Nobel Văn chương 2016 về tay Nghệ sĩ tài hoa Bob Dylan

16 Tháng Mười 20167:45 CH(Xem: 6341)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  HAI  17  OCT  2016


Nobel Văn chương 2016 về tay Nghệ sĩ tài hoa Bob Dylan

Vì sao Bob Dylan được Nobel Văn học?

  • BBC 13 tháng 10 2016


image064Image copyright PA Image caption Ca sĩ Bob Dylan


Ca sĩ Mỹ Bob Dylan đã được trao giải Nobel Văn học 2016.


Huyền thoại nhạc rock 75 tuổi được ca ngợi là "đã sáng tạo cách thể hiện thơ ca mới trong truyền thống ca khúc vĩ đại của Mỹ".


Đây là nhạc sĩ đầu tiên được trao giải thưởng danh giá này. Ông cũng là người Mỹ đầu tiên, từ sau Toni Morrison năm 1993, được nhận Nobel Văn học.


Phân tích của Colin Paterson, phóng viên giải trí

Điều gì khiến một người chỉ mới viết ba cuốn sách lại là người chiến thắng phù hợp của Nobel Văn học?


Có thể nói Bob Dylan biến ca từ trở nên quan trọng hơn âm nhạc.


Thứ Sáu tuần rồi, Dylan diễn phụ cho ban The Rolling Stones tại Festival Desert Trip tại California. Trong chương trình, ông hát bài Rainy Day Women #12 & 35.


image065

Image copyright AFP Image caption Loan báo giải thưởng ở Stockholm ngày 13/10


Ca khúc này có câu "everybody must get stoned," đã tạo ra tranh cãi nhiều thập niên không hiểu nó nói về hình phạt ném đá trong Cựu Ước hay là kêu gọi mọi người hút cần sa. Hay có khi cả hai.


Ít ai cho rằng đây là ca từ hay nhất của ông, nhưng nó chứng tỏ sự kết hợp giữa chất vấn chính trị, tìm hiểu tôn giáo, quan tâm nhân văn, những điều đã đan xen trong tác phẩm của ông hơn 50 năm, đủ cho ông được giải thưởng này.


Kết quả cũng chứng tỏ thay đổi thực sự cho giải. Suốt 112 năm, chưa người viết nhạc nào được giải.


Quyết định này đẩy ca từ lên ngang với văn học, thơ và kịch. Nó là bước đi lớn tách khỏi chủ nghĩa trí thức tự thị, và thói tinh hoa mà vì nó đã dẫn đến phê phán giải này.


Những người được Nobel Văn học gần đây

2015: Svetlana Alexievich (Belarus)


2014: Patrick Modiano (Pháp)


2013: Alice Munro (Canada)


2012: Mạc Ngôn (Trung Quốc)


2011: Tomas Transtromer (Thụy Điển)


+++++++++++++++++++++++++++++++++++

Giải Nobel Văn Học 2016 cho chất thơ trong nhạc Bob Dylan

Thu Hằng


Phát Thứ sáu, ngày 14 tháng mười năm 2016


image066

Bob Dylan (P) và Joan Baez trong chuyến "Tuần hành đến Washington vì Việc làm và Tự do", ảnh chụp ngày 28/08/1963.CC/U.S. National Archives and Records Administration


Cùng với Nobel Hòa Bình, Nobel Văn Học, được cho là hai giải mang tính chính trị những cũng là những giải được ngóng đợi nhất. Lần đầu tiên được trao vào năm 1901 cho Sully Prudhomme, theo truyền thống, Nobel Văn Học luôn được công bố vào thứ Năm đầu tiên của mùa giải.


Tuy nhiên, cuối tháng 09/2016, Viện Hàn Lâm Thụy Điển, tổ chức trao giải Nobel, thông báo Nobel Văn Học sẽ không được công bố cùng tuần với những giải khác do Alfred Nobel thành lập, mà lùi đến ngày 13/10, càng khiến người hâm mộ hồi hộp chờ danh tính của tân chủ nhân.


