Thám hiểm Sơn Đoòng qua ảnh 360 độ của NatGeo

24 Tháng Năm 20156:45 CH(Xem: 12128)
"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ SÁU 22 MAY 2015
Thám hiểm Sơn Đoòng qua ảnh 360 độ của NatGeo
21/05/2015
TTO - Cả thế giới có thể thưởng lãm mọi góc độ của hang Sơn Đoòng qua những hình ảnh 360 độ tuyệt đẹp mà tạp chí National Geographic (NatGeo) vừa giới thiệu rạng sáng 21-5 (giờ VN).
blank
Ảnh chụp lại từ National Geographic

Với phóng sự ảnh Fly through a colossal cave: Son Doong in 360º (Bay xuyên qua một hang động khổng lồ: Sơn Đoòng 360 độ), tạp chí National Geographic muốn tái dựng một phiên bản điện tử của hang Sơn Đoòng, để bất cứ độc giả nào cũng có cơ hội khám phá hang động lớn nhất thế giới tại Quảng Bình, Việt Nam. Như thể họ có mặt ở đó và trực tiếp trải nghiệm vẻ đẹp hùng vĩ và hoang sơ của Sơn Đoòng.
Son Doong in 360º khởi đầu bằng hình ảnh con sông dẫn vào hang Sơn Đoòng. Trên màn hình vi tính, phía dưới là thanh công cụ với các chức năng phóng to, thu nhỏ, trang chủ, âm thanh, giấu bản đồ…
blank
Ảnh chụp lại từ National Geographic

Tất cả các bức ảnh của Son Doong in 360º đều có dung lượng rất lớn, do đó độc giả hoàn toàn có thể phóng to chúng để xem từng chi tiết. Ngoài ra, độc giả cũng có thể dùng chuột (hoặc màn hình cảm ứng) để xoay ảnh tròn 360º. Ngoài hình ảnh, độc giả còn có thể nghe thấy những âm thanh của rừng núi như tiếng chim hót, tiếng lá cây xào xạc…

Vẻ đẹp nín thở

Đi kèm các bức ảnh chụp đường vào hang Sơn Đoòng là thông tin giới thiệu sơ lược về hang động hùng vĩ nằm trong công viên quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Ước tính chiều dài của hệ thống hang động tại Phong Nha - Kẻ Bàng lên tới hơn 200km. Cửa vào hang Sơn Đoòng là một dốc thoải trơn trượt chui vào bóng tối.
blank
Ảnh chụp lại từ National Geographic
Khám phá hang Sơn Đoòng mà không có đèn là nhiệm vụ bất khả thi. Khi bật ánh đèn trong hang Sơn Đoòng, ngay lập tức độc giả có thể quan sát thấy một động cao tới 50m với những khối thạch nhũ nguyên sơ, được hình thành từ cách đây hàng triệu năm, đẹp đến nín thở.
Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu. Ở bức hình kế tiếp, chúng ta có thể quan sát thấy một con sông lớn và chảy mạnh xuyên qua hang Sơn Đoòng. Đây chính là dòng nước giúp tạo thành hang trong khoảng thời gian lên tới hàng trăm nghìn năm.

Trong mùa mưa, nước dâng cao và hoàn toàn không thể đi qua khu vực này. Địa điểm kế tiếp là thạch nhũ với cái tên độc đáo Bàn tay chó, cao hơn 70m. Đoạn đường đi vào khu vực này đủ rộng để một chiếc máy bay Boeing 747 có thể bay lọt qua. Ở trên đỉnh thạch nhũ Bàn tay chó mới có thể thấy hết được toàn bộ kích cỡ khổng lồ của hang động.
blank
Ảnh chụp lại từ National Geographic

Tiếp theo là đường lên hố sụt 1 (Doline 1). Phía trên trần hang là một lỗ thủng lớn, cho phép ánh nắng lọt vào bên trong. Nhờ đó, cây cối có thể sinh trưởng được trong hang. Đây là một điểm độc đáo của hang Sơn Đoòng so với các hang động khác trên thế giới.

Ở hố sụt 1 có một ngọn đồi xanh mướt với cái tên cũng rất lạ là “Coi chừng khủng long”. Theo các chuyên gia địa chất, hố sụt này hình thành trong vòng 500.000 năm trước. Thảm thực vật trong hang hoàn toàn tương tự với cánh rừng phía trên, bởi chúng kết nối với nhau bằng gió và nước.

Được chụp ảnh ở tư thế đứng trên thạch nhũ tại khu “Coi chừng khủng long” có lẽ là một trải nghiệm mà bất kỳ người yêu thiên nhiên, thích thám hiểm nào cũng mơ ước. Đoạn đường tiếp theo là khoảng giữa hai hố sụt bao gồm toàn hóa thạch tuyệt đẹp.
blank
Ảnh chụp lại từ National Geographic

Đoạn đường từ hố sụt 1 đến hố sụt 2 chỉ dài vài trăm mét, hoàn toàn không có ánh sáng mặt trời. Tiếp theo đó là một vùng không gian kỳ lạ, giống như một cánh đồng đá vôi phytokarst trông như thể hướng về phía ánh sáng. Phía bên phải là một hóa thạch khoáng chất khổng lồ.
Rừng cây trong hang động

Điều thú vị là từ bức ảnh chụp cánh đồng đá vôi, chúng ta có thể nghe thấy bài hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vang lên.
Có lẽ khó có thể tìm thấy những lời thơ ý nhạc nào phù hợp hơn với vẻ đẹp kỳ vĩ, phi thường ở miền Trung đất nước Việt Nam. Rõ ràng National Geographic đã rất tinh tế và công phu khi thực hiện phóng sự ảnh này.

Đến gần hố sụt 2 chúng ta gặp một thảm cây dương xỉ xanh mướt. Tại hố sụt 2, do trần hang bị sụp, một khoảng rừng nhỏ đã hình thành, rộng hơn nhiều so với khu “Coi chừng khủng long”. Khu rừng này được các nhà thám hiểm Anh gọi là “Vườn Edam”.
blank
Ảnh chụp lại từ National Geographic

Cây cối ở đây khá cao, lên tới 30m, côn trùng và chim sóc sinh sống đông đảo. Thậm chí các nhà thám hiểm từng quan sát thấy cả khỉ và rắn. Càng đi sâu vào “Vườn Edam”, càng khó tưởng tượng rằng chúng ta đang ở trong một hang động. Nếu không cẩn thận, bạn hoàn toàn có thể đi lạc đường.

Tiếp theo đó là khu vực thấp hơn, tối hơn của hang Sơn Đoòng. Từ đây, các nhà thám hiểm buộc phải dùng hệ thống đèn công suất cao để di chuyển, nếu không sẽ chìm hoàn toàn trong bóng tối. Thiếu ánh sáng, một số loại bọ đã phải tự thích nghi. Các nhà thám hiểm đã quan sát thấy một loài mối mới ở đây.

Ở cuối hang Sơn Đoòng là một hồ nhỏ. Các nhà thám hiểm vẫn thắc mắc về nguồn gốc của dòng nước chảy qua khu vực được gọi là Passchendaele. Phải chăng nó bắt nguồn từ một hang động khác còn lớn hơn? Dù đã đặt chân đến hang Sơn Đoòng hay mới chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của nó qua hình ảnh, chắc chắn bất cứ ai cũng phải băn khoăn và háo hức với câu hỏi này.
blank
Ảnh chụp lại từ National Geographic

Cuối hang Sơn Đoòng còn có một vách thạch nhũ khổng lồ, cao khoảng 70m, được các nhà thám hiểm Anh đặt tên là “Great wall of Vietnam” (Bức tường Việt Nam). Cái tên này xuất phát từ tên “Great wall of China” (Vạn lý trường thành) của Trung Quốc. Và cái tên “Great wall of Vietnam” thể hiện sự kỳ vĩ chẳng khác gì Vạn lý trường thành. Đáng tiếc là phóng sự ảnh của National Geographic không có bức ảnh nào về “Bức tường Việt Nam”.

