VĂN HÓA ONLINE - TRUYỆN THƠ TÙY BÚT - THỨ HAI 05 MAY 2019
Hồn cốt Đà Lạt và ‘căn nhà xưa’
KHÁNH HUYỀN 24/03/2019
TGTTO
“Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải? Nơi những sớm mai nằm nghe nắng giòn trên mái ...”. Chúng tôi trở lại căn nhà xưa đó ở Đà Lạt giữa những ngày báo chí đề cập nhiều đến chuyện giữ hồn cốt Đà Lạt.
Nghệ sĩ dương cầm Đặng Tất Hùng ở Đà Lạt.
Cuối tuần này, UBND tỉnh Lâm Đồng công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, TP Đà Lạt là đô thị loại I.
Trước đó, khi TP Đà Lạt công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Đà Lạt, đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, nổi lên nhiều góp ý việc làm sao để giữ hồn cốt Đà Lạt trước làn sóng hình thành các khu đô thị mới.
Một trong những căn nhà gỗ ấm áp ở Đà Lạt.
Với tôi, một du khách yêu Đà Lạt, một trong những điểm đến tạo thành hồn cốt Đà Lạt trong tôi chính là “căn nhà xưa” ấy.
Đến với căn nhà của anh Dũng chị Thanh, cặp vợ chồng già trong câu chuyện của tôi, một căn nhà gỗ nằm “trên đỉnh đồi trăng”. Trong căn bếp nhỏ đượm mùi củi lửa ấm áp giữa bầu không khí se lạnh, nghe thông reo vi vu bên thềm. Mùi khoai nướng, mùi cỏ cây, vị thơm nồng của tách trà làm ấm lòng những người thiết tha yêu và trở lại thăm Đà Lạt sau những xa cách, đổi thay.
Mỗi lần đến Đà Lạt là thế nào tôi cũng dành thời gian để đến được “căn nhà xưa’ ấy.
Con người, không gian, thời gian, và một Đà Lạt thu nhỏ trong lời bài hát “Căn nhà xưa” của Nguyễn Đình Toàn dường như nguyên vẹn tại đây.
Bao nhiêu lần tôi đã “thả trôi” theo một tình yêu buồn bã, cô quạnh và da diết từ thuở ấu thơ của Nguyễn Đình Toàn như ông từng viết: “Ở đó, cứ mỗi sáng sớm, mỗi buổi chiều, tôi đều có thể nghe tiếng chuông nhà thờ đổ từng hồi, buồn bã và trầm mặc... Đó là nơi tôi đã trải qua tuổi thơ khốn khó với nhiều nỗi vui buồn cùng ba mẹ và các anh chị…”.
“Ở đó , có những lũ sên bò quanh, có vết nứt rêu tường xanh, có những sớm mai trời trong…”. Lời bài hát “Căn nhà xưa” ngân vang với tiếng hát của chị Thanh, tiếng đệm đàn của anh Dũng mỗi lần khách phương xa ghé thăm.
“Ở đó” với tôi là ở đây, một cặp vợ chồng đã có tuổi , thăng trầm với nhau trong suốt thời tuổi trẻ, đúng như lời trong bài hát “khốn khó quyết nuôi tình duyên”!
Người yêu Đà Lạt thì nhiều lắm, người đến với Đà Lạt thì ngày càng đông, nhưng đến với Đà Lạt bằng sự rung động như lần đầu gặp gỡ thì không phải ai cũng có một tình yêu dai dẳng như vậy, nó phải được nuôi dưỡng bởi những “căn nhà xưa” như của anh Dũng, chị Thanh.
Có lẽ những người thương Đà Lạt thực sự sẽ không còn đến để háo hức khám phá dinh Bảo Đại, vườn hoa hay thác Cam Ly nữa mà sẽ vội vã trở về nơi lần đầu gặp gỡ cảm xúc về Đà Lạt, có khi chỉ là một góc nhỏ rất tầm thường để lắng nghe mùi vị trong không gian, một bản nhạc bên ly cà phê bốc khói, nhìn ngắm Đà Lạt bằng suy nghĩ hơn là những gì đang diễn ra.
“Ở đó có lá cuốn dây ngoài song, có giếng nước soi trời trong, có gió mát đêm bình yên ,có những tiếng chuông gần lắm…”
Tôi lại đắm chìm trong giai điệu của bài hát , những người bạn cạnh tôi cũng vậy. Mỗi người một tâm trạng, một cảm nhận nhưng không có mệt mỏi, lo lắng ở không gian này, chỉ còn là bình yên bất tận....
Lời bài hát hầu như chúng tôi ai cũng thuộc nhưng mỗi khi nghe anh chị hát lại thấy rung động, thấy mới, thấy thương ...
Tạm biệt cặp vợ chồng “ khốn khó quyết nuôi tình duyên”, tôi mới hiểu tại sao người Đà Lạt ân tình như thế, sâu lắng, thiết tha và bao dung như vậy! Có lẽ ngoài âm nhạc khiến ta xích lại gần nhau hơn thì chính sự thơ mộng của không gian sống, sự gần gũi, chân tình của con người khiến “tình nhân” nơi này gắn với nhau thật bền bỉ.
Những căn nhà gỗ ở Đà Lạt dễ gợi cảm xúc nơi du khách. Ảnh: Khuất Hoàng.
Đà Lạt ơi, hãy cứ đầm ấm, thơ mộng và tha thiết như lần đầu gặp nhé, dù ngày càng nhiều những cao ốc, những căn nhà hiện đại mọc lên làm mất đi gần hết yêu kiều xưa cũ!
Mong sao những khu đô thị mới không làm mất đi những căn nhà xưa, không làm mất đi những ‘vết nứt rêu tường xanh”…
Nguồn:
https://thegioitiepthi.vn/hon-cot-da-lat-va-can-nha-xua-160372.html