Phương pháp làm việc của hội đồng giám khảo luôn bất di bất dịch. Tháng Hai hàng năm, Viện Hàn Lâm lập danh sách khoảng 300 ứng viên được đề cử, sau đó họ giữ lại khoảng 20 người trước khi chọn năm tác giả vào chung kết. Tất cả đều diễn ra trong bí mật ! Thành viên giám khảo cân nhắc và đánh giá trong suốt mùa hè trước khi chọn ra tân khôi nguyên và công bố giải thưởng vào đầu tháng 10. Cuộc bỏ phiếu chính thức chọn tân khôi nguyên trong số năm tác giả được lọt vào vòng cuối diễn ra trong buổi họp cuối cùng, chỉ vài giờ trước khi thông báo chính thức.


Quyết định lùi ngày công bố Nobel Văn Học được giới quan sát cho rằng có sự bất đồng trong nội bộ hội đồng giám khảo. Sự chờ đợi lại càng giúp giới chuyên môn và các nhà cái thu hút thêm đặt cược. Tại nhà cái Landbrokes nổi tiếng của Anh, nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, lần thứ hai liên tiếp, nhận được tỉ lệ cá cược cao (1 ăn 5), ngoài ra còn phải kể đến nhà thơ gốc Syria Adonis (tỉ lệ 1 ăn 7) hay tiểu thuyết gia người Kenya Ngugi wa Thiong’o (1 ăn 4), ba tác giả người Mỹ Don DeLillo, Philip Roth và Joyce Carol Oates...


Hai ngày trước lễ công bố Nobel Văn Học 2016, mọi phỏng đoán đều mang tính hên xui. Giới văn chương đồng loạt đưa ra nhận định nhà văn Nhật Haruki Murakami, được công chúng và người cá cược ưa thích nhất, chưa chắc đã nhận được sự ủng hộ của hội đồng giám khảo, vì “thế thì dễ đoán quá !”


Bí mật được giữ đến phút chót, đúng như lời nói đùa của ông Odd Zschiedrich, người đứng đầu Viện Hàn Lâm : “Nhiều người muốn biết có gì trong những gói quà Noel, một số người khác thì lại muốn điều bất ngờ. Còn chúng tôi muốn gây bất ngờ”.


Và Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã giữ lời hứa : Nobel Văn Học 2016 được trao cho Bob Dylan. Từ một cậu bé xuất thân trong một gia đình nhập cư Do Thái, Robert Allen Zimmerman (sinh ngày 24/05/1941), tên thật của Bob Dylan, trở thành một biểu tượng, một huyền thoại sống của âm nhạc Mỹ.


Bob Dylan, “người tạo ra những hình thức diễn đạt thi ca mới”


Bà Sara Danius, tổng thư ký của Viện Hàn Lâm giải thích lựa chọn của hội đồng giám khảo :“Ông (Bob Dylan) rất có khiếu trong thơ ca. Đó là một loại hình văn học gợi nên truyền thống cao thượng và có thể kết hợp một cách sáng tạo những loại âm nhạc khác nhau và những thể loại văn khác nhau”.


Với một số người, Bob Dylan là một huyền thoại, với một số khác thì ông là người phát ngôn cho thế hệ Beat (Beat generation, Beatniks) và hippie. Nhắc đến ông là nhắc đến Hoa Kỳ trong những năm 1960 với một thế hệ trẻ hoài nghi xã hội và làn sóng phản văn hóa. Nhắc đến ông là nhắc đến những phong trào đấu tranh vì nhân quyền và phản chiến, đặc biệt là cuộc chiến tại Việt Nam, với nhạc phẩm Blowin’ in the Wind, ca khúc nổi tiếng năm 1962 được lấy một phần từ một ca khúc truyền miệng giữa những người nô lệ da mầu mang tên No More AuctionBlock, trở thành bản “thánh ca” trong các phòng trào đấu tranh ôn hòa.


Bao nhiêu chặng đường phải bước
Cho hồn xứng đáng thành người ?

Bồ câu vượt bao đại dương
Mới được trên cát ngủ vùi ?
Bao nhiêu đạn dược phải rơi

Mới đến ngày im tiếng súng ?
Bạn thử nghe câu trả lời

Tiếng thầm bay trong gió thổi...