Sau khi xem xong phóng sự ảnh SonDoong360 tuyệt vời của nhà báo Martin Edstrom trên National Geographic, chắc chắn bất cứ ai chưa đến nơi này do điều kiện về sức khỏe, kinh tế… cũng sẽ thấy thỏa mãn.
blank
Ảnh chụp lại từ National Geographic
blank
Ảnh chụp lại từ National Geographic
blank
Ảnh chụp lại từ National Geographic
blank
Ảnh chụp lại từ National Geographic
blank
Ảnh chụp lại từ National Geographic
blank
Ảnh chụp lại từ National Geographic
Phóng sự ảnh Son Doong in 360º  là tác phẩm của nhà báo - phóng viên ảnh Thụy Điển Martin Edstrom và các đồng nghiệp của anh. Edstrom là phó chủ tịch tổ chức Phóng viên không biên giới (RWB) ở Thụy Điển.

Anh nổi tiếng với các phóng sự ảnh 360º về môi trường cũng như các di sản văn hóa và tự nhiên. Anh đã cùng các cộng sự đến Phong Nha, Quảng Bình để thực hiện dự án này hồi cuối tháng 1-2015.

Đầu tháng 2-2015, chúng tôi đã có loạt bài 7 kỳ về chuyến đi thực hiện dự án này của Martin, mang tên: Vào Sơn Đoòng cùng National Geographic.

Vào Sơn Đoòng cùng National Geographic - Kỳ 1:
Từ Petra 360 đến Son Doong 360
04/02/2015 11:00 GMT+7

TT - Sơn Đoòng (Phong Nha, Quảng Bình, Việt Nam) tuy không còn mới lạ nhưng vẫn là điểm đến quyến rũ với những ai trên thế giới yêu thích thiên nhiên, ham khám phá.
blank
Một thành viên trong nhóm thực hiện dự án Son Doong 360 cho National Geographic đang ở cửa hang Sơn Đoòng chiều 26-1-2015 - Ảnh: Huy Tường

Ngay National Geographic (NatGeo) dù đã có làm phim truyền hình về Sơn Đoòng, đã có bài viết, hình ảnh tuyệt đẹp về Sơn Đoòng đăng trên tạp chí nhưng vẫn quyết định tài trợ cho một dự án của một nhà báo Thụy Điển về Sơn Đoòng, vừa được thực hiện vào cuối tháng 1-2015.
Tất cả bạn bè trong nhóm ưa đi du lịch thám hiểm đều ghen tị khi nghe cuối tháng 1-2015, tôi đăng ký đi du lịch Sơn Đoòng và được ghép đi cùng một  đoàn làm dự án cho NatGeo.

“Ôi, sao mà cậu sướng thế!”. Còn trong những ngày đi tìm mua vài món lặt vặt ở những cửa hàng chuyên phục vụ dân đi phượt tại TP.HCM để chuẩn bị cho chuyến đi, các bạn bán hàng cũng đều bắt tay chúc mừng và bảo đó là niềm mơ ước của họ.

Cặp đôi hoàn hảo

Tại sao mọi người đều “ghen tị” khi nghe tôi đi Sơn Đoòng chung với một nhóm thực hiện dự án cho NatGeo?

Ngay đầu năm 2015, tờ báo thuộc loại tên tuổi nhất thế giới là New York Times đã đưa ra một danh sách 25 điểm đáng đến nhất thế giới trong năm nay, mà Sơn Đoòng được đánh giá rất cao trong nhóm này.

Tính đến hiện nay đã có vô số đoàn làm phim của Đức, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Mỹ, Nhật Bản... đến Sơn Đoòng để quay phim về phát trên những kênh truyền hình lớn nhất quốc gia mình.

Riêng chủ nhà Việt Nam, do những khó khăn về kinh phí nên phải mãi đến bây giờ mới làm điều đó, và được biết kênh VTV đặc biệt sẽ phát bộ phim về Sơn Đoòng vào trung tuần tháng 2.

Tour đi Sơn Đoòng thì khỏi nói, dù phải chi đến 3.000 USD cho một chuyến đi chỉ kéo dài sáu ngày (trong đó có một ngày ở resort gọi là tẩy trần sau chuyến đi), chưa tính vé máy bay, nhưng danh sách khách đăng ký chờ đã dài dằng dặc đến năm 2016.

“Người đẹp” Sơn Đoòng thì nổi quá rồi, còn “hoàng tử” NatGeo thì sao? Hiệp hội Địa lý Hoa Kỳ ra đời vào tháng 1-1888, và chín tháng sau thì họ phát hành số đầu tiên của tạp chí mang tên National Geographic.

Cứ mỗi tháng một số, tạp chí này nhanh chóng nổi tiếng khắp thế giới khi tập trung khai thác những đề tài thám hiểm về thiên nhiên, di sản.
Hiện nay dù thế giới báo in đang điêu đứng, nhưng sự ảnh hưởng với NatGeo chưa đến nỗi trầm trọng khi vẫn phát hành được 9 triệu bản với 33 ngôn ngữ (trong đó bản tiếng Anh là 6,3 triệu bản/số).

Đến năm 1997, NatGeo càng hấp dẫn hơn khi bắt đầu có kênh truyền hình. Ngay tại VN đây cũng là một kênh thu hút đông đảo người xem (chỉ riêng tại châu Á kênh này thu hút hơn 50 triệu người xem).

Và NatGeo cũng không hề chậm chân trong việc phát triển báo chí online để không bị tụt hậu với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin.

Chính vì vậy, chúng ta mới thấy kênh truyền hình NatGeo đã phát một bộ phim về Sơn Đoòng vào năm 2010 rồi đăng bài viết, hình ảnh trên tạp chí ngay sau đó, nhưng bây giờ lại có tiếp một đội đến Sơn Đoòng vào cuối tháng 1-2015.

Mục đích chuyến đi mới nhất này là để làm gì? Đó chính là thực hiện dự án Son Doong 360 nhằm phục vụ cho trang báo online của National Geographic vậy.
blank
Martin làm việc trong hang Sơn Đoòng - Ảnh: Huy Tường

Martin Edström - tác giả của Son Doong 360

Martin Edström sinh năm 1988 tại Thụy Điển, tốt nghiệp khoa báo chí Trường ĐH Stockholm vào năm 2010.

Công việc hiện tại của anh là nhiếp ảnh gia cho UNDP (United Nations Development Program - Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc), phóng viên ảnh cho Kontinent Agency (Thụy Điển) chuyên tường thuật những câu chuyện xã hội qua hình ảnh.

Các đề tài Martin quan tâm bao gồm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ở các nước đang phát triển, di sản thiên nhiên và văn hóa.

Một phương thức tường thuật mà Martin rất hứng thú là các dự án ảnh 360.

Martin tâm sự: "Trong một xã hội quá phức tạp, một thế giới công nghệ quá đa dạng và một thế hệ mà Internet đóng một phần cực kỳ quan trọng trong cuộc sống hằng ngày, báo chí xã hội cần phải thay đổi cách tiếp cận các vấn đề để thu hút độc giả. Các dự án 360 cho phép người đọc khả năng tương tác với vấn đề được trình bày”.

Để thực hiện các dự án này, một loạt ảnh được chụp và ghép lại để tạo ra hình ảnh sống động 360 độ. Trên máy tính, khi rê con trỏ đến đâu cảnh vật sẽ xoay chuyển theo (như game), giúp người xem có cảm giác sống thật với câu chuyện.

Đồng thời Martin kết hợp với quay phim, chú thích để khi người đọc click vào những điểm trong môi trường ảnh 360 này, họ có thể nhìn thấy được hình của con người trò chuyện, sinh hoạt kèm theo các thông tin quan trọng.
blank
Hình ảnh Sơn Đoòng trên tạp chí National Geographic

Ba dự án 360 đầu tiên của Martin đều thực hiện trong năm 2014 và được UNDP tài trợ. Nếu hai dự án sau liên quan đến số phận người Syria tị nạn ở Libăng và Jordan thì dự án đầu là thành phố cổ Petra tại Jordan - di sản văn hóa thế giới.

Tuy thành phố này đã đứng vững hơn 2.300 năm, nó cũng là nạn nhân của thời gian và đặc biệt là du lịch không bền vững, khai thác không có kế hoạch.

Sau cuộc bình chọn bảy kỳ quan thế giới mới, một lượng khách khổng lồ đổ xô tới Petra khiến công trình kiến trúc này bị thiệt hại nghiêm trọng đến mức UNESCO và ICOMOS (Hội đồng quốc tế về di tích) chọn Petra là ví dụ tiêu biểu của cảnh quan bị đe dọa.

