Việt Nam sẽ chuẩn bị gì cho thương chiến?

08 Tháng Hai 20256:36 SA(Xem: 1561)

VĂN HÓA ONLINE – THẾ GIỚI - VIỆT NAM - THỨ BẨY 08 FEB 2025


Việt Nam sẽ chuẩn bị gì cho thương chiến?


Bình luận của Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ


07/2/2025

https://www.rfa.org/vietnamese/binh-luan/2025/02/07/thuong-mai-viet-nam-hoa-ky-donald-trump-danh-thue/


image003Chính sách thương mại cứng rắn của Hoa Kỳ có thể sẽ lan tới Việt Nam (RFA)


Thế giới đang bước vào một cuộc chiến tranh thương mại mà ở đó Hoa Kỳ dưới quyền của tổng thống Donald Trump đang sử dụng thuế quan như một vũ khí nhằm đòi hỏi những yêu sách để đem lại lợi ích cho Hoa Kỳ.


Canada và Mexico là hai nước đầu tiên mà tổng thống Donald Trump sử dụng công cụ thuế quan. Với Canada, tổng thống Donald Trump đe doạ sẽ áp mức thuế hải quan 25% đối với tất cả các mặt hàng không phải dầu mỏ và 10% đối với các mặt hàng dầu mỏ. Với Mexico, ông Trump đe doạ sẽ áp mức thuế hải quan 25% đối với tất cả các hàng hoá nhập vào Hoa Kỳ. Những tranh cãi chính trị cuối cùng đã lắng xuống, thuế quan được hoãn thi hành trong ít nhất là 30 ngày, và đổi lại cả Canada và Mexico cùng đồng ý nhượng bộ. Hai nước này đồng ý tăng cường quân dọc biên giới để kiểm soát dòng người di dân lậu, ngăn chặn ma tuý tuồn vào Hoa Kỳ, và phối hợp nhiều hơn với giới chức Hoa Kỳ để diệt trừ các băng nhóm tội phạm.


Hoa Kỳ là đối tác nhập khẩu hàng đầu của cả Canada và Mexico. Vì vậy mà Hoa Kỳ có một đòn bẩy rất lớn trong thuế quan để đưa ra những yêu sách cho hai nước này.


Năm 2023, lượng hàng xuất khẩu của Canada sang Hoa Kỳ chiếm tới 77%, tức gần 4/5, tổng lượng hàng xuất khẩu của Canada. Tương tự, lượng hàng xuất khẩu của Mexico sang Hoa Kỳ năm 2022 là hơn 452 tỉ đô la Mỹ, và chiếm hơn 78%, tức gần 4/5, tổng lượng hàng xuất khẩu của Mexico.


Nhưng quan trọng hơn cả là cả hai nước này, Mexico và Canada, đều có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ, mà trong lập luận của tổng thống Donald Trump là họ đang lợi dụng Hoa Kỳ. Và do đó, có lý do để Hoa Kỳ đưa ra yêu sách.


Trong năm 2023, thương mại hai chiều tính cả hàng hoá và dịch vụ, thì Mỹ xuất sang Canada 441 tỉ USD và nhập về 482 tỉ USD, thâm hụt 41 tỉ USD. Tuy vậy, nếu nhìn vào hàng hoá xuất nhập giữa hai bên, thì năm 2023, Mỹ nhập 430 tỉ USD và xuất 353 tỉ USD, tức Mỹ thâm hụt 77 tỉ USD hàng nhập khẩu.


Năm 2022, Mexico xuất sang Hoa Kỳ lượng hàng trị giá 452 tỉ đô la Mỹ, và nhập về lượng hàng trị giá 265 tỉ đô la Mỹ. Như vậy, thặng dư thương mại hàng hoá của Mexico với Hoa Kỳ là 187 tỉ đô la Mỹ. Còn khi tính cả hàng hoá và dịch vụ thì Mexico xuất sang Mỹ 493,1 tỉ đô la và nhập về 362 tỉ đô la, tức thặng dư thương mại giữa Mexico và Hoa Kỳ là 131,1 tỉ đô la.


