Nhìn lại thị trường Văn nghệ VN: "Bolero Lệ Quyên và Piano Đặng Thái Sơn"

02 Tháng Giêng 20207:33 SA(Xem: 5878)

VĂN HÓA ONLINE - VĂN NGHỆ - THỨ SÁU 03 JAN 2020


Nhìn lại Thị trường Văn nghệ VN: "Bolero Lệ Quyên và Piano Đặng Thái Sơn"


Sô 30 tỉ của Lệ Quyên: Trẻ, trữ tình, bolero cho đến cả Chầu văn


21/12/2019


TTO - Đúng như Lệ Quyên đã chia sẻ, "Q show 2' thật sự là một 'đại tiệc âm nhạc, gây bất ngờ nhất trong số đó là màn Lệ Quyên hát chầu văn cùng mẹ 80 tuổi.


image015

Trong tiết mục Nhớ về Hà Nội, Lệ Quyên đã tái hiện hình ảnh Hà Nội xưa trong ký ức thời bé của mình bằng hệ thống màn hình LED di động. Đây cũng là lần đầu tiên công nghệ Blacktrack (chiếu 3D Mapping trên vật thể động) được sử dụng tại Việt Nam - Ảnh: ĐẠI NGÔ.


Tối 20-12, đêm diễn mở màn cho Q show 2 của ca sĩ Lệ Quyên đã diễn ra tại nhà hát Hòa Bình (TP.HCM).


Những ai yêu tiếng hát Lệ Quyên hẳn đã thỏa mãn với live show kỷ niệm 20 năm ca hát này. Lệ Quyên thật sự đã đầu tư tất cả tâm sức, tiền bạc cho sô diễn của đời mình. Cùng với đạo diễn Việt Tú, cô chăm chút từng chi tiết một trên sân khấu.


Dàn visual, âm thanh - ánh sáng trong Q show 2 là đều là hàng "thứ dữ", riêng chiếc micro mà nhiều siêu sao trên thế giới đang sử dụng đã ngốn hết nửa tỉ!


Điều khiến khán giả nể nhất ở Lệ Quyên là hát liên tù tì 25 tiết mục với hơn 30 ca khúc. Quyên hát không sai, không phô, không chênh một nốt nào. Từ nhạc trẻ, nhạc trữ tình, bolero cho đến... chầu văn đều đầy đặn, vang rõ.


Vì mang tính tổng kết chặng đường 20 năm ca hát nên chương trình cùng các tiết mục hơi "thập cẩm" với nhiều màu sắc, thể loại âm nhạc.


image016

Lệ Quyên như đang đứng hát giữa những tòa kiến trúc cổ châu Âu - Ảnh: ĐẠi NGÔ


Live show mở màn với đoạn intro xúc động nói về ước mơ lớn nhất cuộc đời của Lệ Quyên là được đứng trên sân khấu, được hát cho những ai yêu mến giọng hát của mình. Và rồi Quyên bắt đầu hát những ca khúc thời son trẻ: Giọt sương trên mí mắt, Nhớ về Hà Nội, Mùa chim én bay, Lời tỏ tình mùa xuân, Mong ước kỷ niệm xưa...


Ở chương II - Vào đời, sân khấu của Q show 2 trình chiếu các kiến trúc cổ điển được dựng bằng màn hình LED, tạo thành một không gian sang trọng, sống động.


Đẹp thì đẹp nhưng với không gian đậm chất châu Âu đó, có chút không ăn nhập khi Lệ Quyên đắm chìm cùng chuỗi nhạc Trịnh: Còn tuổi nào cho em, Ru đời đi nhé, Ru em từng ngón tay xuân nồng...


image017

Ngoài ra, sự xuất hiện của gần 40 nhân tượng trên sân khấu mờ ảo làn khói để tạo thành một bức tranh 4D bằng người thật cũng là điếm nhấn đặc biệt khiến khán giả thích thú trong chương II


Các bản phối Tình lỡ, Nhật ký đời tôi, Mưa qua phố vắng, Không bao giờ quên anh... ở chương III - Yêu nhận được rất nhiều tràng vỗ tay của khán giả; nhất là khi giám đốc âm nhạc Hoài Sa thi triển tiếng đàn piano điêu luyện cùng Tùng "sax" thả hồn vào tiếng saxophone đầy cảm xúc.


