15 kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ nhất thế giới

05 Tháng Ba 201511:01 CH(Xem: 12384)
"NHẬT BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ SÁU 06 MAR 2015
15 kiến tạo tự nhiên kỳ diệu nhất thế giới
Shreya Dasgupta

BBC
Được định hình qua hàng triệu năm, những địa điểm kỳ diệu này đem đến cho ta những dấu vết để tìm hiểu về quá khứ và tương lai của Trái Đất.

Ống khói tiên, Thổ Nhĩ Kỳ
blank
Hình: Benh Lieu Song, CC by 3.0
Những ngọn tháp hình chóp nón thuôn kỳ lạ được tìm thấy tại khu vực Cappadocia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vài triệu năm trước, núi lửa hoạt động đã phun tro bụi bao phủ bề mặt nơi này. Mưa gió bào mòn đi phần tro núi lửa xốp bên ngoài, để lại lõi đá bazan cứng và tạo thành các ống khói trông như trong chuyện cổ tích.

Vịnh Hạ Long, Việt Nam
blank
Hình: Peter Adams Photography Ltd / Alamy

Phong cảnh kỳ diệu nơi đây được điểm xuyết với những cột trụ, mái vòm và hang động đá vôi.

Các khối đá được hình thành từ việc nước biển dâng lên, rút xuống suốt 500 triệu năm qua. Vịnh gồm 1.600 hòn đảo lớn nhỏ, hầu hết là không có người ở.

Theo truyền thuyết, những con rồng đã tạo ra muôn ngàn hòn đảo lớn nhỏ để bảo vệ Việt Nam khỏi bị xâm lăng.

Con mắt Sahara, Mauritania
blank
Hình: NASA / JPL / NIMA
Từng được biết đến với tên gọi Khối cấu trúc Richat, Con mắt Sahara nhìn từ trên cao xuống trông giống như mắt bò.

Nằm tại sa mạc Sahara, đó là một khối đá có hình mái vòm rộng chừng 50km. Người ta từng cho rằng đó là sản phẩm từ tác động của thiên thạch, nhưng nay, nó được cho là hình thành từ những khối đá trồi lên mặt đất nhưng sau đó bị bào mòn.

Hố xanh khổng lồ, Belize
blank
Hình: Ian Bottle / Alamy
Hố chìm dưới nước, có kích thước rộng 320m, sâu 125m, và là một điểm rất hấp dẫn giới đi lặn scuba (lặn có dùng bình dưỡng khí). Hố này là một phần trong Rặng Belize Barrier thuộc Rặng Mesoamerican ở vùng biển Carribe.

Hố được cho là đã thành hình từ kỷ băng hà gần đây, khi một hệ thống hang động đá vôi bị sụp chìm xuống do sự biến đổi của mực nước biển.

Những khối thạch nhũ và măng đá khổng lồ nơi này chính là nơi lưu giữ thông tin quý giá về khí hậu trước đây trên Trái Đất.

Những khối đá cuội Moeraki, New Zealand
blank
Hình: Rowy, CC by 2.5
Giống như những chiếc mai rùa khổng lồ, các khối đá hình cầu nằm rải rác trên bãi biển Koekohe của New Zealand.

Những khối đá bắt đầu được hình thành từ những lớp trầm tích dưới đáy biển 60 triệu năm về trước.

Chất carbonate dần dần tích tụ quanh lõi chính, tương tự như cách hình thành ngọc trai.

Theo truyền thuyết của người Maori, các khối đá nhẵn nhụi này là dấu tích của những quả bầu khô và các giỏ bắt lươn của một chiếc xuồng trôi dạt vào bờ.

Trương Dịch Đan Hà, Trung Quốc
blank
Hình: View Stock / Alamy
Những ngọn núi sặc sỡ như cầu vồng trông giống như một tác phẩm được tô vẽ chứ không phải địa hình tự nhiên.

Đan Hà địa mạo, được phát hiện ở tỉnh Cam Túc, gồm những dải hồng sa thạch tích tụ lại trong hàng triệu năm, trông giống như những miếng cắt ra từ chiếc bánh nhiều tầng mầu.

Lưu ý: Có rất nhiều ảnh chụp lan truyền trên mạng thực ra chỉ là hàng chỉnh sửa chứ không phải ảnh chụp nguyên bản.

Thạch Lâm, Trung Quốc
blank
Hình: Udayan Dasgupta
Những cột đá vôi như những lưỡi dao dựng đứng, có những cột cao trên 10m, khiến nơi này trông giống như khu rừng đá. UNESCO đã đưa nơi này vào danh sách Địa điểm Di sản Thế giới.

Các khu rừng đá được hình thành từ khoảng 270 triệu năm về trước ở nơi khi đó từng có mực nước biển nông.

Đá sa thạch và đá vôi tích tụ dưới đáy nền cuối cùng nhô vọt lên trên. Các khối đá sau đó bị gió và nước ăn mòn, tạo thành những cột đá có hình dáng kỳ diệu.

Thung lũng Trăng, Argentina
blank
Hình: AHLN, CC by 2.0
Trông khô cằn, gồ ghề, hẳn bạn cũng đoán được, giống như bề mặt của mặt trăng vậy. Nhưng thật ra đây là một bãi hoá thạch khổng lồ.

