Đảo chim hót

23 Tháng Mười 20168:30 CH(Xem: 9386)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  HAI  24  OCT  2016

10 ngày đêm chiêm ngưỡng Trường Sa

Ký - Kỳ 3

Đảo chim hót

1. Theo lịch trình, con tàu  HQ-571 đưa chúng tôi đi đến đảo chim hót. Tàu to lớn nên phải đậu ngoài khơi - chỗ nước sâu, yên lặng. Sơn Ca - đảo chim hót  phía trước, mờ nhạt dưới bóng bình minh mây cam hồng trắng. Nếu không có cái vết đen nhỏ ở cuối chân trời thì chẳng biết đâu là cuối trời chân mây. Trời mây nước sương muối còn sót lại như hòa với nhau làm một.

 
image079

Tôi ngồi trên ca nô với ông Nguyễn Thanh Sơn tiến vào bờ đảo. Mọi người đều phải mặc áo phao cứu sinh, cái áo phao vướng víu máy ảnh nhưng vẫn phải mặc.

 
image081image083

Hòn đảo dần hiện rõ chênh vênh như cố muốn bám lấy làn da của biển. Giá mà chiều trời ngả màu tối thì trông nó chẳng khác gì cái nốt ruồi trên khuôn mặt cô gái. Đảo mang tên đẹp, tựa như tên con gái: Sơn Ca. Nôm na tôi diễn nghĩa: Tiếng hát trên núi.

 

Ai đặt tên cho hòn đảo "con gái" này nhỉ. Có lẽ không ai biết, vả lại hơi sức đâu để ý tới cái chuyện biết với không biết cái tên tuổi xa xưa của người con gái. Ấy vậy mà tôi vẫn thắc mắc hoài, nhìn hòn đảo chập chờn trên con thuyền nhỏ đứng ngồi không yên. Nó có đủ sức hút hồn tôi không? Người ta thường tả về người con gái đẹp có đôi gò bồng đảo, có đôi mắt đa tình ươn ướt. Sơn Ca nhất định phải là chốn bồng lai tiên cảnh. Định đi hỏi ông thuyền trưởng nhưng ngại quá, mình chưa thân với họ lại đi hỏi lăng nhăng không khéo sinh lắm chuyện.

 

May ra thổ dân trên đảo biết. Cứ đến đó hãy hay.

 

Sơn Ca nằm ở tọa độ 10độ 22'36''N và 114độ 28'42''E; đảo có hình bầu dục, thuộc loại khá lớn trong quần đảo Trường Sa, chỉ thua người anh Nam Yết. Đảo dài hơn 400 mét, rộng 150m, cao 3m so với mực nước trung bình, diện tích nổi và thềm san hô lộ ra khoảng 0,7km2. Sơn Ca cách đảo Ba Bình hay Thái Bình hiện do Đài Loan chiếm giữ 6,2 hải lý về phía Đông.

Ca nô tiến dần, tôi nhìn thấy khu rừng xẫm đậm in trên nền trời xanh mướt. Tất nhiên ca nô còn hơi xa nên chưa nghe thấy con chim Sơn Ca nào véo von lượn trên bầu trời. Có lẽ tiếng máy ca nô át tiếng chim. Sóng trắng dạt hai bên lườn, mặt biển dập dềnh gợn lớp sóng nhẹ đến nỗi cứ như đi rửa chân dưới ao nếu không có ánh mặt trời lấp lánh vẽ vệt sáng dài như dải lụa bất tận nạm viên ngọc bích.

 

Thoáng một chốc, dải lụa lại đổi màu vì cụm mây pha sắc khác.

 
image085

Một anh lính thủy đứng kế bên thấy tôi chăm chăm nhìn hòn đảo ghé tai tôi nói nhỏ:

- Đảo này nhiều chim lạ lắm, nhưng không phải ai cũng thấy được đâu.

- Thế à! Lạ nhỉ, thế chim nó có phép tàng hình à?

- Tàng cái gì mà tàng, nó dấu kín lắm.

- Nó dấu làm sao?