image018

Để kể về cuộc tình đầu đời, Lệ Quyên hóa thân thành nàng Juliette mộng mơ bên chàng Romeo. Vẫn rất đẹp nhưng không gian đẹp như điện ảnh đó vẫn không liên quan lắm đến nội dung các ca khúc ở phần này - Ảnh: ĐẠI NGÔ


Khép lại những tình cảm lứa đôi, Lệ Quyên bất ngờ mang đến một cảm xúc khác khi hát về mẹ qua Lời ru cho con, liên khúc Mẹ của nhạc sĩ Trần Tiến.


Nói về tiết mục này, đạo diễn Việt Tú cho biết: "Đây cũng là điểm nhấn bởi Quyên là một người ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ. Cô ấy là một người rất truyền thống, người phụ nữ điển hình của gia đình. Chính tiết mục này là tiết mục làm tôi mất ngủ nhất".


image019

Dàn diễn viên trong một "bức ảnh gia đình" phụ họa cho liên khúc Mẹ của Lệ Quyên, gợi nhiều ký ức về gia đình cho khán giả - Ảnh: ĐẠI NGÔ


Cảm xúc được đẩy đến cao trào khi clip Lệ Quyên nói về mẹ được chiếu trên sân khấu. Cô tâm sự: "Mẹ là một hình mẫu mà Quyên luôn hướng đến, mẹ cũng là người cho Quyên nhiều cảm hứng nhất trong nghệ thuật...".


image014

Người mẹ 80 tuổi, vốn là nghệ sĩ chèo (phía sau), lần đầu tiên lên sân khấu chuyên nghiệp cùng con gái Lệ Quyên - Ảnh: ĐẠI NGÔ


Mẹ của Lệ Quyên là một nghệ sĩ hát chèo, thế nhưng vì những thành kiến "xướng ca vô loài" lúc bấy giờ thế nên ước mơ được một lần đứng trên sân khấu vẫn chưa thể thành sự thật. Chính vì vậy, trong dịp đặc biệt này, Lệ Quyên đã dành một tiết mục để giúp bà có cơ hội đứng trên sân khấu chuyên nghiệp.


Hóa thân thành cô hầu đồng hát chầu văn, Lệ Quyên khiến khán giả bất ngờ và hưởng ứng ngay sau đó trong tiết mục Cô đôi thượng ngàn cùng mẹ. Tuy nhiên, với kỹ thuật ánh sáng, khán giả hoàn toàn không hề thấy được rõ mặt của mẹ Lệ Quyên.


Trong phần chia sẻ sau màn biểu diễn, Lệ Quyên cho biết cô và đạo diễn Việt Tú đã tranh luận rất nhiều về việc để mẹ của nữ ca sĩ bước ra sân khấu chào khán giả sau tiết mục. Tuy nhiên, cuối cùng Lệ Quyên đã quyết định "giấu" mẹ đi để bà không phải chịu những áp lực khi được biết rộng rãi là mẹ của một người nổi tiếng.


Q show 2 sẽ tiếp tục đêm thứ hai vào tối nay 21-12 tại nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) và ngày 4-1-2020 ở Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội).


>

Những khoảnh khắc đẹp trong Q show 2:


image020

Không chỉ âm nhạc và sân khấu, Lệ Quyên cũng khoe rất nhiều xiêm y lộng lẫy trong live show kỷ niệm 20 năm ca hát - Ảnh: ĐẠI NGÔ


image021

Nhạc sĩ Hoài Sa (giữa), người đã mang đến những bản phối thật đẹp cho sô - Ảnh: ĐẠI NGÔ


image022

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh chỉ duy dàn dây cho toàn đêm diễn - Ảnh: ĐẠI NGÔ


image023

Lệ Quyên thăng hoa trong tiết mục kết - Giấc mơ có thật - Ảnh: ĐẠI NGÔ


+++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Cô đôi Thượng ngàn


https://www.youtube.com/watch?v=RUGZrCd4XVs


QUỲNH NGUYỄN


+++++++++++++++++++++++++++++++


Nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn: Chúng ta phải nhanh lên, kẻo không kịp !


