Hạt giống đỏ gieo khắp nơi

04 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 11181)

Việt Nam kỷ niệm 60 năm hiệp định Geneva

image054
Trẻ em đi chân đất chào đón lực lượng Việt Minh tiến vào tiếp quản Hà Nội theo các điều khoản của hiệp định Geneva, 9/10/1954.

VOA 18.07.2014

HÀ NỘI —

Trong lúc Việt Nam kỷ niệm 60 năm hiệp định Geneva công nhận một nước Việt Nam độc lập sau gần một thế kỷ dưới ách thống trị thực dân, những vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tiếp tục là đề tài bàn luận của người dân.

Hàng trăm người đứng hát bài quốc ca Việt Nam trong một buổi lễ tổ chức tại Hà Nội hôm thứ Sáu để kỷ niệm hòa ước đã chấm dứt chế độ thực dân Pháp nhưng đồng thời cũng làm cho đất nước bị chia đôi.

Hiệp định này qui định tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào năm 1956 và trong lúc đó đất nước sẽ bị chia cắt làm hai miền – Bắc và Nam – dọc theo vĩ tuyến 17. Tuy nhiên, cuộc bầu cử đã không bao giờ được tổ chức và một thập kỷ sau đó quân đội Mỹ tiến vào Sài Gòn để hỗ trợ miền Nam trong cuộc chiến tranh chống lại những người Cộng sản miền Bắc.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói hiệp định Geneva là một dấu mốc quan trọng cho sự độc lập dân tộc và đoàn kết, và cho thấy những bài học trong việc “thúc đẩy vai trò của dân chủ, tăng cường đối thoại và dùng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp trong quan hệ quốc tế theo luật pháp quốc tế.”

Trong vài tháng qua, Việt Nam có tranh chấp căng thẳng với Trung Quốc khi nước này đặt một giàn khoan ở vùng biển mà cả hai nước đều cho là thuộc chủ quyền của mình. Vụ tranh chấp bắt nguồn từ những yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa.

Một phần luận cứ của Việt Nam đối với quần đảo này, theo truyền thông Việt Nam, là do người Pháp đã coi các đảo đó thuộc lãnh thổ thuộc địa của họ.

Giáp sư Carl Thayer của trường Đại Học New South Wales của Úc nói:

“Năm 1955 Việt Nam Cộng Hòa được thành lập theo các cuộc bầu cử và Việt Nam Cộng Hòa có quyền tài phán đối với Trường Sa và Hoàng Sa bởi vì các quần đảo này nằm bên dưới vĩ tuyến 17. Giữa năm 1954 và 1956, người Pháp rút khỏi các đảo này và để Việt Nam Cộng Hòa đưa quân đội ra đó.”

Một số nhà bình luận Việt Nam tuyên bố rằng vì Trung Quốc đã tham gia cuộc đàm phán cho Hiệp Định Geneva, cho nên có nghĩa họ đã công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với những quần đảo này. Nhưng không có một văn bản nào được Trung Quốc ký, cho nên, theo ông Thayer, tuyên bố này là “một sự diễn giải quá đáng.”

Căng thẳng giữa hai nước đã dịu xuống đôi chút hôm thứ Tư vừa qua, khi Trung Quốc di chuyển gian khoan dầu trị giá 1 tỷ đô la tới vùng biển gần đảo Hải Nam. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói việc di chuyển này là theo các kế hoạch thương mại của họ chứ không liên quan đến bất kỳ yếu tố bên ngoài nào.

Ông Thayer cho rằng Trung Quốc dời giàn khoan một phần là vì Việt Nam chuẩn bị triệu tập một cuộc họp của Ủy Ban Trung Ương Đảng để bàn thảo về việc có nên tiến hành các hành động pháp lý đối với Trung Quốc về việc đặt giàn khoan hay không. Ông nói:

“Khi Trung Quốc bắt đầu đặt giàn khoan vào tháng 5, Ủy Ban Trung Ương Đảng đã nhóm họp – một cuộc họp chuẩn bị từ lâu – và họ đã không thể đồng ý với nhau về việc có nên tiến hành các hành động pháp lý hay không. Thủ Tướng Dũng là người ủng hộ việc này, giữa lúc ý kiến tán đồng của công chúng tăng cao. Trung Quốc một mặt phản đối hành động đó của Việt Nam, một mặt họ cũng lo sợ rằng các quốc gia khác sẽ can dự.”

