Phạm Chí Dũng : Trung Quốc có tấn công Việt Nam vào thời điểm này ?

02 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 14820)

'VN đã sẵn sàng kiện TQ vụ giàn khoan'

BBC - thứ bảy, 31 tháng 5, 2014

june_03_2014-1

Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng nói VN đã 'chuẩn bị xong' và 'sẵn sàng' kiện TQ.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nói nước này đã 'chuẩn bị' và 'sẵn sàng' có hành động pháp lý kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vụ Giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực Hoàng Sa, theo tờ Bloomberg.

Hôm 30/5/2014, ông Nguyễn Tấn Dũng nói với tờ báo Mỹ Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng 'các bằng chứng' và đang cân nhắc thời điểm để đưa vụ kiện ra quốc tế.

"Việt Nam đã chuẩn bị bằng chứng cho một hành động pháp lý thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi của Việt Nam và đang cân nhắc thời điểm tốt nhất để trình vụ kiện," tờ Bloomberg hôm 31/5 viết.

"Nếu xung đột nổ ra ở Biển Đông, sẽ không có người chiến thắng"

Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng

"Chúng tôi đã chuẩn bị xong và sẵn sàng kiện," ông Dũng được trích thuật nói.

"Nếu xung đột nổ ra ở Biển Đông, sẽ không có người chiến thắng," ông Dũng đưa ra cảnh báo, và cho rằng hai phần ba tổng khối lượng thương mại hàng hải toàn cầu đi qua các tuyến đường ở gần khu vực, vốn rất gần với khu vực mà Trung Quốc hạ đặt và mới đây di chuyển giàn khoan.

Thủ tướng Việt Nam cũng nói với tờ báo Mỹ về việc Việt Nam đang đối phó một số thiệt hại kinh tế mà do cuộc tranh cãi từ vụ giàn khoan của Trung Quốc gây ra.

"Tranh cãi trên biển với Trung Quốc đã tác động một số lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên chúng tôi đã tiến hành một số biện pháp thích hợp để đối phó," ông Dũng được trích lời nói thêm.

'Đang cân nhắc'

june_03_2014-2

Trang mạng chính phủ Việt Nam cũng dẫn lời ông Dũng nói VN 'đang cân nhắc' kiện TQ.

Hôm thứ Bảy, cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam tại địa chỉ Chinhphu.vn cũng đưa tin tức về phát ngôn của ông Nguyễn Tấn Dũng trả lời tờ Bloomberg.

"Liên quan đến vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: hành động của Trung Quốc vừa qua đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định ở khu vực.

"Việt Nam kiên quyết đấu tranh và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển chủ quyền của mình. Việt Nam cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam."

"Riêng về giải pháp đấu tranh pháp lý, Thủ tướng cho biết chúng ta đã chuẩn bị hàng chục năm nay, còn thời điểm nào hợp lý thì Bộ Chính trị sẽ quyết định"

Tờ VnEconomy 29/5

Trang mạng của Chính phủ Việt Nam cũng cho hay Việt Nam "đang cân nhắc" giải pháp hành động pháp lý chống Trung Quốc.

"Trả lời các câu hỏi liên quan đến quan điểm, cách thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Đảng và Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Việt Nam đã và sẽ làm hết sức để bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình bằng biện pháp hòa bình, vì độc lập, chủ quyền của tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế là một biện pháp hòa bình. Lãnh đạo Việt Nam đang cân nhắc giải pháp này", trang tin Chinhphu.vn viết.

Phát biểu của Thủ tướng Việt Nam với tờ Bloomberg được đưa ra chỉ bốn ngày sau khi một tàu cá của ngư dân Việt Nam bị một tàu Trung Quốc đâm chìm ở khu vực Hoàng Sa mà Trung Quốc đang hạ đặt và di chuyển giàn khoan Hải Dương 981.

Thông điệp của ông Dũng cũng được đưa ra vào thời điểm khai mạc diễn đàn Đối thoại về an ninh khu vực Shangri-La 13 diễn ra tại Singapore nơi mà Nhật Bản, Hoa Kỳ bên cạnh một số các quốc gia khác, đã có những phát biểu phê phán trực tiếp hoặc gián tiếp Trung Quốc 'vi phạm luật pháp' quốc tế và gây 'mất ổn định', 'căng thẳng' về an ninh trong khu vực.

'Bộ chính trị quyết'

june_03_2014-3

Bộ trưởng Quốc phòng VN kêu gọi quân đội hai bên kiềm chế, tránh chiến tranh.

Trước đó, hôm 29/5, Thủ tướng Việt Nam nói tại một phiên họp thường kỳ của nội các Chính phủ do ông đứng đầu rằng thời điểm kiện Trung Quốc sẽ do Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định.

"Thủ tướng cho biết, hiện Bộ Chính trị chỉ đạo phải tiếp tục đấu tranh bằng biện pháp hoà bình, đúng theo luật pháp quốc tế," ông Dũng được tờ VnEconomy dẫn lời hôm thứ Năm nói.

"Riêng về giải pháp đấu tranh pháp lý, Thủ tướng cho biết chúng ta đã chuẩn bị hàng chục năm nay, còn thời điểm nào hợp lý thì Bộ Chính trị sẽ quyết định."

"Tôi cho rằng, quân đội hai nước phải hết sức kiềm chế, tăng cường hợp tác với nhau, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động không để có những hành động ngoài tầm kiểm soát"

Tướng Phùng Quang Thanh

Hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Tướng Phùng Quang Thanh, đã lên tiếng tại diễn đàn Shangri-La 13.

Ông Thanh đánh giá quan hệ giữa Việt Nam và 'nước bạn láng giềng' Trung Quốc vẫn 'tốt đẹp' nhưng kêu gọi Trung Quốc 'rút giàn khoan' 981 ra khỏi khu vực đang căng thẳng ở Hoàng Sa, đồng thời ngồi xuống 'cùng đối thoại' với Việt Nam để giải quyết tình hình.

"Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng như sự việc ngày 01/05/2014, Trung Quốc đã đơn phương hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đã gây bức xúc cho Nhân dân Việt Nam, gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế," ông Thanh nói trong bài phát biểu.

"Tôi cho rằng, quân đội hai nước phải hết sức kiềm chế, tăng cường hợp tác với nhau, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động không để có những hành động ngoài tầm kiểm soát. Quân đội hai nước phải thể hiện vai trò tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước xử lý thỏa đáng vấn đề một cách bình tĩnh, kiên trì, để không xảy ra xung đột, càng không để xảy ra chiến tranh," Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nói thêm./

+++++++++++++++++++

Phạm Chí Dũng : Trung Quốc có tấn công Việt Nam vào thời điểm này ?

june_03_2014-4

 

++++++++++++++++++++++

 

RFI - Thứ sáu 30 Tháng Năm 2014

Phạm Chí Dũng : Trung Quốc có tấn công Việt Nam vào thời điểm này ?

june_03_2014-6

Quân đội Trung Quốc không ngừng được hiện đại hóa, với ngân sách quốc phòng sẽ tăng mỗi năm gần 20%.

Reuters

Thụy My

Đã gần một tháng, giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 của Trung Quốc vẫn ngang nhiên hiện diện tại vùng biển Hoàng Sa thuộc vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hàng trăm tàu quân sự trong đó có những tàu hộ vệ tên lửa và tàu cá giả dạng của Bắc Kinh, cùng với máy bay trinh sát hàng ngày hung hãn tấn công, đe dọa các tàu Việt Nam. Trong lúc Biển Đông dậy sóng, những hình ảnh trên mạng cũng hé lộ việc Trung Quốc rầm rộ chuyển quân về phía biên giới Việt-Trung.

Các động thái này khiến mọi người không thể không đặt ra câu hỏi : Liệu chế độ Bắc Kinh sẽ lại tấn công quân sự vào Việt Nam như đã tiến hành vào năm 1979 ?

RFI Việt ngữ đã đặt vấn đề này với nhà bình luận Phạm Chí Dũng, cựu sĩ quan quân đội ở Thành phố Hồ Chí Minh.

RFI : Thân chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 đã làm nổi sóng dư luận, với một câu hỏi thẳng thừng, mà về phương diện quân sự là thứ bậc cao nhất trong phòng vệ quốc gia: Liệu Trung Quốc có tấn công quân sự Việt Nam vào thời điểm này? Nhận định của anh ra sao?

Nhà bình luận Phạm Chí Dũng : Tất nhiên chiến dịch hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 của Trung Quốc trên vùng lãnh hải của Việt Nam không còn mang tính chất như những vụ khiêu khích và gây hấn thông thường như trước đây. Tính chất lần này nghiêm trọng hơn nhiều và cho thấy rõ ràng đây là một bước đi có tính toán của Bắc Kinh, nằm trong một giai đoạn ngắn hạn nhằm phục vụ cho một chiến dịch trung hạn lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam.

Do đó, không phải vô cớ mà những quốc gia gần gũi về lãnh hải với Việt Nam ở khu vực Biển Đông như Nhật Bản, Philippines và cả Hạm đội 7 của Hoa Kỳ vốn chỉ liên quan gián tiếp, đã phải bắn tín hiệu thực sự lo ngại về động thái mở rộng bành trướng của Trung Quốc. Rồi hẳn nhiên một lần nữa - nhưng lần này nghiêm túc hơn nhiều, cả dư luận lẫn giới quan sát Việt Nam và quốc tế đều muốn tìm lời giải cho việc Trung Quốc có thể tấn công Việt Nam vào thời gian này hay không.

Trước hết, chúng ta hãy xem xét những bất lợi đối với chính thể Trung Quốc nếu họ tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào Việt Nam. Theo tôi, có ít nhất một số bất lợi rất đáng kể có thể xảy ra đối với Trung Quốc.

Từ sau cuộc chiến tranh lạnh Mỹ - Liên Xô, thế giới đã tiến vào kỷ nguyên hội nhập và thỏa hiệp với nhau về nhiều mặt, trong đó nổi trội là phương diện buôn bán thương mại song phương và đa phương. Tương quan như thế khiến không một quốc gia có ảnh hưởng nào dám chịu thiệt lớn chỉ đổi lấy cái lợi nhỏ. Một trong số ít những cuộc chiến tranh chấp hải đảo gần đây nhất xảy ra vào năm 1982 giữa người Anh và Achentina ở quần đảo Malvinas, nhưng cũng kết thúc chỉ sau vài tháng. Một chi tiết đáng chú ý là Anh luôn được xem là một trong những nước lớn ở châu Âu và nằm trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Rõ ràng Luân Đôn đã không dám phiêu lưu quân sự.

Còn ở châu Á, Trung Quốc cũng được coi là nước lớn, dù chưa được xếp vào loại siêu cường như Mỹ và Nga. Nhưng Trung Quốc cũng có chân trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và đó là lý do để có thể cho rằng bất kỳ hành động gây hấn hoặc xâm lược nào từ phía Bắc Kinh cũng làm ảnh hưởng đến đại cục địa - chính trị trên thế giới mà các siêu cường khác không thể bỏ qua. Những vụ Trung Quốc gây hấn với Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hay với Philippines về một số đảo nhỏ đã lập tức gặp phải phản ứng mạnh mẽ của không chỉ các quốc gia này mà với cả cộng đồng quốc tế.