24/08/2019 17:54 GMT+7


TTO - Trước buổi diễn chính thức vào tối mai (25-8) tại Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu 2019, nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn đã có cuộc trò chuyện riêng cùng Tuổi Trẻ.


image024

NSND Đặng Thái Sơn trong buổi tập cùng Dàn nhạc HBSO tại rạp Thanh Vân vào ngày 23-8 - Ảnh: NGUYỄN TÂN


Buổi diễn của nghệ sĩ nhân dân (NSND) Đặng Thái Sơn tại Giai điệu mùa thu 2019 vào tối 25-8 là buổi trình diễn của những lần đầu: lần đầu biểu diễn tại Giai điệu mùa thu sau 12 năm liên hoan nghệ thuật này ra mắt, lần đầu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng của TP sau 40 năm, lần đầu trình diễn một chương trình với toàn các tác phẩm của Beethoven tại TP.HCM...


Vậy nên, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đã dành nhiều thời gian và tâm sức cho buổi trình diễn cùng dàn nhạc lần này.


Ngoài buổi hòa nhạc chính thức vào 20h tối 25-8, NSND Đặng Thái Sơn sẽ có buổi trình diễn miễn phí dành cho sinh viên, học sinh (có vé mời) vào 9h sáng mai 25-8 cũng tại Nhà hát TP.


Ông đã dành cho Tuổi Trẻ Online cuộc phỏng vấn vào trưa 23-8, ngay sau buổi tập cùng dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO) tại Nhà hát thành phố.


* Buổi ráp tập cùng Dàn nhạc giao hưởng HBSO tại khán phòng nhà hát TP trưa nay có khiến ông hài lòng?


- Tôi thấy thoải mái hơn nhiều. Trước đây, nỗi lo ngại lớn nhất của tôi mỗi khi về nước trình diễn là không có cây đàn chuẩn. Còn bây giờ nhà hát rất ấm áp với kiến trúc đẹp, âm thanh tốt, nhạc cụ rất chuẩn.


Dàn nhạc phần lớn là những nghệ sĩ trẻ, có bạn gọi tôi bằng bác nhưng được đào tạo bài bản trong và ngoài nước nên cũng rất yên tâm. Phần còn lại là khán giả. Và tôi chờ đợi để tận hưởng yếu tố cuối cùng này trong đêm 25-8 tới.


image025

NSND Đặng Thái Sơn trong buổi tập cùng Dàn nhạc HBSO tại rạp Thanh Vân vào ngày 23-8 - Ảnh: NGUYỄN TÂN


* Vì sao ông lại chọn toàn tác phẩm của nhà soạn nhạc Beethoven cho buổi trình diễn tại Giai điệu mùa thu lần này?


- Vì cũng sắp vào "mùa Beethoven" và tôi muốn mình sẽ là người đầu tiên mở màn cho "mùa Beethoven" tại Việt Nam. Gọi là "mùa Beethoven" là vì vào tháng 9 hàng năm, các nhà hát và nghệ sĩ cổ điển trên thế giới đều chuẩn bị các chương trình, tiết mục kỷ niệm sinh nhật của ông vào tháng 12.


Năm nay còn đặc biệt hơn khi mọi người đều đang hướng tới sinh nhật lần thứ 250 của ông. Cái gì cũng vậy, đầu mùa sẽ khiến mọi người thích thú hơn. Nên tôi chọn diễn đầu tiên để không bị mọi người "ngán".


Tôi chọn Beethoven cũng vì chất nhạc của ông luôn có sự mạnh mẽ xen lẫn mềm mại đầy cảm thông và chia sẻ. Cũng xin nói thêm, hai tác phẩm tôi chọn diễn trong đêm 25-8 tới: Concerto No.3 in C Minor và Symphony No.7 in A Major là hai tác phẩm đỉnh cao của Beethoven, lần đầu được tôi chơi cùng dàn nhạc tại Việt Nam.


HBSO mời NSND Đặng Thái Sơn biểu diễn cùng “Giai điệu mùa thu 2019”


* Mời được NSND Đặng Thái Sơn về trình diễn là một vinh dự và niềm hạnh phúc của những người tổ chức Giai điệu mùa thu. Và khán giả của Giai điệu mùa thu cũng đã chờ đợi ông suốt 12 mùa...


