Trung Quốc lớn giọng tại Shangri-La

10 Tháng Sáu 201612:05 SA(Xem: 8487)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  SÁU 10  JUNE 2016

Trung Quốc lớn tiếng tại diễn đàn an ninh

Hồng Nga viết từ Đối thoại Shangri-La 15 ở Singapore


image074

Image copyright Xinhua Image caption Hai đoàn Việt-Trung họp song phương hôm 3/6

Trong bài phát biểu của mình tại diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La, đại diện của cả Việt Nam và Trung Quốc đều đề cập tới chủ đề Biển Đông.

Trưởng đoàn Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, và trưởng đoàn Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, đã nhắc tới những yếu tố mà họ cho là “đang gây quan ngại” cho an ninh khu vực, nhất là tại điểm nóng Biển Đông.


image076

Ông Nguyễn Chí Vịnh ngay từ đầu bài phát biểu đã nhắc tới các “tranh chấp bất đồng” mà ông giải thích là “do khác biệt về lợi ích, tham vọng, cạnh tranh chiến lược diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, bất chấp luật pháp quốc tế”.

Tuy không chỉ rõ là quốc gia nào, ông nói tới “sự không nhất quán trong lời nói và việc làm; sự khác biệt và bất bình đẳng trong cách thức giải quyết tranh chấp” đồng thời chỉ trích thái độ “hành xử áp đặt, theo đuổi lợi ích vị kỷ, hẹp hòi, không tính đến lợi ích của nước khác, lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế”.

Người đứng đầu đoàn Việt Nam cũng thừa nhận cơ chế hợp tác, công cụ ngoại giao và pháp lý quốc tế “chưa đủ mạnh và chưa thực sự được tôn trọng”.

Có lẽ đây là một trong những lần đầu tiên cụm từ ‘đấu tranh’ được đặt bên cạnh 'hợp tác' trong bài phát biểu của người đứng đầu ngành đối ngoại quốc phòng của Việt Nam.

Ông nói: “muốn có hòa bình và thịnh vượng không thể không có đấu tranh, nhưng muốn đạt mục đích trong đấu tranh thì phải có hợp tác”.

Tất nhiên ông Vịnh không đi xa tới mức nói rõ đấu tranh với ai và như thế nào.

Trung Quốc la lối về Philippines

Nhận xét về phát biểu của ông Nguyễn Chí Vịnh, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS, nói đã có một số điểm mới.

“Ông ấy đã đề cập tới tranh chấp với Trung Quốc, đồng thời chỉ ra cái gì giải quyết được song phương thì giải quyết song phương, cái gì cần đa phương và quốc tế hóa thì phải đa phương.”

Giải quyết tranh chấp qua đàm phán song phương là quan điểm mà Trung Quốc lâu nay duy trì trong tranh chấp Biển Đông và quan điểm này đã được một số quốc gia trong khu vực ủng hộ.


image078

Image caption Ông Tôn Kiến Quốc nói về Philippines với lời lẽ nặng nề

Diễn đàn an ninh khu vực lần này diễn ra trong bối cảnh tòa trọng tài quốc tế chuẩn bị đưa ra phán quyết được cho là bất lợi cho Trung Quốc trong vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Bài phát biểu kéo dài nửa tiếng đồng hồ của Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, nói nhiều tới vụ kiện này, mà Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định là không tham gia.

Lần đầu tiên tại một diễn đàn quốc tế, lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc ‘điểm mặt chỉ tên’ Philippines với những từ ngữ nặng nề nhất.

Đô đốc Tôn, với giọng điệu căng thẳng, tuyên bố Philippines, với hành động kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài, là đã vi phạm luật pháp và thỏa thuận giữa hai bên.

Ông Tôn cáo buộc Philippines làm việc đó để che đậy sự chiếm đóng trái phép các đảo của Trung Quốc và nói rằng việc kiện lên tòa trọng tài là hành động vi phạm chủ quyền.

Người đứng đầu đoàn Trung Quốc tuyên bố: “Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận việc trọng tài này”.

Ông cũng không tiếc lời chỉ trích các nước “bên ngoài”, nhất là Hoa Kỳ, đã can dự vào công việc trong khu vực dưới các chiêu bài như tự do lưu thông hàng hải.

Giới quan sát trong cử tọa cho rằng, bài diễn văn được truyền hình trực tiếp ở trong nước khiến ông đô đốc phải lên giọng thị uy một cách đao to búa lớn như vậy.

Tuy nhiên, các ngôn từ gay gắt và lập luận cực đoan cho thấy một thái độ hiếu chiến một cách đầy chủ ý, cho dù ông Tôn Kiến Quốc khẳng định:

“Trung Quốc không có tham vọng bành trướng”.

Một quan chức quốc phòng khu vực, đề nghị giấu tên, nhận xét rằng thái độ của Trung Quốc lần này là đáng lo ngại và “tình hình có thể xấu đi” sau phán quyết của tòa.

Đối thoại Shangri-La mỗi năm một lần hiện đã vào năm thứ 15.

Diễn đàn tạo điều kiện cho giới chức quốc phòng các nước thảo luận các vấn đề quan tâm về an ninh trong bối cảnh bán chính thức./

BBC 5/6/2016