Không ai có thể lật lại Hiệp ước biên giới Việt Nam-Campuchia

05 Tháng Bảy 201511:32 CH(Xem: 9709)
"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ HAI 06 JULY 2015

Không ai có thể lật lại Hiệp ước biên giới Việt Nam-Campuchia

Ts Trần Công Trục

03/07/15

 (GDVN) - Những hành động chống phá biên giới Việt Nam - Campuchia mà CNRP kích động đang diễn ra cố tình đi ngược lại những thành quả mang tầm vóc lịch sử.

LTS: Xung quanh việc đảng Cứu quốc Campuchia CNRP kích động một bộ phận người dân Campuchia nhẹ dạ chống phá quyết liệt quan hệ hữu nghị hợp tác giữa 2 nước, phá hoại hòa bình ổn định và ngăn cản tiến trình phân giới cắm mốc giữa hai nước, Tiến sĩ Trần Công Trục gửi đến độc giả báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tài liệu về tiến trình đàm phán biên giới dẫn đến ký kết Hiệp ước biên giới giữa Việt Nam với Campuchia.

Điều này một lần nữa góp phần khẳng định Hiệp ước biên giới giữa Việt Nam và Campuchia là hoàn toàn hợp pháp, hợp lý, không ai có thể đảo ngược nó. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của Ts Trần Công Trục đến quý độc giả, tiếp theo bài "Cảnh giác với yếu tố Trung Quốc ở biên giới Tây Nam" .
blank
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) và một số quan chức nước này cho rằng Việt Nam đã vi phạm biên giới, xâm chiếm lãnh thổ của Campuchia hay các Hiệp ước đã ký về biên giới giữa 2 nước vừa qua là bất bình đẳng, bất lợi cho Campuchia và yêu cầu phải hủy bỏ.

Thậm chí có kẻ còn kêu gào "đòi lại" toàn bộ vùng đất Nam Bộ của Việt Nam với lập luận rằng vùng đất này vốn là lãnh thổ của Campuchia mà Pháp đã cắt nhượng cho Việt Nam…Những luận điệu này thực hư ra sao, chúng tôi xin được cung cấp một số thông tin có liên quan sau đây:
Đường biên giới đất liền Việt Nam– Campuchia dài 1.137 km từ ngã ba biên giới Việt Nam– Lào– Campuchia đến sát mép biển Xà Xía, Hà Tiên tỉnh Kiên Giang.

Đường biên giới đi qua 10 tỉnh của Campuchia và 10 tỉnh của Việt Nam. Địa hình dọc đường biên giới được chia làm 3 đoạn như sau:

- Đoạn 1: Từ ngã ba biên giới đến hết biên giới tỉnh Bình Phước dài khoảng 585km, đi qua vùng địa hình có nhiều rừng rậm, núi cao hiểm trở.
- Đoạn 2: Từ điểm tiếp giám biên giới giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Tây Ninh đến sông Vàm Cỏ Đông dài khoảng 143km đi qua nhiều vùng địa hình rừng rậm nhưng bằng phẳng.

- Đoạn 3: Từ Nam Tây Ninh đến giáp mép biển Xà Xía, Kiên Giang dài khoảng 409km, đi qua địa hình phần lớn kênh rạch, sình lầy.

Người Khmer Krom thường viện dẫn những lý do lịch sử và văn hóa để chứng minh cái gọi là chủ quyền của họ trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Cách tiếp cận này chỉ xét về khía cạnh lịch sử, với lập luận rằng những nhóm dân cư bản địa đầu tiên trên vùng đất này là con cháu những người Khmer trốn chạy các cuộc vây bắt nô lệ để xây dựng đền đài quanh khu vực Seam Reap và Battambang từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 14.

Và sau đó là những cuộc nội chiến hay tấn công của người Thái từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 18. Nhưng lập luận của họ không đúng về mặt pháp lý, vì các vương triều Khmer chưa bao giờ làm chủ khu vực đồng bằng sông Cửu Long như người một bộ phận người Campuchia ngày nay thường tuyên bố.

Có thể nói người Khmer Krom chưa bao giờ làm chủ đồng bằng châu thổ sông Cửu Long mặc dù đã hiện diện trước đó.

Trong thế kỷ 17, nội chiến và tranh chấp nội bộ giữa các vương tôn buộc những phe tranh chấp tìm sự hỗ trợ của những thế lực mạnh hơn để triệt hạ đối thủ hay để được bảo vệ. Đó là trường hợp của vua Jayajettha II (1619-1627) kết nghĩa với chúa Nguyễn để được tiếp cứu khi bị Xiêm tấn công.

