Việt - Mỹ và sứ mạng của tôi: Lãnh ấn tiên phong

23 Tháng Sáu 201511:52 CH(Xem: 9442)
"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ TƯ 24 JUNE 2015

Kỳ 1:

Việt - Mỹ và sứ mạng của tôi: Lãnh ấn tiên phong

 TT - Vào một ngày cuối năm 1993, một người Mỹ khi đáp máy bay xuống Nội Bài đã “thở gấp và đổ mồ hôi hột như thể thấy mình sắp bị bắt”.
blank
 Tổng thống Bill Clinton và tác giả tại Seattle - Ảnh: tư liệu C.R Tổng thống Bill Clinton và tác giả tại Seattle - Ảnh: tư liệu C.R

Lãnh ấn tiên phong

Đó là Christopher W. Runckel. Nhưng cảm giác đó trôi qua nhanh vì cựu binh này đến VN gần 20 năm sau chiến tranh với một sứ mạng hòa bình: dọn đường cho mối bang giao Việt - Mỹ. Tuổi Trẻ xin giới thiệu loạt bài của ông, với tư cách nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên được cử đến VN sau chiến tranh.

Vào đầu năm 1992, Joanne Jenkins, giám đốc Vụ Đông Á thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, liên hệ với tôi và hỏi liệu có muốn nhận “ấn tiên phong” trong việc hoạch định và thực hiện việc mở văn phòng ngoại giao tại Hà Nội.

Tôi được cho biết rằng điều này đòi hỏi tôi phải học tiếng Việt ở Mỹ. Sau đó Vụ Đông Á cũng đồng ý mở rộng khóa đào tạo ngôn ngữ này cho vợ tôi, Soraya Runckel.

Học lại tiếng Việt

Nhiệm vụ này được coi là “khó” vì cơ sở hạ tầng cho một phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam chưa có gì. Nền kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng xấu và việc đàm phán với Việt Nam cho đến lúc này vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Tôi được lựa chọn cho vị trí này bởi vì trước đó tôi đã từng mở đại sứ quán Hoa Kỳ tại Suva, Fiji cho Vụ Đông Á và từng làm việc ở nhiều vị trí trong Vụ Đông Á tại Hong Kong, Fiji, Thái Lan (hai lần) và bây giờ là trong một nhiệm vụ lớn ở London.

Vợ tôi, Soraya, và tôi bắt đầu học tiếng Việt trong tháng 8-1992 và hoàn thành vào tháng 6-1993.

Chúng tôi được đào tạo tại Học viện Ngoại giao (FSI) ở Arlington, Virginia với Scot Marciel và vợ anh ta Mae Marciel, Heather Townsend, Eric Luftman và Elise Kleinwacks, những người đã là vợ chồng và đều phục vụ ở nước ngoài. Giáo viên của chúng tôi có ông Trần Đại Độ và bà Nguyễn Lang Hiền.

Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm, trầm bổng và rất khó khăn cho nhiều người phương Tây để học và nói tốt. Tôi đã học được một số tiếng Việt trong quân đội nhưng bây giờ phát hiện ra rằng hầu hết những gì tôi nhớ cần phải quên, vì hoặc là phát âm sai hoặc chỉ là tiếng lóng và không thích hợp.

Chúng tôi học sáu giờ một ngày, cộng với hai tiếng đồng hồ trong phòng thực hành hoặc bên ngoài và dành 2 - 3 giờ mỗi ngày làm bài tập về nhà. Soraya và Mae học chăm chỉ nhất và luôn luôn đứng đầu lớp, họ dường như có nhiều năng khiếu cho các ngôn ngữ. Scot và tôi phải nỗ lực rất lớn và sự kiên trì đã giúp tôi đạt được trình độ tiếng Việt đủ để giao tiếp.

Tôi chưa bao giờ phát âm tốt như nhiều người khác nhưng tôi có một bộ não có thể nhanh chóng hiểu được những gì người khác nói ngay cả khi không nghe được một vài từ. Do vậy, kỹ năng nghe hiểu của tôi tốt hơn hầu hết mọi người.

Điều này thật sự đã giúp tôi rất nhiều khi chúng tôi đến Việt Nam và bắt đầu gặp gỡ nhiều người khác nhau ở những địa điểm ồn ào như các bữa tiệc cocktail, nhà máy, trên đường phố và đặc biệt với những người từ miền Trung Việt Nam và các khu vực khác, vì họ thường có giọng nhấn rõ rệt và tiếng địa phương mà nhiều người khác thấy rất khó hiểu.
blank
Hai thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain tại Hà Nội năm 1992. Đây là hai nhân vật hậu thuẫn rất lớn cho tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ Ảnh: AP

Những người đầu tiên

Trong suốt năm 1993, Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục tiến hành các bước cần thiết trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong tháng giêng và tháng 2 Ủy ban POW/MIA tiếp tục họp bàn.