- Nó chỉ xuất hiện lượn lờ trên không khi mùa tình đến với nó.

- ...

- Mùa tình là mùa gì?

- Mùa tình là mùa ca hát đấy chú ạ. Từ đâu đâu nó bay về từng đôi, nhẩy nhót, hót trên ngọn cây, làm tổ, rồi đẻ con, con khôn lớn rồi lại bay đi. Bay đi rồi lại bay về, kéo theo cả đàn.

- Hay quá nhỉ. Thế lần này mình có được nhìn và nghe nó hót không.

- Chưa biết được chú ạ, phải đến tận nơi mới biết.

- Thế mùa này có phải mùa tình không?

Anh lính hay hay mắt nhìn tôi miệng cười cười.

- Đã nói là chưa biết được!

 

Chàng lính trẻ này coi bộ cũng có máu nghệ sĩ, lại có cái vẻ láu cá của lính cũ lòe lính mới tò te. Kể ra trời đất sinh ra mùa tình cho vạn vật cũng hay lắm chứ. Con người ai cũng cần có mùa tình huống chi con chim. Bất chợt, tôi ngước cổ lên cao chỉ thấy màu xanh ngắt. Ngẫm nghĩ lại chưa chắc tôi đã được đến hòn đảo vào mùa tình. Rõ là vô duyên tệ.

 

Thế thì cứ gọi đảo chim hót hay chim hót trên đỉnh núi cũng chẳng chết ôn hoàng dịch lệ nào. Dù sao đi nữa mò đến đảo chim hót vẫn an tâm hơn lang bang đến đảo bão tố chỉ có mà lãnh đạn.

 

2. Không phải cứ thẳng một lèo là tới đảo. Ca nô chạy vòng vèo dường như tìm luồng lạch để tắp vào bến.

 

image087 

Một đám mây xám kéo tới khiến trời u ám hẳn. Trước mắt tôi lù lù lớp lớp cọc ơi là cọc, cái cao cái thấp đen sì, tôi nhìn xuống đáy, rong rêu bám vào san hô lợn cợn. Hóa ra người ta đóng cọc để bảo vệ hòn đảo tựa như hàng rào kẽm gai bảo vệ đồn lũy. Hàng cọc bỗng rẽ qua một bên, ca nô êm ái lướt vào tận rìa chân hòn đảo.

 

image089image091

Ngoái cổ nhìn về phía bên phải, một pháo lũy bê tông nằm chình ình giữa biển lòi ra mấy lỗ châu mai. Chắc mẻm là lô cốt chiến đấu. Không khí sặc mùi chiến tranh. Chim có hót ở đây không nhỉ? Trong đó có súng chắc gì chim đậu. Chưa chắc, chim vẫn đậu trên nòng súng nghỉ ngơi. Đố anh nào trong bọn tôi dám ngủ trong đó vài đêm. Xa xa con tàu HQ-571 nằm chễm chệ ngoài khơi, lại thấy cả váng dầu loang lổ trên mặt biển lặng như tờ.

 

image093

Cuối cùng tôi cũng bước chân lên hòn đảo mang tên mỹ miều. Chân đạp lên bãi cát trắng mịn, cát trắng đến nỗi không thấy ở đâu có. Thì giờ quí hơn vàng, tôi rảo bước nhanh qua bãi cát, quanh tôi nào gạch, nào đá, một con đường nhỏ xây xi măng chạy dọc theo bãi biển, cứ vài chục bước là thấy đường hầm , cửa hầm tối om om. Sắp sửa đánh nhau với ai đây? Tôi chán chiến tranh quá rồi, ngày xưa đã chán huống chi ngày nay. Chiến tranh chỉ có quanh quẩn: sống - chết, hận - thù. Chiến tranh là con quái vật uống máu con người vậy mà người ta cứ thích cho nó uống máu.

