không tìm thấy viên đạn cũng không tìm thấy dấu hiệu lủng tạng rỗng hay tim phổi. Nó đành giử thằng Định lại vài ngày để theo dõi. Hôm qua ‘moi’ vào thăm nó, thấy nó vẫn khỏe, nhưng nó có vẻ khiếp. Nó bảo sợ quá. Nhắc lại như cơn ác mộng. Nó bảo ở Việt Nam mình không sợ thằng Cộng sản, dù sao tụi đó vẫn có đầu có đuôi! Ở Mỹ, bây giờ mình chỉ thấy người da đen thôi mình cũng sợ, đừng nói chi những màu da khác còn nguy hiểm hơn, nhất là bọn mà nhà báo Ted Kopel gọi là bọn Vietnam Mafia! Nó khuyên ‘moi’ nên bảo trọng sức khoẻ, đừng bao giờ vướng bận bởi lòai hạ đẳng mà thiệt thân mình. Nó nhắc đi nhắc lại, là người trí thức, không bao giờ khinh xuất để bị thiệt thân trong “lỗ chân trâu”!...À Thể, nó có nhắc ‘toi’, nhớ đến thăm nó. Chắc nó còn trong viện. Nhớ đi nghe Thể!..

 Tôi cám ơn bác sĩ Minh. Dĩ nhiên là tôi phải đến thăm anh Định! Hơn ai hết, tôi là người chịu trách nhiệm trước thảm họa của anh Định. Chính tôi là người kéo anh ra khỏi bóng tối trầm cảm, thúc đẩy hội nhập vào xã hội Mỹ, từ bỏ cảnh đứng khoan tay bên lề cưộc đời, từ bỏ thái độ tiêu cực, hãy vũ trang cho mình một ý chí mới, ý chí sống còn trong vinh dự trên đất Mỹ. Anh ấy đã thể hiện và đã thành công. Tôi kiêu hãnh vô cùng. Nhưng tai biến đã đến với anh, tôi cảm thấy mình hụt hẵn, chới với…

 Tôi đến thăm anh Định tôi gặp ngay nụ cười rạn rỡ trên mặt chị Tiêu Phương. Nụ cười lạc quan của chị làm cho tôi vơi được những lỗi lo lắng khi gặp anh Định. Gặp tôi ở phòng khách bịnh viện chị reo lên:

- Bác sĩ biết không, mấy đời mà nòng súng chỉa thẳng vào tim bắn cái đùng mà còn sống nhăn răng. Cái đó chỉ có ơn trên cứu độ mà thôi. Chị nắm cánh tay tôi dẫn tôi vào phòng anh Định. Vừa thấy tôi, anh Định la lớn:

- Sao đến muộn vậy? Anh tưởng tôi đi “Đức” rồi phải không? Nghe bác sĩ Minh nói là anh muốn biết “xác của Trung tá định đang nằm ở nhà quàn nào ?”. Phải không? Sao bi quan thế? Đâu có dễ chết như vậy được! Tôi còn nặng nợ với đời lắm! Nhất là với vợ tôi! Rồi anh ấy nhìn chị Tiêu Phương và hỏi:

- Phải không em?

 Tất cả chúng tôi cùng cười! Chị Tiêu Phương nhắc lại chuyện xưa:

- Ông nhà tôi gặp được bác sĩ như lân gặp pháo. Kề từ ngày gặp được bác sĩ, anh ấy vui vẻ yêu đời. Chắc bác sĩ còn nhớ năm nào bác sĩ lần đầu tiên đến thăm chúng tôi và ở lại ăn cơm tối cuối năm với vợ chồng tôi, bác sĩ đã làm thay đổi anh Định. Anh Định vui vẻ, hăng say yêu đời kể từ hôm đó gặp bác sĩ.

 Vợ chồng anh Định và tôi nói chuyện huyên thiên về mấy năm không gặp nhau, công ăn việc làm và về con cái. Chúng tôi cũng nói đến những thăng trầm trong đời sống cũng như nói về những người bạn còn ở lại bên kia, những kẻ thao thức bên này, những tai biến có thể xẩy đến trên thân phận những người yêu nước lưu vong…Sau một chập, tôi buột miệng nói:

- Anh chị phi thường hơn chúng tôi nhiều.

- Chúng tôi mà phi thường hơn anh à? Nói dốc tổ! Thôi bỏ đi! Đừng tưng bốc nhau mãi, mỏi tay lắm! Này bác sĩ, mai nó cho tôi xuất viện, liệu tuần tới tôi đi chùi nhà được chưa?

