Hòa nhạc năm mới ở Vienna: “Phát kiến” của Đức Quốc Xã

16 Tháng Ba 20227:20 SA(Xem: 5162)

VĂN HÓA ONLINE –YOUTUBE - THỨ TƯ 16 MAR 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Hòa nhạc năm mới ở Vienna: “Phát kiến” của Đức Quốc Xã


RFI 16/03/2022


image009(Ảnh minh họa) - Hòa nhạc mừng năm mới tại Vienna, Áo, ngày 01/01/2019. AP - Ronald Zak


Hoàng Nguyễn


Sau 1 năm gián đoạn và phải biểu diễn trong phòng trống không có khán giả vì tình hình dịch bệnh, vào hồi 11h15 phút sáng 1/1 năm nay, buổi hòa nhạc đầu năm tại thành Vienna lại được tiến hành trước sự mong đợi của giới hâm mộ nhạc cổ điển trên toàn thế giới: gần 100 quốc gia đã truyền hình trực tiếp sự kiện này!


Được xem như hoạt động văn hóa lớn nhất và có tầm ảnh hưởng đáng kể trên phạm vi toàn cầu, hòa nhạc đón năm mới tại Vienna được trình diễn bởi Dàn nhạc Giao hưởng Vienna, một chỉ dấu trong dòng nhạc bác học thế giới, và năm nay do nhạc trưởng, “ngôi sao” Daniel Barenboim người Israel chỉ huy, lần thứ ba trong đời.


Chủ yếu trình tấu những tác phẩm của đại gia đình Strauss, hòa nhạc đầu năm tại Vienna thu hút sự quan tâm của hàng tỷ khán giả xem truyền hình và theo dõi trước làn sóng điện, và trở thành một nét đặc thù của thành Vienna thơ mộng. Dầu vậy, không phải ai cũng biết, nguyên ủy, nó chính là sản phẩm của... phát-xít Đức!

Quá khứ ô nhục

Đệ nhị Thế chiến chính thức khai màn vào ngày 1/9/1939 khi phát-xít Đức tấn công Ba Lan, thực hiện một thỏa thuận ngầm trước đó với Liên bang Xô-viết là xóa sổ Ba Lan khỏi bản đồ châu Âu và phân định vùng ảnh hưởng tại “Châu lục già”. Tuy nhiên, một năm rưỡi trước đó, Đức đã cho sáp nhập Áo một cách hết sức dễ dàng.


Publicité


Sự kiện đó diễn ra vào tháng 3/1938, và khiến dân Áo tới giờ còn cảm thấy nhục nhã khi hồi tưởng lại lịch sử. Chỉ riêng ở thủ đô Vienna, hàn trăm ngàn người đã xuống đường để... vỗ tay, tung hoa mừng thủ lĩnh Adolf Hitler, và không hề có ý kiến gì khi đất nước mình mất quyền độc lập, trở thành một bộ phận của Đệ tam Đế chế.


Là bậc thầy của sự tuyên truyền và huyễn hoặc dân chúng, Đức quốc xã đã phát minh ra “truyền thống” rước ngọn đuốc từ Olympia của Hy Lạp và chuyền tay nhau đến nơi đang cai Thế vận hội, vào năm 1936 được tổ chức tại Berlin. Cũng chính phát-xít Đức, vài năm sau, đã nghĩ ra ý tưởng cho một buổi hòa nhạc vui tươi ở Vienna.


Cả hai phát kiến này đều gắn liền với tên tuổi Joseph Goebbels, bộ trưởng bộ Giác ngộ quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã kể từ khi Hitler “lên ngôi” năm 1933 đến khi nước Đức quốc xã tàn lụi vào năm 1945. Là một tiến sĩ triết học, Goebbels rất thông thạo trong việc dùng phát thanh, phim ảnh cho công tác tuyên truyền.


Giao thừa năm 1939, khi Thế chiến II vừa diễn ra được vài tháng, hòa nhạc mừng năm mới lần đầu được tổ chức tại thủ đô Vienna, không phải vào sáng mùng 1 mà vào ngày cuối của năm cũ. Địa điểm của buổi diễn, Hội trường Vàng của Musikverein, trụ sở Hội Khuyến nhạc Thành Vienna, được duy trì từ dạo ấy cho tới ngày nay.


