Triển lãm tư liệu, hình ảnh Nam Kỳ và Sài Gòn xưa

05 Tháng Giêng 20202:33 CH(Xem: 7999)

VĂN HÓA ONLINE - BỘ ẢNH NHÂN VĂN - THỨ HAI 06 JAN 2020


Triển lãm tư liệu, hình ảnh Nam Kỳ và Sài Gòn xưa


03/01/2020


TTO - Triển lãm 'Sài Gòn từ thành thị phong kiến đến thành phố kiểu phương Tây' vừa mở cửa đón công chúng tại số 2 Ter Lê Duẩn, TP.HCM chiều 3-1.


image021


Hình vẽ liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh trận Kỳ Hòa năm 1861


Chuyên đề triển lãm do Trung tâm Lưu trữ quốc gia II thực hiện nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống lưu trữ Việt Nam (Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành thông đạt số 01 C/VP ngày 3-1-1946).


Triển lãm giới thiệu gần 200 tài liệu lưu trữ quốc gia, gồm: Mộc bản triều Nguyễn - tư liệu di sản thế giới, bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV; tài liệu phông Phủ thống đốc Nam Kỳ bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II; tài liệu thời kỳ thuộc địa Pháp tại Lưu trữ hải ngoại Pháp (ANOM)... và hình ảnh sưu tập của nhiều cá nhân, nhà nghiên cứu về Sài Gòn - Gia Định.


Công chúng sẽ có dịp nhìn tận mắt các hình ảnh và tư liệu, văn bản Hán Nôm, bản khắc gỗ, văn bản chữ Pháp, tranh khắc, ảnh chụp... liên quan đến vùng đất Nam Kỳ và Sài Gòn từ khi những lưu dân Việt đầu tiên vào khai phá và lập làng vào cuối thế kỷ XVI.


Triển lãm cũng ghi nhận địa danh Cochinchina (Nam Kỳ) chính thức xuất hiện trên bản đồ hải trình của các nhà thám hiểm phương Tây vào thế kỷ 17.


Một loạt văn bản Hán Nôm và mộc bản thể hiện quá trình chúa Nguyễn Phúc Ánh chiếm Gia Định và quy hoạch nơi đây thành kinh kỳ.


image022


Khách tham quan triển lãm trong buổi khai mạc - Ảnh: L.ĐIỀN


Theo dòng lịch sử, sau khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng đánh vào Đà Nẵng năm 1858, đến năm 1859 liên quân này tiến đánh Gia Định.


Triển lãm này giới thiệu một số hình ảnh hiếm thấy về cuộc chiến đánh thành Gia Định năm 1859, hình vẽ cận cảnh trang phục vóc dáng binh lính Pháp và Tây Ban Nha, hình vẽ trận liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công phòng tuyến Kỳ Hòa ngày 24-2-1861, tranh vẽ quân Pháp chiếm pháo đài Rạch Tra năm 1861, pháo đài chùa Kiểng Phước năm 1861, hình vẽ chánh sứ Phan Thanh Giản và thiếu tướng Bonard (Pháp) ký kết hòa ước ngày 5-6-1862...


Tất cả những sự kiện lịch sử trên đã dần đưa Sài Gòn từ một thành thị phong kiến trở thành đô thị của người phương Tây khi rơi vào tay Pháp.


Triển lãm dành một số không gian tiền sảnh của Trung tâm Lưu trữ bố trí các ảnh Sài Gòn xưa, nhìn những hình ảnh chụp đô thị từ hàng trăm năm trước đang hiện diện trên bề mặt công trình hôm nay, sự tương phản mang lại nhiều cảm xúc.


image023


Một góc triển lãm tại tiền sảnh Trung tâm Lưu trữ quốc gia II - Ảnh: L.ĐIỀN


Cảnh sinh hoạt của người dân Sài Gòn cũng được trưng bày với các hình ảnh độc đáo hiếm thấy: Hàng rong của người An Nam trên đường phố Sài Gòn, chợ làng của người An Nam ở Sài Gòn, nông trại của nông dân An Nam, trạm xe điện Sài Gòn - Chợ Lớn, người dân trên thuyền ở rạch Bến Nghé vào những năm 60 của thế kỷ 19...


Một số công trình của Sài Gòn xưa xuất hiện trong đợt triển lãm này với các góc máy mới lạ: Bến đò của cư dân An Nam năm 1896, nhà tranh bên rạch Thị Nghè đầu thế kỷ 20, đặc biệt là hình vẽ khu phố Sài Gòn đầu thế kỷ 19 nhìn giống như một góc làng quê, toàn cảnh Sài Gòn nhìn từ nhà thờ Đức Bà đầu thế kỷ 20, rạch Bến Nghé thập niên 60 thế kỷ 19, cầu Đa Kao năm 1931, cảnh Kênh Lớn của Sài Gòn năm 1860, đại lộ Charner cuối thế kỷ 19, đại lộ Marins Chợ Lớn năm 1931...


Đặc biệt, dịp này có bức hình bản đồ Sài Gòn và mẫu tàu Franklin do viên sĩ quan hải quân Hoa Kỳ John White vẽ năm 1820 do nhà sưu tập Trần Hữu Phúc Tiến đóng góp.


Không gian triển lãm còn một điểm nhấn thú vị là góc trưng bày các sản vật và gợi lại gian bếp của người Sài Gòn xưa như đèn dầu, các loại gạo, nếp, đậu, mè, cá khô, đòn ngồi, quang gánh...


Công chúng xem triển lãm vào cửa tự do. Triển lãm kéo dài cho đến khi có sự kiện mới.


Dịp này, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II cũng phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV triển lãm chuyên đề: Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới; đồng thời triển lãm chuyên đề: Phái đoàn Quốc hội Việt Nam khóa I thăm hữu nghị Cộng hòa Pháp năm 1946 - Biểu tượng của khát vọng hòa bình.


Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh triển lãm và giới thiệu ấn phẩm: Làn sóng phản đối chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam (1965-1973).


Một số hình ảnh tại triển lãm:


image024


Bản đồ Sài Gòn và mẫu tàu Franklin do John White vẽ, trích từ sưu tập của Trần Hữu Phúc Tiến


image025


Góc trưng bày sản vật và không gian bếp xưa của người Sài Gòn - Ảnh: L.ĐIỀN


image026


Khu phố Sài Gòn đầu thế kỷ 19


image027


Chợ làng An Nam ở Sài Gòn


image028


Bến đò tại Sài Gòn năm 1896


image029


Cầu Đa Kao năm 1931


image030


Hàng rong trên đường phố Sài Gòn


image031


Kênh Lớn ở Sài Gòn năm 1860


image032


Đại lộ Charner (nay là phố đi bộ Nguyễn Huệ) cuối thế kỷ 19


image033


Đại lộ Marins Chợ Lớn năm 1931


image034


Trạm xe điện Sài Gòn - Chợ Lớn


image035


Toàn cảnh Sài Gòn nhìn từ nhà thờ Đức Bà đầu thế kỷ 20


image036


Dinh Thống đốc giai đoạn 1862 - 1872


image037


Pháp chiếm pháo đài Rạch Tra năm 1861


image038


Pháo đài chùa Kiểng Phước năm 1861


image039


Binh lính liên quân Pháp - Tây Ban Nha trong trận đánh Gia Định năm 1859 - 1861


Di sản của Sài Gòn xưa cần giữ lại trước khi nó biến mất


21/02/2019 10:44 GMT+7


TTO - Phải xác định những công trình, không gian nào là di sản của Sài Gòn xưa cần giữ lại trước khi nó biến mất trong dòng xoáy phát triển hiện đại của TP.HCM.


image040


Trụ sở Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn tại 136 Hàm Nghi, P.Bến Thành, Q.1, TPHCM. Đây là công trình các chuyên gia đề xuất phải bảo tồn - Ảnh: TUYẾT KIỀU


Ngày 20-2, Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM) tổ chức tọa đàm Sài Gòn phố, nhằm tìm tòi những ý kiến hiến kế, góp ý cho công tác nghiên cứu bảo tồn di sản của TP.


Người làm bảo tồn cần kết nối được nhu cầu bảo tồn với những tư nhân muốn bảo tồn để làm kinh tế.


TS Nguyễn Lưu Bảo Đoan (Đại học Kinh tế TP.HCM)


Giữ gì cho Sài Gòn xưa?


Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến cho rằng TP.HCM hiện có nhiều công trình mang tính biểu tượng mà ngay từ những năm đầu thế kỷ 20 người Pháp đã muốn giới thiệu ra thế giới bằng cách in hình những công trình này trên bưu thiếp. Ông Tiến cũng gợi ý về 10 cặp công trình - không gian có giá trị biểu tượng di sản cần phải bảo tồn.


Khu vực từ ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Tôn Đức Thắng đến cột cờ Thủ Ngữ là một đoạn đường rất giàu về tài nguyên lịch sử, tài nguyên về du lịch. 


image041


Đường Tôn Đức Thắng từ ngã tư Đinh Tiên Hoàng đến cột cờ Thủ Ngữ - Ảnh: GIA TIẾN


Ông Tiến đề nghị phải đề cao nghiên cứu hai bên bờ sông Sài Gòn, khai thác yếu tố phố cũ - phố mới hai bên dòng sông khu vực này như nhiều TP lớn trên thế giới. "Đây là khu vực thể hiện lịch sử TP sông nước của Sài Gòn xưa, là khu cần phải "ra tay" bảo tồn đầu tiên tại TP.HCM" - ông Tiến nhấn mạnh.


Khu chợ Bến Thành và tòa nhà hỏa xa (trụ sở của Tổng công ty Đường sắt hiện tại), hiện nay gần như còn nguyên vẹn, chưa bị xâm phạm. Theo ông Tiến, đây là khu vực đô thị hóa lần thứ 2 của Sài Gòn. 


Nhiều khu phố xung quanh chợ Bến Thành như đường Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh vẫn còn nguyên hình thái kiến trúc bên ngoài lẫn bên trong. Khu vực này có nhiều nhà của nhà tư sản Hứa Bổn Hòa, có những thương hiệu nổi tiếng của Sài Gòn thời đó như bánh trung thu Đông Hưng Viên, tiệm vàng Kim Thành... 


Ông Tiến gợi ý nên dùng một căn nhà thuộc sở hữu nhà nước ở khu vực này để trưng bày về lịch sử chợ Bến Thành hoặc tòa nhà bảo tàng của ngành đường sắt.


Tiếp đến là các cặp di sản cần bảo tồn như Nhà dây thép của Sài Gòn (Bưu điện TP) và tòa nhà Ngân hàng Đông Dương (trụ sở Ngân hàng Nhà nước). 


Ngoài ra, các công trình sau đây cũng cần bảo tồn: công trình nhà máy nước và nhà máy điện đầu tiên của Sài Gòn, các dinh thự trong khu trung tâm TP, Nhà hát TP và đường Catinat; lăng Ông Bà Chiểu và nhà thờ Đức Bà; Trường nghề Cao Thắng và Trường Lê Hồng Phong; chợ Bình Tây và Chợ Lớn...


image042


Bưu điện TP.HCM - Ảnh: GIA TIẾN


Kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp đề cập việc bảo tồn cầu sắt Bình Lợi (Q.Bình Thạnh) vì đây là cầu xoay duy nhất của Việt Nam còn lại đến bây giờ. 


Theo ông Nghiệp, những người quản lý di sản phải quan tâm đến di sản, phải hiểu về lịch sử của từng công trình mới thấy hết giá trị của nó. Ông Nghiệp cho rằng có những trường hợp vì không hiểu lịch sử tường tận nên không thể thuyết phục được người có thẩm quyền giữ lại các di tích, công trình có giá trị bảo tồn.


Để di sản được "sống"


Các chuyên gia cũng đồng ý nếu ngành du lịch TP khai thác tốt những giá trị di sản thì sẽ đem lại thu nhập có khi còn cao hơn việc đập bỏ di sản để xây dựng những tòa nhà cao tầng. 


Tại buổi tọa đàm, kiến trúc sư người Singapore, ông Monty Tejam, đưa ra ví dụ ở nhiều nước trên thế giới như Thụy Điển, Úc, Na Uy... việc bảo tồn di sản tạo thêm nhiều việc làm hơn. 


image043


Nhà thờ Đức Bà trong buổi chiều tà - Ảnh: GIA TIẾN


Còn ở Mỹ, nạn thất nghiệp có thể giải quyết bằng việc tái thiết các công trình lịch sử có giá trị. "Nơi nào có di sản thì du khách quan tâm đến di sản ở lâu hơn, tiêu xài nhiều tiền hơn. Tóm lại, bảo tồn di sản mang lại lợi ích rất lớn" - ông Monty Tejam nhận định.


Nhóm nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu kiến trúc cũng trình bày những khảo sát cho thấy khu vực có nhiều công trình di sản của TP.HCM cũng là nơi du khách hay lui tới. Những nơi này, các chuỗi quán cà phê, nhà hàng, quán ăn mở ra thu hút đông khách du lịch.


Dưới góc nhìn về kinh tế, TS Nguyễn Lưu Bảo Đoan, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng người làm bảo tồn cần kết nối được nhu cầu bảo tồn với những tư nhân muốn bảo tồn để làm kinh tế. Mục đích là để những công trình bảo tồn sống được đời sống của nó, chứ không nên chỉ trông chờ vào ngân sách và chính sách từ Nhà nước.


image044


Hồ Con Rùa và đường Phạm Ngọc Thạch - Ảnh: GIA TIẾN


"Chính quyền cần có những cơ chế, chính sách luật lệ cho phép chuyển đổi. Có thể áp dụng phương thức như BOT cho công trình bảo tồn để nhà đầu tư sống được bằng bảo tồn" - TS Đoan góp ý. Theo ông Đoan, nên khuyến khích tư nhân đầu tư làm bảo tồn hiệu quả, phối hợp lợi ích công cộng và lợi ích của nhà đầu tư.


Kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp cho rằng cần thiết trước mắt TP phải tiến hành ngay việc làm quy hoạch di sản. Sau khi có đồ án quy hoạch di sản thì sẽ cập nhật trong đồ án quy hoạch chung mà TP đang điều chỉnh. Có được những nền tảng ban đầu này, việc triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết và phân khu sau này sẽ không bị vướng việc bảo tồn di sản như hiện nay.


image045


Chợ Tân Định - Ảnh: GIA TIẾN


image046


UBND TP.HCM trên đường Lê Thánh Tôn - Ảnh: GIA TIẾN


image047


Mặt sau của Tòa án nhân dân TP.HCM trên đường Nguyễn Trung Trực - Ảnh: GIA TIẾN


image048


Bến Nhà Rồng bên sông Sài Gòn - Ảnh: GIA TIẾN


image049


Nhà thờ Tân Định - Ảnh: GIA TIẾN


Xem bản đồ và hình ảnh hiếm có của Sài Gòn xưa


07/11/2019 14:46 GMT+7


TTO - Một loạt bản đồ và hình ảnh Sài Gòn xưa được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử - TP.HCM nhân Ngày đô thị Việt Nam 8-11 và Ngày di sản Việt Nam 23-11.


image050


Sài Gòn và sông, năm 1895


Chương trình do Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển (CEFURDS), với sự hỗ trợ của Bảo tàng Lịch sử - TP.HCM, Trung tâm Thông tin quy hoạch TP.HCM, Viện Viễn Đông Bác cổ và Lythi Salon tổ chức.


Triển lãm như giới thiệu tổng quan hành trình phát triển của đô thị Sài Gòn dựa trên tư liệu bản đồ còn có được, bắt đầu từ tấm bản đồ Sài Gòn năm 1799 - đây được biết là bản đồ đầu tiên vẽ Sài Gòn dưới thời chúa Nguyễn, thể hiện hai trung tâm đô thị Bến Nghé và Chợ Lớn.


image051


Bản đồ vẽ Sài Gòn năm 1799


Tiếp theo, công chúng sẽ có dịp chiêm ngưỡng rất nhiều bản đồ đặc biệt mà sự ra đời của mỗi tấm bản đồ cho thấy quá trình kiến thiết đô thị Sài Gòn, các công trình/ cơ sở hạ tầng tại đây, và cả những vùng phụ cận thời bấy giờ cũng được thể hiện.


Chẳng hạn Bản đồ trinh sát 1860: do trung sĩ người Pháp tên là Faucher thực hiện vào tháng 8-1860, có tỉ lệ 1/40.000, chủ yếu vẽ địa điểm phòng thủ của quân Nguyễn là đại đồn Chí Hòa. Bản đồ này được vẽ trước khi quân Pháp tấn công Sài Gòn vào ngày 23-2-1861, khi đó Nguyễn Tri Phương và quân dân đã kháng cự mãnh liệt trong hai ngày 24 và 25-2.


image052


Bản đồ trinh sát Sài Gòn năm 1860


Bản đồ Sài Gòn và vùng phụ cận, 1862: Bản đồ này do một trung sĩ hải quân đánh bộ của Pháp lập vào ngày 2-1-1862, được chính Coffyn xem xét và thẩm định. Coffyn là tác giả của bản Quy hoạch thành phố 500.000 người tại Sài Gòn (Projet de Ville de 500.000 âmes à Saigon).


Tiếp theo là các bản đồ: Quy hoạch thành phố 500.000 người ở Sài Gòn, 1862; Thành phố Sài Gòn và cảng, 1864.


Đặc biệt hai tấm bản đồ Sài Gòn vào năm 1870 và 1878 ghi rõ các công trình hiện hữu của Sài Gòn lúc bấy giờ như: dinh Xã Tây (trụ sở UBND Thành phố ngày nay), bệnh viện Chợ Quán, chính quyền, đường điện tín, nhà thờ, Tòa Giám mục, kho bạc, nhà tù, trường học, Dịch quán cho quan lại...


image053


Bản đồ Sài Gòn năm 1878 có ghi nhận các công trình hiện hữu


Đến năm 1923 có tấm bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn được Nha Địa dư Đông Dương (Service Géographie de l’Indochine) vẽ dựa theo ảnh của Nha Hàng không (Service Aéronautique), khắc in và xuất bản vào tháng 12-1923.


Đây là một bản đồ có tỉ lệ 1:10.000, trình bày chủ yếu là không gian khu đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn và vùng phụ cận liền kề. Trên bản đồ có một hệ thống lưới kinh tuyến và vĩ tuyến cung cấp tọa độ địa lý.


Bản đồ cung cấp nhiều loại thông tin như địa hình (các đường đồng cao độ với khoảng cách 1m, hệ thống sông rạch), hệ thống đường sá, cư trú, các ranh giới hành chính, địa danh (tên đường, sông rạch, đơn vị hành chính...).


Bản đồ cung cấp một bản ghi chú với nhiều tên công trình kiến trúc theo vị trí được ghi trên bản đồ.


image054


Bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1923


Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, TP.HCM (EFEO) tham gia với một số hình ảnh và bản đồ Sài Gòn hiếm gặp.


Như Bản đồ các công sự của Thành cổ và các tòa nhà sau ngày 8 tháng 3 năm 1859, ngày bị dỡ bỏ và đốt cháy; hay Sơ đồ Đồn Nam chỉ ra vị trí các khẩu pháo được đặt vào năm 1870 (Đồn Nam là một trong hai đồn Hữu Bình và Tả Định do chúa Nguyễn Ánh cho xây dựng vào năm 1789).


Phần hình ảnh có bức ảnh cảng Sài Gòn năm 1904, chợ Sài Gòn năm 1896 rất ít gặp; bên cạnh đó là bức ảnh Sài Gòn và sông năm 1895 đẹp và lạ lẫm, Nhà thờ Đức Bà năm 1895, kênh Tàu Hủ năm 1895; đặc biệt có hình ảnh Dinh Toàn quyền Đông Dương năm 1896 với hai vọng gác phía trước nhìn rất lạ...


image055


Bản đồ các công sự của Thành cổ và các tòa nhà sau ngày 8 tháng 3 năm 1859


image056


Cảng Sài Gòn năm 1904


image057


Dinh Toàn quyền Đông Dương năm 1896


Phần đô thị TP.HCM từ sau 1975 đến nay có các bản đồ do Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM thực hiện: bản đồ quy hoạch chung TP.HCM 1998, bản đồ quy hoạch chung TP.HCM năm 2010, bản đồ quy hoạch vùng TP.HCM, bản đồ quy hoạch khu trung tâm 930ha, bản đồ thiết kế đô thị Xa lộ Hà Nội.


 image058


Bản đồ vùng phụ cận Sài Gòn, 1895. Được lập bởi Sở Địa chính. Cập nhật bởi trung úy Joly, thuộc Bộ binh Hải quân, Tỉ lệ 1:2000


Đường sắt Sài Gòn buổi đầu


Về đường sắt gồm tàu hỏa và tàu điện (tramway) - mà Sài Gòn là cái nôi của đường sắt Việt Nam, bản đồ năm 1895 cho thấy nhà ga tàu hỏa Sài Gòn nằm ở đường Hàm Nghi ngày nay.


Từ nhà ga tỏa ra hai tuyến đường sắt, một dọc đại lộ Hàm Nghi đến trạm ở gần bờ sông Sài Gòn, một chạy theo con đường Hùng Vương, Hồng Bàng, qua các ga Chợ Lớn (khu Thuận Kiều Plaza), chợ Phú Lâm, ngã ba An Lạc để đi Mỹ Tho.


Tuyến đường sắt này được thi công vào năm 1881 bởi Công ty Eiffel, sử dụng số nhân công có khi lên đến 11.000 người và hoàn thành vào năm 1885 với tổng chi phí 11.6 triệu francs. Khổ đường rộng 1m, là tiêu chuẩn phổ biến ở các hệ thống đường sắt châu Âu lúc bấy giờ.


Cùng với việc xây dựng tuyến đường tàu hỏa Sài Gòn - Mỹ Tho, tuyến đường xe điện (tramway) được khánh thành vào năm 1881. Lúc đầu tramway chạy bằng máy hơi nước với đường ray chìm.


Một nhà kho đường sắt (Hangar du chemin de fer) được dựng lên trên đường Route Stratégique de Cholon à Saigon (đường Chiến lược, tức là đường Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay), tại địa điểm đối diện với đường Tôn Thất Tùng. Có ba tuyến tàu điện:


Tuyến thứ nhất nối Chợ Lớn với Sài Gòn, có tên là Tramway de Cholon à Saigon (Xe điện Chợ Lớn - Sài Gòn), xuất phát từ "Kho đường sắt", chạy theo đường Nguyễn Thị Minh Khai - Trần Phú đến Chợ Lớn thì dừng.


Tuyến xe điện thứ hai mang tên Tramway de Saigon à Govap (Xe điện Sài Gòn - Gò Vấp), xuất phát từ trạm xe điện đầu đường Charner (Nguyễn Huệ), chạy dọc theo bờ sông Sài Gòn, rẽ trái chạy dọc dưới tàn cây ven đại lộ Citadelle (Tôn Đức Thắng), vòng một nửa tường thành phía trái của thành Phụng theo đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay rẽ vào đường số 27 (Nguyễn Văn Giai), vượt qua cầu Sắt (cầu Bùi Hữu Nghĩa) để đến chợ Gò Vấp.


Tuyến xe điện thứ ba có trạm ở cuối đường Hàm Nghi, chạy dọc theo bờ rạch Bến Nghé - Tàu Hũ ra đến trạm cuối là ga gần Bưu điện quận 5 ngày nay. Tuyến này được Công ty CFTI (Compagnie Française des tramways de l’Indochine) đưa vào khai thác từ năm 1891. LAM ĐIỀN


Viên ngọc Sài Gòn thời thuộc Pháp “sáng” cỡ nào?


10/05/2016


TTO - ​Không có nhiều người chê hình ảnh Sài Gòn thời thuộc Pháp, ít nhất là qua những hình ảnh còn lại và những thành quả kinh tế mà chính quyền Pháp ở Sài Gòn lúc ấy làm nên. Tuy nhiên...


 image059


Ngã tư Charner (nay là Nguyễn Huệ) - Bonnard (Lê Lợi) năm 1934 nhìn về UBND TP.HCM hiện nay. Chính quyền Sài Gòn thời Pháp có dự tính xây dựng đường Bonnard như một phiên bản của một Champs-Élysées với nhiều nhà hàng, khách sạn nhưng không thành công vì thiếu tiền - Ảnh tư liệu


...Đánh giá Sài Gòn xưa có phải là “ngọc toàn bích” không lại cần một cái nhìn khác toàn cảnh hơn.


Trau chuốt một Sài Gòn 3km2


Cần lưu ý rằng địa bàn được coi là Sài Gòn vốn co dãn rất linh hoạt và phức tạp theo thời gian, trước lẫn sau khi Pháp chiếm Gia Định. Vì vậy, chúng ta tạm chấp nhận một Sài Gòn thực tế như hiện nay đa số vẫn hình dung.


Đó là một Sài Gòn theo nghị định do Quyền thống đốc Nam kỳ, Chuẩn đô đốc Pierre Rose ban hành ngày 3-10-1865, cụ thể chỉ rộng khoảng 3km2; gần bằng một nửa quận 1 hiện nay (rộng khoảng 8km2), bao bọc bởi sông Sài Gòn - Nguyễn Thái Học - Nguyễn Thị Minh Khai - rạch Bến Nghé.


 image060


Quy hoạch Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1865 trên bản đồ hiện nay. Riêng khu vực Sài Gòn (màu vàng) rộng khoảng 3km2. Hầu hết những dinh thự, tòa nhà công sở xưa thời thuộc Pháp nằm trong khu vực này - Đồ họa: TRỊ THIÊN


Đây là khu vực mà người Pháp tập trung xây dựng hầu hết các công sở, dinh thự… xưa nhất của họ khi chiếm được Gia Định (Dinh Toàn quyền, Ngân hàng Đông Dương, Dinh Thống đốc Nam kỳ, Dinh Thượng thơ, nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành… mà đến giờ người ta (kể cả dân các quận 2, 3, 4… xung quanh) khi đến đây vẫn nói là “lên Sài Gòn”.  


Và đây cũng là khu vực Sài Gòn mà chính quyền Pháp ở Nam kỳ (Cochinchine) trưng bày ra trước quốc tế và chính quốc Pháp về một “Hòn ngọc Viễn Đông”.


Trong đó, chỉ một vài con đường chủ lực được tập trung như Catinat (hiện là đường Đồng Khởi), Bonnard (Lê Lợi), Charner (Nguyễn Huệ), De la Somme (Hàm Nghi), Norodom (Lê Duẩn)… với tất cả những gì sang trọng nhất, giàu có nhất mà chính quyền Pháp ở Sài Gòn lúc ấy có được.


image061


Đường Catinat (hiện là Đồng Khởi) năm 1920. Đây là con đường sang trọng nhất Sài Gòn thời thuộc Pháp dành cho giới thượng lưu - Ảnh tư liệu


Dù vậy, chắc chắn Sài Gòn đến thập niên 1910-1920 chưa là “hòn ngọc” khi theo Sơn Nam trong “Bến Nghé xưa”: Chợ Bến Thành hoàn thành 1914, “trước mặt còn ao vũng sình lầy. Giữa Sài Gòn và Chợ Lớn phía đất thấp (…), còn ruộng lúa với người cày, ao nuôi vịt, ngọn rạch cạn”.


image062


Ao Bồ Rệt (marais Boresse) dù nằm trong khu vực 3km2 quy hoạch của Pháp trước 1914 (năm khánh thành chợ Bến Thành) vẫn lầy lội, toàn nhà tranh. Hiện nay là Quảng trường Quách Thị Trang, trước chợ Bến Thành - Ảnh tư liệu


“Giữa Sài Gòn và ở phần đất cao còn nhiều chòm tre, cây da, mồ mả to xen vào những đám rẫy trồng rau cải và bông hoa, những xóm nhà ổ chuột; bầy bò dê đi lang thang ăn cỏ”.  


image063


Khu vực Cầu Ông Lãnh và con rạch nhỏ chảy ra rạch Bến Nghé (nay là đường Nguyễn Thái Học. Q.1, TP.HCM) thời kỳ đầu thuộc Pháp (trước 1975 thuộc Q.2), nằm giáp khu vực 3km2 đã khác xa "hòn ngọc" cạnh bên  - Ảnh tư liệu


Và người Pháp từ lúc đánh chiếm 1859 cho đến khi rời Sài Gòn 1954 có lẽ chỉ đủ sức “trau chuốt” khu vực 3km2 đầu tiên của Q.1 dù nhiều lần điều chỉnh địa giới mở rộng.


Thực tế đến 1954, những phần Sài Gòn mở rộng này (rộng khoảng 50km2 – gấp đôi Quy hoạch “Thành phố Sài Gòn 500 ngàn dân” năm 1862 của Trung tá công binh Coffyn) vẫn hoang sơ, thậm chí đầm lầy ngổn ngang.


Khu Hòa Hưng (Q.10 hiện nay) cho đến ngã tư Bảy Hiền hiện nay chìm trong vô số nghĩa trang, mồ mả (sau này chính quyền Sài Gòn gom lại làm nghĩa địa Đô thành – nay là công viên Lê Thị Riêng).


Khu Nguyễn Thiện Thuật, Lý Thái Tổ, Nguyễn Đình Chiểu (Q.3)… toàn nhà lá nền đất xây dựng không theo quy hoạch nào với vô số hẻm hóc.


Khu quận 4, quận 7 hầu như đường đất, nhà lá. Ngay khu Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho… sát cạnh chợ Bến Thành đa số là nhà tranh vách lá tạm bợ…


image064


Trong khi quận 1 (phía gần trong ảnh) thì quận 4, 7 (phía xa trong ảnh) và Thủ Thiêm (nay là quận 2) đến năm 1954, khi Pháp rút vẫn ngập trong đầm lầy - Ảnh tư liệu


Nhiều người sinh ra cuối thời Sài Gòn thuộc Pháp (đến giữa thập niên 1950) thời đó nay vẫn còn sống dễ dàng khẳng định khó có thể gọi những khu vực mà người Pháp gộp vô Sài Gòn làm quận 2, 3, 4, 5, 6, 7 (đến 1954, Sài Gòn có 7 quận) lúc đó là “Hòn ngọc Viễn Đông” được.


Kinh tế Sài Gòn thời thuộc Pháp cỡ nào?


Các con số thống kê của người Pháp còn để lại cho thấy trước thời thuộc Pháp, kinh tế Sài Gòn đã khá dồi dào nên ngay vừa hạ thành Gia Định 1859, năm 1860, người Pháp đã xuất hơn 53.000 tấn gạo và hàng hóa trị giá 7,5 triệu franc, trong đó gạo chiếm 6 triệu franc (tạm so sánh, Dinh Toàn quyền xây hết 4 triệu franc).


Những năm sau cũng vậy, con số gạo, bông, tơ lụa xuất đi từ Sài Gòn ngày càng tăng và năm 1867, Sài Gòn đã xuất  khẩu 193.000 tấn gạo (tính theo giá hiện nay khoảng 80-100 triệu  USD) trong khi số dân Sài Gòn (kể cả Hoa kiều, Pháp kiều, Ấn kiều…) đến năm 1898 chỉ khoảng 33.599 người và cả Nam kỳ trên dưới 2 triệu (Đất Gia Định xưa – Sơn Nam).


Mặc dù vậy, nền kinh tế Sài Gòn đầu thế kỷ 20 thời thuộc Pháp vẫn khá vất vả khi Dinh Xã Tây (UBND TP.HCM hiện nay) khởi công năm 1873 nhưng thiếu tiền nên 15 năm sau, 1898 mới chính thức xây dựng và xây khá ì ạch, 9 năm mới xong (1909 – chú ý nhà thờ Đức Bà chỉ xây trong 3 năm; Dinh Toàn quyền 5 năm, Bưu điện Sài Gòn 5 năm…). 


Vậy mới hiểu tại sao từ năm 1881, chính quyền Pháp lúc ấy đã mở xưởng chế biến thuốc phiện rộng 1 ha đầu đường Hai Bà Trưng hiện nay, giữa trung tâm Sài Gòn.


image065


Xưởng thuốc phiện (trên chiếc xe ngựa của xưởng ghi rõ: Manufacture d'Opium: xưởng thuốc phiện) giữa khu vực hòn ngọc Q.1 thời thuộc Pháp. Khu xưởng này cung ứng từ 1/3 đến 1/2 ngân sách toàn Đông Dương - Ảnh tư liệu


image066


Di tích khu xưởng thuốc phiện hiện nay vẫn còn cổng ra vô trên đường Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM - Ảnh: C.M.C


Số thuốc phiện từ đây bán ra ở Đông Dương và có năm (1914), chiếm tới 36,9% ngân sách Đông Dương.


Thậm chí theo Golden Triangle Opium Trade, an Overview, 2003: năm 1900, “lợi nhuận chính phủ thu được từ thuốc phiện đạt hơn 50% thu nhập toàn Đông Dương”.


Sài Gòn chỉ là một phần của Đông Dương nên tỉ lệ đóng góp ngân sách cho Sài Gòn của xưởng thuốc phiện này chắc chắn cao hơn nhiều.


Có thể khẳng định nền kinh tế Sài Gòn không thể là “ngọc”, đạt đỉnh trong giai đoạn Pháp tham gia thế chiến thứ 1 (1914-1918) khi họ cũng phải moi tiền dân thuộc địa cho chiến tranh (với tuyên truyền “Rồng Nam phun bạc, đánh đổ Đức tặc”).


Cũng không thể là đỉnh khi Pháp tham gia Thế chiến thứ 2 (1939-1945), sau đó vật vã với chi phí chiến tranh 1945-1954 với lực lượng kháng chiến VN (cuối thời kỳ này Pháp phải nhờ Mỹ viện trợ quân sự rất lớn).


Kinh tế Sài Gòn chỉ có thể vươn lên trong khoảng thời gian sau Thế chiến thứ 1 và trước Thế chiến thứ 2, tức từ 1919-1938.


image067


Khu vực chợ Bến Thành thời kỳ kinh tế Sài Gòn thời thuộc Pháp đạt đỉnh, năm 1938 - Ảnh tư liệu


Theo GS Trần Văn Thọ (ĐH Waseda, Nhật), “kinh tế VN thời Pháp thuộc thịnh vượng nhất là năm 1938, cao hơn năm 1960 là 60%” (Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005).


Thống kê chưa đầy đủ của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF công bố năm 2012 cho thấy năm 1938 cũng là năm thịnh vượng nhất của Nam Kỳ (Cochinchine - thuộc địa Pháp), GDP đầu người tính theo sức mua của Nam Kỳ gấp 69% năm 1960, năm thịnh vượng nhất của VNCH; thứ nhì châu Á (sau Nhật), đứng đầu Đông Nam Á (Viễn Đông).


Nếu lấy con số cũng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF công bố năm 2012: năm 1960, VNCH đạt 223 USD/đầu người thì năm 1938, GDP đầu người (tính theo sức mua thực tế) của Nam kỳ năm 1938 khoảng hơn 330 USD/người.


Giá vàng những năm 1937-1938 khoảng 30-35 USD/ounce. Nếu tính theo giá vàng thế giới hiện nay thì với GDP đầu người 330USD mua được khoảng 10 ounce, tính theo thời giá hiện nay (kicco ngày 10-5-2016) khoảng 12.650USD.


GDP đầu người của Sài Gòn lúc ấy chưa có thống kê cụ thể nhưng có lẽ cũng như hiện nay thường gấp rưỡi gấp đôi Nam kỳ.


Tuy nhiên, cần phải khẳng định: điều này không có nghĩa là tất cả đều thu nhập như nhau, nhất là khi dân Nam  kỳ là dân thuộc địa. Và càng không thể xem mọi khu vực của Sài Gòn đều là “ngọc” như “khu đất ngọc” 3km2 quận 1 thời Pháp. CÙ MAI CÔNG
28 Tháng Chín 2020(Xem: 5320)