- Tôi cũng xin lỗi vì để mọi người chờ đợi mình quá lâu như thế!


Cá nhân tôi luôn vui mừng khi thành phố có một liên hoan đặc biệt và ý nghĩa thế này. Tôi luôn muốn có mặt, thậm chí là mỗi năm nhưng lịch làm việc của tôi quá dày đặc, thường phải sắp xếp trước ba, bốn năm nên đành để mọi người chờ đợi lâu.


Để có thể đến với khán giả TP.HCM tại Giai điệu mùa thu 2019, nhạc trưởng Trần Vương Thạch - giám đốc HBSO - đã làm việc cùng tôi từ hơn ba năm trước và tôi chọn luôn ngày này để về tham gia chương trình.


Quá trình chuẩn bị cho đêm diễn thật kỹ lưỡng. Ngoài việc chọn nhạc phẩm như tôi vừa trình bày, phía nhà hát đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều. Bởi lần này tôi trình diễn cùng cả dàn nhạc chứ không phải độc tấu nên dàn nhạc và nhà hát đã rất vất vả, dành rất nhiều thời gian luyện tập cũng như tâm sức cho các bản bè phối.


Ngoài ra, giám đốc nhà hát mời hẳn chuyên viên âm thanh ở Mỹ về cân chỉnh âm thanh cho màn trình diễn sắp tới. Tôi thật sự cảm kích.


image026

NSND Đặng Thái Sơn trong buổi phỏng vấn vào trưa 24-8 tại Nhà hát TP - Ảnh: HỮU HẠNH


* Ông có thể chia sẻ đôi chút về những hoạt động nghề nghiệp của mình ở thời điểm hiện tại?


- Tôi hiện tại sống và làm việc chủ yếu tại Canada, là giáo sư danh dự tại Đại học Motreal (Canada) và giáo sư piano tại trường Oberlin Conservatory (Mỹ). Ngoài công tác giảng dạy chính tại hai trường này, tôi cũng là giáo sư danh dự tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh (Trung Quốc) và Nhạc viện Đài Loan.


Bên cạnh các lớp học chính thức ở bốn ngôi trường trên, tôi dành thời gian cho các trại hè âm nhạc, các lớp học nâng cao Master class hay hướng dẫn cho các nghệ sĩ trẻ tài năng tham gia vào các cuộc thi piano danh tiếng trên thế giới.


Thời gian còn lại, tôi làm giám khảo cho các cuộc thi piano danh tiếng. Một đợt tham gia chấm thi mất của tôi từ 10 bữa đến nửa tháng. Vì vậy, tôi chấm thi khá chọn lọc, thường chỉ nhận ba đến bốn cuộc uy tín cho một năm.


Việc giảng dạy mất khá nhiều thời gian và tâm sức của tôi nhưng tôi vẫn phải đảm bảo khoảng 100 đêm diễn/năm cùng hoạt động ghi đĩa và cả luyện tập, biên soạn các chương trình, lịch diễn mới cho mình. Công việc khá nhiều thành ra kế hoạch nào cũng phải được sắp xếp trước hai, ba năm mới có thể theo được lịch trình và tiến độ công việc.


image027

NSND Đặng Thái Sơn trình diễn tại Việt Nam - Ảnh: T.T.D.


* Ông vừa chia sẻ về cả trăm buổi diễn/năm. Làm cách nào để ông có thể trình diễn tuyệt hảo được trong suốt bao nhiêu ngày tháng như thế?


- Con người hẳn nhiên không phải là một cái máy và tôi thật sự có lúc không có hứng biểu diễn, không hoàn toàn thả hồn vào buổi diễn mà chỉ diễn ở mức chính xác, chuyên nghiệp.


