Nhà thờ Đức Bà Paris lại kể chuyện tình yêu

11 Tháng Mười Hai 20166:34 CH(Xem: 6538)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  HAI  12   DEC  2016


Nhà thờ Đức Bà Paris lại kể chuyện tình yêu


Hoài Dịu


Thứ bảy,10/12/ 2016


image053



 Mười tám năm sau, thời hoàng kim của Nhà Thờ Đức Bà Paris đã trở lại. Chàng thi sĩ Gringoire tiếp tục kể cho chúng ta nghe về mối tình éo le của nàng du mục Esmeralda xinh đẹp. Vở nhạc kịch Nhà Thờ Đức Bà Paris, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Victor Hugo, ra mắt công chúng lần đầu tiên vào năm 1998, nay một lần nữa bước lên sân khấu Palais des Congrès đến ngày 08/01/2017.


« Comédie musicale » là một thể loại sân khấu tổng hợp, pha trộn giữa kịch nói, nhạc và múa. Ra đời vào khoảng đầu thế kỉ XX, « comédie musicale » còn gọi là nhạc kịch có nguồn gốc từ ballet và opéra. Vào những năm 1910, loại hình này rất phát triển ở Mỹ và trở thành một hình thức nhạc kịch mới đương đại, mà đặc sắc nhất là những vở comédie musicale Broadway.


Bằng việc gắn kết những giai điệu jazz, blues hay pop vào những lời hát thoại với nội dung khai thác từ văn học, điện ảnh, nhạc kịch-comédie musicale đã khẳng định vị trí độc lập của mình. Tại Pháp, ngay sau khi vở Nhà Thờ Đức Bà Paris được trình làng, thể loại này đã trở thành mốt thời thượng, nhiều tác phẩm nhạc kịch khác ra đời như : Les Ailes de La Lumière, Le Cabaret des Hommes Perdus hay Le Roi Lion…


Ý tưởng phôi thai từ năm 1993, nhưng vở nhạc kịch này thực sự được Luc Plamondon và Richard Cocciante tạc nên hình hài trong vòng ba năm, bắt đầu từ năm 1994 đến năm1996. Lúc thì họ sáng tác cùng nhau trong những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ở Paris, Roma hay Montréal, khi thì mỗi người ở một góc trời riêng đâu đó. Để rồi mỗi lần gặp là mỗi lần diệu kì. Ca từ của Luc và giai điệu của Richard như thể sinh ra để cho nhau, những miếng ghép lồng gọn, vừa in, như trò chơi con trẻ.


Năm 1998, vở diễn được trình chiếu tại 20 quốc gia vòng quanh thế giới và chuyển ngữ sang 9 thứ tiếng. Với hơn 4.000 buổi diễn, Nhà Thờ Đức Bà Paris đã thu hút hơn 10 triệu khán giả trên toàn cầu. Một thành công khá hiếm hoi đối với comédie musicale kiểu Pháp, dưới cái bóng khổng lồ của nhạc kịch Broadway Mỹ. Nói về sự qua mặt này, Luc Plamondon hài hước « Chúng tôi đã diễn ở Luân Đôn trong vòng một năm rưỡi. Chúng tôi đã nhận được nhiều lời bình « chết người » đại loại như : « Những vở nhạc kịch Pháp giống như Napoléon vậy. Tốt hơn hết là nên đứng xem từ xa bằng ống nhòm ở phía bên kia của bờ biển Manche ».


Trong lần tái bản này, những phần cốt yếu của Nhà Thờ Đức Bà Paris vẫn được giữ nguyên như phiên bản năm 1998. Một vài thay đổi nho nhỏ về phục trang và màn múa của Val d’amour, hứa hẹn mang đến cho khán giả một làn gió nhẹ tươi mới hơn.


Tạm biệt các ngôi sao kỳ cựu như Garou, Patrick Fiori và Hélène Ségara. Chỉ còn Daniel Lavoie, người từng thủ vai Frollo, là nghệ sĩ duy nhất ở lại. Giọng hát sâu thẳm của Daniel Lavoie vẫn như ngày nào và nàng Esmeralda rồi lại sẽ « thuộc » về anh. Những tài năng của dàn diễn viên mới như Angelo del Vecchio trong vai Quasimodo, Haba Tawaji trong vai Esmeralda hay Alyzée Lalande trong vai Fleur-de-Lys… ngay từ buổi trình diễn đầu tiên đã làm tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông.