 

image095image097 

Bên cạnh đường hầm là từng ụ bao cát, có đến hàng chục ụ như thế dọc theo bờ biển hòn đảo. Chẳng cần có con mắt nhà binh, ai cũng biết ụ cát là nơi chứa các tay súng lăm lăm chĩa ra khơi, chĩa lên trời, nhưng trên đầu ụ hở trống trải quá, liệu có chống nổi đại liên từ trên không xả xuống?

 image099

Tôi lại phát hiện ra một nòng súng khổng lồ nghễnh cổ ra biển. Nòng súng được bọc kín bằng tấm nhựa dầy, ngay cả thân của nó cũng được bao phủ bằng cái vòm sắt. Nó là loại súng gì mà trông đen ngòm dữ tợn. Ối dào, vớ vẩn, chống kẻ thù hung bạo truyền kiếp thì phải dữ tợn chứ.

 image101

Loanh quanh một hồi, một con đường đất đá cát dẫn tôi vào cổng đảo. Tấm bảng viết hàng chữ lớn trên cao nhắc cho tôi biết, hãy bỏ quên đi những gì mang dấu ấn chiến tranh lúc nãy: Đảo Sơn Ca.

 

Bây giờ, lúc này, ngay đây, tôi đang đứng trên hòn đảo mang tên Sơn Ca. Tai tôi vểnh lên, mắt tôi ngong ngóng, máy ảnh sẵn sáng, tôi vẫn chưa nghe thấy tiếng hót của con chim nào trên hàng phi lao khéo trồng thẳng tắp! Cánh chim mờ mịt phương nao? Mùa tình không đến với tôi. Rõ tôi là kẻ vô duyên.

 

3. Sơn Ca không phải là hòn đảo duy nhất ở vùng biển tôi đang đứng. Quanh nó đầy rẫy bạn bè.

 

image103

Sơn Ca tiếng quốc tế gọi là Sand Cay, được phân bổ nằm trong cụm đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa (TS có trên trăm đảo - đá lớn nhỏ đủ hình dạng, rộng khoảng 150 - 180 ngàn km2). Về mặt chiến thuật, vị trí của Sơn Ca trở nên quan trọng nếu xẩy ra hải chiến. Với vũ khí hiện đại, từ Sơn Ca, ca nông có thể bắn tới tấp các đảo gần nó và dĩ nhiên ngược lại, đối thủ gần nhất là đảo Ba Bình cách 6,2 hải lý tức khoảng 11, 12 cây số. (Đại bác 155 ly của Mỹ bắn xa gần 15km, tên lửa 130 ly của Trung cộng bắn xa 20 km).

Năm 1956, đảo Sơn Ca cùng với 4 đảo khác là Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa được xác lập chủ quyền bởi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, Hải quân VNCH dựng bia và binh sĩ Địa phương quân Vũng Tàu trấn giữ .

Năm 1975, Việt Nam thống nhất tiếp thu - tiếp tục quản lý; từ năm 1956 đến nay chưa có trận đánh nào giữa hải quân Trung Quốc và Việt Nam ở 5 hòn đảo kể trên, đấy là nói về mặt nổi, mặt chìm thuộc về cấp số bí mật quốc gia. Ngoại trừ trận hải chiến ngày 19 tháng Giêng năm 1974 giữa hải quân VNCH và hải quân Trung cộng ở quần đảo Hoàng Sa tây, trận hải chiến Hoàng Sa diễn ra vỏn vẹn 30 phút bất phân thắng bại, hải quân VNCH được lệnh rút bỏ Hoàng Sa, Trung cộng thừa cơ chiếm hoàn toàn Hoàng Sa tây. (Tưởng Giới Thạch  Tổng thống Trung hoa Dân quốc chiếm Hoàng Sa đông từ năm 1945-1947, sau khi bị Mao Trạch Đông đánh bại năm 1949, Tưởng chạy ra Đài Loan, Mao thừa thắng xua quân ra chiếm nốt Hoàng Sa đông).

Do tính chiến thuật bảo vệ vùng biển quanh đó, Sơn Ca buộc phải trở thành căn cứ hỏa lực hiệp đồng tác chiến với các đảo "phe ta" kế bên như Nam Yết, Sinh Tồn, cốt để bám trụ chủ quyền khu vực, xác định lãnh hải. Kể ra như vậy để các bạn không có gì ngạc nhiên khi nhìn các tấm ảnh tôi chụp bên trên nặng mùi chiến trận.