Với dự án Petra 360, Martin ghi lại hình ảnh của một Petra nguyên vẹn, như cất giữ một báu vật văn hóa đang có khả năng bị hủy hoại trong tương lai.

Tuy nhiên Martin nói với tôi: "Cả ba dự án trước chẳng là gì nếu so với Son Doong 360 - là dự án 360 thứ tư của Martin (NV). Trong bốn dự án, Petra 360 và Son Doong 360 có sự tương đồng, đó là cùng được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới”.

Cũng như rất nhiều nhà báo khác trên thế giới, việc được làm dự án cho NatGeo là một giấc mơ của Martin.

Anh kể: "Sau hai năm liên tục liên lạc với NatGeo để giới thiệu nhiều ý tưởng khác nhau, thì đến đầu năm 2014 tôi bỗng dưng nghĩ về Sơn Đoòng. Chính vẻ đẹp hùng vĩ nhưng mỏng manh của nó đã khiến tôi nghĩ tới thực hiện Son Doong 360”.

Sau khi trình bày tóm tắt về ý định của mình, vào một ngày tháng 3-2014, Martin mừng như bắt được vàng khi nhận được cái gật đầu của NatGeo đồng ý tài trợ cho anh thực hiện dự án Son Doong 360.
_______
Để được NatGeo đồng ý dùng Quỹ khám phá toàn cầu tài trợ cho dự án là một chuyện rất khó, đặc biệt với Sơn Đoòng, nơi mà họ đã vài lần đến để quay phim, chụp ảnh, viết bài giới thiệu...
Thế thì tại sao NatGeo lại đồng ý với dự án Son Doong 360 của Martin?
Kỳ tới: Vì sao NatGeo đồng ý Son Doong 360?

HUY TƯỜNG

Vào Sơn Đoòng cùng National Geographic - Kỳ 2:
Vì sao NatGeo đồng ý SonDoong 360?
05/02/2015
TT - Martin Edström đã hết sức tự hào khi được lọt vào danh sách nhận tài trợ của Quỹ khám phá toàn cầu...
blank
Nhóm thực hiện dự án SonDoong 360 trao đổi với ông Howard trước khi chính thức vào rừng - Ảnh: H.Tường

Quỹ khám phá toàn cầu của NatGeo (National Geographic) là một nguồn tài trợ mà các nhà thám hiểm, các nhà khoa học, các nhà báo trên thế giới luôn khát khao được nhận tài trợ. Mục tiêu của quỹ là thúc đẩy, khích lệ khoa học, thám hiểm, bảo tồn thiên nhiên, văn hóa.

Từ năm 1888 đến nay, quỹ đã trao tài trợ cho hơn 10.000 dự án với tổng số tiền hơn 153 triệu USD.

Trong đó có những dự án nổi tiếng thế giới như năm 1909 tài trợ cho đô đốc Robert E. Peary thực hiện chuyến thám hiểm Bắc cực, năm 1938 tài trợ cho một đoàn thám hiểu tìm ra bằng chứng về sự tồn tại của nền văn minh Olmec, tài trợ cho nhà khảo cổ học Johan Reinhard và tìm ra xác ướp 500 năm tuổi của một cô gái Inca...

Từ nỗi lo cho Sơn Đoòng

Như bài trước đã nói, vào đầu năm 2014, trong một lần xem và đọc một cách nghiêm túc về Sơn Đoòng, cảm nhận của Martin về di sản thiên nhiên này là sự choáng ngợp về vẻ đẹp hùng vĩ nhưng cũng đầy mỏng manh của nó do được cấu tạo bởi đá vôi.

Ngay lập tức Martin nghĩ ngay đến việc thực hiện dự án SonDoong 360 và phác thảo nó gửi ngay đến NatGeo.

Cùng thời điểm này, giới quan tâm đặc biệt đến Sơn Đoòng cũng lao xao bàn tán về câu chuyện Quảng Bình đang nghiên cứu thực hiện một đề án xây dựng cáp treo vào đó nhằm mục đích phát triển kinh tế địa phương.

Vì vậy, khi đọc trong phác thảo dự án SonDoong 360 của Martin có nêu “mục tiêu của dự án là ghi lại hình ảnh của một Sơn Đoòng nguyên vẹn, như cất giữ một báu vật thiên nhiên ban tặng đang có khả năng bị hủy hoại trong tương lai. Và cách thức thực hiện - ảnh 360 - là phương tiện hiệu quả nhất trong vấn đề tương tác với người xem”, thì lập tức NatGeo đồng ý tài trợ cho dự án này từ Quỹ khám phá toàn cầu.

NatGeo hi vọng sẽ nhiều người cảm nhận được cảm giác được thám hiểm hang động lớn nhất thế giới này, đồng thời làm giảm bớt áp lực cho hệ sinh thái của di sản tự nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng.

Tiền tài trợ từ Quỹ khám phá toàn cầu thật ra không lớn nhưng là “thương hiệu bảo chứng” cho giá trị của dự án, giúp các tác giả có thể dễ dàng tìm kiếm thêm nhiều nguồn tài trợ khác để đảm bảo cho việc thực hiện.

Nhờ vậy, dù trong năm 2014 phải thực hiện đến ba dự án 360 khác nhưng Martin cũng đã giải quyết được mọi vấn đề trong vòng chín tháng, thu hút được 11 nhà tài trợ khác nhau, và đều là những thương hiệu nổi tiếng thế giới về máy tính, sản xuất trang thiết bị phục vụ thám hiểm... cho dự án SonDoong 360.

Và dĩ nhiên, một chuyện cũng quan trọng không kém là lập một êkip làm việc ăn ý. Chiều 21-1-2015, Martin cùng với sáu cộng sự đã rời Thụy Điển để trực chỉ đến Phong Nha, Quảng Bình nhằm thực hiện dự án SonDoong 360.

Đội hình bao quanh Martin bao gồm Katja Adolphson, Mats Kahlström, Fredrik Edström, Erik Hinnerdal, Sebastian Zethraeus và Alfred Runow, phần lớn là bạn bè của Martin từ những năm 6, 7 tuổi, trong đó có Fredrik là em trai và Katja là bạn gái của Martin.

Nghề nghiệp chính của họ có thể khác nhau, như Katja hiện đang học y tại Đại học Uppsala, Mat là nhiếp ảnh gia hiện sống tại Norway, Fredrick là cố vấn truyền thông, Erik vừa tốt nghiệp y khoa từ Đại học Uppsala, Sebastian làm phát triển game và Alfred làm giám sát xây dựng.

Các cộng sự tuy không phải là dân làm báo chuyên nghiệp nhưng nhiếp ảnh, quay phim cũng là nghề tay trái của họ, đặc biệt tất cả đều chung một nỗi đam mê, quan tâm đến thiên nhiên, di sản văn hóa.
blank
Một porter với hàng chục ký hàng hóa phục vụ hành trình - Ảnh: Huy Tường
Lên đường...

Sau 26 giờ bay từ Stockholm, đoàn của Martin đã đặt chân tới sân bay Đồng Hới cách Phong Nha 53km. Sau 45 phút lái xe, Phong Nha hiện lên như một bức tranh vẽ với ruộng lúa xanh hai bên con đường, những ngọn núi đá vôi mọc lên phía xa xa.

“Di sản thiên nhiên thế giới - Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng” - dòng chữ lớn trên ngọn núi đá vôi bên đường hiện lên như một niềm tự hào của người dân nơi đây.

Trụ sở chính của Oxalis nằm bên con sông Son xanh biếc, lâu lâu thấp thoáng bóng đò của người vớt rong. Oxalis là công ty duy nhất được phép thực hiện tour vào Sơn Đoòng, đồng thời tổ chức nhiều tour khác khám phá hệ thống hang động đá vôi đặc sắc tại Phong Nha.
Oxalis là tên khoa học của loài hoa chua me đất mọc ven bờ sông Son, giản dị khiêm tốn nhưng lại là cái duyên của vùng làng quê vốn nghèo khó này.

Ở đây đoàn gặp Howard Limbert, người sẽ giám sát và hỗ trợ dự án này. Howard chính là người dẫn đầu đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Anh tới Sơn Đoòng năm 2009. Ông đã gắn bó với Phong Nha từ những năm 1990. Cùng với vợ mình, Deb Howard, họ đã khảo sát thêm nhiều hang động mới tại Phong Nha.