Bà Jennifer Richmond, giám đốc bộ phận Trung Quốc của công ty tình báo toàn cầu Stratfor có trụ sở tại Mỹ, nói bà nghĩ rằng chỉ là vấn đề thời gian trước khi vấn đề này quay trở lại. Bà nói:

“Bạn có thể thấy một giàn khoan đến và đi và bạn sẽ tiếp tục thấy những thủ đoạn tương tự, không chỉ với Việt Nam mà với những nước khác, như Philippines.

Nhiều người tin rằng Biển Đông có nhiều khí đốt và dầu lửa, nhưng bà Richmond tin rằng có các yếu tố khác liên quan đến việc này:

“Các vấn đề với Việt Nam là một công cụ mà các nhà báo chính trị ở Trung Quốc lợi dụng để khơi dậy chủ nghĩa dân tộc. Người dân bình thường ở Trung Quốc có lo ngại hay nghĩ rằng Việt Nam là một mối đe dọa hay không? Không. Nhưng chính phủ có thể lợi dụng vấn đề này để thúc đẩy chương trình nghị sự quốc gia. Chắc chắn là như vậy. Và đó là điều mà họ đang làm."

Bà Richmond nói bà chưa bao giờ thấy Trung Quốc lại mạnh về chính trị như lúc này. Vì lý do đó, theo bà, có phần chắc là vụ tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông sẽ không lắng dịu trong thời gian tới đây./

++++++++++++++++++++

Ông Nguyễn Thanh Nghị được giao chuẩn bị Đề án lập “Đặc khu Hành chính Kinh tế Phú Quốc”

Nguyễn Thiện Nhân Thứ sáu, 28/03/2014, 19:50 (GMT+7)

(Chính trị) - Ông Nguyễn Thanh Nghị cũng được phân công chỉ đạo đầu tư phát triển Phú Quốc.

image059

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Chiều 28/3, Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang khoá VIII (nhiệm kỳ 2011-2016) tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 11, bầu ông Nguyễn Thanh Nghị giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang.

Trước đó, Bộ Chính trị ra Quyết định số 1085-QĐNS/TW, ngày 28/02/2014 điều động, phân công ông Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang nhiệm kỳ 2010-2015.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang phân công ông Nguyễn Thanh Nghị cùng với ông Lê Văn Thi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang chỉ đạo khối kinh tế, trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị Đề án thành lập “Đặc khu Hành chính Kinh tế Phú Quốc” và chỉ đạo đầu tư phát triển Phú Quốc.

(Theo Vietnam+)

image060

Ông Nguyễn Minh Triết sẽ làm Phó Bí thư Đoàn Bình Định

Ông Nghị sinh năm 1977, là con trai cả trong số ba người con của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Ông từng theo học tại Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó đi du học tại Mỹ.

Trong khi đó, con trai út của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa nhận quyết định "đi đào tạo thực tế ở cơ sở".

Ông Nguyễn Minh Triết sẽ "đi đào tạo thực tế tại tỉnh Bình Định trong thời gian từ 12 đến 24 tháng", theo báo Thanh Niên. Tại đây, công việc của ông là làm Phó bí thư Tỉnh đoàn Thanh niên CSVN Bình Định nhiệm kỳ 2013-2017.

Hiện ông Triết, 25 tuổi, là Ủy viên Ban chấp hành, Phó trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam.

Việc đi đào tạo thực tế là điều kiện cần thiết để các cán bộ Đảng, Đoàn thăng tiến sự nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Triết là người được đào tạo ở nước ngoài. Ông sang Anh từ năm 2004 và học A-level (dự bị đại học) ở Michael College. Năm 2006, ông bắt đầu học tập tại Đại học Queen Mary, chuyên ngành Kỹ thuật Hàng không và Chế tạo máy, cho tới 2009.

Ông có bằng thạc sỹ./

Con trai út Thủ tướng làm cán bộ Đoàn

BBC - chủ nhật, 29 tháng 1, 2012

image061

Thạc sỹ Nguyễn Minh Triết (thứ hai từ trái sang) về làm cán bộ Đoàn từ tháng 11/2011

Tin cho hay con trai út Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thạc sỹ Nguyễn Minh Triết, đã từ Anh trở về Việt Nam để làm cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản ở cơ sở.

Báo Tiền Phong của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong bài 'Góp sức trên quê nhà' đăng ngày 28/1 đưa tin anh Triết, người từng giữ chức Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Anh, đã "được cấp học bổng học tiếp Tiến sỹ, làm giảng viên cùng những cơ hội công việc hấp dẫn khác, nhưng anh chọn trở về".

Bài này sau cũng được báo Dân Trí đăng lại hôm 29/1.