Thung lũng Trăng gồm các trầm tích có từ khoảng 250-200 triệu năm về trước. Các hoá thạch của một số con khủng long, cá, các loài lưỡng cư, bò sát cổ đại nhất và hơn 100 loài cây cỏ đã được tìm thấy ở đây, cũng những thân cây lớn hoá đá.

Đá Sóng, Úc
blank
Hình: cardboardbird, CC by 3.0
Khối đá lõm cao 14m và dài 110 m. Nó là một phần ở phía bắc của Hyden Rock, một vỉa granite khổng lồ hơn 2,7 tỷ năm tuổi , nằm ở Hyden Wildlife Park ở Tây Úc.

Đá sóng được cho là đã được hình thành do tác động của dòng nước chảy trên đá granite. Các vệt màu sắc trên bề mặt của nó là sản phẩm của các khoáng chất đọng lại từ những dòng nước mưa chảy qua.

Các ngọn đồi chocolate, Philippines
blank
Hình: LOOK Die Bildagentur der Fotografen GmbH / Alamy
Có khoảng 1.500 gò đá vôi ở tỉnh Bohol của Philippines. Chúng thường được cỏ che phủ, nhưng vào mùa khô thì chuyển sang màu nâu sậm. Vào năm 1988, các ngọn đồi chocolate được tuyên bố là Công trình Địa chất Quốc gia thứ ba của Philippines.

Lối đi của Gã Khổng lồ, Bắc Ireland
blank
Hình: Stephen Emerson / Alamy
Những cột đá bazan màu đen hình lục lăng khổng lồ nhô lên như những bậc để bước đi thang và được gắn kết với nhau khá khít. Có trên 40 ngàn cột như thế.

Chúng có thể được hình thành từ các hoạt động núi lửa cách đây 50-60 triệu năm. Kích thước các cột nhiều khả năng được tạo thành do tốc độ nguội đi của dòng nham thạch phun trào.

Công viên Quốc gia Bryce Canyon, Utah, Hoa Kỳ
blank
Hình: Luca Galuzzi, CC by 2.5
Nằm ở cao nguyên Colorado, hẻm núi Bryce ở nam Utah như một nhà hát tự nhiên ngoài trời với rất nhiều những khối chóp trụ và các 'hoodoo', tức các khối đá trông giống như những căn lều, những cột ống khói tiên, hay những kim tự tháp.

Người Paiute bản địa ở nơi này gọi đó là "những khối đá đỏ đứng như những người đàn ông trong hẻm núi hình cái bát".

Các 'hoodoo' được hình thành khi nước liên tục đóng băng rồi lại tan chảy từ trên xuống dưới, tạo các vết nứt ở các khối đá trầm tích. Một số hoodoo cao hơn tòa nhà 10 tầng.

Công trình Quốc gia Vách đá Vermillion, Arizona, Hoa Kỳ
blank
Hình: Paul Kordwig, CC by 3.0

Vách đá Vermillion là nơi tập trung các hẻm núi sâu và những vách đá dựng đứng. Đây cũng là nơi mà "Lớp Sóng" (hình) được tạo ra từ những khối đá sa thạch nhấp nhô.

Công trình nằm tại Cao nguyên Colorado, có sắc đỏ rực rỡ của đá sa thạch. Màu sắc nơi này biến đổi theo từng thời điểm khác nhau trong ngày.

Hang Pha lê, Mexico
blank
Hình: Alexander Van Driessche, CC by 3.0
Hang có chứa những khối tinh thể thạch cao giống hình những thanh kiếm khổng lồ. Hang nằm 300m dưới lòng đất, trong Mỏ Naica thuộc bang Chihuahua của Mexico, được phát hiện khi có hai người anh em khoan xuống đất để tìm chì, bạc.

Các khối pha lê khổng lồ được cho là hình thành khi dòng nước ngầm có chứa thạch cao bão hòa chảy qua các hang động, được đun nóng lên rồi lại nguội đi do tác động của lớp dung nham nóng phía dưới. Có những khối pha lê lớn nhất có thể đã hơn 500.000 năm tuổi.

Vết gãy San Andreas, California, Hoa Kỳ
blank
Hình: Kevin Schafer / Alamy
Đây là một trong những vết gãy khổng lồ trên vỏ trái đất, chạy dài gần 1.300km. Các đường đứt gãy được hình thành từ 30 triệu năm về trước, khi hai mảng kiến tạo lớn là Thái Bình Dương và Bắc Mỹ va vào nhau.

Một trận động đất lớn có thể sẽ tấn công vết gãy San Andreas trong vài chục năm tới.

Bản gốc tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Earth.
23 Tháng Mười 2016(Xem: 9387)
10 ngày đêm chiêm ngưỡng Trường Sa
29 Tháng Chín 2016(Xem: 8224)
- Khởi hành từ Cát Lái - Sàigon 18/4/2014
18 Tháng Chín 2016(Xem: 10116)
- Kỳ 1: Con tàu HQ-571
15 Tháng Sáu 2016(Xem: 9759)
Tổng hợp ảnh từ các nguồn báo chí trong nước và quốc tế theo thứ tự thời gian và địa điểm. (Văn Hóa trân trọng cảm tạ quý cơ quan truyền thông và ảnh Fb cá nhân đã rộng lượng cho sử dụng).