10 ngày đêm chiêm ngưỡng Trường Sa (kỳ 2)

18 Tháng Chín 20166:25 CH(Xem: 10149)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  TƯ  05  OCT  2016

10 ngày đêm chiêm ngưỡng Trường Sa

Kỳ 2

Ra khơi


image010

Ra khơi,

biết mặt trùng dương

biết trời mênh mông

biết đời viễn vông

biết ta hãi hùng ...

Ra khơi,

thấy lòng phơi phới

thấy tình thế giới

thấy mộng ngày mai

thấy niềm tin mới ...

(Phạm Duy)

 

1. Khi con tàu vượt cửa bể Vũng Tàu ra khơi thì tôi thực sự mới biết thế nào là ra khơi. May là vào mùa biển êm sóng lặng nghe lại trong đầu Quỳnh Giao, Thái Thanh, Ngàn Khơi cất lên khúc Viễn Du của Phạm Duy nên thấy lòng phơi phới ... giả dụ như ra khơi lần này sóng gào biển thét thì chắc chắc ... hãi hùng!

 

Sau lưng xa dần, bán đảo Vũng Tàu mờ mờ trong ánh sáng rồi khuất hẳn. Chỉ còn nước màu xanh, gió lộng và những cụm mây trắng, vàng, ửng đỏ lững lờ. Giơ hai cánh tay lên ôm lấy bầu trời của ta - làm sao với tới. Tôi - cái tôi - nhỏ bé, thấp hèn - hẹp hòi - ích kỷ - mới chỉ cách ngày hôm qua đây thôi. Làm sao với tới không gian.   

 

 image012

Chỉ có lúc này. Lúc này khi gió lồng lộng bên tai tóc bay phần phật - giữa biển trời vô tận - tôi có dịp nhìn lại tôi. Tôi - đừng có bao giờ huênh hoang nghĩ rằng chủ nhân của trùng dương sẽ mang lại mọi điều ước muồn, có chăng là lúc sinh mệnh lất lây giữa cơn bão tố mới biết đời viễn vông và đám mây kia vô chung vô thủy.

 image014

2. Nắng chiều hắt lên con tàu HQ-571. Trò chuyện với ngưới lính thủy ngoài boong, người lính trẻ chỉ cho tôi tít tận chân trời, dưới ánh đỏ rực hiện lên con thuyền nhỏ xíu đậu ở đầu mũi hòn đảo - đảo có bề ngang to lớn so với con thuyền. Người lính cho tôi biết: đó là đảo Song Tử Tây. Theo lịch trình, con tàu chạy với tốc độ 15-20 gút/giờ sẽ phải mất gần một ngày một đêm mới tới được hòn đảo.

 image016

Kể ra thì con tàu đã khởi hành hết cả ngày rồi. Hiện giờ thì tôi và con tàu đang lênh đênh giữa biển trời Trường Sa nhìn ngắm Song Tử Tây dưới bóng chiều tà. Mặt trời lúc đỏ thẫm lúc vàng khè, màu biển khi nhạt khi thẫm, mây yên lặng và bóng tối hình như thay đổi từng giây khi hoàng hôn  phủ xuống.

 

Tôi chỉ mang theo cái máy Sony nhỏ loại khá tốt. Tôi cố gắng giữ nguyên vẹn khung cảnh và chụp tự động bình thường, hy vọng bức ảnh sẽ giữ lại ý nghĩ trong đầu. Tôi nghĩ: tiếc là không có cái máy ảnh cực tốt lúc này. Với cái máy tốt, tôi có thể chụp từng sợi nắng xuyên qua làn nước biển. Nói thế chứ mua cái máy tối tân hiện nay đối với tôi là cực khó đấy.

 image018

Biển lặng như hồ vào gần cuối tháng Tư, ánh sáng lạ lùng man dại của trời chiều, chỉ nhắm mắt một chốc, mở mắt ra là thấy màu nước, bóng mây thay đổi. Ước gì tôi là họa sĩ nhỉ; tôi sẽ pha màu vẽ chiểu về trên biểnTrường Sa, tôi sẽ pha màu trong cơn mê đắm vẽ ánh sáng sót lại vương vấn với không gian u hoài trước khi qua bên kia thế giới.