(Tuấn Thảo, Tác giả Bob Dylan, nhà thiết kế tân kỳ dòng nhạc folk)


Với phong cách folk-rock trí thức, cặp kính đen, chiếc mũ phớt đặt trưng và giọng hát có phần thô ráp nhưng đầy mạnh mẽ, Bob Dylan quyến rũ với những bài hát phản chiến trong thập niên 1960 tới những bản blue buồn rầu trong những năm 1990. Theo tổng hợp của website L’Obs, ít nhất “25 bài hát của Bob Dylan xứng đáng được nhận một giải Nobel”.


Từ A Hard Rain’s A-Gonna Fall (1962) được sáng tác dưới dạng hỏi-đáp trên nền nhạc dân gian Anh-Scotland của thế kỷ XVII, thể hiện xuất sắc tâm trạng lo sợ một cuộc chiến tranh hạt nhân từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba (10/1962)… đến lời chỉ trích giận dữ ngành công nghiệp quân sự : “Ngay cả Chúa Jesus cũng không bao giờ muốn tha thứ cho những gì các người làm” trong Masters of War (1963). Năm 2001, Bob Dylan nhận xét : “Masters of Wars không phải là một bài hát phản chiến. Tôi không ôn hoà đến mức vậy”. Khổ cuối của bài hát chứng minh điều này : tác giả vui mừng vì những tên lái súng phải đền mạng.


Cả ba bài hát này đều nằm trong album The Freewheeling’ Bob Dylan, phát hành năm 1963. Cũng vào năm này, ông tham gia cuộc "Tuần hành đến Washington" cùng Martin Luther King. Bob Dylan từng thổ lộ trong một buổi phỏng vấn thu âm vào năm 1966, nhưng được BBC công bố lần đầu tiên vào ngày 23/05/2011, ông từng nghiện ma túy ở New York, chi 25 đô la mỗi ngày để mua loại chất gây nghiện này và từng nghĩ đến tự tử.


Cuối thập niên 1970, chàng trai nổi loạn gốc Do Thái khám phá Cơ đốc giáo và xa dần một bộ phận người hâm mộ, những người cho rằng ông là “một nhà truyền đạo”. Thế nhưng, ông chỉ nhận mình là một nhà thơ, một ca sĩ chứ “không phải là một nhà truyền đạo. Tôi không làm được điều kỳ diệu”, như ông từng nói trong tập đầu cuốn hồi ký Chronicles xuất bản năm 2005.


Bob Dylan, “người mang lại hơi thở cho thi ca”


Cậu con trai xuất thân trong gia đình nhập cư tiếp tục sáng tác và rong ruổi chuyến lưu diễn mà ông gọi là “Never Ending Tour”, trong đó có trạm dừng chân tại Việt Nam ngày 10/04/2011 trước hơn 8.000 người hâm mộ thành phố Hồ Chí Minh. Ngay hôm được trao giải Nobel, Bob Dylan có một buổi trình diễn tại Las Vegas. Tháng 03/2016, Fallen Angels, album phòng thu thứ 37 ra đời, ông hát lại những ca khúc Mỹ từng được Frank Sinatra phổ biến.


Trong buổi lễ trao giải thưởng “Nhân Vật của Năm” của MusiCares được tổ chức năm 2015, nhạc sĩ-ca sĩ nhìn lại chặng đường đã đi : “Những bài hát không xuất hiện nhờ phép mầu nhiệm, tôi không sáng tác ra chúng từ chỗ không có gì cả. Tôi đã học viết lời bài hát bằng cách nghe những bài hát dân ca. Và tôi chơi chúng (…), tôi không hát gì khác ngoài những folk songs, và những bài hát này đã mở ra cho tôi tất cả những gì thuộc về mọi người”.