Thạc sỹ Nguyễn Minh Triết, 23 tuổi, là con trai út của thủ tướng đương nhiệm. Anh có anh trai là Nguyễn Thanh Nghị, 35 tuổi, Thứ trưởng bộ Xây dựng; và chị gái là Nguyễn Thanh Phượng, 32 tuổi, thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bản Việt.

Anh Triết về Việt Nam sau khi du học bảy năm, chủ yếu tại Đại học Queen Mary, London, chuyên ngành Kỹ thuật Hàng không và Chế tạo máy.

Anh nhận bằng thạc sỹ với đề tài Kỹ thuật động cơ siêu thanh; và đã có sáu tháng thực tập tại công ty danh tiếng Rolls Royce.

Từ tháng 11/2011, Nguyễn Minh Triết đã tham gia phong trào đưa cán bộ trẻ về xã trong vị trí cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản cấp cơ sở.

Có lẽ anh là cán bộ Đoàn cơ sở có học vị cao nhất hiện nay.

Bài báo trên Tiền Phong không nói rõ công việc của anh Triết là gì, nhưng viết vừa nhận việc anh đã "xách ba lô cùng các cán bộ Đoàn rong ruổi Bắc Nam để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh-sinh viên và bạn trẻ".

Trước khi về nước, Nguyễn Minh Triết cũng đã có sáng kiến thành lập Trung tâm Phát triển Tri thức với mục tiêu kết nối du học sinh Việt Nam ở các nước ngoài.

Báo Tiền Phong viết: "Từ lâu Minh Triết đã mang dáng dấp của một cán bộ Đoàn năng động, nhiều sáng kiến".

Bài nói về anh Nguyễn Minh Triết còn tiết lộ cán bộ Đoàn trẻ tuổi này "chưa vội chuyện tình yêu".

Cán bộ cơ sở

image062

Ông Nông Quốc Tuấn (bên phải) từ cán bộ Đoàn lên Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang

Đoàn Thanh niên Cộng sản là tổ chức thanh niên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện cả nước có khoảng sáu triệu Đoàn viên, những người được cho là 'phấn đấu cho lý tưởng của Đảng Cộng sản'.

Đoàn Thanh niên cũng được cho là tổ chức hậu bị của Đảng, với nhiều lãnh đạo trong bộ máy chính trị hiện thời xuất thân từ hàng ngũ Đoàn.

Trong đó có các nhân vật như ông Hồ Đức Việt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN; ông Vũ Mão, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các Vấn đề Xã hội của Quốc hội...

Gần đây, ông Võ Văn Thưởng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn trở thành Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ông Nông Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên trở thành Phó Bí thư, rồi Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang.

Con đường làm cán bộ Đoàn ở cấp cơ sở như phường, xã, được cho là giúp các lãnh đạo tương lai thâm nhập cuộc sống và hiểu biết tường tận hơn về cuộc sống xã hội và nguyện vọng của người dân.

Ba người con của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều được giới quan sát nước ngoài đánh giá cao về học vấn và điều kiện lập thân.

Anh Nguyễn Minh Triết sang Anh từ năm 2004 và học A-level (dự bị đại học) ở Michael College. Năm 2006, anh bắt đầu học tập tại Đại học Queen Mary cho tới 2009.

Công điện của Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh Seth Winnick đánh đi ngày 26/12/2006, sau bị rò rỉ trên Wikileaks, đã tóm lược tin tức thu thập được về con cái Thủ tướng Dũng và viết rằng "các cánh cửa đang rộng mở" chào đón họ.

Ông Winnick cũng nhận xét đây là “bằng chứng cho thấy cách thức mà tầng lớp lãnh đạo (Việt Nam) bảo đảm cho con cái họ những vị trí đầy lợi thế về giáo dục, chính trị và cả kinh tế”./

Ông Nông Quốc Tuấn kiêm vị trí mới

BBC - thứ hai, 11 tháng 6, 2012

image062

Ông Nông Quốc Tuấn (phải) đang là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang

Con trai cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và hiện nắm vị trí lãnh đạo Đảng của tỉnh Bắc Giang sẽ kiêm nhiệm chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, tương đương Thứ trưởng.

Theo quyết định ngày 8/6 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký theo quyết định của Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Nông Quốc Tuấn, sẽ kiêm thêm chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Hiện Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc là ông Giàng Seo Phử, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai.

Thực ra ông Nông Quốc Tuấn, con trai của ông Nông Đức Mạnh, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đã từng giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc từ 1/2008-4/2009 trước khi làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang từ tháng 8/2010 rồi tái đắc cử nhiệm kỳ 2010-2015.

BBC được cho biết hiện tại ông vẫn kiêm nhiệm chức Bí thư Tỉnh ủy, nhưng có thể một nhân vật mới sẽ thay ông làm Bí thư sau khi có quyết định chính thức của Ban Tổ chức Trung ương.