Việt Nam hiện nay nằm trong nhóm 8 nước đối tác có tỉ trọng thương mại với Hoa Kỳ lớn nhất, chỉ sau Mexico, Canada, Trung Quốc, Đức, Nhật, Hàn Quốc, và Đài Loan. Tuy vậy, Việt Nam lại đứng thứ ba trong các đối tác có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico, với mức thặng dư thương mại đã lên đến 123,5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2024.


Trong cuộc gọi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn để chúc Tết, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Marco Rubio đã không quên nhắc nhở Việt Nam phải thực hiện cân bằng thương mại bên cạnh việc thảo luận các vấn đề của khu vực mà trong đó có các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.


Câu hỏi sẽ là Việt Nam phải làm gì để cân bằng thương mại và liệu rằng chỉ cân bằng thương mại thì có đủ để Việt Nam đáp ứng những yêu sách của Hoa Kỳ.


Trong các bình luận gần đây, chính phủ Việt Nam chỉ trình bày những đề xuất chung chung nhằm chuẩn bị để thoả hiệp với các yêu sách của Hoa Kỳ.


Các đề xuất đó bao gồm nhập khẩu nhiều hơn khí hoá lỏng, mua máy bay, trang thiết bị an ninh, chip trí tuệ thông minh nhân tạo (AI) và giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ.


Tuy vậy, với mức thâm hụt lên tới hơn 120 tỉ đô la Mỹ, cho dù Việt Nam tăng cường mua các hàng hoá ở trên, mức thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ vẫn sẽ duy trì và giữ một con số đáng kể. Bởi vì nền kinh tế Việt Nam cùng một lúc không thể hấp thụ hay chuyển đổi để giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại ngay lập tức; và một vấn đề khác nữa là Việt Nam không có tiền để mua nhiều.


Việt Nam đang thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, nhưng thâm hụt thương mại rất lớn với Trung Quốc và con số đó ngày càng tăng cao. Năm 2023, mức thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là 49 tỉ đô la Mỹ. Đến năm 2024, mức thâm hụt thương mại tăng lên đến 83 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ năm 2023 là 104,6 tỉ đô la Mỹ thì năm 2024 tăng lên là 123,5 tỉ đô la Mỹ. Rõ ràng sự nhập siêu tăng lên từ Trung Quốc đã đi cùng với sự xuất siêu sang Hoa Kỳ tăng lên. Hay nói một cách ngắn gọn hơn, Việt Nam dần trở thành một cảng trung chuyển cho hàng hoá của Trung Quốc trên đường đi đến Mỹ.


Giới phân tích chính sách Hoa Kỳ biết điều đó và vì vậy trong chiến lược kềm toả Trung Quốc, chắc chắn chính giới Hoa Kỳ sẽ lưu tâm đến việc xem xét lại mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc hòng tránh chuyện Trung Quốc mượn đường Việt Nam để xuất hàng sang Mỹ.


Một số mặt hàng mà có xuất xứ Trung Quốc hoặc do các công ty Trung Quốc đầu tư sản xuất ở Việt Nam chắc chắn luôn nằm trong tầm ngắm của các giới chức Hoa Kỳ và luôn có thể chịu đựng thêm các mức thuế chống bán phá giá bất cứ lúc nào. Việc Hoa Kỳ vừa áp thuế chống bán phá giá đối với các tấm pin năng lượng mặt trời là một ví dụ gần nhất.


Kể từ tháng 12 năm 2024, Bộ Thương mại của Hoa Kỳ đã chính thức áp thuế chống bán phá giá lên một số tấm pin năng lượng mặt trời của Việt Nam. Những công ty này phần lớn là các công ty do Trung Quốc đầu tư. Tuỳ công ty mà mức thuế này từ 53,3% cho đến 271,28%.


Chuyện này thật ra không mới. Nhưng cái mới có lẽ là dưới thời tổng thống Donald Trump, việc rà soát các hoạt động thương mại sẽ trở nên chặt chẽ hơn.