Mỗi khi có những đoàn làm phim, nhiếp ảnh từ các quốc gia trên thế giới đến đây, ông cũng chính là người đi theo hướng dẫn và hỗ trợ. Howard phổ biến các thông tin về Sơn Đoòng, đồng thời giúp chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho chuyến đi.

Sau cuộc gặp gỡ với Howard, đoàn của NatGeo khẩn trương bắt tay vào việc chuẩn bị cho chuyến đi vào Sơn Đoòng.

Để thực hiện một tường thuật về Sơn Đoòng dưới hình thức ảnh 360, nhóm Martin đã mang theo gần 40 máy ảnh to nhỏ khác nhau, trong đó có rất nhiều máy nhà nghề trị giá cả trăm triệu đồng/chiếc cùng với những ống kính “mắt cá” (fish eye), ống kính góc rộng 24mm, 35mm.
Ban đầu tôi thấy làm lạ vì sao họ không mang ít máy hơn và thay đổi ống kính để hành lý nhẹ hơn? Mãi đến khi vào Sơn Đoòng, tôi mới biết nếu cứ tháo tháo lắp lắp trong môi trường luôn va chạm với bùn cát và nước thì khó mà giữ sạch được cảm biến của máy ảnh.

Cùng với dàn máy ảnh khủng là lủ khủ máy tính, bộ đàm, thiết bị vệ tinh, máy phát điện... Trong đó tôi đặc biệt ấn tượng với ba cây đèn không lớn lắm, nhưng mỗi cây có độ sáng đến 30.000 lumen, tương đương với 60 chiếc đèn compact 11W mà chúng ta thường sử dụng trong gia đình.

Tôi mừng thầm trong bụng, kiểu này mình “ăn theo” để chụp ảnh được rồi, bởi nhiều người từng đi trước đã than cái khó nhất là chụp ảnh trong hang cho đẹp vì không đủ ánh sáng.

Nhóm Martin ngồi tính toán những thiết bị nào cần ở đâu, ai phụ trách và phân chia kỹ lưỡng để cho nhân viên khuân vác (porter) có thể sắp xếp và mang theo một cách khoa học nhất. Anh cho tôi biết tất tần tật các loại thiết bị phục vụ cho dự án cân nặng khoảng 220kg!

Kết thúc việc chuẩn bị, các thiết bị đã được đóng gói xong, mọi người đi con đường dọc bờ sông Son, rẽ vào ngôi làng một bên, nơi những phụ nữ đang gieo mạ cho một mùa lúa mới. Phong Nha mùa lúa mới tràn ngập sức sống.

Những phụ nữ vừa làm ruộng vừa tươi cười, nụ cười rực rỡ. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy thật thoải mái trước giờ G - vào sáng 25-1 sẽ xuất phát vào Sơn Đoòng.
_________
Anh Toàn, một người dân địa phương làm porter (nhân viên khuân vác), trả lời cho sự háo hức của chúng tôi: “Trong ấy đẹp lắm em ạ. Anh đi không biết bao nhiêu lần rồi mà lần nào vào cũng thấy đẹp. Mỗi lần thấy một vẻ đẹp khác nhau, không từ nào tả xiết”.
Kỳ tới: “Đẹp, không từ nào tả xiết!”

HUY TƯỜNG

VÀO SƠN ĐOÒNG CÙNG NATIONAL GEOGRAPHIC - KỲ 3:
“Đẹp, không thể tả xiết!”
06/02/2015 11:00 GMT+7  
TT - Sáng 25-1, mọi vật dụng, hành lý đã được vận chuyển tới Hồ Khanh homestay từ sớm. Hồ Khanh là người đầu tiên tìm ra Sơn Đoòng vào năm 1990...
blank
Hình ảnh đẹp tuyệt trần của hang Sơn Đoòng - Ảnh: Ryan Deboodt

Hồ Khanh homestay là một ngôi nhà kiểu truyền thống ở vùng Phong Nha, nổi bật vì nhiều chi tiết gỗ khắc bằng tay được thực hiện bởi chính chủ nhân vốn là một thợ mộc lành nghề, cũng nằm bên bờ sông Son.

Đây đã trở thành nơi lui tới của nhiều khách nước ngoài, không phải chỉ để ở mà còn để nghe những câu chuyện của Hồ Khanh, người sinh ra, lớn lên và gắn bó với rừng núi Phong Nha - Kẻ Bàng này.

Những bạn đồng hành

Bà Đẹp của bản Đoòng

Vừa nhìn thấy bóng Howard ngoài cửa, bọ Tòa niềm nở chạy ra tay bắt mặt mừng. Ông vẫn nói bằng tiếng Việt trong khi khách nói tiếng Anh, thế mà hình như ai cũng hiểu nhau.

Bọ Tòa hỏi Howard: “Bà Đẹp đâu rồi?”. Hóa ra dân bản Đoòng gọi bà Deb, vợ Howard, là bà “Đẹp”.

Đôi vợ chồng người Anh này như đã bám rễ tại vùng đất này. Câu chuyện tiếp theo của vợ chồng Howard với bọ Tòa là về cuộc sống của người dân bản Đoòng.

Đang trong hưng phấn, bọ Tòa hãnh diện khoe rằng ông đã xin và được chính quyền hứa mai mốt đưa giáo viên tiếng Anh về bản dạy cho bọn trẻ để giao tiếp với người nước ngoài, vốn đang ngày càng đổ về đây đông đảo.

Hồ Khanh homestay cũng là trạm trung chuyển hành lý. Sân trước nhộn nhịp với gần 30 anh em porter thoăn thoắt kiểm tra hành lý.

Mỗi người một bao hàng là chiếc bao thức ăn gia súc cũ được chế thành một chiếc balô to đùng. Đặt lên cân, có bao nặng tới gần 50kg. Cả nhóm của NatGeo lẫn tôi đều lắc đầu le lưỡi.

Trong khi chúng tôi được khuyến cáo chỉ mang một balô chứa máy ảnh cá nhân, nước uống... cho bản thân chỉ vài ký để đảm bảo đi đến nơi về đến chốn cho một chuyến đi hơn 50km đường rừng trong năm ngày thì các porter như cõng theo... một người trên lưng!

Tiếng nói, tiếng cười, khói thuốc, tiếng màn trập máy ảnh, tiếng chim sáng sớm, tiếng trẻ em từ trường học nằm gần đấy, tiếng thuyền máy chở khách tới động Phong Nha...

Tất cả tạo nên một không gian sống động của vùng làng quê vốn sống nhờ nghề nông, nay đang cố gắng phát triển du lịch một cách bền vững.

Tất cả hành lý được chất lên chiếc xe tải đang chờ bên đường. Người lái chuyến xe tải này tên Toàn, cũng là một porter. Mười năm về trước, Toàn vốn hành nghề chụp ảnh lưu niệm trong hang Phong Nha. Nhưng rồi nghề nhiếp ảnh ngày được ngày không, khó mà nuôi gia đình với một vợ hai con nhỏ, anh bỏ nghề đi học lái xe tải.

Đúng lúc ấy, Oxalis ra đời, Toàn trở thành porter cho Oxalis kiêm lái xe. Anh đã vào Sơn Đoòng nhiều lần, trong đó có ba lần vào cùng với những đoàn làm phim từ Nhật, Đức và Ý.

Tôi háo hức hỏi Sơn Đoòng như thế nào, anh cười bảo: “Đẹp lắm em ạ! Anh đi không biết bao nhiêu lần rồi mà lần nào vào cũng thấy nó đẹp. Mỗi lần thấy một vẻ đẹp khác nhau, không từ nào tả xiết. Chỉ có vào đấy rồi mới cảm nhận được”.

Hành lý được chuẩn bị xong thì anh em porter vào một chiếc xe buýt và xuất phát. Tiếp đến là xe 16 chỗ chở nhóm của NatGeo cùng chúng tôi. Chuyến vào Sơn Đoòng này gồm 30 porter, bảy người của nhóm Martin, tôi, vợ chồng ông Howard, rồi John và Geraldine cùng hai chuyên gia về an toàn đến từ Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh.