Vào tháng 4, một đoàn đại biểu của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ do cựu ngoại trưởng Edmund Muskie dẫn đầu đến thăm Việt Nam và đề nghị chấm dứt lệnh cấm vận.

Ngày 2-7, Mỹ mở đường cho việc nối lại các khoản vay quốc tế từ cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho Việt Nam...
Chúng tôi hoàn thành khóa đào tạo tiếng Việt vào tháng 6-1993. Đàm phán với Việt Nam không tiến triển nhanh lắm vào thời điểm này.


Tuy nhiên, văn phòng biết rằng tôi đã có kinh nghiệm đáng kể với các chuyến thăm của tổng thống. Vì vậy họ đã tạm thời tách tôi ra khỏi Việt Nam vì tổng thống Clinton và đại diện của Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị APEC lần đầu tiên gồm các nhà lãnh đạo diễn ra ở Seattle.

Tôi lần đầu tiên được gửi đến Seattle để gặp thống đốc, thị trưởng thành phố Seattle và Ủy ban tiếp tân APEC Seattle.

Ngày 10-8-1993 trong khi tôi đang ở Seattle chuẩn bị cho hội nghị lãnh đạo APEC đầu tiên, Scot Marciel bắt đầu chuyến đi với nhiệm vụ tạm thời tới Hà Nội. Scot sẽ hỗ trợ cho Lực lượng công tác hỗn hợp, trợ giúp thủ tục lãnh sự cho công dân Mỹ và các nhiệm vụ không liên quan MIA. Scot được điều về phòng chính trị Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok làm việc như một "quan sát viên Việt Nam”.

Ngày 13-8-1993, Eric Luftman và Elise Kleinwacks tham gia với Scot. Từ thời điểm này, ông Phạm Văn Dũng và một tài xế (ông Tiến) - người làm việc tại đội khách hàng quốc tế của Xí nghiệp xe V75, Bộ Ngoại giao Việt Nam - đã sử dụng xe hơi cho thuê và hỗ trợ các nhân viên làm nhiệm vụ tạm thời khi họ đến Hà Nội.

Scot, Eric và Elise làm việc ở biệt đội 2, trực thuộc Lực lượng công tác hỗn hợp tại Hà Nội, được thành lập vào năm 1992. Tại thời điểm này, đây là văn phòng đại diện duy nhất của Mỹ tại Việt Nam luôn có người làm việc. Văn phòng MIA đặt tại số 8 phố Đốc Ngữ. Cơ sở này gồm một căn nhà hai tầng ở phía trong khuôn viên dinh thự.

Tại thời điểm tôi đến, chuẩn tướng Thomas Needham, sĩ quan phụ trách chương trình POW/MIA, đang ở Việt Nam thực hiện một chuyến thăm hằng năm và chúng tôi gặp nhau trong bữa ăn trưa tại Lực lượng công tác hỗn hợp.

Hoạt động tại Hà Nội được giám sát vào thời điểm này bởi trung tá John Cray và chúng tôi làm việc với David Nguyễn, Keith Gary Flanagan và vài nhân viên văn phòng. Trong những ngày đầu, vấn đề POW/MIA là tiêu điểm chính không chỉ của Lực lượng công tác hỗn hợp mà còn của văn phòng Bộ Ngoại giao.

Thượng nghị sĩ John McCain và thượng nghị sĩ John Kerry (hiện là ngoại trưởng Mỹ) cùng với các thượng nghị sĩ, dân biểu và các quan chức Mỹ khác thường viếng thăm Hà Nội để bàn với Việt Nam về vấn đề này.

Thái Lan là nơi tôi gặp Soraya Vallibhakara và cưới cô ấy làm vợ. Tôi gặp Soraya vào ngày đầu tiên cô ấy đến xin việc tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bangkok. Lúc đó tôi là bí thư thứ hai và là lần thứ ba lãnh nhiệm vụ hải ngoại. Tôi đang vội bước ra ngoài để dự một cuộc họp và nhìn thấy cô gái xinh đẹp này ở hành lang.

Cô hỏi phòng nhân sự ở đâu. Mặc dù nó chỉ ở ngay phía đối diện và tôi đang trễ giờ họp, nhưng tôi đáp: “Tôi rất sẵn lòng đưa cô đi, chính tôi cũng đang đến đó”. Tôi nắm ngay cơ hội trò chuyện với cô ấy trên quãng đi bộ ngắn và sau đó xin số điện thoại...