 image020

Tôi kiên nhẫn chờ mặt trời lặn chìm hẳn xuống lòng biển may ra lóa lên chút ít hiểu biết thêm về đêm của biển. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy đêm mông muội.  Trên đầu tôi nhấp nhánh  vì sao không đủ xóa bóng tối tràn tới. Thật kinh khủng cho sự lẻ loi. Tôi nghĩ dù sao có đồng bạn hay đồng bọn vào lúc này có còn hơn không. Tôi bắt đầu biết sợ. Tôi sẽ ngủ ở đâu - tất nhiên, ai chả biết tất cả chúng tôi đều phải ngủ trên con tàu. Chỉ có ông thuyền trưởng là thức. Nhưng tôi sẽ ngủ ở đâu?

 

Đêm giữa biển Trường Sa

 image021

3. Thú thật, nằm trên cái giường sắt trong lòng con tàu tôi vẫn không yên. Vắt tay lên trán mấy lần, tôi quyết định không bỏ lỡ cơ hội bước ra lan can nhìn vào mịt mùng. Ánh sáng loe loét từ trên boong hắt lên lớp sóng mạn tàu. Mọi người có lẽ đều say ngủ, say sóng. Có ai thức với tôi không nhỉ? Nghe gió thổi quanh người một mình cảm giác ơn ớn khi thò đầu ra lan can nhìn xuống biển nước đen ngòm. Đe dọa, nhưng cuốn hút đến lạ.

 

Biết đâu dưới cái đáy sâu hoẵm đen ngòm kia có một quả tên lửa ngoài tầm kiểm soát phọt vào bụng con tàu thì chỉ có đi đời nhà ma. Nhưng nếu cứ nuôi mãi cái ý nghĩ vu vơ này thì làm sao chiêm ngưỡng được Trường Sa lẩn quẩn tự bao giờ. Tốt hơn hết là trở lại cái giường sắt cho yên chuyện.

 

Tôi lại lẩn thẩn. Biết đâu dưới thủy cung kia đang mở hội hoa đăng nhạc đêm huyền ảo. Mẹ thủy cung trầm tư nhìn đàn con trăm màu ngàn tía đang lượn khúc nghê thường chờ trăng lên rọi màu biêng biếc.

 

Suốt đêm, coi bộ cũng không xong, vào lúc không còn một bóng người, tôi lại mò ra hành lang lần nữa.

 

Biển đêm im lìm bí ẩn. Cái im lìm ghê rợn đáng sợ. Mặt nước phẳng lì như tấm gương đen khổng lồ che dấu. Dưới đáy nó là cái gì, chuyện gì dưới ấy, nó đang chuyển động hay ngủ yên? Những đàn cá nhỏ to đã tới giờ đi ngủ hay còn mải đi kiếm ăn.

 image023

Đọc một câu truyện có loại cá độc chuyên đi ăn trong bóng tối. Nó chỉ rình rập trong bóng tối chờ đớp con mồi. Tội nghiệp cho những con mồi béo bở đang lang thang dại khờ vô tình bồi bổ cho bụng nó ngày càng to phình lên, mặt mũi mắt nó lòi lộ những thớ thịt nung núc mỡ, miệng lúc nào cũng nhỏ dãi vì không ngăn được sức thèm thuồng. Loại cá độc này sinh sôi nảy nở rất nhanh nếu gặp thời biển êm gió lặng, đánh bắt nó rất khó, nó còn chấp cả ngư dân.

 

Thú thật tôi không thể mô tả tiếng rên xiết đau đớn của loài cá con ách nạn, tôi còn mải suy nghĩ mông lung vì tiếng rì rào của biển và bóng dáng hòn đảo bí mật đang chờ tôi ngày mai.

 

Bỗng dưng tôi cảm thấy mệt mỏi lắm rồi. Phải đi ngủ thôi, ngủ cái đã để lấy sức cho ngày mai. Leo lên cái giường sắt khi cần cũng êm chán.

 

Đêm đầu tiên trên con tàu hai ngàn tấn chạy lầm lũi xuyên vào đại dương mang theo giấc mộng rập rình.