Báo chí đương thời loan tin, đây sẽ là một buổi hòa nhạc đặc biệt, để quyên tiền cho một tổ chức từ thiện quốc xã. Như sẽ thấy, mục tiêu này cũng rất gần gũi với đa số thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng Vienna vì những lý do đặc biệt mà tới giờ, ít ai còn nhớ tới. Lịch sử buổi hòa nhạc mừng năm mới ở Vienna khởi đầu như thế.

Âm nhạc tươi vui giữa thời chiến

Joseph Goebbels đã nghĩ gì khi cho tổ chức một sự kiện văn hóa như vậy giữa thời chiến? Các nhà bình luận cho rằng, bậc thầy của tuyên truyền Đức muốn giới thiệu Vienna của dân tộc Đại Đức như một ốc đảo của âm nhạc, của sự lạc quan, và đặc biệt, để khích lệ và nâng cao tinh thần người dân và giới quân nhân trong chiến trận.


Ý định của nhà lãnh đạo quốc xã, một cách vô tình, lại rất trùng hợp với sở thích của cư dân Vienna, dầu vào thời bình hay thời chiến cũng vẫn say mê những điệu luân vũ, những khúc polka, hành khúc... mang đậm bầu không khí của “thủ đô hoàng gia”. Và nhạc của đại gia đình Strauss thì quá phù hợp cho mong muốn của cả đôi bên!


Không phải ngẫu nhiên mà ngay báo chí chính thống của Đức quốc xã cũng nhận xét rằng, không thể tìm đâu loại nhạc mang tính Đức và dân dã hơn nhạc của dòng họ Strauss. Vấn đề nan giải chỉ là, theo tìm hiểu, dòng họ này vốn gốc Do Thái, vậy làm sao cho phù hợp với đường lối bài Do Thái đến tận cùng của Đệ tam Đế chế?


Quyết định được đưa ra: nguồn gốc dòng họ Strauss phải được “bảo mật”, các chuyên gia “gia phả học” bị buộc phải im lặng, bằng cứ văn bản về nguồn gốc Do Thái của đại gia đình Strauss bị mật vụ Đức mang khỏi Nhà thờ lớn Stephansdom, và những thành viên còn sống của dòng họ bị tịch thu mọi gia sản mà họ được thừa kế.


Bằng cách đó, hòa nhạc mừng năm mới ở Vienna không hề bị ngắt quãng ngay cả trong những ngày tháng ác liệt của Đệ nhị Thế chiến. Cần biết là trong buổi diễn đầu tiên vào ngày cuối năm 1939, 47% nhạc công của dàn nhạc Giao hưởng Vienna là đảng viên Đảng Quốc xã, 25% đã gia nhập đảng trước khi Áo bị Đức sáp nhập.


Đáng nói là trước năm 1938, Đảng Quốc xã còn bị cấm ở Áo, như vậy là một bộ phận đáng kể những ngôi sao có mặt tại buổi hòa nhạc mừng năm mới đều “có vấn đề” về mặt chính trị. Cũng vì vậy, có thể nói đa số giới nhạc công đều ủng hộ ý tưởng chơi nhạc để quyên tiền cho Đức quốc xã trong những năm của Thế chiến.

Sự kiện văn hóa nổi tiếng nhất toàn cầu

Từ khởi đầu cho đến năm 1954, ngoại trừ chút gián đoạn, nhạc trưởng Clemens Krauss - được coi là “Vienna từ trong máu” - là người điều khiển buổi hòa nhạc. Nam 1941, ông đã phản đối việc chuyển hòa nhạc sang sáng đầu năm, theo ông, hay nhất vẫn là diễn vào tối giao thừa vì sáng mùng 1 thì ai còn quan tâm tới nhạc cổ điển?


Sau năm 1945, các hoạt động của Đức quốc xã tại Áo đương nhiên bị cấm, nhưng hòa nhạc đầu năm thì không: bộ phận quân quản phụ trách về văn hóa của Liên Xô vẫn cho phép Clemens Krauss chỉ huy dàn nhạc vào ngày 1/1/1946. Nhưng ngay sau đó, ông phải ngừng trong 2 năm vì bị phe Đồng minh cho là có vai trò trong chiến tranh.