Tôi phải mất hai năm dài thuyết phục cha mẹ cô ấy rằng tôi sẽ đưa Soraya ra khỏi Thái Lan và sẽ là người chồng tốt. Thế rồi chúng tôi cưới nhau vào đầu nhiệm kỳ thứ hai (1984 - 1988) của tôi tại Thái Lan và một năm sau con trai Charles của chúng tôi ra đời./

Kỳ 2:

Việt - Mỹ và sứ mạng của tôi: Lần đầu đến Hà Nội

06/06/2015
 
TT - Lần đầu tiên tôi tới Hà Nội vào năm 1993. Trên chuyến bay ấy, tôi nhớ mình đã nghĩ rằng chiến tranh Việt Nam không ảnh hưởng nhiều đến mình và không tạo ra bất kỳ những kỷ niệm xấu nào như đã có ở cựu binh Mỹ khác.
blank
Christopher Runckel - Ảnh: tư liệu của C.R.

Một đất nước khó khăn

Tuy nhiên, khi máy bay bắt đầu chạm đất, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lá cờ mà tôi từng nhìn thấy ở miền Nam Việt Nam trong thời gian tại ngũ.

Đột nhiên tôi thấy mình thở gấp và đổ mồ hôi như thể tôi cảm thấy mình sắp bị bắt. Cảm giác này chỉ thoáng qua nhưng làm tôi suy nghĩ về những gì tôi đã nhận được cho bản thân và gia đình mình.

Chuyến thăm đầu tiên tôi lưu lại khoảng mười ngày trong một khách sạn nhỏ ngang chợ. Khách sạn nhỏ, hẹp và gần như thẳng đứng. Chỉ có một hoặc hai phòng ngủ mỗi tầng, tổng cộng khoảng sáu hoặc bảy tầng và không có thang máy. Các cửa sổ đều bị đóng kín và các lối thoát hiểm đều bị khóa, nếu có hỏa hoạn đây sẽ là một cái bẫy chết người.

Tôi đã không ở đó nếu có sự lựa chọn khác. Lúc bấy giờ có rất ít khách sạn đạt chuẩn cho nên nếu được thì thuê, không thì xin mời đi chỗ khác! Đối diện khách sạn là một cái chợ.

Mỗi sáng từ khoảng 4g họ bắt đầu giết những con lợn bằng cách chọc tiết gây ra những tiếng rống thống thiết, đau đớn của con con vật. Bữa ăn sáng thường bắt đầu lúc 6g và luôn giống nhau - cà phê đen, trứng chiên và một ổ bánh mì nhỏ kiểu Pháp, ít mứt và phômai Con Bò Cười.
Có khi chúng tôi dùng phở, món mà tôi thật sự thích cho bữa ăn sáng và hầu như đó là thực đơn đầu tiên họ thường mang ra. Một vài ngày thì không sao cả, nhưng sau một tuần ngày nào cũng phở, tất cả chúng tôi đều mong một món gì đó khác. Việt Nam vào thời điểm này vẫn còn là một đất nước rất, rất nghèo.

Năm 1992, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện điều tra một cách có hệ thống về mức sống và kết quả tỉ lệ hộ nghèo chiếm một nửa. Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất thế giới với GDP đầu người chỉ xấp xỉ 100 đôla Mỹ.

Hà Nội và các khu vực xung quanh hầu như không có công trình xây dựng mới trong năm 1993. Quần áo của người dân nói chung sạch sẽ nhưng cũ, bạc màu và rõ ràng những gì họ mặc rất lỗi thời.

Có rất ít xe hơi trên đường phố Hà Nội và nếu có cũng thuộc về Nhà nước (trong trường hợp này xe rất cũ kỹ và số kilômet trên đồng hồ rất cao) hoặc thuộc về các đại sứ quán nước ngoài, hoặc các tổ chức quốc tế.

Xe gắn máy cũng không phổ biến. Thật hay vì nhiều người đi xe đạp, tạo nên không gian yên tĩnh và ít gây ô nhiễm hơn. Vệ sinh công cộng ít được chú ý, ống cống lộ thiên, nước thải chảy tràn trực tiếp ra phố và đổ vào nhiều hồ nước nội ô. Người ta thường xuyên tiểu tiện trên vỉa hè.

Mặc dù nông nghiệp đã được cải thiện và thị trường có nhiều mặt hàng để buôn bán hơn nhưng chất lượng các mặt hàng thiết yếu như thịt cá, trái cây và rau quả rất thấp. Nhiều người - nếu không muốn nói là hầu hết người dân Hà Nội - vẫn còn nhớ chỉ một vài năm trước họ phải đối mặt với nạn đói và luôn trong tình trạng phải tìm kiếm thức ăn.

Nếu như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hong Kong, Đài Loan... vào năm 1992 đang phát triển mạnh với tầng lớp trung lưu giàu có và với sự phong phú của thực phẩm thì Hà Nội dường như chưa có sự tiến bộ nào.
blank
Không ai nghĩ người đàn ông mặc quần short mang dép lê trên phố Hà Nội này lại là một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ - Ảnh: tư liệu C.R.

