Ts. Lê Trung Tĩnh: 30 tháng Tư: "Ngày hòa bình"

07 Tháng Năm 20177:34 CH(Xem: 8092)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  HAI  08  MAY  2017


30 tháng Tư: Ngày hòa bình


Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh từ Anh Quốc Bài đã đăng trên Facebook cá nhân


image042Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Dinh Độc Lập ngày 1/5 năm 1975: hai phía cộng sản và cộng hòa đã ngưng bắn


Nếu có một từ tích cực để nói về ngày 30/4/1975, có lẽ đó là hòa bình.


Nói gì thì nói đó cũng là ngày người Việt đã ngưng dùng bom đạn, súng ống, lựu mìn hay chôn sống để đối xử với nhau, đã để lại sau lưng, nhưng không bao giờ quên, những Mậu Thân và Mỹ Lai.


Hòa bình chẳng phải là điều mà ai cũng mơ ước hay sao:


"Nếu xuân này hòa bình, anh tìm em không cần hẹn hò, yêu cho đầy ắp đôi tay chờ".


Ca từ Trầm Tử Thiêng và giọng hát Thái Thanh nói lên tất cả khát khao của người Việt muốn im tiếng súng, muốn "Ngày trở về, anh bước lê, trên quãng đường đê đến bên lũy tre, nắng vàng hoe, vườn rau trước hè cười đón người về. Mẹ lần mò, ra trước ao, nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ, tiếc rằng ta, đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ".


Người mẹ, người vợ nào chẳng mong người trai trở về từ chốn binh lửa, từ một cuộc chiến mà bên kia nòng súng là những người không chỉ nói cùng thứ tiếng mà còn mang cùng dòng họ, không Trần Lê thì cũng Nguyễn Phạm…?


Nếu xuân này hòa bình, anh tìm em không cần hẹn hòLời ca


Đó có thể là bà mẹ miền Trung, người em gái miền Nam hay người vợ miền Bắc.


Tôi có coi một bộ phim cách đây khá lâu kể ở miền Bắc rất nhiều làng không còn một bóng đàn ông vì tất cả đều động viên đi vào Nam.


Tôi có người thân đón "Anh trở về trên chiếc băng ca, trên trực thăng sơn màu tang trắng". Giết nhau như thế là quá đủ!


Nền hòa bình không trọn vẹn


Đáng tiếc đó là một nền hòa bình rất không trọn vẹn.


image043

Bản quyền hình ảnh Le Trung Tinh Image caption Bảo tàng tại Anh nhắc lại Thế Chiến 2


Những năm cải tạo dài đăng đẳng chia cắt bao gia đình, bao nhiêu thảm nạn trên biển, vượt biên khỏi những chính sách tàn phá cả đất nước và lòng người, những đánh tư sản, kinh tế mới, hậu quả của sự mù quáng lý tưởng mà kể ra có thể chỉ làm người Việt có lương tri thấy cái giá của hòa bình sao quá đắt.


Hào quang chiến thắng không bao giờ có thể che mãi trách nhiệm các bên đối với cuộc chiến và những vấn đề hậu chiếnLê Trung Tĩnh


Cách đây vài hôm tôi đi thăm bảo tàng Chiến tranh tại London. Ấn tượng, không phải vì những vũ khí hay chiến xa, mà vì cách nhìn của người Anh về các cuộc chiến.


Một không gian lớn về Chiến tranh thế giới thứ hai miêu tả những những đau thương và đổ vỡ do chiến tranh gây ra bởi cả hai bên, Đức Quốc xã và cả người Anh.


Nơi đây trưng bày và phân tích rất cụ thể về những hạn chế tự do một cách vô nguyên tắc, những tuyên truyền sai sự thật của các lãnh đạo Anh khi tuyển mộ quân lính, quản lý hay ủy lạo dân chúng trong thời chiến.


Người Anh ý thức rất rõ rằng chiến tranh đã méo mó quá nhiều, đã tàn phá quá đủ nên ngay sau khi hòa bình cần làm tất cả để hàn gắn và chữa lành những vết thương này, mà một trong những cách tốt nhất là ghi lại đúng và trọn vẹn sự thật.


Những năm học cấp hai, chúng tôi được đưa đi thăm "Bảo tàng tội ác chiến tranh Mỹ Ngụy".


Cái tên (bảo tàng giờ đã đổi nhưng những gian trưng bày tên gọi và nội dung vẫn như cũ) nói lên tất cả về cách nhìn, sự chân thật, và khách quan của người chiến thắng. Chưa nói đến những từ cao xa hơn như hòa hợp hòa giải, xóa bỏ hận thù, vượt lên định kiến.


Một triết gia cổ đại Hy Lạp đã từng nói : Trong chiến tranh, sự thật là nạn nhân đầu tiên. Đáng tiếc ở Việt Nam, điều đó vẫn đúng trong thời bình, và không chỉ với sự thật.


image044

Bản quyền hình ảnh Keystone/Getty Images Image caption Nam Việt Nam tháng 3/1962: bảo vệ nông dân trên ruộng lúa khỏi bị du kích tấn công


Chỉ vài năm sau khi thắng trận và vinh danh những chiến sĩ kháng chiến, nước Pháp cũng đã nhìn lại lịch sử và ghi nhận rất rõ ràng những tội lỗi và trách nhiệm của không chỉ chính quyền Pháp mà của các tổ chức có thể độc lập khác nhưng đã hợp tác cùng Đức Quốc xã trong việc đưa người Do thái đi vào những trại tập trung.


Hào quang chiến thắng không bao giờ có thể che mãi trách nhiệm các bên đối với cuộc chiến và những vấn đề hậu chiến.


Thật ra thế giới phương Tây không thiếu người thích khoe chiến thắng.


Ở một cấp độ khác và ít nghiêm trọng hơn nhiều, ông Trump cũng đã chẳng đem bản đồ chiến thắng trước bà Clinton ra để trình báo chí khi phỏng vấn sau 100 ngày đó sao?


Tuy nhiên cần lưu ý đó là một chiến thắng của một cuộc bầu cử dân chủ, nguyên do chính để chúng ta chắc chắn rằng ông Trump không thể mãi hãnh diện về điều đó hằng năm, và dĩ nhiên không thể suốt 42 năm./ (theo BBC 2 /5/2017)


Bài đã đăng trên Facebook cá nhân, thể hiện quan điểm riêng của Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh, người lớn lên tại TP Sài Gòn, du học Pháp và hiện làm việc cho cơ sở điện nguyên tử tại Gloucester, Anh Quốc