'Ba kịch bản' phán quyết về Biển Đông

03 Tháng Bảy 20169:32 CH(Xem: 8287)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  HAI 04  JULY 2016

'Ba kịch bản' phán quyết về Biển Đông


image055

Image caption Thẩm phán Antonio T. Carpio gặp gỡ báo chí tại Manila hôm cuối tuần

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông vào ngày 12/7/2016.

Thẩm phán Tòa án tối cao Philippines mô tả điều ông gọi là "ba kịch bản" có thể xảy ra với phán quyết mà ông nói chi phối tới hơn 85% tranh chấp chủ quyền tại Biển Tây Philippines ("Biển Đông" theo cách gọi của Việt Nam).

Thẩm phán Antonio Carpio đã và đang theo đuổi vụ tranh chấp chủ quyền của Philippines và Trung Quốc trong nhiều năm.

Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc lên Tòa Trọng tài quốc tế vào năm 2013.

Đơn kiện của Philippines nói yêu sách 'đường chín đoạn', hay 'đường lưỡi bò' mà Trung Quốc dùng để khoanh vùng chủ quyền của mình ở Biển Đông, là trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên ký kết.

‘Kịch bản tốt’

Thẩm phán Antonio T. Carpio từ Tòa án Tối cao Philippines nói rằng trong “kịch bản tốt”, Tòa trọng tài có thể sẽ phán quyết đường chín đoạn là “vô hiệu”, bãi cạn Scarborough nằm trong vùng biển chủ quyền của Philippines vốn là khu vực đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Philippines, nhưng tòa sẽ không ra phán quyết với các vấn đề khác.

Nếu phán quyết này xảy ra, Philippines sở hữu vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý từ bãi cạn Scarborough, ngư dân Philippines có thể đánh bắt cá tại đây. Trong khu vực vùng biển chủ quyền từ bãi cạn Scarborough, ngư dân Philippines có thể sẽ đánh bắt cá chung với tàu Trung Quốc.

Trung Quốc được dự đoán sẽ không tuân thủ phán quyết trừ khi có các nước lớn và các tổ chức lớn buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết và người Trung Quốc nhận ra tuyên bố đường chín đoạn không có cơ sở lịch sử.

Nếu kịch bản này xảy ra, thẩm phán Carpio nói Philippines có thể sẽ tiếp tục một vụ kiện mới với tranh chấp tại đảo Itu Aba [Ba Bình – theo cách gọi của Việt Nam] và khuyến khích Việt Nam và Malaysia tham gia vụ kiện này.

“Cần có các chiến dịch ngoại giao ở Liên hiệp Quốc/Asean/EU để yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết và cấm việc tuyên bố chủ quyền hàng hải với đường chín đoạn,” ông Carpio nói.


image057

Image copyright Reuters Image caption Bãi cạn Scarborough là một trong những tâm điểm chú ý của báo giới trước ngày phán quyết của Tòa trọng tài thường trực được công bố

Kịch bản thứ hai

Tòa phán quyết đường chín đoạn không có giá trị hoặc vô hiệu trong việc tuyên bố chủ quyền hàng hải, Đảo Ba Bình không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế, khẳng định tình trạng của các bãi cạn do Philippines xác định, bãi cạn Scarborough tạo ra vùng biển chủ quyền là vùng đánh cá truyền thống của người Philippines.

Với kịch bản này, Philippines cần có các chiến dịch ngoại giao với UN/ASEAN/EU và thế giới để đòi hỏi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trong tài và cấm việc tuyên bố chủ quyền trong khu vực đường chín đoạn.

'Kịch bản tệ nhất'

Tòa án không phán quyết về giá trị của ‘đường chín đoạn’, tuyên bố Đảo Ba Bình có tạo ra vùng đặc quyền kinh tế, Scarborough chỉ tạo ra vùng biển chủ quyền. Phán quyết không đề cập đến các vấn đề khác.