 

Đá Nam

 

1. Hóa ra mọi dự tưởng đều xa rời thực tế.

 

Cứ nghĩ rằng những bước chân đầu tiên lên hòn đảo cách Vũng Tàu gần ngàn cây số mà người lính thủy giới thiệu đó là đảo Song Tử Tây sẽ phải là tôi.

 

Thế mà tôi không phải là người khách đầu tiên về thăm quê hương máu thịt ngoài biển. Rõ chán. Tôi sẽ giải thích chuyện này sau. Bù lại, vùng biển nơi tôi đến có một cái tên ngộ nghĩnh: Đá Nam. Như vậy con tàu phải mất gần một ngày một đêm mới tới Đá Nam.

 

Sáng banh mắt vươn vai sảng khoái, đánh răng rửa mặt. Không ngờ thủy thủ đoàn tặng cho chúng tôi bữa ăn sáng thịnh soạn: cháo lòng đầy thịt.

 

Con tàu đứng yên không nhúc nhích. Không tài nào đoán nổi nó đứng ở tọa độ cách xa hòn đảo cỡ bao nhiêu hải lý. Chỉ có cách đi hỏi ông thuyền trưởng, ối dào, họ cũng bí mật như đêm. Phía sau đuôi con tàu lúc nhúc những người đi qua đi lại, ai nấy đều mặc áo pháo cứu sinh màu cam chói mắt, quang cảnh thật là náo nhiệt.

 

Ban tổ chức chia chúng tôi ra làm hai toán, một toán đi ca nô lên Song Tử Tây, một toán đi thăm Đá Nam. Tôi thuộc toán thứ hai. Trời trong vắt thăm thẳm không một gợn mây.

 image025

Sao lại gọi là Đá Nam. Thì ra nó chỉ là hòn đá nổi lên giữa biển, do nó nằm ở phía nam đảo Song Tử Tây nên lính hải quân gọi nó là đá Nam. Chiếc ca nô chở tôi phóng vùn vụt. Nó tiến dần đến hòn đá. Đúng là hòn đá nếu không nhìn thấy cái cột ăng ten cao ngất ngưởng. Nhưng nó có phải là hòn đá đâu. Khó mà tưởng tượng tự nhiên giữa biển mênh mông nổi lên một cục đá đen sì. Nếu đêm hôm qua con tàu đâm vào hòn đá thì sao? Quả thật trước kia hàng triệu năm nó là hòn đá nổi lên mặt nước mịn như lụa, tựa như cái nốt ruồi mọc vô duyên trên mặt cô gái song người ta "thẩm mỹ" nó lại. Hình thù hòn đá trông như cái công sự phòng thủ mà tôi thường đi quan sát ở mặt trận cao nguyên năm xửa năm xưa.

 

Ôi, cái chuyện ngày xưa về đời lính nó lại lởn vởn trong đầu. Chiến tranh đã qua từ lâu mà sao súng đạn cứ phảng phất đâu đây. Chẳng lẽ súng đạn thân thiết đến nỗi thay thế cho vợ con, bạn bè à, nhưng trước hết nó cũng bảo vệ cái mạng sống cho mình chứ. Khẩu súng nào cũng có cái khóa an toàn. Khóa an toàn cho chính mình, biết xài thôi. Ngày xưa súng là bạn đời của tôi và tôi là quân thù của họ, tất nhiên họ cũng là kẻ thù của tôi. Tự nhiên người ta bảo ê, đánh nhau; tự nhiên người ta lại bảo ê, nghỉ. Cái khóa an toàn theo thời gian đo lường đã rỉ sét, nòng súng rỗ chằng rỗ chịt và đạn đỏ đạn vàng thì chẳng còn viên nào để bắn nhau tơi bời.

 

Bây giờ nhìn lại cái  đồ mắc dịch ấy thấy phát chán. Rõ là đồ ngu đứt đuôi con nòng nọc. Đấy là chuyện ngày xưa.

 image027

Ca nô lướt nhanh trên ngọn sóng lăn tăn, thỉnh thoảng loang loáng trên mặt nước dường như là dầu. Dầu có biết đánh nhau không nhỉ?

 image029

Ca nô càng đến gần Đá Nam càng rõ. Nó là cái tòa nhà nho nhỏ xây theo kiểu lô cốt quân sự. Kiểu này thì chỉ dùng cho chuyện đánh nhau. Đáy biển có thể thò tay xuống được. Tôi chỉ muốn nhảy xuống xem nó sâu tới đâu. San hô lộ ra chồng lớp. Vàng đen ở dưới đó chăng?