Trừ Nhật có lực lượng phòng vệ bờ biển đủ mạnh, Philippines đã phải tính đến việc tìm kiếm một quan hệ tương trợ quốc phòng với người Mỹ để chống lại ý đồ xâm lăng từ Bắc Kinh. Vào tháng 5/2014, họ đã đạt được kết quả khả quan khi thiết lập được hiệp ước tương trợ quốc phòng với Washington, do vậy sẽ hợp thức hóa sự có mặt của Hạm đội 7 của Hoa Kỳ ở vùng lãnh hải Philippines bất cứ khi nào Trung Quốc gây hấn.

Hậu quả mà Bắc Kinh không tính kỹ trước khi hành động xâm chiếm biển đảo chính là chỗ này. Tức là họ đã khiến một số nước nhỏ trong khu vực đang nổi lên khuynh hướng liên kết với nhau theo cách Phong trào không liên kết vào nửa cuối thế kỷ 20 và tìm đến sự trợ giúp của người Mỹ để hạn chế rủi ro. Xu thế này cũng đang diễn ra với Việt Nam.

Ngay sau vụ việc giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, chúng ta có thể thấy là giới lãnh đạo Việt Nam, cho dù một số trong đó vẫn thề thốt “mười sáu chữ vàng” với Trung Quốc, nhưng đã không còn dám xem thường hiểm họa ngoại xâm trước mắt và tương lai mất nước không còn quá xa. Và bất chấp tiếng nói hết sức yếu ớt của 3/4 bộ tứ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng ê-kíp của ông đã tìm đến mối liên minh không chính thức đầu tiên với Philippines và sau đó có thể là một mối quan hệ quân sự ở mức độ nào đó với Hoa Kỳ.

Trung Quốc chưa dám tấn công vào thời điểm này

RFI : Theo anh, hoạt động gây hấn của Trung Quốc gây ảnh hưởng thế nào đến chính sách Biển Đông của Hoa Kỳ ngay vào thời điểm này?

Nếu không can thiệp mà để cho Trung Quốc tự tung tự tác, Mỹ sẽ gặp bất lợi lớn về tự do hàng hải, an toàn hàng hải ở Biển Đông và do đó có thể sẽ bị phá sản phần lớn chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Ai cũng biết rằng Biển Đông có vị trí như một cửa ngõ cho giao thương hàng hải và nếu cần có thể khống chế hoạt động quân sự của cả khu vực phía Nam và các nước xung quanh. Hiện nay cuộc đua lớn nhất giữa Trung Quốc và Mỹ chính là điểm xung yếu này. Do vậy nếu bị Trung Quốc qua mặt ở Biển Đông, mục tiêu an toàn hàng hải của Mỹ sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, vai trò của Hạm đội 7 cũng có không ý nghĩa đủ lớn, làm cho chính sách của Mỹ về bảo vệ an ninh thế giới và cũng là an ninh của công dân Mỹ sẽ lạc điệu.

Lời bắn tiếng về mối liên kết “đối tác chiến lược” với Việt Nam của Tư lệnh quân đội Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương Locklear là một minh chứng khá hoàn hảo về việc người Mỹ hoàn toàn không bỏ qua ý đồ phong tỏa Biển Đông của Trung Quốc. Mới đây lần đầu tiên từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đã phải tuyên bố “sẽ điều binh đến Biển Đông” nếu tình hình nơi đây có thể xung đột quân sự.

Chúng ta đang nhận ra rằng người Mỹ không quá câu nệ vào quan hệ làm ăn với Trung quốc, bất chấp quốc gia đông dân nhất thế giới này là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ với giá trị buôn bán hàng năm lên đến 600 tỉ USD. Thậm chí ngược lại, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về tín dụng, nợ xấu, ngân hàng, làn sóng thoái vốn của giới đầu tư nước ngoài, thị trường xuất khẩu, do vậy Trung Quốc phải cần đến các đối tác thương mại như Mỹ và Tây Âu hơn là phương Tây cần đến họ.

Kẻ nào quá tham lam sẽ bị cộng đồng tẩy chay. Cũng như hình ảnh suy yếu của nước Anh vào năm 1982 trong cuộc tranh chấp quần đảo Malvinas với Achentina, những năm gần đây Trung Quốc đã trở thành một trong những quốc gia bị oán ghét nhất trên hành tinh này. Nếu mạo hiểm gây ra một cuộc chiến tranh dù chỉ quy mô nhỏ trong khu vực, Trung Quốc sẽ bị đại đa số quốc gia trong Liên Hiệp Quốc quay lưng và sẽ bị cô lập. Đó chính là điều mà chủ nghĩa Đại Hán phải tính đến một cách rất nghiêm cẩn, cho dù tham vọng bành trướng của họ lớn đến mức nào.

RFI : Trong lịch sử, người Việt Nam luôn sẵn sàng chống lại đến cùng tham vọng xâm lược của Trung Quốc, kể cả sau một ngàn năm Bắc thuộc. Anh có cho rằng lịch sử sẽ lặp lại nếu chiến tranh Trung - Việt nổ ra vào thời gian tới?

Có những dấu hiệu rất cần chú ý và lượng giá. Nếu Trung Quốc đã rất tự tin kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Việt Nam thì từ sau khu xảy ra vụ bạo động ở Bình Dương, Đồng Nai và cuộc xung đột dẫn đến chết người ở Hà Tĩnh, các cơ quan tuyên giáo và báo đảng ở Trung Quốc, kể cả Hoàn Cầu Thời Báo là tờ báo hung hăng nhất, đã có vẻ lắng tiếng khá đột ngột. Giả thiết nêu ra là Bắc Kinh đã không tính đúng và đủ về phản ứng của người dân Việt Nam đối với bước đầu xâm lăng của họ, cho dù có thể họ đã lường trước và còn có thể “điều khiển” được phản ứng của giới lãnh đạo cầm quyền Việt Nam.