Nhưng thâm hụt thương mại không phải là vấn đề duy nhất mà Hoa Kỳ đòi cải thiện nó. Thâm hụt thương mại còn là một đòn bẩy và là một lý do để Hoa Kỳ có thể yêu cầu những sách lược khác.


Việc Hoa Kỳ ép Canada và Mexico nhằm yêu cầu họ giải quyết chuyện di dân lậu, ma tuý tổng hợp, và tội phạm cung cấp cho giới phân tích chính sách những bài học trong cách tiếp cận địa chính trị của mình.


Việc tổng thống Donald Trump đưa ra ý kiến nhằm tìm kiếm việc kiểm soát lại Kênh đào Panama, muốn Canada gia nhập vào Hoa Kỳ, và việc muốn mua lại Greenland hơn bao giờ hết nó cho thấy một học thuyết mới tương tự như học thuyết Monroe của cố tổng thống James Monroe mà ở đó Hoa Kỳ muốn tăng sự hiện diện địa chính trị đi kèm với quyền lợi của mình.


Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi mà thuế quan và thâm hụt mậu dịch đã luôn được dùng như là những con bài và đòn bẩy nhằm đưa ra những yêu sách.


Với Việt Nam, bên cạnh việc đưa ra yêu sách đòi giảm bớt thâm hụt thương mại, Việt Nam có thể phải đối diện với một yêu sách của Hoa Kỳ mà ở đó Hoa Kỳ đòi hỏi Việt Nam phải chấm dứt tham gia dự án Một Vành Đai Một Con Đường với phía Trung Quốc, tương tự như Panama. Việt Nam cũng có thể bị yêu cầu cung cấp quyền tiếp cận rộng rãi hơn đối với các cơ sở quân sự của mình cho các hoạt động quân sự hay tàu chiến của Hoa Kỳ, hoặc Việt Nam cũng có thể được yêu cầu hỗ trợ nguồn cung quặng đất hiếm, một tài nguyên rất lớn của Việt Nam mà thế giới cần nhằm phát triển các công nghệ mới, để đổi lại Hoa Kỳ sẽ cho phép việc thặng dư thương mại được tiếp tục.


Cho đến nay, khi Hoa Kỳ đang bận tâm với những đối tác và vấn đề khẩn thiết nhất, việc xét lại mối quan hệ với Việt Nam vẫn chưa được nêu ra.


Tuy vậy, sau khi những vấn đề cấp bách đã được giải quyết, trường hợp Việt Nam sẽ trở lại là một vấn đề cần phải xử lý trên bàn của tổng thống Mỹ. Từ đây đến đó, giới lãnh đạo Việt Nam chắc chắn sẽ bàn phương án giải quyết. Tuy vậy, khi mà Hoa Kỳ đang xem xét lại các giá trị địa chính trị của mình, thì Việt Nam, một nước phụ thuộc rất lớn vào Hoa Kỳ cho các hoạt động thương mại và sự phát triển của mình, chắc chắn sẽ giải quyết vấn đề thương mại và vấn đề địa chính trị theo quyền lợi của Hoa Kỳ.


Lúc này, ngoại giao cây tre có lẽ sẽ đến hồi chấm dứt.


*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.


Việt Nam chuẩn bị đối phó tác động thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa TQ


VOA 08/02/2025


image005Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.


Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã chỉ đạo nội các chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu có thể xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc.


“Hãy chuẩn bị cho kịch bản xảy ra chiến tranh thương mại thế giới trong năm nay”, thủ tướng nói tại cuộc họp chính phủ hôm 5/2, theo báo điện tử Dân Trí.


Thủ tướng Chính đưa ra tuyên bố trên sau khi Tổng thống Trump tuyên bố tạm dừng áp thuế quan đối với Mexico và Canada trong 30 ngày, nhưng áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc, với hiệu lực từ ngày 4/2/2025.


Ông Chính nói rằng tình hình thế giới và khu vực đang “diễn biến rất khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, đặc biệt là về xuất khẩu, sản xuất kinh doanh và kinh tế vĩ mô”.


