Carl Thayer nhận định việc VN bắt giữ Phạm Đoan Trang

15 Tháng Mười 20209:23 SA(Xem: 6099)

VĂN HÓA ONLINE - VIỆT NAM - THỨ NĂM 15 OCT 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Carl Thayer nhận định việc Việt Nam bắt giữ Phạm Đoan Trang


Tina Hà Giang


BBC 15/10/2020

image013

Nhận định với BBC News Tiếng Việt về việc nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt giam, GS Carl Thayer thổ lộ là ông không ngạc nhiên, nhưng 'hoàn toàn sửng sốt' về thời điểm sự kiện này xảy ra.


GS Carl Thayer: Khi nghe tin, tôi không ngạc nhiên về việc Đoan Trang bị bắt, vì cô ấy từng đụng độ với công an từ năm 2018, không chỉ rất nhiều ấn phẩm của cô, mà còn những chỉ trích của cô về cách đưa tin của Việt Nam về diễn tiến sự kiện xảy ra tại Đồng Tâm vào tháng Giêng. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn sửng sốt về thời điểm Việt Nam bắt giữ cô ấy, chỉ vài giờ sau khi kết thúc Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ.


BBC: Giáo sư nghĩ gì về việc Đoan Trang bị bắt giữ ngay tại thời điểm này? Đó là điều ngẫu nhiên, hay để gửi một thông điệp đến Mỹ, và nếu thế, thông điệp đó là gì?


GS Carl Thayer: Có hai kết luận chính mà chúng ta có thể rút ra về vụ bắt giữ Phạm Đoan Trang chỉ vài giờ sau khi Đối thoại Nhân quyền Việt Nam - Hoa Kỳ kết thúc. Thứ nhất là Việt Nam đã kiềm chế việc bắt giữ cô trước cuộc đối thoại nhân quyền để không kích động phản ứng của Hoa Kỳ. Thứ hai, việc Đoan Trang bị bắt nhanh chóng sau cuộc đối thoại là một dấu hiệu cho thấy một thành phần có ảnh hưởng trong bộ an ninh quốc gia của Việt Nam vẫn không tin tưởng Hoa Kỳ và khó chịu khi họ nghi ngờ Hoa Kỳ có bất cứ thái độ nào bị cho là xen vào nội bộ của Việt Nam.


Trong bối cảnh này, chúng ta cần lưu ý rằng ba Đại biểu Quốc hội Hoa Kỳ - Zoe Lofgren, Harley Rouda và Alan Lowenthal, tất cả đều là đảng viên Dân chủ từ California, cùng với cộng đồng người Mỹ gốc Việt - đã viết thư cho Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 2/10, trước cuộc đối thoại nhân quyền, yêu cầu ông nêu ra trường hợp ông Nguyễn Bắc Truyển, nhà hoạt động ủng hộ dân chủ hiện đang bị giam cầm.


Ngoài ra, vào ngày 2/10, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ thông báo sẽ bắt đầu hai cuộc điều tra, một điều tra liên quan đến việc Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ và điều tra khác liên quan đến việc Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam nhập khẩu và sử dụng gỗ bị xẻ và buôn bán trái phép.


BBC: Có người cho rằng Việt Nam bắt Đoan Trang để thử phản ứng của Mỹ, đặc biệt là của Daniel Kritenbrink , Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Ông nghĩ gì về nhận định này?


GS Carl Thayer: Việt Nam rất thành thạo trong việc tận dụng những khác biệt trong Chính phủ Hoa Kỳ. Một mặt, Tổng thống Donald Trump và các quan chức Nhà Trắng tỏ ra ít quan tâm đến nhân quyền ở Việt Nam. Họ chủ yếu quan tâm đến các vấn đề thương mại và muốn Việt Nam làm đối tác chiến lược trong chiến dịch chống Đảng Cộng sản Trung Quốc của Pompeo. Trong vài năm qua, Quốc hội và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bắt đầu chỉ nêu vấn đề nhân quyền với một số quốc gia.


Việc Việt Nam bắt giữ Đoan Trang cho thấy mâu thuẫn giữa một bên là Tổng thống và Nhà Trắng, một bên là các dân biểu và các thành phần của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Hành động của Việt Nam cũng đặt ra một tình huống khó xử cho Đại sứ Daniel Kritenbrink, người phải cân bằng giữa việc thúc đẩy các giá trị của Mỹ với nỗ lực mời gọi Việt Nam tham gia nỗ lực chống Trung Quốc của Ngoại trưởng Pompeo. Điều thứ hai có thể sẽ không còn là vấn đề, nếu đúng như tin đồn, Kritenbrink sẽ từ chức vai trò Đại sứ Hoa Kỳ.


image014Nguồn hình ảnh, Bạn của Đoan Trang cung cấp cho BBC. Chụp lại hình ảnh. Đoan Trang trong một chuyến du hành cùng mẹ


BBC: Việc bắt giữ Đoan Trang, theo ông, sẽ ảnh hưởng thế nào đến ấn tượng của thế giới về quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam? Theo ông, Hà Nội có quan tâm thế giới nghĩ gì về họ không?


GS Carl Thayer: Việc Việt Nam bắt giữ Đoan Trang đã làm dấy lên cơn thịnh nộ của tất cả những tổ chức quen thuộc - Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Bảo vệ Người bảo vệ, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, v.v.


Việt Nam chủ yếu lo ngại là phản ứng của các chính trị gia ở Châu Âu Nghị viện và các cơ quan lập pháp ở các nền dân chủ tự do (Úc, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Na Uy, Hoa Kỳ, v.v.) có thể ảnh hưởng đến quan hệ thương mại và giao thương như thế nào. Và tất nhiên, Việt Nam cũng lo ngại về tác động của các hoạt động nhân quyền trong nước đối với uy tín quốc tế của mình.


Tuy nhiên, Việt Nam đã quen với việc hứng chịu những lời chỉ trích của quốc tế về hồ sơ nhân quyền và việc bắt giữ Đoan Trang trong bối cảnh đại dịch virus corona đang hoành hành trên toàn cầu, sẽ không gây tác động tiêu cực lớn nào đến Việt Nam. Trong khi số ngày làm Chủ tịch ASEAN đã sắp hết, Việt Nam vẫn sẽ phục vụ thêm một năm nữa trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.


BBC: Ông giải thích thế nào về việc Việt Nam ngày càng bắt giữ nhiều người bất đồng chính kiến trong vài năm gần đây?


GS Carl Thayer: Sự tăng trưởng kinh tế đáng kể của Việt Nam và việc mạng lưới Internet trở nên thông dụng trong cộng đồng nói chung, đã tạo ra một làn sóng hoạt động chính trị trên truyền thông xã hội. Điều này đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình và phản đối công khai hơn về nhiều vấn đề khác nhau, từ môi trường, tham nhũng, đến Trung Quốc và Biển Đông.


Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã ưu tiên cho chiến dịch chống tham nhũng nhằm nâng cao tính chính danh chính trị của mình. Đảng CSVN không chấp nhận bất cứ thách thức nào về thể chế độc đảng của mình, và việc bùng nổ các cuộc biểu tình phản đối Luật Đặc khu hành chính kinh tế và Luật An ninh mạng hai năm trước là một bước ngoặt. Các cơ quan an ninh Việt Nam đã hành động một cách có phương pháp và hệ thống để trấn áp các cá nhân và nhóm thách thức quyền lực của họ.


BBC: Ông nghĩ thời điểm Đoan Trang bị bắt có liên quan gì đến cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ không?


GS Carl Thayer: Đúng vậy, rất có thể việc các quan chức Việt Nam tính toán là nên bắt Đoan Trang sớm hơn thay vì trễ, vì chính quyền Trump và các thành viên Quốc hội sẽ tập trung hoàn toàn vào cuộc bầu cử ngày 3/11, chưa kể đến việc lấp ghế trống cho Tối cao Pháp viện. Chính quyền mới sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 năm tới và việc Đoan Trang bị bắt lúc đó sẽ là tin cũ.


Các nhà lãnh đạo của Việt Nam có lẽ ủng hộ việc Trump tái đắc cử với tiền đề "ma quen hơn quỷ lạ". Nếu Biden thắng và đảng Dân chủ giành được quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam có nhiều khả năng bị giám sát chặt chẽ hơn là dưới thời Chính quyền Trump trong nhiệm kỳ thứ hai.


BBC: Thế còn việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang họp đại hội lần thứ 13 có liên quan gì đến việc Đoan Trang bị bắt không?


GS Carl Thayer: Đoan Trang bị bắt trong khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang họp đại hội lần thứ 13 (5-9/10). Đại hội đã nhất trí bổ sung các nội dung hoàn thiện cho các văn bản chính sách quan trọng, chẳng hạn như Báo cáo chính trị và các kế hoạch kinh tế - xã hội khác nhau, để đưa ra lấy ý kiến công chúng trước khi triệu tập đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13 vào đầu năm sau. Các nhà lãnh đạo của Việt Nam muốn kiểm soát tối đa quá trình này để tạo ra sự ủng hộ gần như nhất trí của công chúng đối với các chính sách của đảng.


Đại hội 13 của Trung ương đảng cũng đã thông qua danh sách các ứng cử viên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, trong đó có một nhóm các ứng cử viên thuộc khối công an. Nhiều tháng trước Hội nghị Trung ương 13, số thứ trưởng của Bộ Công an đã được mở rộng lên thành chín người.


Bộ Công an là cơ quan trung ương, tổ chức đại hội đảng bộ riêng để chọn đại biểu dự đại hội toàn quốc. Rõ ràng là từ sự việc ở Đồng Tâm vào tháng Giêng, các quan chức công an rất nhạy cảm với chỉ trích của công chúng về hành động của họ trong việc cử một lực lượng 3.000 cảnh sát đến bắt giữ những người biểu tình trong làng. Sự can thiệp của cảnh sát đã dẫn đến cái chết của ba người cảnh sát và một cựu quan chức làng lớn tuổi trong hoàn cảnh vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy, việc Đoan Trang là tác giả của các bài báo chất vấn thông tin chính thức của công an về sự việc Đồng Tâm đã khiến cô trở thành mục tiêu chính bị đàn áp.

29 Tháng Mười Một 2022(Xem: 1885)