Vương Hồng Anh: Thời con gái của em tôi

20 Tháng Mười Hai 201711:11 CH(Xem: 6704)

VĂN HÓA ONLINE - TÁC GIẢ TÁC PHẨM  - THỨ  TƯ  20  DEC  2017


Thời con  gái của em tôi


image035


Tự truyện của Vương Hồng Anh


Cách đây hơn 1 năm, đứa cháu gái nội của em gái tôi qua Hoa Kỳ du học. Tôi đã gặp lại đứa cháu gọi tôi bằng Ông Cậu sau gần 10 cách xa, kể từ khi tôi về thăm Mẹ  tôi trước khi bà qua đời. Nhìn đứa cháu ở tuổi  thiếu nữ, tôi lại nhớ đến bà nội của cháu, tức là em gái tôi, khi em tôi cũng bằng tuổi  đứa  cháu  này. Và những dòng chữ trong tự truyện này, tôi muốn biết cho em tôi, bây giờ đã là bà nội của một đàn cháu.


Xin được bắt đầu câu chuyện về em gái tôi, Gia đình có 7 anh em, tôi là con trưởng, ngoài tôi có 3 em trai và 3 em gái.   Người em gái trong câu chuyện này là trưởng nữ của gia đình tôi, và theo cách gọi  của người Nam là cô Ba, dù rằng cả bên nội, ngoại của tôi đều là người Quảng Trị. Và tôi muốn dùng tên cô Ba để kể chuyện về em tôi


 Trong 3 chị em gái, em Ba của tôi đã một tuổi gian khổ. Khi em tôi lên năm, nhà tôi bị cháy sạch, gia sản dành dụm bao năm của cha mẹ tôi “cháy” theo lửa. Lúc bấy giờ, cha tôi là giáo chức, tiền lương tạm đủ sống, phải vay mượn tiền bạc để xây tạm căn  nhà trên đất cũ của ngôi nhà bị cháy, mẹ tôi mở một sạp tạp hóa ngay trước nhà, người phụ cho mẹ tôi chính là cô em gái này. Vừa giúp mẹ vừa giũ  đứa em mới chào đời. Đến tuổi đi học, em tôi không có tuổi ấu thơ hồn nhiên như bao đứa trẻ khác  vì phải phụ mẹ tôi nhiều việc, nên không có thời gian  vui đùa  với   đám bạn cùng lứa trong xóm.


Năm em tôi 10 tuổi, đang học tiểu học, thì một sự việc xảy ra, mà sau này nghỉ lại, tôi thương em tôi vô cùng. Mùa hè năm đó, người em trai ruột của mẹ tôi là quan chức cao cấp, từ Sài Gòn về Quảng Trị  trong một chuyến công tác, đã ghé nhà tôi, thăm cha mẹ tôi, và trước khi về lại Sài Gòn, ông cậu này nói với  mẹ tôi là ông muốn đưa em Ba của tôi vào Sài Gòn để nuôi dạy nên người, phụ cho mẹ tôi vất vả vì con đông.  Thế là em Ba tôi chỉ có khoảng nửa giờ để chuẩn bị áo quần, rồi theo ông Cậu tôi về Sài Gòn. Khi em tôi ra đi, thì tôi đang đi học hè, về nhà, khi nghe mẹ tôi kể lại chuyện ông Cậu,  tôi nói với Mẹ tôi: “Sao mạ lại để cho cậu đưa em đi”. Mẹ tôi giải thích đại ý nói rằng Em tôi ở với ông Cậu thì rất sướng. Thế nhưng điều đó đã không xảy ra. Vào Sài Gòn, ngoài giờ đi học, em tôi phải trông giữ đứa con gái 2 tuổi của ông Cậu. Ở với ông cậu được một năm, em tôi nhớ nhà, và bà ngoại tôi, lúc đó đang sống trong nhà của cậu tôi, đã đưa em tôi về lại Quảng Trị. Ngày  vào Nam, em tôi nói đặc giọng Quảng Trị, vào Sài Gòn một năm thì  nói pha giọng miền Nam.


Trở lại với gia đình được vài năm thì em Ba của tôi lại phải xa nhà lần nữa. Lúc đó, cha tôi bị thuyên chuyển vào Nam, gia đình tôi ở Quảng Trị  bắt đầu ly tán. Em trai  kế tôi được gửi lên Đà Lạt học tại một trường tư do người cậu út của tôi làm hiệu trưởng, tôi thì học ở Huế, em Ba và đứa em trai, con thứ Năm trong gia đình thì được ba tôi gửi ra  Đông Hà ở với người Dì ruột của tôi lúc đó là giáo viên. Trong nhà chì còn lại 3 đứa em nhỏ ở với mẹ tôi.


Năm em tôi  15 tuổi thì cả gia đình mới đoàn tụ, lúc đó em tôi và đứa em gái kế học trường Đồng Khánh. Nhưng chỉ được một năm, do chống dối với cấp trên, ông  lại bị thuyên chuyển vào Quảng Tín, cùng theo ông có em Ba của tôi và đứa em trai thứ năm. Ngoài giờ học, em Ba tôi lo việc nấu ăn cho cả 3 cha con.