John và Geraldine đều là bạn thân của Howard từ năm 20 tuổi. Cả hai hiện nay đã định cư tại Tasmania (Úc) được 16 năm. Họ đều là những người đã có mặt trong đoàn thám hiểm đầu tiên khảo sát hang Sơn Đoòng. Chuyến này họ trở lại với Sơn Đoòng lần thứ ba.

Lời của anh Toàn nói với tôi đã được chứng thực bởi một đôi vợ chồng lần thứ ba vào Sơn Đoòng: “Đẹp lắm. Mỗi lần đi vào là thấy một vẻ đẹp khác nhau”!
blank
Mỗi ngày đoàn chúng tôi phải lội sông lội suối không dưới 20 lần, nên Martin bảo đây là một hành trình với đôi chân ướt - Ảnh: H.Tường
Một hành trình với đôi chân ướt

Chiếc xe 16 chỗ rẽ vào vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đi men theo những rặng núi hùng vĩ. Là một di sản thiên nhiên thế giới, Phong Nha - Kẻ Bàng đang được bảo vệ khắt khe. Rừng cây nhiệt đới trải dài bạt ngàn xanh ngắt một vùng trời khiến ai cũng phải trầm trồ. Giữa màu xanh bạt ngàn ấy, thấp thoáng vách núi đá vôi thẳng đứng ẩn chứa những bí mật của tạo hóa.

Đến một sườn núi, hết đường đi, xe dừng lại và thả chúng tôi xuống. Từ đây chúng tôi đi theo con đường đất xuống núi. Hoa ngọc lan mùa này đang nở rộ, hương thơm ngào ngạt một góc rừng.

Một nửa đường xuống chân núi, chúng tôi dừng chân tại hai tảng đá lớn. Ở đây có thể nghe tiếng chim ríu rít vang rừng. Đây là nơi đầu tiên đoàn NatGeo dừng lại, không phải để chụp hình mà là để... thu âm tiếng chim.

Cả đoàn nhẹ nhàng đi xuống, nhường lại sự tĩnh lặng và tiếng chim cho ba người thu âm. Sự yên tĩnh tôn lên tiếng chim hót, tiếng gió thổi nghe như tiếng rì rầm của rừng...

Con đường đất tiếp tục dẫn chúng tôi xuống chân núi. Gần chân núi, con suối nhỏ bắc ngang, mang theo dòng nước róc rách từ trên núi xuống. Đây là con suối đầu tiên, là một trong vô vàn suối và sông mà chúng tôi phải băng qua trên chuyến đi này. Suối, sỏi, đá, rừng cây, tiếng chim, gió, tất cả hòa quyện lại tạo thành một không gian đặc trưng của núi rừng nhiệt đới. Đây là nơi bức ảnh 360 đầu tiên được chụp, mô tả rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, điều kiện thiên nhiên đã góp phần tạo nên hệ thống hang động đa dạng.

Từ con suối ấy, chúng tôi đi dọc theo nó trong khoảng nửa tiếng để đến bản Đoòng, một ngôi làng nhỏ lúp xúp mươi mái nhà nằm giữa rừng núi hoang sơ. Hai bên đường, giữa những lùm cây xanh tươi, hàng tre đầy sức sống, vẫn còn đó dấu vết của mùa lụt trước. Thân cây mục bị cuốn trôi, ngã rạp. Đất đá, lau sậy bị vướng trên những cành cây vẫn còn đấy. Mùa lụt chẳng ai vào được bản Đoòng và cũng chẳng ai ra được khỏi bản.

Trên đường vào bản, Howard chỉ những cây cao nói rằng vào mùa lụt lớn như năm 2010, cả làng phải leo lên tới trên đỉnh cây để né lụt. May mắn thay, năm 2014 lụt nhẹ, mùa màng không bị tàn phá nặng.

Sau khi ghé vào chào ông trưởng bản Đoòng Nguyễn Sỹ Kiều (hay còn gọi là bọ Tòa), chúng tôi tiếp tục hành trình đến hang Én - điểm dừng chân đầu tiên của chuyến đi. Đoạn đường tới hang Én khá bằng phẳng, chỉ phải lội qua sông trên dưới 20 lần.

Mùa này nước sông chỉ ngập tới gối. Vào tầm giữa trưa, chúng tôi vừa băng qua sông thì nhìn thấy tấm giấy bạt với những bánh mì, xúc xích, phômai, quýt, lê, chuối, bánh quy được bày biện gọn gàng.

Ba anh porter đã đến đây từ khi nào để chuẩn bị bữa trưa cho cả đoàn. Kẹp ổ bánh mì với một miếng phômai, một cây xúc xích Vissan và vài miếng dưa leo, cà chua, bữa trưa giữa rừng núi ngon miệng kỳ lạ.

Trong lúc mọi người ăn trưa thì đoàn của Martin băng qua sông. Họ muốn chụp 360 ở khúc sông này. Sông đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành các hang động đá vôi. Vì vậy hình ảnh về con sông là một phần không thể thiếu. Đồng thời Martin bảo đấy cũng để giúp người đọc hiểu hơn về hành trình đến với Sơn Đoòng - một hành trình với đôi chân luôn luôn ướt.
_______
Trên mỗi cây nấm cát lại có một hòn sỏi hay một mảnh gỗ nhỏ. Nhìn đám nấm cát này cứ như do con người khéo tay làm nên. Không, đấy là trò nghịch ngợm của tạo hóa đấy!

Kỳ tới: Trò nghịch ngợm của tạo hóa
HUY TƯỜNG
Vào Sơn Đoòng cùng National Geographic - Kỳ 4:
Trò nghịch ngợm của tạo hóa
07/02/2015  
TT - Công việc chụp hình 360 của dòng sông, ghi âm tiếng của chim, của dòng nước róc rách... tốn khá nhiều thời gian. Khi vừa chụp xong, đoàn mới phát hiện rằng họ có thể chậm hơn dự kiến ban đầu.
blank
Đoàn NatGeo đi vào hang Én - Ảnh: Huy Tường
Martin cùng hai cộng sự vội vàng đi trước để tới hang Én khi ánh sáng vẫn còn.

Vào hang Én

Sau hàng loạt khúc sông, miệng trên của hang Én hiện ra trên dãy núi đá vôi. Tuy nhiên đấy không phải là nơi để chúng tôi vào hang. Băng qua khúc sông chảy ra từ hang, chúng tôi vào hang Én từ miệng dưới.

Miệng hang không quá cao nhưng dài về chiều ngang, ở gần giữa có một trụ đá. Đứng từ trong hang nhìn ra, miệng hang như hai cánh cửa khổng lồ mở ra một thế giới khác, đón lấy ánh sáng chiếu vào.

Ở đây, bức ảnh 360 thứ ba được chụp. Để chụp được tấm ảnh này, mọi người phải đứng yên trong khoảng 10 phút. Martin nhờ tôi làm “người mẫu” (chỉ lấy hình bóng) nhằm tạo nên một sự so sánh giữa con người nhỏ nhoi với hang Én hùng vĩ.

Không có tiếng động di chuyển của con người, tiếng nước róc rách nghe rõ mồn một, phía bên kia hang tiếng chim én rộn ràng vang sang.
“Thức ăn Việt Nam thật tuyệt vời”

Trên bãi cát gần lều, giữa tấm bạt xanh, thức ăn vừa nấu đã được bày biện thịnh soạn với bò xào bông cải, thịt gà nướng, đậu hủ với cà chua, rau xào, canh bầu và nồi cơm thơm phức nóng hổi.

Đũa gắp, miệng nhai, thức ăn đã ngon, nhưng còn ngon hơn vì một ngày làm việc vất vả. Martin, lần đầu tiên đến Việt Nam, thốt lên: “Thức ăn Việt Nam thật tuyệt vời”.

Riêng Sebastian không ngừng tấm tắc món nước chấm gọi là cheo, đặc trưng cho vùng Phong Nha. Cheo cay nồng, được giã ra từ ớt, gừng, chanh và một thứ lá rừng mà chỉ có những người đi rừng ở đây mới biết. Tất cả mọi người đều đồng thanh lên tiếng cảm ơn các porter Việt về bữa ăn tuyệt vời này.

Lội qua khúc sông, chúng tôi tới một bãi đá. Leo qua ngọn đồi đá nhỏ, chúng tôi thấy nơi cắm trại của đêm đầu tiên hiện ra.