Rất may không có trận đánh nào nổ ở khu vực này. Thật ra, với hỏa lực của hải quân Trung cộng, việc đánh nhau với các hòn đảo của VN thuộc quần đảo Trường Sa không có gì khó khăn lắm. Có lẽ Bộ chính trị VN cũng nhìn thấy điều đó nên đành "hy sinh" 64 sĩ quan thủy thủ VN trong trận Gạc Ma năm 1988! và tiếp tục "tránh đâu" bằng biện pháp ngoại giao cùng với hiệp ước. Các "hiệp ước hòa bình" giữa Trung cộng và Việt Nam thực tế đã thay đổi phần lớn diện mạo Trường Sa, trong đó tính "nguyên trạng" đã hoán đổi thành "hiện trạng". 

Sau dư âm trận hải chiến ở Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988; từ năm 2014 báo Văn Hóa đã đưa ra lập luận (riêng ở khu vực trường Sa): "Mạnh ai nấy chiếm - Hồn ai nấy giữ".Việt Nam thú nhận từ năm 1978 liên tiếp đưa hải quân ra chiếm giữ thêm 21 đảo - đá; ngược lại, từ năm 1988 - cao điểm năm 2013 khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Nam Hải mở đại chiến dịch "giành biển tạo đảo" đưa công binh hải quân ra Trường Sa bồi đắp, tôn tạo 7 bãi đá Su Bi, Chữ Thập, Ga Ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Châu Viên của VN và Vành Khăn của Philippines, biến 7 bãi đá chìm này thành 7 đảo nhân tạo nổi, mục đích hàng đầu là thiết kế thành 7 căn cứ hỏa lực với diện tích khổng lồ có sân bay quân sự và quân cảng nước sâu. Đó là những hàng không mẫu hạm tại chỗ. Một tướng lĩnh Mỹ từng tuyên bố chỉ trong vài phút sẽ nhận chìm các đảo nhân tạo nổi này; thế nhưng, Tầu cộng có biết điều đó không? Họ biết chứ, nhưng vẫn làm. Vì sao? Bày ra trận liệt để thỏa hiệp? Cái trò "dương đông kích tây", "dương nam kích đông" là nghề của chàng.

(Một chi tiết báo Văn Hóa cũng đã đề xuất vào dịp Trung cộng điều giàn khoan HD-981 cắm chốt sâu trong thềm lục địa VN vào tháng 5 năm 2014; thực ra, đó chỉ là kế nghi binh đánh lừa dư luận - thổi phồng dư luận để Trung cộng kín đáo gia công gấp rút xây dựng hoàn tất cơ bản 7 đảo nhân tạo. Theo tôi, Trung cộng có cả gan cách mấy cũng không thể khai thác dầu khí công khai trong thềm lục địa VN, có hay chăng là chỉ lừa đất, lừa biển, lừa dầu, xuyên qua các thỏa ước lừa đảo). 

Những sự kiện quân sự nói trên ảnh hưởng đối với địa lý quần đảo Trường Sa không chỉ dừng ở phạm trù địa chính trị mà còn phải lưu ý đến yếu tố an ninh chiến lược, một khi khu vực biển đảo Trường Sa trở thành tâm điểm trong cuộc so găng ảnh hưởng giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng. Trục xoay về Châu á Thái bình dương nhất định phải bị lực cản bởi cường quốc phương đông đang tìm đủ mọi cách vươn lên để vẽ lại bàn cờ thế giới. Các vùng biển, đảo, đá, bãi, ở biển Đông trở thành những con cờ trên bàn cờ quốc tế. Thắng - Thua - Hòa ở trận đồ này. 

