TT Obama được bảo vệ ra sao trong chuyến thăm Ấn Độ?
21/01/2015
(Quốc tế) - Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và vệ tinh sẽ được các cơ quan tình báo và an ninh sử dụng để liên tục theo dõi di chuyển của đoàn hộ tống Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 25-27/1.
Nhiều
biện pháp an ninh đặc biệt được áp dụng để bảo vệ Tổng thống Obama. (Nguồn:
pakwheels.com)
Báo The Hindu ngày 21/1 cho biết, một phòng kiểm soát chung chuyên xử lý hình ảnh gồm các quan chức an ninh Ấn Độ và Mỹ đã được thiết lập tại khách sạn ITC Maurya, nơi Tổng thống Obama sẽ lưu trú tại New Delhi, để giám sát các kế hoạch bảo vệ an ninh cho ông.
Như một biện pháp đề phòng, các cơ quan an ninh có thể chặn truy cập các bản đồ trực tuyến GPS khoảng một chục khu vực tại Delhi mà Tổng thống Obama dự kiến sẽ tới thăm.
Bản đồ GPS của tất cả những nơi ông Obama sẽ tới được thiết kế để bám sát mọi di chuyển của ông, nhưng máy bay không người lái không được phép triển khai để giám sát trên không.
Nhân viên an ninh Mỹ mang theo chó nghiệp vụ và máy scan chống phá hoại sẽ cùng các đối tác Ấn Độ kiểm tra kỹ những nơi ông Obama sẽ tới. Các chuyên gia an ninh mạng cũng tham gia giám sát những hoạt động khả nghi trên Internet.
Tổng thống Obama sẽ có một đoàn xe tùy tùng tới hơn hai chục chiếc, nhưng ông sẽ sử dụng chiếc xe riêng mang tên “The Beast” (Quái thú).
Sau nhiều vòng họp, các nhà chức trách Ấn Độ và Mỹ quyết định Tổng thống Obama sẽ không đi cùng Tổng thống nước chủ nhà Pranab Mukherjee tới khu vực diễu binh, diễu hành tại lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ, mà sẽ đi bằng xe riêng bên cạnh đoàn kỵ binh của ông Mukherjee.
Toàn thành phố Delhi sẽ trở thành “khu vực cấm bay” khi diễn ra lễ kỷ niệm, song máy bay của lực lượng Không quân Ấn Độ vẫn được “ biểu diễn” như thông lệ.
Chiếc xe “The Beast” của Tổng thống Obama là một chiếc xe bọc thép hạng nặng chống chất nổ, được lắp hệ thống nhìn ban đêm, có khả năng chịu các cuộc tấn công sinh-hóa học và có hệ thống cung cấp oxy.
Chiếc xe có bảy chỗ ngồi này có chức năng hoạt động như một phòng điều khiển để Tổng thống Obama giữ liên lạc với Lầu Năm Góc và các quan chức Chính phủ Mỹ thông qua video hoặc hệ thống điện thoại vệ tinh.
Trên xe còn được lắp đặt thiết bị y tế khẩn cấp và một “ngân hàng máu” cùng với nhóm máu của ông Obama. Cửa chính của “The Beast” làm bằng thép chống đạn dày 8 inch và cửa sổ dày 5 inch. Lái xe phải qua kỳ đào tạo đặc biệt tại một học viện của cơ quan Mật vụ Mỹ.
Lực lượng an ninh hùng hậu được triển khai để bảo vệ Tổng
thống Obama. (Nguồn: cryptome.org)
Đoàn tùy tùng của Tổng thống Obama khoảng 2.000 người, kể cả nhân viên an ninh và người phục vụ riêng. Bảy khách sạn hạng sang tại New Delhi đã được đặt trước cho chuyến thăm của ông Obama gồm ITC Maurya Sheraton, Taj Palace, Shangri La, Le Meridien, The Ashok, Taj Mansingh và Leela Palace.
Tại những khách sạn này lực lượng an ninh được triển khai dày đặc, hệ thống giám sát hoạt động 24/24 giờ và những ụ súng bằng bao tải cát được dựng lên phía ngoài mỗi khách sạn./.»
