Amor, Amor, Amor - Rumba tình yêu muôn thuở của loài người

10 Tháng Ba 20199:35 CH(Xem: 6584)

VĂN HÓA ONLINE - VĂN NGHỆ - THỨ HAI 11 MAR 2019


Amor, Amor, Amor - Rumba tình yêu muôn thuở của loài người


26 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 4326)


RFI Thứ sáu 21 Tháng Sáu 2013


Amor, Amor : Muôn thuở rumba, chữ thập tình ca


image054


Tuấn Thảo


Hôm nay, 21/06/2013, là ngày đầu tiên của mùa hạ. Theo truyền thống từ năm 1981, nước Pháp chọn ngày này làm Ngày hội Âm nhạc. Kể từ hôm nay và trong suốt mùa hè này, RFI phát thanh loạt bài với chủ đề Nhạc tình muôn thuở. Đây là dịp để cho chúng ta cùng khám phá lại những giai điệu rất quen thuộc, cho dù công chúng ít để ý tác giả là ai.


Trong số này, có bản nhạc Amor, Amor, Amor (Tình yêu, Tình yêu) được chọn để mở đầu loạt bài Giai điệu muôn thuở trên đài RFI hôm nay. Ca khúc đã được ghi âm lần đầu tiên vào năm 1943. Tuy đã tròn 70 tuổi, nhưng khúc nhạc này viết theo thể điệu khiêu vũ rumba, cho tới nay, vẫn không có vết nhăn thời gian. Ngoài phiên bản rumba của Olivia Molina do RFI hoà âm lại năm 2013, chúng ta sẽ còn cùng nghe ca khúc này trong nhiều thứ tiếng khác, kể cả tiếng Việt, phối theo nhiều thẻ điệu như cha cha hay samba.


Trong nguyên tác tiếng Tây Ban Nha, bài hát do nhà soạn nhạc người Mêhicô Gabriel Ruiz Galindo sáng tác vào năm ông 35 tuổi. Bản nhạc được viết trong cái bối cảnh đổ vỡ hạnh phúc, trái tim chán nản, tâm hồn tuyệt vọng cho đến cái ngày mà con tim biết yêu trở lại, niềm hy vọng từ đó mà tái sinh. Để nhấn mạnh niềm tin tuyệt đối nơi tình yêu, tác giả lặp lại ba lần chữ Amor trong tựa đề nguyên tác, nhưng khi ghi âm thu đĩa, giới nghệ sĩ thường rút ngắn lại chĩ còn có hai chữ : Amor, Amor.


Tác giả Gabriel Ruiz Galindo (1908-1999) sinh trưởng ở Guadalajara, thủ phủ vùng Jalisco, tức là có cùng nguyên quán với bà Consuelo Velázquez (tác giả của bài Besame Mucho) mà RFI sẽ đề cập đến trong một kỳ tới. Sau khi đổ bằng tú tài, ông nghe lời song thân, thi vào trường đại học y khoa. Nhưng đam mê đầu đời của ông vẫn là âm nhạc, vì từ thuở thiếu thời ông vẫn là một học trò xuất sắc của nhạc viện thành phố Guadalajara.


Học sang năm thứ ba trường y, thì vào năm 1930, ông lại nhận được một học bổng của Trường Quốc gia Âm nhạc. Chàng trai lúc đó 22 tuổi mới khăn gói lên đường đến thủ đô Mêhicô, bỏ ngành y chuyển sang học nhạc trong vòng bốn năm. Sau khi tốt nghiệp, ông gia nhập Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Mêhicô. Sở trường của ông là chơi đàn vĩ cầm trong các buổi trình diễn nhạc thính phòng, nhưng bên cạnh đó ông còn biết đánh dương cầm và tây ban cầm, một yếu tố khá quan trọng, để làm giàu các làn điệu sáng tác sau này của ông.


Trong khuôn khổ Dàn nhạc giao hưởng Mêhicô, ông làm quen với bà Consuelo Velázquez. Bà nhỏ hơn ông nhiều tuổi, học sau ông nhiều lớp nhưng họ đều xuất thân từ nhạc viện thành phố Guadalajara. Cả hai đều có cùng một thầy vì trong dàn nhạc giao hưởng, bà Consuelo độc tấu dương cầm, còn ông Gabriel thì chơi vĩ cầm dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Carlos Chavez. Về sau này, hai người đều có mặt trong ban chấp hành Hiệp hội các tác giả Mêhicô, và cả hai đều nhận giải thưởng thành tựu sự nghiệp trong cùng một năm 1989.


Gabriel Ruiz Galindo viết những ca khúc đầu tay với tác giả Ricardo López Méndez vào giữa những năm 1930. Hai người từng quen nhau do sáng tác chung các ca khúc cho đài phát thanh : Gabriel soạn nhạc, Ricardo đặt lời. Tuy nhiên, những sáng tác đầu tiên này không thành công cho lắm, cho nên Gabriel mới chuyển qua sáng tác nhạc phim. Lối sáng tác của ông ban đầu rất nghiêm túc, mang nhiều ảnh hưởng của dòng nhạc cổ điển thính phòng.


Thầy của ông là nhạc sư Carlos Chavez mới khuyên ông là đừng ngại sáng tác nhạc nhẹ, vì theo ông Carlos Chavez điều quan trọng trong âm nhạc không phải là tính bác học hay bình dân, mà là tác giả diễn đạt được tình cảm chân thật từ đáy tim, chứ đừng có kiểu cách làm dáng. Đến một lúc nào đó, cái tình cảm chân thật ấy sẽ tìm thấy đối tượng đồng cảm.


