Điếu Cày:“Còn gia đình tôi, tôi cũng rất mong muốn sớm được đoàn tụ”

28 Tháng Mười 201412:00 SA(Xem: 10355)
“NHẬTBÁOVĂNHÓA-CALIFORNIA” THỨ TƯ 29 0CT 2014

Blogger Điếu Cày: Tôi sẽ kiện Việt Nam ra tòa quốc tế

image056
Blogger Điếu Cày đang giở những bức thư của bạn tù được ông khâu vào áo và mang qua Mỹ.

 

VOA Tiếng Việt

27.10.2014

Nhà bất đồng chính kiến vừa được Việt Nam phóng thích tuyên bố sẽ kiện chính quyền Hà Nội ra tòa quốc tế vì đã tống giam trái phép các thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo tự do. Blogger Điếu Cày cho biết ông tin rằng ông sẽ “thắng kiện”. Ngoài ra, nhà báo tự do này còn cho biết ông phải đặt gánh nặng của phong trào “lên trên lợi ích của gia đình”. Mời quý vị theo dõi toàn bộ cuộc phỏng vấn sau đây với blogger Điếu Cày dành cho VOA Việt Ngữ chiều 27/10:

VOA: Ông mặc một chiếc áo cộc tay và đi đôi dép tổ ong để sang Mỹ. Vì sao ông lại ăn mặc giản dị như vậy?

Blogger Điếu Cày: Tôi ở trong nhà tù, bị đưa ra ngoài, có thế nào thì mặc như thế. Họ đưa tôi ra khỏi nhà tù và từ Trại giam số 6, Thanh Chương, Nghệ An, thì họ đưa thẳng tôi ra sân bay Nội Bài.

VOA: Chính quyền Việt Nam nói gì trước khi thả ông không?

Họ cũng yêu cầu tôi viết một cái đơn xin tha tù trước thời hạn. Thế nhưng tôi có một nguyên tắc bất di dịch là không nhận tội để được ra tù cho nên là tôi không viết.

Blogger Điếu Cày nói.

Blogger Điếu Cày: Trước đó, Bộ Công an Việt Nam có vào, tham mưu của Bộ Công an Việt Nam có vào, có nói với tôi, đề nghị tôi viết đơn, xin nhập cảnh vào Hoa Kỳ để học tập về báo chí. Họ cũng yêu cầu tôi viết một cái đơn xin tha tù trước thời hạn. Thế nhưng tôi có một nguyên tắc bất di dịch là không nhận tội để được ra tù cho nên là tôi không viết.

Sau đó tôi có được gặp Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng nói với tôi rằng chính phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu chính phủ Việt Nam phải thả tôi ra vô điều kiện, kể cả tôi ở Việt Nam hoặc đi sang Hoa Kỳ. Nhưng hiện tại, hai chính phủ mới đạt được thỏa thuận là tôi ra tù sẽ nhập cảnh vào Hoa Kỳ để học tập.

Và tôi cũng nhận được một số sự ủy thác của anh em ở trong trại giam, kể cả anh em tù chính trị và anh em tù hình sự ủy thác cho tôi cho nên tôi đồng ý nhập cảnh vào Hoa Kỳ để học tập.

VOA: Dũng, con trai ông và cả chị Tân, vợ cũ của ông, cho biết là gia đình không nhận được một lời từ biệt nào trước khi ông ra đi. Ông có thể nói rõ hơn về chuyện này không?

Blogger Điếu Cày: Về những việc như thế này, chúng tôi là người ở trong nhà tù, việc đàm phán giữa hai bên hoặc những người đi trước có kinh nghiệm như thế nào rồi, có thông tin gì rồi thì chúng tôi hoàn toàn không biết. Một người tù khi anh bị đặt vào hoàn cảnh như thế thì anh chỉ có thể đưa ra các quyết định đối phó trong hoàn cảnh đó với những kinh nghiệm mà anh có được, với những thông tin ít ỏi mà anh có được thôi.