“Bob Dylan là một người luôn thích làm việc, lúc nào cũng hoạt động”, đây là lời khẳng định với AFP (13/10/2016) của nghệ sĩ Hugues Aufray, một người bạn Pháp thân thiết của Bob Dylan từ năm 1961 và là người đầu tiên chuyển thể một số bài hát sang tiếng Pháp. Ông nhận xét :


“Giải Nobel Văn Học 2016 có vẻ khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng Dylan thật sự là một người đặc biệt, từ cách ông chơi ghi ta đến cách ông hát, từ cách ông nghĩ đến cách ông viết… Ông là người mang lại đúng giai điệu du dương cho thơ ca. Rất nhiều nhà thơ đã không hiểu tín hiệu mà Rimbaud đưa ra. Năm 20 tuổi, ông đã vứt cuốn sổ ghi chép của mình và lên đường, tạo nên triết lý thơ trải nghiệm. Dylan đi theo truyền thống này: ông đã mang lại hơi thở cho thơ ca, điều mà theo tôi đang chết dần, vì quá tinh hoa. Thơ của Dylan đi vào những nhà máy, thẩm sâu trong lòng người”.


Tại sao lại không phải là Leonard Cohen hay Patti Smith, cũng là những nhà thơ thổi hồn cho nhạc ? Ông Huges Aufray cho rằng “họ không có nét quyến rũ của Bob Dylan”.


11 giải Grammy, 1 giải Oscar (2000), 1 giải Quả cầu vàng (2001), 1 huân chương tự do từ tổng thống Barack Obama (2012), 1 giải Pulitzer (2008) cho dấu ấn sâu sắc đối với âm nhạc đại chúng và văn hóa Mỹ, qua những tác phẩm trữ tình có sức mạnh thi ca phi thường”, ở tuổi 75, ca sĩ-nhạc sĩ người Mỹ vừa gây nên một bất ngờ tuyệt vời. Biểu tượng của làng nhạc Mỹ đã thuyết phục được một hội đồng giám khảo khó tính, chỉ quan tâm đến việc “tác giả có tài hay không, liệu phong cách viết của người đó có hơn những nhà văn khác cũng được lựa chọn hay không”.


Bob Dylan không phải là quyết định ngạc nhiên đầu tiên : Viện Hàn Lâm Thụy Điển từng trao giải Nobel Văn Học cho thủ tướng Anh Winston Churchill năm 1953./


+++++++++++++++++++++++++++++++++++


Giải Nobel Văn chương 2016 tôn vinh ​Bob Dylan


13/10/2016 18:00 GMT+7


TTO - Viện Hàn lâm Thụy Điển vừa quyết định trao tặng giải Nobel Văn chương 2016 cho nhạc sĩ, ca sĩ Bob Dylan.


image067

Nhạc sĩ, ca sĩ, nhà văn Bob Dylan - Ảnh: Reuters


Theo công bố của Viện Hàn lâm Thụy Điển vào lúc 13g ngày 13-10 (tức 18g, giờ VN), nhạc sĩ, ca sĩ Bob Dylan đã được vinh dự nhận giải cho những phát kiến của ông về biểu đạt thơ ca trong truyền thống âm nhạc đồ sộ của Mỹ.


Đây cũng là một kết quả khá bất ngờ bởi ông không nằm trong số những nhà văn tên tuổi được dự báo sẽ thắng giải. Như Tuổi Trẻ đã thông tin, "lãng tử du ca" Bob Dylan (nghệ danh của nghệ sĩ người Mỹ Robert Allen Zimmerman) lọt vào top 10 ứng cử viên được phỏng đoán cao nhất cũng là điều gây nhiều chú ý. Từ tỉ lệ 50/1 tuần trước, tỉ lệ cá của Bob Dylan đã vươn lên 16/1 trong hôm nay.


Bob Dylan sinh ngày 24-5-1941 tại Duluth, bang Minnesota (Mỹ). Ông lớn lên trong một gia đình Do Thái trung lưu ở thành phố Hibbing. Thời niên thiếu Dylan chơi trong nhiều ban nhạc khác nhau và chúng đã nuôi dưỡng sâu sắc thêm niều vui thú với âm nhạc trong con người ông, đặc biệt là với âm nhạc dân gian Mỹ (American folk music) và nhạc blues.


image069 

“Trong vòng 55 năm qua, ông chưa từng ngưng hoạt động nghệ thuật và vẫn luôn tự khám phá những khía cạnh mới của bản thân để tạo nên những bản sắc mới”

Bà Sara Danius, Thư ký thường trực của Ủy ban Nobel


Ngày nay nhạc sĩ, ca sĩ Dylan đã được xem là một tượng đài nghệ thuật có sức ảnh hưởng lớn đến âm nhạc đương đại và là đối tượng trích dẫn thường xuyên (trong các nghiên cứu, bài báo).


