Kỳ nữ Kim Cương: Tình đầu và đi hay ở 30 tháng Tư

25 Tháng Tám 20166:53 CH(Xem: 10785)

"VĂN HÓA-CALIFORNIA"  THỨ  SÁU 26  AUGUST 2016


Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương: Ngày 30-4: đi hay ở?


TTO - Ngày 30-4-2015, hòa vào không khí rộn ràng mừng 40 năm thống nhất đất nước, tôi cũng như bao nhiêu người dân của thành phố, không khỏi bồi hồi nhớ lại quyết định quan trọng của cuộc đời mình năm ấy - đó là ĐI hay Ở?


image024

Từ trái qua: Chế Lan Viên - Kim Cương - Nguyễn Tuân - Ảnh: Tư liệu gia đình Kim Cương


Cách đây 40 năm, tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình, chúng tôi đều có những suy nghĩ băn khoăn, trăn trở khác nhau. Riêng cá nhân tôi, nếu quyết định đi thì tôi có nhiều phương tiện hơn nhiều người khác.


Về đời sống, với hai giải thưởng Điện ảnh Á châu tôi vừa nhận ở Đài Loan, một căn nhà và bao nhiêu bạn bè ở Pháp... thì cuộc sống vật chất của tôi và gia đình tương đối được bảo đảm ở nước ngoài.


Và quan trọng nhất, lúc đó chồng tôi đang là sĩ quan, em rể tôi là trưởng phòng tư pháp quận 6, và còn bao nhiêu thân nhân của gia đình tôi không tránh khỏi dính dáng tới chế độ trước...


Vậy thì tại sao tôi ở lại?


Mỗi người đều có một quan niệm sống, người thì cho tiền bạc địa vị mới làm nên hạnh phúc, nhưng riêng tôi nơi nào tôi được đóng góp nhiều nhất cho cuộc đời thì đó là nơi tôi tìm thấy hạnh phúc...


Bước qua những thêu dệt


Tôi khẳng định một điều tôi ở lại không phải vì tôi là thượng tá tình báo hay 30 năm tuổi Đảng như những người ác ý đã cố tình thêu dệt trong bao nhiêu năm nay, tôi ở lại vì một điều duy nhất: tôi yêu quê hương, gia đình, nghề nghiệp, khán giả, bạn bè...


Cái tôi muốn nói là hồn cốt của từng gốc cây ngọn cỏ, làn gió, ánh mắt, nụ cười của xứ sở, những kỷ niệm và những tình cảm của khán giả, của cuộc đời đã làm nên một Kim Cương nghệ sĩ.


Hơn nữa tôi hiểu rằng khán giả ở các nước có thể quý trọng Kim Cương vì tài năng hay ái mộ Kim Cương về nhan sắc, nhưng chắc chắn sẽ không có khán giả nào có thể thương Kim Cương bằng khán giả Việt Nam.


Khi chọn ở lại, tôi không ngờ có ngày mình bị đặt vào hoàn cảnh ngỡ ngàng không bao giờ tưởng tượng ra được. Như chuyện có người tin rằng tôi là “thượng tá tình báo” được cách mạng gài lại. Người thì nói đã tận mắt thấy tôi ngồi xe jeep đi tìm bắt Hùng Cường.


Thậm chí có lần tôi qua Mỹ, có những người bạn rất thân mời tôi về nhà ăn cơm nên bị những phần tử chống đối phản đối quyết liệt... Cho tới lúc chồng tôi đang học tập trên trại bị mọi người cách ly vì cho rằng đó là chồng thượng tá gài vô làm “ăngten” lấy tin tức cho cách mạng.


Và còn biết bao nhiêu tin đồn nữa khiến tôi hoang mang không hiểu gì cả...


Tôi chịu đựng như thế trong một thời gian dài. Mãi cho đến vài năm sau, lần hồi xâu chuỗi các sự kiện, tôi mới hiểu do đâu dư luận lại đồn đãi như vậy.


Thì ra có những sự trùng hợp quá ngẫu nhiên dễ gây nhiều ngộ nhận, nhất là trong một hoàn cảnh xã hội vô cùng hỗn độn lúc đó. Trước hết là chuyện đoàn Kim Cương được hoạt động rất sớm.


Người ta không hiểu được đây là chủ trương của Thành ủy khi đó nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh và đảm bảo mọi sinh hoạt của xã hội được trở lại bình thường, mà cho rằng vì tôi là “thượng tá” nên mới được ưu tiên như thế.