Ở trong tù, chúng tôi luôn phải trả giá bằng những phương pháp thử và sai. Còn khi mà xuất cảnh ra sân bay, tôi cũng nghĩ là họ sẽ để cho tôi được gặp con tôi, gặp vợ tôi ở sân bay nhưng thực tế thì họ không cho tôi gặp mà đẩy thẳng ra máy bay luôn.

Vấn đề thứ nhất là đối với chính phủ Việt Nam, thì họ chỉ đưa ra cho tôi có một sự lựa chọn, là đi học tại Hoa Kỳ, chứ không có lựa chọn là ở lại Việt Nam, và ra tù.

Blogger Điếu Cày nói.

VOA: Có tin nói rằng ông bị ép buộc đi Mỹ. Thông tin này đúng hay sai, thưa ông?

Blogger Điếu Cày: Thực ra thì nó có hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là đối với chính phủ Việt Nam, thì họ chỉ đưa ra cho tôi có một sự lựa chọn, là đi học tại Hoa Kỳ, chứ không có lựa chọn là ở lại Việt Nam, và ra tù.

Anh em tù chính trị thì chúng tôi có thảo luận và thống nhất với nhau rằng “anh sẽ phải đi thay chúng tôi, để làm những gì chúng tôi ủy nhiệm”. Vì vậy, lựa chọn này, không phải là riêng của cá nhân tôi, mà còn là lựa chọn của anh em ở cùng với tôi, qua thảo luận đã ủy nhiệm cho tôi. Điều đó đã được thể hiện qua lá thư của anh Trương Duy Nhất. 

VOA: Sau khi ông tới Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói ông được đi Mỹ vì ‘lý do nhân đạo’. Phản ứng của ông ra sao đối với tuyên bố này?

Blogger Điếu Cày: Tôi thấy cái tuyên bố này hoàn toàn sai, không có cái gì gọi là nhân đạo ở đây cả, bởi vì tòa án Việt Nam vẫn chưa hoàn thành thủ tục pháp lý để mà buộc tội câu lạc bộ nhà báo tự do. Chúng tôi bị bắt, bị xử sơ thẩm. Chúng tôi đã kháng cáo phúc thẩm, và đã đưa ra bằng chứng thuyết phục nhưng phiên tòa phúc thẩm đó đã không làm được một cái việc duy nhất, đó là chứng minh tội phạm đối với chúng tôi. Và đã không chứng minh được tội phạm, không công bố được chứng cứ, không đưa ra được kết luận mà lại cứ y án.

Việc đưa chúng tôi vào trại giam là hoàn toàn trái pháp luật, và quả thực nó trái pháp luật đối với ngay chính pháp luật của họ. Bởi vì cho đến giờ này, chúng tôi vào tù ngần ấy năm rồi nhưng vẫn chưa có quyết định thi hành án, chưa có bản án phúc thẩm. Tôi đã yêu cầu nhiều lần là phải công bố quyết định phúc thẩm, phải công bố quyết định thi hành án thì mới đưa tôi được vào trại giam. Vì vậy, khi mà anh Khải là tham mưu của Bộ Công an xuống và nói với tôi là viết một đơn xin tha tù trước thời hạn thì tôi nói rằng các anh chưa hoàn thành thủ tục đưa chúng tôi vào tù thì làm sao có thể làm thủ tục đưa tôi ra tù được. Vì vậy tôi không viết đơn xin tha tù. Anh ấy nói đây chỉ là một thủ tục pháp lý thì tôi nói rằng thủ tục pháp lý thì cũng phải tôn trọng pháp luật thì anh mới làm thủ tục pháp lý được. Cuối cùng thì đến ngày đi, họ cũng lặng lẽ đưa tôi ra, không hề tuyên đọc quyết định tha tù hay đình chỉ thi hành án như là Bộ Ngoại giao đã tuyên bố. Tôi cũng không phải ký bất kỳ giấy tờ gì để ra tù.

Vụ án này khi tôi sang đây là nhờ ủy nhiệm của anh em, và tôi cũng còn một trách nhiệm nữa trong chuyến đi này, đó là bắt đầu vụ án CLB nhà báo tự do ở một tòa án khác.