Nếu phán quyết này xảy ra, Trung Quốc sẽ áp đặt đường chín đoạn là ranh giới chủ quyền, Trung Quốc sẽ chặn hoặc quấy rối đường tiếp tế của Philippines/Việt Nam/Malaysia đến các đảo mà các nước này đang kiểm soát tại Trường Sa, tranh chấp pháp lý về vùng biển trong khu vực "đường 9 đoạn" vẫn tiếp tục.

Cách duy nhất mà các quốc gia khác có thể chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc là trang bị thêm tàu chiến, máy bay chiến đấu, tên lửa. Chạy đua vũ trang trên biển sẽ xảy ra.

Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ thường xuyên thực hiện các chuyến tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông ở khu vực Trường Sa. Trung Quốc sẽ chống lại các hoạt động tuần này. Căng thẳng gia tăng.

‘Việt Nam có lợi'

Trong buổi nói chuyện tại Manila hôm 24/06, Thẩm phán Carpio đưa ra nhiều giải pháp để gây áp lực buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài, bao gồm xin đình chỉ giấy phép của Trung Quốc tại Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế hay đề nghị Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hiệp Quốc đình chỉ hồ sơ của Trung Quốc về thềm lục địa mở rộng.

"Nếu Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) khai thác dầu và khí đốt trong khu vực Bãi Cỏ Rong, Philippines có thể kiện CNOOC ở các quốc gia mà CNOOC có tài sản, như tại Canada và Hoa Kỳ," ông Carpio nói.


image059

Image caption Ông Carpio nói Việt Nam sẽ ''có lợi'' nếu phán quyết ủng hộ Philippines

Nói với BBC Tiếng Việt từ Manila, thẩm phán Carpio nhận định: "Một trong những điều được đề cập đến tại tòa là các đảo chìm như Đá Vành Khăn, Đá Subi. Nếu chúng tôi thắng ở các điểm đó, theo luật là Trung Quốc phải rời khỏi các bãi đá đó. Nhưng tất nhiên là ép Trung Quốc rời khỏi các bãi đá là cực kỳ khó.”

“Trung Quốc đã cải tạo tất cả các đảo mà họ chiếm, xây dựng các cấu trúc quân sự trên bảy đảo đá chìm. Tôi không thấy Scarborough có thể là ngoại lệ. Họ cũng sẽ xây, đó là đánh giá của tôi.Trung Quốc sẽ xây dựng tại Scarborough để khẳng định sự hiện diện của họ ở khu vực đó. Trung Quốc xem vị trí của Scarborough là rất chiến lược, cực kỳ chiến lược.”

Tuy nhiên, ông Carpio cũng thừa nhận phán quyết của Tòa trọng tài sẽ không giải quyết được xung đột trong khu vực quần đảo Trường Sa.

"Nếu phán quyết có lợi cho Philippines, Việt Nam sẽ có lợi rất nhiều từ phán quyết này bởi vì Việt Nam biết nếu họ kiện Trung Quốc về 'đường chín đoạn', phán quyết cũng sẽ tương tự. Vì thế, đó là lý do Việt Nam gửi thư đến tòa trọng tài nói ủng hộ Philippines.

"Nhưng tất cả còn tùy thuộc vào tình hình của riêng của mỗi quốc gia. Việt Nam ở tình thế rất khác Philippines, có đường biên giới trên bộ với Trung Quốc. Việt Nam từng có chiến tranh với Trung Quốc vào năm 1979, và đã có xung đột trên biển năm 1988," Thẩm phán Carpio nhận định.

Trong ngày thứ Hai 27/6, hãng tin Reuters tường thuật Tổng thống sắp nhậm chức của Philippines Rodrigo Duterte nói sẽ không bình luận về tranh chấp chủ quyền trên biển Đông với Trung Quốc cho đến sau khi tòa trọng tài công bố phán quyết./

BBC 30 tháng 6 2016

03 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 8778)
10 Tháng Mười Một 2015(Xem: 8825)