 

Tít ngoài khơi, con thuyền đánh cá nhỏ bé nằm lẻ loi. Có bao nhiêu ngư phủ giữa biển trời hùng vĩ. Họ đang làm gì trên con thuyền ấy? Họ sống chết với biển để mang cá về cho lục địa. Khoang cá vượt trùng dương chở về đất bán được bao nhiêu tiền mỗi chuyến tử sinh? Chắc chỉ có mấy bà vợ của họ chăm chỉ đếm tiền và âu yếm sờ khoang cá ngủ say trên bến.

 image031

Loanh quanh trên mặt biển lại có cả rác rưởi trôi lềnh bềnh. Lạ quá, rác ở đâu trôi đến đây.

 

2. Không thể gọi nó là pháo đài, cũng không gọi là đảo, nó là một hòn đá nửa chìm nửa nổi theo thủy triều được tạo tác thành một tòa nhà bê tông kiên cố, chu vi khoảng vài trăm mét vuông, nó là cái mốc cắt đứt lằn chỉ ranh giới giữa trời và biển.

 image033

Ở trong đó có những ai?

Người lính trẻ cho tôi biết:

- Có chín tay súng.

- Chín tay súng giữa hòn đá trơ vơ!

- Đá Nam là một trong những mốc liên kết với đảo mẹ, nó không cô đơn đâu chú ạ.

- Khi cơn bão biển nổi giận điên cuồng họ sẽ ra sao?

- Họ vẫn chiến đấu.

 

Người lính trẻ không nói nữa, tôi cũng không hỏi, chỉ dõi mắt vào tòa nhà công sự, thấp thoáng bóng người trên hòn đá.

 image035

Một người lính có lẽ là cấp chỉ huy của hòn Đá Nam đứng nghiêm tự bao giờ chờ đón chúng tôi. Chân đứng thẳng, cánh tay đen sạm giơ tay chào đoàn, sau lưng anh là tám người lính thủy khác đứng hàng ngang nghiêm chỉnh. Đếm tới đếm lui tất cả chỉ có chín người. Đúng như người lính trẻ nói, chín người lính hải đảo sống và chiến đấu trên cái mốc tí hon mọc lên giữa biển. Lỗ châu mai thò ra, súng cao xạ nghênh ngang trên đầu ụ bê tông.

 

Nom họ thật tươm tất, chỉ tội đen thủi đen thui. Họ có chạm súng với kẻ thù dấu mặt lần nào không nhỉ? Trong đêm bọn giặc cỏ ưa lén bơi chui vào tận cửa châu mai, nó dùng lựu đạn liệng vào rồi nhảy tót xuống biển. Tưởng tượng ra nếu có trận đọ súng ở đây thì tảng đá sẽ ra sao? Thời buổi bây giờ đánh nhau bằng tên lửa hành trình, pháo hạm, chỉ vài phút thì hòn đá chìm lỉm xuống đáy.

 image037

Tôi có vẻ hơi lo xa. Tuy rõ ràng là cứ điểm quân sự, nhà thiết kế hải quân cố tình tạo cảm giác biến hòn đá là nhà, cửa nẻo khang trang, bên trong giường chăn chiếu gọn gàng, đầu giường đèn ngủ, bên ngoài khẩu cao xạ canh phòng bóng loáng chĩa thẳng ra khơi sẵn sàng khai hỏa.

 image039

Trong đoàn chúng tôi có cả mấy anh chị em phía bên này gọi là văn công; hồi trước, phía bên kia gọi là văn nghệ sĩ hoặc là lính văn nghệ, lính tâm lý chiến tay súng tay đàn. Việc đầu tiên là nghe thuyết trình. Thuyết trình viên là người lính trẻ đã đứng nghiêm ở cửa tiền đồn đón chào chúng tôi. Anh tự giới thiệu là Đại úy chỉ huy Đá Nam. Ít thấy nụ cười của anh ta trong lúc thuyết trình.

 image041

3. Sau khi nghe một hồi về Đá, lính tiền đồn hải đảo mang trà thơm, thuốc lá ra đãi khách, lính nghệ sĩ có dịp thi triển văn nghệ. Chúng tôi ngồi quây quần bên nhau nghe tiếng phách, tiếng guitar và tiếng hát dân ca Quan họ. Cô gái văn công Quan họ cất tiếng hát nồng nàn hơi hướng tình tự dân tộc trộn lẫn với cái hương vị của biển muối theo gió thổi vào. Cô ta hát say sưa trông thật tuyệt vời.