“Trong vòng 55 năm qua, ông chưa từng ngưng hoạt động nghệ thuật và vẫn luôn tự khám phá những khía cạnh mới của bản thân để tạo nên những bản sắc mới”, bà Sara Danius, Thư ký thường trực của Ủy ban Nobel, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Bob Dylan có xứng đáng được nhận giải Nobel Văn chương hay không.


"Ông ấy là một nhà thơ vĩ đại trong nền văn học Anh ngữ", bà Danius khẳng định.


“Nếu bạn quay ngược về quá khứ 2.500 năm về trước, bạn sẽ thấy Homer và Sappho đã viết nên những tác phẩm sử thi dùng để lắng nghe và trình diễn cùng với các nhạc cụ, nhưng đến ngày nay các tác phẩm của họ vẫn được đọc và thưởng thức như một tác phẩm văn học. Bob Dylan cũng vậy. Người ta có thể, và nên đọc những tác phẩm của ông”, bà Danius giải thích.


Theo một khảo sát ngắn được thực hiện trên website chính thức của giải Nobel, 70% người truy cập đã từng biết đến Bob Dylan và các sáng tác của ông.


image070

Bob Dylan trong buổi trình diễn The Hop Festival ở Paddock Wood, Kent ngày 30-6-2012 - Ảnh: Reuters


"Điều đáng kể ở Bob Dylan, chính là cách ông ấy tiếp cận ngôn từ, suy nghĩ về ngôn từ và làm biến đổi ngôn từ", nhà báo Greil Marcus, người từng có 3 quyển sách viết về nhạc sĩ, ca sĩ Dylan, ngợi khen.


Nhà phê bình âm nhạc người California (Mỹ) nhận định tiếp: "Người ta thường nói rằng tài năng bậc nhất của Bob Dylan chính là việc gieo rắc sự lờ mờ trong tâm trí. Kế đến, người ta thường kể về ông ấy như một con quái vật đeo nhiều mặt nạ, hoặc như một con tắc kè luôn biến đổi màu hoặc thậm chí ông ấy không có danh tính". 


"Ông ấy là nhân vật mà người ta thường thêu dệt đủ điều, đủ chuyện mà trong một số trường hợp cũng không phải là chính xác. Tôi còn nhớ ca sĩ Bobby Darin từng tuyên bố 'Tôi muốn trở thành một huyền thoại ở tuổi 25'. Bobby không bao giờ làm được điều đó, nhưng Bob Dylan thì có", Greil Marcus kết luận.


Với 27 trên tổng số 112 tác giả từng nhận giải Nobel Văn chương sáng tác chủ yếu bằng tiếng Anh, đây là ngôn ngữ sáng tác phổ biến nhất của các tác giả được trao giải thưởng này.


Thể loại sáng tác thông dụng nhất của các nhà văn, nhà thơ từng đoạt giải Nobel là văn xuôi vì có đến 76 nhà văn sáng tác chủ yếu ở thể loại này.


image072

Bob Dylan năm 1966 - Ảnh: The Guardian


Giải ghi nhận cả đời sáng tác


So với các giải Nobel khác, những nhà văn, nhà thơ đoạt giải Nobel là “già” nhất, với tuổi đời trung bình lúc nhận giải là 65 tuổi.


Cho đến nay tác giả lớn tuổi nhất được nhận Giải Nobel Văn chương là Doris Lessing, nữ nhà văn người Anh này đã 88 tuổi khi được công bố là người nhận giải năm 2007. Người trẻ nhất được nhận giải cũng là nhà văn Anh (nhưng sinh trưởng ở Bombay, Ấn Độ): Rudyard Kipling. Ông 42 tuổi khi được trao giải năm 1907. Ông là nhà văn viết tiếng Anh đầu tiên được trao giải Nobel.