Rất may là với những buổi diễn ở Việt Nam, đặc biệt là tại TP.HCM thì cảm xúc trong tôi lúc nào cũng dâng trào. Có lẽ TP.HCM là quê ngoại, mẹ tôi được sinh ra ở đây nên khi trở về, tôi luôn có cảm giác mình đang đàn cho bà con mình nghe vậy.


image028

NSND Đặng Thái Sơn (phải) cùng nhạc trưởng Trần Vương Thạch (thứ hai, phải qua) và thành viên dàn nhạc trong buổi tập cùng Dàn nhạc HBSO tại rạp Thanh Vân vào ngày 23-8 - Ảnh: NGUYỄN TÂN


* Ông từng "báo động" về sự thụt lùi của nền nghệ thuật hàn lâm Việt Nam so với các nước trong khu vực. Là một giáo sư piano nổi tiếng của thế giới, đồng thời là một nhà sư phạm uy tín, ông có kế sách gì cho các tài năng piano nói riêng và sự phát triển của ngành nghệ thuật hàn lâm tại Việt Nam nói chung?


- Nhạc cổ điển vào Việt Nam khá sớm, từ thế kỷ 19 và đã có rất nhiều người Việt vào thời đó am hiểu, yêu thích và giỏi nhạc cổ điển. Tôi luôn tự hào là có má (nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Liên) và dì là những người đầu tiên được học đàn cổ điển và theo con đường nghệ sĩ chuyên nghiệp. Gia đình, anh em tôi vì thế cũng có truyền thống hoạt động âm nhạc nghệ thuật chuyên nghiệp.


Từ khi nhạc cổ điển mới du nhập vào Việt Nam cho đến cách đây 30, 40 năm, Việt Nam mình vẫn có được những tài năng cổ điển, nghệ thuật hàn lâm tiêu biểu và nổi bật trong khu vực. Tôi nhớ khi trình diễn cùng dàn nhạc tại Thái Lan cách đây 30 năm, tôi không ấn tượng gì về dàn nhạc của họ cả. Nhưng giờ đây, khi trở lại, tôi thật sự bất ngờ.


Không chỉ Thái Lan, những nước khác trong khu vực như Malaysia, Philippines hay Singapore... họ đã có sự đầu tư và định hướng đúng để các nghệ sĩ, dàn nhạc và ngành nghệ thuật hàn lâm ở nước họ phát triển nhanh, mạnh.


Nhưng với Việt Nam thì tôi thấy lo. Giờ đây, khi mọi điều kiện đã tốt hơn thời của tôi rất nhiều, các trung tâm âm nhạc nhà nuớc lẫn tư nhân đã mở ra rất nhiều, các phụ huynh cũng sẵn sàng đầu tư hơn, nhưng chúng ta vẫn chưa có được những hạt giống thật sự xuất sắc.


Tôi chia sẻ điều này dựa trên những lần chấm thi piano tại các cuộc thi danh tiếng hàng đầu thế giới trong nhiều năm qua. Thật đáng tiếc khi có rất ít thí sinh Việt Nam tham gia và nếu có cũng không có một đại diện nào từ Việt Nam có thành tích tốt.


Tôi thấy mình có trách nhiệm và khả năng để hỗ trợ và phần nào thay đổi cục diện này. Tuy nhiên, đến bây giờ vẫn chưa có một nhà chức trách nào tại Việt Nam hỏi tôi về điều đó. Tôi muốn đóng góp nhưng không ai hỏi, cũng chả ai khiến. Có kế sách gì cũng phải được hỏi, được gặp đúng người cái đã.


Vậy nên hiện tại, tôi chỉ muốn nói một điều: Chúng ta phải nhanh lên, kẻo không kịp nữa!


image029


NSND Đặng Thái Sơn cho biết những năm gần đây, thời gian rảnh rỗi của ông được dành cho mẹ. "Mỗi khi về Việt Nam tôi đều dành nhiều thời gian bên mẹ. Thi thoảng công tác đâu gần Việt Nam, tôi cũng tranh thủ về thăm bà.


Những năm trước, chúng tôi thường đưa bà du lịch khắp nơi trên thế giới. Nhưng gần đây, vì bà đã lớn tuổi không tiện đi xa nên tôi đưa bà đi những nơi gần Hà Nội như Ba Vì" - nghệ sĩ Đặng Thái Sơn chia sẻ.


Mẹ ông - nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Liên - đã 101 tuổi nhưng vẫn được con cháu động viên chơi đàn mỗi ngày như một cách rèn luyện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.