Đó là một bãi cát nằm bên cạnh một hồ nước được tạo ra bởi con sông chảy vào động, dưới một mái vòm cao ước đến 100m. Ánh sáng luồn vào từ cửa trên hang Én rọi sáng hồ nước màu xanh ngọc lấp lánh. Trên bãi cắm trại lều đã được dựng sẵn sàng.

Cách đó vài mét khói bay lên ấm áp. Các porter đã đến đây từ sớm để chuẩn bị mọi việc. Trên đống lửa, một nồi nước đang sôi sùng sục, sẵn sàng cho những tách cà phê và trà.

Tiếng người cười nói, tiếng nước sôi, tiếng trầm trồ của những ai vừa đến, tiếng én ríu rít. Không gian trong hang Én rộn ràng: một bầu không khí hiếm hoi khi con người và thiên nhiên hòa làm một...

Trong khi chờ đến giờ ăn tối, tranh thủ những giờ phút có ánh nắng cuối cùng trong ngày, đoàn nhiếp ảnh NatGeo đi về hướng cửa ra của hang Én - nơi đã trở nên nổi tiếng nhờ bàn tay của nhiếp ảnh gia người Đức Carsten Peter.

Nơi chụp tấm ảnh này được thực hiện trên đỉnh một ngọn đồi ngay trước cửa hang. Từ đỉnh ngọn đồi có thể thấy hết cửa hang. Bóng người đứng dưới cửa hang nhỏ bé như những con kiến di chuyển dọc theo dòng nước đổ vào sông Rào Thương.

Một hình ảnh khác trong hang Én mà không ai không xuýt xoa, đó là trên một bãi cát thấy mọc lô nhô những cây cát cao thấp khác nhau chừng vài tấc. Trên đầu mỗi cây cát lại có một hòn sỏi hoặc một mảnh gỗ nhỏ khiến nó thật sự mang hình hài của một cây nấm.

Chúng tôi gọi nó là “nấm cát”! Ai đã nghịch ngợm làm nên bãi “nấm cát” này? Không ai ngoài tạo hóa. Chính những giọt nước trên trần hang tí tách nhỏ xuống bãi cát bên dưới qua hàng triệu năm đã tạo nên những cây “nấm cát” (những giọt nước rơi xuống đã “gọt” cát thành hình thù cây nấm. Phần thân “nấm cát” được bảo vệ bởi “đầu nấm” là những hòn sỏi, mảnh gỗ).
blank
Ngỡ ngàng trước bãi “nấm cát” - một trò nghịch mất hàng trăm ngàn năm của tạo hóa - Ảnh: Huy Tường
Thành quả đầu tiên

7g tối, ánh sáng vào hang đã tắt. Mùa này mây vẫn còn nhiều, cửa hang vẫn chưa thấy sao. Sang tới mùa hè, trời trong có khi cả miệng hang tràn ngập ánh sao. Mùa hè ở vùng miền Trung này rất nóng nhưng hồ nước trong hang vẫn luôn giữ đúng 19OC, theo như lời của Howard.
Bữa ăn kết thúc cũng là lúc đoàn National Geographic bắt tay vào làm việc, nối lại những bức hình mà họ đã chụp trong ngày. Để thực hiện dự án chụp 360, hai phương thức chính đã được sử dụng: phương thức thứ nhất sử dụng ống kính mắt cá và phương thức thứ hai sử dụng các ống kính góc rộng bình thường.

Cái khó của chụp 360 là không giống như quay phim hay chụp ảnh bình thường (đoạn quay hay bức ảnh chụp có thể được kiểm tra ngay trên màn hình), ảnh 360 chỉ biết được thành công hay không sau khi tất cả các bức ảnh được ghép lại hoàn hảo. Chỉ cần một sự thay đổi nhỏ trong ánh sáng khi chụp thì tất cả phải chụp lại ngày hôm sau.

Tiếng máy phát điện nhỏ bắt đầu vang lên trong hang. Đèn xanh đèn đỏ của pin sạc chớp tắt như đèn Giáng sinh. Hai chiếc máy tính chuyên dụng bắt đầu vào hoạt động. Hình ảnh chụp trong ngày được tải vào máy, chỉnh sửa ánh sáng, sắc độ và cuối cùng, phần mà ai cũng hồi hộp chờ đợi: ghép ảnh 360.

Những ảnh này chỉ là bản ghép với độ phân giải thấp, cốt để kiểm tra hình ảnh vừa chụp. 10%, 20%... 50% rồi 90%, bầu không khí vỡ òa trong sự nhẹ nhõm khi những bức ảnh 360 đầu tiên của dự án SonDong 360 thành công. Qua ảnh, tôi lập tức nhận ra con suối, nhánh sông ấy mà mình đã lội qua trong ngày.

Hình ảnh rõ đến từng chiếc lá, làn nước trong vắt, rõ tới mức những hòn đá cuội nằm dưới đáy suối cũng nhìn thấy được. Howard đứng cạnh bên cũng đã tỏ ra hài lòng: chỉ mới ngày thứ nhất nhưng mọi thứ dường như diễn ra thật trôi chảy, hứa hẹn một chuyến đi thành công. Katja ngồi một bên Martin, liên tục ghi chú cho những hình ảnh, đồng thời lên lịch chuẩn bị cho ngày hôm sau.

11g đêm, công việc cuối cùng của đoàn là chuẩn bị chân máy và máy ảnh, đặt cố định máy trên đồi cát để chụp time lapse vào sáng sớm hôm sau khi những tia nắng mặt trời rọi sáng hang (chụp time lapse là cài chương trình chụp hẹn giờ trên máy, cứ 30 giây hoặc 1 phút là máy tự động chụp.

Những bức ảnh này khi ghép lại để thành phim sẽ tạo ra những hiệu ứng rất thú vị, kiểu như các đoạn phim quay cảnh một bông hoa từ lúc còn nụ cho đến mãn khai).

11g30, không gian yên tĩnh dần, ánh đèn ngớt đi, ai nấy đều trở về lều để sẵn sàng cho sáng thứ hai của cuộc hành trình. Phía xa xa, những anh bạn porter chỉ dùng chiếu và mền. Hỏi ông Hồ Khanh sao mọi người không ngủ lều thì ông cười bảo anh em đi rừng ngủ với mền chiếu quen rồi.

Tôi cũng kịp học một câu chào buổi sáng trong tiếng Thụy Điển, để sáng mai thức giấc và ngả mình chào với thiên nhiên hùng vĩ: “God Moron!”.
______________

Nằm lấp ló gần bên cửa hang Khe Ri là một miệng hang khác. Ai cũng hỏi đấy là hang gì? Howard bảo rằng nó chưa có tên bởi vì chưa được khám phá. Một câu hỏi tiếp từ Martin: Còn bao nhiêu hang động trong Phong Nha chưa được khám phá? Howard trả lời:”Đó thật sự là một ẩn số”.
Kỳ tới: Ẩn số Phong Nha

HUY TƯỞNG
Vào Sơn Đoòng cùng National Geographic - Kỳ 5: Ẩn số Phong Nha
08/02/2015 14:00 GMT+7  
TT - Nằm lấp ló gần bên cửa hang Khe Ri là một miệng hang khác. Howard reo lên vui mừng, ông cho rằng đấy là miệng hang mới chưa ai khám phá.
blank
Những cột thạch nhũ trong Sơn Đoòng phải mất hàng triệu năm mới có được. Và đặc biệt, nó rất mong manh nên rất cần sự cẩn trọng của con người - Ảnh: Ryan Deboodt

Còn bao nhiêu hang động trong Phong Nha chưa được khám phá? Đây thật sự là một ẩn số.

God Moron - tôi chào buổi sáng với Sebastian và Erik - hai thành viên của nhóm thực hiện dự án, mỗi người đều cầm một ly cà phê nóng hổi. Sau đó chúng tôi đi thu hoạch thành quả từ chiếc máy Gopro chụp cảnh hang Én với chế độ time-lapse.

Tôi cài đặt chế độ 30 giây chụp một tấm, và có được 270 tấm. Cho nó chạy trên chương trình thì được một đoạn phim thú vị, nhất là khi những tia nắng bắt đầu xuyên qua cửa hang chiếu sáng vách đá vôi, cho đến lúc nó thành một luồng ánh sáng mạnh mẽ rọi xuống mặt hồ nước xanh biếc như ngọc bích.