 Tôi bắt tay anh ấy và xin phép ra về, và vừa trả lời anh ấy:

- Chỉ có chị mới hiểu được anh, xin anh tham khảo ý kiến của chị.

 Tôi rời khỏi phòng còn nghe tiếng cười của chị Tiêu Phương.

 

Sau này, về dài về lâu, anh Định cũng chịu ảnh hưởng của tai biến trên không ít thì nhiều về phương diện tâm thần. Anh thường đến gặp tôi để tư vấn cũng như để vấn an tâm thần. Anh thường lên cơn hoảng hốt lo sợ chết đột ngột. Người Mỹ gọi là ‘panic attack’. Tôi giới thiệu anh đến đồng nghiệp, một giáo sư tâm thần người Mỹ. Qua mấy năm điều trị coi như anh đã bớt rất nhiều, gần như là dứt hẳn. Chúng tôi lại ít gặp lại nhau vì lo ngụp lặn, làm ăn, sinh sống. Thỉnh thỏang chúng tôi thoáng thấy nhau rồi biến mất theo dòng xe cuối đường, hay trong đám đông.

 Trong dịp tết vừa qua, cộng đồng Việt Nam tại Chicago tổ chức Hội chợ. Tôi có ghé thăm với chủ ý để gặp lại anh em. Tôi đến thăm gian hàng Hội Cha Mẹ Học Sinh Và Học Đường (HCMHSVHD). Từ xa tôi thấy anh Định trong khăn đóng áo the đen. Còn chị Tiêu Phương súng sính trong bộ áo dài cổ truyền dân tộc màu nhiễu điều. Anh chị đang hạnh phúc đi bên nhau. Chúng tôi gặp nhau, chúng tôi vô cùng mừng rỡ. Cũng như những người lớn tuổi khác, ngày tư, ngày Tết, gặp nhau, sau những câu nghi lễ chào nhau, chúng tôi chúc tụng nhau. Trong dịp này anh chị Định cho tôi hay:

- Cháu Trung, như bác sĩ biết đấy, tốt nghiệp kỹ sư về Computer tại Đại học Champaign, Illinois, cách đây hơn 3 năm. Hiện Trung làm cho hảng Motorola tai Schaumburg, Illinois. Còn cháu Hùng hiện đang là Pharm D tại St Luke Hospital thuộc Viện Đại học Rush. 

 Đến đây chị Tiêu Phương tiếp lời anh Định:

- Nếu không được sự dẫn dắt của bác sĩ ngay từ đầu, thì các cháu, ngay cả vợ chồng tôi, cũng không được như ngày hôm nay. Vợ chồng tôi lúc nào cũng nhớ ơn bác sĩ.

 Tôi thật sự xúc động khi nghe những lời tri ân của anh chị Định. Tôi nói:

- Thật ra, anh chị biết hơn ai hết, thoạt kỳ thủy là đều do anh chị. Khi anh chi lo xây dựng và chăm sóc sự học hành của con em cộng đồng Việt Nam ta trong vùng này gần 10 năm qua tức là anh chị cũng đang tích cực xây dựng cho con em mình. Thú thật, thưa anh chị và cám ơn anh chị anh chị đã nghĩ tốt về tôi. Thật sư tôi chỉ là thứ yếu. Chính sự hy sinh của anh chị cho cộng đồng mới là quan trọng.

 Cùng lúc đó, bác sĩ Nguyễn Minh vừa đi lại. Anh gặp lại tụi này anh mừng! Trong lúc hứng chí anh nhắc lại câu nói của tôi mấy năm về trước: “ Xác của Trung tá Định hiện nằm ở nhà quàn nào vậy anh? ”. Vô tình anh làm tất cả mọi người cùng cười. Sau đó chúng tôi chúc tết nhau. Tôi xin kiếu ra về.

 

 Bước ra ngoài cửa Hội chợ đến bãi đậu xe, tôi thấy một chiếc xe Lexus LE- 430 kiểu mới nhất, năm 2001, đang cố tình lái rề rề bên cạnh tôi, rồi đến đậu lại trong bãi đậu. Từ trong xe bước ra một thanh niên Da Trắng, trông hao hao như tài tử Mỹ, Steve Mc Queen. Anh tiến đến cúi đầu chào tôi như một thanh niên Việt Nam chào người trên trước trong ngày Nguyên đán:

- Kính bác sĩ năm mới! Con xin mừng tuổi bác sĩ. Bác sĩ còn nhớ con không? Con là thằng Bob đây!

