Hàng vạn dân lũ lượt bỏ thành, quân đội ở Tp.HCM giúp đưa dân về quê

06 Tháng Mười 20219:35 SA(Xem: 5840)

VĂN HÓA ONLINE – VIỆT NAM - THỨ TƯ 06 OCT 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Hàng vạn dân lũ lượt bỏ thành, quân đội ở Tp.HCM giúp đưa dân về quê


VOA 05/10/2021


image007Người dân chờ ở mội điểm kiểm soát ở Tp.HCM để về quê. Ảnh chụp ngày 30/9/2021.


Bộ Tư lệnh lực lượng vũ trang ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 5/10 công bố 2 số điện thoại đường dây nóng để giúp người dân về quê, đồng thời cũng nói rằng Bộ Tư lệnh sẽ phối hợp với các địa phương để thực hiện việc này.


Các báo trong nước dẫn lại lời của Bộ Tư lệnh Tp.HCM bày tỏ rằng lực lượng vũ trang thấy “thương cảm, xót xa” về tình cảnh hàng vạn người ồ ạt rời thành phố để về quê ngay khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng.


Cơ quan chỉ huy quân sự này hướng dẫn rằng người dân trước hết cần đăng ký với tổ dân phố và chính quyền địa phương nơi họ tạm trú. Khi xác định được số lượng người và những nơi về của người dân, Bộ Tư lệnh Tp.HCM sẽ phối hợp với những địa phương liên quan để tổ chức đón tiếp, các báo Việt Nam cho biết, trích thông tin của Bộ Tư lệnh.


Thông báo của cơ quan chỉ huy quân sự này cho biết thêm rằng nhà chức trách Tp.HCM “sẽ tổ chức xét nghiệm, khám sức khỏe” cho người dân trước khi đưa họ về quê “để đảm bảo an toàn”.


Lực lượng vũ trang thành phố “sẽ cử cán bộ, chiến sĩ đi cùng và đảm bảo phương tiện chở bà con”.


Trong thông báo của họ, Bộ Tư lệnh Tp.HCM nói cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ở thành phố “rất thấu hiểu điều đó” và khẳng định rằng trong lúc người dân gặp khó khăn, hoạn nạn như thế này, “lực lượng vũ trang thành phố rất mong muốn được chia sẻ và được đồng hành với người dân trên chặng đường về quê hương”.


Hàng vạn người tiếp tục rời các trung tâm kinh tế, về quê


VOA 04/10/2021


image008Hàng ngàn người đi qua Bình Phước để về quê sau khi rời bỏ các trung tâm sản xuất lớn, tháng 10/2021.


Hàng chục ngàn người rời khỏi các trung tâm kinh tế ở miền nam Việt Nam để về quê trong những ngày gần đây, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng vào lúc con số lây nhiễm COVID-19 giảm nhiều, báo chí trong nước tường thuật.


Từ thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ nhận định với VOA, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Khanh, một nhà bình luận, nói người dân không còn có thể chờ đợi những gói cứu trợ được chính quyền hứa hẹn nhưng không đến tay họ; trong khi đó, bà Ngô Thị Oanh Phương, một nhà hoạt động xã hội, cho rằng đã đến lúc phải đánh giá đúng hơn về giá trị của người lao động.


Nó phải có lý do, nó cho thấy câu chuyện là cứu trợ không đến đủ với người dân. Rõ ràng chúng ta thấy nhà nước làm không đủ cho nên mới xảy ra chuyện đó.


Nhạc sĩ Tuấn Khanh


Các báo, đài trong đó có Tiền Phong, Thanh Niên, VOV, kenh14, v.v… trong ngày 4/10 và một vài ngày trước liên tục đưa tin cho hay hàng chục ngàn người đã và đang rời khỏi các trung tâm kinh tế gồm Tp.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, chủ yếu đi bằng xe máy, thậm chí có người đi xe đạp hoặc đi bộ.


Những người dân này đi về quê ở hàng chục tỉnh miền tây nam bộ, Tây Nguyên, miền trung và miền bắc, xa nhất là tỉnh Hà Giang.


Báo chí chính thống và nhiều người sử dụng mạng xã hội đăng nhiều bài và ảnh về những hoàn cảnh thương tâm là một số người phải xe đạp hoặc đi bộ hàng trăm kilomet để về quê, trong đó có cả phụ nữ có thai, có người đổ bệnh, bị biến chứng...