Những kế hoạch an ninh đồ sộ để bảo vệ Obama đi công tác
21/01/2015
(An Ninh Quốc Phòng) - Mỗi chuyến công du của Tổng thống Mỹ dù trong nước hay quốc tế đều huy động nguồn lực rất lớn về tài chính, con người, vật chất để bảo đảm an ninh cho lãnh đạo siêu cường thế giới.
Theo tiết lộ của Washington Post, cơ
quan Mật vụ Mỹ luôn chuẩn bị những phương án an ninh chi tiết trong mỗi chuyến
công du của Tổng thống Obama. Nếu ông Obama công tác nước ngoài, mật vụ Mỹ cũng
phải phối hợp với lực lượng an ninh sở tại.
Trước ngày tổng thống đến nơi, hàng
trăm nhân viên mật vụ đã xuất hiện tại địa điểm để chốt các kế hoạch an ninh.
Đội mật vụ luôn theo sát ông Obama
và thành viên gia đình đi cùng (nếu có). Ngoài các xe tối tân, toàn bộ cửa kính
ở khách sạn mà tổng thống ở qua đêm đều gia cố thêm kính chống đạn.
Những xe chuyên dụng để chở tổng
thống và phái đoàn, nổi bật là chiếc Quái thú, cũng đi bằng “chuyên cơ” là một
máy bay vận tải quân sự để đến nước mà ông Obama công du.
Máy bay vận tải quân sự C17
Globemaster III của không quân Mỹ là loại phương tiện vận chuyển chiếc Quái thú
của Tổng thống Obama đến các điểm công du ở những tiểu bang xa hoặc tại nước
ngoài. Ngoài ra, máy bay cũng chở rất nhiều xe limousine bọc thép, là đoàn xe
hộ tống ông Obama khi di chuyển giữa các địa điểm trong chuyến công du.
Sĩ quan kỹ thuật thuộc không quân
Mỹ, cô Zoe Didier-Purdie, đang lắp đặt thiết bị truyền thông trước chuyến công
du của tổng thống Mỹ. Bên cạnh dàn xe chuyên chở, những xe khác cũng “bay” theo
ông Obama là xe chở truyền thông liên lạc đặc biệt, với các công cụ liên lạc
bằng điện thoại hoặc video bảo đảm an ninh, cùng một xe tải làm nhiễu những
sóng vô tuyến xung quanh đoàn xe hộ tống tổng thống.
Sĩ quan không quân Matthew Smith ký biên
bản tiếp nhiên liệu cho chiếc C-17 Globemaster III với một người đồng cấp ở
quân đội Ghana. Máy bay C-17 là phương tiện vận chuyển nhân lực và thiết bị,
máy móc cần thiết cho các chuyến công du của tổng thống Mỹ.
Đơn vị phản ứng nhanh 621 của không quân
hỗ trợ di chuyển xe limousine là phương tiện đi lại của Tổng thống Obama lên
máy bay vận tải C-17 Globemaster III.
Một sĩ quan không quân Ghana canh
gác xung quanh chiếc C-130J Hercules của không quân Mỹ khi nó hạ cánh tại sân
bay ở Ghana năm 2008. Lực lượng an ninh ở nước tiếp đón Tổng thống Mỹ cũng tăng
cường bảo đảm an ninh mặt đất tại các địa điểm quan trọng.
Những tàu sân bay, như tàu USS
Dwight D. Eisenhower (ảnh), là các căn cứ không quân nổi để máy bay chiến đấu
có thể xuất kích đến địa điểm mà tổng thống đang công tác trong trường hợp sự
cố xảy ra.
Theo Washington Post, trong các chuyến công du của ông Obama, những tàu hải quân Mỹ trang bị đầy đủ các thiết bị cứu hộ khẩn cấp luôn túc trực ở vùng biển ngoài khơi các thành phố mà tổng thống ghé thăm.
Những chiến đấu cơ của Không quân Mỹ
luôn bay sát để hộ tống chiếc Không lực 1 chở tổng thống. Các máy bay chiến đấu
luôn trong tư thế sẵn sàng can thiệp nếu phát hiện một máy bay lạ xâm phạm khu
vực không phận cấm bay vốn dành riêng cho chuyên cơ của tổng thống.
John Campbell, cựu đại sứ Mỹ tại
Nigeria và hiện là chuyên gia tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ, nhận định:
“Mọi chuyến đi của ông Obama đều vô cùng tốn kém, dù là ông ấy công du châu Phi
hay đến bang New York”./