 

Ai bảo lính không biết điệu. E sức nóng của biển cháy làn da người nghệ sĩ lục địa, lính bèn mang cả quạt máy ra thổi. Lính yêu nghệ sĩ đến thế là cùng. Quạt thổi tít mù vẫn nóng hừng hực. Mồ hôi trong người tôi chảy ra nhèm nhẹp. Sức nóng của hòn đá cỡ gần bốn mươi độ C.

 

 image043

Tiếng hát và ấm trà lọt thỏm giữa đại dương khiến lòng tôi se lại. Tiếng hát có lưu lại với bọt biển hay vỡ tan theo đợt sóng. Ấm trà có đủ ấm lòng khi giống tố nổi lên. Những người lính còn quá trẻ ở đây lấy gì mà ăn, lấy gì mà uống.

 

Tôi đi một vòng "đá' leo lên chỗ khá cao, nhìn thấy hàng rau xanh trồng trong những chậu nhựa: rau muống.  Làm cách nào mà người lính có thể trồng rau ở trên hòn đá khắc nghiệt như thế này?

 image045

Một người lính nói: Rau muống là nguồn thực phẩm xanh tươi cực kỳ quý hiếm nuôi lính hải đảo. Anh cho biết thêm: Những giỏ đất xới từ đất liền, ra tới đây quý hơn vàng, chắt chiu từng cọng rau trong mỗi bữa ăn. Còn nước ở đâu. Hứng mưa để dành.

 image047

Ối giời ơi, lính nuôi cả vịt. Tôi cam đoan vịt này là vịt đất liền chứ không phải vịt giời. Cái bọn vịt giời ăn tanh bỏ mẹ, còn đám vịt này nó ăn bằng gì nhỉ? Nó được nuôi bằng tôm cá biển khi mà đánh tiết canh thì ngon phải biết, nhất là nhâm nha theo vài chung rượu đế thì bay bổng có đến tận giời. 

 image049

Điện mặt trời trên đá Nam đủ dùng cho quạt, máy móc điện đài. Đứng trên tầng cao nhất của công sự, san hô ngầm dưới đáy trải dài ra xa; phóng tầm mắt ra khơi, con tàu HQ-571 yên ổn nằm chờ đợi. Tôi đoán cự ly con tàu dường như đứng giữa đảo Song Tử Tây và đá Nam. Đá Nam cách Song Tử Tây khoảng vài hải lý.

 image051

4. Tới lúc phải chia tay thôi.

 

Chúng tôi "sống" với chín người lính độ hơn một tiếng, quá ngắn gủi so với ngàn vạn giờ những người lính sống trên hòn đá "cô đơn". Hèn chi họ mừng rỡ khi đón chúng tôi.

 

Giã từ hòn đá chênh vênh giữa biển - đá có biết hồn tôi nóng chảy nghẹn lời, môi tôi chợt héo khô không phải vì gió muối biển cả mà vì không nói lên được ý nghĩ rời. Tôi e những điều tôi muốn nói không hợp với lỗ tai người khác.

 

Tôi nghĩ đến những bữa tiệc bữa tùng chén anh chén chú ngả nghiêng với gái nặc mùi nước hoa rẻ tiền ở trong mấy cái quá nhậu xa hoa dị hợm, những buổi dạ vũ kệch cỡm khoác loác ra rả lướt thướt hoài niệm, những thủ đoạn tranh giành từng miếng đất vàng đất bạc, những thầm thì dưới gầm bàn mua quan bán chức của cái gọi là văn hóa đô thị hiện đại, những bộ óc nhỏ nhen ghen tị trong cuộc sống cộng đồng không ra cộng đồng ... Trời ơi! chán không thể tả nổi! Xót không biết đến mực nào?