Trong lịch sử Việt Nam, chưa bao giờ chủ nghĩa Đại Hán nô dịch được đất nước này như một chư hầu trọn vẹn. Sau hàng loạt triều đại lịch sử kháng Trung thành công như từ thời Hai Bà Trưng, Đinh, Lê, Lý và Hậu Lê, những cuộc xâm lược gần nhất của Trung Quốc chỉ là sự tồn tại rất ngắn ngủi của đội quân hai chục vạn của triều đình nhà Thanh ở Thăng Long vào cuối thế kỷ 18. Hoặc là sự tồn tại ngắn ngủi không kém của đội quân cũng hai chục vạn người của Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc Việt Nam vào năm 1945. Và ngắn ngủi nhất là lực lượng lên đến sáu chục vạn người của Trung Quốc nhưng bị thiệt hại đến 10% quân số trong cuộc tấn công biên giới phía Bắc Việt Nam vào năm 1979.

Lịch sử và ưu thế kháng chiến đã nghiêng về Việt Nam, đó là điều hiển hiện. Biện chứng lịch sử cũng cho thấy các chế độ chính trị Trung Hoa luôn sai lầm khi đánh giá thấp tinh thần phản kháng của người dân và quân đội Việt Nam, đặc biệt vào những bối cảnh mà họ cho là triều chính Việt Nam đang phân hóa và rối loạn như hiện thời.

Nhưng cũng chính yếu tố rối loạn nội bộ mà Trung Quốc tưởng như một ưu thế để có thể gây áp lực với Hà Nội lại khiến nảy sinh xu hướng công khai hóa quan điểm ngả sang phương Tây của một nhóm không nhỏ các chính khách Việt Nam. Tôi cho đây chính là một bất lợi lớn đối với Trung Quốc khi phần lớn, nếu không nói là tất cả giới lãnh đạo Việt Nam đã như tỉnh ra, ngộ ra bản chất thật của mối quan hệ “Bốn Tốt” với Trung Quốc là như thế nào. Cùng lúc, bất cứ quan chức Việt Nam nào cũng phải tính đến tương lai cho cá nhân họ nếu chủ hàng trước Trung Quốc. Tương lai ấy cùng lắm cũng chỉ là “ngựa xe vài cỗ, quân hầu lơ thơ” nếu Việt Nam bị biến thành chư hầu của người bạn phương Bắc đầy dã tâm.

Một bất lợi khác là nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam vào thời điểm này sẽ khiến cho một bộ phận quan chức “thân Trung” bị lộ diện và sẽ bị cô lập. Truyền thống người Việt xưa nay không thể chấp nhận những Trần Ích Tắc hay Lê Chiêu Thống, và nếu những nhân vật tái thế thời hiện đại này bị cô lập quá sớm, Trung Quốc sẽ không còn nhiều cơ hội để thực hiện chiến thuật mua chuộc, không chế lãnh đạo để sau đó bắt toàn bộ giới lãnh đạo Việt Nam phải phụ thuộc vào ý chí của Bắc Kinh.

RFI : Thế còn bất lợi về hiệu quả kinh tế nếu Trung Quốc xâm lược Việt Nam?

Đây là câu hỏi khó trả lời nhất đối với Trung Quốc. Câu hỏi này cũng dẫn đến một câu hỏi tiếp nối là Trung Quốc tấn công Việt Nam sẽ được lợi gì, nếu thiệt hại về kinh tế của họ là khó có thể bù đắp được?

Trong lịch sử buôn bán hai chiều với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam bị phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất. Ít nhất 35% nguyên liệu dùng cho sản xuất của Việt Nam phải nhập khẩu từ Trung Quốc, và cơ cấu này đang gây khó rất lớn cho việc Việt Nam tham gia vào TPP, ứng với một điều kiện không thể thay đổi của TPP là Việt Nam phải chuyển đổi vùng nguyên liệu nhập khẩu từ các nước ngoài TPP như Trung Quốc về các nước trong khối TPP.

Chỉ từ sau năm 2000 đến nay, giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng chẵn 100 lần, và hiện thời Việt Nam đang phải nhập siêu từ 23-24 tỉ USD hàng năm từ Trung Quốc. Đó là một sự mất cân xứng quá lớn và làm lợi rất nhiều cho Trung Quốc. Cũng cho đến nay, Trung Quốc có gần 940 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 5 tỉ USD…

Những giá trị thương mại và đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam cho thấy họ có khá nhiều việc phải lo lắng nếu chiến tranh nổ ra. Khi đó, cơ chế nhập khẩu chính thức qua cửa khẩu Việt Nam sẽ đương nhiên chấm dứt, rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sẽ khó lòng tồn tại được.

Cũng rất có thể sẽ xảy ra một làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và càng làm khó cho sự tồn vong của giới đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam. Minh chứng mà chúng ta có thể thấy là sau vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, ở nhiều vùng và từ một doanh nghiệp lớn đến một bà bán tạp hóa ở chợ, tâm lý ngán ngại nhập hàng Trung Quốc là khá phổ biến. Mặc dù cho tới nay chưa có một chiến dịch nào về tẩy chay hàng Trung Quốc được công bố chính thức, nhưng rõ ràng một số mặt hàng Trung Quốc vẫn bị coi là ẩn chứa rủi ro độc tố như thực phẩm, nhựa… đã bị giảm đáng kể sức tiêu thụ.

Với không ít bất lợi như vậy, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ chưa dám mạo hiểm tấn công Việt Nam ngay vào thời điểm này.

RFI : Nhưng hiện thời vẫn đang có thông tin có thể xảy ra chiến tranh, chẳng hạn như một tờ báo Hàn Quốc đưa tin về việc có đến 300.000 quân Trung Quốc đã áp sát biên giới Việt - Trung?

