Chân dung nhà ngoại giao được đề cử làm đại sứ Mỹ tại VN

27 Tháng Bảy 20177:37 CH(Xem: 7223)

VĂN HÓA ONLINE - THỜI SỰ  - THỨ  SÁU 28 JULY  2017


Chân dung nhà ngoại giao kỳ cựu được đề cử làm đại sứ Mỹ tại Việt Nam


Dân trí Ông Daniel Kritenbrink, người vừa được Tổng thống Donald Trump đề cử làm đại sứ mới của Mỹ tại Việt Nam, là nhà ngoại giao kỳ cựu với bề dày kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề liên quan tới khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.


image034

Ông Daniel Kritenbrink (Ảnh: Focus Taiwan)


Theo AFP, Bạch Cung ngày 26/7 thông báo Tổng thống Donald Trump vừa đề cử ông Daniel Kritenbrink làm đại sứ mới của Mỹ tại Việt Nam. Ông Kritenbrink hiện là cố vấn cấp cao, chuyên phụ trách về chính sách với Triều Tiên, tại Bộ Ngoại giao Mỹ.


Ông Kritenbrink, 49 tuổi, là người bang Virginia, Mỹ. Ông tốt nghiệp cử nhân Đại học Nebraska và nhận bằng thạc sĩ Đại học Virginia. Ông có thể sử dụng thành thạo hai ngoại ngữ là tiếng Trung Quốc và tiếng Nhật Bản.


Bắt đầu sự nghiệp ngoại giao từ năm 1994, ông Kritenbrink là một trong những nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ với bề dày kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề liên quan tới châu Á.


Ông Kritenbrink từng công tác tại phái đoàn ngoại giao Mỹ ở Tokyo (1994-1995), Sapporo (1995-1997), Kuwait (1997-1999), Tokyo (2000-2004) và Bắc Kinh (2005-2009).


image035
Ông Kritenbrink chụp ảnh tại Vạn Lý Trường Thành trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2014. (Ảnh: Omaha)

Theo CSIS, trong hơn 10 năm trở lại đây, ông Kritenbrink dành phần lớn thời gian đảm trách các vị trí liên quan tới hoạt động đối ngoại của Mỹ với Trung Quốc.


Ông Kritenbrink từng được bổ nhiệm làm Giám đốc Văn phòng phụ trách các vấn đề Mông Cổ và Trung Quốc thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Trước đó, ông là Tham tán chính trị tại Đại sứ quán Mỹ ở Trung Quốc và từng giữ chức Phó Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh.


Ông Kritenbrink dành 10 năm công tác tại Trung Quốc, trong đó có 2 năm làm phó đại sứ ở Bắc Kinh. Trong khoảng thời gian này, ông đã đảm nhận nhiều công việc, từ hoạt động ngoại giao cho tới tham vấn thương mại nhằm giúp mở thêm thị trường kinh doanh mới tại Trung Quốc cho các doanh nghiệp Mỹ.


Đam mê chính trị


image036

Ông Kritenbrink nhận bằng cử nhân đại học Nebraska năm 1991 (Ảnh: Omaha)


Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông Kritenbrink đã theo học ngành khoa học chính trị tai Đại học Nebraska. Từ đó, ông bắt đầu theo đuổi niềm đam mê đối với các vấn đề chính trị thế giới.


“Tôi bị lôi cuốn bởi các dân tộc và các nền văn hóa khác. Tôi cũng bị hấp dẫn bởi chính trị và lịch sử”, ông Kritenbrink chia sẻ.


Khi là sinh viên đại học, ông Kritenbrink đăng ký theo học một số lớp liên quan tới chính sách đối ngoại và khoa học chính trị với giáo sư Thomas Magstadt. Giáo sư Magstadt từng ví học trò Kritenbrink của ông như một “miếng bọt biển”, sẵn sàng tiếp thu mọi thông tin và kinh nghiệm trong quá trình học tập. Đó là thời kỳ Chiến tranh Lạnh và Kritenbrink khi đó có ý tưởng trở thành một nhà Liên Xô học trong tương lai.


image037
Ông Kritenbrink, ngoài 20 tuổi, chụp ảnh tại nông trại của gia đình ở Ashland, bang Nebraska, Mỹ (Ảnh: Omaha)

Tuy nhiên, sự nghiệp của ông Kritenbrink sau này lại chuyển hướng sang khu vực châu Á, thay vì Liên Xô như trước đây. Sự thay đổi trong nhận thức của ông Kritenbrink bắt đầu khi ông được chọn để tham gia một chương trình trao đổi với Nhật Bản do trường đại học tổ chức.


Sau khi nhận bằng thạc sĩ tại Đại học Virginia, ông Kritenbrink bắt đầu theo học tiến sĩ. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị bỏ dở sau khi ông vượt qua kỳ thi tuyển vào Bộ Ngoại giao Mỹ.


Trợ lý đắc lực của cựu Tổng thống Obama


Năm 2015, ông Kritenbrink thay thế ông Evan Medeiros làm Giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ. Trước đó, ông Medeiros đã giữ vị trí này từ 7/2013-6/2015.


image038

Ông Kritenbrink (trái) cùng các cố vấn cấp cao trò chuyện cùng cựu Tổng thống Barack Obama trên chuyên cơ Không Lực Một (Ảnh: Bạch Cung)


Theo Omaha World Herald, trên cương vị Giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, ông Kritenbrink từng đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế nóng nhất mà Mỹ phải đối mặt trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama.


Ông Kritenbrink đã cùng phối hợp với các đồng nghiệp của mình để xây dựng chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á - nơi được các chuyên gia đánh giá là sẽ định hình dòng chảy quan hệ quốc tế trong thế kỷ 21.


Vị trí giám đốc phụ trách khu vực châu Á đã đưa ông Kritenbrink lên một trong những vị trí cao nhất trong ngành ngoại giao Mỹ khi ông được làm việc trực tiếp và tham vấn cho cựu Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice và cựu Tổng thống Obama trong các vấn đề liên quan tới châu Á.


Ông Kritenbrink gặp vợ, bà Nami, tại Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo vào năm 1995 khi cả hai đều đang đảm nhận những công việc đầu tiên tại đại sứ quán. Họ kết hôn năm 1996 và có 2 con.


Liên quan tới quyết định đề cử ông Daniel Kritenbrink làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, trên trang Facebook chính thức, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho biết: "Tôi và ông Kritenbrink, người sẽ được bổ nhiệm làm Đại sứ Hoa Kỳ tiếp theo tại Việt Nam, biết nhau đã lâu. Tôi nghĩ không thể có một nhà ngoại giao nào tốt hơn ông Kritenbrink để tiếp nối các động lực tích cực cho mối quan hệ hiện nay giữa Hoa Kỳ và Việt Nam".


image039


"Khi có thông báo chính thức của Tổng thống Trump, Thượng viện Hoa Kỳ sẽ tiến hành quy trình thủ tục bổ nhiệm. Và nếu ông được phê chuẩn, chúng tôi mong được chào đón Đại sứ Hoa Kỳ mới Kritenbrink đến Việt Nam!".


Thành Đạt Tổng hợp

14 Tháng Hai 2019(Xem: 7221)