Một năm sau, cha tôi được thuyên chuyển về quê nhà, em Ba và đứa em trai thứ Năm lại ra Quảng Trị, trong khi mẹ tôi và các em nhỏ của tôi thì ở Huế, còn tôi và người em trai kế ở Sài Gòn.


Em tôi chỉ có một thời gian ngắn thảnh thơi khi học bậc Đệ nhị cấp ở trường Đồng Khánh. Nhưng rồi do bị bệnh nên phải nghỉ học, sau đó được cha tôi, do quen biết, xin cho em vào làm thư ký ở Tòa Hành Chánh. Hai năm sau, em tôi lập gia đình ở tuổi 20. Chồng của em tôi là giáo sư Toán Đệ nhị cấp, khi ra trường được thuyên chuyển vào Qui Nhơn, em gái tôi lúc đó đã có đứa con trai đầu, cũng theo chồng  và tiếp tục công việc của một công chức nhỏ ở tòa hành chánh. Tháng  Tư năm 1975 , tình hình quân sự biến động,  khi đó em tôi đã có 3 đứa con trai,  cùng chồng chạy vào Sài Gòn.


Sau tháng Tư 1975, chồng của em tôi là giáo chức biệt phái cũng phải đi “học tập cải tạo” hơn một năm. Khi trở về, cuộc sống cả gia đình quá khó khăn,  hai vợ chồng  và 3 đứa con về Hố Nai sinh sống. Đây là thời gian cùng cực nhất của vợ chồng em gái tôi. Em rễ của tôi có làm đơn xin đi dạy lại nhưng phải 4 năm sau mới được tuyển dụng, Em gái tôi lúc đó phải bán buôn vất vả, về tận miền Tây mua hàng  về bán lại các tiểu thương ở Hố Nai. Mỗi lần xe tải chở hàng về, cả ba đưa cháu trai của tôi, đang học tiểu học, phải phụ mẹ tải hàng.


Tôi còn nhớ ngày tôi từ trại cải tạo trở về, lúc đó em tôi vừa sinh đứa con gái, và là con  út trong gia đình, tôi đã về thăm gia đình em tôi ở Hố Nai, bây giờ cả gia đình sinh  sống trong căn nhà lụp xụp. Cháu gái tôi mới vài tháng tuổi được các anh trai ở tuổi 8-11, thay  nhau giữ em, còn em gái tôi tiếp tục buôn hàng từ miền Tây về. Một buổi tối, tôi và ba đứa cháu, ngồi trò chuyện ở trước nhà, Qua lời đứa cháu tôi, tôi biết thêm được những gian khổ mà gia đình em tôi đã trải qua.


22 năm trước, tôi rời Sài Gòn sang định cư ở Mỹ. Chuyến bay cất cánh vào nửa đêm. Trong số những người thân ra phi trường tiễn tôi, có em gái tôi và đứa con trai thứ ba và cô con gái út. Em tôi đã khóc rất nhiều khi chia tay tôi ở cửa vào phòng cách ly.


Khi ngồi trên máy bay trong cuộc hành trình dài vạn dặm, tôi đã khóc khi nghĩ đến mẹ tôi và các em tôi, trong  đó có em Ba của tôi, lúc này cuộc sống đã khá hơn so với ngày tôi từ  trại tù trở về.


Cách đây hơn 9 năm, tôi về Sài Gòn  để thăm Mẹ tôi bị bệnh nặng trước ngày bà qua đời.  Đứa con trai thứ ba của em gái tôi  đã chở tôi bằng xe gắn máy về thăm gia đình em tôi ở Hố Nai, trên đường đi, tôi nói với đứa cháu rằng  “nó có một người Mẹ tuyệt vời, một người mẹ mà thời con  gái trải qua nhiều gian khổ, hy sinh rất nhiều cho gia đình. Một người Mẹ không  có tuổi thiếu nữ hoa mộng, không có tà áo xanh để hẹn hò, mà chỉ có những chiếc áo vải cũ chất nặng bao khốn khó trong dòng đời xuôi ngược để mưu sinh”.


Đêm nay, một ngày gần cuối tháng 12 dương lịch, nhận được thư người em rễ từ xa xôi, tôi bồi hồi nhớ đến em gái tôi, đứa em gái không có được thời con gái tuổi mộng mơ, và những dòng chữ này ghi lại như  một hồi ức về một thời gian khó của gia đình, của em gái tôi, Bây giờ dù em gái tôi đã trở thành bà Nội của một đàn cháu đông đúc, nhưng sáng ngời trong ký ức tôi là hình ảnh cô em  đầu của tôi thời con gái xa xôi


Santa Ana 19 tháng 12 năm 2017.


Vương Hồng Anh
09 Tháng Ba 2022(Xem: 4287)
18 Tháng Bảy 2019(Xem: 5179)