Tôi cho rằng tin tức đó chỉ đơn giản là chiến tranh tâm lý, do chính Trung Quốc tung ra trên mạng Internet và cho vài tờ báo nước ngoài. Thậm chí còn có tin đồn về lực lượng quân đội Trung Quốc dùng để tấn công Việt Nam lên đến hơn 500.000 người, hoạch định sẽ công chiếm Việt Nam trong đúng một tháng, và chiến tranh có thể diễn ra ngay vào mùa hè này, thậm chí vào tháng Sáu năm 2014…

Bao giờ cũng vậy, trước hoặc sau mỗi hành động gây hấn, Bắc Kinh đều sử dụng tối đa loa phóng thanh một chiều nhằm mục đích gây nhiễu. Một chuyện khá khôi hài khác là giữa hai nhà nước Trung Quốc và Việt Nam đang diễn ra một trận khẩu chiến mà dân Hà Nội gọi Bắc kinh là “Chí Phèo”, còn Trung Quốc lại coi Việt Nam là nhân vật “AQ” trong tiểu thuyết của nhà văn Lỗ Tấn…

Thực ra tôi không để ý đến hoạt động này nhiều. Vì điều đơn giản mà chúng ta có thể rút ra là nếu Trung Quốc thực sự có kế hoạch gây xung đột quân sự hoặc tấn công tổng lực Việt Nam, để giữ yếu tố bất ngờ trong khai chiến, họ đã không cần phải khẩu chiến theo kiểu cù nhầy, hoặc tung thông tin giả quá hung hãn để tạo tin đồn và gây xáo trộn đời sống chính trị ở Việt Nam. Một dẫn chứng khác cũng dễ thấy là nếu Trung Quốc có ý đồ tấn công quân sự, họ đã không phải dùng lại các tiểu xảo và chơi xấu, như dùng “tàu lạ” - từ mà một số báo nhà nước ở Việt Nam cho đến giờ này vẫn chưa thể chui ra khỏi chăn - để đâm húc tàu cá Việt mà đã gây ra hai cái chết cho ngư dân ở Quảng Ninh vừa qua.

Theo tôi, sẽ chẳng có một hành động mạo muội xứng đáng nào từ phía Trung Quốc ngay vào thời điểm này. Kể cả hiện tượng họ rút công nhân Trung Quốc đang làm việc ở Hà Tĩnh về nước hay sơ tán chuyên gia cũng chỉ là động tác tâm lý nhằm gây áp lực với Bộ Chính trị Việt Nam mà thôi.

Khi nào Trung Quốc có thể tấn công Việt Nam?

RFI : Nếu Vậy theo anh, Trung Quốc sẽ thực sự tấn công Việt Nam trong những điều kiện gì và vào lúc nào?

Trung Quốc chỉ tấn công Việt Nam nếu hội tụ các điều kiện: kinh tế khủng hoảng, xã hội rối loạn, nội bộ chính trị phân hóa đủ sâu và có thể tan vỡ, sức chiến đấu của quân đội giảm sút mạnh. Và cũng phải thêm một điều kiện không thể thiếu: giới kinh tài Trung Quốc đủ sức chi phối và lũng đoạn phần lớn một số ngành quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Hiện thời, nền kinh tế Việt Nam đang dợm bước chân vào khủng hoảng và tất cả chỉ còn chờ thời gian. Bất ổn xã hội cũng đang mau chóng chuyển thành rối loạn xã hội và có thể dẫn đến khủng hoảng xã hội. Nếu đến năm 2016-2017, kinh tế Việt Nam thật sự rơi vào khủng hoảng thì tất yếu xã hội sẽ khủng hoảng theo. Khủng hoảng xã hội cộng hưởng với khủng hoảng kinh tế hầu như chắc chắn sẽ dẫn đến khủng hoảng chính trị. Đó là điều kiện cần và cũng là điều kiện đủ của một dân tộc trong vận khí suy vong.

Trong trường hợp đó, tôi không hy vọng là quân đội Việt Nam còn duy trì được khả năng sẵn sàng chiến đấu như những năm trước. Và đó sẽ là cơ hội vàng để nếu muốn và không quá bị chi phối bởi sự cô lập của quốc tế, Trung Quốc có thể nuốt gọn Việt Nam trong một kế hoạch quân sự với tỉ lệ ba chọi một.

RFI : Tại sao anh lại cho rằng Trung Quốc cần huy động quân đội ba chọi một, anh có thể giải thích cụ thể thêm được không ?

Xuất phát từ chiến thuật biển người truyền thống của họ.

Trong chiến dịch xâm lược biên giới năm 1979, toàn bộ lực lượng kể cả hậu cần và dự bị của Trung Quốc là 600.000 quân. Trong khi đó, Việt Nam chỉ chủ yếu đối phó bằng lực lượng quân sự địa phương và một bộ phận lực lượng bộ đội chính quy. Có những trận đánh ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, thông báo quân sự hồi đó cho biết tỉ lệ đối kháng giữa quân Trung Quốc và bộ đội Việt Nam lên đến 5/1 và 10/1. Tuy thế, cuộc chiến vẫn kết thúc với thất bại của người Trung Quốc, chiến dịch xâm lược đó đã chấm dứt với 60.000 thi hài của lính Trung Quốc.

Còn bây giờ, có những thông tin nghiên cứu cho biết tuy xét về số lượng, Việt Nam là quốc gia có lực lượng quân đội hùng hậu nhất khu vực Đông Nam Á với khoảng nửa triệu bộ đội chính quy và khoảng 5 triệu quân dự bị, nhưng quân đội Trung Quốc lại duy trì số lượng đông thuộc loại nhất trên thế giới, cùng chi phí quân sự đứng thứ hai chỉ sau Mỹ.

Đó là ưu thế để một khi phát động chiến tranh, Trung Quốc sẽ dễ dàng huy động ít nhất nửa triệu quân từ các tập đoàn quân ở Vân Nam và Quảng Tây, chưa kể hạm đội Nam Hải. Thậm chí tôi cho rằng với chiến thuật biển người được duy trì từ cuộc chiến tranh Triều Tiên những năm 1950, Trung Quốc có thể huy động một lực lượng tăng thiết giáp gấp nhiều lần Việt Nam. Ngay cả với xe tăng họ T của Liên Xô cũ, Trung Quốc cũng có nhiều tăng T72 trở lên, trong khi Việt Nam vẫn chủ yếu là tăng T54, T55.