Bù lại, Jayajettha II nhượng cho chúa Nguyễn (tức Nhà nước Việt Nam) quyền khai thác lãnh thổ Prei Nokor trong vòng 5 năm để làm nơi thu mua và vận chuyển thực phẩm ra miền Trung. Sau nhiều lần đánh bật quân Xiêm ra khỏi lãnh thổ Chân Lạp trong những năm 1622-1623, việc thu hồi hai nhượng địa Prei Nokor và Kompong Trabei không còn đặt ra nữa, vì vua Khmer rất cần sự hiện diện của quân Việt trên lãnh thổ của mình.

Phải chờ đến năm 1679, khi hai tướng nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên, cùng với hai phó tướng Hoàng Tiến và Trần An Bình, với hơn 3.000 quân và 50 chiến thuyền, xin tị nạn và được chúa Nguyễn cho vào khai thác những vùng đất hoang miền Đông Nam Bộ. Tại đây người Minh Hương đã cùng những di dân Việt khẩn hoang, xây nhà, lập chợ, dựng đình.
blank
Kem Sokha và Sam Rainsy, hai lãnh đạo đảng CNRP chống phá quan hệ Việt Nam - Campuchia quyết liệt.

Với thời gian, những khu đất mới này trở nên trù phú và thu hút đông đảo di dân khác tới, kể cả người Khmer trong nội địa. Năm 1698, vùng đất Sài Gòn - Gia Định, tức miền Tây Nam Bộ, chính thức được chúa Nguyễn xác lập chủ quyền.

Năm 1671, một quan lại nhà Minh khác tên Mạc Cửu cùng với 400 người đổ bộ lên vùng đất hoang vu trong vịnh Thái Lan và xin thần phục vương triều Khmer. Năm 1681, vua Jayajettha IV cho Mạc Cửu khai thác vùng đất dọc bờ biển phía nam Campuchia ngày nay, gọi là Căn Khẩu, nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công của hải tặc.

Sau nhiều lần bị hải tặc Xiêm La đánh phá và không được vua Khmer hỗ trợ, năm 1724 Mạc Cửu xin thần phục chúa Nguyễn, vùng đất Căn Khẩu đổi tên thành Long Hồ dinh, sau này là Hà Tiên. Con của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ đã tận tình giúp các vua Khmer đánh trả quân thù để bảo vệ ngôi báu, sau mỗi chiến công các vua Khmer trao tặng đất đai để tưởng thưởng. Năm 1759, toàn bộ lãnh thổ đồng bằng sông Cửu Long chính thức được sát nhập vào lành thổ nhà Nguyễn.

Dưới thời bảo hộ Pháp (1863-1953), các vị vua Khmer đã nhiều lần yêu cầu hay van nài Pháp giao lại lãnh thổ Nam Kỳ cho Hoàng gia Khmer như bức thư vua Ang Duong gởi cho hoàng đế Napoléon III ngày 25/11/1856, cuộc gặp mặt giữa vua Norodom (cha) và Toàn quyền Đông Dương năm 1864.

Nhưng người Pháp từ chối bởi một lý do giản dị là: Chính nhà Nguyễn đã giao phần đất này cho Pháp năm 1862 và sau đó năm 1874 chứ không phải các vua Khmer. Hơn nữa khi ký Hiệp ước bảo hộ vương quốc Cambốt năm 1863, hoàng gia Khmer không hề đề cập tới phần lãnh thổ phía nam, mà người Pháp gọi là Cochinchine (miền Nam Việt Nam).

Chính vì vậy mà Chính quyền thực dân Pháp đã thực hiện các thủ tục pháp lý như sau:

Phân định đoạn biên giới phía Bắc (Trung Kì- Cao miên) bằng Nghị định của Toàn quyền Đông Dương (1904. 1905).

Phân định đoạn biên giới phía Nam (Nam Kì- Cao Miên) bằng Công ước Pháp-Campuchia (1870 và 1873) sửa đổi bổ sung bằng Nghị định năm 1893 của Thống đốc nam kỳ và Nghị định của Toàn quyên Đông dương năm 1914.

Toàn bộ đường biên giới được thể hiện tương đối đầy đủ trên 26 mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương xuất bản từ năm 1929 đến năm 1954.

Tuy nhiên, tình hình chính trị, xã hội có nhiều diễn biến phức tạp kể từ sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương. Vấn đề biên giới, lãnh thổ có liên quan giữa 2 nước vẫn luôn luôn ở trong tình trạng bất ổn, thỉnh thoảng nổi lên những tranh chấp, xung đột nghiêm trọng.