TT - Chiều 13-9 tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN, NSND Đặng Thái Sơn đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh cuộc thi piano quốc tế lần 2 (từ ngày 4 đến 11-9) vừa kết thúc tại Hà Nội.


QUỲNH NGUYỄN


Giai điệu mùa thu đang dần vắng khán giả: Mộng có thành mây bay đi?


27/08/2019


TTO - Vẫn rất chăm chút, vẫn đầy quyết tâm và cố gắng nhưng giấc mộng mùa thu đẹp đẽ này e sẽ tan thành mây khói nếu không có thêm một lực đẩy hay một cuộc tiếp sức mới, mạnh mẽ hơn.


image030

Thật tiếc khi bữa tiệc thịnh soạn của Giai điệu mùa thu 2019 chỉ thu hút được khán giả chủ yếu ở chương trình khai mạc Nhạc kịch trinh thám Yesterday’s memory (17-8, ảnh trái) và bế mạc hòa nhạc với NSND Đặng Thái Sơn (25-8, ảnh phải) - Ảnh: GIA TIẾN


1. Khán giả đã vỗ tay hơn 15 phút sau khi nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn kết thúc phần trình diễn của mình tại Đêm nhạc với nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn (trong khuôn khổ Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu - 2019) vào tối 25-8 tại Nhà hát TP.HCM.


Trước tình cảm quá lớn của khán giả mộ điệu, NSND Đặng Thái Sơn đã hai lần trở lại sân khấu để thết đãi thêm hai tác phẩm khác của Chopin không có trong chương trình.


Những tràng pháo tay vẫn liên hồi. Bấy nhiêu cũng phần nào cho thấy sức hút của âm nhạc bác học, của các tài năng nghệ thuật hàn lâm thật đặc biệt.


NSND Đặng Thái Sơn trong buổi tập cùng dàn nhạc HBSO chuẩn bị cho buổi diễn tại GiaI điệu mùa thu 2019 - Video: GIA TIẾN


2. Dù đã có đêm bế mạc ấn tượng, bay bổng cùng NSND Đặng Thái Sơn và Dàn nhạc Giao hưởng của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) nhưng Giai điệu mùa thu 2019, diễn ra từ ngày 17 đến 25-8 tại Nhà hát TP, nhìn chung vẫn là những giai điệu trầm buồn vì thiếu vắng khán giả.


Giai điệu mùa thu đã đi qua 12 mùa diễn, là niềm tự hào của giới làm nghệ thuật hàn lâm TP.HCM, là niềm hi vọng của những nghệ sĩ theo đuổi con đường nhọc nhằn và cũng là niềm hạnh phúc của những khán giả yêu thích loại hình nghệ thuật đỉnh cao này.


Được tổ chức định kỳ hai năm một lần ở thành phố đông dân vào bậc nhất nước, chưa kể khách du lịch, những tưởng sức lan tỏa của chương trình sẽ ngày một tăng, nhưng thực tế đang cho thấy chiều hướng ngược lại dù chất lượng và quy mô liên hoan luôn được giữ vững, thậm chí còn ngày một "đỉnh" hơn.


Hầu hết đêm diễn khá vắng. Có những đêm, khán giả chỉ được 1/3 trong tổng số chưa tới 450 ghế ngồi của Nhà hát TP. Khán giả thưa vắng, các đơn vị đồng hành, tài trợ ít ỏi là thực tế rất đáng lo ngại cho Giai điệu mùa thu, nhất là khi HBSO - đơn vị thực hiện chương trình - đang ở thời điểm gặp muôn điều khó mà vẫn cố cáng đáng như hiện nay.


NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ cảm xúc khi biểu diễn cùng dàn nhạc HBSO


3. Một bữa tiệc nghệ thuật công phu, thịnh soạn, không quá đắt đỏ nhưng vẫn lẻ loi, xa vời trong tâm trí của người mộ điệu. Vì đâu?


Lịch diễn được cho là hài hòa, giá vé được cho là hợp lý, khán phòng trình diễn được cho là vừa phải, ấm cúng. Ban tổ chức cũng không quên thay đổi trang trí bảng hiệu, hình ảnh, hoa tươi mỗi ngày trước sảnh để nhà hát và chương trình thành một điểm "check-in" mỗi tối.