RFI : Một số chuyên gia đánh giá rằng ưu thế quân sự của Trung Quốc có thể tỏ rõ trên mặt biển, nhưng còn trên đất liền thì sao?

Đúng là Trung Quốc chỉ còn thiếu tàu sân bay. Còn về quân chủng hải quân, họ có đủ các loại tàu, kể cả tàu ngầm lớp kilo. Họ vẫn tự hào và khoe khoang là chỉ riêng hạm đội Nam Hải của họ đã có thể làm chủ cả mặt biển Đông.

Trong khi đó, địa hình duyên hải Việt Nam có lợi thế kinh tế và du lịch là trải dài, nhưng trong chiến tranh điều đó lại thường là nhược điểm vì có thể bị đối phương từ biển đánh úp bất cứ điểm bố phòng mỏng manh hoặc sơ hở nào.

Tuy nhiên, đánh trên bộ thì lại khác hẳn. Dù được trang bị vũ khí và khí tài quân sự tối tân và có vẻ được đánh bóng về khả năng thiện chiến, nhưng quân đội Trung Quốc luôn đi sau Việt Nam khoảng một phần tư thế kỷ về trải nghiệm và kinh nghiệm trận mạc. Đã sáu chục năm qua quân đội Trung Quốc không thực sự chiến đấu, trong khi bộ đội Việt Nam chỉ mới kết thúc chiến tranh tại chiến trường Campuchia từ cuối thập kỷ 80. Sự so le thời gian như thế cho thấy phản xạ tác chiến của bộ đội Việt Nam vẫn cao hơn binh lính Trung Quốc.

Thêm vào đó, nếu tấn công quân sự theo hướng xẻ dọc qua các vùng biên giới phía Bắc về Hà Nội, quân đội Trung Quốc sẽ vấp phải địa hình rừng núi hiểm trở mà lực lượng tăng thiết giáp của họ khó lòng phát huy được hiệu quả tác chiến chiến thuật. Đến lúc đó, có thể Trung Quốc mới được nếm trải chiến thuật chiến tranh du kích của người Việt Nam lợi hại như thế nào.

Trong hầu hết các cuộc kháng Trung trong lịch sử, người Việt đã không bao giờ bỏ trống hậu phương địch quân, đặc biệt tại những vùng sơn cước. Theo tôi, trong trường hợp Trung Quốc tác chiến trên bộ dù với tỉ lệ ba chọi một, xác suất chiến thắng của họ vẫn chỉ là năm ăn năm thua. Họ cần phải chú ý là bộ đội đặc công của Việt Nam rất thiện chiến.

Nhưng đó chỉ mới là về sức kháng cự của quân đội Việt Nam. Còn nếu nhà nước Việt Nam đủ hồi tâm để biết cách huy động sức dân thì một cuộc chiến tranh nhân dân sẽ được hình thành, và đó là điều đáng sợ nhất đối với bất cứ một cường quốc xâm lược nào.

RFI : Nếu một cuộc chiến tranh tổng lực chưa được Trung Quốc phát động vào thời điểm này, họ có thể làm những gì tiếp theo vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981?

Họ sẽ trở lại bài bản của những cuộc gây hấn và khiêu khích từ ít nhất năm 2011 đến nay. Nghĩa là tạo mọi khó khăn đối với ngư dân Việt Nam, dùng tàu cá hoặc tàu hải giám chủ động va chạm hoặc đâm chìm và có thể dẫn tới tử vong cho ngư dân Việt. Trên bộ, họ có thể tiếp nối chuỗi khiêu khích bằng những cuộc xung đột vũ trang quy mô nhỏ và có thể dẫn đến sát thương bộ đội Việt Nam. Tình hình quấy rối như thế cũng có thể tương tự những gì mà lực lượng Khmer Đỏ gây ra ở biên giới Tây Nam đối với thường dân Việt Nam vào năm 1978.

Theo tôi, ý đồ của Trung Quốc là chờ đến năm 2016-2017, khi tình hình Việt Nam xấu hẳn, họ sẽ tấn công theo kịch bản Nga - Crimée. Cần lưu ý là khác hẳn Việt Nam, thế mạnh hiện thời của Trung Quốc là quyền lực tập trung vào một cá nhân là Tập Cận Bình, và Trung Quốc vừa thiết lập quan hệ tay đôi với Nga.

Tuy nhiên, không phải Trung Quốc luôn rảnh tay để hành động. Bản thân Trung Quốc cũng gặp nhiều rắc rối: kinh tế có xu hướng suy thoái, phản kháng xã hội dâng cao, các khu vực tự trị Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông gia tăng bất ổn. Tình hình đó gần như tương tự với không khí xã hội Trung Hoa vào lúc triều đình Mãn Thanh xua hai chục vạn quân do Tôn Sĩ Nghị làm chủ tướng tràn vào Thăng Long trước một Lê Chiêu Thống đi bằng đầu gối.

Do vậy, họa xâm lăng Trung Quốc vẫn có một hy vọng được giải tỏa phần nào bởi chính nguy cơ tan rã từ bên trong của nền kinh tế và do đó của chế độ độc đảng Bắc Kinh thiên về đàn áp như hiện nay. Nếu nguy cơ này được xác nhận thì Trung Quốc dù có gây chiến tranh với Việt Nam cũng nằm trong tình trạng bị suy yếu đáng kể chứ không thể gọi là mạnh mẽ.

Vấn đề còn lại là giới lãnh đạo chủ chốt ở Việt Nam có làm được gì để hạn chế hiểm họa từ Trung Quốc trong vài năm tới.

Nguyễn Tấn Dũng là nhân tố duy nhất?