Tình trạng đó kéo dài cho đến thời kỳ sau khi bè lũ diệt chủng Polpot bị lật đổ và sự ra đời của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia, và sau này là Vương quốc Campuchia.
blank
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong lễ cắm mốc biên giới số 314.

Ngày  27/12/1985, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới giữa hai nước. Theo Hiệp ước 1985, hai bên dự kiến cắm 322 mốc trên đường biên giới dài 1.137km.

Ngày 10/10/2005, Thủ tướng chính phủ hai nước ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985. Từ tháng 6/2006 tiến hành đàm phán phân giới cắm mốc trên thực địa được tiếp tục thực hiện

Hiệp ước Bổ sung được Quốc hội 2 nước phê chuẩn theo đúng thủ tục pháp lý quốc tế. Hiệp ước có 04 nội dung cơ bản:

Một là: Hai bên thống nhất điều chỉnh 06 điểm trên tuyến biên giới, trong đó 03 điểm do sai sót kỹ thuật bản đồvà 03 điểm ở An Giang lâu nay vốn của Việt Nam hoặc của Campuchia nhưng lại không được thể hiện trên bản đồ Hiệp ước năm 1985.

Riêng khu vực Bu Prăng (thuộc tỉnh Đắc Nông ngày nay), phía ta khẳng định là của Việt Nam, nhưng nhằm không để vấn đề này cản trở tiến trình phân giới cắm mốc, ta đã đồng ý ghi vào Hiệp ước bổ sung là "Hai bên tiếp tục thảo luận" vấn đề này.

Hai là: Điều chỉnh đường biên giới trên sông suối biên giới theo nguyên tắc luật pháp và thực tiễn quốc tế, áp dụng nguyên tắc trung tuyến dòng chảy.

Ba là: Mỗi bên tự rà soát việc chuyển vẽ đường biên giới từ bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 sang bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000, sau đó đối chiếu kết quả để thống nhất một đường biên giới trên bản đồ.

Bốn là: Hai bên đã cam kết hoàn thành phân giới cắm mốc trước tháng 12/2008. Tuy nhiên căn cứ vào tình hình thực tế, sau khi đảng Nhân dân Campuchia (CPP) thắng cử, 2 bên đã thống nhất điều chỉnh kế hoạch phân giới cắm mốc sẽ hoàn thành vào cuối năm 2012.

Đến nay, công tác phân giới cắm mốc đã thực hiện được 78% khối lượng công việc. Đã cắm đước các mốc giới ở hầu hết các địa điểm quan trọng như: cửa khẩu, nơi có đường giao thông cắt qua biên giới, nơi có dân cư tập trung sinh sống và canh tác, đặc biệt là cắm được cột mốc ở ngã 3 biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia và mốc cuối cùng của biên giới đất liền, mốc số 314 được cắm trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun Sen ngày 24 tháng 6 năm 2012.  

Một số thông tin tóm tắt nói trên đã có thể cho chúng ta thấy rõ căn cứ pháp lý và quá trình giải quyết vấn đề biên giới giữa 2 nước qua các thời kỳ lịch sử đã diễn ra như thế nào. Đặc biệt, chúng ta thấy rõ giá trị của các Hiệp ước về biên giới đã được ký kết một cách hợp lý, hợp pháp giữa 2 nước vào những năm 80 của thế kỷ trước và vào những năm đầu của thế kỷ này, cũng như những kết quả quý giá của công tác phân giới căm mốc đã diễn ra sau đó.

Những hành động chống phá biên giới Việt Nam - Campuchia mà CNRP kích động đang diễn ra cố tình đi ngược lại những thành quả mang tầm vóc lịch sử nói trên chắc chắn không thể là cái gì khác ngoài là những cơn gió lạ, những ngọn “gió chướng” độc hại, trái mùa cần phải mạnh mẽ dẹp bỏ.

Ts Trần Công Trục
04 Tháng Chín 2015(Xem: 9085)
“Nhân dịp 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chiều 1-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã tới thăm nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh tại nhà riêng” - ‘báo nhà’ Quân Đội Nhân Dân đưa tin.
10 Tháng Tám 2015(Xem: 11077)
(Kinh tế) - hòn đảo chỉ xêm xêm về diện tích như Phú Quốc của Việt Nam, vậy mà Singapore, chỉ với từng đó nămđã khiến cả thế giới phải nhìn họ với sự ngưỡng mộ.