Cũng không ai nhớ ra rằng chỉ sau đó một vài tuần, vài tháng thì hàng loạt đoàn khác ra đời như Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Thanh Minh, Hương Mùa Thu, Bông Hồng, Minh Tơ.


Và sự kiện gây hiểu lầm nặng nề nhất quanh vấn đề “thượng tá” của tôi là trong ngày lễ 1-5, trước sự có mặt của tất cả các giới, tôi ôm một anh bộ đội đội nón tai bèo, mang dép râu với tất cả sự mừng rỡ, hân hoan.


Không ai hiểu rằng đó là anh Phùng Bá Thọ, người đã cùng chung học với tôi mấy năm ở Pháp. Khi học xong anh về Hà Nội, còn tôi trở lại Sài Gòn... Chúng tôi mừng mừng tủi tủi gặp lại nhau trong sự bất ngờ, hạnh phúc. Thế là một cuộc gặp gỡ bạn bè đơn thuần bỗng biến thành chuyện cho người ta thêu dệt.


Thêm một chuyện là sáng nào Thọ cũng lấy xe jeep của đài truyền hình đến đưa vợ chồng tôi đi ăn phở vì mấy năm trời hoạt động cực khổ, anh rất thèm các món ăn Sài Gòn. Vậy là có thêm tin đồn nữa: Kim Cương ngồi xe jeep chạy cùng Sài Gòn kiếm bắt Hùng Cường.



image026

Từ trái qua: người bạn Phùng Bá Thọ - Năm Châu - má Bảy Phùng Há - má Bảy Nam - Ảnh: Tư liệu gia đình Kim Cương

 


Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 7:


(Tuổi Trẻ)


Kỳ nữ Kim Cương và tình yêu đầu tiên


11/05/2016


TTO - Năm 1954, má Năm tôi (nghệ sĩ Năm Phỉ) mất. Thế là bảng hiệu Năm Phỉ đã được thêm vào hai chữ Kim Cương, và từ đó tôi trở thành trụ cột để lèo lái gánh hát Năm Phỉ - Kim Cương.



image028

NSND Kim Cương chụp ảnh cùng gia đình con trai trong buổi ra mắt hồi ký chiều 10-5 - Ảnh: Ngọc Dương

 


Lúc bấy giờ, ngoài vở Giai nhân và ác quỷ, Phấn hậu cung, tôi đã có những vai tuồng khẳng định chỗ đứng trong lòng khán giả như Hai ngọn lửa thiêng, Đường về Lam Sơn, Hiệp nữ áo xanh...


Nhờ đó, với sự dẫn dắt của má và các cô chú Duy Lân, Giáo Út, Ba Vân...; tôi đã mạnh dạn thế những vai nổi tiếng đã tạo nên tên tuổi của má Năm tôi ngày xưa như trong các vở Lan và Điệp, Xử án Bàng Quý Phi, Phụng Nghi đình...


Trong một cuộc họp báo, tôi đang say mê thao thao nói về tương lai của đoàn Năm Phỉ - Kim Cương, thì bất ngờ có một câu hỏi ở hàng ghế cuối cùng từ một anh ký giả: “Xin cô cho biết quan điểm của cô như thế nào về tình yêu?”.


Tôi thật sự ngỡ ngàng và bối rối vì tôi chưa hề nghĩ đến vấn đề này.


Tình yêu mật ngọt


Thế là chúng tôi “phải” gặp nhau để... bàn về chuyện “tình yêu”, ngồi đối diện nhau thật lâu. Anh kể cho tôi nghe về những mối tình đẹp trong văn học.


Anh ca ngợi sự bất tử của tình yêu một cách say mê. Còn tôi thì ngồi nghe như “nuốt trọn” từng lời của anh với tất cả xúc động của một thiếu nữ 20 tuổi đời chưa biết yêu là gì!


Và từ đó, chúng tôi thường gặp nhau hơn, anh mua tặng tôi nhiều sách hay và góp ý về những vai diễn của tôi, tôi đã học được ở anh nhiều vấn đề từ nghề nghiệp đến cuộc sống. Anh có mặt thường xuyên hơn trong những buổi diễn của tôi, có những vở anh xem cả chục lần không chán!


Có một hôm, anh mời tôi đi xem phim. Trong lúc tôi đang chăm chú theo dõi tình tiết của bộ phim thì tôi cảm nhận được một bàn tay ấm áp nắm chặt tay tôi.


Sau giây phút ngẩn ngơ, tôi đã để yên tay tôi trong tay anh. Từ giây phút đó, tôi đã cảm nhận được thế nào là sự ngọt ngào của tình yêu.