Mặc dù Kipling có đến Stockholm nhận giải, nhưng ông không được đọc diễn văn vì trước đó hai ngày, Vua Oscar Đệ nhị của Vương quốc Thụy Điển qua đời nên bữa tiệc chiêu đãi những người được giải thưởng đã bị… hủy bỏ.


Năm 1913, giải Nobel văn chương được trao cho nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore. Đây là lần đầu tiên giải thưởng được dành cho một tác giả châu Á. Vinh dự lớn lao nhưng khi nhận được tin vui, nhà thơ Tagore đang ở Mỹ nên ông chỉ có thể gửi một bức điện ngắn để cảm ơn chứ không thể đến Thụy Điển nhận giải được.


Có một điều thú vị là cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill thường bị nhầm là đã đạt giải Nobel Hòa bình trong khi giải Nobel mà ông được nhận lại là… Nobel Văn chương. Dù là một chính trị gia, ông lại nhận được đến 21 đề cử cho giải Nobel Văn chương trong giai đoạn 1945-1953 và chỉ vỏn vẹn 2 đề cử cho giải Nobel Hòa bình.


Nhà văn Bernard Show, người Anh gốc Ireland, từng gây sóng gió khi hay tin mình được trao giải Nobel năm 1925 ở tuổi 69. Ông đã phát biểu cảm tưởng đại ý giải thưởng như "chiếc phao ném cho ông khi ông đã vào tới… bờ", và rằng, đó là "sự cảm ơn của thế giới vào cái năm tôi không cho ra đời một cuốn sách nào".


Ông là một trong số ít người dám lên tiếng từ chối nhận tiền thưởng vì ông thấm thía nỗi cơ cực vì túng thiếu của người cầm bút khi mới khởi nghiệp. Ông đã dùng tất cả số tiền thưởng (trị giá 35.000 USD vào năm ấy) để thành lập "Quỹ văn học dành cho tác giả viết kịch".


Năm 2015, nữ văn sĩ người Belarus Svetlana Alexievich, người kể những câu chuyện lịch sử bi thương của hàng ngàn nạn nhân sống sót sau vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, được vinh dự nhận giải Nobel văn chương. Bà trở thành nữ nhà văn thứ 14 nhận giải thưởng danh giá kể từ khi giải này được trao vào năm 1901.


Sự quan tâm của tôi đối với cuộc sống không đơn thuần chỉ là sự kiện, không đơn thuần chỉ là chiến tranh, không đơn thuần chỉ là Chernobyl và không đơn thuần là sống - chết. Những gì mà tôi quan tâm luôn xảy ra bên trong mỗi con  người, xảy ra trong thời đại của chúng ta. Cách mà con người cư xử và đối đãi với nhau"

Svetlana Alexievich viết trên trang web cá nhân

 


image073

Nữ nhà văn Belarus Svetlana Alexievich nhận giải Nobel năm 2015 - Ảnh: Reuters


Khó diễn giải bản di chúc của Alfred Nobel


Do cách giải thích có phần cứng nhắc về bản di chúc của Alfred Nobel trong thời gian đầu rằng giải Nobel Văn chương chỉ trao cho những tác giả có “sáng tác xuất sắc nhất theo một chiều hướng lý tưởng” mà nhiều nhà văn xuất sắc lúc bấy giờ như Leo Tolstoy, James Joyce, hay Henry James chưa từng được xướng tên ở giải thưởng này.


Theo cách dùng từ trong di chúc của Alfred Nobel, tác phẩm xuất sắc nhất phải theo khuynh hướng duy tâm (nguyên văn tiếng Thụy Điển: "den som inom litteraturen har producerat det utmärktaste i idealisk riktning"). "Tác phẩm" ở đây có thể là toàn bộ sự nghiệp sáng tác của người được trao giải hoặc là một số tác phẩm riêng biệt được nêu trong phần lý do trao tặng. 