Tập sách chỉn chu giới thiệu những điều hay, điều mới để cung cấp thêm thông tin của liên hoan cũng được trân trọng gửi đến từng khán giả đến xem. Truyền thông lẫn hình thức phân phối vé có đủ cả mặt trận truyền thống lẫn trực tuyến.


Vậy nhưng, một vài khán giả tiết lộ phải đến khi chương trình sắp kết thúc, họ mới biết. Số khác lại chia sẻ đã "theo" Giai điệu mùa thu suốt mấy mùa và nhận ra các nhân tố mới, tài năng trẻ hàn lâm Việt Nam đang hoạt động tương đối tích cực trên thế giới hiện nay ngày một ít về diễn.


Bản thân những nhân vật trẻ này cũng có khoảng cách khá xa so với những tên tuổi quốc tế hay tên tuổi của các bậc cha chú trong nước, phần nào khiến Giai điệu mùa thu bớt đi sự hấp dẫn cùng những hứng khởi.


Mà điều này cũng được chính NSND Đặng Thái Sơn "cảnh báo" về sự thụt lùi của nhân tài nhạc cổ điển ở Việt Nam.


Và việc bỏ hẳn những suất diễn bên ngoài nhà hát, hướng đến học sinh - sinh viên và giới trẻ thành phố cũng là một trong những điều đáng tiếc của Giai điệu mùa thu lần này.


Giai điệu mùa thu 2019 bế mạc ấn tượng cùng NSND Đặng Thái Sơn


4. Còn nhớ Giai điệu mùa thu ở thời "vàng son" cách đây bốn, năm mùa diễn, khi buổi diễn nào cũng gần như đầy ắp khán giả, chưa kể những đêm diễn đầy "máu lửa" miễn phí cho giới trẻ.


Khi đó, giám đốc nhà hát và đại diện Sở VH-TT từng "dệt mộng" đưa liên hoan này thành chương trình nghệ thuật thường niên, tầm cỡ quốc gia, thậm chí mang đi giới thiệu tại các nước trong khu vực...


Vậy nên, đã có những hi vọng Giai điệu mùa thu sẽ là động lực để những mầm non hàn lâm phấn đấu và là "chỗ dựa" cho những tài năng hàn lâm từ nước ngoài trở về cống hiến.


Vẫn rất chăm chút, vẫn đầy quyết tâm và cố gắng nhưng giấc mộng mùa thu đẹp đẽ này e sẽ tan thành mây khói nếu không có thêm một lực đẩy hay một cuộc tiếp sức mới, mạnh mẽ hơn.


Giai điệu mùa thu 2019 đã công bố một lịch diễn hài hòa ở các lĩnh vực giao hưởng, thính phòng, vũ kịch, nhạc kịch...


Trong đó, có những chương trình, tác phẩm “đỉnh” lần đầu được công diễn như:


- Nhạc kịch trinh thám Yesterday’s memory của hai nghệ sĩ Đức - đạo diễn David Hermann và tác giả kịch bản Anna Sophie Weber, được biểu diễn bởi đoàn nhạc kịch và dàn giao hưởng HBSO với nhạc trưởng Trần Nhật Minh.


- Vở ballet Mùa xuân thiêng liêng (The Rite of Spring) được biên đạo xuất sắc người Hà Lan Joost Vrouenraets dàn dựng và đỉnh cao là hòa nhạc với NSND Đặng Thái Sơn với tác phẩm của nhà soạn nhạc Beethoven.


Bên cạnh đó là những buổi hòa nhạc thính phòng Hàn Quốc, hòa nhạc kèn - gõ với các tác phẩm nhạc phim, hòa nhạc các tài năng trẻ piano, hòa nhạc thính phòng Hành trình âm nhạc Đông - Tây giới thiệu không chỉ các tác phẩm mới của nước ngoài mà còn của các nhà soạn nhạc trẻ trong nước...


QUỲNH NGUYỄN

17 Tháng Ba 2020(Xem: 5722)
06 Tháng Ba 2020(Xem: 5729)
06 Tháng Hai 2020(Xem: 5928)
28 Tháng Bảy 2019(Xem: 5961)
28 Tháng Sáu 2019(Xem: 6371)
05 Tháng Ba 2019(Xem: 7070)