RFI : Để đối phó với họa ngoại xâm ngày càng hiển hiện, anh có hy vọng nào vào giới lãnh đạo Việt Nam hiện thời?

Nếu không xét đến những gương mặt chính khách chưa xuất hiện, trong tất cả những gương mặt hiện nay và trong khoảng hai năm tới, tôi chỉ hy vọng vào một nhân tố duy nhất là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng hy vọng này cũng chỉ mới manh nha và còn rất chập choạng.

Cơ sở để có thể có đôi chút hy vọng vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là bởi ông ta đang trong tình thế phải “cứu nhà, cứu nước”. Nước mất thì nhà tan. Nhưng muốn cứu nhà thì trước hết và dù muốn hay không cũng phải cứu nước.

Sau vụ giàn khoan Hải Dương 981, có vẻ ông Nguyễn Tấn Dũng đã dứt khoát hơn trong chính sách chuyển hướng xoay trục sang phương Tây. Để đối chọi với Trung Quốc, trước mắt người Việt cần ít nhất sự hỗ trợ của Hạm đội 7 của Mỹ, sau đó là một bản hiệp ước tương trợ quốc phòng với Hoa Kỳ, như kết quả mà Philippines đã vừa đạt được. Và cuối cùng, tốt nhất Việt Nam trở thành một đồng minh quân sự với Hoa Kỳ như trường hợp Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, cần chân thật mà nói rằng hy vọng duy nhất vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất có thể chỉ là một đốm lửa sớm nở tối tàn. Từ khi nhậm chức thủ tướng vào năm 2006 đến nay, ông Dũng đã đưa ra khá nhiều lời cam kết trước quốc dân đồng bào, nhưng thời gian sau những lời hứa đó lại chỉ là một khoảng trống thất vọng mênh mông.

Còn bây giờ, khi nước đã đến chân và không thể không nhảy, người dân Việt đang chờ đợi những hành động cụ thể của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như tiến hành thủ tục kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, đưa ngay Luật Biểu tình vào đời sống để người dân có cơ hội phản kháng Trung Quốc, chứ không chỉ bằng vài câu tuyên bố có vẻ cảm tính và sẽ bị trôi ngay vào lãng quên nếu không làm gì cả.

RFI
: Xin rất cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn hôm nay của RFI Việt ngữ.