 Bất ngờ quá! Tôi thật sự ngạc nhiên. Tôi bắt tay anh ấy trong ngỡ ngàng:

- Hên!..Tôi nhớ ra anh rồi!

- Gần 10 năm mà Bác sĩ còn nhớ tên Việt Nam của con là Hên! Thầy biết, chỉ có thầy và bà già con là biết tên Việt Nam của con là Hên mà thôi! Ngay cả vợ con nó cũng không biết!...

 Nói xong anh chạy đến chiếc xe Lexus, mở cửa xe dẫn cô vợ lại giới thiệu với tôi.

- Thưa Bác sĩ đây là vợ mới cưới của con. Mẹ con cưới cho con từ Lịch Hội Thượng tại Sóc trăng. Con vừa về Việt Nam làm đám cưới cách đây tám tháng!

 Tôi thấy cô bé khá xinh đẹp, có phần bẽn lẽn khi đến chào tôi. Tôi nói thật Bob là tôi mừng cho anh ấy và anh cũng thật xứng đáng với cô vợ vô cùng xinh đẹp. Tôi hỏi:

- Chị xinh đẹp thật, chị có lai Tàu hay không?

- Thưa thầy không. Vợ con không lai Tàu, lai Tây gì cả. Con chỉ lấy vợ là người Việt mình, giống mẹ con vậy.

- Tôi mừng cho anh. Nhưng hỏi thật anh, anh làm ăn như thế nào mà anh có vẻ phát đạt như vậy?

 Bob cũng thành thật cho tôi hay nhờ tài bương chải và sự khôn ngoan từng trải đời của mẹ. Mẹ anh đã dạy anh nên người. Bây giờ anh là chủ nhân của hai tiệm “Nails”. Một cái ở trong Downtown của Chicago, một cái ở ngoại ô! Bob nói tiếp:

- Cưới vợ con về, con dạy nó làm nghề “Nails”, để mai mốt nó tiếp tay với con làm ăn. Bà già con già rồi.. Anh ấy chỉ tay vào xe Lexus:

- Thưa Bác, mẹ con đó.

Tôi nhìn vào trong xe thấy một bà già tóc bạc trông thật là đẹp lão. Tôi thấy bà cúi đầu chào tôi. Tôi cũng cúi đầu chào lại bà. Tôi bắt tay Bob và chúc anh và gia đình năm mới hạnh phúc, làm ăn phấn chấn hơn nữa. Vợ chồng anh ấy cũng chúc lại tôi cũng gần như tôi chúc vợ chồng anh ấy. Khi tôi đi xa độ mươi bước, tôi nghe tiếng bà già anh ấy hỏi:

- Ông ấy là ông nào vậy? Tao nghe mày nói chuyện mày xưng hô với ổng khi thì thưa ‘bác sĩ’ khi thì thưa ‘thầy’, khi thì thưa ‘bác’! Sao lạ vậy?

- Dạ! Có lạ gì đâu, ổng là bác sĩ mà gần 10 năm trước ông ấy dạy con.

- Mày nói coi bộ ngộ. Ông ta là bác sĩ, sao ổng lại dạy mày? Mày có học bác sĩ bao giờ đâu!

 Tôi ngó lại thấy Bob huơ huơ hai tay lên trời ra vẻ phân bua với mẹ anh ấy:

- Đời sao mà biết được. Con không học bác sĩ mà thầy dạy con lại là bác sĩ! Ai mà biết được! Ai mà biết trước được đời!

 

Tôi về đến nhà. Vừa mở cửa vào, vừa nghĩ đến câu phân bua của thằng Bob với mẹ nó, tôi cười một mình. Thấy lạ, vợ tôi hỏi tôi cười về chuyện gì vậy? Tôi kể lại cho vợ tôi nghe chuyện thằng Bob phân bua với mẹ nó. Vợ tôi bảo:

- Không đâu anh, Bob và mẹ nó, ngay cả anh, tất cả đều nhầm! Đến Mỹ, anh đâu còn là bác sĩ../.

Đào Như / Oak park, Illinois, USA

Jan/2001 Thetrongdao2000@yahoo.com

06 Tháng Giêng 2019(Xem: 6436)
23 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 7188)
27 Tháng Mười Một 2018(Xem: 7179)
21 Tháng Mười 2018(Xem: 7775)
02 Tháng Tám 2018(Xem: 7292)
15 Tháng Bảy 2018(Xem: 7329)