Câu trích dẫn trong di chúc của Nobel về giải thưởng này đã dẫn đến nhiều tranh cãi. Trong tiếng Thụy Điển, từ idealisk vừa có thể hiểu là duy tâm (idealistic), vừa có thể hiểu là lý tưởng (ideal). Vì vậy trong giai đoạn đầu của Giải Nobel Văn chương, Ủy ban Nobel đã gặp nhiều lúng túng trong việc lựa chọn người xứng đáng và đã bỏ qua nhiều nhà văn nổi tiếng thế giới như Lev Tolstoy hay Henrik Ibsen, với lý do là tác phẩm của các tác giả nhà chưa đủ "duy tâm".


Tuy nhiên trong giai đoạn sau, nguyên tắc cứng nhắc này đã được nới lỏng và người được nhận giải thưởng thường đều là những tác giả được thế giới công nhận.


Hàng năm Viện Hàn lâm Thụy Điển sẽ gửi các đề nghị đề cử những tác giả theo họ là xứng đáng được trao Giải Nobel Văn chương. Ngoài các viện sĩ của Viện Hàn lâm Thụy Điển thì thành viên của các hội và viện hàn lâm văn học, giáo sư văn học và ngôn ngữ, những người từng được trao giải thưởng này và chủ tịch các hiệp hội nhà văn cũng được quyền đề cử, tuy nhiên họ không được quyền đề cử bản thân mình.


Năm 1974, ba tác giả nổi tiếng thế giới là Graham Greene, Vladimir Nabokov và Saul Bellow đều được đề cử, nhưng giải thưởng lại lọt vào tay các tác giả người Thụy Điển ít tên tuổi hơn là Eyvind Johnson và Harry Martinson, vốn cũng nằm trong ủy ban xét tặng giải thưởng này.


Sau đó Saul Bellow được trao giải năm 1976 nhưng Greene và Nabokov thì không bao giờ được xét tặng giải thưởng này nữa.


Người được tặng Giải Nobel Văn chương năm 1997 là Dario Fo thoạt tiên chỉ được một số nhà phê bình coi là một ứng cử viên nặng ký vì tác giả này thường được biết đến như một diễn viên hơn là một nhà văn. Chưa kể Giáo hội Công giáo Roma cũng từng chỉ trích tác phẩm của Fo.


Theo nhà xuất bản của Dario Fo ở London (Anh) thì Salman Rushdie và Arthur Miller mới là những người được dự đoán sẽ giành giải, tuy nhiên ban tổ chức đã tuyên bố rằng hai nhà văn này là "quá dễ dự đoán và quá phổ biến"!


Lựa chọn của Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải thưởng năm 2004 cho nữ nhà văn Áo Elfriede Jelinek, cũng đã bị chỉ trích từ ngay trong thành phần viện sĩ của Viện. Ông Knut Ahnlund - người không còn thực sự hoạt động ở Viện Hàn lâm từ năm 1996 - đã từ chức và nói rằng việc lựa chọn bà Jelinek đã gây ra những thiệt hại không thể bù đắp được cho danh tiếng của giải.


NGUYỄN QUÂN - TUẤN SƠN


Nobel Văn học 2016: Bob Dylan và những cảnh báo chiến tranh

14/10/2016


TTO - Trong bối cảnh chiến tranh đang sôi sục ở Syria, ở Yemen, hầm hè ở Crimea, bán đảo Triều Tiên... giải Nobel văn chương về tay Bob Dylan - người đàn ông rất thơ thẩn phản kháng chiến tranh này là phải! 


image074

Bob Dylan và Sting - Ảnh: Rollingstone


Thông cáo báo chí của Viện hàn lâm Thụy Điển vào ngày 13-10 chỉ vỏn vẹn một dòng: “Giải Nobel văn chương năm 2016 được trao cho Bob Dylan vì đã sáng tạo ra những biểu thức mới trong truyền thống ca khúc vĩ đại của nước Mỹ”.


Lý do Viện hàn lâm Thụy Điển nêu ra hoàn toàn phù hợp với định nghĩa của giải Nobel mà trên trang chủ của tổ chức này trưng ra: “900 khôi nguyên giải Nobel từ 1901 - 2016 được trao vì lợi ích lớn nhất cho nhân loại”.