Cách đây ít ngày, báo chí và mạng xã hội cho hay dọc đường, hàng ngàn người phải tạm nghỉ hoặc chờ đợi vạ vật ven đường, màn trời chiếu đất, nhất là tại những ranh giới một số tỉnh, thành nơi nhà chức trách tìm cách ngăn cản việc người dân di chuyển với lý do phòng chống dịch.


Có một số video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh xô xát giữa những người dân với cảnh sát hoặc cảnh người dân thắp hương “tế sống” cảnh sát vì bị chặn đường.


Thông tin từ báo chí nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước hôm 4/10 nói rằng các tỉnh đang “hỗ trợ” người dân, đồng thời cũng nêu lên quan ngại rằng việc hàng chục ngàn người “tự ý”, “tự phát” về quê làm tăng nguy cơ dịch bệnh lây lan.


image009Người dân thắp hương, vái lạy cảnh sát khi bị chặn đường về quê ở Tp.HCM, 1/10/2021.


Theo quan sát của VOA, một số người ví von trên mạng rằng việc người dân đang “chạy dịch như chạy giặc” là hậu quả của chính sách “chống dịch như chống giặc”, ý nói về các biện pháp phong tỏa của chính quyền làm tắc nghẽn các hoạt động kinh tế, xã hội.


Tuy nhiên, nhạc sĩ Tuấn Khanh, người thường xuyên bình luận về thế sự trên mạng xã hội, cho rằng viêc người dân rời bỏ Tp.HCM và các trung tâm sản xuất lân cận hiện nay không phải là “chạy dịch” mà là chạy khỏi những lời hứa không được thực hiện của chính quyền, sau khi đã “chung sức” với chính quyền phòng chống dịch trong một thời gian dài tới 3 tháng. Ông Khanh nói:


“Trong quá trình đó, họ đã mệt mỏi chờ đợi kết quả những lời hứa về việc hỗ trợ, giúp đỡ những người công nhân ở lại. Và người ta nhìn thấy chính quyền không đối xử đúng với người công nhân theo đúng tinh thần họ hứa”.


Dẫn lại thông tin về một số vụ người dân xuống đường đòi cứu trợ hoặc đòi minh bạch về cứu trợ, ông Tuấn Khanh nhận xét:


“Nó phải có lý do, nó cho thấy câu chuyện là cứu trợ không đến đủ với người dân. Rõ ràng chúng ta thấy nhà nước làm không đủ cho nên mới xảy ra chuyện đó”.


Là người thời gian qua thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phong tỏa, bà Ngô Thị Oanh Phương cho VOA biết bà quan sát thấy các chính sách và chương trình hỗ trợ của chính quyền Tp.HCM, Bình Dương và Đồng Nai “không được tổ chức khoa học, không tiếp cận với thực tế, bất cập, không mang lại sự an tâm cho người lao động”.


Tp.HCM và những nơi cần những người lao động nên xem xét lại để thay đổi chính sách cho rõ ràng hơn, có chính sách tốt hơn, đảm bảm hơn cho người lao động. Bà Ngô Thị Oanh Phương



Theo cách hiểu của bà Phương, người lao động ngoại tỉnh ở Tp.HCM, Bình Dương và Đồng Nai hiện nay rơi vào cảnh “nghèo đói và bất an”, vì vậy, họ lựa chọn là bỏ những nơi này để về quê, tuy rằng cũng nghèo đói nhưng không bất an khi có người thân, chòm xóm chung quanh.


Ở một khía cạnh khác, việc người lao động rời bỏ các trung tâm sản xuất cũng phát đi lời cảnh báo rằng chính quyền và doanh nghiệp đã đến lúc phải đánh giá cho đúng về giá trị của người lao động, bà Phương bình luận. Bà nói thêm:


“Tp.HCM và những nơi cần những người lao động nên xem xét lại để thay đổi chính sách cho rõ ràng hơn, có chính sách tốt hơn, đảm bảm hơn cho người lao động, đây là thời điểm để thay đổi mức lương và chất lượng người lao động, các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, an sinh xã hội phải cải thiện. Lời hứa và hành động phải đảm bảo một cách rõ ràng”.


Lúc này, chính quyền trung ương cần phải đổ tiền về để cứu các trung tâm kinh tế gồm Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…, bà Phương đề xuất.

10 Tháng Hai 2022(Xem: 4870)
15 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 5927)