 

Người ta gọi tôi ra về, tôi tìm đến từng người lính hải đảo bắt tay họ thật chặt. Họ đang nghĩ gì về tôi. Họ nhìn tôi chăm chăm. Cánh tay họ đen đủi, mặt họ nhuộm nắng đại dương cháy nám đen thui không chừa chỗ nào. Tôi nhìn sâu vào đôi mắt họ - hiền lành và ngơ ngác. Họ còn quá trẻ, y như những người lính trận dưới quyền tôi trước đây, mỗi lần tôi gọi lên trình diện đứng nghiêm phăng phắc. Mẹ kiếp! trước đây tôi cũng là lính như họ. Khổ như ... chó! Tiền lính tính liền.

 

Không nói gì cả. Mắt tôi cay cay. Tôi vội vã ra ca nô. Ca nô chở tôi thẳng một lèo tới đảo Song Tử Tây.

 image053

5. Song Tử Tây nằm ở tọa độ 11 độ25'54'' N và 114 độ 19'48'' E. Song Tử Tây là hai anh hay chị em song sinh Song Tử  Đông nằm về hướng đông nhìn từ bờ biển Việt Nam. Từ Vũng Tàu tới đây sấp xỉ gần ngàn cây số.

 image055

Cuối cùng tôi cũng đặt chân lên hòn đảo huyền thoại mà những người lính thủy nào cũng tự hào. Song Tử Tây có lịch sử tiếp đón những người lính thủy khá phong phú. Nhiều màu cờ sắc áo đặt chân lên đây. Nó có vẻ khó chịu với người lạ từ phương Tây, sau rốt thì thích hợp với người phương Đông nhiều hơn.  Chả thế mà trong quá khứ đã xảy ra nhiều cuộc tranh giành.

 image057

Tháp canh và ngọn hải đăng sừng sững trên nền trời hòn đảo, vậy mà đã có người đi theo đoàn leo lên tới đó. Nhất định tôi leo không nổi rồi. Chậc, cứ thử hai cái đầu gối của mình xem nào, mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo mà. Rốt cuộc tôi vẫn không leo, nghĩ lại thật là thiếu sót lớn.

 image059

Một bia đá đập vào mắt tôi nhanh chóng.Tôi vội bước tới nó, linh cảm cho tôi biết đây không phải là chuyện thường. Nó là di tích đặc biệt của lính hải quân quân đội Việt Nam Cộng Hòa trước kia.

 image061

Bia này dựng lên từ năm 1956 tính đến nay là sáu mươi năm phong ba bão táp. Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Đảo Song Tử Tây thời đó thuộc tỉnh Phước Tuy - Vũng Tàu.

 image063

Lại có một loài thực vật lạ lùng dân bản địa trên đảo gọi là cây Bàng Vuông, đặc điểm của nó sinh ra trái hình vuông vuông chứ không tròn không dẹp, lá xòe rộng râm mát, đến mùa sinh nở, hoa Bàng Vuông nở ra thơm ngát màu đẹp dị thường.

 image065

Cũng còn loại cây mang tên rất ư là văn chương nghệ thuật: cây Phong ba Bão táp. Giống cây này khá to, thân cây to lớn oằn ẹo, vỏ xù xì, lá nhỏ từng cụm. Tôi cũng không hiểu vì sao nó được người ta đặt tên là cây Phong ba Bão táp, chắc nó dẻo dai chịu đựng.

 

 image067

Chưa hết chuyện trên hòn đảo huyền thoại. Có lẽ những người lính thủy canh gác ở đây trồng cây Phong ba Bão táp để che chở cho loại rau này: Rau muống và Cải xanh. Có thực mới vực được gió mát trăng thanh mà lỵ. Giá có đánh nhau dài ngày vẫn có rau xanh mà nuốt. Người Việt ưa ăn rau hơn ăn thịt.

 

Rau mềm mại sinh ra đôi tay vững chắc và cái đầu ngỗ nghịch.

 

 image069

Bài và ảnh: Lý Kiến Trúc

 

(hết bài 2)

02 Tháng Giêng 2020(Xem: 5878)
13 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 4869)