Lúc đó, đoàn Năm Phỉ - Kim Cương tuy đông khách nhưng tiền bạc đều do má và các cậu quản lý, nên tôi không có nhiều tiền trong túi. Anh thì, với số lương khiêm nhường của người ký giả, cũng không dư dả gì. Nên anh thường đưa tôi đi xuống ngồi ở bến tàu Bạch Đằng - ngồi ngắm những con đò xuôi ngược hay đi tản bộ hàng giờ trong Sở thú...


Chỉ cần uống với nhau một ly nước chanh, ăn cùng nhau một gói đậu phộng mà sao chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng.


Chuyện chúng tôi yêu nhau được lan truyền trên các báo. Báo Tiếng Dội dành nửa trang để đăng hình và tiểu sử của chúng tôi: Một ký giả trẻ đầy hứa hẹn trong tương lai và một ngôi sao sân khấu đang trên đà phát triển, yêu nhau với một tình yêu trong sáng, đầy lãng mạn.


Ai cũng cho rằng đây là mối tình đẹp nhất trong năm. Ai cũng ủng hộ, ai cũng vui mừng, chỉ riêng một người quan trọng nhất lại phản đối quyết liệt. Đó là MÁ TÔI.


Không bút mực nào tả nổi sự phẫn nộ và sửng sốt của khoảnh khắc má tôi khi thấy hình chúng tôi đăng song song trên báo cùng dòng chữ “Mối tình đẹp nhất trong năm” trong một bài báo lớn. Má không bao giờ tưởng tượng ra tình huống này.


Má chưa tha thứ được chuyện tôi dám cãi lời từ bỏ cuộc hôn nhân mà gia đình đã đặt nhiều kỳ vọng, và má lại càng không thể chấp nhận được má là người biết sau cùng chuyện thương yêu của tôi.


Má nghĩ chuyện báo chí loan tin rầm rộ như vậy là có ý đặt má trước một chuyện đã rồi. Má trả lời một cách dứt khoát với mọi người: “Không thể nào có cuộc hôn nhân này”.


Từ đó, má đã cho người theo kiểm soát tôi gắt gao, và với anh thì má cấm tiệt không được tới gặp tôi ở bất cứ chỗ nào.


Những ngày hạnh phúc


Chúng tôi đau khổ vô cùng, nhưng càng cấm đoán thì sự thương nhớ càng mãnh liệt hơn. Có những đêm anh chỉ biết đi vòng vòng quanh nhà tôi, hi vọng nhìn thấy bóng tôi trên cửa sổ.


Nhất là mỗi khi nghe tôi đau hay bị má đánh, anh tất tả nhờ bạn bè lén đem đến cho tôi vài chai dầu và những lời thương yêu thắm thiết. Tôi cũng không chịu nổi sự xa cách này nên tôi nghĩ chỉ có cách phải đi khỏi Sài Gòn mới mong thoát khỏi sự kiểm soát gắt gao của má.


Lúc đó, đoàn Nam Phong của dì Chín Bia đang lưu diễn các tỉnh và mỗi lần được “kỳ nữ” Kim Cương tăng cường thì doanh thu tăng cao, nên chuyện tôi ra giúp là điều dì Chín luôn luôn tha thiết. Biết thế nên tôi nhắn dì Chín là tôi sẵn sàng ra “tăng cường” cho dì Chín vài đêm.


Má đã bằng lòng để tôi đi Phan Thiết vài ngày nhưng không quên nhắc nhở dì Chín phải “canh chừng” tôi chặt chẽ. Hôm đưa tôi ra xe lửa, má đã cẩn thận kiểm tra danh sách những người khách đi cùng toa với tôi, và má yên lòng khi không thấy tên anh trong đó.


Khi tàu ra khỏi ga Bình Triệu thì anh lù lù xuất hiện cạnh tôi. Tôi hỏi:


- Anh lấy vé cách nào mà má tìm không ra vậy?


Anh cười:


- Má chỉ biết tên anh qua bút danh trên báo chứ làm sao má biết tên thật của anh trong giấy tờ được.


Đêm đó có lẽ là một trong những đêm hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi. Hai chúng tôi ngồi trên những bậc thềm ở cửa toa tàu nhìn trăng lên, nhìn những đốm lửa bay ra từ đầu tàu - giống như những chùm pháo bông cùng chúc mừng hạnh phúc của chúng tôi.


