Trong vòng 20 năm, Việt Nam nhận gần hai tỷ đô từ Mỹ

23 Tháng Mười Hai 20208:12 SA(Xem: 7859)

VĂN HÓA ONLINE - VIỆT NAM - THỨ TƯ 23 DEC 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Trong vòng 20 năm, Việt Nam nhận gần hai tỷ đô của Mỹ


Dù phải chống đỡ đại dịch, Mỹ vẫn cấp 170 triệu đô la trợ giúp Việt Nam


Tính chung trong 20 năm trở lại đây, Mỹ cung cấp tổng cộng tới 1,8 tỷ đô la để hỗ trợ cho Việt Nam trong các vấn đề nhân đạo, y tế và phát triển.


VOA 23/12/2020


image014Mỹ và Việt Nam ngày càng đẩy mạnh các chương trình khắc phục hậu quả chiến tranh và hòa giải.


Gói cứu trợ đại dịch Covid-19 trị giá 900 tỷ đô la được lưỡng viện quốc hội Mỹ thông qua trong đêm 21/12 có điều khoản về viện trợ gần 170 triệu đô la cho Việt Nam.


Ít giờ trước khi bỏ phiếu, quốc hội Mỹ công bố nội dung đạo luật về gói cứu trợ dài gần 5.600 trang. Trong đó, theo tìm hiểu của VOA, hai trang 1.475 và 1.476 quy định rằng Việt Nam được nhận các khoản viện trợ tổng cộng là 169.739.000 đô la.


Không liệt kê chi tiết từng hạng mục viện trợ mà Việt Nam sẽ được nhận, song điều khoản này nêu bật 3 mục.


Thứ nhất, 14,5 triệu đô la sẽ được phân bổ cho các chương trình chăm sóc y tế và trợ giúp người có khuyết tật nặng cả về cử động cơ thể lẫn về nhận thức hay phát triển trí não ở những khu vực của Việt Nam từng bị phun rải chất Da cam và bị ô nhiễm dioxin.


Mục thứ hai là khoản tiền 19 triệu đô la dành cho các hoạt động liên quan đến khắc phục các địa điểm bị ô nhiễm dioxin ở Việt Nam. Số tiền này có thể được cấp theo hình thức viện trợ cho chính phủ Việt Nam, bao gồm cả quân đội, để phục vụ cho mục đích vừa nêu.


Thứ ba, 2,5 triệu đô la sẽ được cấp cho một chương trình hòa giải những vấn đề hậu quả chiến tranh.


Cách đây 1 năm, các đại diện chính phủ hai nước Việt Nam và Mỹ chính thức khởi động dự án chung lớn nhất tính đến nay về xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.


Theo kế hoạch, dự án được thực hiện trong 10 năm để khôi phục môi trường cho sân bay và khu vực lân cận. Chính phủ Mỹ cam kết 300 triệu đô la cho dự án này.


Về viện trợ trong các lĩnh vực khác, trang web của USAID cho biết từ đầu năm 2020 cho đến tháng 10, Mỹ đã viện trợ 134 triệu đô la cho Việt Nam trong một loạt các chương trình trợ giúp về môi trường, nhân đạo, phòng chống dịch bệnh, cải cách luật pháp-thể chế…


Riêng trong hai năm 2018 và 2019, con số tiền viện trợ của USAID dành cho Việt Nam lần lượt là 164 và 176 triệu đô la.


Tính chung trong 20 năm trở lại đây, Mỹ cung cấp tổng cộng tới 1,8 tỷ đô la để hỗ trợ cho Việt Nam trong các vấn đề nhân đạo, y tế và phát triển.


Gần đây nhất, hồi đầu năm nay, Mỹ giúp chính phủ Việt Nam gần 3 triệu đô la để phòng chống đại dịch Covid-19.


Tiếp đó, hôm 1/5/2020, một thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Việt Nam sẽ được nhận tổng số tiền viện trợ là 9,5 triệu đô la nhằm ứng phó với dịch Covid-19, trong đó bao gồm 5 triệu đô la dành cho quỹ hỗ trợ kinh tế.


image015Điện Capitol vào thời điểm các nhà đàm phán đạt thỏa thuận về gói cứu trợ 900 tỉ đô la, 20/12/2020


TT Trump đe dọa về gói cứu trợ 900 tỉ


Mặc dù đã được quốc hội Mỹ thông qua, đạo luật về cứu trợ Covid-19 còn phải được Tổng thống Trump ký mới có hiệu lực.


Tuy nhiên, tối 22/12 theo giờ thủ đô Washington, tức sáng 23/12 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Trump công bố một đoạn video trên Twitter, trong đó, ông đề nghị phải sửa đổi đạo luật, làm cho số phận của gói cứu trợ trở nên bấp bênh.


Các hãng tin Mỹ bao gồm cả CNBC và FOX trích lời ông Trump nói rằng ông đề nghị quốc hội sửa đổi đạo luật để nâng mức cứu trợ từ 600 đô la lên 2.000 hoặc 4.000 đô la cho mỗi cặp vợ chồng.


Tổng thống Mỹ cũng đề nghị quốc hội loại bỏ các hạng mục mà ông gọi là “lãng phí và không cần thiết” trong đạo luật và gửi lại cho ông một dự luật “phù hợp hơn”. Hãng Bloomberg bình luận rằng dường như tổng thống có hàm ý về các khoản viện trợ cho nước ngoài.


Bên cạnh Việt Nam, một số nước khác cũng được đạo luật nêu tên trong các điều khoản về viện trợ nước ngoài.


Đó là gần 506 triệu đô la cho nhóm 7 nước vùng Trung Mỹ-Caribê, 461 triệu cho Colombia, 453 triệu cho Ukraine, 198 triệu cho Bangladesh, 132 triệu cho Georgia, 130 triệu cho Nepal, v.v…