Quả là người nhạc sĩ 75 tuổi đời này góp không ít cho nền âm nhạc Mỹ và cho lợi ích tinh thần của một phần nhân loại bằng các ca khúc đẹp nên thơ và dấn thân của mình, hình thành một lớp ca khúc phản kháng (protest songs) mới, lôi cuốn vô vàn thanh thiếu niên Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.


Gọi là “mới” do lẽ dòng nhạc phản kháng đã xuất hiện ở Mỹ ngay từ thế kỷ 19, với những ca khúc như When Johnny comes marching home again (Khi Johnny về lại nhà) đề cập cuộc nội chiến Mỹ cùng sự xa vắng của các chiến binh, hay Oh freedom (Ôi, tự do) xóa bỏ nạn nô lệ...


Mỗi thời có những trăn trở riêng và những biểu cảm khác. Bob Dylan lớn lên và vào đời cùng với cuộc chiến tranh Việt Nam, có những cảm nhận chung với một số thanh niên Mỹ về cuộc chiến tranh này và đã “xuất khẩu thành thơ”, rồi sẵn cây đàn guitar và chiếc kèn harmonica đã xướng lên thành những khúc hát phản kháng của thế hệ chiến tranh Việt Nam.


Những ca khúc đầu tiên, Blowin' in the wind (1962), Masters of war (1963), Talking World war III blues (1963) và The times they are a-changin (1964)... chính là những cảm nhận, phê phán của Bob Dylan về chiến tranh.


Với Blowin' in the wind (Thoảng bay trong gió), Bob Dylan phẫn nộ khi thấy bất lực trước chiến tranh:


“Những quả đạn pháo sẽ còn bay bao nhiêu lần nữa trước khi bị cấm vĩnh viễn? Câu trả lời, người bạn tôi ơi... thoảng bay trong gió!... Người ta phải cần có bao nhiêu đôi tai, trước khi nghe thấy người khác khóc?”...


image075

Bob Dylan biểu diễn tại Việt Nam tháng 4-2014 - Ảnh: T.T.D


Trong Masters of war (Chúa tể chiến tranh), Bob Dylan chỉ mặt những “ông chủ” của cuộc chiến:


“Hãy đến đây, các ông chủ của chiến tranh. Quý vị chế tạo bấy nhiêu khẩu súng, bấy nhiêu máy bay tử thần, bấy nhiêu quả bom. Quý vị lại núp sau các bức tường, núp sau các bàn giấy. Tôi chỉ muốn quý vị biết rằng, tôi có thể nhìn thấu qua mặt nạ của quý vị...”.


Trong Talking World war III blues (Khúc nhạc buồn về Thế chiến thứ 3), Bob Dylan mường tượng ra cuộc đụng độ giữa các siêu cường:


“Cách đây không lâu, một giấc mộng điên rồ ập đến với tôi. Tôi mơ thấy bước vào trong Thế chiến thứ ba. Qua hôm sau, tôi đến gặp bác sĩ để xem ông ta bảo sao. Ông ta bảo đó chỉ là một ác mộng thôi”.


Năm 1963 ấy, thế giới mới qua khỏi cuộc khủng hoảng Cuba với đe dọa bom nguyên tử!


Cứ thế, Bob Dylan vừa hát vừa đàn, ngón tay anh thoăn thoắt trên những dây đàn. Có một nhà bình luận nói rằng Bob Dylan “có ngón tay trên nhịp đập của thế hệ mình”.


image076

Bob Dylan - Ảnh tư liệu


Ngày nay, ngay chính trong những ngày này, khi mà báo chí không ngớt giật tít “Nga - Mỹ sẽ đối đầu nhau ở Syria”, “Trung - Mỹ sẽ đối đầu trên Biển Đông”, ắt hẳn những tâm trạng ngày nào của Bob Dylan về chiến tranh, về nguy cơ Thế chiến thứ ba, về những “ông chủ” của bom đạn, máy bay, tên lửa... quả là hợp thời!


Trong bối cảnh chiến tranh đang sôi sục ở Syria, ở Yemen, hầm hè ở Crimea, bán đảo Triều Tiên... giải Nobel văn chương về tay người đàn ông rất thơ thẩn phản kháng chiến tranh này là phải!

10 Tháng Chín 2017(Xem: 6325)