Ngậm ngùi...

Mời xem clip Bay trong tuyệt tác thiên nhiên - Sơn Đoòng

Ryan Deboodt là một nhà nhiếp ảnh người Mỹ. Anh đã có ba năm gắn bó với Sơn Đoòng. Nhờ đó, những bức ảnh của anh chụp Sơn Đoòng có phần nổi trội hơn nhiều người khi nắm rõ thời tiết, mọi ngõ ngách ở đây.

Trong chuyến đi cùng nhóm phóng viên Thụy Điển thực hiện dự án Son Doong 360 cho NatGeo, Ryan đã thử nghiệm quay hang Sơn Đoòng bằng flycam và kết quả thu được đẹp ngoài sức tưởng tượng.

Ryan Deboodt đã có nhã ý gửi tặng bạn đọc Tuổi Trẻ clip này. Mời các bạn xem trên địa chỉ http://tv.tuoitre.vn/tin/13302/bay-trong-tuyet-tac-thien-nhien-son-doong.

Trong lúc ngồi nạp năng lượng là những tô mì nóng hổi với mấy lát thịt bò tái chuẩn bị cho một buổi sáng hứa hẹn vất vả, cả đoàn vừa chăm chú nhìn về miệng hang. Mây đang từ từ dạt ra, sương bay lên cao từ mặt đất, để lộ ra khung cảnh rừng xanh ngắt ngoài kia.

Trong quá trình hang Én được hình thành, miệng này là miệng chính để nước chảy vào. Qua một thời gian dài tính bằng đơn vị triệu năm, với sự biến đổi của địa chất, miệng trên không còn là miệng chính cho nước chảy vào nữa.

Chỉ những trường hợp ngoại lệ vào những năm lụt cực lớn, nước vẫn vào từ trên đấy. Nghĩa là vào những năm ấy, nước dâng cao hơn 10m! Để quan sát sự thay đổi của mực nước trong hang những tháng lũ lụt, Howard đã đặt hai camera ở trên ngọn đồi đá cao trong hang.

Hiểu được quá trình lũ lụt, bào mòn là vô cùng quan trọng để hiểu được hang, từ đó mới biết cách để bảo tồn, Howard nói với tôi như vậy.

Ăn sáng xong, Martin cùng Alfred leo lên trên đỉnh một đồi đá gần miệng hang để thực hiện bức ảnh 360 đầu tiên trong ngày.

Tuy không thấy bóng chim, nhưng ai cũng nghe tiếng chim én ríu rít ồn vang phát ra từ những hốc đá tối. Howard kể vẫn hay có người vào hang, leo theo vách đá hẹp, thẳng đứng bên thành hang tới đỉnh của vòm hang để bắt chim én.

Chúng tôi nhìn lên “con đường” Howard chỉ, và rợn mình nghĩ nếu ngã xuống từ đấy thì chỉ có thể “xong phim” mà thôi. Hóa ra cái điều tồi tệ ấy lại từng xảy ra. Howard bảo rằng cách đây vài năm, đã có hai người ngã từ trên vòm hang xuống khi đi bắt chim én để mưu sinh và họ chết ngay lập tức.

Nghe câu chuyện buồn này, cả đoàn ai cũng ngậm ngùi khi nghĩ về cuộc sống cheo leo của người nông dân nghèo ở đất Phong Nha này...

Sau khi tấm ảnh 360 thực hiện xong, chúng tôi rời hang Én, trả lại sự tĩnh lặng vốn có của nó cho rừng núi. Không còn tiếng máy phát điện, không còn tiếng cười nói huyên náo, tất cả đều yên lặng, chỉ còn tiếng chim ríu rít và tiếng nước chảy róc rách.

Đoạn đường từ hang Én đến Sơn Đoòng dọc theo con sông Rào Thương. Chỉ mới mang giày vào ban sáng nhưng chân ai cũng mau chóng ướt lại, bởi liên tục là những đoạn lội sông, có nơi cao đến ngang thắt lưng.

Vào mùa mưa, dòng sông trở nên nguy hiểm và đó cũng là thời gian ngưng tổ chức “tour đẳng cấp nhất thế giới” (nhận xét này là của tạp chí NatGeo đã từng đăng), và đó cũng là thời gian để hang động nghỉ dưỡng!

Vòng luẩn quẩn của con người

Kem đánh răng “made in Việt Nam”

Thường những ai yêu thích du lịch kiểu khám phá thiên nhiên đều có ý thức rất cao trong việc bảo vệ môi trường. Trong năm năm đi học tại Úc, tôi cũng có nhiều chuyến đi rừng dài ngày và học theo ý thức của các bạn về chuyện này.

Ví dụ, có chuyến đi cả chục ngày nhưng tuyệt đối không mang theo xà phòng, còn kem đánh răng là có loại chuyên dụng để... nuốt luôn vào bụng.

Riêng chuyến đi này, chẳng tìm ra loại kem đánh răng ấy ở VN, nên tôi mang theo kem đánh răng truyền thống của người Việt thời xưa, đó là... muối!

Dĩ nhiên, muối cũng không được nhổ ra mà nuốt luôn vào bụng. Có gì đâu, càng tốt thôi mà! Howard tỏ ra thiện cảm nhiều với tôi cũng là nhờ chuyện này.

Hai vợ chồng Howard hết sức ý thức về chuyện bảo vệ môi trường. Với họ, dứt khoát không một mảnh rác nào được để lại trong rừng.
Con đường từ hang Én đến Sơn Đoòng là một lối mòn len lỏi qua những bụi cây, tảng đá, tạo nên bởi đất và rễ cây chằng chịt. Đi được nửa đường, Howard gọi cả đoàn hướng nhìn về phía bên trái.

Phía bên kia dòng sông, ẩn đằng sau rừng cây, một miệng hang rất lớn hiện ra trên mặt núi. Đấy là hang Khe Ri - hang sông dài nhất thế giới với chiều dài lên đến 19km. Hang bắc qua biên giới Việt - Lào.

Nằm lấp ló gần bên cửa hang Khe Ri là một miệng hang khác. Ai cũng hỏi đấy là hang gì? Howard bảo rằng nó chưa có tên bởi vì nó chưa được khám phá.

Một câu hỏi tiếp từ Martin: “Còn bao nhiêu hang động trong Phong Nha chưa được khám phá?”. Howard trả lời: ”Đó thật sự là một ẩn số”.
Howard kể có lần một vị khách triệu phú đi tour Sơn Đoòng. Sau khi đã vào Sơn Đoòng, ông ấy vẫn chưa thỏa sự tò mò của mình và ước được đặt chân tới một hang động chưa có khách du lịch nào đặt chân đến. Do số lượng hang mới ở Phong Nha rất nhiều, điều ấy là không khó.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn phải luôn có porter đi theo, và Howard cười nói “miễn là phải nhớ công của porter”. Vị khách ấy đồng ý. Vào hang động mới chỉ một chút rồi quay ra, vị khách thỏa mãn và rối rít cảm ơn, đồng thời chi ra 1.000 USD để bồi dưỡng cho anh em porter!
Nhân câu chuyện Sơn Đoòng còn ẩn chứa vô số hang động chưa được biết đến, tôi chợt có một ví von: Nếu Venezuela là vùng đất nổi tiếng thế giới về sản sinh ra các hoa hậu, thì Phong Nha là vùng đất “sản sinh” hang động trên thế giới.

Sở dĩ tôi có sự liên tưởng này là vì trước đây, khi theo dõi trên các phương tiện truyền thông về cuộc tranh luận nên hay không nên làm cáp treo vào Sơn Đoòng, có người ủng hộ đã nói thế này: Sơn Đoòng như một cô gái đẹp ở trong hẻm sâu, khó tiếp cận. Vì vậy, cần có phương tiện để đưa mọi người đến chiêm ngưỡng cô gái đẹp ấy!

Tôi nêu câu chuyện này ra với Martin. Với tư cách là một người chuyên đi làm các dự án bảo vệ di sản thiên nhiên, văn hóa nên đương nhiên là anh không tán thành với cách nhìn vấn đề của người ủng hộ cáp treo.