Ông nhấn mạnh, nếu xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu, trong đó các nước áp thuế trả đũa đối với hàng xuất khẩu của nhau, như vậy có thể làm “gián đoạn chuỗi cung ứng và thu hẹp thị trường xuất khẩu của nước ta, gây rủi ro đáng kể” cho nền kinh tế Việt Nam.


Tuy nhiên, theo truyền thông trong nước, dường như ông Chính không đề cập cụ thể đến thuế quan của ông Trump đối với các sản phẩm từ Trung Quốc, đối tác thương mại chiến lược và là nước láng giềng của Việt Nam.


Giới quan sát bày tỏ lo ngại rằng mức thuế suất của ông Trump có thể khiến giá sản phẩm tăng và sức mua của người tiêu dùng giảm ở Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài, với Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu.


Các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam đang chuẩn bị đối phó với thuế quan của Mỹ áp lên Trung Quốc làm tăng chi phí của một số hàng hóa khi nước này nhập khẩu máy móc và thiết bị điện tử, như máy tính và điện thoại di động từ Mỹ, với các linh kiện, cấu kiện có nguồn gốc từ Trung Quốc.


Giới phân tích nhận định rằng Việt Nam cũng có thể sẽ phải đối mặt với áp lực từ Bắc Kinh trong việc nhập khẩu thêm sản phẩm Trung Quốc khi sản phẩm của họ khó vào Mỹ hơn.


“Sẽ chịu một áp lực là họ không xuất sang Mỹ nữa thì sẽ xuất sang các nước khác, ví dụ như Việt Nam”, Tiến sĩ Nguyễn Quang A ở Hà Nội nhận định với VOA hôm 6/2.


“Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc đã xảy ra nhiều năm rồi, chủ yếu là nguyên liệu”, ông cho biết thêm.


“Các công ty Trung Quốc sẽ gặp khó khăn khi làm ăn với Mỹ, họ sẽ chuyển hướng sang các nước trong khu vực, như Việt Nam. Điều này khiến nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc”, một nhà quan sát ở Hồ Chí Minh, người không muốn tiết lộ tên, chia sẻ quan điểm với VOA.


Giới quan sát cho rằng, mức thuế cao hơn của Mỹ có thể làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam. Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ, sẽ gặp khó khăn, vì vậy sẽ gây thêm áp lực cho nền kinh tế Việt Nam.


Tiến sĩ Nguyễn Quang A lưu ý rằng Trung Quốc từ lâu đã là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với cán cân thương mại nghiêng về phía Bắc Kinh.


Năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lên 144 tỷ USD, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.


Với Mỹ thì tình hình ngược lại, thặng dư thương mại của Việt Nam năm 2024 vượt quá 123 tỷ USD, Reuters đưa tin.


Theo các nhà phân tích, cam kết của Hà Nội về nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ cũng như các biện pháp trao đổi khác có thể giúp Việt Nam thoát khỏi chính sách thuế quan của chính quyền Trump.


Tiến sĩ Nguyễn Quang A lưu ý một rủi ro tiềm ẩn lớn đối với Việt Nam là các công ty Trung Quốc đang thành lập nhà máy tại Việt Nam để nhập khẩu sản phẩm rồi tái xuất, nghĩa là họ sẽ đóng gói lại các sản phẩm Trung Quốc với lao động giá rẻ bởi công nhân Việt Nam và xuất khẩu dưới nhãn "Made in Vietnam" để tránh thuế.


“Mỹ hầu như rất để ý đến việc các doanh nghiệp của Trung Quốc chuyển sang Việt Nam và sản xuất từ nguyên liệu của Trung Quốc, với phần đóng góp của Việt Nam không lớn mấy, nhưng lại đóng nhãn ‘Made in Vietnam’ và xuất sang Mỹ. Thực sự như vậy là Việt Nam xuất giúp Trung Quốc sang Mỹ và chắc chắn là chính quyền Mỹ sẽ soi việc này rất kỹ”, Tiến sĩ Nguyễn Quang A bình luận.


https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-chuan-bi-doi-pho-tac-dong-thue-quan-cua-my-doi-voi-hang-hoa-tq/7967539.html