May là cuộc điều tra cho thấy, vị nhạc trưởng gốc Romania này cùng người vợ hai đã có công trạng cứu giúp người Do Thái chạy khỏi nước Đức Hitler trong thập niên 30, nên Clemens Krauss lại được trở lại. Cho đến khi qua đời năm 1954, ông có dịp đứng trên bục danh dự của Hội trường Vàng 14 lần, một con số hết sức đáng nể.


Sau Clemens Krauss, tiếp đến “kỷ nguyên vàng” của nghệ sĩ vĩ cầm, nhạc trưởng Willi Boskovsky, người giữ kỷ lục không thể phá nổi với 25 lần vẩy đũa trong các dịp đầu năm tại Musicverein. Ít ai còn nhớ tới quá khứ quốc xã của sự kiện, cũng như việc 6 nhạc công của dàn nhạc đã thiệt mạng trong trại tập trung vì là người Do Thái.


Nước Áo bị coi là trực diện quá muộn và khó nhọc với di sản lịch sử thời “tiền Thế chiến II” của mình, và câu chuyện “Do Thái - không Do Thái” liên quan đến hòa nhạc mừng năm mới, hiện vẫn là điều cư dân nước này ít biết. Nhưng điều đó không chắc đã là dở với một quốc gia trung lập và yêu hòa bình như Cộng hòa Áo hiện tại.


Bởi lẽ, cứ đến cuối năm, người dân nước này chỉ cần phải mong ngóng những giai điệu quen thuộc của “Dòng sông xanh” và “Hành khúc Radetzky” ở phần “thêm” (bis) của sự kiện, để rồi được nghe lời chúc lành năm mới từ vị nhạc trưởng, và sau đó, thưởng thức hình ảnh khi ông đứng quay mặt lại khán giả và chỉ huy dàn nhạc.


Bữa tiệc của âm thanh và hình ảnh biểu tượng ấy cho kinh thành nước Áo có thể xóa bỏ mọi quá khứ không phải hoàn toàn tốt đẹp của buổi hòa nhạc mừng năm mới thường niên ở Vienna...


++++++++++++++++++++++++++++


Hành khúc Radetzky - Johann Strauss Sr


https://www.youtube.com/watch?v=cwsanzbEdoQ

image008

Johann Strauss II The Blue Danube Waltz Vienna Philharmonic Vals del Danubio Azul



image010
23 Tháng Hai 2014(Xem: 8969)
- “Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” là cuốn sách mà tác giả Hãn Nguyên Nguyễn Nhã đã dày công nghiên cứu suốt 40 năm. Nằm trong tủ sách Biển – Đảo Việt Nam, cuốn “Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” (NXB Giáo dục) của tác giả Hãn Nguyên Nguyễn Nhã là tài liệu tham khảo hữu ích về biển, đảo.
10 Tháng Hai 2014(Xem: 17138)
Văn Hóa Magazine trân trọng giới thiệu 1 chương về Chiến tranh Việt Nam trong tác phẩm mới nhất của nhà nghiên cứu Nguyễn Kỳ Phong: Hành quân - Đường về Tchepone Lam Sơn 719
21 Tháng Giêng 2014(Xem: 9185)
Văn Hóa Magazine trân trọng giới thiệu tác phẩm mới nhất của nhà nghiên cứu Nguyễn Kỳ Phong: Hành quân - Đường về Tchepone Lam Sơn 719
24 Tháng Mười 2013(Xem: 7727)
Hồi tháng Tám vừa qua, cựu thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu cho ra mắt cuốn sách hơn 400 trang, bày tỏ quan điểm về tương lai, triển vọng của các quốc gia lớn đáng chú ý trên thế giới và trong vùng Đông Nam Á.
26 Tháng Sáu 2013(Xem: 14234)
Chân dung Trung tướng Tôn Thất Đính 1963.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 8472)
Sách dày 464 trang, tập trung khai thác các vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội... của Việt Nam sau 1975. Đề cập đến các lãnh đạo cao cấp nhất như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh...