Vụ Trịnh Xuân Thanh : Nguyễn Hải Long bất ngờ kháng án

02 Tháng Tám 20187:49 CH(Xem: 6715)

VĂN HÓA ONLINE - THỜI SỰ A - THỨ SÁU 03 AUG 2018


Vụ Trịnh Xuân Thanh : Nguyễn Hải Long bất ngờ kháng án


Thanh Phương 02-08-2018


image045Bị cáo Nguyễn Hải Long ngồi trong phòng kính chống đạn tại tòa án Berlin, Đức, ngày 25/07/2018(Avec l'aimable autorisation de Thoibao.de)


Theo báo chí Đức, bị cáo Nguyễn Hải Long trong vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức đã bất ngờ kháng án vào giờ chót, vài ngày sau bị một tòa án ở Berlin tuyên án tù. Tình tiết mới: dường như mật vụ Việt Nam đã vào Đức qua ngả Pháp.


Nhật báo TAZ của Đức hôm qua, 01/08/2018, cho biết là ngày 31/07 vừa qua, tức là đúng một ngày trước khi hết hạn, bị cáo Nguyễn Hải Long đã đệ đơn kháng án, mặc dù trong phiên xử ngày 25/07 vừa qua, bị cáo đã nhận tội trước tòa để được hưởng mức án nhẹ.


Trong phiên xử hôm đó, Tòa thượng thẩm Berlin chỉ tuyên án 3 năm 10 tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Hải Long về tội « hoạt động gián điệp chống Nhà nước Đức » và về tội tham gia vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin cách đây một năm.


Theo nhật báo TAZ, việc ông Nguyễn Hải Long kháng án là điều hoàn toàn bất ngờ, ngay cả đối với hai luật sư bào chữa cho ông Long, vì chính hai luật sư này đã thuyết phục được thân chủ của họ nhận tội trước tòa để được tuyên án nhẹ.


Sau khi nhận được tin kháng án, hai luật sư này đã lập tức hủy bỏ ủy nhiệm bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hải Long. Nhật báo TAZ cho biết, khi đệ đơn kháng án, bị cáo Nguyễn Hải Long cũng đã ủy nhiệm 2 luật sư khác bào chữa cho mình.


Tờ TAZ cũng cho biết, theo nguồn tin từ giới thân cận với sứ quán Đức tại Việt Nam, ngay sau khi bị cáo Nguyễn Hải Long nhận tội trước tòa, chính phủ Việt Nam đã mời đại diện sứ quán Đức lên nói chuyện về phiên xử Nguyễn Hải Long.


Cho tới nay, chính phủ Hà Nội vẫn khẳng định rằng ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam, đã tự nguyện về nước để đầu thú, sau gần một năm trốn lệnh truy nã quốc tế. Nhưng trong lời thú tội trước tòa, Nguyễn Hải Long đã thừa nhận chính mật vụ Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đem về nước.


Thật ra, trong bản luận tội khi tuyên án hồi tuần trước, bà Regine Grieß, Chánh án chủ tọa phiên tòa đã nói rõ tòa có đầy đủ các nhân chứng và bằng chứng do cảnh sát điều tra thu thập được, để kết án Nguyễn Hải Long mà không nhất thiết phải có lời thú tội của bị cáo.


Phiên tòa vừa qua cũng đã hé lộ nhiều tình tiết khác về hoạt động của mật vụ Việt Nam trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, theo lời nhà báo Lê Trung Khoa, chủ biên tờ thoibao.de, người đã dự phiên tòa này :


« Có sự liên quan giữa đại sứ quán Việt Nam tại Pháp với vụ bắt cóc này. Cụ thể, trong những phiên tòa diễn ra trước đó tại Berlin, các nhân viên điều tra Đức khai rằng họ đã phát hiện những SIM điện thoại của Pháp đã được đưa vào khuôn viên của sứ quán Việt Nam tại Pháp để khởi động lên và sau đó được những nhân viên mật vụ này cho vào điện thoại để sử dụng từ lúc ở Pháp, sau đó bay đến Đức và trong thời gian bắt cóc, những người này liên tục sử dụng số điện thoại đã được bật trong khuôn viên sứ quán Việt Nam.


Vào buổi cuối của phiên tòa, khi tuyên án bị cáo mật vụ Nguyễn Hải Long trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh với án là 3 năm 10 tháng tù, lại một lần nữa bà thẩm phán nhắc đến việc này và cho biết là các nhà điều tra Đức đang chờ xác minh của cảnh sát Pháp tại Paris để biết thêm thông tin cụ thể về nhóm mật vụ này đã đi như thế nào vào Pháp, đã sử dụng những phương tiện gì và đã có những hoạt động trong thời gian gì ở Pháp cho đến khi lên sân bay.


Trong thời điểm này thì phía Đức chưa nhận được những thông tin đó, có nghĩa là họ đang tiếp tục điều tra. Sắp tới đây cảnh sát Pháp chắc chắn là sẽ có những thông tin mới. »
10 Tháng Sáu 2018(Xem: 6796)
Shagri-La 2018: Chỉ là bước khởi đầu