Hôm nay tôi viết những dòng chữ về đảo Sơn Ca, vừa qua, ngày 12 tháng 7 năm 2016, phán quyết của tòa Trọng tài Quốc tế PCA đã làm đảo lộn mọi suy nghĩ, mọi diện mạo về biển - đảo trong đó có hòn đảo chim hót Sơn Ca. Dù Sơn Ca có biến thành "đá" - "cục đá" như phán quyết PCA đã phán, nhưng đối với tôi - Sơn Ca vẫn là hòn đảo đầy ắp tình tự dấu chân con người từ thế kỷ trước, dấu vết, hơi thở của những đàn chim Lạc bàng bạc với thiên nhiên đã ân sủng ban bố cho Việt Nam những hòn đảo diệu kỳ làm nơi trú ẩn.    

 image105

Hòn đảo chim hót không chỉ biểu hiện cho cuộc chiến giữ nước giữ đảo, xung quanh nó là mây trời bát ngát, là đáy biển thâm sâu, là kho tàng bí mật chưa hề động đậy. Và để chứng nghiệm cho đời sống vật thể - phi vật thể của con người hiện diện nơi đây, con người đã dựng lên ngôi chùa to lớn với hàng cột gỗ lim trăm tuổi, với tiếng đại hồng chung âm âm theo gió, với mảnh áo nâu sòng từ đất liền nguyện ra sóng vai với màu xanh muôn đời của biển.

 image107

Lặng nghe tiếng kinh cầu nguyện giữa trùng dương mênh mông, lời hát âm thầm "Nostalgia" của những người con xa xứ gióng bước về đây xin gió biển Đông đừng thổi đi tan biến. Tôi thầm tự nhủ: hê!, anh chàng lính thủy mùa tình kia ơi, hãy gọi chim trời cá nước về chứng cho tiếng lòng người con nước Việt từ xa xôi thăm thẳm.

image109

 Lạc bước trần gian

4. Trời không phụ lòng người.

 

Một tiếng hót lạ lẫm từ đất liền vượt trùng dương về giao hưởng với Sơn Ca. Xuất hiện như vì sao mai mọc trên bầu trời biển cả, đôi cánh nhỏ vỗ trên không trung làm xôn xao cả thủy cung phong kín. Đôi cánh đáp xuống hòn đảo cô đơn hát thay cho tiếng hót của loài Sơn Ca chưa kịp đến mùa tình trở lại. Tiếng hát của thiên thần.

 

 image111image113

Vâng, đó là tiếng hát của thiên thần. Bởi những người "thổ dân" quanh  năm ngày tháng lầm lũi trên cái hòn đảo xa lắc cách lục địa cả ngàn cây số có bao giờ được nhìn tận mặt nhan sắc của em, có bao giờ được nghe tận tai tiếng hát của em, có bao giờ nhận được ánh sáng từ đôi mắt đa tình em chiếu thẳng đứng vào tim.   

 

Tôi chỉ còn đủ một chút bình tĩnh ngây người ra chiêm ngưỡng bàn tay thon thả biến hóa mấy chiếc ly trà thành nhạc khí vỗ nhịp theo lời ca đằm thắm; lúc ấy, tôi suy nghiệm một cách chắc chắn về tôi - trong khoảng khắc  - xin hóa thân thành người "thổ dân" hoang dã sống vượt thời gian quạnh hiu với hòn đảo truyền thuyết. Tôi - thổ dân tự trả lời - loài sơn ca tiền kiếp nghìn năm lục địa lạc cánh trùng dương - nay - đã về với đảo.

 

Sức nóng như thiêu của muối hắt lên từ nước, phong ba bão táp lồng lộn của gió xoáy điên cuồng, sự tàn nhẫn vô tâm của những chủng loại vô cảm. Dung tục. Tất cả đều vô nghĩa trước em - cánh chim tận tụy múa hát mua vui cho những người lính bình thường.

 

Tôi không tiện hỏi tên em. Tôi không được phép hỏi tên loài chim lạ. Dung tục.

 

Lạc bước trần gian.Tôi đã tìm thấy mùa tình trên hòn đảo chim huyền thoại./    

 

image115

Bài và ảnh: Lý Kiến Trúc
07 Tháng Mười 2018(Xem: 9066)
20 Tháng Chín 2018(Xem: 7428)
08 Tháng Ba 2018(Xem: 10984)