Theo cách nhìn của người thầy, cái cốt lõi trong sáng tác là đạt đến sự tuyệt đối. Nhưng chữ tuyệt đối ở đây không có nghĩa là chinh phục mọi trái tim, mọi tâm hồn, bởi vì trên đời này chẳng có tác giả nào, dù có lớn cách mấy, cũng chẳng làm được như vậy. Chữ tuyệt đối ở đây nằm trong lối diễn đạt thấu đáo cặn kẻ cái cảm xúc của tác giả trong khoảnh khắc, tuy rất ngắn ngủi mà lại trọn vẹn.


Hai năm sau khi bà Consuelo Velásquez thành công rực rỡ với bản nhạc bolero Besame Mucho (1941), đến lượt ông Gabriel Ruiz Galindo sáng tác ca khúc để đời kinh điển của mình. Tác giả này lấy kinh nghiệm của chính mình để đưa vào trong ca khúc. Sau khi viết nhạc, ông phác thảo ra lời hát đầu tiên, rồi nhờ người bạn đồng nghiệp Ricardo López Méndez gọt dũa lại. Kết quả là bản nhạc Amor, Amor phá kỷ lục số bán trong mùa hè năm 1943.


Chỉ vài tháng sau bài hát được chuyển dịch sang tiếng Anh dưới ngòi bút của Sunny Skylar. Tùy theo phiên bản ghi âm, các nghệ sĩ Anh Mỹ khi thì giữ nguyên tựa đề Amor, lúc thì đổi thành More and More Amor. Ca sĩ Bing Crosby mở đường cho các giọng ca crooner ghi âm bài này. Trong các phiên bản tiếng Anh đáng ghi nhớ có phần ghi âm của Andy Russell vào năm 1944, của Julie London vào năm 1963 và nhất là của Dean Martin phối theo điệu cha cha.


Trong tiếng Việt, bài này có đến ít nhất ba lời khác nhau. Trước hết có phiên bản ghi âm của anh Tuấn Ngọc mang tựa đề "Tình Yêu", và tùy theo nguồn, lời được ghi chép là của tác giả Vũ Tuấn Đức. Kế đến có phiên bản "Em Yêu" của ca sĩ Lê Toàn. Lời tiếng Việt thứ ba là của nhạc sĩ Khánh Băng.


Trong tiếng Pháp, bản nhạc được hai tác giả Pascal Sevran và Serge Lebreuil phóng tác cho Dalida vào năm 1976, nhân dịp cô ghi âm các tình khúc vang bóng một thời, làm mới bằng cách phối khí lại theo điệu nhạc disco (trong đó có các bài J’attendrai hay Besame Mucho). Trong tiếng Tây Ban Nha, Julio Iglesias kết hợp ca khúc này với điệu samba, còn Luis Miguel cũng hay phối lại bản nhạc với lối hòa âm nhạc pop.


Dù có cố gắng cách mấy, các tác giả chuyên phóng tác chuyển ngữ vẫn không lột tả được hết cái ý tứ trong nguyên tác tiếng Tây Ban Nha. Vào lúc các nhà soạn nhạc bolero hay rumba tìm cách làm giàu ca từ bằng cách tránh lặp đi lặp lại những chữ đã dùng, thì hai tác giả Ruiz-López cố tình dùng sự trùng lặp để nhấn mạnh ý tứ. Ngoài chữ Amor, hai chữ khác là "nació" có nghĩa là nảy sinh và "besos" những nụ hôn được dùng rất nhiều lần. Nhưng độc đáo nhất là cách dùng ẩn dụ trong phần điệp khúc mà ta có thể tạm dịch như sau :


Nghe trong tim, nụ hôn xây tổ ấm
Cho cánh chim hy vọng trổ nhánh ngầm
Rắc trên môi làn hôn đầy chữ thập
Khắc niềm tin thắp sáng cõi thì thầm


Cách dùng ẩn dụ liên hoàn mà hoán chuyển, lần lượt nối kết nhau để tạo ra một sự chuyển động rất tượng hình. Nói rằng một đàn chim đang làm tổ thì nghe rất thường, nhưng hoán đổi hình tượng của một bầy chim bằng hình ảnh của những nụ hôn về xây tổ ấm trong đáy tim thì bỗng nhiên nghe rất lạ tai.


Tổ ấm xây xong, đàn chim lại tung bay tựa như thiên sứ đem những nhánh hy vọng đặt trên bờ môi người yêu, ánh sáng là biểu tượng của hy vọng, nụ hôn chữ thập là biểu tượng của thánh giá niềm tin. Thủ pháp ẩn dụ ở đây càng độc đáo khi dùng hình tượng tôn giáo chỉ để nói lên duy nhất một điều : tuyệt đối nhiệm mầu phép lạ tình yêu, trổ mọc nhánh hoa sa mạc tiêu điều, trẻ lại tâm hồn già cỗi đìu hiu./
15 Tháng Mười Một 2016(Xem: 8147)
03 Tháng Mười Một 2016(Xem: 8246)
(thân tặng Nguyễn Đình Cường & Ngọc Long)
16 Tháng Mười 2016(Xem: 8045)
02 Tháng Mười Một 2015(Xem: 8828)