Một trong số ca khúc được coi là đứa con cưng của Nhà Thờ Đức Bà Paris là bản trio (tam ca) trữ tình của ba nhân vật Quasimodo, Frollo và Phoebus có tiêu đề « Belle ». Đây là giây phút mà ba người đàn ông, ở ba địa vị xã hội khác nhau, lần lượt gửi lời yêu thương nồng cháy đến Esmeralda, sau khi nàng bị tuyên án tử hình. Ba trái tim, ba âm sắc khác nhau của giọng hát : là sự trầm đục chân chất của Quasimodo, là vẻ cao nhã mà trang nghiêm của Frollo và cữ giọng rộng thoáng đầy quyết đoán từ Phoebus. Bài hát này đã giành danh hiệu ca khúc hay nhất của năm tại lễ Giải Thưởng Âm Nhạc Pháp năm 1999 và được khán giả TF1 bình chọn là ca khúc của thế kỉ 20. 


Đằng sau thành công sáng chói của những lần công diễn đầy ắp tiếng vỗ tay nồng nhiệt ấy, sự trở lại của Nhà Thờ Đức Bà Paris có thể sẽ đứng trước nhiều thách thức. Với một vài điểm yếu chưa được cải thiện, như : phần lớn âm nhạc trong cảnh II của vở nhạc kịch là những khúc hát độc thoại và balade ở tempo chậm, ca từ quá « cơ bản » và có nhiều sự lặp lại, đã khiến người nghe bị chìm đắm khá lâu trong không khí nặng nề, lê thê. Hệ quả là sự nhàm chán, một điều thật khó tránh khỏi.


Liệu cuộc tái ngộ lần này, Nhà Thờ Đức Bà Paris có vượt qua được chính « bức tường » danh hiệu do mình bồi đắp nên cách đây mười tám năm hay không ? Câu trả lời còn bỏ ngỏ, lịch biểu diễn và sân khấu vẫn đang tiếp tục được lấp đầy. Người Paris vẫn thong thả dạo chơi bên bờ sông Seine êm ả nơi Nhà Thờ Đức Bà, ngày ngày soi bóng hình xưa. Tiếng hát thầm thì đâu đó, nhắc về một tình yêu giản dị của chàng gù Quasimodo đối với cô gái du mục : « Hãy để cho tôi, chỉ một lần thôi, được vuốt lên dòng suối tóc của nàng Esméralda xinh đẹp »./

23 Tháng Hai 2014(Xem: 8592)
- “Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” là cuốn sách mà tác giả Hãn Nguyên Nguyễn Nhã đã dày công nghiên cứu suốt 40 năm. Nằm trong tủ sách Biển – Đảo Việt Nam, cuốn “Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” (NXB Giáo dục) của tác giả Hãn Nguyên Nguyễn Nhã là tài liệu tham khảo hữu ích về biển, đảo.
10 Tháng Hai 2014(Xem: 16597)
Văn Hóa Magazine trân trọng giới thiệu 1 chương về Chiến tranh Việt Nam trong tác phẩm mới nhất của nhà nghiên cứu Nguyễn Kỳ Phong: Hành quân - Đường về Tchepone Lam Sơn 719
21 Tháng Giêng 2014(Xem: 8751)
Văn Hóa Magazine trân trọng giới thiệu tác phẩm mới nhất của nhà nghiên cứu Nguyễn Kỳ Phong: Hành quân - Đường về Tchepone Lam Sơn 719
24 Tháng Mười 2013(Xem: 7352)
Hồi tháng Tám vừa qua, cựu thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu cho ra mắt cuốn sách hơn 400 trang, bày tỏ quan điểm về tương lai, triển vọng của các quốc gia lớn đáng chú ý trên thế giới và trong vùng Đông Nam Á.
26 Tháng Sáu 2013(Xem: 13732)
Chân dung Trung tướng Tôn Thất Đính 1963.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 8076)
Sách dày 464 trang, tập trung khai thác các vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội... của Việt Nam sau 1975. Đề cập đến các lãnh đạo cao cấp nhất như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh...