Tình báo: Trần Quốc Hương, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn là ai?

22 Tháng Sáu 202010:16 SA(Xem: 9207)

VĂN HÓA ONLINE - VIỆT NAM - THỨ TƯ 03 JUNE 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Tình báo: Trần Quốc Hương, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn là ai?


Ấn tượng về nhà tình báo Trần Quốc Hương ‘không cầu nổi tiếng’


BBC 20/6/2020

image024

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Ông Trần Quốc Hương, ảnh chụp năm 2010


Tác giả người Mỹ từng viết sách về điệp viên Phạm Xuân Ẩn cho BBC biết nhận định của ông về "Kiến trúc sư" tình báo Trần Quốc Hương.


Đảng Cộng sản Việt Nam vừa tổ chức lễ tang ông Trần Quốc Hương với nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước.


Với bí danh Mười Hương, ông được sử liệu chính thống Việt Nam gọi là người chỉ huy mạng lưới tình báo H10-A20 ở miền Nam, với các nhà tình báo nổi tiếng như Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn…


Trả lời BBC News Tiếng Việt, Giáo sư người Mỹ Larry Berman nói với nước ngoài, rất tiếc ít ai có thông tin để biết tới ông Trần Quốc Hương.


Tuy vậy, giáo sư Larry Berman đã từng trực tiếp gặp và nói chuyện với ông Trần Quốc Hương hai lần.


Là chuyên gia nghiên cứu chiến tranh Việt Nam, ông Larry Berman đã viết sách Perfect Spy, về điệp viên Phạm Xuân Ẩn.


Nhớ lại ấn tượng về ông Mười Hương, ông Larry Berman chia sẻ:


"Ông ấy không tìm kiếm sự nổi tiếng hay vinh quang."


"Ông rất tự hào khi đã tạo ra mạng lưới tình báo và tuyển mộ ông Phạm Xuân Ẩn cùng nhiều người khác."


"Nhiều điệp viên trong đó đã chết khi thực hiện nhiệm vụ."


Ông Mười Hương có giai đoạn bị chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm bắt giam ở Huế từ tháng Sáu 1958 tới tháng 5 năm 1964.


Sau này, Đảng Cộng sản kết luận về ông giai đoạn bị bắt: "Đồng chí Trần Quốc Hương, tức Mười Hương, là một cán bộ tốt, kiên cường, khôn khéo đối với địch khi bị chúng bắt."


Sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975, ông Trần Quốc Hương giữ chức vụ Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh.


Năm 1982, ông được phân công làm Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội.


Sau đó ông giữ một số vị trí như Phó chủ nhiệm thứ nhất Ủy ban Thanh tra Nhà nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.


Tại Đại hội Đảng năm 1986, ông được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng, phân công làm Trưởng ban Nội chính Trung ương trước lúc nghỉ hưu năm 1991.


Trong sổ tang, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, viết có đoạn nói ông Hương đã "đóng góp nhiều công lao cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và lực lượng tình báo Việt Nam".


Cũng trong sổ tang, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình gọi ông là "nhà tình báo lão luyện sắc sảo đã lãnh đạo chỉ huy các mạng lưới tình báo chiến lược, giành được nhiều chiến công to lớn trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ".


++++++++++++++++++++++++++++++++++


Chú tôi, đại tá Albert Phạm Ngọc Thảo qua hồi ức của gia đình


Mark Tran Viết cho BBC Tiếng Việt 4/2/2019

image025

Bản quyền hình ảnh Pierre Tran Image caption Hình chụp ở bảo tàng Bến Tre


Khi chúng tôi gần đến bảo tàng cách mạng ở Bến Tre, một tòa nhà cổ thời thuộc địa Pháp, tôi có cảm giác quen thuộc kỳ lạ. Tôi nhận ra mình đã đến đây, từ lâu lắm.


Cùng một vài người thân, tôi đến Bến Tre vì nghe nói một phần bảo tàng dành trưng bày về chú tôi, Phạm Ngọc Thảo, còn được gọi là Albert, cựu đại tá quân đội miền Nam Việt Nam.


Được nhiều người ngưỡng mộ vì sự nhanh trí hài hước, tự trọng, tử tế với cấp dưới, và cũng bị nhiều người nghi ngờ, danh tiếng của ông Thảo đã tăng lên từ cái chết của ông trong thời chiến. Trong một diễn biến khó tin, ông sau này còn được đảng cộng sản vinh danh vì "thành tích" chống chính quyền Sài Gòn.


Năm 1995, 30 năm sau cái chết của ông, Hà Nội công nhận ông là anh hùng lực lượng vũ trang. Thi hài của ông được đặt ở một nghĩa trang liệt sĩ, ngoại vi thành phố Hồ Chí Minh.


Theo lời của Đảng, ông đã là điệp viên kép thời chiến, phá hoại chính quyền Sài Gòn.


Thời đó, người Mỹ, trong các điện tín mật, mô tả ông Thảo là "điệp viên rành nghề và lâu năm".


Cũng đúng thôi. Ông tham gia đảo chính 1963 lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Chính biến này đưa đất nước vào vòng xoáy bất ổn, tình hình quân sự thì xấu đi. Hai năm sau, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson có quyết định gửi lục quân vào Việt Nam, mở đầu 10 năm Mỹ can thiệp quân sự dẫn tới thất bại ngoại giao tệ hại.


Trong cuộc đảo chính tổng thống Diệm, ông Thảo đã lên đài phát thanh loan báo cuộc lật đổ, và hứa hẹn dân chúng rằng họ sẽ sớm được mua gạo, nước mắm ở chợ.


Ông Thảo đã gọi điện cho ông Diệm kêu gọi tổng thống đầu hàng.


Sau năm 1963, ông Thảo lại âm mưu chống người kế nhiệm ông Diệm, tướng Nguyễn Khánh. Đảo chính 1965 thất bại vì ông Khánh kịp bay ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhứt khi xe tăng phiến quân kéo vào.


Nhưng ông Khánh sau đó phải từ chức, được thay bằng Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu.


Ông Thảo bị kết án tử hình vì cuộc đảo chính chống ông Khánh. Lần này, ông hết may mắn. Ông bị bắt giữ, tra tấn tới chết. Ông chết ở tuổi 43 vào tháng Bảy 1965.


Dưới thời ông Diệm, ông Thảo không chỉ là kẻ âm mưu đảo chính. Ông còn giúp phá hoại chương trình ấp chiến lược. Chương trình này vốn mất lòng dân, nhưng ông Thảo cứ kêu gọi các tỉnh trưởng và ông Diệm tiếp tục để gia tăng bất mãn chống chế độ.


Trong thời chiến, ông Thảo có lúc ngắn ngủi từng là tỉnh trưởng Bến Tre, khi đó có tên Kiến Hòa. Chính tại đây, ông Thảo khắc sâu danh tiếng là một trong những chỉ huy giỏi nhất miền Nam khi chống Việt Cộng. Sau khi ông tới vùng này, chiến sự giảm bớt, thế là ông được cho là có công đè bẹp giặc.


Sau này người ta mới biết hóa ra ông có thỏa thuận ngầm với Việt Cộng để ra vẻ là ông đã bình định tỉnh này thành công. Câu chuyện thành công đó khiến ông được sự quan tâm của các nhà báo ảnh hưởng như Joseph Alsop và ông trùm chống nổi dậy Robert Thompson.


Chú Thảo của tôi đã từng sống trong ngôi nhà mà nay là bảo tàng ở Bến Tre.


Tôi nhớ một lần, anh trai Pierre và tôi đến thăm chú Thảo. Ông dẫn chúng tôi đi thuyền - lúc ấy chắc tôi khoảng tám tuổi.


Tôi nhớ chú hỏi anh tôi có thích ăn sầu riêng không.


Từ ban công, chú chỉ vào khu rừng.


"Việt Cộng ở đó," ông nói.


Gần 60 năm đã qua. Hôm nay, chúng tôi đi theo một tour của nhân viên bảo tàng.


image026


Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Đại tá Phạm Ngọc Thảo cùng vợ và diễn viên Sandra Dee, tại Universal Studio


Một phòng ở trên dành để trưng bày về ông Phạm Ngọc Thảo. Có bức hình ông Thảo và vợ, Phạm Thị Nhiên, cùng ngôi sao Hollywood Sandra Dee.


Lại có bức hình ông Võ Viết Thanh, người khi còn trẻ định ném lựu đạn để giết ông Thảo.


May cho ông Thảo, lựu đạn không nổ. Ông thả Thanh đi với lý do chỉ là trẻ con nóng tánh.


Ông Thanh không phải là người duy nhất bị ông Thảo lừa. Sau chiến tranh, nhiều nhà báo Mỹ nổi danh như Stanley Karnow và Robert Shaplen ngạc nhiên là họ đã bị viên đại tá miền Nam lừa phỉnh.


Trong phòng có nhiều câu trích dẫn ca ngợi ông Thảo, như của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt.


Người hướng dẫn nói ông Kiệt xem ông Thảo là độc nhất vô nhị trong số điệp viên nhị trùng của miền Bắc, vì ông đã phá hoại chính thể miền Nam, đặc biệt qua hai cuộc đảo chính.


image027


Bản quyền hình ảnh Pierre Tran Image caption Lời của ông Trần Bạch Đằng. Ông Đằng sau này viết sách Ván bài lật ngửa, được cho là lấy cảm hứng từ Phạm Ngọc Thảo


Nghe nói ông Thảo chỉ báo cáo cho Lê Duẩn, tổng bí thư tương lai. Hai người có quan hệ thân thiết trong thời chống Pháp.


Nhân viên bảo tàng nói họ đang xây dựng kho tư liệu về ông Thảo và muốn liên lạc những ai biết ông.


Tôi thấy lạ vì hẳn phải có cả kho tài liệu ở Hà Nội. Ông Thảo tham gia kháng chiến chống Pháp ngay từ 1945 trước khi tham gia tình báo. Với ngần ấy năm làm cho Việt Minh, hẳn phải có nhiều tư liệu trong kho chính phủ.


Một số nhà bình luận tự hỏi vì sao phải mất ngần ấy năm Hà Nội mới công nhận ông Thảo là anh hùng.


Edward Miller từng viết trong sách Misalliance rằng ngay cả bây giờ, người ta vẫn không rõ về nghị trình thực của ông Thảo. Miller ghi nhận rằng Đảng Lao Động Việt Nam chỉ mô tả sơ sài về hoạt động điệp báo của ông Thảo, trái hẳn cách họ viết về các điệp viên cộng sản nổi danh khác.


Một thành viên gia đình thì tin rằng thái độ của ông Thảo với miền Bắc thay đổi theo thời gian, và ông trở nên thiện cảm với ông Diệm. Có những ghi chép nói rằng ông Thảo đã bỏ nhiều giờ nói chuyện với tổng thống, cố gắng cứu ông Diệm và Nhu trong đảo chính 1963. Người trong gia đình này cũng tin rằng âm mưu ám sát Thảo khi còn làm tỉnh trưởng Bến Tre thực ra là do ai đó hay phe nào đó trong đảng cộng sản thực hiện, vì ghen tị hay nghi ngờ rằng ông Thảo không còn trung thành.


Người này nói: "Ông Thảo cho rằng cần đánh Mỹ nhưng không phải là chiếm miền Nam."


Nhưng nhiều năm sau khi ông Thảo chết, miền Bắc lại gọi ông là anh hùng.


Người trong gia đình này lại giải thích: "Giống như bóng đá, khi anh đá giỏi, đội nào cũng muốn anh gia nhập."


Nếu thật sự là như vậy, ông Thảo sẽ không phải là người duy nhất trong hàng ngũ người miền Nam chiến đấu cho miền Bắc và rồi nghi ngờ đồng chí miền Bắc.


image028


Bản quyền hình ảnh Pierre Tran Image caption Hình chụp ở bảo tàng Bến Tre


Điều khiến ông Thảo trở nên hấp dẫn là việc người ta khó chỉ ra sự trung thành của ông ở đâu. Có vẻ như ông sống cuộc đời nhị trùng, không được bên nào tin tưởng. Đây cũng là số phận của Phạm Xuân Ẩn. Ông Ẩn được phong anh hùng năm 1996, nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, mất một năm gửi đi học tuyên truyền về chủ nghĩa Marx-Lenin.


Theo Larry Berman viết trong sách Perfect Spy, ông Ẩn không phải là người hâm mộ hệ thống cộng sản.


Một người anh em của ông Phạm Ngọc Thảo, Gaston, từng là đại sứ Hà Nội ở Đông Đức, cũng chỉ trích chính sách cộng sản sau khi ông rời Việt Nam sang Pháp.


Những người biết ông Thảo, như Phạm Xuân Ẩn và Trương Như Tảng, gọi ông Thảo là người yêu nước chứ không phải dân ý thức hệ. Họ nói mục tiêu của ông là độc lập chứ không phải thanh lọc tư tưởng.


Chính ông Thảo từng nói với nhà báo Anh Denis Bloodworth: "Chín phần mười những ai gia nhập Việt Minh không phải là dân đỏ. Họ là người dân tộc như tôi, hợp tác với cộng sản để kết liễu sự độ hộ của Pháp."


"Đây là những người Việt Nam chân chính, có thể thống nhất đất nước."


"Những người ở phe bên kia không hề muốn thay ông chủ Pháp bằng chủ Nga Xô hay Trung Quốc. Những người phe bên này cũng không muốn thay chủ Pháp bằng Mỹ."


Dĩ nhiên, ông Thảo nói vậy khi đang đội lốt làm đại tá Nam Việt Nam, nên có thể chúng ta cũng không nên hoàn toàn tin.


Cho đến hôm nay, ông Phạm Ngọc Thảo vẫn còn là hình tượng bí hiểm.


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++


Điệp viên Phạm Xuân Ẩn: Ông là ai?


Tina Hà Giang bbcvietnamese.com 24/3/2018

image029

Image caption Điệp viên Phạm Xuân Ẩn có vỏ bọc là nhà báo cho Time


Hơn 40 năm sau Cuộc chiến Việt Nam, các góc độ về cuộc đời ông Phạm Xuân Ẩn (1927-2006), điệp viên cộng sản nổi tiếng thời chiến, vẫn thu hút nhiều chú ý.


Điều này có thể thấy qua chuyện vừa có thêm cuốn 'The Punji Trap: Pham Xuan An - The Spy Who Didn't Love Us' của tác giả Luke Hunt, mới được Talisman Publishing xuất bản đầu tháng 2 năm 2018.


"Chúng ta có thể có thêm một trăm cuốn sách nữa về nhân vật này, và vẫn còn rất nhiều điều chưa ai biết về cuộc đời của ông ta...,'' Luke Hunt nói với BBC Tiếng Việt.


Sử gia Larry Berman thì trong lúc trả lời phỏng vấn của BBC, đang có kế hoạch về Việt Nam để nói chuyện về nhân vật mà giới nghiên cứu chiến tranh Việt Nam coi là 'kỳ bí', ông Phạm Xuân Ẩn.


Phạm Xuân Ẩn làm việc với những ai?


Cuộc đời ông Phạm Xuân Ẩn đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Trong khi Thomas Bass gọi Phạm Xuân Ẩn là một gián điệp tứ trùng (quadruple agent) thì Luke Hunt và Larry Berman quả quyết ông Ẩn chỉ trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam.


Về quan hệ của Phạm Xuân Ẩn với CIA, Thomas Bass nói:


''Ông Ẩn làm việc trong lãnh vực tâm lý chiến với Edward Lansdale và CIA của Hoa Kỳ trong một thời gian ngắn. Ông Lansdale chính là người giúp Phạm Xuân Ẩn đến Hoa Kỳ để theo học ngành báo chí. Trở về Việt Nam sau khi được đào tạo như một nhà báo, ông Ẩn làm việc cho tình báo của Nam Việt Nam, và dĩ nhiên, ông là một điệp viên tầm cỡ của Bắc Việt trong cuộc chiến Việt Nam.'


image030


Bản quyền hình ảnh AFP


Ông tin vào một nền báo chí tự do, thế mới chết!Larry Berman nói về Phạm Xuân Ẩn


''Chúng ta phải hiểu rằng, khi là một gián điệp tứ trùng thì bạn nhận được tin tức từ nhiều nguồn khác nhau, đồng thời cũng cung cấp tin tức cho những nguồn này, đấy là một quá trình hết sức phức tạp. Đó là lý do tại sao Phạm Xuân Ẩn chắc chắn phải là một trong những điệp viên vĩ đại nhất của thế kỷ thứ 20, người có thể tung hứng công việc của một gián điệp tứ trùng thì phải là một người xuất sắc.''


Larry Berman bác bỏ quan điểm của Thomas Bass. Ông nói với BBC:


''Thomas Bass làm gì có bằng chứng nào về việc đó. Tôi đã thảo luận về điều này trong cuốn sách của tôi. Thực ra Phạm Xuân Ẩn đã được CIA và vài cơ quan khác tuyển dụng, nhưng đó chỉ là vì họ thấy ông ta là một nhà báo người Việt Nam làm việc cho tạp chí Time. Ẩn nói với tôi rằng anh ta đã hỏi ý cấp trên xem có nên nhận việc của CIA không. Nhưng vai trò của ông Ẩn rất quan trọng cho sự thành công chiến lược của cộng sản, và làm việc với CIA quả là điều quá nguy hiểm.


image031


Image caption Phạm Xuân Ẩn đã làm việc cho những ai? Các tác giả Phương Tây cho đến nay vẫn không thống nhất quan điểm về điều này


''Với Thomas Bass, hoặc bất cứ ai tuyên bố rằng Phạm Xuân Ẩn là một gián điệp tứ trùng hoặc thậm chí nhị trùng, tôi sẽ hỏi họ là bằng chứng của bạn đâu? Là một học giả, tôi thấy không có bằng chứng gì cho thấy Ẩn làm việc cho bất kỳ cơ quan tình báo nào khác.''


Phạm Xuân Ẩn và những người bạn


Với quan hệ thường được nhắc đến giữa Phạm Xuân Ẩn với các ông Phạm Ngọc Thảo và bác sĩ Trần Kim Tuyến, ba vị tác giả đều thú nhận không có nhiều tin tức về ông Phạm Ngọc Thảo, một điệp viên cộng sản sau khi bị lộ diện đã bị VNCH tra tấn và giết chết, rồi sau này được Bắc Việt phong tướng.


Tác giả Thomas Bass nói với BBC:


"Tôi không biết về việc Phạm Xuân Ẩn làm việc với Đại tá Phạm Ngọc Thảo, và liệu ông Ẩn có biết Phạm Ngọc Thảo cũng là một điệp viên cộng sản không. Bạn biết rằng gián điệp hoạt động trong từng chi bộ tách biệt, bởi vì nếu không thế thì toàn bộ mạng lưới có thể bị phá hủy nếu một chi bộ bị lộ.''


Luke Hunt cho rằng: ''Tình bạn của họ với nhau rất chân thực. Trần Kim Tuyến và Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng họ không biết là Phạm Ngọc Thảo là gián điệp.''


Nếu Đại tá Phạm Ngọc Thảo là nhân vật ít được biết đến, thì cả ba tác giả đều hiểu khá rõ về quan hệ giữa Phạm Xuân Ẩn và bác sỹ Trần Kim Tuyến, người chỉ huy hệ thống an ninh mật vụ của nền Đệ Nhất Cộng Hoà.


Tác giả Larry Berman nói:


''Sau khi học xong báo chí ở Hoa Kỳ, ông Phạm Xuân Ẩn trở về Việt Nam năm 1961, trong một giai đoạn hết sức khó khăn, lúc chính quyền Ngô Đình Diệm đang bắt giam rất nhiều Việt Cộng. Phạm Xuân Ẩn nương náu tại nhà ông Tuyến khoảng 30, 35 ngày, vì sợ bị mật vụ của ông Diệm bắt nhốt. Bác sĩ Trần Kim Tuyến là người đã giúp ông Ẩn tìm được việc làm đầu tiên trong làng báo Việt Nam, rồi từ đó họ trở thành bạn.''


''Dĩ nhiên sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt tháng 4 năm 1975, Phạm Xuân Ẩn là người đã cứu mạng Bác sĩ Trần Kim Tuyến bằng cách giúp ông ta trốn khỏi Việt Nam. Ẩn luôn luôn nói rằng ông làm thế vì tình bạn. Tôi thì tôi ngờ rằng ông ấy làm điều đó vì họ là bạn cũng có, và cũng bởi vì, và đây là điều rất quan trọng, cả hai đều biết nhiều bí mật về nhau."


Tác giả Thomas Bass thì đặt vấn đề:


''Giữa cuộc chiến, khi bạn cố dò tìm tin tức để giết quân địch và chiếm ưu thế quân sự, thì tình bạn là cái gì? Tình bạn ấy có thực sự, có chân thành không, hay là thứ tình bạn giúp người ta có thông tin quan trọng tới mức chết người? Phạm Xuân Ẩn và bác sĩ Trần Kim Tuyến quen biết nhau trong một thời gian rất dài, và bác sĩ Tuyến giúp nhiều cho sự nghiệp của Phạm Xuân Ẩn, nhưng đây cũng có thể là thứ tình bạn mang lại lợi ích song phương.''


Thất vọng và uẩn ức sau năm 1975


Dù sau này được phong thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Phạm Xuân Ẩn đã bị buộc phải cải tạo tư tưởng và bị cấm tiếp xúc với báo chí, nhất là các nhà báo nước ngoài, trong nhiều năm sau 1975.


Larry Berman giải thích:


''Tất nhiên Phạm Xuân Ẩn không phải vào những trại tù cải tạo lao động như người miền Nam, nhưng họ cố gắng cải tạo lại suy nghĩ của ông ấy. Ông ta không còn tư duy của một người cộng sản nữa, vì đã tiếp xúc với cách suy nghĩ và giáo dục về báo chí của người Mỹ. Ông tin vào một nền báo chí tự do, thế mới chết! Và với những người cộng sản, đó là những ý tưởng phải được xóa sạch ngay ra khỏi tâm trí.''


image032


Image caption Dù được phong thiếu tướng, ông Phạm Xuân Ẩn cũng không được tiếp xúc với báo chí nước ngoài, trong nhiều năm sau 1975


Đặt nghi vấn có thể vì không muốn để bác sĩ Trần Kim Tuyến bị chính quyền mới bắt mà ông Ẩn đã giúp để ông Tuyến trốn đi khi Sài Gòn sụp đổ, ông Larry Berman nói với BBC Tiếng Việt:


''Giả thuyết của tôi là, Ẩn sợ nếu bác sĩ Tuyến bị bắt, ông ta sẽ bị tra tấn và sẽ tiết lộ những điều về Ẩn mà Ẩn không muốn lộ ra, như việc ông đã cứu mạng sống của nhiều người Mỹ trong chiến tranh, bảo vệ bạn bè người Mỹ. Cộng sản rất tức giận về việc Ẩn giúp bác sĩ Tuyến trốn thoát, đó là một trong những lý do khiến ông Ẩn bị bắt phải cải tạo.''


Nhà báo Úc Luke Hunt, người đã gặp và phỏng vấn ông Phạm Xuân Ẩn ở TPHCM đầu thập niên 1990, nói về nỗi thất vọng của Phạm Xuân Ẩn về chính quyền mới:


''Vâng, ông ấy đã rất thất vọng. Tôi nghĩ rằng có những kỳ vọng về những gì sẽ xảy ra khi chiến tranh kết thúc, và khi những kỳ vọng này không được đáp ứng, mọi người bắt đầu tự hỏi họ đã đấu tranh cho cái gì. Có phải đó là một cuộc chiến giành độc lập hay là một cuộc chiến cho chủ nghĩa cộng sản? Và tôi nghĩ không bao giờ có câu trả lời cho câu hỏi đó.''


Thomas Bass chia sẻ những gì Phạm Xuân Ẩn nói với ông về tình hình Việt Nam sau 1975 và sự chỉ trích với các nhà lãnh đạo khi đó, mà ông nói là "rất nhiều".


''Vâng, có quá nhiều chỉ trích nên rất khó xác định. Sau năm 1975 [chính quyền] Việt Nam đã mắc nhiều sai lầm dốt nát. Một là toàn bộ mạng lưới các trại cải tạo cưỡng bách lao động, hay nhà tù, trong đó họ giam giữ những người miền Nam đến mười bảy năm hay không biết là bao lâu. Hành xử kiểu này sau khi chiến tranh chấm dứt đã làm Phạm Xuân Ẩn kinh ngạc."


"Nỗ lực loại bỏ người Hoa khỏi việc kiểm soát thị trường gạo đã gây ra cuộc khủng hoảng cho thuyền nhân và làm cho nền kinh tế bị kiệt quệ, tạo ra nạn đói ở Nam Việt Nam. Việc điều hành nền kinh tế là một tai họa sau năm 1975, Phạm Xuân Ẩn chắc chắn phê bình về điều đó, quan hệ với Trung Quốc là một điều khác... cả một danh sách dài..."


Phạm Xuân Ẩn thất vọng đến mức nào?


Còn Larry Berman cho rằng, dù không đồng ý với một số việc làm của chính quyền mới, Phạm Xuân Ẩn vẫn dành nhiều nỗ lực hoà giải giữa Hoa Kỳ và Việt Nam:


"Phạm Xuân Ẩn có một sứ mệnh, sứ mệnh ấy là đẩy quân đội nước ngoài ra khỏi Việt Nam, và trong trường hợp này là quân đội Mỹ. Ông đã hoàn thành sứ mệnh của mình và dành nỗ lực vào việc hòa giải. Khoảng 50 trang sách của tôi đã được dành cho đề tài này, vai trò của Phạm Xuân Ẩn trong quá trình hòa giải, mà hầu như không ai nói đến."


Với tác giả Luke Hunt, nỗi thất vọng của Phạm Xuân Ẩn trầm trọng hơn nhiều, đến nỗi ông đã 'nhiều lần tìm cách trốn khỏi Việt Nam'.


Tác giả người Úc nói với BBC:


''Bác sĩ Trần Kim Tuyến và ông Phạm Ngọc Đình, một nhân viên của Reuters tại Sài Gòn, cho tôi biết rằng Phạm Xuân Ẩn đã ba lần tìm cách trốn khỏi Việt Nam, giống như ông Bùi Tín, người đã trốn qua Paris năm 1992. Phạm Xuân Ẩn muốn theo bước chân ông ấy.''


Nhưng Thomas Bass hoàn toàn bác bỏ điều này.


Dù có những nhận định khác nhau, tựu trung các tác giả nước ngoài đều cảm phục lý tưởng cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn.


Nhà báo Luke Hunt khẳng định rằng dù đã làm gì, ông Ẩn vẫn là một 'nhà báo vĩ đại', và không phải điệp viên cho nhiều bên:


Ông không bao giờ có nhiều tiền, bởi vì ông không phải là một người tham lam. Ông tin ở Hồ Chí Minh và tận tụy với niềm tin của mìnhLuke Hunt nói về Phạm Xuân Ẩn


''Không, tôi không tin ông ấy làm việc cho ai khác. Chắc chắn là một nhà báo, ông ấy sẽ chia sẻ và cung cấp thông tin cho mọi phía, nhưng ưu tiên hàng đầu của ông ấy là Hà Nội. Phạm Xuân Ẩn không phải là người phản bội hay có thể bị mua chuộc. Ông không bao giờ có nhiều tiền, bởi vì ông không phải là một người tham lam. Ông tin vào Hồ Chí Minh và tận tụy với niềm tin của mình. Tôi có bằng chứng cụ thể rằng ông là một nhà báo vĩ đại.''


Họ còn đồng ý ở một điểm nữa là cuộc đời Phạm Xuân Ẩn vẫn còn nhiều bí ẩn.


''Cho đến khi chính phủ Việt Nam chính thức giải mật hồ sơ Phạm Xuân Ẩn hiện được niêm phong tại Hà Nội, không ai trong chúng ta sẽ biết sự thật, vì vậy chúng ta chỉ có thể suy đoán. Sự suy đoán của tôi khác hẳn với hai tác giả khác đã viết về Phạm Xuân Ẩn, " ông Larry Berman nói.


Về ba tác giả:


Larry Berman là tác giả cuốn 'Perfect Spy: The Incredible Double Life of Pham Xuan An, Time Magazine Reporter and Vietnamese Communist Agent' (2008). Bản tiếng Việt của sách đã bị kiểm duyệt nhiều đoạn ở Việt Nam.


Thomas A. Bass ra cuốn 'The Spy Who Loved Us: The Vietnam War and Pham Xuan An's Dangerous Game' năm 2009 và sẽ bổ sung thêm nhiều chi tiết cho lần tái bản cuối năm 2018.


Luke Hunt ra cuốn 'The Punji Trap: Pham Xuan An - The Spy Who Didn't Love Us', đầu tháng 2/2018, gọi Phạm Xuân Ẩn là 'Điệp viên không hề yêu quý chúng ta', như để bác bỏ cách nhìn của Thomas Bass.


BBC Tiếng Việt sẽ lần lượt đăng tải toàn bộ ba cuộc phỏng vấn với ba tác giả này do Tina Hà Giang thực hiện trong tháng 2/2018.


Thomas Bass: 'Phạm Xuân Ẩn không đưa tin giả'


Tina Hà Giang BBCvietnamese.com 30/3/2018

image033

Bản quyền hình ảnh AFP Image caption 'Những gì chúng ta có đến nay chỉ là tranh cãi về di sản của Phạm Xuân Ẩn'


Trả lời BBC, tác giả Thomas Bass nói ông Phạm Xuân Ẩn đầu tiên là một nhà báo giỏi và dùng kỹ thuật báo chí cho hoạt động của một điệp viên.


Nói chuyện với Tina Hà Giang của BBC Tiếng Việt hôm 23/02/2018, ông Bass cũng nêu những điều bất đồng của ông với hai tác giả khác viết về Phạm Xuân Ẩn là Larry Berman và Luke Hunt.


BBC: Được biết ông sẽ cho phát hành ấn bản mới của cuốn "The Spy Who Loved Us" vào cuối năm nay, có phải ông có thêm nhiều dữ kiện về nhân vật Phạm Xuân Ẩn?


Thomas Bass: Sách của tôi sẽ được tái xuất bản vào cuối năm nay ở dạng nguyên thủy, mặc dù tôi có viết thêm một lời nói đầu mới. Cuốn 'The Spy Who Loved Us' xuất hiện năm 2009, lúc ấy Phạm Xuân Ẩn đã qua đời, vì vậy, chúng ta không biết gì nhiều thêm về cuộc đời ông ta so với lúc sách mới xuất bản. Tôi tái xuất bản cuốn sách vì Phạm Xuân Ẩn là một nhân vật đáng chú ý, và 'The Spy Who Loved Us' chưa bao giờ được xuất bản dưới dạng bìa mềm. Tôi nghĩ sách bìa mềm có thể hữu ích cho một số người.


BBC: Ông có biết là tác giả Luke Hunt vừa xuất bản một cuốn sách mới về Phạm Xuân Ẩn tên là ''The Spy Who Did Not Love Us,'' không?


Thomas Bass: Vâng, đúng vậy. Ông Luke Hunt có vẻ đang muốn bình phẩm về cuốn sách của tôi qua một số nhận xét trong sách của ông ấy. Tôi đã đọc cuốn sách này. Tôi nghĩ sách của tác giả Luke Hunt đưa ra nhiều tuyên bố vô căn cứ mà tôi nghĩ không đúng. Hiện có bảy cuốn sách viết về Phạm Xuân Ẩn, và tôi tưởng tượng chúng ta sẽ có thêm bảy cuốn nữa. Ông Ẩn là một nhân vật đáng chú ý, và thực sự là đề tài thu hút được nhiều người viết.


image034


Bản quyền hình ảnh Silvia de Swaan Image caption Thomas Bass, tác giả cuốn 'The Spy Who Loved Us: The Vietnam War and Pham Xuan An's Dangerous Game', 2009


BBC: Chúng tôi vừa phỏng vấn ông Luke Hunt hôm qua. Ông ấy nói rằng Phạm Xuân Ẩn muốn trốn khỏi Việt Nam, ông nghĩ gì về điều này?


Thomas Bass: Ông Luke Hunt thực sự đã tuyên bố như vậy trong cuốn sách của mình. Ông ấy nói rằng Phạm Xuân Ẩn đã hai lần tìm cách trốn khỏi quê hương bằng thuyền và trở thành một thuyền nhân. Tôi tin rằng điều này là hoàn toàn hư cấu, vô căn cứ, không đúng sự thật. Tôi đơn giản là không tin. Tôi khuyên bạn không nên trích dẫn Luke Hunt về vấn đề này. Mặt khác, có phải Phạm Xuân Ẩn đã hối tiếc hoặc hoang mang? Để tôi đặt câu hỏi này một cách khác, có phải ông ta đã chỉ trích chế độ cộng sản sau năm 1975? Câu trả lời chắc chắn là có. Chiến thắng của Cộng Sản trong Chiến tranh Việt Nam đã làm Phạm Xuân Ẩn thất vọng về nhiều phương diện. Điều đó là sự thật.


BBC: Nhưng ông Luke Hunt khá cả quyết về điều đó. Ông ấy nói đã nghe việc ông Ẩn muốn trốn khỏi Việt Nam từ một vài người ông phỏng vấn, trong đó có Bác sĩ Trần Kim Tuyến?


Thomas Bass: Vâng, Phạm Xuân Ẩn như bạn biết, đã giúp ông Tuyến trốn thoát khỏi Việt Nam. Tôi không tin rằng sau đó họ nói chuyện với nhau. Vì vậy, ông Tuyến, cựu giám đốc tình báo của miền Nam Việt Nam, có lẽ đã có những lý do riêng của mình để đưa ra những tuyên bố này khác, nhưng tôi không tin rằng ông Tuyến, vào thời điểm đó đang sống ở nước Anh, có thể có điều kiện để biết rằng Phạm Xuân Ẩn muốn trở thành một thuyền nhân.


BBC: Trước khi viết sách, ông đã có dịp làm việc với Phạm Xuân Ẩn tại Việt Nam?


Thomas Bass: Không, tôi không đủ tuổi để gia nhập quân ngũ hay làm một nhà báo trong thời chiến tranh Việt Nam. Tôi gặp Phạm Xuân Ẩn lần đầu tiên vào năm 1992 khi tôi bắt đầu đến thăm nước này. Trước đó tôi chưa bao giờ làm việc với Phạm Xuân Ẩn.


image035


Image caption Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về ông Phạm Xuân Ẩn ở Sài Gòn trước 1975


BBC: Được biết đang làm việc với ông cho cuốn sách về mình, thì ông Phạm Xuân Ẩn đổi ý và hợp tác với người khác, hình như là ông Larry Berman, theo ông thì lý do tại sao?


Thomas Bass: Vâng, Larry Berman là nhà viết cuốn tiểu sử được cho là chính thức của Phạm Xuân Ẩn. Thoạt đầu, tôi tiếp xúc với Phạm Xuân Ẩn để viết một bài cho tạp chí The New Yorker, nhưng sau một loạt bài phỏng vấn và nhiều nghiên cứu cho tạp chí The New Yorker, tôi quyết định chuyển những tài liệu đó thành một cuốn sách. Phạm Xuân Ẩn cũng đã làm việc với Larry Berman về một cuốn sách. Sách của Berman phát hành trước sách của tôi. Tôi tin rằng sách của ông Berman có nhiều điều không chính xác. Tôi từng thảo luận và chỉ trích cuốn sách của ông ta, và đưa một số điều này vào cuốn ''Censorship in Vietnam,'' cuốn sách mới nhất về của tôi về Việt Nam.


BBC: Ông có thể nói qua về một vài bất đồng với Larry Berman về nhân vật Phạm Xuân Ẩn như được mô tả trong cuốn ''The Perfect Spy''?


Thomas Bass: Vâng, chẳng hạn Larry Berman nói Phạm Xuân Ẩn được 4 huy chương quân sự, trên thực tế ông Ẩn được trao 16 huy chương quân sự. Người ta muốn phải chính xác về số lượng huy chương quân sự mà ông Ẩn được trao, chính xác về quân hàm và cấp bực của những huy chương đã được cấp để đánh giá sự tham gia và vai trò của Phạm Xuân Ẩn trong cuộc chiến. Chẳng hiểu ông Berman vì sao mà không có thông tin chính xác, và chắc chắn ông đã không điều tra tình hình một cách kỹ lưỡng đúng mức.


BBC: Ngoài số huy chương quân sự mà ông cho là ông Larry Berman viết sai, khác biệt chính giữa cuốn sách của ông và sách của Larry Berman là gì?


Thomas Bass: Vâng, cuốn sách của tôi là một nỗ lực mô tả con người đa diện của Phạm Xuân Ẩn về nhiều mặt. Hình ảnh của Phạm Xuân Ẩn trong tiểu sử chính thức của ông không sâu sắc và không toàn diện. Ngoài ra, tôi đã dành rất nhiều thời gian nói chuyện với mạng lưới gián điệp của Phạm Xuân Ẩn, và tất cả những thông tin xung quanh đến từ những người khác làm việc với Phạm Xuân Ẩn tạo ra một kết cấu phong phú cho câu chuyện không có trong 6 tiểu sử khác của ông ấy. Cuốn sách của Larry Berman vẽ lên hình ảnh rực rỡ của Phạm Xuân Ẩn như một 'gián điệp hoàn hảo'. Tôi không biết như thế nào là một gián điệp hoàn hảo.


BBC: Theo ông thì Phạm Xuân Ẩn đã làm thế nào để tránh không bị phát giác?


Thomas Bass: Có một câu ông Ẩn thường hay nói để giải thích phương pháp của mình. Ông nói 'Tôi không bao giờ nói dối với ai. Tôi luôn nói sự thật.' Tất nhiên, cả cuộc đời của ông Ẩn là một gian dối, vì thế chúng ta phải hiểu ngữ cảnh của câu nói này. Tôi cho rằng ông ta nói đúng. Nếu bạn đưa ra cùng một thông tin cho tất cả 4 cơ quan tình báo mà bạn làm việc với, họ sẽ không phát giác ra vai trò điệp viên của bạn. Đó là phương pháp làm việc của ông ta. Phạm Xuân Ẩn phân tích tình hình rồi nói với mọi người về điều ông nhận xét, nghĩa là ông nói người cộng sản sẽ chiến thắng cuộc chiến đó, và rằng đây là một phong trào chống thực dân, họ sẽ thắng thế, tôi nghĩ ông ta đã nói thế với tất cả mọi người.


BBC: Ông gọi Phạm Xuân Ẩn là gián điệp tứ trùng. Tại sao? Ông có thể nói rõ về quan hệ của của ông Ẩn với CIA không?


Thomas Bass: Vâng, Phạm Xuân Ẩn đã làm việc với tất cả bốn cơ quan tình báo được đề cập trong cuốn sách của tôi. Ông làm việc cho người Pháp một thời gian trong vai trò kiểm duyệt tại bưu điện. Ông làm việc trong lãnh vực tâm lý chiến với Edward Lansdale và CIA của Hoa Kỳ trong một thời gian ngắn. Ông Lansdale chính là người giúp Phạm Xuân Ẩn đến Hoa Kỳ để theo học ngành báo chí.


Trở về Việt Nam sau khi được đào tạo như một nhà báo, ông Ẩn làm việc cho tình báo của Nam Việt Nam, và dĩ nhiên, ông là một điệp viên tầm cỡ của Bắc Việt trong cuộc chiến Việt Nam. Chúng ta phải hiểu rằng, khi là một gián điệp tứ trùng thì bạn nhận được tin tức từ nhiều nguồn khác nhau, đồng thời cũng cung cấp tin tức cho những nguồn này, đấy là một quá trình hết sức phức tạp. Đó là lý do tại sao Phạm Xuân Ẩn chắc chắn phải là một trong những điệp viên vĩ đại nhất của thế kỷ thứ 20, người có thể tung hứng công việc của một gián điệp tứ trùng thì phải là một người xuất sắc.''


BBC: Có vẻ như ông đã rất 'yêu' ông ấy. Phải chăng ông đã yêu, hoặc ít nhất là yêu quý tài năng của Phạm Xuân Ẩn?


image036


Image caption Thomas Bass coi Phạm Xuân Ẩn trước hết là một nhà báo giỏi


Thomas Bass: Vâng, tôi nghĩ thế (cười). Trước khi ông Ẩn ngừng nói chuyện với tôi, chúng tôi đã có được một mối quan hệ rất thân thiết. Ông Ẩn làm tôi nghĩ nhiều đến cha tôi. Cha tôi không phải là một gián điệp, nhưng ông ấy cũng là một nhà đàm luận rất thu hút, một người du lịch đó đây khắp nơi, và là một nhà phân tích giỏi về các vấn đề thế giới. Tôi thích ngồi đối diện với Phạm Xuân Ẩn trong phòng khách nhà ông và nghe ông nói chuyện hàng giờ đồng hồ, lắng nghe những phân tích thế giới của ông, mà tôi cho là rất chính xác. Ông Ẩn là một nhà phân tích đại tài về các vấn đề thế giới.


BBC: Chuyện gì đã xảy ra giữa hai người? Tại sao ông ta lại đột ngột thay đổi ý định cộng tác với ông về cuốn sách?


Thomas Bass: Chẳng biết tại sao. Đột nhiên ông Ẩn nói với tôi rằng cuốn sách của tôi được viết quá nhiều từ phía bên trong, rằng tôi đã dành quá nhiều thời gian nói chuyện với người Việt trong mạng lưới của ông ấy. Cũng có thể ông ta nhận được lệnh từ người chỉ huy về việc nói chuyện với tôi, không ai biết được, nhưng đến một lúc nào đó, chúng tôi không trò chuyện nữa.


BBC: Ông đánh giá tình bạn của Phạm Xuân Ẩn với Đại Tá Phạm Ngọc Thảo và ông Trần Kim Tuyến như thế nào?


Thomas Bass: Đây là những câu hỏi rất hay. Đánh giá gián điệp rõ ràng là một khoa học chưa phát triển, bởi vì điệp viên, theo bản chất của họ, là những người ẩn mình, bí mật, có những câu chuyện chúng ta sẽ không bao giờ biết rõ. Miền Nam Việt Nam bị biết bao nhiêu là gián điệp trà trộn, toàn bộ hành chính bị gián điệp len lỏi vào từ trên xuống dưới, trong đó có rất nhiều điệp viên giỏi, như ông Phạm Ngọc Thảo. Thảo là một gián điệp nhị trùng có khả năng và hiệu quả cao.


Ông là một điệp viên giỏi và sau chiến tranh, được nâng lên vị trí tướng và chôn cất trong nghĩa trang chiến sĩ của Việt Nam. Nhưng chúng tôi không biết nhiều về mạng lưới mà Phạm Ngọc Thảo hoạt động, và dĩ nhiên ông đã gặp một kết cục khủng khiếp, bị tra tấn đến chết. Về Trần Kim Tuyến, bản thân ông ta không phải là gián điệp, nhưng ông điều hành mạng gián điệp tình báo của miền Nam Việt Nam, cho đến khi bị quản thúc tại gia và cuối cùng phải trốn khỏi Việt Nam.


BBC: Tình bạn giữa Phạm Xuân Ẩn và Phạm Ngọc Thảo có chân thật không? Họ có biết nhau là điệp viên không?


Thomas Bass: Tôi không biết việc Phạm Xuân Ẩn làm việc với Đại tá Phạm Ngọc Thảo, và việc Phạm Xuân Ẩn có biết Phạm Ngọc Thảo cũng là một điệp viên cộng sản không, tôi không có câu trả lời. Bạn biết là gián điệp họ hoạt động trong từng chi bộ, với mục đích giữ mỗi chi bộ tách biệt với nhau, bởi vì nếu chúng không tách rời thì toàn bộ mạng gián điệp có thể bị phá hủy nếu một chi bộ bị phát hiện.


Về việc Trần Kim Tuyến có biết Phạm Xuân Ẩn là gián điệp không? Tôi cho là không, tôi xin nói rằng Phạm Xuân Ẩn đã không tiết lộ cho Trần Kim Tuyến ông ta là một điệp viên của miền Bắc Việt Nam.


BBC: Chắc là quan hệ giữa Phạm Xuân Ẩn và Trần Kim Tuyến phải thân thiết, thì ông ấy mới giúp ông Tuyến rời Việt Nam, đúng không?


Thomas Bass: Vâng, nhưng một lần nữa, bạn biết đấy, ở giữa cuộc chiến, khi bạn cố dò tìm tin tức để giết quân địch và chiếm ưu thế quân sự cho phe mình, thì tình bạn là cái gì? Tình bạn ấy có thực sự, có chân thành không, hay là thứ tình bạn giúp người ta có thông tin quan trọng tới mức chết người? Phạm Xuân Ẩn và bác sĩ Trần Kim Tuyến quen biết nhau trong một thời gian rất dài, và bác sĩ Tuyến giúp nhiều cho sự nghiệp của Phạm Xuân Ẩn, nhưng đây cũng có thể là thứ tình bạn mang lại lợi ích song phương. Chúng ta không thể biết được.


BBC: Ông có nghĩ ông Phạm Xuân Ẩn rất cay đắng sau năm 1975, khi ông không được phép theo gia đình sang Mỹ, mà bị cải tạo và dường như không được chính quyền cộng sản tin tưởng?


Thomas Bass: Đúng, sau năm 1975, khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn lẽ ra là được chuyển đến Washington DC cùng với gia đình và tiếp tục làm việc cho tạp chí Times để làm gián điệp cho Bắc Việt.


Thế nhưng, ông Ẩn đưa gia đình ông rời Việt Nam đến Washington DC và sau đó chính ông cũng dự định lên đường thì vào phút chót, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam không cho ông ra khỏi đất nước. Dĩ nhiên họ làm thế, hoặc vì không tin tưởng ông ta, hoặc vì ông ta biết quá nhiều và họ không thể chấp nhận rủi ro trong việc để ông thoát đi, hoặc một phe của cộng sản đã đánh bại phe khác trong việc tranh dành quyền lực. Không ai biết chuyện gì đã thực sự xảy ra, nhưng đó chắc hẳn phải là một dấu hiệu cho Phạm Xuân Ẩn thấy rằng những ngày là một gián điệp được tin tưởng của ông đã qua, và ông ta phải triệu tập gia đình về Việt Nam.


Phải mất một năm gia đình của ông Ẩn mới về lại được Việt Nam và vào thời điểm đó, Phạm Xuân Ẩn nói chung đã bị gạt qua một bên, được đưa đến sống trong một biệt thự và ít có ảnh hưởng đến chính quyền Bắc Việt. Ông ấy có cay đắng không, có nghĩ rằng chính quyền Việt Nam sau năm 1975 có nhiều sai lầm không? Tôi nghĩ là có. Ông Ẩn chỉ trích họ không đủ năng lực, tham nhũng, và có nhiều quyết định sai lầm, và một lần nữa, ông ấy phân tích rất chính xác.


BBC: Ông Ẩn có công khai chỉ trích chính quyền không?


Thomas Bass: Chắc chắn với một số khách phương Tây ông đã đưa ra những nhận định này. Ông có công khai chỉ trích chính quyền không? Tôi không chắc lắm. Sau khi bình luận với tôi, có thể ông đã hối tiếc khi nói chuyện quá thẳng thắn. Tôi nghĩ với người phương Tây ông sẽ không dấu chỉ trích của mình. Tôi không rõ ông đã bình luận như thế nào với đồng nghiệp Việt Nam.


BBC: Ông có thể đưa ra một số ví dụ về những lời chỉ trích mà Phạm Xuân Ẩn nói với ông không?


Thomas Bass: Vâng, có quá nhiều chỉ trích nên rất khó xác định. Sau năm 1975 [chính quyền] Việt Nam đã mắc nhiều sai lầm dốt nát. Một là toàn bộ mạng lưới các trại cải tạo cưỡng bách lao động, hay nhà tù, trong đó họ giam giữ những người miền Nam đến mười bảy năm hay không biết là bao lâu. Cách hành xử này sau khi chiến tranh chấm dứt đã làm Phạm Xuân Ẩn kinh ngạc. Nỗ lực loại bỏ người Hoa khỏi việc kiểm soát thị trường gạo đã gây ra cuộc khủng hoảng cho thuyền nhân và làm cho nền kinh tế bị kiệt quệ, tạo ra nạn đói ở Nam Việt Nam. Việc điều hành nền kinh tế là một tai họa sau năm 1975, Phạm Xuân Ẩn chắc chắn phê bình về điều đó, quan hệ với Trung Quốc là một điều khác, cả một danh sách dài...


BBC: Nói tóm lại, ông Phạm Xuân Ẩn có hối tiếc đã dành cả cuộc đời của mình, chấp nhận bao nguy hiểm làm điệp viên để theo chủ nghĩa cộng sản?


Thomas Bass: Tôi phải nói rằng câu trả lời là không. Ông Ẩn là một người quan sát tinh tế về lịch sử, và trong hoàn cảnh lịch sử của đất nước mình, ông đánh những lá bài mình được chia. Trong trường hợp của ông, Việt Nam ở trong một khoảnh khắc cách mạng muốn lấy lại vị thế của một quốc gia có chủ quyền, ở giữa không chỉ một, mà hai cuộc chiến giữa đế quốc và thuộc địa. Lựa chọn duy nhất ông mà Phạm Xuân Ẩn có là ủng hộ cộng sản, và ông đã làm điều đó một cách hiệu quả và trung thành. Tôi không nghĩ rằng ông ta hối tiếc một quyết định như vậy. Ông ấy có lấy làm tiếc với những gì xẩy ra sau khi chiến tranh kết thúc, nhưng hối tiếc thì không!


BBC: Có ý kiến cho rằng, các tác giả ngoại quốc có khuynh hướng đánh giá quá cao vai trò của Phạm Xuân Ẩn trong Chiến tranh Việt Nam. Tựa đề như 'người Điệp Viên xoay chuyển tình thế cuộc chiến Việt Nam' có thể nghe rất hấp dẫn, nhưng có phải là quá lời không, chắc chắn phải có những điệp viên khác ngoài Phạm Xuân Ẩn?


Thomas Bass: Trước tiên, là một nhà báo bạn biết rất rõ rằng tựa đề phần lớn không phải do tác giả viết. Tờ The Daily Beast có khuynh hướng hay đưa ra những tựa đề rất giật gân, rất kém. Tôi không ủng hộ tựa đề đó, nó thật vô lý. Đó không phải là tựa đề của tôi, không phải là lời của tôi. Phạm Xuân Ẩn là điệp viên có hiệu quả cao, là người đóng vai trò rất quan trọng trong việc Bắc Việt thắng nhiều trận đánh và cuối cùng chiến thắng. Liệu Bắc Việt có thắng không nếu không có Phạm Xuân Ẩn? Có lẽ thế! Nhưng trong phân tích cuối cùng, ông được Việt Nam đánh giá cao. Ông đã cứu được nhiều mạng sống bằng cách cảnh báo trước về sự di chuyển của quân đội Mỹ và các cuộc tấn công từ [phe phản chiến] Mỹ và Đảng Cộng hòa về chiến tranh Việt Nam.


image037


Bản quyền hình ảnh AFP Image caption 'Những gì chúng ta có đến nay chỉ là tranh cãi về di sản của Phạm Xuân Ẩn'


BBC: Ông ấy có thể đã cứu được nhiều người lính Bắc Việt, nhưng tôi chắc chắn, Phạm Xuân Ẩn cũng chịu trách nhiệm về nhiều cái chết của lính Mỹ. Là một người Hoa Kỳ, ông có ghét Phạm Xuân Ẩn?


Thomas Bass: Không, cuộc chiến Việt Nam là một sự việc bị dẫn dắt sai và phạm pháp từ ngày Hoa Kỳ nhúng tay vào. Vì vậy, về vấn đề này, tôi chắc chắn cảm thấy một thông cảm nhất định nào đó với Phạm Xuân Ẩn. Ông chiến đấu cho đất nước mình. Nếu bàn cờ đảo ngược, tôi cũng làm y như Phạm Xuân Ẩn.


BBC: Bí quyết thành công của Phạm Xuân Ẩn là gì? Có phải ông ta đã đưa tin giả để giúp Bắc Việt thắng cuộc?


Thomas Bass: Niềm say mê ban đầu của tôi đối với người đàn ông đó là việc ông ấy là một nhà báo, và là một nhà báo giỏi. Tôi tin rằng ông Ẩn đã sử dụng kỹ thuật báo chí trong việc làm tình báo. Vì thế phần lớn trong cuốn sách The Spy who Loved Us của tôi nói về mối quan hệ giữa gián điệp và báo chí. Này nhé, các phóng viên tường trình khám phá của họ cho thế giới, còn gián điệp thì tường trình khám phá cho chủ nhân của họ.


Vì vậy, tuy các kênh thông tin rất khác nhau, nhưng tôi tin rằng kỹ thuật và phương pháp thì tương tự. Cũng đúng là nhiều nhà báo đã làm gián điệp, và nhiều gián điệp đã cố gắng làm phóng viên, nhưng tôi không biết ai có hiệu quả như Phạm Xuân Ẩn.


Câu hỏi khác là có phải Xuân Ẩn đã đưa thông tin sai lệch? Có phải ông ấy đã có những tường trình dối trá, đã đưa tin giả? Câu trả lời là không, tôi nghĩ rằng ông ấy đưa tin thực. Tôi nghĩ Hoa Kỳ đã bị tấn công nặng nề trong Tết Mậu Thân và trong trận Ấp Bắc.


Tôi nghĩ tường trình của Phạm Xuân Ẩn về những trận này hoàn toàn chính xác. Việc tường trình rằng cuộc chiến Việt Nam có thể thắng được, với ánh sáng cuối đường hầm, tôi nghĩ đó mới là tin giả. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng Phạm Xuân Ẩn, dưới bất kỳ hình thức nào, đã tường trình giả mạo hoặc đưa thông tin sai lệch.


BBC: Vậy thì theo ông, trong tận đáy tâm hồn mình, ông Phạm Xuân Ẩn là một nhà báo hay một gián điệp?


Thomas Bass: Vâng đó chính là tiêu đề cuốn sách của tôi, The Spy Who Loved Us, có nghĩa là điệp viên yêu Hoa Kỳ. Tôi nghĩ theo nhiều cách, Phạm Xuân Ẩn được đào tạo ngành báo ở Hoa Kỳ và làm báo như một nhà báo phương Tây. Tôi nghĩ ông ấy thích thảo luận cởi mở, công khai và tự do xuất bản. Phạm Xuân Ẩn thật sự yêu thích điều đó. Vì vậy, trong tâm hồn của ông, tôi nghĩ ông là một nhà báo. Ông yêu những phong cách của phương Tây. Nhưng ông cũng là một người theo chủ nghĩa dân tộc và là người Việt Nam, và trong hoàn cảnh lịch sử đất nước, lựa chọn duy nhất mà ông ta có là ủng hộ nỗ lực của cộng sản nhằm đẩy lực lượng thực dân ra khỏi Việt Nam.


BBC: Ông có chi tiết nào thêm về cuộc đời sau chiến tranh của ông ấy mà bây giờ mới tiết lộ được không?


Thomas Bass: Trước hết, chúng ta sẽ không có bất kỳ thông tin mới nào về Phạm Xuân Ẩn cho tới năm mươi, bảy mươi, hay một trăm năm nữa, khi các kho lưu trữ tài liệu may ra được bạch hóa, mà chúng ta có thể đọc được, những tường trình mà ông ta gửi đi cho quân đội Bắc Việt, sẽ rất thú vị khi chúng ta được đọc, và tìm hiểu ý nghĩa thực sự của những huy chương quân sự ông ta đã được trao... Huy chương chiến đấu là huy chương cao nhất được cấp cho những ai thực sự thắng trận, vậy thì chính xác là Phạm Xuân Ẩn làm được gì để được cấp đến 2 huy chương chiến đấu.


Cho đến khi chúng ta có được những tài liệu đó, những gì chúng ta sẽ có chỉ là tranh cãi về di sản của Phạm Xuân Ẩn. Chúng ta sẽ có những người tuyên bố rằng ông ấy muốn trở thành thuyền nhân, và tôi đoán đó sẽ là quan điểm của người miền Nam Việt Nam, hay từ Hà Nội, rằng ông Ẩn tiếp tục làm gián điệp cho đến ngày ông qua đời. Tôi nghĩ những gì đang xảy ra vào thời điểm này là một cuộc tranh cãi về di sản thực sự của ông.


Về tác giả Thomas Bass: ông ra cuốn 'The Spy Who Loved Us: The Vietnam War and Pham Xuan An's Dangerous Game' năm 2009 và sẽ bổ sung thêm nhiều chi tiết cho lần tái bản cuối năm 2018.


Chúng tôi sẽ giới thiệu phỏng vấn của Tina Hà Giang với hai tác giả còn lại:


Larry Berman, người viết cuốn 'Perfect Spy: The Incredible Double Life of Pham Xuan An, Time Magazine Reporter and Vietnamese Communist Agent' (2008). Bản tiếng Việt của sách đã bị kiểm duyệt nhiều đoạn ở Việt Nam.


Luke Hunt, tác giả cuốn 'The Punji Trap: Pham Xuan An - The Spy Who Didn't Love Us', đầu tháng 2/2018, gọi Phạm Xuân Ẩn là 'Điệp viên không hề yêu quý chúng ta', như để bác bỏ cách nhìn của Thomas Bass.


Luke Hunt: 'Phạm Xuân Ẩn đưa tin giả và không yêu người Mỹ'


Tina Hà Giang BBCVietnamese.com 10/4/2018

image037

Image caption Ẩn 'thiết lập các cuộc phỏng vấn giả' vào nửa đêm, với những nhân vật cao cấp Cộng sản giả mạo, rồi đưa tin như tin thật.


Trả lời BBC, tác giả Luke Hunt nói ông Phạm Xuân Ẩn 'có thể đã thích rất nhiều điều về nước Mỹ,' nhưng 'không hề yêu chúng ta.'


Nói chuyện với Tina Hà Giang của BBC Tiếng Việt hôm 22/02/2018, ông Hunt còn khẳng định là Phạm Xuân Ẩn ''từng đưa tin giả'' để giúp Bắc Việt thắng trận. Điều này trái ngược với nhận định của tác giả Thomas Bass, cũng viết về người điệp viên nổi tiếng này, rằng ông Ẩn 'không đưa tin giả.'


BBC: Được biết ông vừa xuất bản cuốn sách ''Punji Trap: Phạm Xuân An: The Spy Who Did not Love Us''. Tại sao thế giới lại cần thêm một cuốn sách nữa về Phạm Xuân Ẩn vào thời điểm này?


Luke Hunt: Chúng ta có thể có thêm một trăm cuốn sách về Phạm Xuân Ẩn. Ông ta là một gián điệp huyền thoại. Những gì ông ấy đã làm trong chiến tranh Việt Nam chúng ta không bao giờ được đánh giá thấp. Vả lại vẫn còn rất nhiều điều chúng ta không biết về cuộc đời của ông Ẩn. Tôi có nhận định khác với tất cả những người khác. Cuốn ''Punji Trap: Phạm Xuân An: The Spy Who Did not Love Us'' khác với những cuốn sách còn lại ở chỗ tôi tập trung vào nguồn tin từ các nhà báo biết ông Ẩn và làm việc với ông ấy.


BBC: Tựa cuốn sách ''The Punji Trap: Pham Xuan An, The Spy Who Didn't Love Us" có vẻ như trực tiếp không đồng ý với quan điểm "The Spy Who Loved Us" của tác giả Thomas Bass. Đó có phải là điều cố tình?


Luke Hunt: Vâng, có vẻ như thế đấy nhỉ. Tựa đề này thực sự đã "bật" ra tại một buổi họp khi tôi và đại diện của nhà xuất bản thảo luận về tên gọi của cuốn sách, vì họ không thích cái tựa do tôi đặt ra. Rồi ai đó nói theo một bài báo trên tờ The New Yorker lâu lắm rồi thì hình như nhân vật này yêu người Mỹ lắm. Nghe đến đó tôi quả quyết, không, không, Phạm Xuân Ẩn nhất định không yêu chúng ta, ông ấy thực sự không yêu chúng ta tí nào cả, và thế là cái tựa The Spy Who Did not Love Us ra đời. Không ai trong chúng tôi cố tình phản bác tác giả Thomas Bass với cái tựa ấy.


image038


Bản quyền hình ảnh Luke Hunt Image caption 'Ông Ẩn có thể thích ̣đã rất nhiều điều về nước Mỹ, nhưng 'không hề yêu chúng ta.'


BBC: Ông có quen biết Phạm Xuân Ẩn, hay làm việc cùng với ông ta trong thời chiến?


Luke Hunt: Tôi hồi ấy còn quá trẻ để có thể chiến đấu trong cuộc chiến Việt Nam mặc dù chắc chắn tôi nhớ khi còn bé, tôi biết những người tị nạn Việt Nam ở Úc, và chúng tôi đã được học về cuộc chiến ấy ở trường.


Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1992. Nhiều người khác đã viết về câu chuyện của ông Phạm Xuân Ẩn, trong đó có ông Phạm Ngọc Đính, một phóng viên khác của Reuters, người quen biết ông Ẩn trong nhiều thập niên. Tôi làm việc chung với ông Đính ở Úc và ông Đính giúp tôi thu xếp cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với ông Ẩn năm 1992. Lần đó tôi ở Việt Nam 4 ngày, và cuộc họp mặt có cả ông Phạm Ngọc Đính. Sau đó tôi về Việt Nam bốn, năm lần nữa, mỗi lần vài ngày để làm việc với Ẩn, phỏng vấn ông ta, chuyện trò, trao đổi tin tức, chuyện này chuyện nọ, uống cà phê, đại khái như vậy.


BBC: Có phải sách của ông đưa ra những tin gì mới về Phạm Xuân Ẩn mà từ trước đến giờ chưa ai từng biết?


Luke Hunt: Vâng tôi đã nghiên cứu về Phạm Xuân Ẩn từ những năm 1980 khi vẫn còn là một sinh viên đại học. Và tôi muốn tìm tòi những tin từ trước đến giờ chưa được công khai. Tôi đã được nghe nhiều người kể chuyện nhưng phải hứa giữ kín không được tiết lộ cho đến khi họ chết. Kể từ đó nhiều cuốn sách khác về Phạm Xuân Ẩn cũng được phát hành. Mỗi tác giả có nhận định khác nhau. Sách của tôi tập trung rất nhiều vào mối quan hệ của ông Ẩn với các nhà báo khác, và những người ông ấy quen biết thân thiết nhất, ngay cả với mạng lưới gián điệp của phe cộng sản mà ông Ẩn làm việc. Trong mạng lưới thì thật khó để quyết đoán họ thân thiết như thế nào, vì người nào cũng bí mật và họ giữ cả bí mật với nhau. Nhưng với các nhà báo mà ông Ẩn kết bạn, và quen biết, có thể trong một thời gian ngắn, đôi khi một hoặc hai năm, và đôi khi suốt cuộc đời, thì họ có rất nhiều thông tin về Phạm Xuân Ẩn, và tôi nghĩ rằng những câu chuyện họ kể thực sự quan trọng, và cũng cần được kể lại như chuyện của ông Ẩn.


BBC: Những người quen biết ông Ẩn có những quan sát tương tự và khác biệt ra sao về nhân vật rất đặc biệt này?


Luke Hunt: Câu chuyện xảy ra cách đây lâu rồi, và cái nhìn của tôi khác mọi người vì tôi không ở đó. Hầu hết những nhà báo khác đều nói rằng ông Ẩn là người rất thu hút, thông minh, rằng ông là một nhà báo giỏi và chắc chắn ông biết luật chơi. Đó là những điều không ai tranh cãi.


Sự khác biệt rõ ràng là nằm ở quan điểm chính trị cá nhân. Cuộc chiến Việt Nam được tường trình bởi rất nhiều nhà báo hoặc khuynh tả hoặc khuynh hữu. Những người phe tả cho rằng Phạm Xuân Ẩn là một anh hùng dân tộc. Những người khuynh hữu thì cho rằng Phạm Xuân Ẩn là một kẻ phản bội. Cũng có một số nhà báo đứng ở giữa có quan điểm độc lập và khách quan. Những người này có cái nhìn hỗn hợp, một số hiểu những gì ông Ẩn làm, và số khác cảm thấy bất mãn về những gì ông ấy đã làm. Họ thấy họ đã tin tưởng và chân thành với ông ta, nhưng ông ấy đã dùng họ và sử dụng thông tin mà họ cho để phục vụ mục đích của mình, và kết quả là rất nhiều người đã chết, trong khi đó quy tắc đầu tiên của báo chí nên là 'không làm hại ai' [do no harm.]


BBC: Có ý kiến cho rằng, các tác giả ngoại quốc có khuynh hướng đánh giá quá cao vai trò của Phạm Xuân Ẩn trong Chiến tranh Việt Nam. Tựa đề như 'Điệp Viên Hoàn Hảo', 'người Điệp Viên xoay chuyển tình thế cuộc chiến Việt Nam' có thể nghe rất 'kêu', nhưng có phải là hơi quá lời không?


Luke Hunt: Tôi nghĩ rằng tác giả Larry Berman đã viết một cuốn sách rất quan trọng về Phạm Xuân Ẩn. Ông đã làm cho mọi người một ân huệ bởi đã mang bí mật của một cuộc đời, bạch hóa nhiều điều về đời ông Ẩn trước đó từng bị giấu kín. Ông ta đã bật một công tắc về vai trò của Phạm Xuân Ẩn.


Vai trò đó như thế nào? Khi phe cộng sản bị thua trận hồi Tết Mậu Thân ngay giữa lúc họ đang tìm cách cố đàm phán về Hiệp Định Paris, họ nhận ra rằng mặc dù họ đã thua trận, nhưng dư luận Mỹ lại đang phản đối một cuộc chiến mà họ nghĩ là người Mỹ đang thua. Đó là lúc phe cộng sản thấy phải thuyết phục sao cho thế giới tin rằng việc Mỹ đang thua là sự thật. Và nhờ Phạm Xuân Ẩn họ đã thành công trong việc này. Họ đã thuyết phục dư luận rất tốt. Bạn không bao giờ có thể nói rằng một mình Phạm Xuân Ẩn đã tạo ra chiến thắng, nhưng nếu bỏ ông ta ra khỏi phương trình thì đó có thể là một câu chuyện khác, và một trong những câu chuyện có thể là, nếu Nixon không bị vụ bê bối Watergate, không phải từ chức, ông có thể sẽ tiếp tục dội bom miền Bắc, nếu điều đó xảy ra, phe cộng sản có thể đã không xâm chiếm Nam Việt Nam ngay, mà cuộc chiến Việt Nam có thể kéo dài thêm một hai năm nữa, thế giới có thể bây giờ rất khác. Điểm mấu chốt là, chúng ta không bao giờ nên đánh giá thấp việc không biết bao nhiêu người [Mỹ ] đã chết vì Phạm Xuân Ẩn.


BBC:Với nhiệm vụ phải thuyết phục như vậy thì theo ông, với tư cách là một nhà báo, Phạm Xuân Ẩn có đưa tin trung thực hay không?


Luke Hunt: Lúc đầu thì Phạm Xuân Ẩn luôn lo ngại rằng nếu đưa tin giả thì sẽ bị lộ tẩy, và người ta sẽ biết ông ấy là điệp viên, nhưng, sau cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân, ông Ẩn bắt đầu đưa tin sai trái, ngày nay chúng ta gọi là 'fake news'. Sau Tết Mậu Thân, Phạm Xuân Ẩn tường trình với thế giới rằng sức mạnh của quân đội cộng sản ở miền Nam rất vững chắc, trong khi thực tế thì hoàn toàn không phải như vậy. Như tôi đã nói, việc đưa tin giả này hết sức quan trọng trong thời điểm Hà Nội cần mặc cả với Washington về cuộc đàm phán hòa bình sắp tới. Hà Nội, nhận thấy đa số người Mỹ không còn ủng hộ cuộc chiến nữa, lại càng muốn cho họ thấy rằng viễn ảnh Mỹ thắng trận rất khó. Và muốn đạt được điều đó thì không thể để cho thực trạng về sự yếu kém của quân sự Bắc Việt ở miền Nam bị lộ ra. Sự hiểu biết tuyệt đối của Ẩn về cách các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế làm việc, chính là chìa khóa giúp ông ấy dẫn dắt dư luận quần chúng về hướng mình muốn.


BBC: Tác giả Thomas Bass cho rằng bí quyết để không bị lộ diện của ông Ẩn là ''không bao giờ nói dối'', ông lại nói rằng ông Ẩn đưa tin giả để giúp Bắc Việt chiến thắng. Vậy sự thật ra sao?


Luke Hunt: Theo nguyên tắc thì Phạm Xuân Ẩn không bao giờ nói dối. Ông ấy phải làm thế để tự bảo vệ, vì nếu không vai trò điệp viên của ông sẽ bị đổ bể và ông ta có thể bị giết chết bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, dù được qua Mỹ học ngành báo chí, rồi trở thành một nhà báo giỏi, ông Ẩn làm báo với mục đích tối thượng là săn tin và đưa tin để giúp Bắc Việt thắng trận. Thí dụ cụ thể nhất về việc đưa tin giả, như tôi đã nói, là sau trận chiến Tết Mậu Thân, trong lúc phe cộng sản đã thua trận và bị tổn thất nặng nề thì Phạm Xuân Ẩn, qua những tường trình của mình vẽ lên một hình ảnh hùng mạnh của quân đội Bắc Việt tại miền Nam Việt Nam. Một cựu biên tập viên của báo Time, và nhiều đồng nghiệp khác của Ẩn từ tờ báo này nói với tôi là sau này họ mới biết Ẩn 'thiết lập các cuộc phỏng vấn giả' vào nửa đêm, với những nhân vật cao cấp cộng sản giả mạo, rồi đưa tin như thể là tin thật. Kết quả là Phạm Xuân Ẩn đã giúp Bắc Việt thắng trận Tết Mậu Thân về mặt tâm lý, dù về mặt quân sự họ đã thất bại nặng nề. Tết Mậu Thân không phải là lần duy nhất Ẩn đã đưa tin có lợi hay tuyên truyền cho Bắc Việt. Trước đó, Nick Turner, trưởng văn phòng của Reuters tại Việt Nam, có lẽ là người duy nhất thời ấy, nghi rằng Ẩn là một điệp viên phe cộng sản. Nick Turner đã cho Ẩn nghỉ việc sau khi thấy nhiều bài tường trình của ông ta 'nghe giống như bài của Radio Hanoi,' đó là nguyên văn lời Nick Turner nói với tôi. Sau khi bị Reuters cho nghỉ việc ông Ẩn mới qua làm việc với báo Time. Nói tóm lại, Phạm Xuân Ẩn, trong vai trò của mình, đã từng đưa tin giả. Nhưng ông ấy làm thế bao nhiêu lần, và đưa tin giả tới đâu thì không ai biết được một cách chính xác.


image037


Bản quyền hình ảnh AFP Image caption 'Phạm Xuân Ẩn đã ba lần tìm cách trốn khỏi Việt Nam'


BBC: Khi ông tiếp xúc với Phạm Xuân Ẩn, ông ấy có đón nhận câu hỏi, và có mong được kể lại câu chuyện của mình không?


Luke Hunt: Cũng không hào hứng lắm. Thoạt đầu ông ấy e ngại, rất ít lời. Nhưng tôi nghĩ dần dà tôi đã lấy được lòng tin của ông ấy, và chúng tôi trò chuyện cởi mở hơn. Ông Ẩn từng gặp rắc rối khi nói chuyện với nhiều người khác với yêu cầu họ giữ kín (off the record), nhưng khi lập lại thì họ lại nói là được quyền tiết lộ. Rất nhiều kinh nghiệm như thế. Vả lại, lần đầu tiên tôi gặp ông ấy, ông không khỏe lắm, và nghĩ rằng mình không còn sống được bao lâu nữa. Ông Ẩn có tiền sử mắc bệnh lao, sốt rét, và các loại bệnh nhiệt đới, rồi lại còn hút 40 điếu thuốc một ngày. Vài năm sau khi tôi trở lại, sức khoẻ của ông hồi phục đáng kể, trông mạnh mẽ hơn và ông sống thêm được 10 năm nữa.


BBC: Qua những lần giao tiếp, ông có thấy mình có thiện cảm với Phạm Xuân Ẩn?


Luke Hunt: Như một cá nhân thì tôi có. Bạn không thể không thích ông Ẩn. Ông ấy vui vẻ, nói chuyện hấp dẫn và rất thông minh. Ông gia nhập Việt Minh ở lúc tuổi rất trẻ, rất dễ bị gây ấn tượng, và ông tiếp tục miệt mài với tổ chức đó. Tôi nghĩ ông ấy luôn tin tưởng rằng chế độ cộng sản là một chủ nghĩa dân tộc hay một ý thức chủ nghĩa dân tộc, hơn là những gì ông nghe là chế độ cộng sản rất khắc nghiệt. Sau 75, khi nhìn thấy cách hành xử của Bắc Việt, ông đã rất tức giận. Ông Ẩn cũng đã khá thẳng thắn về suy nghĩ của mình, nhưng ông không muốn gặp rắc rối gì nữa, không muốn làm cho gia đình gặp khó khăn thêm. Đó là những mối quan tâm chính của ông.


BBC: Ông có nghĩ ông Phạm Xuân Ẩn rất cay đắng sau năm 1975, khi ông không được phép theo gia đình sang Mỹ, mà bị cải tạo và dường như không được chính quyền cộng sản tin tưởng?


Luke Hunt: Tôi không chắc lắm về điều này. Ông ấy nói rằng đã đưa gia đình đến Mỹ nhưng theo tôi hiểu thì về sau gia đình ông ấy đã quay trở lại Việt Nam. Ông không có ý định rời Việt Nam vào năm 1975, mà đến mãi sau mới có ý định đó. Nhưng ông rất tức giận về những điều đã xảy ra sau năm 1975.


Ẩn 'thiết lập các cuộc phỏng vấn giả' vào nửa đêm, với những nhân vật cao cấp cộng sản giả mạo, rồi đưa tin như thể là tin thật...Luke Hunt


BBC: Ông có thể nêu một vài ví dụ cụ thể về những gì khiến Phạm Xuân Ẩn tức giận sau năm 1975?


Luke Hunt: Vấn đề chính của ông ấy, theo tôi, là với Trần Bạch Đằng, một lãnh đạo Trung ương Cục. Trần Bạch Đằng rất cứng rắn và là một thành viên cộng sản kiên định. Ông Phạm Xuân Ẩn được bổ nhiệm làm người đứng đầu tổ chức báo chí nước ngoài sau năm 1975. Một ngày nọ ông Ẩn được yêu cầu phát biểu về những gì chính quyền kỳ vọng vào báo giới. Dĩ nhiên điều mà ông Trần Bạch Đằng mong đợi là ông Ẩn phải nói những điều đúng chính sách nhà nước. Nhưng ông Ẩn không làm vậy. Ông chỉ đơn giản nói rằng các nhà báo dành phần lớn cuộc đời của họ làm việc nuôi gia đình bằng cách nói sự thật, và những người nói lên sự thật không nên bị trừng phạt. Kết quả là, giữa Trần Bạch Đằng và Phạm Xuân Ẩn đã có một xung đột lớn ngay tại thời điểm đó. Câu chuyện này thật thú vị, bởi vì tôi cũng đã phỏng vấn bác sĩ Trần Kim Tuyến, và khi ráp những câu chuyện lại với nhau thì cuối cùng chúng ta có được những hình ảnh khá rõ nét.


BBC: Sau năm 1975, có phải Phạm Xuân Ẩn đã thất vọng lắm và thất vọng về điều gì?


Luke Hunt: ''Vâng, ông ấy đã rất thất vọng. Tôi nghĩ rằng có những kỳ vọng về những gì sẽ xảy ra khi chiến tranh kết thúc, và khi những kỳ vọng này không được đáp ứng, mọi người bắt đầu tự hỏi họ đã đấu tranh cho cái gì. Có phải đó là một cuộc chiến giành độc lập hay là một cuộc chiến cho chủ nghĩa cộng sản? Và tôi nghĩ không bao giờ có câu trả lời cho câu hỏi đó. Còn thất vọng đến đâu? Bác sĩ Trần Kim Tuyến và ông Phạm Ngọc Đình, một nhân viên của Reuters tại Sài Gòn cho tôi biết rằng Phạm Xuân Ẩn đã ba lần tìm cách trốn khỏi Việt Nam, giống như ông Bùi Tín, người đã trốn qua Paris năm 1992. Phạm Xuân Ẩn muốn theo bước chân ông ấy.


BBC: Theo ông thì Phạm Xuân Ẩn có là gián điệp nhị trùng, hay thậm chí là gián điệp tứ trùng như tác giả Thomas Bass đã tuyên bố? Ông Ẩn đã làm việc với CIA, thông qua ông Edward Lansdale?


Luke Hunt: Không, tôi không tin ông ấy làm việc cho ai khác. Chắc chắn là một nhà báo, ông ấy sẽ chia sẻ và cung cấp thông tin cho mọi phía, nhưng ưu tiên hàng đầu của ông ấy là Hà Nội. Phạm Xuân Ẩn không phải là người phản bội hay có thể bị mua chuộc. Ông không bao giờ có nhiều tiền, bởi vì ông không phải là một người tham lam. Ông tin vào Hồ Chí Minh và tận tụy với niềm tin của mình. Tôi có bằng chứng cụ thể rằng ông là một nhà báo vĩ đại. Tôi không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy ông Ẩn làm việc cho bất cứ ai khác. Người ta nói thế, nhưng tôi không tin. Tôi muốn được thấy bằng chứng rằng Phạm Xuân Ẩn là một gián điệp đôi, hoặc tứ trùng gì đó, bởi vì tôi chưa thấy bằng chứng đó. Đúng vậy, ông Ẩn đã làm việc với CIA,nhưng trong thời gian đó, ông Ẩn làm việc với bác sĩ Trần Kim Tuyến, và dù có làm việc với CIA chăng nữa, điều đó không làm cho ông ta trở thành một nhân viên CIA.


BBC: Ông đánh giá tình bạn của Phạm Xuân Ẩn với Đại Tá Phạm Ngọc Thảo và ông Trần Kim Tuyến như thế nào?


Luke Hunt: Tôi nghĩ tình bạn của họ rất chân thực. Bác sĩ Trần Kim Tuyến và Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng họ không biết ông Phạm Ngọc Thảo là gián điệp. Với cách họ hoạt động trong từng chi bộ của mạng lưới, mối quan hệ của từng chi bộ gián điệp với nhau, điều đó không làm tôi ngạc nhiên. Giữa những gián điệp có những bức tường lớn, thiết lập sao cho họ không biết nhau. Không ai thực sự biết những điệp viên khác là ai, đang làm việc gì hay làm việc cho ai. Tôi không nghĩ đó là điều bất thường.


BBC: Trở lại với tựa đề của cuốn sách 'The Spy Who Did not Love Us. Ông có thể nói thêm về việc ông Ẩn không yêu người Mỹ?


Luke Hunt: Tôi đã nói về điều này ở cuối cuốn sách. Trận Ấp Bắc, năm 1962, là trận chiến mà phe cộng sản đã thắng Miền Nam và các cố vấn Mỹ lớn nhất. Đó là một trận đánh lớn. Hà Nội sau đó đã ban hai huân chương dũng cảm. Một huân chương cho người chỉ huy chiến trường, huân chương còn lại cho Phạm Xuân Ẩn, một phóng viên. Tôi nghĩ chúng ta không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của ông Ẩn trong cuộc chiến. Ông Ẩn có thể thích nhiều điều về nước Mỹ, nhưng ông ấy không hề yêu chúng ta. Trong suốt cuộc chiến, trước 1975, không ai có thể đặt dấu hỏi về sự trung thành của Ẩn với phía miền Bắc, với mục đích đánh bại quân đội Mỹ. Như tôi đã nói, ông Ẩn đưa tin giả mạo để giúp Bắc Việt thắng trận. Sau năm 1975, không phải là ông Ẩn không trung thành nữa, mà ông thất vọng và không thích sự nặng tay của Cộng sản với nhiều thành phần và nhiều vấn đề trong xã hội.


Tác giảLuke Hunt ra cuốn 'The Punji Trap: Pham Xuan An - The Spy Who Didn't Love Us', đầu tháng 2/2018, gọi Phạm Xuân Ẩn là 'Điệp viên không hề yêu quý chúng ta', như để bác bỏ cách nhìn của Thomas Bass.


Chúng tôi sẽ giới thiệu phỏng vấn của Tina Hà Giang với tác giả Larry Berman, người viết cuốn 'Perfect Spy: The Incredible Double Life of Pham Xuan An, Time Magazine Reporter and Vietnamese Communist Agent' (2008). Bản tiếng Việt của sách đã bị kiểm duyệt nhiều đoạn ở Việt Nam.


Cuộc đời Phạm Xuân Ẩn là 'im lặng, trung thành và tự do'


Tina Hà Giang BBCvietnamese.com 12/4/2018

image039

Image caption Dù được phong thiếu tướng, ông Phạm Xuân Ẩn cũng không được tiếp xúc với báo chí nước ngoài, trong nhiều năm sau 1975


Trả lời BBC, tác giả Larry Berman nói mọi thứ về cuộc đời ông Phạm Xuân Ẩn vẫn là một điều bí ẩn, vì vậy 'tất cả chúng ta có thể làm là suy đoán'.


Nói chuyện với Tina Hà Giang của BBC Tiếng Việt hôm 24/02/2018, tác giả Larry Berman cũng cho biết im lặng, trung thành và tự do là ba biểu tượng về người điệp viên Việt Nam nổi tiếng này.


BBC: Điệp viên Phạm Xuân Ẩn xem cuốn "Perfect Spy: The Incredible Double Life of Pham Xuan An, Time Magazine Reporter and Vietnamese Communist Agent' là phiên bản chính thức của tiểu sử ông ấy. Trước khi làm việc với ông, Phạm Xuân Ẩn đã làm việc với Thomas Bass, nhưng cuối cùng ông ta đã quyết định chỉ làm việc với ông. Theo ông thì tại sao?


Larry Berman: Vâng, dĩ nhiên là tôi biết tại sao. Thực ra, Thomas Bass là người đã sáng tạo ra những thuật ngữ này, rằng tôi là nhà viết 'tiểu sử chính thức,' hoặc là người viết 'tiểu sử được ủy quyền' của Phạm Xuân Ẩn. Thực tế của vấn đề là, tôi là một sử gia. Tôi đã viết hơn 8 cuốn sách về Việt Nam. Tôi đã hỏi Ẩn nhiều năm để được viết cuốn sách về ông ấy, nhưng ông nói không. Nhưng khi đọc cuốn "No Peace, No Honor: Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam'' Phạm Xuân Ẩn nghĩ đó là cuốn sách công bằng và khách quan nhất được viết bởi một người không phải người Việt về tiến trình hòa bình và đàm phán giữa Hà Nội và Henry Kissinger, sau đó Phạm Xuân Ẩn bắt đầu nói chuyện với tôi nhiều hơn về những cuốn sách tôi viết.


Nhưng chỉ đến khi Ẩn phải vào bệnh viện và được cho biết rằng ông chỉ còn sống được khoảng 6 tháng nữa, thì ông mới nói 'OK, tôi muốn câu chuyện của tôi được kể bởi một người không quen biết tôi trong chiến tranh', một sử gia, và là người sẽ công bằng từ cả quan điểm của Mỹ và của Việt Nam. Thomas Bass là một nhà báo, Phạm Xuân Ẩn muốn một nhà sử học viết cuốn sách về mình. Và như một nhà sử học, tôi nghiên cứu một cách có phương pháp hơn. Tôi là người [nước ngoài] đầu tiên viết sách về Phạm Xuân Ẩn, và tôi rất vui là giờ đây có nhiều sách viết về ông ấy từ nhiều góc độ khác nhau.


image040


Bản quyền hình ảnh Larry Berman Image caption Tác giả Larry Berman trong một buổi ra mắt sách


BBC: Ông có thể giải thích thêm về sự khác nhau giữa sách mà sử gia viết và sách mà nhà báo viết?


Larry Berman: Một số bạn thân của tôi là nhà báo. Một số sách hay nhất về Việt Nam được viết bởi các nhà báo, đó là những sách đoạt giải Pulitzer Prize do giới nhà báo viết. Nhưng có hai hoặc ba cuốn sách của báo giới Việt Nam viết về Phạm Xuân Ẩn trước sách của tôi và chúng làm ông ấy xấu hổ. Bạn có thể mua những sách đó ở bất cứ đâu tại Việt Nam. Đại khái nội dung những cuốn sách này là, Phạm Xuân Ẩn là người hoàn hảo, ông ấy là một sự kết hợp của siêu nhân và mọi người hoàn hảo khác trong lịch sử Việt Nam, và điều đó làm cho Ẩn xấu hổ. Ẩn không muốn các nhà báo Việt Nam viết vì ông là một nhà báo, dĩ nhiên ông cũng là gián điệp, nhưng vì ông làm nghề viết báo, ông không nghĩ rằng một nhà báo nên viết câu chuyện của mình, mà sách về ông phải được viết dưới ngòi bút của một sử gia, đó là điều thực sự khiến ông ta chọn tôi.


BBC: Ông không từng làm việc với Phạm Xuân Ẩn trong cuộc chiến, vậy ông gặp ông Ẩn trong trường hợp nào, và tại sao ông muốn viết sách về ông ấy?


Larry Berman: Mãi đến năm 2000 tôi mới gặp Ẩn, vào buổi tối đầu tiên trong chuyến đi đầu tiên của tôi tới Việt Nam, tôi có kể chuyện này trong sách tôi viết. Lúc ấy, tôi thậm chí không biết ông Ẩn là ai, và lại càng chắc chắn không biết mình sẽ viết một cuốn sách về ông ấy. Nhưng chúng tôi ngồi cạnh nhau và ông ấy nói tiếng Anh không giống như bất kỳ người Việt Nam nào có mặt ở đó. Khi Ẩn biết tôi là giáo sư tại Đại học California ở Davis, thì ông ấy cho biết đã từng ở UC Davis. Ông Ẩn đã sống hai năm ở Hoa Kỳ, ông yêu thích California, yêu khoảng thời gian ông sống ở Hoa Kỳ và nguyên buổi tối chúng tôi chuyện trò về thời gian ông ở Mỹ. Sau đó, một người nào nói với tôi rằng người tôi vừa nói chuyện với là Phạm Xuân Ẩn. Ẩn đề nghị gặp tôi vào ngay ngày hôm sau tại quán cà phê Givral, bởi tôi đang soạn một cuốn sách và Ẩn nói với tôi ông biết rất nhiều về chủ đề tôi viết. Đó là thưở ban đầu trong quan hệ của chúng tôi.


BBC: Ông bị ông Ẩn cuốn hút ngay lập tức, hay dần dàmới đánh giá cao con người mà sau này ông chọn làm đề tài cho hẳn một cuốn sách?


Larry Berman: Tôi đã rất tò mò về nhân vật này vì tôi bị cuốn hút bởi tính hai mặt của Phạm Xuân Ẩn, đó là ông thích Mỹ, thích nói về Mỹ, yêu thích báo chí và luôn có vẻ khó chịu khi nói về vai trò gián điệp của ông trong chiến tranh, lúc làm việc cho tạp chí Time. Ai mà không bị hấp dẫn bởi điều đó? Tôi bị lôi cuốn, và tôi tự hỏi ông ấy đã làm thế nào mà sống sót được. Tôi cũng tự hỏi làm sao mà ông ấy có lắm bạn bè Mỹ thế, và cũng bị mê hoặc bởi vai trò của ông ấy trong quá trình hòa giải sau khi chiến tranh kết thúc, tôi thắc mắc làm thế nào mà Đại sứ Hoa Kỳ và Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ phải đến hỏi ý kiến ông ấy, rồi làm sao ông ấy lại trở thành một khách VIP trên tàu USS Vandergrift, chiến hạm đầu tiên của Hoa Kỳ trở lại Việt Nam sau chiến tranh.


image041


Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson và Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu dự hội nghị Mỹ - Nam Việt Nam tại Honolulu ngày 20/7/1968. Vào cuối tháng 3/1974, bản phác thảo ông Phạm Xuân Ẩn gửi cho Bộ Chính trị ở Hà Nội nói rằng người Mỹ sẽ không bao giờ trở lại, đưa đến quyết định tổng tiến công của Miền Bắc vào Nam


BBC: Tác giả Thomas Bass gọi Phạm Xuân Ẩn là một gián điệp tứ trùng. Ông có đồng ý với nhận định này?


Larry Berman: Thomas Bass làm gì có bằng chứng nào về việc đó. Tôi đã thảo luận về điều này trong cuốn sách của tôi. Thực ra Phạm Xuân Ẩn đã được CIA và vài cơ quan khác tuyển dụng, nhưng đó chỉ là vì họ thấy ông ta là một nhà báo người Việt Nam làm việc cho tạp chí Time. Ẩn nói với tôi rằng anh ta đã hỏi ý cấp trên xem có nên nhận việc của CIA không. Nhưng vai trò của ông Ẩn rất quan trọng cho sự thành công chiến lược của cộng sản, và làm việc với CIA quả là điều quá nguy hiểm.


Họ đã cắm được điệp viên hoàn hảo này vào tạp chí Time, với quyền truy cập vào cơ quan tình báo Mỹ, cơ quan tình báo VNCH, bạn thân nhất của ông ta là Giám đốc cơ quan tình báo của Nam Việt Nam, người có thể liên lạc với quân đội Nam Việt Nam. Họ không cần ông phải tăng nguy cơ bị khám phá bằng cách làm gián điệp cho người Pháp, người Anh, hoặc người Mỹ.


Với Thomas Bass, hoặc bất cứ ai tuyên bố rằng Phạm Xuân Ẩn là một gián điệp tứ trùng hoặc thậm chí nhị trùng, tôi sẽ hỏi họ là bằng chứng của bạn đâu? Là một học giả, tôi thấy không có bằng chứng gì cho thấy Ẩn làm việc cho bất kỳ cơ quan tình báo nào khác.


Bạn biết đấy, Ẩn có nghĩa là bí mật. Tên ông Ẩn là cuộc đời ông ấy phải không? Mọi thứ về Phạm Xuân Ẩn là một điều bí ẩn. Và cho đến khi các hồ sơ chính thức đang được chính phủ Việt Nam niêm phong tại Hà Nội được bạch hóa, không ai trong chúng ta sẽ biết sự thật, vì vậy tất cả chúng ta có thể làm là suy đoán. Suy đoán của tôi khác hẳn với hai tác giả khác viết về Phạm Xuân Ẩn.


BBC: Ông đánh giá tình bạn của Phạm Xuân Ẩn với Đại Tá Phạm Ngọc Thảo và ông Trần Kim Tuyến như thế nào?


Larry Berman: Với Phạm Ngọc Thảo, tôi không có nhiều thông tin, nhưng bác sĩ Trần Kim Tuyến thì tôi khá rõ. Dĩ nhiên, Ẩn và bác sĩ Tuyến đã có mối quan hệ ngay cả trước khi ông Ẩn đến Hoa Kỳ vào năm 1959, và đó là chuyện hấp dẫn nhất trong cuộc đời của ông, tôi nghĩ vậy. Chuyện ông Ẩn được Việt Minh tuyển chọn từ hồi rất nhỏ, chuyện Edward Lansdale, tiền thân của CIA tài trợ cho chuyến đi của Ẩn đến Hoa Kỳ, sắp xếp cho ông ta đi đến Orange Coast College, California để học báo chí. Đây là một kế hoạch tuyệt vời mà Việt Minh đã tạo ra từ nhiều năm trước khi quân Mỹ đến Việt Nam, vì họ nhận ra rằng việc Mỹ đến Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Mỹ không hề nghi ngờ gì. Vì vậy, Ẩn được gửi đến Mỹ để trở thành Mỹ hóa, học ngành báo chí, bởi vì đó là ngụy trang hoàn hảo nhất, ít rủi ro nhất so với những nghề khác mà Ẩn có thể chọn.


Sau khi học xong báo chí ở Hoa Kỳ, ông Phạm Xuân Ẩn trở về Việt Nam năm 1961, trong một giai đoạn hết sức khó khăn, lúc chính quyền Ngô Đình Diệm đang bắt giam rất nhiều Việt Cộng. Phạm Xuân Ẩn nương náu tại nhà ông Tuyến khoảng 30, 35 ngày, vì sợ bị mật vụ của ông Diệm bắt nhốt. Bác sĩ Trần Kim Tuyến là người đã giúp ông Ẩn tìm được việc làm đầu tiên trong làng báo Việt Nam, rồi từ đó họ trở thành bạn. Bác sĩ Tuyến thực sự đã giúp đỡ nhiều người Bắc Việt bị giam trong tù.


Dĩ nhiên sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt tháng 4 năm 1975, Phạm Xuân Ẩn là người đã cứu mạng bác sĩ Trần Kim Tuyến bằng cách giúp ông ta trốn khỏi Việt Nam. Ẩn luôn luôn nói rằng ông làm thế vì tình bạn. Tôi thì tôi ngờ rằng ông ấy làm điều đó vì họ là bạn cũng có, và cũng bởi vì, và đây là điều rất quan trọng, cả hai đều biết nhiều bí mật về nhau. ''Giả thuyết của tôi là, Ẩn sợ nếu bác sĩ Tuyến bị bắt, ông ta sẽ bị tra tấn và sẽ tiết lộ những điều về Ẩn mà Ẩn không muốn lộ ra, như việc ông đã cứu mạng sống của nhiều người Mỹ trong chiến tranh, bảo vệ bạn bè người Mỹ. Cộng sản rất tức giận về việc Ẩn giúp bác sĩ Tuyến trốn thoát, đó là một trong những lý do khiến ông Ẩn bị bắt phải cải tạo.'


vào cuối tháng ba năm 1974, bản phác thảo ông Ẩn gửi cho Bộ Chính trị ở Hà Nội nói rằng người Mỹ sẽ không bao giờ trở lại, họ sẽ không bao giờ trở lạiLarry Berman


Tất nhiên Phạm Xuân Ẩn không phải vào những trại tù cải tạo lao động như người miền Nam, nhưng họ cố gắng cải tạo lại suy nghĩ của ông ấy. Ông ta không còn tư duy của một người cộng sản nữa, vì đã tiếp xúc với cách suy nghĩ và giáo dục về báo chí của người Mỹ. Ông tin vào một nền báo chí tự do, thế mới chết! Và với những người cộng sản, đó là những ý tưởng phải được xóa sạch ngay ra khỏi tâm trí.


Và theo lời Ẩn nói, thì nó (chương trình cải tạo) không hiệu quả, vì vậy vợ ông đã được triệu hồi về nhà, và trong 7 hoặc 8 năm tiếp theo, ông Ẩn ở trong tình trạng chỉ có thể mô tả là bị quản thúc tại gia, không được phép tiếp khách. Đó là một khoảng thời gian rất đen tối trong cuộc đời ông Ẩn. Vì vậy, lý do thật sự tại sao ông Ẩn đã cứu mạng ông Tuyến, một lần nữa, chúng ta chỉ có thể suy đoán. Sau này may ra mới biết được sự thật.


BBC: Vậy theo ông bác sĩ Trần Kim Tuyến và ông Phạm Xuân Ẩn, người này có biết người kia là gián điệp không?


Larry Berman: Tôi nghĩ họ biết. Tất nhiên đó chỉ là suy đoán của tôi, nhưng tôi nghĩ bác sĩ Tuyến biết nhiều điều về Ẩn và Ẩn biết nhiều điều về bác sĩ Tuyến để người nọ có thể biết người kia trung thành với ai. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ biết chắc cho đến khi hồ sơ được bạch hoá.


BBC: Ông có nghĩ ông Phạm Xuân Ẩn rất cay đắng sau năm 1975, khi ông không được phép theo gia đình sang Mỹ, mà bị cải tạo và dường như không được chính quyền cộng sản tin tưởng?


Larry Berman: Ông Ẩn nói với tôi nhiều về chuyện này. Không, họ không biết ông ấy là ai. Họ không tin tưởng ông ấy. Họ không cho phép ông ấy qua Mỹ. Ông ấy có rất nhiều ảnh hưởng, biết quá nhiều bí mật. Ông Ẩn chấp nhận một thỏa thuận. Thỏa thuận ấy là họ sẽ cho phép con trai đầu lòng của ông đi học ở Hoa Kỳ để lấy bằng luật. Bạn bè của Ẩn từ tạp chí Time quyên góp được 30.000 đôla để tài trợ cho việc đó, và ngược lại, ông Ẩn hứa sẽ im miệng, sẽ không công bố này nọ... Ông ấy chấp nhận số phận mình.


Bởi vì ông Ẩn tin rằng đó (đi du học) là điều quan trọng cho cuộc đời, bởi vì chính ông đã có kinh nghiệm là một người Việt Nam được ra nước ngoài học tập, tiếp xúc với cách suy nghĩ mới, tiếp cận mới, sau đó trở về Việt Nam phục vụ đất nước. Đó là những gì ông đã làm. Ông Ẩn tin rằng mình là một mô hình tuyệt vời cho người trẻ Việt Nam, và quả thực, trong nhiều khía cạnh, tôi nghĩ đúng là như vậy. Ông ấy có một sứ mệnh. Nhiệm vụ của ông là đẩy quân đội nước ngoài, trong trường hợp này là người Mỹ, ra khỏi Việt Nam. Ông Ẩn rất lý tưởng. Ông hình dung ra nước Việt Nam sẽ như thế nào sau khi thống nhất. Vì vậy, ông đã trở lại Việt Nam sau khi học xong, hoàn thành nhiệm vụ của mình và làm việc để hòa giải. Khoảng 50 trang sách của tôi được dành cho vai trò của ông trong quá trình hòa giải mà hầu như không ai nói đến.


BBC: Có ý kiến cho rằng, các tác giả ngoại quốc có khuynh hướng đánh giá quá cao vai trò của Phạm Xuân Ẩn trong Chiến tranh Việt Nam. Tựa đề như 'người Điệp Viên xoay chuyển tình thế cuộc chiến Việt Nam' có thể nghe rất hấp dẫn, nhưng có quá lời không, chắc chắn phải có những điệp viên khác ngoài Phạm Xuân Ẩn?


Larry Berman: Phạm Xuân Ẩn đã tham gia vào trận Tết Mậu Thân, và thực sự đã giúp xác định những điểm an toàn, tiếp cận đại loại như vậy, nhưng ông không thay đổi cục diện cuộc chiến. Nơi duy nhất mà ông ta tạo thay đổi, nói cách khác, ảnh hưởng lớn nhất của ông là vào năm 1962. Tường trình của ông về Ấp Bắc, thực sự ảnh hưởng đến, và đưa đến cho Việt Minh một cách mới suy nghĩ về lực lượng chống nổi dậy.


Và sau đó, vào cuối tháng ba năm 1974, là bản phác thảo ông Ẩn gửi cho Bộ Chính trị ở Hà Nội, nói rằng người Mỹ sẽ không bao giờ trở lại, họ sẽ không bao giờ trở lại. Các lực lượng phe cộng sản lúc đó đã phải chịu những tổn thất nặng nề và gần như kiệt quệ trong cuộc chiến năm 1972. Kế hoạch của họ lúc ấy là chuẩn bị thống nhất vào năm 1978, nhưng Phạm Xuân Ẩn nói, 'không, không, không, chúng ta có thể làm ngay bây giờ. Người Mỹ không bao giờ trở lại, cho kẹo họ cũng sẽ không trở lại. Tình hình chính trị Mỹ ở Hoa Kỳ sẽ không hỗ trợ chiến tranh.'


Ông Ẩn giải thích vụ Watergate, và điều đó đã khiến bộ chính trị đẩy mạnh kế hoạch thống nhất đất nước nhanh hơn được hai hoặc ba năm. Tôi thực sự nghĩ rằng, đó là lý do Ẩn được trao huy chương quân sự, và cuối cùng được thăng lên cấp Tướng. Đó bản báo cáo quan trọng nhất của chiến tranh Việt Nam. Có hàng trăm gián điệp cộng sản thời ấy, nhưng Phạm Xuân Ẩn trở nên nổi tiếng nhất, vì vai trò của ông trong việc gắn bó với tạp chí Time, và tình bạn ông có với tất cả mọi người, chứ không chỉ trong giới nhà báo. Ông Ẩn đã đánh lừa tất cả mọi người. Các nghĩa trang đầy rẫy điệp viên đã bị giết trong chiến tranh. Câu chuyện của ông Ẩn thật thú vị vì ông ấy sống sót.


BBC: Nếu chỉ dùng vài chữ để mô tả Phạm Xuân Ẩn ông sẽ nói gì?


Larry Berman: Tôi sẽ mô tả ông Ẩn thế này. Ẩn có ba biểu tượng mô tả cuộc đời của mình. Đó là ba con: cá, chó và chim, và mỗi con tượng trưng cho một giai đoạn trong đời ông ấy. Cá: bởi vì cá không bao giờ nói chuyện. Chó: vì chó trung thành, dù chủ có nhiều hay ít tiền, chúng vẫn luôn ở bên cạnh, và chim: bởi vì chim bay rất tự do, rất tự do, rất tự do...


Tác giả Larry Bermanviết cuốn 'Perfect Spy: The Incredible Double Life of Pham Xuan An, Time Magazine Reporter and Vietnamese Communist Agent' (2008). Bản tiếng Việt của sách đã bị kiểm duyệt nhiều đoạn ở Việt Nam.

29 Tháng Mười Một 2022(Xem: 1887)