06 Tháng Tám 2014(Xem: 19506)
Chỉ trong vòng 4 năm, từ 2008 đến cuối 2012, tổng lượng vàng tại hai nhà máy khai thác vàng lớn nhất nước ở Quảng Nam là Bồng Miêu và Đắk Sa của Tập đoàn Besra Việt Nam đã đào được hơn 4,430 tấn vàng. Số vàng đã bán hết, vậy tiền đâu?
04 Tháng Tám 2014(Xem: 15694)
Các nhà lập pháp Mỹ không buông lơi sức ép nhằm ngăn chặn các hành vi quá đáng của Trung Quốc tại hai vùng Biển Đông và biển Hoa Đông. Chỉ ít lâu sau khi Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua nghị quyết lên án Bắc Kinh, đến lượt Hạ viện sẽ ra nghị quyết theo cùng một chiều hướng.
31 Tháng Bảy 2014(Xem: 15705)
Ngày 20/07/1954, Hiệp định Genève được chính thức ký kết nhằm chấm dứt cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và tái lập hoà bình tại Đông Dương. Hiệp định này đã thừa nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng dù là một bên ký vào Hiệp định, ngay từ thời đó, Trung Quốc đã tìm cách lợi dụng Việt Nam và nuôi dã tâm phá hoại sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
28 Tháng Bảy 2014(Xem: 15613)
Theo Kiểm toán Nhà nước, các ngân hàng thương mại góp vốn, mua cổ phần trong giới hạn cho phép theo quy định của ngân hàng nhà nước nhưng hiệu quả đầu tư thấp, một số khoản đầu tư chưa thu được lợi nhuận. Không những vậy nhiều khoản đầu tư bị suy giảm giá trị. Điển hình như, một số khoản đầu tư của Agribank đã suy giảm 60% giá trị đầu tư: khoản đầu tư vào Công ty CP đầu tư Vietnamnet suy giảm 68% giá trị; Công ty CP Vận tải Vinaconex 72%; Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 trên 85%; Công ty CP Tập đoàn CMC 90,4%.
25 Tháng Bảy 2014(Xem: 17846)
Hệ thống radar thụ động Vera do Czech sản xuất thuộc loại tiên tiến nhất thế giới Việt Nam trở thành nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất từ CH Czech, với ngân sách lên tới 58 triệu đôla năm 2013.
22 Tháng Bảy 2014(Xem: 16581)
TTO - Khi chuyến bay VN1270 hạ cánh xuống sân bay Thanh Hóa, tổ bay đang cho khách rời máy bay vào nhà ga thì hành khách Phạm Ninh Minh ngồi ghế 29G đã tự ý mở cửa thoát hiểm số 3L của máy bay.
17 Tháng Bảy 2014(Xem: 15863)
Nguyễn Xuân Diện: 06h sáng nay, tôi báo cáo với Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh về tình hình Biển Đông: Nửa đêm qua, Trung Cộng đã rút giàn khoan ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã nhận định và bình luận như sau: Trung Quốc rút giàn khoan tại thời điểm này không phải là họ từ bỏ dã tâm độc chiếm Biển Đông, xâm lược Việt Nam; cũng không phải do cơn bão Rammansun. Họ rút giàn khoan vì biết Hội nghị trung ương sắp triệu tập để bàn riêng về tình hình Biển Đông và quyết định có kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không.
15 Tháng Bảy 2014(Xem: 17099)
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton dự kiến trở lại Việt Nam tuần này trong một phần chuyến thăm châu Á với chủ đề phòng chống HIV/AIDS. Trong chuyến thăm một ngày, ông Clinton sẽ thăm một trại trẻ mồ côi ở ngoài Hà Nội hôm 18/7 để chứng kiến chương trình ngăn ngừa bệnh lao ở trẻ em nhiễm HIV.
13 Tháng Bảy 2014(Xem: 15686)
Dân biểu Loretta Sanchez ra thông cáo báo chí, chống đối việc Hoa Kỳ thương thuyết Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP, với Việt Nam. Dân biểu Sanchez, Đồng Chủ Tịch Ủy ban An ninh Quốc Nội và thành viên Ủy Ban kinh tế Lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ, đã góp tiếng cùng một số nhà lập pháp Mỹ khác, phản đối những hành động vi phạm nhân quyền của Việt Nam, và vai trò của Việt Nam trong các cuộc thương thuyết của Mỹ về hiệp định TPP, nêu lên những quan ngại về quyền của người lao động, tình trạng mất cân bằng mậu dịch, cũng như các quyền của giới đồng tính, và nữ quyền.
10 Tháng Bảy 2014(Xem: 21294)
Ông Phạm Ngọc Lâm là chủ tịch tập đoàn Đức Khải Báo chí Việt Nam bắt đầu đưa ra một số chi tiết về dự án "đầu tư tàu đánh cá bám biển" Hoàng Sa của doanh nhân Phạm Ngọc Lâm, chủ tịch Tập đoàn Đức Khải. Hồi đầu tháng, ông Lâm gây chấn động dư luận khi công bố công ty của ông "vừa thông qua nghị quyết đầu tư 1.500 tỷ đồng (68 triệu đôla) để mua 100 tàu đánh cá với công suất 500 - 1.500 mã lực, 2 ụ nổi và 2 trực thăng để cùng ngư dân bám biển".
08 Tháng Bảy 2014(Xem: 15468)
Từ đầu tháng Năm đến nay, sau khi nổ ra vụ giàn khoan HD-981, người Việt khắp nơi đã thường xuyên biểu tình phản đối hành động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam của Trung Quốc.
06 Tháng Bảy 2014(Xem: 15829)
Hôm nay, 04/07/2014 tại Chùa Liên Trì, Q2, Sài Gòn, các nhóm hội xã hội dân sự (XHDS) có buổi họp mặt với chủ đề chính là bàn thảo về Công đoàn Độc lập.
01 Tháng Bảy 2014(Xem: 16419)
Ông Hồ Xuân Hoa (thứ hai từ trái) là ngôi sao đang lên trên chính trường Trung Quốc Chính quyền tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc được cho là đã gửi cho Bộ Ngoại giao Việt Nam một bản danh mục ‘Các việc cần làm’ sau chuyến thăm Việt Nam hồi tháng Tư của ông Hồ Xuân Hoa, người lãnh đạo cao nhất của tỉnh này. Đây là các công việc mà Bí thư Hồ Xuân Hoa triển khai cho công chức thuộc quyền của mình, và được Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công văn yêu cầu các bộ ngành và các tỉnh thành trong nước tham khảo thực hiện.
29 Tháng Sáu 2014(Xem: 15427)
Ông Trương Tấn Sang nói Việt Nam sẽ có cách 'trả nợ' Trung Quốc của riêng mình Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói rằng Việt Nam ‘mang ơn’ Trung Quốc trong quá khứ thì sẽ trả theo cách của mình, chứ Bắc Kinh không được phép áp đặt, báo Dân Trí đưa tin.
26 Tháng Sáu 2014(Xem: 17210)
Hai tàu tên lửa đa năng hiện đại hạng nhất Việt Nam được hạ thủy thành công hôm nay tại TPHCM và sẽ được biên chế cho Quân chủng Hải quân, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo và vùng đặc quyền kinh tế của Tổ quốc.
24 Tháng Sáu 2014(Xem: 16213)
Từ đầu tháng 5/2014 vừa qua, Trung Quốc đã cho hạ đặt giàn khoan HYSY 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Việc hạ đặt giàn khoan này nối tiếp các hoạt động có tính toán từ trước nhằm xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam, đặc biệt là việc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa năm 1974, và đánh chiếm một phần quần đảo Trường Sa năm 1988.
22 Tháng Sáu 2014(Xem: 15543)
Việt Nam dường như chủ động 'đấu chữ' trước. Điều còn có thể cho là may mắn là cuộc đối đầu về giàn khoan HD-981 chưa chuyển sang đấu súng. Thay vào đó, nó đã đi đến một cuộc đấu chữ tại LHQ.
20 Tháng Sáu 2014(Xem: 15040)
Nhân vật được đề cử làm tân đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, vào hôm qua 17/06/2014, đã cho rằng Washington nên gỡ bỏ lệnh cấm bán và chuyển giao các loại vũ khí sát thương cho Việt Nam.Phát biểu nhân cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ, ông Ted Osius, một nhà ngoại giao kỳ cựu, thẩm định rằng « bây giờ là lúc » mà chính quyền Mỹ phải xem xét khả năng bãi bỏ lệnh cấm nói trên theo một « tiến độ thích hợp ».
15 Tháng Sáu 2014(Xem: 15058)
Hôm nay 14/06/2014 tại khu vực giàn khoan Hải Dương do Trung Quốc đặt trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, các tàu Trung Quốc đã dàn hàng ngang để ngăn cản các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam làm nhiệm vụ cũng như các tàu cá Việt Nam đang đánh bắt, sẵn sàng đâm va.
11 Tháng Sáu 2014(Xem: 17359)
Mở đầu bài viết, Tiến sỹ Lan Anh cho biết: "Một tháng đã qua kể từ khi Biển Đông một lần nữa lại dậy sóng gần quần đảo Hoàng Sa. 40 năm trước, vào tháng 1 năm 1974, Hoàng Sa là nơi Trung Quốc đã sử dụng vũ lực bất hợp pháp chống lại Việt Nam Cộng hòa.