Một nguồn tin nói ông Tuấn cũng có thể được cơ cấu để tham gia vào Ban Chỉ đạo Tây Bắc, vốn được thành lập năm 2004 để bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ.

Đây là một trong ba cơ quan nắm các vùng quan trọng nhưng cũng nhạy cảm về an ninh của Việt Nam (gồm Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ).

Đứng đầu Ban Chỉ đạo Tây Bắc hiện là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Nhiều vụ khiếu kiện đất đai đã xảy ra ở tỉnh Bắc Giang, và một số người đã từng kéo về Hà Nội để đòi hỏi quyền lợi của họ.

Hồi tháng Ba, một tòa án quân đội kết án tù năm người ở tỉnh này với tội danh gây rối trật tự

Họ bị bắt tháng Tám năm ngoái, sau vụ đụng độ lớn giữa khoảng một ngàn người dân với công an, bộ đội xung quanh tranh chấp đất đai.

Thời gian gần đây, dư luận tại Việt Nam đồn đại nhiều về chuyện gia đình của cựu Tổng Bí thư tuy không thể kiểm chứng được qua các nguồn chính thống.

Trong đó có tin nói ông Nông Đức Mạnh và Nông Quốc Tuấn mâu thuẫn sau khi người cha tái giá.

Người vợ mới của cựu lãnh đạo Đảng là một doanh nhân và cũng là đại biểu Quốc hội.

Cũng xuất hiện trên mạng một lá thư, mà tác giả tự nhận là con gái ông Mạnh, tố cáo người mẹ kế.

Những tin đồn này không được kiểm chứng, và một số giới chức được BBC liên lạc đều từ chối bình luận, nhưng được người dân ở Hà Nội bàn tán nhiều./

Con ông Bá Thanh vào Thành ủy Đà Nẵng

BBC - thứ bảy, 2 tháng 8, 2014

image063

Ông Cảnh được đưa từ Thành đoàn sang Thành ủy chỉ trong vòng một năm rưỡi

Ông Nguyễn Bá Cảnh vừa được bổ nhiệm vào Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng, báo trong nước đưa tin.

Ông Cảnh là con trai cả của ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (cho đến tháng 2/2013).

Ở tuổi 31, ông Cảnh là người trẻ tuổi nhất trong số các cán bộ Đà Nẵng vừa được bổ nhiệm vào Thành ủy.

Ba cán bộ khác của Đà Nẵng được Trung ương Đảng chỉ định tham gia Ban chấp hành Đảng bộ TP. Đà Nẵng nhiệm kỳ 2010 - 2015 bao gồm các ông Ngô Xuân Thắng, Ủy viên Thường trực HĐND, ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ và ông Đào Tấn Bằng, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn.

Hồi tháng Hai năm ngoái, Thành đoàn Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị bất thường của ban chấp hành và bầu ông Cảnh, lúc đó là Phó bí thư thường trực, lên làm Bí thư Thành đoàn với 100% số phiếu.

Không phải duy nhất

image064

Ông Nguyễn Bá Thanh từng giữ vị trí Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

Ông Cảnh được đưa vào thành đoàn để thay thế ông Lương Nguyễn Minh Triết, trước đó được điều động giữ chức bí thư Quận ủy Liên Chiểu thay cho ông Phan Văn Tâm, người đã chuyển lên làm việc tại Ban Nội chính Trung ương.

Được biết, ông có trình độ thạc sỹ ngành quản lý công, cao cấp chính trị.

Ông Nguyễn Bá Cảnh không phải là người duy nhất trong số con cái các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đi lên theo con đường cán bộ Đoàn.

Con trai út Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng năm ngoái cũng từ Anh trở về nước 'làm cán bộ Đoàn cơ sở'.

Thạc sỹ Nguyễn Minh Triết, 24 tuổi, về Việt Nam sau khi du học bảy năm, chủ yếu tại Đại học Queen Mary, London, chuyên ngành Kỹ thuật Hàng không và Chế tạo máy.

Mới đây, ông Triết được điều động làm Phó bí thư Đoàn Thanh niên của Tỉnh đoàn tỉnh Bình Định trong nhiệm kỳ từ 2013-2017.

Ông có anh trai là ông Nguyễn Thanh Nghị, 35 tuổi, nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng; và chị gái là bà Nguyễn Thanh Phượng, 32 tuổi, thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bản Việt, người được biết đến khá nhiều trong giới thương nhân trên lĩnh vực kinh tài ở Việt Nam./

15 Tháng Mười 2017(Xem: 7148)