Những ngày kế tiếp ở Phan Thiết cũng là những ngày hạnh phúc. Tôi đưa anh đi thăm lại rạp Thất Ngàn, nơi đã để lại cho tôi một dấu ấn đau buồn của tuổi thơ; tôi đưa anh đến lạy Phật ở chùa Phật học Phan Thiết, nơi đã cưu mang ba tôi trong những ngày cuối đời; tôi đưa anh lên lạy mộ ba tôi như một lần ra mắt...


Chúng tôi đang tung tăng để hưởng những ngày hạnh phúc ít ỏi của mình. Chúng tôi mướn xe ngựa đi dọc bờ biển lộng gió, đang đắm chìm trong tiếng sóng thương yêu thì tôi nhìn xuống đường, chợt thấy dì Chín đứng chống nạnh, đang trợn trừng nhìn chúng tôi bằng cặp mắt sửng sốt và giận dữ. Hai mươi bốn giờ sau, tin này đã đến tai má tôi.


Đòn roi của má


Sự kiện anh đi Phan Thiết với tôi trở thành thùng xăng đổ vào ngọn lửa đang giận dữ của má. Về tới Sài Gòn má đánh tôi nát hết hai cây roi mây.


Và má đã trút hết bao nhiêu trách nhiệm và giận dữ vào anh. Má tới tòa báo nơi anh làm việc để “hỏi tội”.


Má đã thẳng tay đánh anh tại rạp hát trước mặt bao nhiêu người, khi thấy anh mon men đến gặp tôi. Và má cũng không quên tìm đến gia đình anh với bao nhiêu lời trách cứ nặng nề và giận dữ.


Tất cả những sự việc đó đã là giọt nước làm tràn ly nước chịu đựng của anh đối với tình yêu của chúng tôi.


Anh nói với tôi: “Trong tình yêu của tụi mình, anh đã làm xong trách nhiệm, anh đã đưa gia đình chính thức đến xin cưới em, anh đã nhẫn nhục chịu đựng thái độ gay gắt, vô lý và độc đoán của má, thương em thì anh thương rất nhiều nhưng lòng tự trọng của một người đàn ông đối với gia đình cũng như đối với xã hội không cho phép anh chịu đựng thêm được nữa”.


Trong cơn giận dữ, anh không kiềm chế được nên đã có những lời nặng nề với má tôi. Đó là điều làm cho tôi đau đớn vô cùng…


Sau những dỗi hờn chúng tôi lại càng thắm thiết hơn, có lần anh ôm tôi vào lòng và bảo:


- Thôi tụi mình bỏ hết, trốn khỏi thành phố này nhe em. Em đã trên 18 tuổi rồi, có quyền tự do kết hôn, không ai có quyền ngăn cản hết.


Tôi khóc ngất trong tay anh và nói:


- Không dễ dàng như vậy đâu anh. Em không nỡ phụ bao nhiêu tình cảm của khán giả đang dành cho em, còn trách nhiệm với mấy chục gia đình trong đoàn hát. Em còn phải thay thế ba lo cho hai đứa em nhỏ, hơn nữa, cuộc đời nghệ sĩ của má đã khổ nhiều rồi, em không muốn má phải khổ hơn nữa vì em.


Anh đẩy tôi ra, lạnh lùng nói:


- Sao em có nhiều trách nhiệm với mọi người như vậy mà lại không có trách nhiệm với tình yêu của tụi mình?


Tôi ấp úng:


- Anh... anh... ráng chờ một thời gian nữa, để má bớt giận rồi hãy tính...


- Anh không thể chờ được một việc mà không chắc nó có tới hay không. Má anh đã già rồi nên muốn anh sớm yên bề gia thất. Nếu em dứt khoát không đi, anh phải cưới vợ theo ý gia đình thôi...


Một tháng sau, được tin anh cưới vợ.


Cầm thiệp cưới của anh trong tay, tôi không biết mình đang mơ hay tỉnh. Lần đầu tiên tôi mới biết đau khổ vì tình. Đi đến đâu cũng là những con đường chúng tôi từng tung tăng bên nhau, đến rạp hát cũng là nơi anh từng ngồi xem tôi diễn...