Sự thay đổi mới bắt đầu

Chủ trương "Đổi mới" hay "Cải cách" nền kinh tế và mở rộng quan hệ quốc tế bắt đầu diễn ra vào năm 1986 nhưng chỉ được tiếp sức từ tháng 3-1988 khi ông Võ Văn Kiệt trở thành chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Theo chính sách "Đổi mới", Việt Nam dần dần chuyển từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung thành một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Luật đầu tư nước ngoài năm 1987 là văn bản luật đầu tiên góp phần tạo sự khởi đầu cho một cơ sở pháp lý kinh tế Việt Nam. Sau đó vào năm 1991 là Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật công ty.

Năm 1992, Hiến pháp Việt Nam được sửa đổi để khẳng định sự tồn tại và phát triển của một nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, trong đó có khu vực đầu tư nước ngoài.

Việt Nam phải tăng tốc vì họ ngày càng bị bỏ lại phía sau bởi sự phát triển nhanh chóng trên khắp các vùng khác của Đông Nam Á. Chính sách "Đổi mới" là một cải cách đáng kể cho Việt Nam và tăng trưởng được duy trì ở mức 8,2% trong giai đoạn 1991-1995.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng giảm phần nào do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1996 - 2000, nhưng chính sách đổi mới đã lan rộng và điều kiện sống được cải thiện cho hầu hết các tầng lớp dân cư trong thời gian này.

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thay đổi khi ngày càng hội nhập sâu hơn vào khu vực Đông Nam Á. Việt Nam bắt đầu chuyển từ một nền kinh tế nông nghiệp truyền thống sang một nền kinh tế hướng công nghiệp hóa.

Nhưng sự thay đổi này chỉ mới bắt đầu. Trong những lần viếng thăm đầu tiên, tôi bắt đầu đi loanh quanh để tìm hiểu những điều kiện cơ bản như nhà ở, y tế, an ninh tối thiểu, nhà trẻ, trường tiểu học và trung học, ngân hàng...

Chẳng hạn về nhà ở, tôi phát hiện là có sẵn nhưng thường trong tình trạng xấu với rất ít lựa chọn và giá cả thường cao. Tôi thấy cũng có các văn phòng và nhà cho thuê nhưng những nhà này đều không đủ tiêu chuẩn theo nhận xét từ các đồng nghiệp của tôi.

Chăm sóc sức khỏe là một mối quan tâm lớn nên tôi đã đến thăm Bệnh viện Việt - Đức ngay sau khi tới Hà Nội. Đây là bệnh viện được cho là tốt nhất tại Hà Nội lúc bấy giờ. Tôi được một trong những người quản lý đưa đi một vòng quanh bệnh viện.

Phải nói rằng tôi đã kinh hoàng trước những gì mình nhìn thấy. Nước rò rỉ từ đường ống cấp nước bị thủng hoặc từ ống nước thải đọng thành từng vũng đen quánh dọc theo các hành lang.

Tòa nhà chính trông như không được sơn phết lại đã nhiều năm và bụi bẩn theo năm tháng bám đầy các bề mặt. Tại trung tâm X-quang có một máy X-quang cũ mà tôi tin là từ Nga, nó tạo ra một thứ âm thanh giống như điện được sử dụng để gây sốc cho ma cà rồng Frankenstein! Tôi nghĩ vậy khi đi ngang qua căn phòng đó. Chiếc máy có thể bị rò rỉ phóng xạ và chắc chắn va đập vào toàn bộ những gì xung quanh.

Trong phòng thí nghiệm, thiết bị trông rất cũ kỹ và lạc hậu so với những gì tôi còn nhớ về phòng thí nghiệm ở trường trung học của tôi. Tất cả cho thấy đó không phải là một khởi đầu tốt và tôi sẽ phải suy nghĩ hai lần khi thuật lại cho vợ tôi.

Một điểm sáng khả dĩ là tôi đã gặp bác sĩ Rafi Kot, người Israel, có mặt tại Việt Nam như một bác sĩ y khoa theo một dự án tài trợ của Đức để nâng cấp dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản trên địa bàn tỉnh Nam Định, phía nam Hà Nội.

Bác sĩ Kot đang lên kế hoạch mở một phòng khám nhỏ ở Vạn Phúc vào cuối năm 1993 để hỗ trợ cho giới ngoại giao. Ông quả là một báu vật được ban tặng cho cộng đồng người nước ngoài và giới ngoại giao ở Hà Nội. Ông thật sự đã giúp đỡ người nước ngoài chúng tôi không biết bao nhiêu mà kể với đủ loại nhu cầu chăm sóc y tế.

Kỳ tới: Câu chuyện của một người vợ

CHRISTOPHER RUNCKEL 05/06/2015 
12 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 6769)