Anh cho rằng đâu phải ai cũng đến gần để ngắm, tiếp xúc được với hoa hậu Venezuela! Và Sơn Đoòng cũng vậy. Tôi học được ở Martin cách nhìn nhận một vấn đề luôn đa chiều, luôn nghi vấn của một nhà báo nhà nghề. Đó là câu chuyện làm hay không làm cáp treo giống như vấn đề hạn chế khí thải. Những quốc gia đã phát triển thì luôn tìm cách hạn chế, và họ đã thấy được sự tác hại của việc xả khí thải tràn lan. Còn các quốc gia nghèo thì mục tiêu tối thượng là phát triển kinh tế.

Và một cái vòng luẩn quẩn của con người trong việc đối xử với thiên nhiên: khi còn nghèo thì tìm mọi cách làm giàu; khi giàu rồi thì ngồi khóc thương vì mất đi những thứ mà dù có giàu đến bao nhiêu đi nữa cũng không thể tìm lại được...

Cuộc trò chuyện với Martin về chủ đề này tạm chấm dứt vì thời gian cho buổi ăn trưa đã hết. Chúng tôi xốc balô lên đường cho kịp theo kế hoạch: chiều 26-1 vào hang Sơn Đoòng.

“Coi chừng khủng long”, “Bức tường Việt Nam”... là những cái tên độc đáo trong hang Sơn Đoòng khiến nhóm của Martin hết sức rạo rực.
Kỳ tới: Những cái tên độc đáo
HUY TƯỜNG
15 Tháng Chín 2014(Xem: 11252)
Từ ba năm nay ngừoi Pháp đến quấy rối ta tại Gia Định , noi đây họ đa phá thành , giết hại và đánh đuổi quân sỉ phòng thủ của ta . Tất cả thần dân có thấy phẩn nộ hay không , ta tuởng rằng toàn dân nhất là những ai ở Nam Kỳ miền duới sẽ sẳn sàng hợp tác với quân sỉ để trả thù cho những noi bị địch đánh bại
14 Tháng Chín 2014(Xem: 21563)
Cho đến trước thế kỷ 16, Sài Gòn - Gia Định vẫn là miền đất hoang, vô chủ, địa bàn của vài nhóm dân cư cổ cho tới khi người Việt xuất hiện.. Những người Việt đầu tiên tự động vượt biển tới khai vùng đất này hoàn toàn không có sự tổ chức của nhà Nguyễn. Nhờ cuộc hôn nhân giữa công nữ Ngọc Vạn với vua Chân Lạp Chey Chetta II từ năm 1620, mối quan hệ giữa Đại Việt và Chân Lạp trở nên êm đẹp, dân cư hai nước có thể tự do qua lại sinh sống. Khu vực Sài Gòn, Đồng Nai bắt đầu xuất hiện những người Việt định cư. Trước đó, người Chăm, người Man cũng sinh sống rải rác ở đây từ xa xưa.
02 Tháng Chín 2014(Xem: 11482)
Đài Thiên văn Hoàng gia Greenwich (ROG) phối hợp với chương trình Bầu trời buổi Đêm của BBC đã nhận được số ảnh dự thi kỷ lục cho cuộc thi Nhiếp ảnh gia Thiên văn học của Năm 2014. Trong hình là bức Rạng đông và dải Ngân hà của Rune Johan Engebo.
31 Tháng Tám 2014(Xem: 12703)
Giữa Thái Bình Dương có một hòn đảo tuyệt đẹp, là thiên đường của nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có loài rùa khổng lồ vô cùng kỳ lạ.
28 Tháng Tám 2014(Xem: 11649)
Được xây dựng từ năm 1880, Thương xá Tax đã trở thành địa điểm tham quan mua sắm quen thuộc của người dân Sài Gòn trong suốt hơn 130 năm qua.
22 Tháng Tám 2014(Xem: 12326)
Ngày 26/4/2003, một Trung tâm Thương mại hiện đại Thương xá Tax được khánh thành trên cơ sở đại tu toàn bộ tòa nhà và trở thành điểm tham quan quen thuộc của người dân Sài Gòn và du khách quốc tế.
21 Tháng Tám 2014(Xem: 13039)
Tôi như nhiều người không sinh ra tại Sài Gòn nhưng suốt học trình từ tiểu học lên đại học được sống với thủ đô của miền Nam, mà qua tên gọi mỹ miều là "Hòn Ngọc viễn Đông". Tôi suy tư về nguồn gốc các danh từ Sài Gòn và Hòn Ngọc viễn Đông.
18 Tháng Tám 2014(Xem: 12302)
Trong một buổi đi dạo tham khảo ở vùng Chemin des Dames, một chiến trận thảm khốc ác liệt của Đệ nhất thế chiến, tình cờ tôi thấy một tấm bảng quảng cáo có một con đường mang tên „Do Huu Vi“. Thế là chúng tôi vội vàng lái xe ngay đến con đường đó, cách khoảng mấy chục cây số.
18 Tháng Tám 2014(Xem: 12912)
Nếu một thanh niên gốc Việt gia nhập quân đội Mỹ vào đầu thập niên 80, ngày nay chiến binh này đã giải ngũ và có thể trải qua trên 30 năm quân vụ. Thâm niên còn hơn các đại tướng của quân lực Việt Nam cộng hoà
13 Tháng Tám 2014(Xem: 13576)
Dù trải qua hàng chục năm, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện hay Nhà hát Thành phố vẫn giữ được dáng vẻ đặc trưng và tạo nên những dấu ấn riêng cho Sài Gòn.
13 Tháng Tám 2014(Xem: 12120)
Gặp gỡ báo chí dịp cuối năm 2013, Phó thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiết lộ câu chuyện đằng sau bức ảnh chụp chung giữa ông và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước khi hai bên bước vào hội đàm chính thức.
04 Tháng Tám 2014(Xem: 11490)
Nguyễn Thiện Nhân Chủ nhật, 03/08/2014, 20:51 (GMT+7) (Văn hóa) - Màu sắc và mực nước trong hai hố lớn ở Argentina thay đổi liên tục. Người ta gọi nó là “nơi các linh hồn than khóc”.
01 Tháng Tám 2014(Xem: 19306)
Cách đây không lâu, nhiếp ảnh gia chuyên về mảng động vật hoang dã Andy Rouse ghi lại những hình ảnh này về một con hổ Bengal mẹ cùng đàn hổ con trong thiên nhiên ở vùng Ranthambhore, Ấn Độ.
16 Tháng Bảy 2014(Xem: 10358)
Một quả cầu lửa bùng lên sau một cuộc không kích của Israel tại Rafah, miền nam Dải Gaza. Máy bay chiến đấu của Israel tiếp tục không kích chết người vào dải Gaza nhưng không ngăn được chiến binh người Palestine bắn rocket qua biên giới Israel, trong khi Mỹ đề nghị giúp đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn.
16 Tháng Bảy 2014(Xem: 9910)
Đức vui mừng còn Argentina than khóc
06 Tháng Bảy 2014(Xem: 11354)
Những bức ảnh do Brian Wickham - một nhân viên chính phủ của Mỹ - chụp tại Sài Gòn. Đây là một phần trong loạt ảnh bao gồm trên 100 tấm ảnh được ông chụp từ tháng 10/1968 -6/1969 tại Sài Gòn - nơi ông công tác.
18 Tháng Sáu 2014(Xem: 12423)
* Cuối thế kỷ 19, trên nóc Tháp Rùa có tượng Nữ thần Tự do, chợ Đồng Xuân lợp tôn hoặc mái lá. VietEpress Chủ nhật, 25/5/2014 | 08:31 GMT+7
18 Tháng Sáu 2014(Xem: 12037)
Triển lãm "Ký ức Việt Nam 1895-1896" tại Thư viện quốc gia mới đây giới thiệu hơn 200 bức ảnh của Toàn quyền Đông Dương Armand Rousseau.
03 Tháng Sáu 2014(Xem: 11131)
Trong một diễn biến tại ngư trường truyền thống, tàu cá có số hiệu DNa-90152-TS bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm đã được kéo về đất liền. Cục Kiểm ngư cùng lực lượng khác đưa 10 ngư dân về Đà Nẵng về chăm sóc sức khỏe. Ngày 30/5, tại Chi cục kiểm ngư số 3 (Chi cục kiểm ngư vùng II) đã tổ chức gặp gỡ động viên các thuyền viên tàu bị nạn.