Tôi sẽ tìm kiếm các nguồn lực, các tổ chức quốc tế để giúp đỡ chúng tôi đưa vụ đó ra tòa quốc tế. Tôi tin rằng, về mặt pháp lý, chúng tôi sẽ thắng kiện.

Blogger Điếu Cày nói.

VOA: Tức là ông sẽ đưa vụ việc ra trước một tòa án quốc tế nào đó phải không, thưa ông?

Blogger Điếu Cày: Đúng thế. Đây là một vấn đề pháp luật và là một sai lầm cơ bản của pháp luật mà ngay tòa án Việt Nam sai lầm với chính pháp luật Việt Nam , với chính hiến pháp Việt Nam, vi phạm các công ước quốc tế. Họ không có đủ chứng cứ để buộc tội chúng tôi. Vụ án đã bị vỡ, bị sụp đổ rồi nhưng họ cố tình giam nhốt chúng tôi. Vì vậy mà chúng tôi phải đi ra ngoài này để bắt đầu vụ án đó tù một tòa án khác, tòa án của cộng đồng quốc tế.

Chúng tôi từng bước một sẽ tiến hành việc đó. Tôi sẽ tìm kiếm các nguồn lực, các tổ chức quốc tế để giúp đỡ chúng tôi đưa vụ đó ra tòa quốc tế. Tôi tin rằng, về mặt pháp lý, chúng tôi sẽ thắng kiện.

VOA: Một số nhà hoạt động cho rằng chính phủ Việt Nam đang sử dụng các tù nhân bất đồng chính kiến vào một cuộc mặc cả với Mỹ. Ông có nghĩ rằng mình là một con bài trong cuộc trao đổi này hay không?

Blogger Điếu Cày: Quan hệ ngoại giao giữa hai chính phủ với nhau, là một người tù, tôi hoàn toàn không có thông tin gì cho nên tôi không được biết. Tôi cũng không biết đổi tôi để lấy cái gì vì hoàn toàn tôi không được biết những thông tin đó. Một người phải ở trong tù đối với tôi là sáu năm sáu tháng và hai ngày nên bảo tôi phải bình luận về quan hệ ngoại giao giữa hai nước hoặc có những vấn đề liên quan đến tôi thì quả thật là tôi chưa đủ thông tin để mà bình luận.

Trong lựa chọn ra đi này, gia đình tôi tiếp tục bị chia cắt, nhưng mà tôi cũng phải đặt gánh nặng của phong trào, của anh em, lên trên lợi ích của gia đình.

Blogger Điếu Cày nói.

VOA: Sau nhiều năm con cái tranh đấu cho tự do của ông khi ông ở trong tù, ông có ý định đưa gia đình mình sang Mỹ đoàn tụ với mình không?

Blogger Điếu Cày: Đó cũng là cái điều khi mà tôi lựa chọn ra đi, tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều tại vì ai cũng muốn đoàn tụ với gia đình. Thế nhưng, trên vai tôi còn gánh nặng ủy thác của anh em, của anh em tù chính trị, và kể cả anh em tù hình sự. Tôi đã đi qua 11 nhà tù, tôi phải thay anh em cất lên tiếng nói, để bảo vệ họ. Dù họ là tù nhân, họ có thể mất một số quyền công dân nhưng quyền con người, họ vẫn còn đầy đủ. Tôi muốn rằng, những trại giam, phải thực thi pháp luật đầy đủ, và phải đối xử với họ như đối xử với những con người.

Chính vì vậy, trong lựa chọn ra đi này, gia đình tôi tiếp tục bị chia cắt, nhưng mà tôi cũng phải đặt gánh nặng của phong trào, của anh em, lên trên lợi ích của gia đình. Tôi nhận sự ủy thác của anh em để đi tiếp. Còn gia đình tôi, tôi cũng rất mong muốn sớm được đoàn tụ.
14 Tháng Hai 2019(Xem: 8185)