Tôi cảm thấy trống rỗng, mọi sự kiện quanh tôi đều như vô nghĩa. Tôi lên sân khấu diễn như một cái xác không hồn. Những tiếng vỗ tay, những lời khen ngợi lúc này không sao lấp được những đau đớn trong trái tim tôi./

23 Tháng Hai 2014(Xem: 9769)
HÀ NỘI — Các nhà bảo tồn tại Việt Nam đã phát động một chiến dịch tuyên truyền trên đài truyền hình nhằm chặn đứng việc sử dụng cao hổ như là một món quà quí báu. Trong khi động thái này được hoan nghênh rộng rãi, một số người cho rằng đã quá trễ đối với những con cọp hoang dã cuối cùng của Việt Nam. Từ Hà Nội, thông tín viên Marianne Brown gởi về bài tường thuật sau đây.
06 Tháng Hai 2014(Xem: 8372)
heo di chúc của Nelson Mandela được mở hôm nay, số tài sản trị giá 4,1 triệu của người anh hùng dân tộc Nam Phi sẽ được chia cho gia đình, đảng ANC và 6 trường học mà ông có nhiều gắn bó.
16 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 8903)
Một câu hỏi cùng được nêu: Tại sao nhà nước VN không có động thái nào đáng kể trước sự kiện được cả thế giới long trọng tổ chức, đến cả cung điện Hoàng gia Anh (“phong kiến”) cũng treo cờ rủ, “đế quốc Mỹ (mà xấu)” thì ra lệnh treo cờ rủ tại Toà Bạch Ốc và các cơ quan công quyền vào ngày thứ hai 9/12/2013 (và hơn 100 nguyên thủ quốc gia, hoàng gia, và giới chức cao cấp của các chính phủ trên khắp thế giới sẽ có mặt trong lễ tưởng niệm ông Mandela hôm nay). Chẳng lẽ nhà nước “xã hội chủ nghĩa” ta bây giờ không còn coi trọng lý tưởng chống thực dân, bình đẳng và hòa giải dân tộc là thiêng liêng như thời trước?
24 Tháng Mười 2013(Xem: 8285)
Có khoảng 400.000 cây chi anh, chia làm 8 loại được trồng trên những sườn đồi ở Hitsujiyama, dưới chân ngọn núi huyền thoại Buko. Vô vàn bông hoa mãn khai tạo nên một thảm hoa tươi, kết hợp bởi sắc hồng, tím và trắng lãng mạn.
26 Tháng Sáu 2013(Xem: 9510)
Hôm nay, 21/06/2013, là ngày đầu tiên của mùa hạ. Theo truyền thống từ năm 1981, nước Pháp chọn ngày này làm Ngày hội Âm nhạc. Kể từ hôm nay và trong suốt mùa hè này, RFI phát thanh loạt bài với chủ đề Nhạc tình muôn thuở. Đây là dịp để cho chúng ta cùng khám phá lại những giai điệu rất quen thuộc, cho dù công chúng ít để ý tác giả là ai.
26 Tháng Sáu 2013(Xem: 9204)
May mắn cho những ai có cơ hội thưởng thức được cả hai nghệ sĩ tài ba này. Còn gì đẹp hơn là được cả hai tiếng hát này làm nát lồng ngực? Có đấy! Khi bạn được nát ngực cùng với ý trung nhân của mình, nắm tay nhau, cùng tan vào “passione.”
17 Tháng Sáu 2013(Xem: 8345)
Quốc Anh trân trọng thông báo cùng các thân bằng hữu xa gần, khán thính giả thân mến, Quốc Anh chờ mong và hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của tất cả. Quốc Anh chân thành cảm ơn.
17 Tháng Sáu 2013(Xem: 7928)
Giáo sư Trần Quang Hải trong studio đài RFI ngày 31/05/2013.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 8440)
Công ty bán đấu giá nói đàn đã vượt quá giá trị ước tính cả trăm ngàn đô la Cây guitar mà John Lennon và George Harrison của ban nhạc Beatles từng sử dụng đã có giá 408.000 đô la Mỹ qua bán đấu giá. Cây đàn thửa này do công ty VOX sản xuất năm 1966 và nay đã thuộc về một người mua giấu tên ở New York.
16 Tháng Tư 2013(Xem: 13627)
Long Beach Convention Center, một đại hí viện sang trọng vào bậc nhất tại miền Nam Cali với sức chứa hơn 6000 người, dường như không còn một chỗ trống trước số khán giả kỷ lục từ khắp nơi trên thế giới và Hoa Kỳ đã hội tụ về đây để tham dự Đêm Thơ Nhạc Những Vết Tiền Thân và Tình Ca Quê Hương do Hội Quốc Tế Thanh Hải Vô Thượng Sư, Trung Tâm Los Angeles tổ chức vào đêm Chủ Nhựt 29-12-96 vừa qua.